BA HỌC
Thích Đức Thắng

 

Hành giả học Phật điều kiện đủ là phải học qua ba học Giới-Định-Tuệ để từ đó hiểu được cốt lõi của sự thực hành tu tập phải đặt nền tảng căn bản từ đâu mà thanh tịnh hóa ba nghiệp thân-khẩu-ý, đưa đến giải thoát tất cả phiền não và đạt an vui tịch tĩnh trong cuộc sống? Ba học này còn gọi là ba thắng học; vì nếu hành giả áp dụng ba học này trong tu tập thì chúng sẽ thắng tất cả phiền não nghiệp có được từ trong vô lượng kiếp chúng ta đã tạo ra nhờ vào việc áp dụng ba học này.

– Cái học thứ nhất về Giới cho chúng ta biết rằng, Giới có khả năng ngăn ngừa, phòng bị, đình chỉ các tác nghiệp ác do thân-khẩu-ý sinh ra và nó cũng có khả năng làm tăng trưởng nghiệp thiện cho hành giả trong khi tu tập Giới. Vì vậy cho nên, đức Đạo sư gọi giới là giới học, Tăng giới học (adhiśīla) hay còn gọi là tăng thượng giới học.

– Cái học thứ hai về Định cho chúng ta biết rằng, Định có khả năng thâu nhiếp mọi tán loạn, lắng sạch tinh thần, loại trừ các tạp niệm; nhờ đó mà hành giả thấy thật tánh ngộ đạo. Vì vậy nên, đức Đạo sư gọi là Định học, hay tăng Tâm học (adhicitta), còn gọi Định là tăng ý học, tăng thượng ý học, hay tăng thượng tâm học.
– Cái học thứ ba về Tuệ, cho chúng ta biết rằng, Tuệ có khả năng hiển bày bản tánh, đoạn trừ phiền não, thấy được thật tướng của chư Phật. Vì vậy nên đức Đạo sư gọi Tuệ là tăng Tuệ học (adhiprajñā), hay còn gọi là tăng thượng Tuệ học.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ y cứ vào kinh luận để lý giải nội dung cùng ý nghĩa của ba học Giới-Định-Tuệ. Tùy thuộc vào thuộc tính của từng đối tượng mà sự giải thích từng phạm trù của chúng một cách rõ ràng hơn.

I – GIỚI

Sanskrit gọi là Śīla (Pāli: Sīla) dịch âm là Thi-la; ý chỉ cho hành vi, tập quán, tánh cách, đạo đức, cung kính, là một trong Ba học, là một trong Sáu Ba-la-mật hay, là một trong Mười Ba-la-mật. Đó là ý nghĩa được tóm lược ngắn gọn, giúp cho hành giả chúng ta dễ nắm bắt. Còn đứng về mặt ý nghĩa rộng, thì mọi thói quen tập quán thiện ác, đều được gọi là Giới cả, như thói quen tập quán tốt thì gọi là thiện giới hay còn gọi là luật nghi thiện, còn thói quen tập quán đưa đến phá hoại thì gọi là ác giới hay còn gọi là luật nghi ác. Ở đây, thiện giới còn gọi là tịnh giới, đặc chỉ cho giới qui được chế định cho hai giới xuất gia và tại gia đệ tử của đức Đạo sư. Với công dụng và mục đích của giới quy chế định này là đề phòng những điều phi pháp, đình chỉ những tạo tác ác của thân-khẩu-ý. Theo Bồ-đề tư lương luận 1 thì Thi-la cũng có sự tiếp cận với mười nghĩa như bản tánh, thanh lương, an ổn, an tịnh, tịch diệt, đoan nghiêm, tịnh khiết và tán thán. Trong mười nghĩa này, từ thanh lương trở xuống, là giải thích trở lại tịnh giới. Giới là cơ sở thực tiễn của đạo Phật, nên nó kết hợp với Định học, Tuệ học gọi là Ba học. Hơn nữa, Giới là một trong năm phần pháp thân (giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân); ở đây gọi là Giới thân, giới phẩm, hay giới uẩn (tức chỉ cho nghiệp thân-khẩu vô lậu). Đồng thời theo Phật giáo Đại thừa, Giới cũng là một trong Sáu Ba-la-mật, Mười Ba-la-mật, gọi là Giới Ba-la-mật.
Trong thời kỳ đức Đạo sư còn tại thế, Giới chỉ được đem áp dụng tu tập sau khi Ngài thành đạo năm năm; tức là năm năm đầu của thời kỳ hoằng hóa khi mà các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Ngài càng ngày càng trở nên đông đảo, mọi sinh hoạt được biểu hiện qua thân-khẩu của các vị đệ tử nhất là phái xuất gia trở nên phức tạp, khi đó Ngài mới bắt đầu căn cứ vào những tùy phạm mà chế ra Giới, theo thuật ngữ chuyên môn gọi là “Tùy phạm tùy chế”. Còn trước đó, trong vòng năm năm đầu, Tăng chưa đông lắm, hơn nữa thời gian này Tăng sống theo nếp sống “vô sự”, mọi tác nghiệp ác chưa xảy ra nên vấn đề chế giới không được đức Đạo sư đặt ra. Tăng lúc này chỉ sống theo một bài kệ được đức Đạo sư giáo giới với tinh thần khuyến khích nhắc nhở nỗ lực cá nhân trong việc thực hành:

“Các điều ác chớ làm
Các điều lành nên làm
Tự trong sạch ý mình
Đó lời chư Phật dạy.”
(Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo).

Bài kệ này được gọi là Giới Kinh. Các Tỳ-kheo vô sự chỉ nỗ lực thực hành đúng bài kệ này thì coi như ba nghiệp thân-khẩu-ý thanh tịnh, cộng với nếp sống theo pháp Lục hòa nữa nên cuộc sống của Tăng đoàn vào lúc đó luôn thể hiện được mọi sự an lạc trong cuộc sống hay còn gọi là nếp sống “Vô sự”. Đó là nếp sống không có Giới và chưa có luật lệ nào quy định ràng buộc Tăng đoàn. Vì vậy trong thời gian này, giới và luật không được đức Đạo sư đặt thành vấn đề cho cuộc sống. Nhưng kể từ khi chúng xuất gia của Ngài càng ngày càng đông, nếp sống sinh hoạt Tăng chúng trở nên phức tạp, Tăng đoàn Tỳ-kheo bắt đầu phát sinh nếp sống “hữu sự” hay còn gọi là “đa sự”, pháp hữu lậu hiện hữu thì lúc ấy, pháp tùy phạm tùy chế bắt đầu có mặt trong cuộc sống của Tăng đoàn cho cá nhân và tập thể hoàn thiện việc thanh tịnh ba nghiệp thân-khẩu-ý của mình. Đây là giai đoạn bắt đầu cho sự xuất hiện sự khác nhau giữa Giới và Luật được thể hiện qua nếp sống cá nhân và cộng đồng. Giới bảo vệ mọi hành vi cá nhân do thân-khẩu lúc nào cũng trở nên trong sạch trong việc hoàn thiện ba nghiệp cho mỗi người, trong khi Luật là những phép tắc quy định trong việc xử trị và điều hòa cuộc sống sinh hoạt tập thể của chúng Tăng theo một quy củ được đặt ra như các phương pháp Yết-ma, An cư, Bố-tát, Tự tứ, thuyết giới, trị phạt… mà mục đích của nó là làm nhân duyên để hoàn thiện cuộc sống sinh hoạt của tập thể chúng Tăng đem lại an vui lợi lạc cho tập thể.

Theo các nhà Tiểu thừa, có sự khác nhau về giới nam, nữ dành cho hai hàng xuất gia và tại gia như đức Phật đã chế định ra năm giới, tám giới, mười giới, cụ túc giới dành cho hai hàng xuất và tại gia thuộc Tiểu thừa. Còn bên các nhà Đại thừa tuy vẫn áp dụng giới luật của Tiểu thừa trong sinh hoạt tu tập của mình, có cộng thêm Giới Bồ-tát của riêng họ, nhưng giới luật của Tiểu thừa vẫn là pháp tu chính cho các nhà Đại thừa về Luật tạng. Trong phần Giới, đức Đạo sư chia ra làm hai loại: Một là Tánh giới, hai là Già giới. Về Tánh giới, Ngài y cứ vào bản chất của tội nếu là tội ác thì cái tội đó thuộc về Tánh tội và để đối trị lại Tánh tội này đức Phật dùng Tánh giới để ngăn ngừa; ngược lại nếu bản chất của nó chẳng phải là tội ác, nhưng chúng khiến cho mọi người bài báng, hoặc khiến cho tánh tội người khác khởi lên thì gọi là già giới. Còn nếu ai phạm vào tội ác của già giới thì cũng gọi là già tội.

Như vậy, Tánh giới và Già giới theo sự phân chia của năm giới, tám giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo và ba trăm bốn mươi tám giới của Tỳ-kheo Ni thì giới của bảy chúng đệ tử đức Phật đều có mặt của bốn giới thuộc về Tánh giới đó là: Giới sát sinh, giới trộm cắp, giới dâm dật (tà dâm), giới vọng ngữ, đều thuộc về Tánh giới. Ngoài bốn giới này ra tất cả đều thuộc Già giới. Ở đây chỉ có giới của Tỳ-kheo-ni lên đến Tám giới thuộc về Tánh giới và Bồ-tát giới có mười Tánh giới và 48 Già giới. Nhưng nói chung, bảy chúng đệ tử của đức Phật đều có chung cơ bản bốn giới này. Bốn giới này theo đức Đạo sư thì dù Phật ra đời có chế giới hay không chế giới, chúng luôn luôn vẫn là Tánh giới hay còn gọi là trọng giới, hay chủ giới.

Theo Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển trung thì Giới được phân ra làm bốn phần riêng biệt: giới pháp, giới thể, giới hành và giới tướng.

Giới pháp là phép tắc của giới, được đức Phật chế ra làm nguyên tắc sống, sinh hoạt trong một tập thể, như là nguyên tắc luật lệ chung cho tập thể sinh hoạt của Tăng đoàn.

Giới thể là chỉ cho tánh thể của giới, có tác dụng lợi ích về mặt vô biểu, do mỗi người nỗ lực trong việc phòng phi chỉ ác (phòng ngừa những điều phi pháp và đình chỉ không tạo các việc ác).

Giới hành là chỉ cho hành động của mỗi cá nhân trong việc thực hành giữ giới (trì giới) mà mình đã nhận lãnh.

Giới tướng là chỉ cho tướng mạo của giới mà mỗi cá nhân phải trì giữ, tức là chỉ cho tên gọi của tất cả giới điều mà mình đã nguyện thọ trì, như gọi tên riêng có năm giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới, ba trăm bốn mươi tám giới hay năm mươi tám giới, v.v…

Về giới thể, vì những tác dụng có được đó chúng ta không thể nào dùng mắt để thấy như việc khi một đệ tử của đức Phật nhận giới và được gọi là đắc giới là phải nhờ vào nghi thức thọ giới tác pháp yết-ma, tức là theo luật nghi (nghi thức của luật) mới được gọi là đắc giới thể; vì sự đắc giới này chúng ta không thể thấy cho nên gọi là vô biểu. Luật nghi, Phạn ngữ gọi là saṃvara, phiên âm là tam-ba-ra, có nghĩa là đẳng hộ, ủng hộ, phòng hộ, hộ, cấm giới, tức là giới ngăn ngừa đình chỉ các việc ác, gồm có phòng chỉ ba ác thân, khẩu, ý và bảo hộ sự tác dụng của sáu căn. Vì luật pháp, nghi tắc có khả năng sản sinh ra tác dụng đề phòng những sai trái và làm dừng lại mọi việc ác, nên được dịch là luật nghi. Vì thế nên Câu Xá luận 14 gọi luật nghi là đề phòng và đình chỉ các việc ác của thân, miệng và ý; theo đó luật nghi được phân ra làm ba: thân luật nghi, ngữ luật nghi, ý luật nghi; riêng để bảo hộ sáu căn thì gọi là căn luật nghi. Trong bốn loại luật nghi này, hai loại đầu lấy vô biểu làm thể và hai luật nghi sau lấy chánh niệm, chánh tri làm tự tánh. Nhưng ở đây, vô biểu không bị giới hạn theo luật nghi.

Nhất thiết hữu bộ chỉ chấp nhận hành vi thiện-ác, thế lực của nó mạnh hay yếu được biểu hiện trên ngôn ngữ hay nơi thân (thân biểu nghiệp, ngữ biểu nghiệp), hoặc do định sản sinh phòng chỉ tạo ra tác dụng tạo tác thiện-ác, do đây hình thành một loại tính cách hậu thiên, đó là vô biểu. Chúng tuy là vô biểu, nhưng vô biểu này thuộc một loại sắc pháp, cho nên được gọi là vô biểu sắc. Vô biểu này có ba loại, chúng do thành lập thệ nguyện quyết ý thật hành thiện-ác nên gọi là luật nghi vô biểu (hình thái tình cảm của tâm thiện), hoặc bất luật nghi vô biểu (hình thái tình cảm của tâm ác); nếu tùy theo duyên đúng lúc mà sinh ra tâm thiện ác thì gọi là xứ trung vô biểu (còn gọi là phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu). Ở đây, luật nghi vô biểu tức là chỉ cho vô biểu của giới thể.

