CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT

Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.

 

TỰA

Duy-ma-cật Bất Tư Nghị kinh là một danh xưng tuyệt diệu, cùng tận u huyền; chỉ thú rất sâu xa, lời nói hay hình tượng chẳng thể đạt được; đạo vượt ra ngoài ba không, chẳng phải là điều mà hàng Nhị thừa có thể suy nghĩ. Vì thế, vượt trên sự biểu thị của số lượng, dứt bặt cảnh giới của hữu tâm. Mù mịt không làm mà không gì chẳng làm; chẳng biết vì sao như thế mà luôn như thế, đó là Bất tư nghị vậy. Thế thì, Thánh trí đã tri tư mà chiếu soi cả vạn loài, pháp thân chẳng có hình mà ứng hiện đầy đủ các hình thể; lại âm vận cùng tột thì không lời mà kinh tạng đầy khắp; quyền trí thầm kín đã chẳng tính lường mà khi phát động thì hợp với sự. Cho nên có thể cứu độ khắp tất cả, khai ngộ cho chúng sinh để thành tựu mong cầu; thế thì, lợi lạc khắp thiên hạ mà đối với ngã thật là vô vi. Nhưng người mê thấy cảm ứng chiếu soi liền cho là trí, quán sát thấy ứng hiện các hình thì liền cho là thân, thấy kinh sách vi diệu thì cho là có lời, thấy biến động thì liền cho là quyền. Phàm chỗ cùng tột của đạo há có thể dùng thân hình, ngôn ngữ, quyền biến, trí tuệ mà luận đến cảnh giới rốt ráo linh diệu đó ư? Nhưng chúng sinh mê ngủ trong đêm dài nếu không có lời thì chẳng tỉnh thức, còn đạo thì chẳng tự mình chuyển vận mà phải có người truyền. Vì thế, Như Lai khiến ngài Văn-thù ở phương kia, bảo ông Duy-ma ở cõi nọ, tất cả đều nhóm họp đến Tỳ-da để mở mang đạo lớn này. Kinh này nói rõ, nếu thống nhiếp vạn hạnh thì dùng quyền trí làm chủ, dựng lập gốc đức thì lấy sáu Độ làm gốc, cứu độ quần mê thì dùng Từ bi làm đầu, luận về Tông chỉ thì lấy bất nhị làm môn. Phàm những điều đại chúng nói đều là Bản bất tư nghị, còn như việc mượn tòa Đăng vương, xin cơm Hương tích, tay tiếp cõi đại thiên, trượng thất dung chứa vạn tượng, đều là Tích bất tư nghị. Nhưng cửa huyền thì khó mở, Thánh ứng thì chẳng đồng, nếu chẳng có bản thì không biết lấy gì để thùy tích, nếu chẳng có tích thì chẳng biết lấy gì để hiển bản. Bản tích tuy khác mà bất tư nghị chỉ là một, cho nên mới bảo thị giả lấy đó đặt tên kinh.

Vua nước Đại Tần là bậc thông tuệ siêu thế, linh tâm khai ngộ, hoằng thế pháp trên cả vạn cơ, xiển dương đạo mầu mãi về sau muôn thuở; ông thường xem đọc kinh này, cho rằng đó là ngôi nhà để an tâm, nhưng hận vì bản dịch của Chi Khiêm thì lý trệ ngại nơi văn, mà sợ rằng huyền tông mất nơi người dịch. May thay vận của trời Bắc vẫn hành thông, nên vào niên hiệu Hoằng Thỉ thứ tám, năm Bính Ngọ (406), Vua ban chiếu ra lệnh cho đại tướng quân Thường Sơn công, hữu tướng quân An Thành Hầu cùng với một ngàn hai trăm vị Sa-môn nghĩa học đến Đại tự ở Trường an thỉnh ngài La-thập dịch lại bản chánh. Ngài La-thập là bậc siêu xuất thế tục, tâm đã thầm hợp chân cảnh, trong đời không ai bằng, mà lại giỏi phương ngôn; tay cầm bản tiếng Phạm, miệng dịch thành Hán văn, hàng đạo tục đều kính thành, chỉ một lời mà suy xét kỹ; luyện lọc những điều tinh yếu, mong cầu giữ được ý của Thế Tôn. Do đó văn từ gọn mà đạt, chỉ thú hợp mà rõ. Những lời cao xa vi diệu đều hiển bày ở đây. Tôi bấy giờ, trí tuệ cạn hẹp, chỉ được dự nghe, tuy dùng suy nghĩ thô thiển để tham cứu huyền tông nhưng cũng tạm đạt được văn ý, rồi thuận theo những điều đã nghe được mà chú giải, lược chép thành văn; như thế chỉ là thuật lại mà chẳng phải tự soạn, ngõ hầu trình ra cho các bậc Tri thức nhiều thời cùng được nghe biết.

