BIỂU CHẾ TẬP

Sa-môn Thích Viên Chiếu chùa Tây Minh ở Thượng Đô Trường An biên tập.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Biểu văn có mười tám bài, đáp chế chín bài, tổng cộng hai mươi bảy bài:

  1. Biểu văn xin đưa tất cả kinh điển đã được phiên dịch, suốt trong ba triều vua vào mục lục để lưu hành. (có phần trả lời)
  2. Biểu tạ ân đức cho phép đưa các kinh luận mới phiên dịch vào mục lục để lưu hành. (có phần trả lời)
  3. Chế văn ban tặng biển ngạch chùa Phật Đường ở phường Tây Uyển, huyện Tây Hà, Phân Châu.
  4. Biểu ân ban cầu mưa, mừng được mưa. (có phần trả lời)
  5. Chế văn tuyển chọn các vị Đại đức ở tháp Viện Tôn Sư và ở viện Cổ Thạch Giới Đàn tại Đông Đô.
  6. Chế văn thỉnh Pháp sư Siêu Ngộ tu sáu pháp Bồ-tát ở chùa Hóa Độ.
  7. Chế văn ban lệnh thiết trí viện Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát ở các chùa trong nước.
  8. Biểu cảm tạ ban sắc thiết trí viện Văn-thù ở các chùa trong nước.
  9. Chế văn xin ở hai đường cái trong kinh thành, mỗi nơi lập một ngôi chùa để giảng kinh.
  10. Chế văn giáng chức tự chủ chùa Đại Hưng Thiện của Sa-môn Viên Kính và đưa về chùa Tuệ Viễn ở phủ Hà Nam.
  11. Sớ văn kính dâng kinh “Văn-thù-sư-lợi Phật Sát Công Đức”.
  12. Chế văn xin bổ nhiệm Sa-môn đạo ngộ trước đây giữ chức Duy-na, nay cho làm chức tự chủ.
  13. Biểu tạ ân ban tặng một tạng “Nhất Thiết Kinh của Quỳnh Hoa chân nhân”. (có phần trả lời)
  14. Biểu tạ ân ban tặng bánh chưng, tiền v.v… mọi vật, nhân ngày thượng lương điện các Đại Thánh Văn-thù. (có phần trả lời)
  15. Biểu tạ ơn vua đã ban sắc cho Tam tạng Hòa-thượng cầu mưa, chúc mừng trời mưa. (có phần trả lời)
  16. Biểu vâng chịu an ủy Quỳnh Hoa chân nhân tạ thế. (có phần trả lời)
  17. Biểu tạ ân ban tặng lụa trắng ngày mùng 5 tháng 5. (có phần trả lời)
  18. Chúc thư của Hòa-thượng Tam Tạng.

 

1. BIỂU VĂN XIN ĐƯA TẤT CẢ KINH ĐIỂN ĐÃ ĐƯỢC PHIÊN DỊCH, SUỐT TRONG BA TRIỀU VUA VÀO MỤC LỤC ĐỂ LƯU HÀNH:

Suốt thời gian ba triều vua (Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông), các kinh điển đã được phiên dịch gồm có bảy mươi bảy bộ; một trăm lẻ một quyển đều đưa vào mục lục một quyển:

  • Kinh Kim Cương Đảnh Du-già Chân Thật Đại Giáo Vương: ba quyển
  • Kinh Kim Vương Đảnh Du-già Bát-nhã Lý Thú: một quyển.
  • Kinh Quán Tự Tại Bồ-tát Thọ Ký: một quyển.
  • Kinh Du-già Niệm Châu: một quyển.
  • Kinh Kỳ Đặc Phật Đảnh: ba quyển.
  • Kinh Quán Tự Tại Bồ-tát Tối Thắng Minh Vương Tâm: một quyển.
  • Kinh Kim Cương Đảnh Du-già Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát: một quyển.
  • Kinh A-lợi-đa-la-a-lỗ-lực: một quyển.
  • Tán Phổ Hiền Hạnh Nguyện: một quyển.
  • Tán Địa Tạng Bồ-tát Vấn Pháp Thân Tán: một quyển.
  • Kinh Xuất Sinh Vô Biên Môn: một quyển.
  • Kinh Đại Cát Tường Thiên Nữ: một quyển.
  • Kinh Để Lý Tam-muội-da: ba quyển.
  • Kinh Thập Nhất Diệu Quán Tự Tại Bồ-tát: một quyển.
  • Kinh Kiết tường thiên nữ thập nhị danh hiệu: một quyển.
  • Kinh Kim Cương Đảnh Du-già Thập Bát Hội Chỉ Quy: một quyển.
  • Kinh Kim Cương Đảnh Du-già Tam Thập Thất Tôn Phân Biệt Thánh Vị Pháp Môn: một quyển.
  • Kinh Bồ-đề Tràng Sở Thuyết Nhất Tự Đảnh Luân Vương: năm quyển.
  • Kinh Bảo Khiếp: một quyển.
  • Kinh kim Cương Thọ Mạng Đà-la-ni: một quyển.
  • Kinh Đại Khổng Tước Minh Vương: ba quyển.
  • Kinh Đại Vân Thỉnh Vũ: hai quyển.
  • Kinh Tương Ngô lê Đồng Nữ: một quyển.
  • Kinh Vũ Bảo Đà-la-ni: một quyển.
  • Kinh Đạo Cán Dụ: một quyển.
  • Kinh Đại Bảo Quảng Bác Lâu Các: ba quyển.
  • Kinh Bồ-đề Trường Trang Nghiêm: một quyển.
  • Kinh Trừ Nhất Thiết Tật Bệnh Đà-la-ni: một quyển.
  • Kinh Thí Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà-la-ni: một quyển.
  • Kinh Tam Thập Ngũ Phật Danh: một quyển.
  • Kinh Bát Đại Bồ-tát Đà-la-ni: một quyển.
  • Kinh Diệp Y Quán Tự Tại Bồ-tát Đà-la-ni: một quyển.
  • Kinh Ha-lợi-đế mẫu: một quyển.
  • Kinh Tỳ-Sa-môn Thiên Vương: một quyển.
  • Kinh Quán Tự Tại Bồ-tát Thuyết Phổ Hiền Đà-la-ni: một quyển.
  • Kinh Văn-thù Vấn Tự Mẫu Phẩm: một quyển.
  • Kim Cương Đảnh Liên Hoa Bộ Tâm Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Kim Cương Đảnh Du-già Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại: một quyển.
  • Vô Lượng Thọ Như lai Niệm Tụng Nghi Quỹ: một quyển.
  • A Súc Như lai Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Phật Đảnh Tôn Thắng Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Kim Cương Đảnh Thắng Sơ Du-già Phổ Hiền Bồ-tát Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Kim Cương Vương Bồ-tát Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Phổ Hiền Kim Cương Tát-đỏa Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Kim Cương Đảnh Du-già Ngũ Bí Mật Tu Hành Nghi Quỹ: một quyển.
  • Kim Cương thọ mạng Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Nhất Tự Đảnh Luân Vương Du-già: một quyển.
  • Nhất Tự Phật Đảnh Luân Vương Niệm Tụng Nghi Quỹ: một quyển.
  • Nhân Vương Bát-nhã Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Như Ý Luân Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Đại Hư Không Tạng Bồ-tát Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Du-già Liên Hoa Bộ Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Cam lộ Quan-tra-lợi Du-già Niệm Tụng Pháp: một quyển.
  • Quán Tự-tại Bồ-tát Chân Ngôn Quán Hạnh Nghi Quỹ: một quyển.
  • Pháp niệm tụng Quán tự tại Da la Du già: 1 quyển.
  • Hoa nghiêm Nhập Pháp Giới Phẩm Tứ Thập Nhị Tự Môn Quán: một quyển.
  • Văn-thù Tán Pháp Thân Lễ: một quyển.
  • Thọ Bồ-đề Tâm Giới Nghi: một quyển.
  • Kim Cương Đảnh Du-già Tam Thập Thất Tôn Lễ: một quyển.
  • Lý Thú Bát-nhã Thích: một quyển.
  • Đại Mạn-đồ-la Thập Thất Tôn Thích: một quyển.
  • Kim Cương Đảnh Du-già Hộ-ma Nghi Quỹ: một quyển.
  • Chư Bộ Đà-la-ni Mục: một quyển.
  • Luận Đại Thừa Duyên Sinh: một quyển.
  • Kinh Thất-câu-chi Phật mẫu Đà-la-ni: một quyển.
  • Kinh Đại Hư Không Tạng Bồ-tát Sở Vấn: một quyển.
  • Kinh Nhân Vương: hai quyển.
  • Kinh Mật Nghiêm: ba quyển.
  • Nhân Vương Niệm Tụng Nghi Quỹ: một quyển.
  • Nhân Vương Kinh Sớ: ba quyển.