Theo Thành thật luận thì vô biểu thuộc pháp phi sắc, phi tâm; và Luật tông Nam Sơn cũng cho rằng vô biểu thuộc pháp phi sắc, phi tâm. Duy thức tông của Đại thừa thì chủ trương giới thể là chủng tử của tư tâm sở, chỗ đạt được huân tập vào A-lại-da thức; trong khi tông Thiên Thai thì cho rằng vô biểu thuộc giả sắc cho nên cần phải dùng vô biểu giới thể để trình bày. Ngoài ra, theo các nhà Tiểu thừa chủ trương thì giới thể không tương tục, tức là chỉ hiện hữu trong một thời gian nào đó mà thôi, sau đó sẽ biến dịch và mất đi. Nhưng các nhà Đại thừa lại cho rằng, một khi đã đắc giới rồi thì nó tồn tại vĩnh viễn không mất.

Theo các nhà Nhất thiết hữu bộ thì luật nghi vô biểu (Giới thể) được phân ra làm bốn chủng loại:

A. Biệt giải thoát luật nghi, còn gọi là biệt giải thoát giới, biệt giải luật nghi, Ba-la-đề-mộc-xoa luật nghi, biệt giải thoát giới, biệt giải thoát điều phục, hộ tùng giải thoát, giới luật nghi, luật nghi giới, mộc-xoa giới, dục triền giới (Giới lệ thuộc cõi dục) cho đến lúc đạt được từ tác pháp thọ giới. Ở đây, luật nghi được phân ra làm tám:

1. Luật nghi Tỳ-kheo,
2. Luật nghi Tỳ-kheo-ni,
3. Luật nghi Chánh học (Thức-xoa-ma-na),
4. Luật nghi Cần sách (Sa-di),
5. Luật nghi Cần sách nữ (Sa-di-ni),
6. Luật nghi Cận sự nam (Nam cư sĩ),
7. Luật nghi Cận sự nữ (Nữ cư sĩ),
8. Luật nghi Cận trụ (Nam nữ cư sĩ thọ bát quan trai giới).

Luật nghi 1 & 2 thuộc thể Cụ túc giới, 3 thuộc thể của lục pháp giới, 4 & 5 thuộc thể của thập giới, 6 & 7 thuộc thể của ngũ giới, 8 thuộc thể của bát giới.

B. Tịnh lự luật nghi, còn gọi là Tịnh lự sinh luật nghi, Định cộng giới, hay sắc triền giới (Giới lệ thuộc cõi sắc). Cho đến lúc đạt được từ nhập thiền định. Bởi vì trong khi tu tập thiền định, tự nhiên lìa sai lầm và tuyệt không còn phi pháp, cũng tự nhiên khế nhập vào luật nghi pháp nhĩ, cho nên luật nghi này có khả năng phòng phi chỉ ác bảy lỗi (thân ba, miệng bốn) của bất thiện dục giới. Hơn nữa, tịnh lự luật nghi có nơi gọi là tùy tâm chuyển giới, lúc ở trong định cùng tâm đồng khởi, lúc ra khỏi định cùng với luật nghi vô biểu đồng thời cùng diệt, cùng với định hữu lậu cùng sinh cùng diệt, nên được gọi là Định cộng giới.

C. Vô lậu luật nghi, còn gọi là đạo sinh luật nghi, hay đạo cộng giới. Biệt giải thoát và Tịnh lự luật nghi ở trên là hữu lậu giới, còn vô lậu luật nghi thuộc vô lậu giới đoạn tận phiền não; chúng liên hệ đến các bậc thánh giả đạt được từ kiến đạo trở lên, tức là luật nghi có được khi vào trong định vô lậu; ở trong này tự nhiên xa lìa lỗi ác, khế hợp với luật nghi. Vô lậu luật nghi cũng là giới tùy tâm chuyển, cùng với vô lậu đạo cùng sinh cùng diệt, cho nên gọi là đạo cộng giới. Ngược lại, biệt giải thoát luật nghi thì không luận trạng thái của tâm như thế nào, chỉ cần không xả giới thì giới vĩnh viễn tương tục, cho nên gọi là không tùy tâm chuyển giới.

D. Đoạn luật nghi, còn gọi là đoạn giới, tức cùng với cửu vô gián đạo chưa đến định cùng sinh với tịnh lự luật nghi và vô lậu luật nghi, có khả năng đoạn trừ ác giới và phiền não sanh khởi ở cõi dục, nên gọi là đoạn luật nghi.

Đó là bốn chủng loại luật nghi theo các nhà Nhất thiết hữu bộ phân ra, bốn luật nghi này còn gọi là tứ giới.

Ngoài ra, Du-già sư địa luận 53 lại chia ra tám loại luật nghi, đó là Năng khởi, nhiếp thọ, phòng hộ, hoàn dẫn, hạ phẩm, trung phẩm, thượng phẩm, thanh tịnh. Bảy loại trên dành cho trạng thái quyết ý ở trong tâm lúc thọ giới, thuộc Biệt giải thoát luật nghi, do đó mà có sự sai khác được phân chia theo thứ tự; còn loại sau cùng thuộc tịnh lự luật nghi và vô lậu luật nghi.

Trong giới thập thiện, khi hành thập thiện, ngoại trừ ba loại quan hệ cùng tâm ý, bảy loại trước được gọi là thất thiện luật nghi; cũng giống thập thiện, nhưng khi hành thập ác, bảy chủng loại trước được gọi là bảy bất thiện luật nghi. Ngoài đây ra, bảy luật nghi còn gọi là ác luật nghi hay ác giới, lại dựa vào chức nghiệp mà phân loại, như mổ heo, săn bắn, cai ngục v.v… không đồng. Kinh Niết-bàn 29 của Đại thừa thì nói có 16 ác luật nghi, còn theo kinh Đại phương tiện Phật báo ân 6 thì nói có 12 ác luật nghi.

Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích nội dung của Biệt giải thoát luật nghi:

1. Năm giới: Đây là năm giới mà hai chúng cận sự nam luật nghi và cận sự nữ luật nghi tại gia thọ trì. Nếu căn cứ theo giới tính của từng hệ mà gọi thì năm giới này gọi là Ưu-bà-tắc giới, hay Ưu-bà-di giới. Năm giới gồm có: (1) Giới không sát sinh,  (2) Giới không trộm cắp, (3) Giới không tà dâm, (4) Giới không nói dối, (5) Giới không uống rượu. Ở Ấn Độ, những tôn giáo khác cũng có năm giới tương tợ, như pháp điển Mã-nô đưa ra: không sát sinh, không nói đối, không trộm cắp, Phạm hạnh (không dâm), không tham sân; còn Kỳ-na giáo thì dạy: không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, lìa dục. Đó là năm giới điều tương tợ với giới pháp của đức Đạo sư, chỉ có khác theo thứ tự sắp xếp.

2. Bát trai giới: Đây là giới dành cho những vị Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di phát nguyện thọ trì trong vòng một ngày, một đêm, học tập hạnh xuất gia. Những ai thọ trì giới này thì gọi là Ô-ba-bà-sa (Skt. upavāsa), nghĩa là sống gần các vị xuất gia (cận trụ), hay một ngày một đêm sống theo pháp thiện (thiện túc). Bát trai giới còn gọi là bát chi trai, bát quan trai giới, bát giới trai, Phật pháp trai, bát phần giới, bát giới, trai giới, nhất nhựt giới, cận trụ giới hay cận trụ luật nghi. Trong năm giới của các đệ tử nam nữ tại gia, giới thứ ba không tà dâm được đổi thành không dâm dục, còn bốn giới kia không đổi và cộng thêm ba giới nữa là: (6) Thân không trang sức tràng hoa, thoa hương thơm, không ca múa xem nghe; (7) không nằm, ngồi giường cao rộng đẹp; (8) Không ăn phi thời (tức là không ăn quá giờ ngọ).

3. Mười giới: Đây là giới dành cho nam và nữ xuất gia, ra khỏi nhà thế tục, từ biệt những người thân, cắt đứt mọi liên hệ tình cảm (ái) đối với người thân, tuổi không quá hai mươi, còn gọi là mười giới Sa-di, Sa-di-ni, hay còn gọi là Cần sách luật nghi (cho nam) và Cần sách nữ luật nghi (cho nữ). Về nội dung của mười giới này được liệt kê như sau: 1/ Không giết hại sinh mạng. 2/ Không trộm cắp. 3/ Không dâm dục. 4/ Không nói dối. 5/ Không uống rượu. 6/ Không thoa hương, trang sức tràng hoa. 7/ Không ca múa xem nghe. 8/ Không ngồi nằm giường cao rộng lớn. 9/ Không ăn phi thời. 10/ Không chứa của báu vàng bạc.

Trong mười giới này, đặc biệt là năm giới sau dành riêng cho Sa-di và Sa-di-ni, còn năm giới đầu cũng giống như năm giới của nam nữ cư sĩ tại gia. Mười giới này cũng giống như Bát trai giới, năm giới đầu tất cả đều giống nhau, dành chung cho cả xuất gia và tại gia, nhưng đặc biệt ở giới thứ ba trong năm giới thì giới này khác nhau. Tại gia thì chỉ giới hạn trong việc vợ chồng không cho vượt qua giới hạn nên gọi là không tà dâm, trong khi giới này dành cho Bát trai giới và nam nữ xuất gia thì hoàn toàn nghiêm cấm không cho phạm phải vào giới dâm dục cho nên được gọi là Không được dâm dục.

4. Lục pháp giới: Giới sáu pháp này chỉ đặc biệt dành riêng cho các vị Sa-di-ni trước khi thọ giới Cụ túc (giới Tỳ-kheo-ni), thời gian phải tuân giữ sáu pháp này là hai năm, nên còn gọi là học pháp nữ, học giới nữ, chánh học nữ, được dịch nghĩa từ Śikṣamāṇā tiếng Phạn, dịch âm là Thức-xoa-ma-na. Một vị Thức-xoa-ma-na, ngoài bốn giới trọng căn bản là giới dâm, giới sát, giới đạo (trộm cắp) và giới đại vọng ngữ ra, còn cần phải vâng giữ sáu pháp. Theo Tứ phần luật 27, thì nội dung của sáu pháp được ghi như sau: 1/ Giới nhiễm tâm tương xúc (Không vì tâm ái dục mà xúc chạm vào thân người nam). 2/ Giới đạo nhơn tứ tiền (Không được trộm bốn tiền của người trở xuống, trộm bốn tiền trở xuống là giới khuyết rất nặng đối với người mới thọ giới; nếu trộm năm tiền trở lên thì sẽ bị mặc tẫn (bị trục xuất). 3/ Giới đoạn súc sinh mạng (tức là không được giết hại mạng sống của các loài vật). 4/ Giới tiểu vọng ngữ (Không được nói dối về tất cả mọi việc đối với mọi người, không phải là đại vọng ngữ). 5/ Giới phi thời thực (Không được ăn không đúng giờ). 6/ Giới ẩm tửu (Không được uống rượu). Đây là sáu pháp theo luật Tứ phần. Nhưng theo Thập tụng luật thì sáu pháp được liệt kê như sau: dâm dục, thâu đoạt (trộm cướp), sát sinh, vọng ngữ, ma xúc nam tử khỏa thân (đụng chạm rờ mó thân trần của nữ, nam), tróc nam tử chi thủ dữ y nhi cộng ngữ (nắm tay và áo người nam cùng nói chuyện). Về mặt nội dung ý nghĩa thì không có sự sai khác, nhưng về mặt hình thức sắp xếp và thuật ngữ thì có sự sai khác. Riêng theo Ma-ha Tăng-kỳ luật thì ghi có mười tám việc (Thập bát sự) chứ không ghi là sáu pháp giới như các bộ khác như ở trên cũng như luật của Hữu bộ.

