BA TRỤ THIỀN
Thiền sư PHILIP KAPLEAU
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch

 

TỰA CỦA BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT
(Năm 2011)

Bản dịch tiếng Việt Ba Trụ Thiền do chúng tôi thực hiện lần đầu tiên vào năm 1985 tại Sài gòn, Việt nam, và được nhà xuất bản Thanh Văn ấn hành lần đầu tiên vào năm 1991 tại California, Hoa kỳ đã được nhiều độc giả tiếng Việt hâm mộ. Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả quí độc giả và hành giả tu tập thiền nhiệt tình, và nhà xuất bản Thanh Văn.

Thời gian gần đây, chúng tôi có chút ít thì giờ xem lại bản dịch ấy và thấy có đôi chỗ sai sót do chính người dịch cũng như do việc in ấn để lại. Do đó, chúng tôi cố gắng tận dụng thời giờ cũng như khả năng có giới hạn của mình sửa lại những chỗ sai, thêm vào những chỗ sót và hiệu đính theo những chỗ hoặc thêm vào hoặc bớt đi hoặc thay đổi hay sửa chữa của chính nguyên tác tiếng Anh theo ấn bản kỷ niệm năm thứ ba mươi lăm, do nhà xuất bản Anchor Books in năm 2000 ở New York, Hoa kỳ, kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1965 cuốn The Three Pillards of Zen của Thiền sư Philip Kapleau, do nhà xuất bản John Weatherhill, Inc. ấn hành vào năm 1965 ở Tokyo, Nhật bản.

Tuy nhiên, hầu hết nhưng không phải tất cả, những gì đã thêm hay bớt hoặc sửa chữa trong ấn bản kỷ niệm năm thứ ba mươi lăm của nguyên tác tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt lần này.

Đối với một vài thông tin hay chi tiết không ảnh hưởng nhiều cho sự thực hành tu tập sẽ không xuất hiện trong bản dịch năm 2011 này.

Về điểm này, người dịch xin tạ lỗi với độc giả và tác giả. Điểm thay đổi quan trọng trong bản dịch này là về cách dịch chữ “Mu” của Triệu Châu trong công án: “Con Chó của Triệu Châu.” “Mu” là cách phát âm của người Nhật khi nói chữ “Wu” trong chữ Hán. Âm Hán-Việt là “Vô.” “Mu” trong văn mạch của công án theo lời nói bình thường có nghĩa đen là “Không” hay “Không có” khi trả lời câu hỏi, “Con chó có Phật tánh hay không?”

Nhưng, như chính Thiền sư Vô Môn, tác giả của Vô Môn Quan, đã chỉ rõ trong Lời Bình của sư, thì hành giả khi tham thoại đầu “Vô” không nên nghĩ “Vô” theo nghĩa “hư vô” hay “có, không.” Hơn nữa, chính Lão sư Philip Kapleau, tác giả của nguyên tác tiếng Anh, cũng đã tỏ ý chỉ rõ rằng nên để nguyên chữ “Mu” không dịch. Vì vậy ở đây người dịch để nguyên chữ “Mu” không dịch, như trong nguyên tác tiếng Anh. Hơn nữa, nếu có độc giả nào sau khi đọc Ba Trụ Thiền và đến một trong các một trong các Thiền viện thuộc dòng Lão sư Đại Vân – Bạch Vân – Canh Vân – Philip Kapleau… ở Hoa kỳ hay Nhật bản để tu tập và được các sư chỉ định tham công án này sẽ cảm thấy quen thuộc hơn, vì đây là nếp nhà của hệ phái Thiền này nói riêng và Thiền công án Nhật bản nói chung. Thiền đương thời ở Hoa kỳ và các nước phương Tây khác là Thiền từ Nhật bản.

Trong bản dịch năm 1985, người dịch đã dùng chữ “Không” theo nghĩa đen của từ là “Không có” để dịch chữ “Mu” trong nguyên tác tiếng Anh, và chữ “Không” ấy không liên quan gì đến chữ “Không” hay “Tánh không” (Ph. Shunyata) mà tiếng Anh gọi là “Void” hay “Emptiness.” Tuy nhiên, những ai tham thoại đầu này xin cứ theo cách Thiền sư Vô Môn đã chỉ, tức không nghĩ “Vô” (Mu) là “hư vô” hoặc “có, không,” hoặc “Không” theo nghĩa “Tánh không.”