Sa-môn Bất Không nói: Bất Không tôi từ thuở nhỏ được kính thờ tôn sư Đại hoằng Giáo Tam Tạng Hòa-thượng Kim Cương trí suốt hia mươi bốn năm, bẩm thọ Pháp Môn Du-già. Sau đó, đi khắp năm xứ Ấn Độ tìm cầu những điều chưa được thọ học và các kinh luận, để học tập lại. Tìm được các kinh luận Du-già chân ngôn bản Phạn hơn năm trăm bộ. Kính vì nước nhà mà dịch rõ lời Thánh, rộng gieo phước đức. Vào niên hiệu Thiên Bảo thứ 5 (76), đi đến Thượng đô, vâng phụng ân ban Hoàng Đế Huyền Tông, ở tại trong cung, thiết lập đạo tràng, đem các kinh luận mang theo được, cố gắng phiên dịch, đến lúc Hoàng Đế Túc Tông kế thừa vương vị, đặc biệt kính vâng ý chỉ, ở tại đạo tràng trong cung kiến lập đàn tràng Hộ-ma quán đảnh. Lại vì nước nhà phiên dịch kinh điển giúp vua Hoằng Hóa. Được nhận đặc ân ban tặng của hai vị Thánh vương (Huyền Tông, Túc Tông) nên các kinh luận bằng tiếng Phạn của các vị Tam Tạng Pháp sư ở đời trước đem đến đều được tìm hiểu. Trong đó có những quyển sách bìa rách nát rơi rớt sót mất bèn được tu bổ. Còn với những bộ không phiên dịch thì tiếp tục phiên dịch để trình lên vua xét biết, cúi mong Bệ hạ kế thừa mà tiếp nối vận Thánh, chở che hàm linh, mở rộng ruộng phước, sáng ngời như nhật nguyệt. Ân nhuần khắp xa, mưa Pháp truyền rộng, bốn biển tâm tưởng là nhà, muôn phương vui mừng mang đội. Vậy đủ biết sự phó chúc của Phật Tổ đều đầy đủ ở Thánh Quân.

Bất Không tôi được nhờ ân đức, vinh hạnh thật sâu. Tự suy xét điều ấy biết làm sao báo đáp nước nhà! Kính Vâng thánh chỉ tiên vương mở bày pháp mầu, lại kính vâng ân ban của bệ hạ cung kính tuân theo chỉ dụ để lại, tiếp tục phiên dịch kinh điển làm lợi ích chúng sinh. Tuy là trọn năm bốn mùa đều cố gắng siêng năng nhưng chưa thể báo đáp trong muôn một. Vì vậy cứ khư khư suốt ngày đêm, lo việc phiên dịch chân ngôn và các kinh điển Đại thừa, mong xem xét lại những sai sót. Trên nương nhờ Hoàng đạo, với các pháp môn trong Kim Cương Đảnh Du-già đã phiên dịch, ấy là con đường thành Phật nhanh chóng. Những ai tu hành theo pháp môn ấy, thì chắc chắn nhanh chóng vượt khỏi cảnh phàm, đạt đến bờ kia. Ngoài bộ chân ngôn ra, phương tiện của các Đức Phật không chỉ là một, nên các kinh điển Đại thừa đã phiên dịch đều là tu tạo phước đức để nước nhà dứt hết sạch tai ách. Trăng sao không gây hoạn nạn, mưa gió thuận hòa. Ngưỡng nhờ năng lực Phật giúp thành nước nhà. Kính cẩn gom góp lại các kinh điển trước sau đã phiên dịch xong, tính từ niên hiệu Khai Nguyên cho đến niên hiệu Đại Lịch thứ 06 (trước năm 72-771), gồm có một trăm lẻ một quyển; bảy mươi bảy bộ và Mục lục một quyển. Đồng thời ghi chép tên tuổi cho kẻ tăng người tục đã xong. Nay nhân ngày khánh đản, kính cẩn trình dâng, ngõ hầu được chân ngôn giúp đỡ, ủng hộ bệ hạ lâu dài. Do oai lực của Đại thừa mà quốc dân mãi an khương. Trong các kinh điển bản Phạn chưa phiên dịch, chỉ có các kinh giữ gìn nước nhà, phước nhuận sinh linh mới tiếp tục phiên dịch, trình tấu lên bệ hạ xét biết. Không gì hơn sự thành kính đến cùng, kính cẩn dâng biểu để bệ hạ xét biết, Sa-môn Bất Không tôi vô cùng lo sợ kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 06 (771), ngày 12 tháng 10.

Đặc tiến Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không kính biểu.

Bảo Ứng nguyên thánh văn võ Hoàng Đế phê:

Hòa-thượng ngày trước phụng thừa tiên triều mở mang pháp mầu, giảng nói kinh điển, rộng chỉ bày bến mê. Trẫm kế thừa nghiệp lớn, cung kính vâng thừa yếu chỉ sáng suốt, Hòa-thượng lại phiên dịch rõ ràng, khiến mỗi quyển bộ thảy đều hoàn tất, mãi mãi cứu giúp sinh linh, thật đáng vui mừng thấm thiết. Các kinh điển Hòa-thượng đã phiên dịch nên giao phó trong ngoài, đưa vào mục lục Nhất Thiết kinh.

2. BIỂU TẠ ÂN ĐỨC CHO PHÉP ĐƯA CÁC KINH LUẬN MỚI PHIÊN DỊCH VÀO MỤC LỤC ĐỂ LƯU HÀNH:

Sa-môn Bất Không nói: Trung sứ Lý Hiến Thành phụng tuyên thánh chỉ đưa các kinh luận mới phiên dịch vào mục lục, ban một bài chế đáp lại biểu văn đưa kinh vào mục lục, ban một chỉ dụ bảo trong ngoài thi hành, vẫn cung kính đưa vào mục lục Nhất Thiết Kinh. Vui mừng ân trọng, không dám vừa mừng vừa sợ, vừa vui vừa thẹn! Cúi mong Bệ hạ vâng thừa phó chúc của Đấng Pháp vương, đầy đủ chí nguyện của tâm người, gìn giữ mật ấn của Phổ Hiền, thực hành chánh giáo của thiên tử, suốt ngày đêm soi sáng ban trải khắp tám phương, trong khoảng khắc đó rưới ân nhuần đến muôn vật. Đó là khắp đất trời đều rất hạnh phúc, huống gì đối với Bất Không tôi ư? Nhưng Bất Không tôi, suốt hơn bốn mươi năm phiên dịch thánh điển, suốt ba triều đại ca ngợi tu tập công đức với chí nguyện muốn truyền bá. Trên nhờ ân đức bệ hạ, dưới thấm nhuần sinh linh, đâu phải tâm ý ấy trong một triều đại mà nguyện mãn. Ân đức thánh vương thật rộng lớn, nhiều kiếp khó đáp đền, huống gì lại còn đặc ân cho phép phiên dịch bản Phạn các kinh chưa phiên dịch, càng thêm buồn vui, cảm kích, dốc hết sức lực kính vâng thánh chỉ, tiếp tục phiên dịch để dâng lên, mừng sợ mang ân đến cùng không tự kềm chế được, kính cẩn, nhờ trung sứ Lý Hiến Thành dâng biểu để bệ hạ xét biết, Bất Không tôi vừa mừng vừa thẹn kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 07 (772), ngày 27 tháng giêng.

