Bi ký trình bày sự thần dị của suối Bát Công Đức thuộc Tam Thánh Thiền Viện núi Phổ Đà
Quán Thế Âm Bồ Tát tùy loại hiện thân trong mười phương thế giới, tầm thanh cứu khổ, nhưng vẫn lấy Phổ Đà làm cuộc đất ứng hóa, [là vì] muốn cho hết thảy tứ chúng có chỗ để gieo lòng thành. Sự từ bi linh cảm của Bồ Tát cố nhiên ai nấy đều biết rõ, ngay cả một hòn đá, một giòng nước, không gì chẳng tỏ rõ dấu tích chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát. Những hòn đá kỳ lạ ở Phổ Đà cố nhiên nhiều lắm, nhưng chỉ có Bàn Đà Thạch[1] là bậc nhất. Người hiểu lý trông thấy tảng đá này thì thần thông, oai đức chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát chẳng cần phải đợi nói tường tận mà sẽ đều ngộ giải cả. Những cuộc đất gần biển thì nước đều mặn chát, chẳng thể dùng để uống được; [vậy mà] khắp núi Phổ Đà nước đều ngọt ngào, tuy là cuộc đất ở sát bên biển mà trọn chẳng có nước mặn, nhưng con suối Bát Công Đức thật là bậc nhất!
Theo Sơn Chí, vào thời Vạn Lịch nhà Minh, vị Tăng tên Đại Phương dựng lều tranh nơi đây. Năm [Vạn Lịch] ba mươi (1602), nội giám[2] Trương Tùy, Đảng Lễ vâng chiếu đốc thúc xây cất điện chứa kinh, nhàn du đến nơi đây, uống nước thấy ngọt ngào, nghe [Tăng chúng] kể lại dẫu hạn hán hay lũ lụt, [nước suối] vẫn không tăng, không giảm, hễ cầu mưa ắt lấy nước từ nơi đây, liền quyên tiền dựng Tam Thánh Đường, đặt tên cho con suối ấy là Bát Công Đức. Ấy là phỏng theo tên nước trong ao bảy báu nơi Cực Lạc thế giới. Suối Bát Công Đức do Tam Thánh Đường mà được tên, Tam Thánh Đường do nước tám công đức mà khởi đầu; ấy gọi là do thời tiết nhân duyên cho nên có chuyện chẳng mong cầu mà tự được! Theo kinh Phật, nước [ở cõi Cực Lạc] có tám công đức là:
1) Trong trẻo: Khác với [nước ở] phương này [thường] nhơ đục.
2) Sạch mát: Khác [với phương này nước thường] lạnh hay nóng.
3) Ngọt ngào: Khác [với phương này nước thường] mặn, nhạt, hay vị rất tệ.
4) Mềm nhẹ: Khác [với phương này nước thường] nặng nề.
5) Trơn láng, tươi tắn: Khác [với phương này nước thường] tù đọng, màu sắc ủ dột, bệch bạc.
6) An hòa: Khác [với phương này nước thường] chảy xiết, dữ dội.
7) Trừ đói khát: Khác [với phương này, nước thường] gây [cảm giác] lạnh lẽo.
8) Trưởng dưỡng các căn: Khác [với phương này nước] gây tổn hoại các căn và tạo ra tật dịch, tăng thêm bệnh tật, chết chìm v.v…
Chúng sanh đời trược nghiệp lực sâu nặng đến nỗi nước cõi này không có những công đức, lực dụng ấy. So với những loại nước thông thường khác, nước suối Bát Công Đức có rất nhiều công đức. Vì thế, đặc biệt nêu rõ để tỏ bày dấu tích chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát ngõ hầu những người sống trong núi và những ai đến núi chiêm bái sẽ từ mỗi tảng đá, mỗi giòng nước đều có thể ngộ sâu xa thường lý viên thông, hòng lấy tâm Bồ Tát làm tâm [của chính mình], lấy sự nghiệp của Bồ Tát làm sự nghiệp [của chính mình] vậy!
***
[1] Bàn Đà Thạch là một tảng đá chồng có hình dáng kỳ lạ, trên to dưới nhỏ, phần trên to đến hơn 20 mét (có thể đứng được ba mươi người), nằm chông chênh trên một tảng đá lớn khác cao đến 3 mét, rộng 7 mét. Chỗ tiếp xúc của hai tảng đá rất nhỏ, tạo cảm giác nếu khẽ đẩy sẽ bị rơi xuống, đã bao người thử đẩy nhưng tảng đá chỉ rung rinh rồi vẫn đậu chênh vênh như cũ. Theo truyền thuyết, đây là nơi Quán Âm Đại Sĩ thuyết pháp. Khi chiều sắp tắt nắng, cả tảng đá trông óng ánh như được dát vàng, những ai leo lên đỉnh Bàn Đà Thạch khi ấy, dõi nhìn ra biển cả sẽ thấy phong cảnh tráng lệ, không bút mực nào tả xiết. Vì thế, “Bàn Đà Tịch Chiếu” (chiều soi bóng trên tảng Bàn Đà) được coi là một trong những cảnh đẹp nhất của Phổ Đà Sơn.
[2] Nội giám: Danh xưng khác của Hoạn Quan, tức Thái Giám.