Bi ký về việc Linh Nham Sơn Tự xây dựng tháp Phổ Đồng cho tứ chúng

(năm Dân Quốc 27 – 1938)

Con người sống trong thế gian thật giống như huyễn hóa, dẫu thọ trăm tuổi cũng chỉ là một khoảng khảy ngón tay. Lúc sanh ra cũng tùy theo túc nhân (nhân trong đời trước) mà đến, lúc chết cũng tùy theo hiện nhân (cái nhân trong đời này) mà đi. Dẫu sẵn đủ Phật tánh thường trụ bất biến, tịch – chiếu viên dung, nhưng do mê chưa ngộ nên ngược ngạo nương vào sức công đức của Phật tánh ấy để khởi Hoặc tạo nghiệp luân hồi sáu nẻo, há chẳng đáng buồn quá đỗi ư? Đức Như Lai thương xót nên khi họ còn sống bèn dạy tu tịnh hạnh để mong bỏ mê về với ngộ, lìa vọng theo về chân ngõ hầu khôi phục Phật tánh sẵn có, sau khi chết bèn hỏa thiêu thân xác nhằm chỉ rõ sáu Trần không có Thể, năm Uẩn đều là không, đích thân chứng được diệu tâm thường trụ. Ở Tây Vực có bốn cách an táng:

1) Một là thả trôi trong nước, tức là bỏ trong các sông rạch cho cá, rùa ăn.

2) Hai là hỏa thiêu, dùng lửa đốt xác ngõ hầu phá được Ngã Chấp.

3) Ba là chôn xuống đất, tức vùi kín trong huyệt để [thân xác] khỏi bị phơi bày. Nước ta thường chú trọng chôn xuống đất; nhưng biển dâu biến đổi, đường đất nhiều lượt thay đổi, đào mộ lộ xương, thảm thương tột cùng!

4) Bốn là thi lâm (rừng thây), tức bỏ xác trong rừng cho chim thú ăn. Nay tại Ngoại Mông Cổ[1], bỏ xác trong đồng hoang để nuôi chim, thú.

Từ khi Phật pháp truyền sang phương Đông, Tăng chúng đều [an táng theo cách] hỏa thiêu. Những bậc cao nhân thông đạt, sùng tín Phật pháp đời Đường đời Tống cũng thường dùng cách này vì Phật pháp trọng thần thức, chỉ sợ đắm chấp thân xác, chẳng thể giải thoát được! Thiêu đi thì sẽ biết đấy chẳng phải là ta, không còn đắm chấp nữa. Lại vì [người đã khuất] tụng kinh niệm Phật, mong họ chứng được Pháp Thân. Nho giáo trọng hình tích, còn thần thức thăng hay giáng trọn chẳng để ý tới, nên làm quan quách[2] cho bền chắc để mong xác thân thường còn, chẳng bị biến hoại.

Hiện nay, cả nước mở mang đường tàu hỏa, đường xe hơi, đào lên những hài cốt vô chủ nhiều không thể kể xiết, thảm thương chẳng nỡ nhìn! Những bậc cao nhân hiểu biết đều muốn sửa đổi cách an táng. Chùa Thiên Ninh ở Thường Châu có tháp Tứ Chúng Phổ Đồng: Đào một cái huyệt lớn, trong chia thành bốn ngăn, phía trên xây tháp bốn mặt, mỗi mặt đều trổ cửa. Phàm tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, hay ưu-bà-di đều đem các túi đựng cốt đặt vào trong những lỗ huyệt.

Mùa Xuân năm ngoái, chùa Linh Nham dựng tháp này, phỏng theo cách ấy nhưng sửa đổi thành hai loại Phổ Thông và Đặc Biệt. Phổ Thông là phía dưới đào bốn cái huyệt, phía trên dựng bốn cái tháp, xương của chúng nào thì đặt túi đựng cốt vào trong lỗ huyệt thuộc tháp của chúng đó. [Tháp] Đặc Biệt là phía trên dựng khám thờ Phật để thờ Tây Phương Tam Thánh, phía sau làm một cái khám nhỏ đề thờ bài vị của người nhập tháp. Phía dưới dùng xi-măng (cement) xây thành tầng ngầm, chia ra hai gian Đông và Tây.