Đặc tiến Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không kính biểu.

Bảo ứng nguyên thánh văn võ Hoàng Đế phê:

Hòa-thượng đã chứng Bồ-đề từ lâu, nhập vào tri kiến Phật, các kinh điển phiên dịch thảy đều thấu suốt tinh tường đáng thọ học. Trẫm ban lệnh thi hành phép tắc truyền bá, soi sáng ban bày khắp nơi, rộng cứu giúp hàm linh, còn chưa tỏ sáng thuyền từ, sao nhọc lòng phải trình bày cảm tạ vậy.

3. CHẾ VĂN BAN TẶNG BIỂN NGẠCH CHÙA PHẬT ĐƯỜNG Ở PHƯỜNG TÂY UYỂN, HUYỆN TÂY HÀ, PHÂN CHÂU:

Viên Phật đường xưa ở phường Tây Uyển, huyện Tây Hà, thuộc Phân Châu.

Hữu Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không trình tấu: việc chùa Phật Đường nói trên, ở huyện Tây Hà, người dân trong xã ấp, khoảng niên hiệu Chí Đức (756-75), cùng chung chí nguyện tu tập, nên yêu nghiệt đều tan mất, nước nhà phục hồi, cũng nhân vậy, tiên thánh hiếu cảm Hoàng đế lấy làm tên xã, cũng không phiền nhiễu công gia, cũng khhông có cầu xin riêng. Mọi người ở xã ấy tự đem của cải trong nhà ra để xây dựng. Từ đó về sau, thường xuyên sửa chữa không thôi. Năm trước vâng lệnh vua ban phụng tu công đức ở núi Ngũ Đài, một hôm đến viện Phật Đường ấy tìm hỏi nguyên do, thảy đều rõ biết sự thật, ở đó, Điện đài phòng nhà đều làm hoàn tất, rất mong ân đức bê hạ ban cho biển ngạch hiệu chùa.

Trung thư môn hạ, Điệp văn của Đại Quảng Trí Bất Không.

Điệp văn kính vâng chỉ dụ nên ban tặng biển ngạch hiệu chùa là “pháp tân”, như Điệp văn chuẩn định, ban sắc cố điệp.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 07 (772), ngày 0 tháng 03. – Trung thư thị lang Bình Chương sự Nguyên Tải – Môn hạ thị lang Bình Chương sự Vương Tấn.

– Binh bộ thượng thư Bình Chương sự Lý Sứ. – Tư Đồ kiêm trung thư lệnh sứ.

4. BIỂU ÂN BAN CẦU MƯA, MỪNG ĐƯỢC MƯA:

Sa-môn Bất Không nói: Trung sứ Khương Đình Hoàn đến phụng tuyên thánh chỉ. Nhân vì kháng dương (Hạn hán quá đỗi) nên ra lệnh cầu mưa, chỉ trong bảy ngày là được, Bất Không tôi nghe: lời nhỏ như mây tơ chuẩn xác là vua vậy, ban truyền rộng lớn mà vâng theo là bề tôi vậy. Cúi mong Bệ hạ rõ tứ mục, đạt tứ thông. Trời cao nghe biết khiến tâm lo cấy gặt. Thật đáng gọi là Nguyên thủ rất mực thấu suốt vậy. Đã kính vâng thiên chiếu, hẳn chóng gấp trang nghiêm đạo tràng, không ai chẳng dốc hết lực chuyên nhất tâm, khiến bệ hạ thành khẩn y theo Di giáo của các Đức Phật, tâm vi mật khẩn thiết, chí thành thì cảm cách đến thần linh, không nhọc sự vời đến của yên vũ, đã ban ân huệ khắp trời, dưới thì thuận lòng người trông mong, trên thì phù hợp với thánh tâm. Chân dậm tay múa, không dám nhảy nhót reo mừng, kính cẩn dang biểu trình bày chúc mừng để bệ hạ xét biết, Sa-môn Bất Không tôi vô cùng vui mừng kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ sáu (771), ngày 03 tháng 0.

Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không dâng biểu.

Bảo ứng nguyên thánh văn võ Hoàng Đế phê:

Hòa-thượng hạnh mầu tròn sáng, lòng từ cứu giúp rộng lớn, lo nghĩ sâu xa về nước nhà, lòng nhân phù hợp với sinh linh. Trang nghiêm thanh tịnh đàn tràng, chí thành mong cầu ân trạch, ngày đêm siêng cầu chân thánh chiếu lâm, chưa đến mười ngày đã có mưa, mầm xanh tươi tốt, hy vọng được mùa. Ngoảnh nhìn lại chỉ vì trẫm đức mỏng nên ôm lòng tự thẹn mà cố gắng vậy.

5. CHẾ VĂN TUYỂN CHỌN CÁC VỊ ĐẠI ĐỨC Ở THÁP VIỆN TÔN SƯ VÀ Ở VIỆN CỔ THẠCH GIỚI ĐÀN TẠI ĐÔNG ĐÔ:

Tháp viện Cố Hòa-thượng Tam Tạng Đại Hoằng giáo ở chùa Tiến phước tại Đông Đô, xin chọn bảy vị Đại đức nổi tiếng đức hạnh ở các chùa.

Ngày tôn sư của Bất Không tôi còn tại thế, đặc biệt được Huyền Tông tiên đế an trí tháp viện nói trên, trải qua nhiều năm tháng đã lâu, mái tháp có phần hư hoại, hương đèn dâng cúng thường thiếu sót, không người lo việc quét dọn. Nay xin chọn bảy vị Đại đức ở các chùa đến ở tại tháp viện ấy, ngày đêm sáu thời sám tụng, vì nước nhà mà tiến tu tam mật du già, tiếp tục kế thừa đạo nghiệp cũ của Tôn sư.

Đồng thời Viện Nhất thiết Hữu bộ Cổ Thạch Giới Đàn cũng chọn mời bảy vị luật sư nổi tiếng đức hạnh mỗi năm kiến lập giới đàn, truyền giới cho chư tăng.

Viện Cổ Thạch giới Đàn ấy là nơi ngày trước Hòa-thượng Bất Không xả y bát mà sáng lập. Ngay trong ngày Bất Không thọ giới cụ túc cũng có tâm nguyện chân thành hứa đồng tu tập. Bất Không tôi được nương ân Thánh, mong rằng gương ngọc lại sáng soi, thấy được phép tắc của tôn sư, trông mong bánh xe vàng luân lại xoay chuyển, nay xin đặt trí biển ngạch viện “nhất thiết hữu bộ Giới đàn”, đồng thời chọn bảy vị Đại đức nổi tiếng, bốn mùa vì chư tăng thường giảng nói giới luật, ngày đêm sáu thời vì nước nhà mà tu hành pháp môn tam mật.

Các việc trên, Đặc tiến Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam tạng Đại Quảng Trí Bất Không chùa Đại Hưng Thiện trình tấu: sự việc các viện chọn mời chư tăng và đặt trí biển ngạch, xin có gì thiếu sót thì thay thế vào, ở tại phủ huyện ấy, tất cả mọi sai liệu và tất cả việc tăng, đều xin xóa bỏ, không đồng như các chùa khác. Cẩn trọng các sự việc nói trên.

Trung thư môn hạ, Điệp văn của Đại Quảng Trí Bất không.

Điệp văn kính vâng chỉ dụ nên y cử Điệp văn chuẩn định, ban sắc cố điệp.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 7 (772), ngày 16 tháng 6.

– Trung thư thị lang Bình chương sự Nguyên Tải.

-Môn hạ thị lang Bình chương sự Vương Tấn.

– Binh Bộ Thượng thư Bình chương sự Lý sứ.

– Tư Đồ Kiêm Trung thư lệnh sứ.