5. Cụ túc giới: Phạn ngữ gọi là upasaṃpanna hay upasaṃpadā, theo nguyên ngữ của nó là chỉ cho những người thân cận ở bên chân Thế Tôn, hoặc những ai tham gia vào giáo đoàn, trở thành đệ tử của Ngài trong khoảng thời gian năm năm đầu.  Upasaṃpanna dịch sát nghĩa là tiến đến chỗ hoàn toàn, hay gần tròn đầy, nên cũng được giải thích là “Cận Niết-bàn”. Nhưng về sau, khi giáo đoàn đông, sinh ra nhiều “hữu sự” phức tạp, Ngài mới bắt đầu chế giới để cho các đệ tử của Ngài thọ trì, làm thanh tịnh hóa ba nghiệp tùy theo căn cơ hoàn cảnh mà có năm giới, mười giới chưa đầy đủ và hoàn chỉnh cho vấn đề giải thoát, chỉ dành cho tại gia và những ai tập sự xuất gia chưa chính thức vào Tăng đoàn. Để chính thức gia nhập Tăng đoàn lúc này những vị xuất gia theo Ngài cần phải thọ trì giới cấm đầy đủ hơn, viên mãn hơn nên Ngài đã theo tướng phạm hữu sự của các nam nữ xuất gia mà chế ra Cụ túc giới. Giới cụ túc này còn gọi là Cụ giới, Tiến cụ giới, Cận viên giới, Đại giới. Đây là giới dành riêng cho nam nữ xuất gia sau khi đã tác pháp yết-ma lãnh thọ giới Tỳ-kheo (Tỳ-kheo luật nghi) và Tỳ-kheo-ni (Tỳ-kheo-ni luật nghi). Giới cụ túc được phân ra thành hai, tùy thuộc vào giới tính của nam và nữ nên giới điều theo đó mà có phần khác nhau trong số giới điều. Nhưng trên đại thể, Tánh giới và Giá giới vẫn giống nhau dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Về nội dung của giới điều thì Tỳ-kheo có 250 giới và Tỳ-kheo-ni có 348 giới. Sự chênh lệch số giới điều ở đây tùy thuộc vào giới tính đã thể hiện trong cuộc sống của vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nên đức Phật căn cứ vào tướng phạm của họ mà chế giới. Do đó, chúng ta không thể căn cứ vào giới tướng nhiều và ít này mà kết luận rằng đức Phật đã thiên vị, hay không công bằng giữa nam và nữ.

Theo Tứ phần luật thì 250 giới tướng Tỳ-kheo và 348 giới tướng Tỳ-kheo-ni này được chia ra là Năm thiên Bảy tụ:

Năm thiên gồm: Một, Ba-la-di thiên. Hai, Tăng tàn thiên. Ba, Ba-dật-đề thiên. Bốn, Ba-la-đề-đề-xá-ni thiên. Năm, Đột-kiết-la thiên. Trong năm thiên này thêm Thâu-lan-giá thì gọi là lục tụ. Thâu-lan-giá là tội làm chướng ngại rất lớn đối với con đường đưa đến thiện đạo; tức là giữa hai tội Ba-la-di và Tăng tàn, nhưng chúng chưa hội đủ điều kiện để phạm vào hai tội này, nên đức Đạo sư liệt kê vào Thâu-lan-giá. Và cũng trong năm thiên trên, trong thiên thứ năm là Đột-kiết-la phát sinh ra tội Ác thuyết nên gọi nó là Tụ thứ bảy. Vì tội Đột-kiết-la chỉ được giới hạn do thân tạo ra nên gọi là Ác tác, còn lời nói tạo ra tội thì chưa được đề cập đến nên tội do lời nói tạo ra thì được thêm vào và gọi nó là Ác thuyết. Như vậy, Thất tụ có được chỉ là một sự bổ túc thêm từ sự khiếm khuyết của năm thiên mà ra. Vậy, Năm thiên này chúng ta cũng có thể gọi là năm Tụ cũng được.

Như vậy, đức Phật chế giới nhằm vào hai mục đích là phòng phi chỉ ác (cấm kị những việc làm phi pháp và đình chỉ, không tạo ra các việc ác) và, nỗ lực hành thiện, như ý nghĩa nội dung bài kệ thông Giới kinh “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành…” mà bảy đức Phật quá khứ đã từng dạy và nay đức Đạo sư cũng đem dạy lại cho các Tỳ-kheo vô sự của mình, sau khi Ngài thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bài kệ thông Giới kinh này được áp dụng trong vòng năm năm đầu khi Ngài chưa chế giới. Căn cứ theo đó, chúng ta có hai cách giải thích về giới: Một là ‘chỉ trì giới’. Ở đây theo nghĩa tiêu cực mà nói thì giới có nghĩa là phòng ác. Hai là ‘tác trì giới’. Ở đây theo nghĩa tích cực mà nói thì giới có nghĩa là hành thiện. Theo Quảng luật (chỉ cho tất cả các bộ Luật trong Luật tạng) mà nói thì năm thiên, bảy tụ thuộc chỉ trì giới, còn các phần Kiền độ thì thuộc phần tác trì giới.

Ngoài ra, luận Du-già Sư Địa 40 đề cập thì có ba tụ tịnh giới có thể đại biểu cho Đại thừa Bồ-tát giới, đó là: Một, Nhiếp luật nghi giới, tức là tuân thủ những gì Phật đã chế về việc phòng chỉ mọi lỗi lầm. Hai, Nhiếp thiện pháp giới, chỉ có sự tấn tu trong việc hành thiện cho mình. Ba, Nhiêu ích hữu tình giới hay còn gọi là nhiếp chúng sanh giới, đây là việc làm lợi người như giáo hóa chúng sanh khiến cho họ được nhiều lợi ích. Nhưng theo Đồng luận 42 thì Bồ-tát giữ sáu loại giới: Hồi hướng giới, Quảng bác giới, Vô tội hoan hỷ xứ giới, Hằng thường giới, Kiên cố giới, Thi-la trang nghiêm cụ tướng giới. Đó là Bồ-tát giới của Đại thừa giáo, còn gọi là Trì giới Ba-la-mật.

Ngoài những giới dành cho tại gia, xuất gia chưa chính thức vào Tăng đoàn của Sa-di, Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na ra thì giới của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thuộc giới Thinh Văn của Tiểu thừa giáo và giới Bồ-tát thuộc Đại thừa giáo có sự đồng dị trên mặt ý nghĩa của chúng. Theo giới luật của Thinh văn thì ý nghĩa của nó không ngoài thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý cho chính bản thân mỗi cá nhân trong vấn đề tự lợi còn vấn đề lợi tha họ không để ý đến; trong khi giới Bồ-tát kể cả xuất gia và tại gia, cả hai đều được áp dụng một cách đồng loạt trong việc tự lợi và lợi tha. Đó là nét đặc trưng của Đại thừa giới. Thật ra, đây cũng chỉ là để phù hợp và thích ứng căn cơ, nguyện lực của hành giả mà thôi. Như Đại trí độ luận 46 nói thì Giới Ba-la-mật là tổng nhiếp tất cả các pháp, mà Thập thiện là giới tổng tướng (tánh giới), còn tất cả vô lượng giới khác đều là giới biệt tướng (Giá giới). Theo kinh Phạm Võng, luật điển của Đại thừa thì năm mươi tám giới của Bồ-tát: Mười giới trọng đầu gọi là mười trọng cấm thuộc tánh giới, còn gọi là mười trọng cấm giới, mười vô tận giới, hay mười trọng Ba-la-đề-mộc-xoa, hay mười Ba-la-di, mười giới không thể hối và bốn mươi tám giới khinh sau cùng gọi là      khinh giới, thuộc khinh tội của giá giới dành chung cho các vị nam nữ tại gia và xuất gia.

Theo Thiên Thai tông chủ trương thì giới có thể phân ra làm hai loại Quyền giới và Thật giới. Theo Pháp Hoa huyền nghĩa 4 thì tất cả những giới được đức Phật chế ra từ năm giới cho đến cụ túc giới của Tiểu thừa, cùng Du-già sư Địa luận, Bồ-tát thiện giới kinh, v.v… của Đại thừa là quyền giới, cộng thông cho cả ba thừa, nhưng đặc biệt đại giới của Phạm Võng thời thuộc Thật giới của tương đối. Song, theo Pháp Hoa Viên giáo thì “Khai tam Hội nhất”, mở là nói Quyền giáo ba thừa, nhưng hội quy về Thật giáo nhất thừa. Còn Pháp Hoa thì tất cả giới luật đều quy hướng về Thật giới tuyệt đối.

Ngoài những cách giải thích về giới tướng được nêu ra ở trên, theo Ma-ha chỉ quán 4 phần đầu, Giới được chia ra làm hai phần: Sự giới và lý giới. Sự giới chỉ cho những giới tướng mang hình thức cụ thể, được qui ra thành những giới điều như: Năm giới, sáu giới, tám giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới, ba trăm bốn mươi tám giới, hay năm mươi tám giới. Đó là những giới điều mang hình thức giới tướng thuộc về phần sự giới. Lý giới chỉ cho những giới tướng của sự giới qua ba cách quán hiện quán “không-giả-trung”, gọi là lý giới hay còn gọi là ly tướng giới.

Các nhà Thiên Thai tông Trung Quốc chủ trương lấy diệu giới hay lý giới của đốn giáo tuyệt đối với tất cả giới. Cùng giới này, nhưng sang Phật giáo Nhật Bản, cách giải thích có tiến bộ hơn một bước. Tối Trừng, một Tăng nhơn Nhật Bản đã y cứ vào kinh Pháp Hoa chủ trương lập trường “khai hiển”, dùng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của kinh Phạm Võng liên hệ với những gì Phật Tỳ-lô-xá-na đã nói về giới, lấy lợi người làm căn bản. Theo đó, giới thể một khi đã đắc thì vĩnh viễn không mất và giới cảnh là pháp giới vô biên, không bị giới hạn đối với ba nghìn đại thiên thế giới; còn giới tướng chính là ba tụ tịnh giới. Người trì giới và phạm giới đều không có một nguyên tắc nào nhất định. Việc truyền trao giới cũng không giới hạn cho cả thông và biệt. Truyền giới thông cho tất cả xuất gia và tại gia, cùng một luật lấy ba tụ tịnh giới tác pháp truyền chung thì gọi là thông thọ. Trong khi truyền trao riêng, giới sư y cứ vào Nhất bách tam yết-ma, hay pháp tam quy truyền riêng cá biệt cho mỗi người thì đó gọi là biệt thọ. Loại giới này đặc xưng là Viên đốn giới, hay còn gọi là Phạm võng Bồ-tát giới, hay Thiên Thai Viên giáo Bồ-tát giới, Bồ-tát Kim cương thật giới, Nhất thừa giới, Nhất thừa Viên giới, Nhất tâm giới, Nhất tâm Kim cương giới, Đại thừa Viên đốn giới, Viên đốn Bồ-tát giới, Viên đốn vô tác giới, Viên giới, Đại giới.

Chân ngôn tông nói về tam-muội-da giới tức ý chỉ cho giới bình đẳng, thì giới chỉ cho thân, khẩu, ý của Phật cùng chúng sanh ba mật bình đẳng tuyệt đối theo lý.  Một chân ngôn bí mật, giới này lấy tâm Bồ-đề thanh tịnh, vốn đầy đủ của chúng sanh làm giới thể và lấy muôn đức vô lượng pháp giới làm hành tướng. Đại Nhật kinh nói về bốn trọng cấm hay còn gọi là bốn trọng giới: Một, giới không nên bỏ Chánh pháp. Hai, giới không nên lìa bỏ tâm Bồ-đề. Ba, giới đối với tất cả pháp không nên bủn xỉn. Bốn, giới đối với tất cả chúng sanh không nên không tạo hạnh nhiêu ích. Lại, không thối tâm Bồ-đề, không hủy báng Tam bảo, không sinh lòng nghi ngờ, không khiến thối lui tâm Bồ-đề, không khiến phát tâm nhị thừa, không vội nói Đại thừa thâm diệu, không khởi tà kiến, không nói ta có đầy đủ vô thượng đạo giới, bỏ tất cả những việc không lợi ích, đó là mười giới trọng.

Ngoài ý nghĩa cùng những giới tướng từ những thuộc tính đưa đến những sự tướng có được của giới ra, chúng ta còn có nghi thức để lãnh thọ giới pháp (giới đàn pháp) được chúng tôi liệt kê theo đây để cho mọi người cùng biết:

Tiếp nhận giới pháp thì gọi là nhận (thọ) giới.

Giới sư truyền cho giới pháp gọi là truyền giới.

Trì giữ giới pháp gọi là trì giới.

Truyền giới có một nghi thức nhất định gọi là giới nghi.

Lễ truyền giới, có Hòa thượng truyền giới (đầy đủ phải tam sư thất chứng), hoặc là truyền giới sư (Thiên Thai tông Nhật Bản khi truyền Viên đốn giới, lấy Thế Tôn làm Hòa thượng truyền giới, còn hiện tiền những vị sư truyền giới thì gọi là truyền giới sư) làm giới sư.

Thọ giới có nhiều hình thức, như thọ chung cùng thọ riêng, tự nguyện thọ (nhận) cùng thọ (nhận) từ người khác, thọ một phần cùng thọ toàn phần. Ở đây, thọ tự nguyện là không cần những hình thức tam sư thất chứng, duy chỉ tự mình đối trước Phật thệ nguyện rằng mình xin nhận giới, còn nhận giới từ người khác tức là theo hình thức phải có tam sư thất chứng từ người khác mà nhận giới.

