Lời tựa cho sách Trập Viên Trát Ký

Đời loạn đến tột cùng hết thuốc chữa! Người có chí sao nỡ ngồi nhìn? Tuy sống nơi rẫy bái, nhưng những bàn luận trong gia đình, bầu bạn, chưa hề chẳng phải là lời hay ý đẹp để cứu vãn thế đạo nhân tâm vậy! Ông Trần Đôn Phục ở Sở Kỳ, pháp danh là Huệ Phục, đem những ngôn luận trong lúc thù tạc giữa gia đình và thân hữu, chọn lấy những điều trọng yếu biên soạn thành sách. Bạn bè khuyên đem in, do vậy bèn đem bản thảo gởi cho Quang, xin giám định. Quang đọc xong, thấy những lời lẽ lập luận vốn lấy ý từ sách Nho, nhưng ý nghĩa chẳng trái Phật pháp, nếu có thể y theo đó tự tu thì sự nghiệp mong thành thánh thành hiền nơi mọi người há nào khó thấy!

Lòng người đã chết, chẳng dễ vãn hồi. Khổng Tử chẳng từng nói như thế này đó sao? “Pháp ngữ chi ngôn, năng vô tùng hồ? Cải chi vi quý, tốn dữ chi ngôn, năng vô duyệt hồ? Dịch chi vi quý, duyệt nhi bất dịch, tùng nhi bất cải, ngô mạt như chi hà dã dĩ hỹ[1] (Lời thánh nhân nói, chẳng thể không nghe theo ư? Sửa đổi lỗi lầm mới quý. Lời nói mềm mỏng, ai mà chẳng vui? Suy xét tìm ra đầu mối mới quý. Chứ vui sướng rồi không chịu suy xét tìm ra đầu mối, chỉ nghe theo lời thánh nhân mà chẳng sửa đổi, rốt cuộc ta phải làm như thế nào đây). Cõi đời lúc này, lời thánh nhân, lời mềm mỏng đều khó tạo được lợi ích vì không có ba ý niệm kinh sợ[2], chỉ toàn là khoe khoang tài năng của chính mình. Nghe lời thánh nhân bèn vỗ gươm đứng dậy, nghe lời mềm mỏng bèn coi như gió luồn qua cây, dẫu là bậc trí đức như Châu Công, Khổng Tử cũng chỉ có thể nói: “Rốt cuộc ta phải làm như thế nào đây!”

Nhưng trong khi không thể bày ra cách nào, chẳng ngại gì lập riêng một pháp. Do thế đạo đã loạn, lòng người đã chết là vì chẳng nói đến nhân quả, chẳng bàn đến giáo dục trong gia đình. Nếu có thể chú trọng hai việc này thì người người đều biết nhân quả, nhà nhà đều có giáo dục, hết thảy những lời của thánh nhân, những câu mềm mỏng đều trở thành những câu nói thường nhật trong gia đình, không một ai chịu bỏ một ngày không nhắc tới. Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân bình trị thiên hạ, để Phật độ chúng sanh”. Dạy con là căn bản để trị quốc, bình thiên hạ; nhưng dạy dỗ con gái lại càng quan trọng hơn, vì có hiền nữ thì mới có hiền thê, hiền mẫu. Con cái do hiền mẫu sanh ra đều là hiền nhân. Đây là nguyên do tại sao ba bà Thái khiến cho nhà Châu được hưng thịnh, đời sau xưng tụng nữ nhân là Thái Thái. Vì thế lại nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, phụ nữ nắm quá nửa vì sự giáo dục của mẹ là cội gốc vậy”. Nguyện những người đọc đều cùng chú ý!

***

[1] Chúng tôi dịch câu nói này theo cách diễn giảng của cụ Lý Bỉnh Nam trong bộ Luận Ngữ Giảng Yếu.

[2] “Ba điều kinh sợ” xuất phát từ câu nói của Khổng Tử được chép trong thiên Quý Thị sách Luận Ngữ: “Quân tử hữu tam úy, úy thiên mạng, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn. Tiểu nhân bất tri thiên mạng nhi bất úy dã, hiệp đại nhân, vũ thánh nhân chi ngôn” (Quân tử có ba điều sợ: Sợ mạng trời, sợ những người nắm quyền cai trị công chánh, sợ lời dạy của thánh nhân. Tiểu nhân chẳng biết mạng trời nên không sợ, khinh thị đại nhân, coi rẻ lời thánh nhân). Theo cụ Lý Bỉnh Nam trong Luận Ngữ Giảng Yếu, “úy” có nghĩa là kính nể, không dám trái phạm. “Đại nhân” là những người có quyền vị, nắm giữ sự cai trị công bình, chánh trực. “Thiên mạng” phải hiểu là thiện ác báo ứng như kinh Thư đã chép: “Huệ địch cát, tùng nghịch hung, duy ảnh hưởng”, chứ không phải là ý muốn độc đoán của một đấng Tạo Hóa nào!