6. CHẾ VĂN CUNG THỈNH PHÁP SƯ SIÊU NGỘ GIẢNG KINH TRƯỚC SÁU TÔN TƯỢNG BỒ-TÁT Ở CHÙA HÓA ĐỘ.

Sáu tôn tượng Đại Bồ-tát ở chùa Hóa Độ.

Hữu Đặc tiến Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam tạng Đại Quảng Trí Bất Không chùa Đại Hưng Thiện trình tấu: Trước đây kính vâng ân ban tu tạo công đức nói trên, nay cung thỉnh Pháp sư siêu Ngộ ở trước các tôn tượng, vì nước nhà mà giảng nói Kinh Đại Bát Niết-bàn, mong Bệ hạ sùng tu tẩy rửa mắt tai của hàm linh, thì tâm nguyện vi mật sẽ được viên mãn.

Trung thư môn hạ, Điệp văn của Đại Quảng Trí Bất không.

Điệp văn Từ Bộ chuẩn định như vậy.

Điệp văn kính vâng chỉ dụ, nên y cử Điệp văn chuẩn định, ban sắc cố điệp.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 07 (772), ngày mồng 02 tháng 0.

– Trung thư thị lang Bình chương sự Nguyên Tải.

– Môn hạ thị lang Bình chương sự Vương Tấn.

– Binh Bộ Thượng thư Bình chương sự Lý Bão Ngọc.

– Tư Đồ liêm trung thư Lệnh sứ.

– Từ Bộ Điệp Đại Quảng Trí Bất không.

Điệp văn kính vâng Trung thư môn hạ ban sắc Điệp văn như Điệp văn chuẩn định, ban sắc cố điệp.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 07 (772), ngày mồng 0 tháng 0.

– Lệnh Sử Thượng Tú Điệp, chủ sự Lưu nghĩa, tức trung Trữ Trường Nhụ.

7. CHẾ VĂN BAN LỆNH THIẾT TRÍ VIỆN VĂN-THÙ-SƯ-LỢI BỒ-TÁT Ở CÁC CHÙA TRONG NƯỚC:

Trung thư môn hạ, Điệp văn của Tam Tạng Bất Không.

Điệp văn kính vâng chỉ dụ ban sắc tại kinh thành, và tăng ni các chùa khắp trong nước. Mỗi nơi phải chọn một vị trí tôn nghiêm, thiết trí viện Đại thánh Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát. Mỗi nơi tại bổn phủ, huyện, trưởng quan cần phải tu tập và tìm kiếm tôn tượng Văn-thù-sư-lợi đắp thắp họa vẽ công phu hoàn tất, mỗi mỗi về lại hình trạng để trình tấu, không được tạo lập riêng ngoài chùa. Điệp văn chuẩn định, ban sắc cố điệp.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 07 (772), ngày mồng 16 tháng 10.

– Trung thư thị lang Bình chương sự Nguyên Tải.

– Môn hạ thị lang Bình chương sự Vương Tấn.

– Binh Bộ Thượng thư Bình chương sự Lý Sứ.- Tư Đồ Kiêm trung thư lệnh sứ.

8. BIỂU CẢM TẠ BAN SẮC THIẾT TRÍ VIỆN VĂN-THÙ Ở CÁC CHÙA TRONG NƯỚC:

Sa-môn Bất Không nói: “Kính thấy ngày 16 tháng nay, đặc ban tại kinh thành cũng như tăng ni các chùa trong nước, mỗi nơi tự chọn một vị trí tôn nghiêm để thiết lập viện Đại Thánh Văn-thù-sư-lợi Bồtát, đồng thời tìm kiếm người họa vẽ khắc đắp tôn tượng Văn-thù”. Bất Không tôi nghe: Duy Thánh tu đạo pháp lành, công đức ấy kinh động cả trời đất, thấm nhuần ân tuệ khắp sinh linh, cao như Nhật Nguyệt. Bất Không tôi vô cùng vui mừng đội ân, lại vui mừng hớn hở. Cúi mong Bệ hạ khai huyền tạo của Đấng Pháp Vương, mở ruộng phước thật khác thường. Kiến lập chân dung Đức Đại thánh Văn-thù, khiến khắp cả nước đều được chiêm ngưỡng. Ở nơi kẻ tăng người tục sáng ngời vinh hạnh thật sâu sắc. Vả lại, Đức Đại Thánh Văn-thù là thầy của các Đức Phật, các Tổ, vì lòng Đại bi phát thệ nguyện rộng lớn không nhận quả chánh giác, vận dụng Đại thừa dẫn đạo lợi lạc không kỳ hạn. Ngày xưa, Đức Thích-ca Như Lai, trước đã có lời huyền ký: giáo điển nhất thừa sẽ hưng thạnh tại Trung Hoa, sẽ có những bậc chí Thánh Đế vương sẽ dùng chánh pháp Đại thừa để trị quốc. Hơn tám trăm năm, trải qua rất nhiều đời Đế vương, Thánh hiền, thật chưa có ai như Bệ hạ cả. Bất Không tôi do nhân hạnh gì mà được sinh gặp thời Thánh triều, tu hành Đại thừa, kính thờ Văn-thù-sư-lợi. Thường đem các chân ngôn của Đại Thánh Văn-thù vì nước nhà mà trì tụng đặt biệt, thường mong hộ niệm, ân đức càng sâu. Ngày đêm suy nghĩ không biết làm sao để báo đáp! Chẳng phải là bỗng nhiên, thiên từ nhuần khắp, rơi lệ túc thành, quên ăn bỏ ngủ, không dám buồn vui, chẳng gì hơn mong đợi đến cùng, kính cẩn nương nhờ trung sứ Dương Quý Trân dâng biểu trình bày nỗi vui mừng để Bệ hạ xét biết, Sa-môn Bất không tôi vô cùng vui mừng kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 07 (772), ngày 27 tháng 10.

Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam tạng Đại Quảng Trí Bất Không chùa Đại Hưng Thiện kính biểu.

Bảo Ứng Nguyên Thánh văn võ Hoàng Đế phê:

Đức Đại Thánh Văn-thù chứng chánh giác từ lâu, cứu vớt chúng sinh trong ba cõi, trấn nhiếp rồng dữ nơi Ngũ Đài, đạo từ bi sâu xa, công mở mang sự cứu giúp rộng, cho nên bảo ban tất cả tăng ni hướng về nương tựa. Tôn sư của Tam tạng Bất Không vốn người Tây Vực nên đáng rất an ủy thỏa thích. Đó là điều đáng chúc mừng vậy.

9. CHẾ VĂN XIN Ở HAI ĐƯỜNG CÁI TRONG KINH THÀNH, MỖI NƠI LẬP MỘT CHÙA ĐỂ GIẢNG KINH:

Kinh Đại Hư Không Tạng mới phiên dịch. Đại Đức Pháp sư Nguyên Doanh ở chùa Chương Kính, mời giảng ở chùa Bảo Thọ, Đại đức Pháp sư Đạo Dịch ở chùa Tư Thánh mời giảng ở chùa Tây Minh.

Hữu Đặc tiến Thí Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không chùa Đại Hưng Thiện trình tấu: bộ kinh nói trên, kính vâng chiếu ban hành, chưa từng khai giảng, nếu không khen ngợi, thì sao nói lên công đức của bậc Thánh, các Đại đức nói trên đồng thuật sớ giải đã xong, xin ở hai đường cái ở phía Đông và phía Tây mỗi bên lập một chùa để thừơng giảng kinh ấy, mong cầu phước đức lưu nhuận, trên đội ân Thánh thọ.

Trung thư môn hạ, Điệp văn của Đại Quảng Trí Bất Không.

Điệp văn kính vâng chỉ dụ nên y cử Điệp văn chuẩn định, ban sắc cố điệp.

Niên hiệu Đại Lịch thứ (773), ngày mồng 04 tháng 01.

– Trung thư thị lang Bình chương sự Nguyên Tải.

– Môn hạ thị lang Bình Chương sự Vương Tấn.