Giới thể có hai, khi hành vi của thân, ngữ chúng ta kinh qua nghi thức thọ giới thì hành vi làm việc này gọi là biểu nghiệp, lúc mới bắt đầu thọ giới thì gọi là tác giới hay là giáo giới. Tác giới hay giáo giới không mang tính liên tục mà chỉ được giới hạn trong thời gian bắt đầu tác pháp giáo giới để đưa đến yết-ma thọ giới, thời gian này mang hình thức thể hiện của thân và ngữ nghiệp được biểu hiện nên được gọi là biểu nghiệp. Sau khi nhận tác pháp yết-ma thọ giới được thể hiện qua thân hành và ngữ hành xong, chúng ta đắc được giới thể. Sau khi chúng ta đắc được giới thể, từ đó trở về sau, giới thể này tương tục luôn luôn; chúng có tác dụng bảo trì giới một cách liên tục vô hình trung, nên được gọi là vô tác giới, hay còn gọi là vô biểu nghiệp; chúng sẽ mất khi thân và ngữ của chúng ta biểu hiện làm cho người đối diện biết rằng mình muốn xa lìa giới hay xả giới thì giới liền mất.

Vấn đề đắc giới thể hay mất giới thể, theo Câu-xá luận 14 & 15 giải thích như sau: Biệt giải thoát luật nghi cần phải dùng đến các duyên tam sư thất chứng mới đắc giới; nhưng được gọi là mất giới hay xả giới thì cần đến một trong năm duyên mới mất giới: Một, ý lạc (có tâm phạm giới). Hai, tử vong. Ba, khi mang lưỡng tính (nam & nữ, nhị hình). Bốn, đoạn thiện căn. Năm, qua khỏi thời gian một ngày một đêm thì giới tự mất (dành cho giới Bát quan trai).

Ngoài ra, kinh luật đã nêu những thắng duyên của một hành giả muốn đắc Cụ túc giới cần phải có một trong mười duyên này: Một, tự nhiên được, tức do giác ngộ mà được, như Phật hay Độc giác. Hai, nhờ kiến đế mà được, tức là nhập vào kiến đạo mà được, như năm anh em Kiều-trần-như. Ba, thiện lai mà được, tức chỉ cần Phật bảo thiện lai là được, như Da-xá. Bốn, tự thệ nguyện mà được, tức là tin nhận Phật là Đại sư mà được, như tôn giả Đại Ca-diếp. Năm, do luận nghị mà được, tức cùng Phật vấn đáp mà được, như Tô-đà-di. Sáu, tác kính trọng mà được, tức thọ Bát kỉnh pháp mà được, như Ma-ha Ba-xà-ba-đề. Bảy, sai tin mà được, tức được Phật sai khiến truyền trao cụ túc giới mà được, như pháp truyền trao cho Ni. Đây là trường hợp của Tỳ-kheo-ni Pháp Thọ, do sợ nạn phạm hạnh mà Phật cho phép cử đại diện đến thọ rồi về truyền lại. Tám, tác ngũ nhơn mà được, tức vùng biên địa, Tăng không đủ túc số, nên chỉ cần năm vị truyền giới sư mà được. Chín, do Yết-ma mà được, tức cần tam sư thất chứng tác yết-ma để truyền trao giới mà được giới. Mười, tam quy mà được, tức quy y Phật, Pháp, Tăng Tam bảo mà được.

Lại nữa, giới được phân ra làm năm loại, đây gọi là năm phần giới: Người thọ trì tam quy và giữ một trong năm giới gọi là nhất phần giới; người thọ trì tam quy cùng thọ trì hai giới trong năm giới gọi là thiểu phần giới; nếu thọ trì hai giới mà phá một giới thời gọi là vô phần giới; thọ trì ba hay bốn giới gọi là đa phần giới; thọ trì năm giới thì gọi là mãn phần giới.

Vị nào thọ Sa-di giới chưa lâu thì gọi là tân giới; nếu người nào mới thọ (Sa-di) với hy vọng sẽ sinh về chỗ lành các cõi Trời thì gọi là hy vọng giới; người nào sợ người khác trách mắng mà thọ giới thì gọi là bố úy giới; vị nào muốn bảy giác chi, trang nghiêm tâm mình mà thọ giới thì gọi là thuận giác chi giới; vị nào muốn lìa cấu phiền não mà thọ giới thì gọi là vô lậu thanh tịnh giới.

Y cứ vào Tứ phần luật 16 thì, nếu phạm các tụ Ba-la-di, Tăng tàn, Thâu-lan-giá (giới phần) thì gọi là phá giới; phạm vào các tụ Ba-dật-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la, ác thuyết (oai nghi phần), gọi là phá oai nghi. Sau khi thọ giới xong, người thường phạm giới, thế lực của giới thể ngày càng suy yếu dần, song vẫn chưa xả giới, thời gian này được gọi là giới luy (sút kém); ngược lại sau khi đắc giới, vị đó càng ngày càng tinh tấn trong việc thọ trì giới, khiến giới thể càng ngày càng lớn mạnh hơn lên từ từ thì gọi là giới phì.

Người phá giới sau khi chết sẽ đọa vào ba đường ác. Theo Tứ phần luật 29, người phá giới có năm lỗi: Một, tự hại. Hai, bị người khác quát mắng. Ba, tiếng xấu đồn vang. Bốn, đến lúc chết sinh hối hận. Năm, sau khi chết đọa vào đường ác. Nếu đối với giới luật lấy tà kiến mà chấp trước thì gọi là giới cấm thủ kiến (là một trong năm kiến). Như Ngưu cẩu ngoại đạo trì ngưu giới, cẩu giới, kê cẩu giới, v.v… tất cả đều thuộc giới cấm thủ kiến. Trường hợp nếu chưa phá giới nhưng khởi phiền não mà làm nhiễm ô giới thì gọi là ô giới. Trường hợp tương đối, với tịnh giới mà nói thì giới của nhiễm ô này cũng gọi là ô giới.

Như trên chúng ta đã biết, giới có mục đích là làm thanh tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, và ý. Nếu ba nghiệp này của chúng ta thanh tịnh, sạch như băng tuyết thì lo gì chúng ta không giải thoát được những thứ phiền não chướng khổ; những thứ làm ngăn trở chúng ta trên bước đường giải thoát. Vì giới theo nhân quả thì nó chính là nhân đưa đến giải thoát khổ của chúng ta, dù đứng trên mặt tương đối hay tuyệt đối nó vẫn là nhân và duyên đưa đến giải thoát khổ và đạt an vui trong giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại này của chúng ta; và cũng là bước đầu đưa đến định trong hiện quán về khổ và xa lìa khổ một cách như thật trong trí tuệ.

II- ĐỊNH
Sanskrit gọi là Samādhi (Pāli: Samādhi), dịch âm là tam-ma-địa, có nghĩa là thiền định, tức là chuyên tâm chăm chú vào một đối tượng nào đó mà tinh thần chúng ta không bị chi phối bởi bất cứ một tác động nào khác ngoài đối tượng đó, hoặc là chỉ cho trạng thái ngưng đọng tĩnh lặng. Ngược lại với những trạng thái này thì chúng ta gọi là tâm bị tán loạn hay gọi là định tán. Theo Câu Xá tông và Duy thức tông thì định là một trong những tâm sở. Câu Xá tông lấy nó làm một trong mười đại địa pháp, còn Duy thức tông lấy nó làm một trong năm biệt cảnh. Đây là một trạng thái tinh thần đặc thù có được khi hành giả tu hành khiến tâm không bị tán loạn, mà chúng ta khi tiến đến cảnh này theo tuần tự có những sai biệt, nhưng dù có sự sai biệt theo sự ổn định của tâm, chúng vẫn được gọi chung là định. Lại nữa nhờ vào chỉ (śamathā = xà-ma-địa), quán (vipaśyanā = Tỳ-bà-xá-na), hành giả cũng có thể tuần tự đạt được những cảnh giới tùy theo căn cơ và lực định nhiều hay ít mà theo đó có những kết quả sai biệt như tứ thiền, tứ vô sắc, nhị vô tâm định, v.v… hoặc gọi chung là thiền định, hoặc dùng nghĩa của tâm một tánh cảnh mà gọi là samādhi (tam-ma-địa), hoặc còn gọi là tam-muội. Ở đây, định được coi như là một phạm trù trong ba phạm trù ba học giới-định-tuệ, là đại cương của phương pháp học thực tiễn của Phật giáo. Hơn nữa, định cũng được gọi là Thiền định, hay Thiền-na (dhyāna), Tịnh lự. Theo Chánh định trong Bát thánh đạo hay trong các pháp trợ đạo thì nó là một trong Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi.

Về ý nghĩa của định thì có rất nhiều thuyết khác nhau, căn cứ vào Trí độ luận 28 thì Thiền định và tứ Thiền, cả hai đều gọi là định hay tam-muội, nhưng theo Thập trụ Tỳ-bà-sa luận thì Thiền chỉ cho Tứ thiền, còn định chỉ cho Tứ vô sắc định, Tứ vô lượng tâm, v.v… Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng 5 cho biết, định có những tên khác nhau và được chia ra làm bảy loại:

Một,Tam-ma-hứ-đa (samāhida), nghĩa là đẳng dẫn. Đẳng có nghĩa là xa lìa tâm trôi nổi của trạo cử, hôn trầm mà bảo trì bình đẳng đến khi nào cả hai thân và tâm đều ở trạng thái an ổn dẫn, có nghĩa là do tự lực mỗi cá nhân mà dẫn khởi phát sinh mọi công đức. Hành giả nào thường tu định này thì lìa được các phiền não và đưa đến sự phát sinh các thứ công đức thù thắng vi diệu. Đẳng dẫn này thông cả hai tâm định hữu và vô, nhưng nó không thông cho tán loạn.

Hai, Tam-ma-địa, hay tam-muội (samādhi), có nghĩa là đẳng trì, còn gọi là chánh tân hành xứ. Hành giả nào thường tu định này thì tâm sẽ đoan trực, an trụ bất động vào một cảnh, có nghĩa là tâm bình đẳng nhiếp trì, thông với định, tán (loạn), nhưng rất ít hạn chế đối với hữu tâm, song sẽ không thông với vô tâm là bản thể của định.

Ba,Tam-ma-bát-để (samāpatti), dịch là đẳng chí. Hành giả nào thường tu định (chánh thọ) này thì định sẽ hiện tiền, sẽ phát ánh sáng lớn, vui mừng thù thắng, nơi nhiễm không bị nhiễm, không bị thối chuyển, có nghĩa là thân tâm bình đẳng. Đối với cả hai định hữu tâm và vô tâm ít thông suốt, cũng không thông với tán vị là tự tướng của định.

Bốn là Đà-na-diễn-na (dhyāna), Trung Hoa dịch là tịnh lự, còn gọi là thiền, nghĩa là ngưng thần xét nghĩ, chuyên nghĩ tưởng lặng yên, tức là trấn tĩnh nhớ nghĩ, thông cho cả hữu tâm, vô tâm, hữu lậu vô lậu, nhưng chúng chỉ giới hạn định của sắc giới, không thông cho định của vô sắc.

Năm, Chất-đa-ế-ca-a-yết-la-đa (cittaikāgratā), Trung Hoa dịch là tâm một tánh cảnh, khích lệ siêng năng là chính trong việc thực hành tu tập, ý nói đem tâm hành giả tập trung vào một đối tượng là tự tánh của định.

Sáu, Xà-ma-tha (śamatha), dịch là chỉ, là chánh thọ, là đình chỉ tất cả các căn ác pháp bất thiện thì có thể diệt hết tất cả mọi thứ phiền não tán loạn, tức là tưởng nhớ đến lìa tà loạn, có ý là chúng ta đình chỉ thì tâm tịch tĩnh, rất ít có giới hạn đối với tịnh định của hữu tâm.

Bảy, Hiện pháp lạc trú (dṛṣṭa-dharma-sukha-vihara), có nghĩa là tu tập thiền định, lìa tất cả mọi vọng tưởng, thân tâm vắng lặng, hiện thọ cái vui của pháp hỷ mà an trụ không động, tức là đối với đời hiện tại chúng ta hưởng thọ pháp lạc của định, nhờ vào tịnh định, vô lậu định này, chúng chỉ giới hạn đối với bốn định căn bản của sắc giới thôi.

Định có hai loại: Một là sinh đắc định, là nếu ai sinh ở sắc giới, vô sắc giới, nhờ vào nghiệp lực đời trước tự nhiên có được định địa này (hai cõi này còn gọi là định địa). Hai, tu đắc định, tức là chúng sinh sinh vào cõi dục giới (nơi này gọi là tán địa), hành giả phải tu tập, định mới phát sinh. Hai định này hành giả ở trong định sắc giới thì gọi là sanh tịnh lự hay định tịnh lự, còn ở trong định vô sắc thì gọi là sanh vô sắc hay định vô sắc.