GIẢI ĐỀ : Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết Ngài La-thập nói:

– Duy-ma-cật, nhà Tần dịch là Tịnh Danh, là một trong năm trăm đồng tử, từ cõi Diệu hỷ du hóa đến cõi này, việc ứng hóa đã xong, sắp trở về bản độ, muốn nhân đây mà hiển bày thần đức để nhuần thấm quần sinh. Nhưng khi hiển tích để khai ngộ thì phải có nguyên do, nên mới bảo các đồng học đến trụ xứ của Phật, còn mình thì chẳng đến, vì một mình ông chẳng đến, nên biết có bệnh. Vì sao? Vì năm trăm bạn đồng học cùng tôn phụng Đại thừa, đến như tiến đức tu thiện, động tĩnh đều gồm đủ, khiến cho hội Tịnh quốc tập nghiệp những người Đại thừa, mà lại chẳng đồng đến, thế thì biết rõ ông Duy-ma có bệnh. Vì có bệnh cho nên có hội Vấn tật, hội Vấn tật là do có hội Tịnh quốc, hội Tịnh quốc là do ông Tịnh Danh phương tiện lập ra. Thế thì kinh này trước sau đều có nguyên do vậy. Nếu căn cứ thuyết mà xét thì các Thánh đều có công, nếu từ bản mà luận thì công đều ở nơi ngài Tịnh Danh. Vốn từ nguyên do đó, cho nên gọi là Duy-ma-cật Sở Thuyết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Duy-ma-cật, Tần dịch là Tịnh Danh, là pháp thân Đại sĩ. Đạo quyền hóa của ông thật vô cùng, ẩn hiển đều không dấu tích; bỏ cõi Diệu hỷ kia mà hiện đến cõi Kham nhẫn này, để hòa quang đồng trần mà khai thông đạo giáo. Ngài thường cùng với Bản Tích du hóa, làm bạn lữ pháp thành. Nay duyên giáo hóa đã hết, sắp trở về cõi Diệu hỷ, cho nên mới hiển hiện thần đức để hoằng đạo chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai. Do ông bảo chỉ một Bảo Tích đến lễ Như Lai, còn riêng mình ở lại, thị hiện có bệnh; vì thế mà phát sinh nguyên do thăm bệnh, kiến lập đầu mối vô ngôn. Vì những lời vi diệu được diễn xướng từ ông Duyma, nên nói là Duy-ma Sở Thuyết.

Ngài Trúc Đạo Sinh nói:

– Duy-ma-cật, Hán dịch là Vô cấu xưng; Ngài đã ấn tích nơi năm dục mà siêu nhiên chẳng nhiễm, danh tiếng vang xa, cho nên có hiệu như thế. Người thích danh mà cầu thật thì tôn trọng lời nói của ông ấy; lời vốn là để hiển lý chân thật; nếu tôn trọng thì cuối cùng sẽ đạt được điều mong cầu nhân đó mà gần gũi lời bậc Thánh cao xa.

Chánh văn: Kinh

Ngài Tăng Triệu nói:

– Kinh tức là thường, xưa nay tuy khác, nhưng đạo giác ngộ chẳng thay đổi, các tà giáo chẳng thể làm ngăn ngại, bậc Thánh chẳng thể làm cho biến dị nên gọi là thường.

Chánh văn: Tên gọi khác là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát.

Ngài La-thập nói:

– Cũng gọi là Tam-muội, cũng gọi là Thần túc. Hoặc dài ngắn biến đổi, hoặc lớn nhỏ tương dung, biến hóa tùy ý; tự tại vô ngại đối với tất cả các pháp nên gọi là giải thoát. Bậc Năng nhân thì có khả năng, nhưng chúng sinh chẳng biết nguyên nhân, cho nên gọi là Bất tư nghị; cũng có thể nói pháp thân Đại sĩ hễ nghĩ đến thì tùy ứng, chẳng phải nhập thiền định rồi sau mới có khả năng như thế. Tâm được tự tại, chẳng bị sự bất năng trói buộc, cho nên gọi là giải thoát. Nếu nói thẳng vào pháp Không, thì trái với lẽ thường không biết lấy gì để làm tin, cho nên mới hiện cảnh vật tùy tâm biến, hầu nêu lên vật không có định tánh. Vật đã không có định tánh, thì tánh đó hư giả. Bồ-tát đạt được không định tánh đó, cho nên có thể khiến cho vật tùy tâm mà biến chuyển, thế thì Bất tư nghị là minh chứng của Không vậy. Vì lấy đó để hiển chỉ thú, cho nên đặt làm tên kinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vi diệu sâu xa, hàng Nhị thừa chẳng thể lường, là Bất tư nghị; tự tại vô ngại, trần lụy chẳng thể câu thúc, gọi là giải thoát. Kinh này, đầu tiên từ phẩm Tịnh Độ cuối cùng là pháp dưỡng, trong đó những điều được đề cập đến tuy khác, nhưng Bất tư nghị giải thoát chỉ là một, cho nên lấy đó làm tên. Trên là lấy tên người để đặt tên kinh, đây thì theo pháp để đặt tên kinh. Dùng pháp làm tên kinh để nêu rõ chỉ thú, dùng người làm tên kinh để nhân nơi người mà hoằng đạo.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nói vô cấu, hoặc là để dứt ngăn hình tích, còn tâm thì k hẳn như thế, nên lại nói thêm là giải thoát. Lại còn một tên khác là Bất tư nghị, gồm hai nghĩa:

  1. Lý không thì chẳng phải là nơi mà hoặc tình có thể mong đến.
  2. Thần kỳ thì chẳng phải là cảnh giới mà hàng hiểu biết cạn cợt thấu suốt được.

Nếu thể hội được lý không thì lìa khỏi cái hoặc tư nghị. Lìa được hoặc thì việc làm khó có thể suy lường. Ông Duy-ma-cật, hôm nay động tĩnh đều thần kỳ, ắt là lìa các hoặc, thoát khỏi các hoặc là do thể hội được không, thuyết không là chỗ thể hội kia, cho nên danh xưng là vô cấu đáng tin mà có chứng cứ, danh xưng mà có chứng cứ thì tâm mong cầu càng cùng tột, mong cầu cùng tột thì lo gì chẳng ngộ?