AN LẠC TẬP
Thích Đạo Xước soạn
Thích Nhất Chân dịch
QUYỂN HẠ
Đại Môn Thứ Tư
Trong đại môn thứ tư này có ba phen cân nhắc phán định:
I. Thứ nhất, y theo các Tam Tạng Pháp sư tại trung quốc (tức Ấn Độ) và các bậc đại đức tại xứ này, đều cùng nhau thẩm xét tường tận thánh giáo, ca ngợi quy hướng về Tịnh Độ. Nay cũng theo đó mà khuyên [mọi người] nương về [Tịnh Độ.]
II. Thứ hai, căn cứ theo tông chỉ của Kinh [Quán Vô Lượng Thọ] này cùng với các bộ kinh Đại Thừa khác, cho thấy phàm hay thánh tu chứng nhập Đạo phần đông đều lấy Niệm Phật tam muội làm lối nhập môn ách yếu nhất.
III. Thứ ba là hỏi đáp để giải thích, cho thấy rõ người niệm Phật được đủ hết mọi công năng lợi ích không thể nghĩ bàn được.
I. Các Thực Hành Của Các Đại Đức Ở Trung Quốc Và Xứ Này
Tôi năm căn bị che mờ như đối trước tường vách, có đâu mà dám tự tiện cân nhắc phán định [về Tịnh Độ,] chẳng qua chỉ là lấy những gì mình đã trải qua mà nghiệm xét, cùng kính vâng theo sự truyền thừa của chư Sư. Chư Sư là những ai?
1. Chính là đại thừa pháp sư Bồ Đề Lưu Chi tam tạng của trung quốc, tức Ấn Độ (Cao tăng thiên trúc triều Bắc Ngụy, người bắc Thiên Trúc, thông tam tạng, giỏi chú thuật. Đầu năm Vĩnh Bình đến Trung Quốc, Tuyên Vũ Đế sắc trụ Vĩnh Ninh Tự. Ngài dịch rất nhiều kinh và là bậc thầy của nhiều cao tăng Trung Quốc).
2. Kế đến có bậc đại đức chê trách và tránh xa danh lợi, thì phải kể là có Huệ Sủng pháp sư.
3. Kế đến có bậc đại đức thường mỗi lần phô diễn [diệu pháp] là cảm ứng chư thánh tăng đến nghe, thì phải kể là có Đạo Tràng pháp sư (Cao tăng triều Bắc Ngụy, còn gọi là Đạo Trường. Xuất gia với Huệ Quang, sau theo làm môn hạ của Bồ Đề Lưu Chi. Gặp biến cố lánh về ẩn cư ở Tung Sơn, tinh nghiên Đại Trí Độ Luận suốt mười năm trời, thấu suốt tông chỉ. Từ đó xuất hiện ở Lạc Dương chuyên giảng Trí Luận tại Nghiệp Hạ Đại Tập Tự. Người đương thời tôn làm “Học giả chi tông”).
4. Kế đến có bậc đại đức hòa đồng cùng kẻ ngu ngơ, được [chúa] hai nước [Lương và Ngụy] ngưỡng mộ, thì phải nói là có Đàm Loan pháp sư (476-542, cao tăng triều Đông Ngụy, người Nhạn Môn, tức Sơn Tây Đại Huyện. Thuở thiếu thời xuất gia tại Ngũ Đài, nghiên cứu về Phật tính, chú giải Đại Tập Kinh được nửa bộ thì phát bệnh, nên muốn học đạo trường sinh để hoằng pháp. Vào năm đại thông, đến Lương quốc luận về thâm nghĩa của Phật tính, được Vũ Đế hết sức ca ngợi. Sau đó gặp Đào Ẩn Cư được Tiên Kinh mười quyển, định vào núi thiêng tu luyện. Vừa đến Lạc Hạ, gặp Bồ Đề Lưu Chi, Lưu Chi trao Quán Vô Lượng Thọ Kinh cho và nói: Đây mới là phương thuốc thần tiên chân thật. Ngài bèn cúi đầu thọ nhận, rồi đốt tiên kinh đi mà chuyên tu tịnh nghiệp.).