– Binh bộ thượng thư Bình chương sự Lý sứ.

– Tư Đồ kiêm trung thư lệnh sứ.

Ngày 15 tháng 2, đầu tiên ban sắc ở viện phiên kinh, chùa Đại Hưng Thiện, tu tạo Điện các “Đại Thánh Văn-thù trấn quốc”. Đại đức Tú Nham sung sứ tu tạo, nhờ Sa-môn Tuệ Thắng cùng xem xét, Sa-môn Bất Không nói: cúi mong ân ban thánh chỉ phiên dịch kinh ấy, nhờ thần lực các vị thiên che chở giữ gìn mà cho quyển hoàn tất, tên tuổi tăng tục chứng nghĩa nhuận văn, ngày tháng năm, nơi chốn đều xếp ở cuối quyển. Tháng trước, nhân lễ Đoan ngọ, kính dâng đã xong. Ân tình tháo tiết thánh vương hứa tặng ban tuyên. Bất Không tôi vừa mừng vừa sợ, lại thẹn mà gánh vác. Bất Không tôi nghe. Người lập giáo là Đức Như Lai, còn người mở mang truyền bá thi hành Phật sự chẳng phải Thánh Chúa thì là ai? Cúi mong Bệ hạ quay trời trăng ở Hoàng Đạo, rũ mưa móc nơi thương sinh, thấm nhuần muôn vật hữu tình, kẻ tăng người tục riêng hạnh tu hành thấm đượm vỗ về. Chưa biết báo đáp thế nào! Nhưng kinh này là cội nguồn của các hạnh, là tên gọi riêng của Tịnh Độ, Bồtát Đại nguyện công đức trang nghiêm tam muội thần thông, pháp ấn Như Lai, không pháp nào chẳng đầy đủ. Tạm nghe tùy hỷ, phước còn vô lượng, huống gì thọ trì đọc tụng, công đức làm sao hạn lượng được, mong đem pháp lợi này báo đáp trong muôn vật. Rất mong ân đức bệ hạ ban bảo khắp trong nước, ở chùa lớn thì bảy vị tăng, chùa nhỏ thì ba vị tăng ở tại viện Văn-thù mới thiết lập, suốt thời gian lâu dài vì nước nhà mà giảng nói trì tụng, như có thiếu sót tức liền thay thế, mục đích là làm cho pháp âm lưu truyền không dứt, khắp cùng đất nước mãi mãi an khang, bảo hộ thánh vương lâu dài, không gì hơn khẩn nguyện đến cùng, kính cẩn dâng biểu để xét biết, Sa-môn Bất Không tôi vừa kính xin vừa lo sợ kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 0 (773), ngày … tháng 06.

Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Tam Tạng Sa-môn Đại Quảng Trí Bất Không kính biểu.

10. CHẾ VĂN GIÁNG CHỨC TỰ CHỦ CHÙA ĐẠI HƯNG THIỆN CỦA SA-MÔN VIÊN KÍNH VÀ ĐƯA VỀ CHÙA TUỆ VIỄN Ở PHỦ HÀ NAM:

Tự chủ chùa Đại Hưng Thiện là Sa-môn Viên Kính bị phân phối về chùa Tuệ Viễn ở huyện Lục Hồn, Phủ Hà Nam.

Hữu Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không chùa Đại Hưng Thiện trình tấu: Sự việc Sa-môn Viên Kính trước đây gần sắp giải xem xét tăng, Bất Không tôi bèn đề cử sung chức tự chủ chùa Đại Hưng Thiện, nay được Đồ chúng khiêm nhượng khen ngợi hành trạng v.v…. Sa-môn Viên Kính tự đảm nhiệm giềng mối, xâm đoạt tổn hoại của thường trụ, phá hủy nhà cửa của chúng tăng yên ở mà sửa chữa phòng riêng của mình, phi lý sai sử người nhà, ngàn công đã hạ, vọng bày nhóm họp ni chúng ngủ nghỉ qua đêm, chẳng gìn Giữ mọi sự chê bai nghi ngờ, thấy khắp phủ kinh triệu tìm tòi xét hỏi, sự việc bày lộ rõ ràng. Sợ bị chiếu theo luật pháp xử trị, trong hàng Samôn thật đáng xấu hổ. Cúi xin lưu giữ pháp phục cho Sa-môn Viên Kính chớ tước đoạt chức danh vị tăng, bắt trở về chùa cũ ở Lục Hồn, cho được sửa đổi lỗi lầm, vì nước nhà mà tu trì.

Trung thư môn hạ, Điệp văn của Đại Quảng Trí Bất Không.

Điệp văn kính vâng chỉ dụ nên y cứ Điệp văn chuẩn định, ban sắc cố điệp.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 0 (773), ngày 13 tháng 07.

-Trung thư thị lang Bình chương sự Nguyên Tải.

– Môn Hạ Thị Lang Bình Cương sự Vương Tấn.

– Binh Bộ Thượng Thư Bình Chương Sự Lý sứ.

– Tư Đồ Kiêm Trung Thư Lệnh sứ.

11. SỚ VĂN KÍNH DÂNG KINH VĂN-THÙ-SƯ-LỢI-PHẬT SÁT CÔNG ĐỨC:

Kinh Đại Thánh Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát Phật Sát Công Đức Trang Nghiêm, một bộ gồm ba quyển và hòm Bảo Điền.

Bất Không tôi trước đây vâng thừa chỉ dụ phiên dịch kinh này, được ân Bệ hạ quan tâm nên đều đã hoàn thành, tham khảo so sánh bản Phạn đời Đường, định rõ ngôn âm, tháng năm ghi chép nơi chốn và tên tuổi các vị tăng tục chứng nghĩa, đều ghi ở quyển trung (= quyển thứ hai).

Nguyên do duyên khởi sự tích Đức Đại Thánh Văn-thù ban đầu từ khi mới phát tâm đến thành Chánh giác, cõi nước trang nghiêm, trong kinh đều giảng nói đủ. Lý thể các Đức Phật, hạnh môn các vị Bồ-tát, pháp giới hữu tình, thật tướng vô sinh đều hiển bày rõ ràng, công đức rộng lớn, các kinh khác ít có. Nguyện đem thắng nhân này vun bồi vận may cùng thánh vương, cúi xin tuyên bày khắp nơi để tạo phước cho sinh linh, rất mong ân đức Bệ hạ, do vậy mới an trí tại các viện Văn-thù suốt thời gian dài vì nước nhà mà giảng nói tụng tập. Nếu có chỗ thiếu sót thì liền thay thế. Đó là khiến cho đèn pháp liên tục chói sáng không tát. Linh thần muôn loại không ai lòng chẳng vui mừng. May nhân ngày luân vương giáng sinh. Ngày thiên hạ mở hội vui mừng, mong cảnh phước ấy lớn như núi thọ, muốn dòng pháp vị chảy tràn biển thánh. Kính cẩn tùy trạng trình bày kính dâng để bệ hạ xét biết, như ân đức bệ hạ vui lòng xin ban cho chỉ dụ.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 0 (773), ngày 13 tháng 10.

Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Tam Tạng Sa-môn Đại Quảng Trí Bất Không kính trạng.

12. CHẾ VĂN XIN BỔ NHIỆM SA-MÔN ĐẠO NGỘ TRƯỚC ĐÂY GIỮ CHỨC DUY-NA, NAY CHO LÀM CHỨC TỰ CHỦ:

Hữu Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không trình tấu: Sa-môn Đạo Ngộ giới hạnh tinh khiết, được đại chúng suy tôn, trước đây được làm chức Đô sư, coi sóc mọi việc ở chùa, trước sau như một, đức tánh siêng năng rất sáng suốt. Hiện nay, chùa (Đại Hưng Thiện) bị thiếu người làm tự chủ, nhờ Sa-môn Đạo Ngộ coi sóc, cúi xin bổ nhiệm cho làm chức Tự chủ.

Trung thư môn hạ, Điệp văn của Đại Quảng Trí Bất Không.