Giai đoạn mà hành giả nương vào nội dung của định để tu hành thì chúng ta có thể chia ra là nhiều loại. Câu Xá tông thì chia ra làm hai: Một là hữu tâm định, hai là vô tâm định. Hữu tâm định bao gồm cả bốn tịnh lự (tứ thiền, tứ sắc giới định) cùng với tứ vô sắc giới định hợp lại gọi là bát định hay còn gọi là bát đẳng chí.

Tứ tịnh lự, tức chỉ cho sơ tịnh lự, đệ nhị tịnh lự, đệ tam tịnh lự, đệ tứ tịnh lự. Ở sơ tịnh lự, hành giả trừ được ngôn ngữ nói năng, đệ nhị tịnh lự trở lên hành giả dần dần trừ được tầm, tứ, ưu, khổ, hỷ, lạc cùng các thọ. Hơn nữa, khi hành giả ở trong sơ tịnh lự thì hai thức của mũi và lưỡi không còn nữa. Từ đệ nhị tịnh lự trở lên thì năm thức bắt đầu không còn nữa.

Tứ vô sắc giới định gồm có: Một, Không vô biên xứ định, ở đây, hành giả diệt trừ được sắc tưởng hữu đối (có đối tượng) có thể nhận thấy được do sự hòa hợp của nhãn thức cùng sắc tưởng hữu đối có thể nhận thấy nhờ vào sự hòa hợp của bốn thức tai, mũi, lưỡi, thân và cuối cùng là diệt trừ sắc tưởng vô đối (không có đối tượng, vô biểu sắc) không thể nhận thấy do sự hòa hợp của ý thức mà nhập vào tưởng hư không của vô biên. Hai, Thức vô biên xứ định, ở đây hành giả xả bỏ duyên không bên ngoài, chỉ còn duyên vào tâm thức để đi vào thức hành của vô biên. Ba, Vô sở hữu xứ định, ở đây hành giả chán ghét và lìa cái khổ của tất cả mọi duyên rộng lớn của thức xứ, diệt trừ luôn thức tưởng, tạo lập hành tướng vô sở hữu. Bốn, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, còn gọi là phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định. Ở đây hành giả lìa bỏ luôn hành tướng vô sở hữu, tri kiến được đặt về một hướng duy nhất là phi tưởng (không còn tưởng thô nữa) và cứ như vậy tiến lên đến lúc xả bỏ hành tướng của phi tưởng nữa luôn, để đạt được phi phi tưởng, ở đây chỉ còn có tưởng vi tế mà thôi.

Trong bát định thì giai đoạn hành giả đã nhập vào định cùng giai đoạn chuẩn bị tiếp cận định thì thời gian nhập vào định gọi là căn bản định hay còn gọi là căn bản đẳng chí, giai đoạn chuẩn bị tiếp cận gọi là giai đoạn cận phận định. Song, giai đoạn trước sơ tịnh lự thì không thể gọi là giai đoạn cận phận định (gần phần định) được mà được gọi là vị chí định (chưa đến được định), nên có ít nhất là bảy cận phận định. Hơn nữa, giai đoạn trung gian cận phận định giữa sơ tịnh lự và đệ nhị tịnh lự được gọi là trung gian định, hay là trung gian tịnh lự, nếu như tu tập định này (định trung gian), tức là sẽ sinh về cõi trời Đại Phạm. Trong đệ tứ tịnh lự từ hạ hạ phẩm cho đến thượng thượng phẩm. Trong cửu phẩm, thượng thượng phẩm, là định tối cao trong sắc giới định, được gọi là biên tế định.

Các định bát căn bản, bảy cận phận, trung gian và vị chí đã nêu lên ở trên chỉ hữu vô của tầm, tứ, v.v… phân lại thành ba loại Tam-ma-địa. Tầm, là chỉ cho tầm cầu lựa chọn, nhưng tác dụng tinh thần vẫn còn thô tạp; trong khi, Tứ chỉ cho quán sát tư duy, nên tác dụng tinh thần của nó là vi tế sâu xa. Ba loại tam-ma-địa là: Một, tam-ma-địa có tầm, có tứ của vị chí định cùng sơ tịnh lự, tức là định có giác, có quán. Hai, Tam-ma-địa không tầm, không tứ của trung gian định, tức là định không giác, không quán. Ba, tam-ma-địa không tầm không tứ của đệ nhị tịnh lự cận phận trở lên, tức là định không giác không quán. Đó gọi là ba loại định, hoặc gọi là ba tam-ma-địa, hay ba tam-muội.

Do tính chất của định nên có thể phân định ra làm ba: Một, vị định. Hai, tịnh định. Ba, vô lậu định.

1/ Vị định còn gọi là vị đẳng chí. Định này tương ưng với tham ái phiền não khởi lên, đắm vị ái lạc đối với định của tịnh định niệm trước, thuộc bát căn bản định cùng trung gian định.

2/ Tịnh định còn gọi là tịnh đẳng chí. Định này tương ưng với tâm thiện hữu lậu mà khởi lên định. Trong định này còn phân ra làm bốn cấp bậc: (1) Thuận thối phân định, nghĩa là thuận theo phiền não địa mà sinh khởi vị định. (2) Thuận trụ phân định, là thuận theo tịnh định địa. (3) Thuận thắng tiến phân địa, là thuận theo tịnh định thượng địa. (4) Thuận quyết trạch phân định, là thuận theo trí vô lậu mà khởi lên định vô lậu. Tịnh định này ở trong vị chí định, trung gian định, thất cận phân định, bát căn bổn định đều sinh khởi.

3/ Vô lậu định còn gọi là vô lậu đẳng chí, là nơi nương vào của các bậc Thánh để đạt được định trí vô lậu. Định này vẫn còn câu hữu với vị chí định, trung gian định, tứ căn bản định, phần dưới ba vô sắc định, là để đoạn trừ các phiền não còn sót lại, phần này tác dụng của nó rất mạnh.

Định hữu tâm lấy chỉ và quán phân ra làm hai phẩm, mà phân thành có quân (bình) và không quân (bình). Vị chí định cùng trung gian định, nếu đem chỉ và quán mà so sánh thì tác dụng của quán là thù thắng, tức phẩm quán tăng, phẩm chỉ giảm; còn tứ định vô sắc thì chỉ thù thắng, tức phẩm quán giảm, còn phẩm chỉ tăng; chỉ có bốn định căn bản của sắc giới thì chỉ và quán đều bình đẳng, hòa hợp cùng chuyển, cho nên gọi là tịnh lự. Ngoài ra bốn định vô sắc thì chỉ và quán cũng không được quân bình đồng hành, cho nên gọi chung là duy định.

Căn cứ theo Du-già sư địa luận 30 thì lấy phẩm Xà-ma-tha (chỉ) làm chỉ tức là nhiếp tâm ngưng tụ vào một chỗ, dùng phẩm Tỳ-bát-xá-na (quán) làm quán, tức là dùng tuệ lựa chọn, quán sát mọi đối tượng cảnh giới rồi dựa vào phẩm Xà-ma-tha mà khởi lên.

Phẩm Xà-ma-tha phân làm chín loại tâm trụ: Một, nội trụ, còn gọi là linh trụ, tối sơ trụ, tức là nhiếp thu nương vào tất cả mọi cảnh duyên bên ngoài, xa lìa tán loạn bên trong, mà khiến cho tâm mình chấp chặt vào cảnh. Hai, đẳng trụ, hay là chánh niệm trụ, là nhiếp tâm mình vào cảnh động mạnh, khiến tâm mình trụ khắp cảnh vi tế. Ba, an trụ, hay là phú thẩm trụ, là xa lìa tán loạn cùng thất niệm, đem tâm mình trụ vào cảnh bên trong. Bốn, cận trụ, còn gọi là hậu biệt trụ, là gần gũi niệm trụ nên lúc nào cũng tác ý. Năm, điều thuận, còn gọi là điều nhu trụ, là đem tâm điều phục không cho tan chảy. Sáu, tịch tĩnh, còn gọi là tịch tĩnh trụ, thường thấy cái ác tầm tư sâu xa, cùng lỗi lầm của tùy phiền não, cho đến đem tâm nhiếp phục. Bảy, tối cực tịch tĩnh, còn gọi là hàng phục trụ, là chế phục do mất niệm mà hiện khởi tầm từ ác cùng tùy phiền não. Tám, chuyên chú nhứ thú, còn gọi là công dụng trụ, là nhờ công lực mà định lực được tương tục. Chín, đẳng trì, còn gọi là bình đẳng nhiếp trì, hay nhậm vận trì, là từ nơi nhân duyên tu tập luôn luôn, khiến cho định tâm của dụng vô công chuyển liên tục.

Phẩm Tỳ-bát-xá-na phân làm bốn loại tuệ hành: Một, chánh tư trạch, còn gọi là giản trạch chư pháp, dùng tư trạch phân biệt tịnh hạnh chỗ duyên của bất tịnh, từ bi, duyên khởi, giới giữ ngưng niệm, năm loại cảnh, khéo léo tích hợp mọi duyên, giới, xứ, duyên khởi, xứ, phi xứ, năm loại cảnh, tịnh hoặc chỗ duyên các pháp sai biệt của đạo đời và đạo xuất thế. Hai, tối cực tư trạch, đối trong các pháp sai biệt tư trạch thật tánh bình đẳng. Ba, châu biến tầm tư, là nương vào tác ý phân biệt giữ lấy tướng các pháp mà biến tầm tư. Bốn, tư biến tư sát, còn gọi là châu thẩm quán sát, là rõ hết mọi cảnh sở duyên truy cầu.

Định vô tâm chia làm định vô tưởng và định diệt tận, quân (bình) là định do diệt trừ tâm, tâm sở; định vô tưởng liên hệ với phàm phu cùng ngoại đạo, họ ngộ nhận rằng trạng thái vô tưởng là chân Niết-bàn nên họ đã tu tập định này. Còn định diệt tận thì liên hệ các Thánh giả, họ đem cảnh giới định làm tĩnh của cõi vô dư Niết-bàn mà tu tập định. Ngoài vô tưởng định ra, tứ thiền, tứ vô sắc, diệt tận, v.v… chín định, không mắc dị niệm gián tạp mà thuận theo thứ tự đó tu hành có được sở đắc, cho nên còn gọi là cửu thứ đệ định vô gián thiền. Nhưng đối với A-la-hán giải thoát không cần thời gian mà định lực được tự tại, nương vào tứ thiền, tứ vô sắc, bát định, hành giả có thể siêu việt một địa, định tu có được một tầng gọi là siêu định, hay siêu đẳng chí, hay siêu tam-muội.

Theo Câu-xá luận 28 thì hành giả tu tướng của bát định phân ra làm hai loại là hữu lậu và vô lậu. Nhưng y cứ vào Du-già sư địa luận 31 thì gia hành của nhập định có chín loại: Một, tương ưng gia hành, là đối tham, hành giả siêng tu bất tịnh quán; đối với sân, hành giả siêng tu từ bi quán; đối với si, hành giả siêng tu duyên khởi quán; đối với kiêu mạn, hành giả siêng tu giới (cõi) sai biệt quán; đối với tầm, tư, hành giả siêng tu giữ ngưng niệm. Hai, xuyến tập gia hành, là luôn tu tập chỉ, quán. Ba, bất hoãn gia hành, là thường thích xa lìa, tu tập cần hành mà không dám trì hoãn. Bốn, vô đảo gia hành, là nương vào pháp cùng nghĩa mà không đắm chấp vào kiến thủ của mình. Năm, ứng thời gia hành, là biết rõ tướng cùng lúc tu của chỉ, quán, cử, xả, v.v… Sáu, giải liễu gia hành, là đối với trước sau cùng của chỉ, quán, cử, xả biết rõ ràng, chứng đắc nhập, trụ, xả của định đều tự tại. Bảy, vô yếm túc gia hành, là đối với tiểu định không thối lui, tiến lên cầu pháp thượng thắng. Tám, bất xả ách gia hành, không khiến tâm mình chạy theo ngoại cảnh mà nỗ lực điều hòa nhu nhuyến. Chín, chánh gia hành, là đối với cảnh sở duyên luôn luôn phát khởi hiểu hơn. Nhờ tu tập chín loại gia hành này thì có thể khiến tâm mau chóng đạt định; nếu theo thứ tự tu tập rồi cùng tác ý, thắng giải tác ý, quả cứu cánh gia hành tác ý cùng bảy loại tác ý thì sẽ chứng nhập được sơ tịnh lự địa. Hơn nữa, người tu định nên xa lìa bốn loại chướng ngại: Một, chướng khiếp nhược, là không hy vọng giải thoát. Hai, chướng cái phú là chỉ cho dục tham, sân nhuế, hôn miên, trạo hối, nghi. Ba, chướng tầm tư, là nhiễm ô của tầm tư dục… Bốn, chướng tự cử, là tri kiến cao cử hạ liệt. Ngoài những chướng này ra thì chánh nghĩa của Thuyết nhứt thiết hữu bộ lấy dục giới làm tán địa chứ không phải tu địa, lìa dục địa. Định địa chỉ thuộc trong sắc giới và vô sắc giới. Theo các nhà Đại chúng bộ thì ở trong dục giới cũng có định.