5. Kế đến có bậc đại đức thiền quán độc nhất thấu suốt, ắt phải kể là có Đại Hải thiền sư.
6. Kế đến có bậc đại đức thông suốt trí huệ, giữ giới, ắt có ngài
Thượng Thống của triều Tề (tức Huệ Quang luật sư (468-537) tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự xuất gia năm mười ba tuổi, có hiệu là Thánh Sa Di. Sau khi thọ giới cụ túc lưu tâm học luật. Lại theo Đạo Phúc nghiên tập kinh luận, và nghiên cứu Tăng Kỳ Luật. Khi Lặc Na Ma Đề mới dịch Thập Địa xong, ngài làm sớ giải nói lên áo chỉ của luận, hoằng dương mạnh mẽ. Nam đạo Địa Luận Sư phái coi ngài là Tổ Sư. Đầu tiên ngài ở tại Lạc Thị nhậm chức Quốc Tăng Đô, sau vào Nghiệp chuyển thành Quốc Thống. Ngài giảng rộng về Tứ Phần Luật Nghĩa, người theo học đông như chợ). Sáu bậc đại đức kể trên đều là các gương thần [soi sáng] hai Đế, thật đúng là giềng mối của Phật Pháp, chí tu và hành ngiệp không ai sánh bằng, cổ kim hiếm có. Các ngài đều thấu xét Đại Thừa và đều ca ngợi sự quy hướng về Tịnh Độ chính là cửa ngỏ ách yếu vô thượng để mà vào Đạo.
Hỏi: Đã nói các ngài ca ngợi quy hướng về Tịnh Độ là cửa ngỏ ách yếu nhất để vào Đạo, song chưa rõ là các bậc tôn đức ấy vào lúc lâm chung có điềm gì linh nghiệm hay không?
Đáp: Thật sự đều có hết. Như Đàm Loan pháp sư, lúc còn sức khỏe thường tu Tịnh Độ. Cứ mỗi phen có người thế tục đến trách Pháp Sư rằng: “Mười phương Phật quốc đều là Tịnh Độ, pháp sư cớ gì lại chỉ chú tâm về Tây? Như vậy không phải là sinh thiên kiến hay sao?” Pháp Sư trả lời: “Tôi đã là phàm phu, trí huệ cạn cợt, chưa nhập vào Địa, nên cần phải giữ lực niệm cho đều đặn. Giống như bỏ cỏ dẫn trâu về, thì luôn phải chú tâm hướng về chuồng máng, chứ có đâu lại hoàn toàn thả lỏng chả có chỗ nào để quay về hết được sao?”
Tuy biết bao nhiêu kẻ bắt bẻ như thế, nhưng Pháp Sư vẫn cứ dứt khoát đường hướng của riêng mình. Thế nên bất kể là người tu hay kẻ tục, tất cả chỉ cần một phen diện kiến Pháp Sư mà nếu chưa sinh chính tín, thì ngài khích lệ cho sinh tín, nếu đã sinh chính tín rồi, thì ngài đều khích lệ cho quy về Tịnh quốc. Thế nên khi Pháp Sư vào lúc lâm chung, người tu lẫn kẻ tục ở hai bên chùa đều thấy cờ phướn hương hoa sáng rực cả viện. Mọi người ai cũng ngửi thấy hương thơm ngào ngạt, và nghe có tiếng âm nhạc nghinh tiếp. Pháp Sư khi ấy liền vãng sinh vậy.
Các bậc đại đức kia vào lúc lâm chung cũng đều có điềm lành vi diệu. Nếu phải nói rõ hết mọi đìềm lành vãng sinh, thì mọi thứ đều không thể nghĩ bàn vậy.
II. Các Kinh Thường Lấy Niệm Phật Làm Tông
Thứ hai là nói về các Kinh này khác phần nhiều đều cho thấy là đồng lấy Niệm Phật tam muội làm tông, [tức là nền tảng và ý hướng để tu hành.] Trong phần này lần lượt lại có đến tám lượt cân nhắc phán định. Hai lượt đầu nói về Nhất Tướng tam muội, sáu lượt sau chiếu theo duyên, y theo tướng, mà nói về Niệm Phật tam muội:
– Thứ nhất là y theo Hoa Thủ Kinh nói rằng: “Phật bảo Kiên Ý Bồ Tát: Tam muội có hai loại. Một thời có Nhất Tướng tam muội; hai thời có Chúng Tướng tam muội.