Điệp văn vâng phụng chỉ dụ nên y cứ Điệp văn chuẩn định, ban sắc cố điệp.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 0 (773), ngày mồng 0 tháng 0.

– Trung Thư Thị Lang Bình Chương Sự Nguyên Tải.

– Môn Hạ Thị Lang Bình Chương Sự Vương Tấn.

– Binh Bộ Thượng Thư Bình Chương Sự Lý sứ.

– Tư Đồ Kiêm Trung Thư Lệnh Sứ.

13. BIỂU TẠ ÂN BAN TẶNG CHO “QUỲNH HOA CHÂN NHÂN MỘT TẠNG NHẤT THIẾT KINH”:

Sa-môn Bất Không nói: giám quan nội yết Ngô Hưu Duyệt kính tuyên thánh chỉ: Quỳnh Hoa chân nhân chơn như kim Cương Nhất Thiết Kinh mật tạng gồm năm ngàn năm trăm năm mươi quyển, đều là trục bằng chiên Đàn hương, dệt thành gáy lụa, các thứ hương hợp thành tạng kinh gỗ hương làm bàn để kinh, vàng báu làm lò hương, ráng mây chiếu nhau, mặt trời, mặt trăng xen tạp nhau, sáng rỡ thơm tho đầy khắp các ngã đường, đều ban tặng cho Bất Không tôi, an trí tại bổn viện, bảo ban tụng đọc, kính rước lễ bái. Tôi vui mừng vô cùng, chưa biết phải làm thế nào để đáp đền ân huyền tạo! Lại xét nghĩ rằng thánh điển của các Đức Phật, chỉ cần thọ trì đã được phước vô biên, mong đem nhân duyên thù thắng ấy để đền đáp trong muôn một. Nên kính cẩn liền sai mười bốn vị tụng đọc thọ trì suốt thời gian dài, nguyện cầu chân nhân chân như Kim Cương phước đức vững chắc, Thánh hoàng được vận báu muôn kiếp đều mới mẻ, ý chí vui mừng không kềm chế được, kính nhờ trung sứ Ngô Hưu Duyệt dâng biểu trình bày cảm tạ để bệ hạ xét biết. Sa-môn Bất Không tôi vô cùng vừa lo vừa mừng kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 0 (773), ngày 1 tháng 10.

Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Tam Tạng Sa-môn Đại Quảng Trí Bất Không kính biểu.

Bảo ứng nguyên thánh văn võ Hoàng Đế phê:

Sa-môn Tam Tạng Phạm hạnh tinh ròng sâu xa, chân thánh che chở, kinh hành chuyển đọc phước đức vô biên, trẫm kính đem tạng kinh an trí nơi hương sát (= chùa) nguyện cầu phúc đức che chở Quỳnh Hoa, khiến bệnh tật chóng dứt trừ, mọi tốt lành thấm nhuần lâu dài. Đâu có ân đức đặc biệt gì mà phiền lòng tạ ân như thế.

14. BIỂU TẠ ÂN BAN TẶNG BÁNH CHƯNG, TIỀN V.V… MỌI VẬT, NHÂN NGÀY THƯỢNG LƯƠNG ĐIỆN CÁC ĐẠI THÁNH VĂN-THÙ:

Sa-môn Bất Không nói: điện các Đại Thánh Văn-thù, trước đây kính vâng ân ban lấy ngày 1 tháng này làm lễ thượng lương. Được bệ hạ quan tâm chú ý ban tặng cúng dường trai phạn một ngàn vị tăng, thượng lương tiền đỏ hai trăm quan, chưng bánh hai ngàn cái, bánh Hồ hai ngàn cái, trà hai trăm bao, nước thơm nóng mười hũ, đường mật mười mâm, quýt ngọt mười lăm mâm, mía bốn mươi cây, trung sử tiếp nối ở đường sá, uống ăn tấp nập đầy đủ khắp các ngã đường, thức ngon vật lạ đầy đủ cho cả hội lớn, trà nước cung cấp đủ cho mọi người. Ân đức bệ hạ thật là quá cao, những người hiểu biết đều nói: Từ khi đạo Phật truyền đến Trung Hoa cả ngàn năm nay, các vua ngày xưa đâu phải không tu phước, song làm lợi ích rộng lớn thật chưa có ai như Hoàng thượng ngày nay. Bất Không tôi do duyên may gì mà sinh gặp thời thánh triều, lại truyền bá chân ngôn, phụ giúp Bệ hạ hoằng hóa, tuy có trăm thân cũng không thể chọn lựa, ngày đêm tinh tấn trì tụng, ngõ hầu báo đáp trong muôn một, thật là vừa mừng vừa sợ không gì hơn, kính cẩn nương nhờ giám sứ Lý Hiến Thành dâng biểu trình bày cảm tạ để bệ hạ xét biết.

Sa-môn Bất Không tôi vừa mang ơn, vừa hổ thẹn, kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 0 (773), ngày mồng 10 tháng chạp.

Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Sa-môn Tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không chùa Đại Hưng Thiện kính biểu.

Bảo ứng nguyên thánh văn võ Hoàng Đế phê:

Hòa-thượng truyền giáo ở Phạm cung, lưu âm nơi Đông Hạ (= Trung Hoa), mở mang thánh điển, hộ trì Chân tông, phước lợi khắp chúng sinh, mừng vui chung của đất nước. Dựng xây điện các Văn-thù, khởi đầu thượng lương hương sát. Sắm sửa thức ăn phụ giúp cúng dường trai diên, chớ nhọc lòng trình biểu cảm tạ.

15. BIỂU CHÚC MỪNG TRỜI MƯA: : (có phần trả lời)

Sa-môn Bất Không nói: khoảng cuối Đông năm trước dứt tuyết, khiến tháng giêng năm nay đã mãn, còn tự trái mùa, khắp mọi nhà đều nóng bức, cõi lòng bệ hạ lo nghĩ quanh co, vì mọi người chỉ dẫn đều sai trái, tinh cần mong cầu trời, quả được theo thời, ân tuệ thấm nhuần khắp cả, sông ngòi đồng ruộng nước tràn đầy, cỏ cây đơm hoa kết trái. Vậy đủ biết thánh đức cảm động đến trời, thần ứng như tiếng vang, một người có được sự cảm thông mà muôn loài chết rồi được sống lại, vui mừng đến cùng, không kềm chế được, kính cẩn nhân nhờ trung sứ Lý Hiến Thành dâng biểu trình bày chúc mừng để bệ hạ xét biết. Sa-môn Bất Không tôi vô cùng vui mừng đội ơn, kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 09 (77), ngày mồng 05 tháng 02.

Đặc tiến thí Hồng Lô Khanh, Tam Tạng Sa-môn Đại Quảng Trí Bất Không kính biểu.

Bảo ứng nguyên thánh văn võ Hoàng Đế phê:

Từ mùa đông đã ít tuyết, trẫm lo nghĩ đến nhà nông, bảo ban các quan, tìm cầu khơi ngòi nơi núi cao, tông xã ban cho thần giúp, linh kỳ xót thương, mây mù kéo khắp, mưa thấm ruộng đồng. Hòa-thượng nhớ nghĩ nước nhà sâu sắc, cung kính thỉnh lập đạo tràng, mùa màng thời tiết điều hòa như có hy vọng, trẫm an ủi vui mừng ở điều đó. Ấy chính là điều biết chúc mừng vậy.