Mỗi gian chia thành bốn khu, mỗi khu nhìn ra hai hướng, mỗi hướng gồm sáu nhóm, mỗi nhóm là bao nhiêu đó ô đựng cốt, tổng cộng là một ngàn ba trăm chín mươi chín ô. Gian phòng thờ được chia thành bốn bộ phận: một là tỳ-kheo, hai là tỳ-kheo-ni, ba là ưu-bà-tắc, bốn là ưu-bà-di. Hỏa thiêu xong, đựng tro trong hũ sứ, đem từ khám thờ Phật xuống đặt trong tầng ngầm.

Nếu đã nạp lệ phí, ghi danh sẵn, ước định sẽ đặt vào nhóm nào, ô nào thì bất luận nhập tháp lúc nào vẫn xếp theo đúng ước định. Nếu không, người nhập tháp trước sẽ được xếp đằng trước, người nhập sau xếp đằng sau.

Phía trên [tầng ngầm] xây năm gian nhà lớn, ba gian chính giữa là khám thờ Phật, phía dưới là tháp đặc biệt. Bốn tháp ở phía Đông và phía Tây sau khám thờ chính là tháp Phổ Thông.

Hai gian hai bên dùng làm chỗ ở cho vị trông coi nhang đèn, nước nôi và những vị già cả không thể ở chung với chúng được. Chuyên nhất niệm Phật suốt năm để người mất thường được nghe Phật hiệu, phẩm sen tăng cao, người còn sống đau đáu nghĩ tới vô thường, gấp cầu vãng sanh. Âm – dương đều được lợi, cùng gội ân sâu khế lý khế cơ. Kẻ thấy nghe phát tâm cùng tu diệu đạo “tâm làm, tâm là”, ngõ hầu phàm phu sát đất cậy vào Phật lực siêu phàm nhập thánh. Đã dự vào hải hội sẽ đoạn Hoặc chứng Chân ngay trong đời này, thật là nhân duyên tối thắng để liễu sanh tử, mà cũng là chỗ quy túc tốt lành nhất sau khi hết tuổi thọ!

Tụng rằng:

Tịnh Độ đại pháp môn,
Mười phương Phật cùng khen,
Mất – còn siêng tu trì,
Chóng được lên bờ giác.

***

[1] Gọi là Ngoại Mông Cổ nhằm để phân biệt với Nội Mông Cổ. Khi người Mông Cổ chiếm Trung Hoa lập ra nhà Nguyên, Hốt Tất Liệt sát nhập đất đai Mông Cổ vào lãnh thổ Trung Hoa. Khi Châu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) lật đổ nhà Nguyên, người Mông Cổ bị đuổi ra ngoài cửa ải, nhưng các vương hầu, tộc trưởng Mông Cổ gây chiến liên miên với nhau nên càng ngày càng suy yếu, phải dựa dẫm vào thế lực của một sắc dân ngày càng quật cường là dân Mãn Châu. Do ngày càng cường thịnh, dân Mãn Châu đã lần lượt biến các bộ tộc Mông Cổ thành chư hầu của họ. Khi Mãn Châu chiếm được Trung Hoa lập ra đế quốc Đại Thanh, toàn bộ đất đai Mông Cổ một lần nữa lại bị sát nhập vào lãnh thổ Trung Hoa. Ngoại Mông Cổ là vùng nằm gọn trong địa bàn nước Cộng Hòa Mông Cổ ngày nay (đa số là dân Mông Cổ sắc tộc Khalkha), còn Nội Mông Cổ bao gồm phần đất sát với Vạn Lý Trường Thành, có rất đông người Mông Cổ sinh sống, chủ yếu là các sắc tộc Hung Nô, Ô Hoàn, Tiên Ty, Đột Quyết và Đông Hồ (hai tộc này là người Mông Cổ). Khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập, Nội Mông Cổ trở thành một đặc khu tự trị với thủ phủ là Hohot.

[2] Quách: Giới quyền quý thời cổ khi mai táng, ngoài quan tài còn thêm một lớp bọc nữa gọi là Quách. Sách Châu Lễ, thiên Địa Quan ghi: “Bất quyền giả vô quách” (kẻ không có quyền thế thì quan tài không có quách).