“Nhất Tướng tam muội là như có Bồ Tát nghe nói ở thế giới nào đó có đấng Như Lai nào đó hiện giờ đang nói pháp. Bồ Tát bèn nhận lấy tướng của Phật ấy [mà quán tưởng] như hiện đang ở trước mặt mình, hoặc [quán] Ngài đang ngồi đạo tràng, hoặc đang chuyển pháp luân với đại chúng bao quanh. Nhận giữ lấy các tướng như thế, rồi thu nhiếp các căn lại, giữ tâm không chạy tán, chuyên chú niệm tưởng một Phật ấy thôi, không bỏ duyên [quán tưởng Phật và thế giới] này. Bồ Tát nhờ thế sẽ thấu tỏ ra rằng tướng của Như Lai và tướng của thế giới kia đều là không có tướng. [Tiếp tục] cứ quán mãi như thế, cứ thường hành như vậy, không lìa bỏ duyên [quán Phật và thế giới] ấy. Thì khi ấy hình tướng của Phật sẽ hiển hiện ra ngay trước mặt mà nói pháp cho nghe. Bồ Tát lúc ấy sẽ khởi tâm cung kính không cùng mà lắng nghe thọ nhận pháp ấy, dù pháp sâu hay cạn cũng đều gia tâm tôn trọng. Bồ Tát trụ trong tam muội này, nghe Phật nói các pháp đều là tướng phải hoại diệt. Nghe rồi thọ nhân vâng giữ. Sau khi từ tam muội khởi thời sẽ vì bốn chúng mà diễn nói pháp ấy.
“Phật bảo Kiên Ý: Đó gọi là Bồ Tát theo cửa ngỏ Nhất Tướng tam muội để nhập vào Đạo.”
– Thứ hai là y theo Văn Thù Bát Nhã Kinh để nói về Nhất Hành tam muội vậy: “Khi ấy Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Thế Tôn, thế nào gọi là Nhất Hành tam muội?
“Phật nói: Nhất Hành tam muội là hoặc có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào chọn một chỗ yên tĩnh vắng vẻ, rồi xả bỏ hết mọi ý tưởng tạp loạn. Sau đó tùy theo nơi chốn của Phật mà ngồi ngay ngắn hướng về hướng đó. Không [cần phải] giữ lấy tướng mạo của Phật, mà cứ chú tâm vào một Phật thôi, chuyên chú xưng danh tự của Phật ấy, niệm tưởng đến Phật không hề ngừng nghỉ. Thì rồi trong khi niệm [tưởng như thế] sẽ thấy được ba đời chư Phật quá hiện vị lai. Tại sao được vậy? Niệm tưởng về công đức của một Phật là vô lượng vô biên, thì hoàn toàn không khác gì hết với công đức của vô lượng chư Phật khác. Như thế gọi là Nhất Hành tam muội của Bồ Tát.”
– Thứ ba là y theo Niết Bàn Kinh nói rằng: “Phật nói: Nếu có ai chỉ cần cứ chí tâm thường tu Niệm Phật tam muội, thì mười phương chư Phật luôn nhìn thấy người ấy như đang ở ngay trước các Ngài.” Thế nên Niết Bàn Kinh nói: “Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào mà thường hay chí tâm chuyên niệm đến Phật, thì hoặc người ấy ở tại rừng núi hay ở tại xóm làng, hoặc ngày hay đêm, hoặc [người ấy] ngồi hay nằm, chư Phật Thế Tôn luôn thấy người ấy như đang ở ngay trước các Ngài, các Ngài luôn ở cùng chỗ với người ấy để mà thọ thí.”
– Thứ tư là y theo Quán Kinh cùng các Kinh khác thì vạn thứ thực hành mà mình tu tập chỉ cần hồi hướng phát nguyện [vãng sinh,] thì không ai mà lại không sinh vậy. Song riêng môn thực hành niệm Phật này luôn được coi là con đường quan yếu nhất. Cớ sao? Nếu xét kỹ các thánh giáo thì [thực hành niệm Phật] có hai sự ích lợi khởi đầu và chung cục như sau:
Nếu muốn phát sinh điều thiện và phát khởi thực hành, thì [thực hành môn niệm Phật này] sẽ bao gồm hết trọn [sáu] độ. Nếu bảo là diệt ác và tiêu tai, thì [thực hành môn niệm Phật này] sẽ trị một lúc trọn hết các chướng. Thế nên phần dưới Kinh có nói: “Chúng sinh nào niệm Phật thì [Phật A Di Đà] sẽ gom nhiếp lấy chúng sinh ấy không bao giờ xả bỏ. Đến khi thọ tận họ sẽ được vãng sinh.” Đó là ích lợi khởi đầu.