Nơi đây một lần nữa, người dịch xin chân thành cảm tạ công đức vô lượng của cố Thiền sư Philip Kapleau, tác giả của Three Pillards of Zen, đã biên tập và truyền đạt Thiền chánh truyền và sống thực của Phật và chư Tổ, qua sự thừa truyền của các Thiền sư Nhật, nhờ vậy những ai nhiệt tâm cầu Đạo của Phật có được phương tiện vô cùng quí báu, có thể theo đó thực hành tu tập, ít nhất cũng là lúc khởi đầu và không có chân sư trực tiếp chỉ dạy. Sư đã rộng lượng cho người dịch được phép chuyển tác phẩm của sư từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Hơn nữa, chính sư và người thừa kế sư, tiên sinh Bodhin Kjolhede, Viện trưởng Thiền viện Rochester Zen Center, New York, vào năm 2001, đã nhiệt tình quan tâm đến bản dịch tiếng Việt và cho lời khuyên về cách dịch chữ “Mu” trong công án “Con Chó của Triệu Châu.”

Người dịch cũng xin đa tạ sư cô Thích Nữ Chân Thiền của Thiền viện Vĩnh Nghiêm, tác giả của Thiền Thơ Không Tên, đã trực tiếp trình bản dịch tiếng Việt Ba Trụ Thiền, do nhà Thanh Văn ấn hành năm 1991, với tác giả Thiền sư Philip Kapleau và tiên sinh Bodhin Kjolhede, và đã chuyển ý chỉ của tác giả đến người dịch. Mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng vì khả năng bản thân người dịch có giới hạn, nên chắc vẫn còn có ít nhiều sai sót trong bản dịch lần này, mong độc giả lượng thứ và chỉ bảo cho.

Xin đa tạ.
Frederick, 09 tháng 12, 2011
Đỗ Đình Đồng

 

LỜI NÓI ĐẦU

Truyền thống nói rằng vào thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, cùng với cuộc du hành của Bồ-đề Đạt-ma từ Ấn độ đến Trung hoa, lần đầu tiên Phật giáo Thiền tông đã sang phương Đông. Sáu trăm năm sau, vào thế kỷ 12, nó lại Đông du một lần nữa, lần này đến Nhật bản. Giờ đây, hơn sáu trăm năm nữa đã qua, nó lại bước một bước khổng lồ sang phương Đông lần thứ ba, lần này nó đến phương Tây ư?

Không ai biết. Sự quan tâm đến Thiền hiện đang phổ biến ở phương Tây khoác lớp áo say mê phần nào, nhưng mối quan tâm ấy đang tiến sâu hơn. Tôi có thể dẫn chứng ấn tượng mà Thiền đã gây trên ba tâm hồn phương Tây đến một mức đáng kể, một nhà tâm lý học, một triết gia, và một nhà sử học. Cuốn sách mà C. G. Jung đọc trên giường trong lúc hấp hối là Ch’an and Zen Teachings, First Series (Thiền và Giáo lý Thiền, bộ 1) của Charles Luk và ông đã tỏ ý yêu cầu người thư ký riêng của ông viết thư báo cho tác giả rằng “ông rất nhiệt tình… Khi đọc những điều Hư Vân (H. Hsu Yun) nói, đôi khi còn thấy như mình đã nói những điều như thế! Đúng là “nó.”(1) Trong triết học, có thể viện dẫn Martin Heidegger, khi ông nói: “Nếu tôi hiểu [Tiến sĩ Suzuki] đúng, thì đấy là những gì tôi đã cố gắng nói trong toàn bộ các bài viết của tôi.”(2) Lynn White không phải là khuôn mẫu của tư tưởng hiện đại như Jung và Heidegger, nhưng ông là một sử gia hạng khá, và ông tiên đoán, “Rất có thể sự suất bản bộ thứ nhất của Essays in Zen Buddhism (Thiền Luận) năm 1927, dường như cũng sẽ là một biến cố trí thức vĩ đại trong các thế hệ tương lai như các bản dịch tiếng Latin của William Moerbeck về Aristotle ở thế kỷ 13, hay của Marsiglio Ficino về Plato ở thế kỷ 15.(3)

Tại sao phương Tây như nó đang bị những hình thức tư tưởng có tính cách khoa học ngự trị đến mức như hiện nay lại phải đi học một viễn ảnh chậm tiến trước sự hưng thịnh của khoa học hiện đại?

