Bi ký thuật duyên khởi hạ viện Linh Nham Sơn Tự lập thêm hội phóng sanh bên ao phóng sanh

(năm Dân Quốc 25 – 1936)

Đức lớn của trời đất là Sanh, gốc lớn của nhân dân là Thiện. Sanh thì thực vật, động vật đều sanh thành, Thiện thì yêu người thương vật đều cùng thực hành. Càn là đại phụ, Khôn là đại mẫu, dân là người ruột thịt của ta, loài vật giống như ta. Nếu chẳng khiến cho dân lẫn loài vật được sống yên vui, làm sao hợp lòng trời? Muốn cho quyến thuộc cõi trời thường rủ lòng thương xót, hãy nên gấp rút chú trọng nơi lòng nhân ái. Được như thế, mưa gió sẽ đúng thời, thóc lúa trúng mùa, nhân dân yên vui, thiên hạ thái bình. Dù chỉ luận về phương diện cá nhân thì cũng được nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước tăng, sống dự vào bậc thánh hiền, mất sẽ lên cõi Cực Lạc.

Khu vườn ao phóng sanh tại cầu Hổ Gầm ở Tô Châu vốn do hội Cứu Giúp Loài Vật phân hội Tô Châu sáng lập. Năm Dân Quốc 24 (1935), tặng cho Linh Nham Sơn Tự làm Hạ Viện. Giám viện là thầy Diệu Chân do được tặng hậu hĩ như vậy càng ra sức tiến hành chuyện phóng sanh để mong người có lòng nhân nơi ấy và những kẻ thấy nghe đều hiểu được ý nghĩa phóng sanh, do vậy sẽ kiêng giết bảo vệ sanh vật, ngõ hầu chim – thú – cá – rùa đều sống yên vui, sao cho câu nói “dân là người ruột thịt, loài vật giống như ta” chẳng trở thành chuyện nói xuông, mà phong thái yêu người thương vật cũng ngày càng được phát triển!

Do vậy, cùng với những vị thuộc hội Cứu Giúp Loài Vật trước kia như các ông Dương Đạt Toàn, Viên Hiếu Cốc, Tào Tung Kiều v.v… và vị phát khởi lần này là hòa thượng Chân Đạt, cư sĩ Huệ Thường, các vị Tăng – tục tổ chức một hội phóng sanh. Phàm những người gia nhập hội đều nên kiêng giết, ăn chay, lấy thân làm gương thì những người ưa điều lành ai mà chẳng giống như ta, nhìn nhau bắt chước làm lành, hiệu quả rất lớn! Nếu chẳng thể đoạn ngay được thì cũng nên giảm dần dần, giảm đến cùng cực thì sát nghiệp vĩnh viễn chấm dứt. Nếu một người suốt đời chẳng giết thì những sanh mạng được sống sót đã chẳng thể tính được, huống chi là từ một người cho tới mười, một trăm, một ngàn, một vạn người, sẽ trở thành không phóng sanh mà thường hành phóng sanh rộng khắp vậy! Gần đây sát kiếp ngập tràn, hễ giặc cướp kéo đến, dân chúng đều gặp cảnh lầm than, đôi bên chẳng hề biết nhau, vừa thấy nhau liền giết phăng, hoặc đánh đập, tra khảo, nung đốt để lòi ra tiền của. Luận theo cuộc sống hiện thời, quả thật là mắc họa ngang xương! Nhưng hễ có quả ắt phải có nhân, có nhân ắt phải chuốc lấy quả! Thử nghĩ xem, người đời vì bụng miệng mà giết hại sanh mạng đủ mọi nỗi thảm khốc, ai có thể chịu đựng được? Nhưng do quen thói, chẳng những không sanh lòng thương xót, lại ngược ngạo nẩy lòng vui sướng, đến nỗi tuần hoàn báo đền, trở thành kiếp vận lớn lao này! Chư Phật, Bồ Tát vì cứu sát kiếp mà hiện thân trong dị loại, cũng bị con người giết. Đã giết rồi, thấy các tướng lạ mới biết là do Phật hiện, nhân đấy ai nấy đều kiêng giết. Trong năm Dân Quốc 20 (1931), Quang từng vì ông Lưu Công Lỗ ở Quý Trì (thuộc tỉnh An Huy) viết bài tán làm lời bạt cho bài ký [về chuyện] tượng Phật hiện trên răng hàm lợn như sau:

Hết thảy chúng sanh, đều có Phật tánh. Do mê trái nên đánh mất lẽ chánh, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, ăn thịt kẻ khác để bồi bổ cái thân mình. Sát nghiệp đã kết, trải nhiều kiếp giết lẫn nhau. Đức Như Lai thương xót, bèn làm thuyền từ, khơi mở giáo huấn lớn lao về lòng Từ. Người ta vẫn không tin nên Phật bèn đặc biệt hiện hình dáng để mong chúng sanh tùy thuận [lời Phật dạy]. Vỏ nghêu sò, hông bò, móng dê, răng lợn, yếm rùa, đều có hình Phật ngự [trong ấy]. Có người họ Chức vào đời Tống giết lợn quăng đầu, chó giữ bốn ngày chẳng dám táp. Đuổi chó chẻ xương, trên răng hàm lợn hiện hình Phật. Mắt biếc, búi tóc xoắn ốc, nghiễm nhiên là bậc Đại Giác. Trước khi chưa giết, [mọi người] đều nói là “súc sanh”, đã giết xong mới biết là Phật. Do vậy, biết sát sanh chẳng khác gì giết Phật, dẫu chẳng phải do Phật hiện cũng là vị lai Phật. Giết để ăn thịt, tội quá non biển! Hãy gấp đau đáu ngăn dè, hòng được giải thoát! Anh em họ Triều làm văn tán dương, nghĩa lý uyên thâm, văn từ sáng đẹp, ông Thiên Trì biên chép, các vị đề tựa, viết lời bạt, để làm bài cảnh sách vĩnh viễn nhằm khơi gợi hậu giác. Đã hiểu nghĩa này, ai dám giết chóc? Tranh thành, giành đất sẽ chấm dứt ngay. Ông Lưu ở Quý Trì, dốc lòng tin tưởng Phật pháp, bảo tồn sách của ông Từ, lời đề tựa, lời bạt đều phù hợp, sai con là Công Lỗ đem đưa cho xem, kính viết mấy lời tỏ bày chí hướng của tôi. Nguyện kẻ thấy nghe sẽ ăn chay kiêng giết, chắc chắn trong đời này sẽ về Cực Lạc”

Lời bạt này tuy văn từ thô thiển, nhưng cũng có thể [làm cho] người xem sanh lòng cảm động. Kính sao lục nguyên văn để mong dứt diệt si tâm của kẻ ham giết ăn thịt, phát khởi thiện niệm kiêng giết ăn chay. Phật, Bồ Tát hiện thân trong dị loại để dứt sát kiếp cho cõi đời, thấy trong khắp các sách vở. Đọc phần Hiện Tướng Trong Loài Vật của sách Quán Âm Bổn Tích Tụng sẽ biết được đại khái. Do đức Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật nên chẳng nỡ tàn sát lẫn nhau, [kẻo bị] vĩnh viễn chìm đắm trong ác đạo. Đây chính là những thứ biến hiện khiến cho con người thấy nghe mà kinh sợ, chẳng thể không suy nghĩ cặn kẽ sâu xa ư?