Theo Pháp giới thứ đệ quyển hạ thì Thiền có thế gian thiền (hữu lậu định), xuất thế gian thiền (vô lậu định).
Thế gian thiền là chỉ cho thiền định thực hành của người thế gian, tức chỉ cho tứ căn bản thiền, tứ vô sắc định. Xuất thế gian thiền có hai:

– Xuất thế gian thiền còn gọi là nhị thừa cộng thiền gồm lục diệu môn, thập lục đặc thắng, thông minh, cửu tưởng, thập tưởng, bát bối xả, bát thắng xứ, thập nhứ thiết xứ, luyện thiền, thập tứ biến hóa, nguyện trí, đảnh thiền, vô tránh tam-muội, sư tử phấn tấn, siêu việt tam-muội, tam minh, lục thông, v.v…

– Xuất thế gian thượng thượng thiền, còn gọi là bất cộng thiền, như tự tánh cùng cửu chủng đại thiền, thủ lăng nghiêm cùng bách bát tam-muội, bất động cùng bách nhị thập tam-muội, v.v…

Định được thuyết minh trình bày theo kinh điển Nguyên thủy thì nội dung của định là lấy định học trong ba học, chánh định trong bát chánh đạo, toàn bộ đều nói đến bốn thiền định: Một, sơ Thiền, lìa các dục, lìa các pháp bất thiện, có tầm, có từ, ly sinh hỷ lạc, tức đầy đủ sơ Thiền. Hai, đệ nhị thiền, tầm và từ đình chỉ, nội tâm thanh tịnh, tâm thống nhất, không tầm, không từ, định sinh hỷ lạc, đầy đủ nhị thiền. Ba, đệ tam thiền, lìa bỏ tâm hỷ, nương lìa bỏ mà trụ, có niệm có chánh tri, thân thọ lạc, “có xả có niệm mà trụ lạc”, đầy đủ đệ tam thiền. Bốn, đệ tứ thiền, đoạn hết khổ vui, đã diệt vui lo, nên không khổ không vui. Nhờ nương xả mà niệm thanh tịnh “xả niệm thanh tịnh”, đầy đủ đệ tứ thiền.

Định là chỉ cho trạng thái tinh thần an tĩnh thống nhất, nhưng phương pháp cho tâm tĩnh thì có rất nhiều trình độ không đồng nhau, như tâm tĩnh thường ngày của định dục giới thì chưa phải là tâm tĩnh của tinh thần chân chánh, khi nào tinh thần ở trạng thái thống nhất chân chánh mới gọi là định căn bản, chúng thuộc về định của sắc giới và vô sắc giới. Tứ thiền là định căn bản của sắc giới định; định sắc giới, nếu đạt đến an tĩnh, tiếp cận với trạng thái vô niệm, vô tưởng thì gọi là định vô sắc giới. Tóm lại, định của sắc giới và vô sắc giới là chỉ trạng thái của tâm trong thiền định, như sắc giới bị khu biệt vào trong tứ thiền, vô sắc giới cũng bị khu biệt vào trong bốn giai đoạn không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là biểu thị cho trạng thái an tĩnh từ từ theo thứ lớp.

Theo các nhà Đại thừa, thì có rất nhiều thuyết nói về các chủng loại định. Theo tông Duy thức cùng Du già hành quán của Mật tông, bốn loại Tam-muội của Thiên Thai tông cùng Tọa thiền của Thiền tông, tất cả đều lấy thiền định làm nền tảng cơ bản thực tiễn cho phương pháp tu tập của mình.

Riêng thiền của Thiền tông Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam cùng Thiền-na (dhyāna) của Ấn Độ không đồng trên mặt ý chỉ, nó không những chỉ định học trong ba học cùng thiền Ba-la-mật trong Ba-la-mật, mà trong ý chỉ toàn thể ba học cùng toàn thể của lục Ba-la-mật về nội dung đều thống nhất. Vì thiền của Thiền tông không những chỉ thống nhất sự vắng lặng của tâm, mà còn khai ngộ trí tuệ nữa. Mục đích thiền của thiền tông là kiến tánh, tâm địa khai minh, đây cũng là biểu thị của thiền truy cầu ngộ nhập trí tuệ, nên thiền tông không còn là thiền-na (dhyāna) tư duy, tịnh lự.

Theo Đại thừa nghĩa chương 11, các nhà Phật học đối với giới địa của sở y bốn thiện căn có nhiều thuyết khác nhau, như Tôn giả Đạt-ma-đa-la cho rằng, dục giới không có định, nên bốn thiện căn chỉ sắc giới là chỗ nhiếp, còn Tôn giả Đàm-sa cho rằng dục giới có sáu Thiền định, nên nương vào sáu thiền định tu tập khởi lên bốn thiện căn, và Ma-ha Tăng-kỳ bộ cũng chủ trương dục giới có thiền định, nên bốn thiện căn nhiếp đối với dục giới.
Y cứ vào Nhiếp Đại thừa luận thích 11, Thanh tịnh đạo luận của Tiểu thừa thì lập ra 67 loại định và Đại thừa thì lập ra 500 định, mặc dù lập ra nhiều loại định như vậy, nhưng chúng được bốn loại định Đại thừa quang định, Tập phước đức định, Giám hộ định và Thủ Lăng già định tổng nhiếp tất cả, vì bốn loại định này nó thông nghiệp cho tất cả các định, nương vào đó mà tu tập mười Ba-la-mật, có thể khiến cho hành giả chúng ta thành thục Phật độ thanh tịnh.

Y cứ vào Quán vô lượng thọ kinh, hành vãng sinh Tây phương Cực lạc Tịnh độ có hai thiện định và tán. Thiện Đạo Tịnh độ tông đời Đường chủ trương định thiện là đối với thiện định tâm để làm mọi việc thiện, cũng là dừng nghỉ tạp niệm; tán thiện là tán tâm để làm mọi việc thiện cũng tức là bỏ tà tu thiện. Hai cách này hợp lại gọi là hai thiện định và tán. Hành giả nào tu tập theo hai pháp môn này thì gọi là định cơ và tán cơ.

Qua những trình bày ở trên về định, dù chúng mang nhiều hình thức để tùy thuộc vào căn cơ hành giả nhưng mục đích của định học là khiến cho hành giả trước hết nắm bắt được mọi ách yếu cốt lõi. Tùy theo căn cơ mà chúng ta học và đem ra áp dụng chính nó vào cuộc sống. Dù là tiểu hay là đại thì cốt lõi của thiền định là làm hành giả chuyên tâm chăm chú vào một đối tượng nào đó, mà tinh thần chúng ta không bị chi phối bởi bất cứ một tác động nào khác ngoài đối tượng đó; từ đây tâm hành giả phát sinh trạng thái ngưng đọng tĩnh lặng, từ đó tâm trở nên thanh tịnh và trong sáng; lúc này tâm trí tuệ hành giả tự phát sinh. Thật ra, nếu xét về mặt hiện khởi của sát-na sinh diệt thì định cũng chính là một hình thức của giới chứ không là gì khác hơn, nhưng ở đây chỉ khác trong chức năng làm thanh tịnh ba nghiệp. Bởi Định nghiêng về việc thanh tịnh nghiệp ý nhiều hơn là giới, ngược lại giới nghiêng nặng về thân khẩu nhiều hơn. Vì ở đây chúng tùy thuộc vào thuộc tính của từng phạm trù nên có sự phân chia như vậy mà thôi.

III . TUỆ
Sanskrit gọi là prajñā, Pāli gọi là paññā, Trung Hoa dịch âm là Bát-nhã, có nghĩa là suy lý, là chỉ khả năng suy lý phán đoán mọi tác dụng  tinh thần đối với sự vật và lý tính, là tên của tâm sở, là một trong bảy mươi lăm pháp theo Câu-xá luận, hay là một trong một trăm pháp theo Duy thức, là phần học cuối của ba học. Vì Tuệ có khả năng thứ nhất là hiển lộ bổn tánh xưa nay của chúng sanh, thứ hai là có khả năng lựa chọn đoạn trừ các loại phiền não vô minh và cuối cùng, có khả năng thấy rõ thật tướng của chư Phật, cho nên Tuệ thông cho cả ba tánh thiện, bất thiện và vô ký. Nếu là ác tuệ thì gọi là ác kiến, là một trong năm kiến; nếu là thiện tuệ thì gọi là chánh kiến, chánh tuệ.

Theo Bát thánh đạo thì tuệ chỉ cho chánh kiến và chánh tư duy.  Hành giả nào phụng hành Bát thánh đạo thì không bao lâu sẽ chứng đắc quả A-la-hán, tức là có khả năng đạt được mười pháp vô học. Mười pháp vô học này ngoài tám pháp vô học Bát Thánh đạo thì cộng thêm Chánh giải thoát và Chánh trí thành ra mười pháp vô học. Hai pháp này cũng thuộc vào tuệ học của vô học. Ngoài ra, nói theo tương đối thì tuệ với trí cùng chung danh, đối với tướng trí hữu vi thì gọi là trí, nhưng đối với lý không của vô vi thì gọi là tuệ. Câu xá luận 26 cũng nói tuệ được chia ra hai loại hữu lậu tuệ và vô lậu tuệ. Loại tuệ thứ nhất cùng với pháp phiền não tương quan mật thiết với nhau không thể nào thoát ly được, chúng hỗ tương quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau và tùy thuộc vào nhau, mang tính chất của trí hơn là tuệ nên chúng ta thường nghe đức Phật bảo những người có đôi chút biện tài trong lý luận câu hữu với vô minh, tuệ vô ngại tại thế gian gọi là thế trí biện thông. Loại tuệ thứ hai được gọi là Thánh tuệ là do nhờ nghe pháp mà có được nên gọi là văn tuệ, hoặc do nhờ tư duy khảo xét mà có được thì gọi là tư tuệ, hay do tu tập theo pháp Phật mà có được thì gọi là tu tuệ; ba loại này gọi chung là ba tuệ văn-tư-tu. Ba loại tuệ này nếu đem cộng thêm với tuệ di truyền từ kiếp trước sinh ra có được gọi chung tứ tuệ. Căn cứ vào Bồ-tát Anh Lạc Bồn nghiệp kinh quyển thượng, trong giai đoạn Bồ-tát hành, trí tuệ có thể phân ra làm sáu loại tức là ba tuệ văn-tư-tu cùng với vô tướng tuệ (đã chứng ngộ Không-vô tự tánh), chiếu tịch tuệ (dùng tuệ của trung đạo quán chiếu thấy lý trung đạo) và, tịch chiếu tuệ (là tịch và chiếu không phải hai, định tuệ bình đẳng). Tùy theo thứ lớp mà cùng với sáu vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác mà phối hợp nhau trong thực hành. Ngoài ra, trong mười trí thì trí ban đầu, tức là thế tục trí, thuộc về tuệ hữu lậu, còn chín trí kia như Pháp trí, Loại trí, Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Tha tâm trí, Tận trí và Vô sanh trí là thuộc về tuệ vô lậu.

Đứng về mặt tác dụng của tuệ mà nói thì, theo Câu xá luận 26,  tuệ có những tác dụng tùy thuộc vào mỗi thuộc tính của các pháp mà có ý nghĩa tác dụng khác nhau như kiến, nhẫn, trí. Kiến thuộc nghĩa so sánh lựa chọn, tức là tìm cách so sánh tác dụng đúng sai của mọi sự vật. Nhẫn, có nghĩa là chấp nhận, tức là xác nhận mọi sự vật tất cả là như vậy. Trí, có nghĩa là quyết đoán, tức là chỉ cho tác dụng quyết đoán hoàn toàn dứt hết tâm nghi ngờ. Cũng theo luận Đại Tỳ-bà-sa 42 thì, tuệ có khả năng phân biệt tự tướng các pháp, cũng có khả năng phân biệt cộng tướng của các pháp, nên có sự sai biệt từ Văn thành tuệ, Tư thành tuệ, Tu thành tuệ cùng Sanh đắc tuệ.