Vài người cho rằng câu trả lời nằm ở mức độ mà vũ trụ quan Phật giáo thấm nhập vào những gì khoa học đương thời khám phá bằng thí nghiệm. Những cuộc song hành đầy ấn tượng. Thời gian và không gian thiên văn học một cách không thể cưỡng lại được đã đập tan thế giới quan trước đó của phương Tây, đã lướt nhẹ vào cánh cửa của vũ trụ quan Phật giáo không chút ngần ngại. Nếu quay từ đại vũ trụ sang tiểu vũ trụ, từ cái vô cùng lớn sang cái vô cùng nhỏ, chúng ta sẽ thấy cùng một tiên kiến kỳ lạ như thế. Trong khi người Hy lạp cho rằng nguyên tử là vĩnh cửu vì chúng không phải là hợp chất (atomas – không thể phân ly, không thể chia cắt), thì người Phật giáo dạy rằng mọi vật hữu hình đều vô thường (anicca) bởi vì kết hợp bằng các pháp (dharmas) như là các phần tử cực nhỏ trong thời gian chúng tồn tại trong không gian, như một đốm sáng thấp thoáng các phần tử ghi trên giao động kế của các nhà khoa học. Xin trở lại với đại vũ trụ một chút, Phật giáo không những đã thấy trước chiều kích của vũ trụ quan khoa học mà còn cả hình dáng của nó nữa. Chúng ta đã quen thuộc với cuộc tranh luận giữa hai thuyết về sự hình thành của vũ trụ: thuyết “Cái nổ bùng” của George Gamow và thuyết “Trạng thái đều đặn” của Fred Hoyle. Thuyết trước cho rằng vũ trụ là kết quả của cái nổ bùng của một nguyên tử đầu tiên duy nhất.

Thuyết sau cho rằng vũ trụ luôn luôn ở trong trạng thái như chúng ta biết nó, chất khinh khí (hydrogen) mới được cấu tạo liên tục để thay thế chỗ trống vì sự co rút của các ngôi sao một khi vượt qua tốc độ ánh sáng. Lời công bố gần đây nhất từ núi Paloma cho biết là cả hai thuyết này dường như đều sai. Những chỗ đổi màu đỏ trên các báo hiệu của quang phổ kế từ các thiên hà xa xôi đang gợi ý rằng chúng đang chậm dần. Giả thuyết do điều ấy gợi lên là sau khi bành trướng một thời gian vũ trụ lại co rút lại, lập lại chu kỳ một cách vô cùng tận. Như nhà thiên văn học Harlow Shapley ở đại học Havard đặt vấn đề, thay vì các thuyết “Cái nổ bùng” hay “Trạng thái đều đặn,” chúng ta có thuyết “Bùng… Bùng… Bùng….” “Rất thú vị,” người Phật giáo nói, đây là điều vũ trụ quan của ông dạy từ lâu.

Phương Tây có thể tìm thấy những thí dụ như thế về sự tiên kiến có tính cách khoa học kích động của Phật giáo, nhưng không thể xem đây như là lời kêu gọi của Phật giáo. Chẳng hạn, phương Tây không thể cảm thấy rằng trong khoa học nó có điều để học của Phật giáo. Điều hay nhất nó có thể học trong thế giới này là cho người Phật giáo điểm giỏi vì có vài cái thúc sớm sủa. Nhưng còn một sự kiện nữa là không phải Phật giáo nói chung đang kêu gọi phương Tây nhiều như cái trường phái đặc biệt của nó là Thiền.

Chúng ta hiểu sự lôi cuốn đặc biệt của Phật giáo Thiền khi chúng ta nhận ra mức độ mà phương Tây hiện đại như nó bị cái “Tín ngưỡng tiên tri” kích động, thánh nghĩa của cái phải, sự lôi kéo của con đường sự vật có thể phải là nhưng vẫn còn chưa là. Tín ngưỡng như thế có những đức tính hiển nhiên, song trừ phi nó được cân bằng với một thánh nghĩa đồng hành của cái là, nó sẽ trở nên nặng nề cực độ.

Nếu mắt người ta luôn luôn hướng về ngày mai, ngày hôm nay sẽ bị lướt qua và không được nhận biết. Đối với một phương Tây, trong mối quan tâm lập lại mô hình trời đất của nó, đang để cái hiện tại của cuộc sống – cuộc sống duy nhất mà chúng ta thật sự có – lọt qua kẽ tay một cách nguy hiểm, Thiền đến như một nhắc nhở rằng nếu chúng ta không biết nhận thức sự huyền diệu và vẻ đẹp của cuộc sống hiện tại của mình, chúng ta sẽ không nhận thức được giá trị của bất cứ cuộc sống nào, của bất cứ giây phút nào khác.

