chế đa sơn bộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(制多山部) Phạm: Caitya-vàdin, hoặc Caitika, Pàli: Cetiya-vàdà. Là một trong hai mươi bộ phái Phật giáo tại Ấn độ, vì bộ chúng của bộ này ở núi Chế đa, cho nên gọi Chế đa sơn bộ. Còn gọi là Chi đề sơn bộ, Chế đa bộ, Chi đề da bộ, Chỉ để ha bộ, Chi đề la a bộ, Du ca bộ, Ma ha đề bà bộ. Cứ theo luận Dị bộ tông luân chép, thì khoảng hai trăm năm sau khi đức Phật hập diệt, ngoại đạo Đại thiên (Phạm: Mahàdeva), xuất gia theo Đại chúng bộ, cùng với chúng tăng của bộ này tranh luận về năm việc rồi lôi kéo chúng tăng ra khỏi Đại chúng bộ, hình thành ba bộ, theo chỗ ở khác nhau mà đặt tên là Chế đa sơn bộ, Tây sơn trụ bộ, Bắc sơn trụ bộ. Hoặc có thuyết nói, sự phân chia ấy là do sau khi Đại thiên xuống miền nam giáo hóa mấy chục năm, các học giả Đại chúng bộ theo thuyết năm việc của Đại thiên, vì tư tưởng và ở cách xa nhau quá lâu, nên mới dần dần chia thành mấy phái. Còn theo luận Bộ chấp dị chép, thì thời ấy chia làm hai bộ Chi đề sơn và Bắc sơn – kinh Văn thù vấn quyển hạ phẩm Phân bộ thì chép chia làm hai bộ là Đông sơn trụ bộ và Bắc sơn trụ bộ, chứ chưa đề cập đến tên Chế đa sơn bộ.Về nguyên nhân đưa đến sự phân hóa của bộ này, cứ theo luận Dị bộ tông luân chép, là do sự tranh luận về năm việc của Đại thiên gây ra. Nhưng theo Tam luận huyền nghĩa chép, thì vì vấn đề được giới mà sinh ra tranh luận rồi đưa đến sự chia rẽ. Lại luận Dị bộ tông luân bảo, sự chia rẽ của hai bộ căn bản Thượng tọa và Đại chúng là do tranh cãi về vấn đề năm việc của Đại thiên, sau có một Đại thiên trùng tên (Tặc trụ đại thiên) lại nêu lên năm việc mà đưa đến sự chia rẽ thành ba bộ Chế đa sơn. Luận Bộ chấp dị thì chỉ nói đến Tặc trụ đại thiên, chứ khi hai bộ căn bản phân hoá thì chưa đề cập đến việc của Đại thiên kia. Thuyết hai Đại thiên, tranh luận lại năm việc, còn phải cần được thương xác. Về Tông nghĩa của bộ này, cứ theo luận Dị bộ tông luân nói, thì ba bộ Chế đa sơn, Tây sơn trụ, Bắc sơn trụ, nghĩa đồng như nhau, đều chủ trương các Bồ tát vẫn không thoát khỏi ngã ác – cho dù có cúng dường Tốt đổ ba (tháp có để xá lợi Phật), cũng không được quả lớn – A la hán tuy không còn bị dâm dục làm phiền não, mất bất tịnh, nhưng có khi gặp các ác ma đưa bất tịnh dính vào áo La hán. Còn về năm việc và các nghĩa môn khác thì luận điểm của ba bộ này phần nhiều giống với thuyết của Đại chúng bộ. [X. luận Thập bát bộ – Tứ phần luật sớ sức tông nghĩa kí Q.3 phần đầu – Ngũ giáo chương thông lộ kí Q.16]. (xt. Đại Chúng Bộ).