Như trên chúng ta đã biết, tuệ cũng có nhiều giai đoạn để chúng ta phân biệt từ thấp lên cao từ thế gian ra khỏi thế gian, từ hữu lậu đến vô lậu, vì thế dụng ngữ dành cho tuệ cũng theo đó mà có tên gọi khác nhau. Thông thường tuệ chúng ta thường gọi chung là trí tuệ. Trí tuệ này là mục đích tối hậu của Phật giáo trong việc thực hiện giác ngộ tuệ giác giải thoát. Không luận là ba học, hay mười pháp vô học, sáu Ba-la-mật, tất cả đều đặt trí tuệ vào phân vị cuối cùng. Tuy vậy, trí tuệ vẫn được phân ra làm nhiều cấp độ như trí tuệ hữu lậu của cõi dục thế tục, trí tuệ sơ bộ của các bậc mới chứng ngộ, trí tuệ của các bậc A-la-hán Thinh văn, trí tuệ của các bậc Bích-chi Phật (Duyên giác), trí tuệ theo từng giai đoạn của các cấp vị Bồ-tát, cuối cùng trí tuệ cao tột là của các đức Phật. Như vậy tùy theo thuộc tính của từng cấp bậc mà chúng ta hình dung được dụng ngữ của trí tuệ như: Skrt: prajñā, Pāli: paññā, tuệ, trí tuệ, Bát-nhã; Skrt: jñāna, Pāli: ñāṇa, trí, trí tuệ, Xà-na; Skrt: vidyā, Pāli: vijjā, minh; Skrt: buddhi, giác; Skrt: medha, tuệ; Skrt: bhūri, quảng, quảng tuệ; Skrt: darśana, Pāli: dassana, Kiến, nai-lại-xá-na; Skrt: dṛṣṭi, pāli: diṭṭhi, kiến; Skrt: vipaśyanā, Pāli: vipassanā, quán, tỳ-bát-xá-na; Skrt: anupaśyanā, Pāli: anupassanā tùy quán; Skrt: parijñā, Pāli: pariññā, biến tri; Skrt: abhijñā, Pāli: abhiññā, chứng trí, thần thông; Skrt: ajñā, Pāli: aññā, liễu tri, dĩ tri, a-nhã; Skrt: samprajāna, Pāli: sampajāna, chánh tri; Skrt: mīmāṃsā, Pāli: vīmaṃsā, quán, quán sát; Skrt: parīkṣā, Pāli: parikkhā, quan, quan sát; Skrt: pratyavekṣaṇa, Pāli: paccavekkhaṇa, quan sát; Skrt: dharma-vicaya, Pāli: dhamma-vicaya, trạch pháp; Skrt: pratisaṃvid, Pāli: paṭisambhidā, vô ngại giải, vô ngại biện. Ngoài những dụng ngữ dành cho cấp bậc tu chứng trên ra, trí tuệ còn đem ra để làm thí dụ như: Skrt: cakṣu, Pāli: cakkhu, nhãn; Skrt: āloka, quang minh. Và, trí tuệ còn được cụ thể hóa  sự thể nghiệm qua Bồ-đề (Bodhi), giác, đạo, tam-bồ-đề (sambodhi), chánh giác, đẳng giác. Đó tất cả những thể hiện qua ngôn ngữ biểu trưng cho thuộc tính từng chủng loại riêng biệt, nhưng chúng cũng biểu trưng cho trí tuệ tùy theo từng thuộc tính của chúng. Tuy nhiên dụng ngữ mà chúng ta thường thấy dùng rất nhiều trong kinh-luật-luận luôn là prajñā (pñāna) và jñāna (ñāṇa), hai từ này dịch nghĩa là trí tuệ, đó là cách dịch xưa. Theo cách tân dịch của ngài Huyền Tráng thì prajñā dịch là tuệ, jñāna dịch là trí. Tuệ trong ba học, trong sáu ba-la-mật hay trong bát-nhã ba-la-mật đều là tuệ cả. Tuệ (prajñā, paññā) là trí tuệ mang ý nghĩa rộng lớn. Y cứ vào A-tỳ-đạt-ma thì tác dụng của tuệ bao gồm có thiện, ác và vô ký trong tất cả mọi nhận thức, thậm chí nó bao gồm cả liệt tuệ của phàm phu hữu lậu cho đến tuệ tối cao của vô lậu. Bát-nhã, về mặt nào đó, trí tuệ của Bát-nhã được nhận thức là trí tuệ tối cao, mà thật ra thì Bát-nhã chỉ là một loại trí tuệ phổ thông, nhưng nếu cộng thêm từ Ba-la-mật (pāramitā) vào thì mới thật sự trở thành tối cao, hoàn toàn mang ý nghĩa trí tuệ của Bát-nhã Ba-la-mật. Trí (jñāna, ñāṇa) chủ yếu được dùng lại từ hình dung trí tuệ khai ngộ. Những loại tận trí, vô sanh trí, chánh trí đều là trí tuệ của các bậc A-la-hán, còn trí ba-la-mật là trí tuệ tối cao của thập địa Bồ-tát như Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí, Đại viên cảnh trí được gọi là Tứ trí, nếu cộng thêm với Pháp giới thể tánh trí thì gọi là Ngũ trí, tất cả đều thuộc về trí tuệ giác ngộ của Bồ-tát. Ngoài ra còn có ba trí là Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí, đây là trí tuệ nói chung chỉ cho trí tuệ giác ngộ từ các vị Thinh văn, Duyên giác, Bồ-tát cho đến quả vị Phật.

Về mặt tác dụng của trí tuệ thì chúng ta có thể phân ra làm hai loại: Hữu phân biệt trí (vsavikalpa-jñāna) và vô phân biệt trí (savikalpa-jñāna). Hữu phân biệt trí là trí tuệ có chủ ý nhận thức đến một đối tượng nào đó; còn Vô phân biệt trí là trí tuệ không có chủ ý nhận thức đến đối tượng, mà nó cùng với đối tượng hợp làm một thể, là trí tuệ chứng ngộ tối cao. Vô phân biệt trí là trí tuệ không của quán sắc tức không. Lý tưởng trước tiên của Phật giáo là, trong lý luận, bằng cách nào để làm sáng tỏ qua nhận thức cho mọi người biết rằng tất cả các pháp là không ngã, không có tự tánh. Tiếp đến là quán chiếu đạo lý vô ngã không tự tánh này, tức là phải dùng thái độ không chấp trước không chỗ được, từ đó biến hoạt động thường nhật của mỗi chúng ta thể hiện trong công việc vô ngại tự tại. Không dụng lực, nên tâm tự tại vô ngại, tự nhiên như pháp, đó chính là sự thể hiện trí tuệ của pháp nhĩ tự nhiên của vô phân biệt trí. Đây là trí tuệ tối cao, còn gọi là Đại trí Bát-nhã Ba-la-mật.

Trí tuệ tối cao vô phân biệt này chỉ có đức Đạo sư cùng các vị Bồ-tát mới đạt được, nó được thể hiện trong việc cứu giúp chúng sanh trong ba đường khổ qua lòng từ bi. Tuy là vô phân biệt trí, nhưng lúc này trí vô phân biệt bao gồm có cả trí phân biệt lấy chúng sanh làm đối tượng để giác sát cứu tế. Ở đây, nếu chúng ta bảo hai loại trí hữu phân biệt và vô phân biệt là khác cũng không được, bảo là hai cũng không được;  chúng là bất nhị, bất nhất, cho nên có chỗ gọi là hữu phân biệt hậu đắc trí.

Theo Lục Ba-la-mật mà nói thì năm Ba-la-mật đầu: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định là tác dụng của hoạt động hữu phân biệt hậu đắc trí, cũng gọi là phương tiện (upāya) phát xuất từ lòng từ bi; còn trí tuệ (Bát-nhã, prajñā) thuộc về phạm vi hoạt động của vô phân biệt trí. Hay phần trước lục Ba-la-mật được gọi là đại bi của hạ hóa chúng sinh, còn phần sau được gọi là đại trí của thượng cầu Phật đạo. Ở đây, hoạt động trí tuệ đại trí, đại bi chính là  hoạt động lý tưởng Bồ-tát hành của Phật giáo.

Theo Phật pháp khái luận tiết ba, chương mười tám của ngài Ấn Thuận thì thật chứng vô lậu tuệ có được phải nhờ vào ba hữu lậu tuệ của văn-tư-tu làm phương tiện để dẫn khởi. Nếu không văn-tư thời không thể nào dẫn khởi để có tu tuệ được; tức là nếu không có chúng thì không thể đạt được vô lậu tuệ. Theo  Tạp A-hàm 30, kinh 843, đức Đạo sư đã từng dạy về bốn Dự lưu phần (nhập lưu phần) gồm có: thân cận thiện nam tử, nghe chánh pháp, bên trong tư duy chân chánh, hướng đến pháp và thứ pháp hướng. Ở đây, theo Thầy mà khởi lên ba tuệ văn-tư-tu thì mới có khả năng chứng ngộ được quả dự lưu Tu-đà-hoàn và trong tiến trình tu tập phải theo thứ lớp tuần tự từ thấp lên cao, không có thể vượt cấp. Tuy nhiên trong quá trình tu tập này cũng có thể phát sinh ra những tệ nạn nếu không thực hành theo thứ lớp đúng pháp, cho nên đức Đạo sư mới dạy tứ y (catvāri pratisaraṇāni): “Y pháp bất y nhơn, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức”, làm tiêu chuẩn trong việc tu học cho các đệ tử của Ngài.

(1) Mục đích của thân cận thiện tri thức là để nghe Phật pháp. Nhưng thật ra tri thức không nhất định là thiện tri thức không thôi mà còn có ác tri thức, nên khó bề mà chúng ta phán đoán phân biệt được thiện và bất thiện. Vì pháp của Phật lưu truyền trải qua thời gian quá lâu dài theo chiều dài lịch sử truyền bá, nên không thoát khỏi những sai lầm trong nhận thức và những dị thuyết xâm nhập vào, hoặc do việc truyền văn mất đi ý nghĩa sự thật và cũng không thể bảo chứng được sự truyền thọ có thể khả tín. Thiện tri thức ở đây phải kinh qua sự thân cận tiếp xúc lâu ngày để chúng ta nhận ra được những sự thật quanh cuộc sống của họ được thể hiện. Từ đó, chúng ta đánh giá được những ưu khuyết của những lời nói và thực hành nếu không đủ những tiêu chuẩn chân, ngụy của Phật lý mang lại qua sự thân cận này. Hành giả khi tu tập nên y vào những giáo pháp nào vừa khế cơ vừa khế lý, phù hợp với những lời dạy của Phật thì chúng ta y vào pháp đó mà tu tập, còn đối với cá nhân của những vị truyền đạt nếu phù hợp khế cơ, khế lý với pháp Phật thì dù người truyền dạy là phàm phu tục tử, hay ngoại đạo mà họ nói ra lý của những lời dạy đó khế hợp với chánh pháp thì chúng ta vẫn có thể tín thọ phụng hành. Ngược lại, những ai cho dù mang trong người những hình thức đầu tròn, áo vuông, nhân danh là đệ tử của bậc Thánh, hay tướng tốt đầy đủ như thân Như Lai; nhưng trong những lời thuyết giáo không khế hợp với chánh pháp của Phật dạy thì chúng ta vẫn không theo, không y chỉ vào họ, huống chi là những phàm phu tục tử! Cho nên chúng ta phải y pháp bất y nhơn (dharmapratisaraṇna bhavitavyaṃ na pudgala-pratisraṇena). Theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: ‘Tôi có thể tụng kinh trì pháp, vâng giữ cấm giới, học rộng nghe nhiều.’ thì hãy cùng Tỳ-kheo kia thảo luận, chiếu theo pháp mà cùng thảo bàn về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nếu những điều được hiển hiện ấy tương ưng với Khế kinh, tương ưng với Luật và Pháp, khi ấy bèn thọ trì. Nếu không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, thì nên trả lời: ‘Này bạn, nên biết đây chẳng phải là những lời dạy của Như Lai. Những lời bạn nói chẳng phải gốc của chánh kinh. Vì tôi thấy nó không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm.’ Vì không tương ưng nên phải hỏi về sự hành trì giới. Nếu không tương ưng với giới hạnh, nên nói với người kia: ‘Đây chẳng phải là tạng của Như Lai!’ là phủ nhận lại những lời đức Đạo sư đã dạy”.