Còn một sự kiện nữa, là sự sụp đổ của siêu hình học, khoa thần học tự nhiên, và sự tiết lộ có tính cách khách quan, lần đầu tiên phương Tây như là một nền văn minh đang đối diện với vấn đề sống không có sự tuyệt đối minh xác một cách khoa học, nói tắt là không giáo điều. Khi chúa Kitô bước đi trên nước, thì người phương Tây hiện đại cũng phải bước đi trên biển hư vô, bồng bềnh trong sự vắng mặt của những trợ lực vững chắc. Đối với sự chuyển nhượng bấp bênh này, nguời phương Tây nghe nói về những người vượt biển đã hằng thế kỷ, những người đã dựng nhà trong cái Không (Void), đã cảm thấy tự nhiên trong đó. Làm sao có thể như thế được? Phương Tây không hiểu, nhưng cái Không mà nó nghe thấy từ sự vượt biển kia vang lên như một cái gì đó có thể xác định được.

Thiền nói với chúng ta rằng hữu là thánh linh và Không là nhà, nhưng những khẳng định như thế không phải là Thiền. Đúng hơn, Thiền là phương pháp thực nghiệm chân lý của những khẳng định ấy. Do đó, tập sách này đến với chúng ta. Theo tôi biết, không một phương pháp nào khác có thể cho người đọc sự hiểu biết đầy đủ những gì phương pháp này đưa lại. Có điều lần đầu tiên nó giới thiệu bằng tiếng Anh “Những Bài Giảng Nhập Môn Tu Thiền” của Lão sư Bạch Vân (Hakuun roshi), ngững bài giảng xứng đáng với sự ca ngợi nhiều nhất ở Nhật, như là, nói theo ngôn ngữ của Ruth Fuller Sasaki, “Bài Nhập Môn hay nhất về Phật giáo Thiền từng được viết.”

Nhưng tập sách này còn chứa đựng một phần thưởng khác còn kích động hơn nhiều. Cho đến bây giờ, nó chỉ là bất khả cho những ai bản thân không trải qua tu tập Thiền có nhiều nghi ngờ, những gì tiết lộ trong một giai đoạn sinh tử của quá trình gọi là độc tham (dokusan) – những cuộc gặp gỡ riêng tư, nghiêm túc trong đó vị lão sư hướng dẫn sự tham Thiền của người môn sinh đưa đến mục tiêu giác ngộ – vì bản chất của những cuộc gặp gỡ này được coi là có tính cách cá nhân và không được tiết lộ.

Giờ đây, một lão sư tin rằng thời đại mới sản sanh phương thức mới, đã cho phép ghi lại một số các cuộc gặp gỡ riêng tư này.

Một tư liệu như thế chưa bao giờ được xuất hiện ngay cả bằng tiếng Nhật, vì thế nó được xuất bản bằng tiếng Anh trong tập sách này, là cả một phá lệ lớn.

Ngoài Philip Kapleau, không ai có thể viết được tập sách này. Ông biết Thiền qua mười ba năm tu tập nhiệt thành, ba trong số những năm ấy ở những tự viện thuộc cả hai phái Tào Động và Lâm Tế. Ông biết những người Nhật đã cộng tác với ông đủ để khiến cho các bài dịch các tư liệu ít được biết đến không thể bị sai lầm được.

Ông biết giỏi tiếng Nhật đủ để có thể làm người thông dịch cho các cuộc gặp gỡ của những học viên phương Tây với vị lão sư. Ông có kỹ năng những năm luyện tập của một phóng viên tòa án để ghi nhanh lại những cuộc gặp gỡ này bằng tốc ký ngay khi nó vừa diễn ra. Ngoài ra ông còn có một bút pháp trong sáng và thanh nhã nữa.

Sự kết hợp của những tài năng này có tính chất có một không hai.

Nó đã sản sinh ra một tập sách đáng kể và chắc chắn nó sẽ chiếm vị trí nổi bật trong tủ sách văn học Thiền bằng các ngôn ngữ phương Tây.

Huston Smith
Giáo sư Triết học
Viện Kỹ thuật học Massachusetts