16. BIỂU KÍNH VÂNG AN ỦI QUỲNH HOA CHÂN NHÂN QUA ĐỜI:

Sa-môn Bất Không nói: Kính vì sự ra đi của Quỳnh Hoa chân nhân, thượng hoàng lo lắng bi thương, bàng hoàng buồn thảm trên bước đường. Bất Không tôi vụng về tự nuôi dưỡng chữa trị kề cận bên giường một thời gian lâu dài. Bệ hạ không vì phàm tăng Bất Không tôi sai khiến nuôi dưỡng chân nhân làm con gái, đau đớn đến cùng thật gấp bội thường tình. Lúc chân nhân thay đổi khác thường, chính tự thân Bất Không tôi vô cùng khốn khổ, không còn năng lực vội vào nội cung để gia trì, chiều hôm qua, là ngày 27, phù sách muốn xin đối, vừa đến góc đông nam tử thành đã nghe tin dữ của chân nhân, giữa đường bèn trở lại, truy cảm lúc còn sống thật không do đâu mà quả quyết, đau thương chẳng xét ý, đau đớn thật vô vàn. Cúi mong thánh từ cho phép Bất Không tôi ngày mồng 02 tháng tới (= tháng 5) giúp lực đến an táng chân nhân, chuyển ý nhớ nghĩ để lấy lại lễ tình, thật là buồn thay! Thường kính thành phát nguyện trên hướng đến các Đức Phật, ngõ hầu nương vào pháp lực, che chở vong linh. Cúi mong lòng thương của Thượng hoàng dũ lòng soi xét, Bất không tôi có ít thời gian thuyên giảm, mong được che chở an ủi, kính dâng biểu để Bệ hạ xét biết, Bất không tôi vô cùng đau buồn kính dâng.

Niên hiệu Đại lịch thứ 9 (77), ngày 29 tháng 0.

Đặc tiến Hồng lô khanh, Sa-môn Tam Tạng Bất Không Đại Quảng Trí Kính Biểu.

Bảo Ứng Nguyên Thánh văn võ Hoàng đế phê:

Quỳnh Hoa chân nhân lúc còn sống là người mà trẫm lo nghĩ rất nhiều, vì bệnh tật đã quá lâu, nương nhờ ruộng phước, Hòa-thượng từ bi nuôi dưỡng làm con gái, song bệnh tình không thể cứu thoát, xót thương vô vàn. Hòa-thượng nhiều lúc trái trời, thân thể khí lực yếu mệt, vả lại nên giữ gìn, không nên nhọc lòng, đến lúc an táng, thử trừ nghe thuyên phục vậy.

17. BIỂU TẠ ÂN BAN TẶNG LỤA TRẮNG: (có phần trả lời)

Sa-môn Bất không nói: Cúi mong trung sứ Nguyên ứng Toàn tuyên cáo thánh vấn, đồng thời ban tặng lụa trắng v.v… bưng nhận hổ thẹn lo sợ không biết tính liệu làm sao! Phục dĩ: không cách nuôi sống, từ tấm bé đã bị bệnh khổ, ra sức không kịp đối đầu yêu họa của Quỳnh Hoa. Lại tắm gội ân sủng, họi han nhiều lần, không dám buồn giận đến cùng, kính cẩn tuỳ biểu trình bày để bệ hạ xét biết, Sa-môn bất Không tôi vô cùng lo sợ kính dâng.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 09(77), ngày mùng 05 tháng 05.

Đặc tiến thí Hồng lô khanh, Sa-môn tam Tạng Đại Quảng Trí Bất Không kính biểu.

Bảo ứng nguyên thánh văn võ Hoàng Đế phê:

Hoà thượng Đạo hạnh tròn sáng, từ bi thấm khắp, từ thuở bé thường bệnh, lo lắng bàng hoàng khác thường, mọi vật đều đượm nhuần, sao nhọc lòng cảm tạ vậy.

18. CHÚC THƯ CỦA HÒA-THƯỢNG TAM TẠNG:

Tôi báo cho khắp bốn chúng đệ tử v.v… biết rằng: Đại Giáo Tổng Trì rộng lớn sâu xa, du già bí mật ai dò được cội nguồn, tôi từ tuổi trẻ xuất gia, nương thầy học đạo, tìm kiếm kinh phật hơn hai mươi năm, ngày đêm siêng năng, cúi vâng thưa hỏi, mới được trao truyền cho bốn ngàn bài trụng pháp Du-già, làm sao chứa nhóm sâu nặng. Tôn sư qua đời, không nơi nương tựa, chẳng biết nhờ đâu mà tiến tu đạo nghiệp? Vì vậy, phải đến tận thiên trúc, vượt biển trèo non tham học Du-già, đích thân lễ bái các thánh tích, được mười muôn bài tụng pháp tạng ấn khả, tương truyền về lại đế hương (= Trung Hoa), hành hóa nơi đất phước Sang, nhưng một triều đại mà làm thầy cả ba đời vua, là người chủ trao truyền mật pháp Du-già, bèn từ đó Thánh vương hoằng giáo, mười tám hội Du-già rất sâu sắc thảy điều kiến lập, ba mươi bảy thánh chúng mỗi vị đều tu hành. Mỗi lúc vào đạo tràng, y theo thời khóa niệm tụng, chín trùng muôn thừa bằng quán tâm năm trí, cung đình Bách liêu điều trì ấn Tam mật. Tôi đời nay quán đảnh hơn ba mươi năm, vào đàn truyền pháp cho đệ tử rất nhiều. Năm Bộ trác-ma thành lập thám thứ, dần hồi hao mất chỉ còn sáu người. Đó là sáu vị nào? Đó chính là Hàm Quang ở chùa Kim Các, Tuệ siêu ở Tân-la, Tuệ Quả ở Thanh Long, Tuệ Lãng ở Sùng Phước, Nguyên Kiểu và Giác Siêu ở Bảo Thọ. Sau này nếu có ai nghi ngờ, các ông nên chỉ bày cho họ giúp đèn pháp không tắt tuyệt, để đền đáp ân tôi.

Huống gì, nay tôi tuổi đã bảy mươi, khí lực dần suy yếu, các ông nhiều người còn nhỏ dại, nên trước hết giao phó Bổn viện cho đệ tử tăng là Tuệ Thắng v.v… từ thuở nhỏ đã theo kính thờ tôi, rất cung kính cẩn trọng, không biếng lười, khổ nhọc nhiều năm, thật đáng thương khen. Tuy đối với năm bộ du già chưa được hoàn toàn nhuần thắm, nhưng nhiệt khí tu trì để thành phật thì có thừa, mỗi người hãy tự cố gắng như ngày tôi hiện còn, phải hòa mục cùng nhau trụ trì. Nếu có hại đến quần chúng, thì tôi không giúp đỡ các ông. Tôi thọ trì Kim Cương, Chung Linh, chày gậy, mâm bạc, chuỗi hạt Bồ-đề, chuỗi hạt thủy tinh v.v…, thảy đều dâng cúng các bậc thánh, xin đưa vào cung.

Đồng thời những ai là đệ tử tôi ở các chùa Bảo Thọ, Hóa Độ, Đại Hưng Thiện v.v… ngày tôi còn sống, các ông nương tựa tôi, tôi che chở các ông, sau khi tôi qua đời, các ông phải y cứ vào nước nhà; Đối với nước nhà phải trung thành, nỗ lực kính thành, vì nước nhà mà trì niệm, nước nhà an bình; nhân dân khương thái, ấy là nguyện tôi đã mãn vậy: Đối với Đàm Trinh ở chùa Thanh Long, thì Đại pháp chân ngôn, tôi truyền trao cho Đàm Trinh trước, còn như khế ấn người nào chưa được, thì các ông nên chuyển trao dùm tôi vậy. Đệ tử là Ấn Tục công đức xử lý khai phủ nương tôi thọ pháp hơn ba mươi năm, siêng năng tinh tấn, tâm hiếu sâu dày, ở Hà Tây, Nam Hải qua lại hỏi đạo, Tịnh Ảnh Hồng Lô, đích thân cúng dường, năm bộ Du-già trước tiên đem trao cho đó.