(2) Mục đích của hành giả theo thầy là để nghe nhiều chánh pháp huân tập nghĩa lý sâu xa ở đằng sau những lời dạy của đức Phật, tức là chúng ta phải giữ lấy phần nghĩa lý mà không giữ lấy phần hình thức văn tự, tùy theo nghĩa lý chứ không tùy theo văn tự. Có nghĩa là từ trong ngôn ngữ, văn tự, theo đó mà thể hội thật nghĩa của lời văn qua người truyền đạt. Nói một cách chính xác là, người tu đạo phải nương vào Trung đạo Đệ nhất nghĩa, chứ không nương vào hình thức văn tự bên ngoài và chấp vào chúng rồi cho là đi đúng đường. Nếu chúng ta một mực chỉ coi trọng hình thức văn chương ngôn ngữ bóng bẩy của ngữ âm mà xem nhẹ ý nghĩa của nó, rồi chấp vào văn sẽ hại nghĩa và trở nên sai lầm cho bước đường tu tập của mình thì không được, cho nên chúng ta học Phật, muốn có kết quả thì phải y nghĩa bất y ngữ (artha-pratisaraṇna bhavitavyaṃ na vyañjana-pratisraṇena). Cũng theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: ‘Tôi có thể tụng Kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều’. Giả sử Tỳ-kheo ấy có nói những gì, cũng không nên thừa nhận khi chưa đủ để dốc lòng tin tưởng. Nên cùng với Tỳ-kheo kia luận nghĩa. Nếu tương ưng với nghĩa thì nên bảo người kia rằng: ‘Đây là nghĩa được nói, nhưng không phải gốc chánh kinh’. Nên chọn lấy nghĩa đó chứ đừng nhận gốc chánh kinh. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa là căn nguyên để hiểu kinh. Đây gọi là gốc của đại nghĩa được diễn thứ hai”.

(3) Nghĩa lý rốt ráo luôn tùy thuộc vào pháp tướng chân lý mà nói, tùy thuộc vào căn tánh hữu tình mà nói, tức là chúng ta đề cập đến liễu nghĩa kinh cùng bất liễu nghĩa kinh. Trong ba tạng giáo điển có liễu nghĩa kinh và bất liễu nghĩa kinh, vì ở đây đức Đạo sư dựa vào căn cơ chúng sanh mà thuyết về nhân quả cùng duyên khởi. Do đó, hành giả phải biết phân biệt và phân định đâu là thế gian pháp, đâu là xuất thế gian pháp? Đâu là kinh liễu nghĩa, đâu là kinh bất liễu nghĩa? Và muốn giải thoát khỏi khổ thì phải chọn và y cứ vào con đường trung đạo mà đi, đó là liễu nghĩa thật tướng trung đạo, con đường chúng ta nương tựa vào để đi đến giải thoát chứ không dựa vào bất liễu nghĩa kinh. Đây chính là y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh (nitārtha-sūtra-pratisaraṇna bhavitavyaṃ na neyārtha-sūtra-pratisraṇena). Cũng theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Nếu có Tỳ-kheo nào nói rằng: ‘Tôi tụng Kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều.’ Nên nói với Tỳ-kheo kia về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm. Nhưng Tỳ-kheo kia chỉ hiểu vị, chứ không hiểu nghĩa, nên bảo Tỳ-kheo kia rằng: ‘Chúng tôi không rõ những lời này có phải là những lời được thuyết bởi Như Lai hay không?’ Giả sử khi thuyết Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm chỉ hiểu văn từ, chứ không hiểu nghĩa. Tuy nghe những gì Tỳ-kheo kia nói, nhưng cũng chưa đủ để khen tốt, cũng chưa đủ để nói là dở. Lại phải đem giới hạnh để hỏi. Nếu cùng tương ưng, thì nên chấp nhận. Sở dĩ như vậy là vì giới hạnh cùng tương ưng với vị, nhưng nghĩa thì không thể rõ”. Đây gọi là nghĩa diễn giải thứ ba.

Trí tuệ tối cao vô phân biệt này chỉ có đức Đạo sư cùng các vị Bồ-tát mới đạt được, nó được thể hiện trong việc cứu giúp chúng sanh trong ba đường khổ qua lòng từ bi. Tuy là vô phân biệt trí, nhưng lúc này trí vô phân biệt bao gồm có cả trí phân biệt lấy chúng sanh làm đối tượng để giác sát cứu tế. Ở đây, nếu chúng ta bảo hai loại trí hữu phân biệt và vô phân biệt là khác cũng không được, bảo là hai cũng không được;  chúng là bất nhị, bất nhất, cho nên có chỗ gọi là hữu phân biệt hậu đắc trí.

Theo Lục Ba-la-mật mà nói thì năm Ba-la-mật đầu: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định là tác dụng của hoạt động hữu phân biệt hậu đắc trí, cũng gọi là phương tiện (upāya) phát xuất từ lòng từ bi; còn trí tuệ (Bát-nhã, prajñā) thuộc về phạm vi hoạt động của vô phân biệt trí. Hay phần trước lục Ba-la-mật được gọi là đại bi của hạ hóa chúng sinh, còn phần sau được gọi là đại trí của thượng cầu Phật đạo. Ở đây, hoạt động trí tuệ đại trí, đại bi chính là  hoạt động lý tưởng Bồ-tát hành của Phật giáo.

Theo Phật pháp khái luận tiết ba, chương mười tám của ngài Ấn Thuận thì thật chứng vô lậu tuệ có được phải nhờ vào ba hữu lậu tuệ của văn-tư-tu làm phương tiện để dẫn khởi. Nếu không văn-tư thời không thể nào dẫn khởi để có tu tuệ được; tức là nếu không có chúng thì không thể đạt được vô lậu tuệ. Theo  Tạp A-hàm 30, kinh 843, đức Đạo sư đã từng dạy về bốn Dự lưu phần (nhập lưu phần) gồm có: thân cận thiện nam tử, nghe chánh pháp, bên trong tư duy chân chánh, hướng đến pháp và thứ pháp hướng. Ở đây, theo Thầy mà khởi lên ba tuệ văn-tư-tu thì mới có khả năng chứng ngộ được quả dự lưu Tu-đà-hoàn và trong tiến trình tu tập phải theo thứ lớp tuần tự từ thấp lên cao, không có thể vượt cấp. Tuy nhiên trong quá trình tu tập này cũng có thể phát sinh ra những tệ nạn nếu không thực hành theo thứ lớp đúng pháp, cho nên đức Đạo sư mới dạy tứ y (catvāri pratisaraṇāni): “Y pháp bất y nhơn, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức”, làm tiêu chuẩn trong việc tu học cho các đệ tử của Ngài.

(1) Mục đích của thân cận thiện tri thức là để nghe Phật pháp. Nhưng thật ra tri thức không nhất định là thiện tri thức không thôi mà còn có ác tri thức, nên khó bề mà chúng ta phán đoán phân biệt được thiện và bất thiện. Vì pháp của Phật lưu truyền trải qua thời gian quá lâu dài theo chiều dài lịch sử truyền bá, nên không thoát khỏi những sai lầm trong nhận thức và những dị thuyết xâm nhập vào, hoặc do việc truyền văn mất đi ý nghĩa sự thật và cũng không thể bảo chứng được sự truyền thọ có thể khả tín. Thiện tri thức ở đây phải kinh qua sự thân cận tiếp xúc lâu ngày để chúng ta nhận ra được những sự thật quanh cuộc sống của họ được thể hiện. Từ đó, chúng ta đánh giá được những ưu khuyết của những lời nói và thực hành nếu không đủ những tiêu chuẩn chân, ngụy của Phật lý mang lại qua sự thân cận này. Hành giả khi tu tập nên y vào những giáo pháp nào vừa khế cơ vừa khế lý, phù hợp với những lời dạy của Phật thì chúng ta y vào pháp đó mà tu tập, còn đối với cá nhân của những vị truyền đạt nếu phù hợp khế cơ, khế lý với pháp Phật thì dù người truyền dạy là phàm phu tục tử, hay ngoại đạo mà họ nói ra lý của những lời dạy đó khế hợp với chánh pháp thì chúng ta vẫn có thể tín thọ phụng hành. Ngược lại, những ai cho dù mang trong người những hình thức đầu tròn, áo vuông, nhân danh là đệ tử của bậc Thánh, hay tướng tốt đầy đủ như thân Như Lai; nhưng trong những lời thuyết giáo không khế hợp với chánh pháp của Phật dạy thì chúng ta vẫn không theo, không y chỉ vào họ, huống chi là những phàm phu tục tử! Cho nên chúng ta phải y pháp bất y nhơn (dharmapratisaraṇna bhavitavyaṃ na pudgala-pratisraṇena). Theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: ‘Tôi có thể tụng kinh trì pháp, vâng giữ cấm giới, học rộng nghe nhiều.’ thì hãy cùng Tỳ-kheo kia thảo luận, chiếu theo pháp mà cùng thảo bàn về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nếu những điều được hiển hiện ấy tương ưng với Khế kinh, tương ưng với Luật và Pháp, khi ấy bèn thọ trì. Nếu không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, thì nên trả lời: ‘Này bạn, nên biết đây chẳng phải là những lời dạy của Như Lai. Những lời bạn nói chẳng phải gốc của chánh kinh. Vì tôi thấy nó không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm.’ Vì không tương ưng nên phải hỏi về sự hành trì giới. Nếu không tương ưng với giới hạnh, nên nói với người kia: ‘Đây chẳng phải là tạng của Như Lai!’ là phủ nhận lại những lời đức Đạo sư đã dạy”.

(2) Mục đích của hành giả theo thầy là để nghe nhiều chánh pháp huân tập nghĩa lý sâu xa ở đằng sau những lời dạy của đức Phật, tức là chúng ta phải giữ lấy phần nghĩa lý mà không giữ lấy phần hình thức văn tự, tùy theo nghĩa lý chứ không tùy theo văn tự. Có nghĩa là từ trong ngôn ngữ, văn tự, theo đó mà thể hội thật nghĩa của lời văn qua người truyền đạt. Nói một cách chính xác là, người tu đạo phải nương vào Trung đạo Đệ nhất nghĩa, chứ không nương vào hình thức văn tự bên ngoài và chấp vào chúng rồi cho là đi đúng đường. Nếu chúng ta một mực chỉ coi trọng hình thức văn chương ngôn ngữ bóng bẩy của ngữ âm mà xem nhẹ ý nghĩa của nó, rồi chấp vào văn sẽ hại nghĩa và trở nên sai lầm cho bước đường tu tập của mình thì không được, cho nên chúng ta học Phật, muốn có kết quả thì phải y nghĩa bất y ngữ (artha-pratisaraṇna bhavitavyaṃ na vyañjana-pratisraṇena). Cũng theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: ‘Tôi có thể tụng Kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều’. Giả sử Tỳ-kheo ấy có nói những gì, cũng không nên thừa nhận khi chưa đủ để dốc lòng tin tưởng. Nên cùng với Tỳ-kheo kia luận nghĩa. Nếu tương ưng với nghĩa thì nên bảo người kia rằng: ‘Đây là nghĩa được nói, nhưng không phải gốc chánh kinh’. Nên chọn lấy nghĩa đó chứ đừng nhận gốc chánh kinh. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa là căn nguyên để hiểu kinh. Đây gọi là gốc của đại nghĩa được diễn thứ hai”.

(3) Nghĩa lý rốt ráo luôn tùy thuộc vào pháp tướng chân lý mà nói, tùy thuộc vào căn tánh hữu tình mà nói, tức là chúng ta đề cập đến liễu nghĩa kinh cùng bất liễu nghĩa kinh. Trong ba tạng giáo điển có liễu nghĩa kinh và bất liễu nghĩa kinh, vì ở đây đức Đạo sư dựa vào căn cơ chúng sanh mà thuyết về nhân quả cùng duyên khởi. Do đó, hành giả phải biết phân biệt và phân định đâu là thế gian pháp, đâu là xuất thế gian pháp? Đâu là kinh liễu nghĩa, đâu là kinh bất liễu nghĩa? Và muốn giải thoát khỏi khổ thì phải chọn và y cứ vào con đường trung đạo mà đi, đó là liễu nghĩa thật tướng trung đạo, con đường chúng ta nương tựa vào để đi đến giải thoát chứ không dựa vào bất liễu nghĩa kinh. Đây chính là y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh (nitārtha-sūtra-pratisaraṇna bhavitavyaṃ na neyārtha-sūtra-pratisraṇena). Cũng theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Nếu có Tỳ-kheo nào nói rằng: ‘Tôi tụng Kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều.’ Nên nói với Tỳ-kheo kia về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm. Nhưng Tỳ-kheo kia chỉ hiểu vị, chứ không hiểu nghĩa, nên bảo Tỳ-kheo kia rằng: ‘Chúng tôi không rõ những lời này có phải là những lời được thuyết bởi Như Lai hay không?’ Giả sử khi thuyết Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm chỉ hiểu văn từ, chứ không hiểu nghĩa. Tuy nghe những gì Tỳ-kheo kia nói, nhưng cũng chưa đủ để khen tốt, cũng chưa đủ để nói là dở. Lại phải đem giới hạnh để hỏi. Nếu cùng tương ưng, thì nên chấp nhận. Sở dĩ như vậy là vì giới hạnh cùng tương ưng với vị, nhưng nghĩa thì không thể rõ”. Đây gọi là nghĩa diễn giải thứ ba.

Nguồn: Tạp San Pháp Luân 39