Thân tôi bảy mươi tuổi, càng tăng thêm bí mật, tôi đủ năm cỗ Ngân Đạo, ba cỗ chày Kim Cương, riêng cỗ Chung Linh đều giữ tại khai phủ, nhớ nghĩ thọ trì, mau chứng tất-địa, chư tăng trong khai phủ qua lại xem xét như ngày tôi hiện còn, mục đích là đáng phải an định, trên dưới phải hòa mục. Giám sứ Lý Đại Phu từ lúc coi sóc tôi đến nay không hề trái ý, qua lại dâng tấu đều hợp với Thánh tâm, không chỉ phụ giúp nước nhà mà cũng là Bồ-tát hộ pháp, Phổ Hiền bí mật tìm để thọ trì, tiếp nối Đại thừa chắc chắc sẽ chứng đắc. Tôi có Ngân Yết ma, chày Kim cương bốn cái đều luân phiên lưu giữ, thọ trì nhớ nghĩ, chứng đắc Bồ-đề, giữ gìn Phật pháp như ngày tôi hiện còn vậy.

Hiền giả Triệu Thiên, lúc tôi phiên dịch kinh, có một thời gian làm người ghi chép, ngoài ra các thứ như sao chép v..v… ông ấy cũng rất có công. Nếu ông ấy muốn xuất gia thì nên chấp thuận cho ông, còn thích ở đời các ông cũng nên cho ông ấy được như ý.

Thời gian sau này tôi có phiên dịch được: Kinh Văn-thù một quyển, Bảo Lâu Các Niệm Tụng Pháp một quyển, kinh Như Lai tạng một quyển, phiên dịch tuy đã xong, nhưng chưa kịp trình lên, cần nên viết ra, và vì tôi mà tấu trình. Bảo Kim Cương theo hầu tôi lâu ngày, tâm thường hiếu thuận. Còn việc niệm tụng càng luôn tinh tấn, nên giữ lại trong viện, cùng ở cấp dưỡng. Các hành giả đồng tử ở tại nội viện, trên từ những bậc hiền đức dưới đến các kẻ nô sĩ các ông, đại phu nên tấu trình để độ cho họ. Trong đó như Tô-đà-na-dã-xa đều nên thả cho về, tùy theo ý thích, nếu muốn ở lại trong viện cũng tùy theo ý thích. Còn Đình Tú là người già nua mới đích thân được gặp Nam Hải, muốn được theo hầu, cũng nên nói cùng khai phủ thả đi để nuôi thân, Linh Kiêu như là người nhà, vì thời gian lâu nương tựa theo tôi vào nơi nội cung. Thượng Hoàng cũng biết, mỗi lần sai sử khổ nhọc rất nhiều. Sứ Lý Đại phu cùng nên xuất gia, Trang Thượng có hai con bò, có thể chuẩn định tìm vật khoảng hơn mười quan, đem bồi đắp trong thường trú, dùng làm các giá trị, đem chuộc lại Linh Kiêu trong viện để ứng duyên. Trong đạo tràng có phướn hoa cột tượng, các vật công đức biếu tặng như mũ giạ, thảm, dầm, đồ đồng, đồ sứ, chén bát v.v… tất cả đều đưa vào dưới điện các Văn-thù cúng dường vĩnh viễn, không được giao truyền thất thoát ra ngoài cho người mượn. Y áo của tôi đều xả bỏ hết. Vàng có tám mươi bảy lượng, bạc có hai trăm hai mươi lượng rưỡi, đều đem cúng dường vào các chùa Kim Các, Ngọc Hoa ở núi Ngũ Đài. Để trang nghiêm tu tạo công đức. Các vật sẵn có trong nhà như đồ sơn, đồ thiếc, đồ gốm, giường, chiếu, mền, dạ, giường con, dầm v.v… và các tạp vật tôi đều xả bỏ để lại bổn viện sử dụng. Đệ tử tới lui phải có nương gởi. Kinh sách trên điện các trong tạng an trí tạng kinh ấy thế nào phải chỉ bảo người giữ viện an trí.

Các ông phải thường vì nước nhà mà chuyển đọc trì niệm đốt hương cúng dường gìn giữ và không được để lưu lạc tản mất. Tôi trình tấu Thánh thượng dựng lập các điện, phía dưới an trí tôn tượng Đại Thánh Văn-thù Bồ-tát, phía trên tôn trí kinh sách Phạm cũng như tiếng Hán, làm ruộng phước cho nước nhà, trọn đời cúng dường điện các đổi xây dựng lại đã hoàn thành, làm nhà thiếu tiền trang trí chưa xong, mái hiên lan can cửa nhà, phòng tăng cũng chưa thành lập. Như có chỗ đánh rơi rớt tàn tạ mới thay đổi gỗ Phù, ông cùng với đại phu tính bàn khéo làm văn tấu để tu sửa tốt quý hơn, sau khi xây dựng điện các hoàn thành, lại kính vì nước nhà mà mời hai mươi mốt vị tăng tụng niệm kinh sám, giúp cho thánh thọ, ấy là đã tròn bổn phận của tôi vậy. Tháp viện vườn nhà của chư tăng ở tại tháp báu Tôn Sư Hòa-thượng tại Đông Kinh, ông cũng nên vì tôi mà đứng ra thành lập. Như xe bò ở trang trại Hào Nam Huyện Ngọc đều mới mua đất và Ngự Tú Xuyên thêm được đất trồng lúa, vườn, rau, ở Nhai Nam, tôi đều để lại cho bổn viện đạo tràng điện các Văn-thù, chuyển niệm chư tăng, mãi mãi cung cấp lương thực sử dụng các thứ cúng dường như nhang dầu, than lửa v.v…, không được đưa ra ngoài viện phá dùng, người ngoài viện, tất cả không được cản ngăn cho đến có sự chiếm đoạt, còn trang trại Tường Cốc Tử đem tô bồi cho thường trú, và văn khế các trang trại đều giao phó cho nhà chùa.

Tôi lại muốn nói với các đệ tử rằng: các ông phải nên biết đời người vô thường không ai tránh khỏi, Đạo thầy trò như pháp nghĩa tình thân chẳng đồng cốt nhục, so với người thế tục hoàn toàn khác biệt. Nếu các ông y theo lời tôi tức là pháp tử của tôi, nếu trái lời tôi tức không có duyên đối với Phật pháp. Sau khi tôi qua đời, đều không được mặc tang phục hoặc khóc lóc mến tiếc, nếu nhớ thương tôi thì phải gia tâm niệm tụng, đó là báo đáp ân đức của tôi vậy, cũng không được phá uổng tiền của trong việc tang lễ tống đưa, cũng chớ an trí nhọc thân nơi doanh thành tốn hao công người, chỉ để lại trên một chiếc giường, tất cả đều phải niệm tụng rồi đưa ra ngoài thành theo pháp làm lễ thiêu, lấy lại nắm tro để gia trì chú nguyện rồi tán vãi. Cũng không được lập linh vị, họa vẽ hình ảnh tôi, bảy mươi hai vị nho sĩ còn có tâm tang, tôi dạy Quán đảnh tương truyền đều không nên làm như thế, các ông là những người con từ miệng Phật sinh ra, từ pháp hóa sinh, được pháp phần của Phật, tức thân đồng với thân Phổ Hiền, hạnh đồng với hạnh Phổ Hiền, an trú trong tâm Phổ Hiền, tròn sáng khắp cùng, năm trí đều hiện, tu hành được như vậy thì khế hợp với tâm tôi, sao lại khư khư khổ nhọc làm những việc phi pháp vô ích? Những gì tôi nói, các ông nên làm theo đó, sợ e sau này không có bằng cớ y cứ, nên thỉnh mời Tam cang Trực tuế và những vị nổi tiếng trong đồ chúng, vì ký vào ở Ổ-ba-đà thư cáo.

Niên hiệu Đại Lịch thứ 09 (77) tức ngày mồng 07 (ất tỵ) tháng 5, năm Giáp dần.

– Trực tuế Tuệ Đạt.

– Điển tọa Minh Ngạn.

– Đô-duy-na Pháp Cao.

– Tự chủ Đạo Ngộ.

– Thượng tọa Tiềm Chân.

ĐẠI BIỆN CHÁNH QUẢNG TRÍ TAM TẠNG HÒA-THƯỢNG BIỂU CHẾ TẬP QUYỂN 3 (HẾT)

Pages: 1 2 3 4 5 6