Còn nói ích lợi chung cục là y theo Quán Âm Thọ Ký Kinh nói rằng: “A Di Đà Phật trụ thế rất là lâu dài. Song dù có triệu năm kiếp kiếp đi nữa thì cũng có lúc diệt độ. Khi Ngài bát Niết Bàn rồi, thì chỉ còn Quan Âm và Thế Chí trụ trì cõi An Lạc để tiếp dẫn mười phương. Thời gian Phật ấy diệt độ cũng dài y như khi Ngài trụ thế. Tuy tất cả chúng sinh cõi ấy không ai còn thấy được Phật nữa, song chỉ những người xưa nay chuyên niệm A Di Đà Phật để mà vãng sinh thì vẫn thường thấy A Di Đà Phật hiện còn không diệt.” Đó tức là ích lợi sau cùng hết vậy.
Còn tu các hạnh khác rồi hồi hướng thì đều được vãng sinh, thì khi Thế Tôn [A Di Đà] diệt độ sẽ tùy có người thì thấy, có người chẳng thấy. Xin khuyên người sau hãy suy xét kỹ để mà hưởng được ích lợi dài lâu vậy.
– Thứ năm là y theo Ban Châu Kinh nói rằng: “Lúc ấy có Bạt Đà Hòa Bồ Tát ở cõi nước này nghe nói có Phật A Di Đà, thì thường luôn cột [tâm] niệm [tưởng đến Phật ấy.] Nhân niệm như thế nên thấy Phật A Di Đà [hiện ra.] Khi thấy Phật rồi thì hỏi Phật rằng: Phải hành pháp nào thì được sinh về cõi nước ấy?
“Bấy giờ A Di Đà Phật nói với Bồ Tát kia rằng: Ai muốn sinh về nước Ta thì phải thường niệm danh hiệu của Ta đừng có ngừng nghỉ. Được vậy thì sẽ được sinh về cõi nước của Ta. Lại phải niệm thân Phật có đủ trọn hết ba mươi hai tướng, sáng rực chói lọi, đẹp không gì bằng…”
– Thứ sáu là y theo Đại Trí Độ Luận thời có đến ba lượt giải thích: (1) Thứ nhất Phật là bậc Vua Pháp không ai cao hơn nữa, còn Bồ Tát là bầy tôi thuộc Pháp. Bầy tôi mà tôn mà trọng thì chỉ tôn trọng duy Phật Thế Tôn mà thôi, thế nên cần phải thường niệm Phật vậy. (2) Thứ hai là có các Bồ Tát tự nói: “Chúng ta từng bao kiếp lâu xa đến nay nhờ được Thế Tôn nuôi dưỡng lớn mạnh pháp thân, trí thân và đại từ bi thân của chúng ta. Thiền định, trí huệ, vô lượng hành nguyện đều do nơi Phật mà được thành tựu. Do để báo ân ấy nên thường nguyện được gần Phật.” Cũng như các đại thần được hưởng ân sủng của vua nên thường niệm tưởng đến chúa của mình. (3) Ba là có các Bồ Tát lại nói như vầy: “Ta lúc còn trong giai đoạn gieo nhân do gặp ác tri thức nên hủy báng Bát Nhã, đọa vào ác đạo qua vô lượng kiếp. [Nay] tuy tu các thực hành khác mà chưa ra khỏi được. Sau đó chỉ được một lúc y theo thiện tri thức dạy chúng ta thực hành Niệm Phật tam muội. Ngay lúc ấy lập tức trừ hết các chướng, nên mới được giải thoát. [Niệm Phật ấy] có đại lợi ích như thế nên nguyện không bao giờ lìa xa Phật.”
– Thứ bảy là y theo Hoa Nghiêm Kinh nói rằng: “Thà là vô lượng kiếp, chịu đủ mọi thứ khổ, quyết không xa Như Lai, không thấy Tự Tại Lực.” Kinh này lại nói: “Niệm Phật tam muội ắt thấy Phật, mạng chung sau đó sinh gặp Phật. Thấy kẻ lâm chung khuyên niệm Phật, còn đưa tôn tượng cho ngưỡng kính.” Lại Thiện Tài đồng tử khi đi cầu thiện tri thức, đến gặp Công Đức Vân tỳ khưu bạch rằng: “Đại sư, làm thế nào để tu Bồ Tát Đạo, để quay về với sự thực hành của Phổ Hiền vậy?” Lúc ấy Tỳ Khưu bảo Thiện Tài rằng: “Trong biển trí huệ của Thế Tôn, ta chỉ biết có một pháp, đó là môn Niệm Phật tam muội. Gì là môn này? Vào trong môn tam muội này sẽ thấy được hết tất cả chư Phật cùng với quyến thuộc của các Ngài và các cõi Phật thanh tịnh tuyệt đẹp. [Thấy như thế] làm cho chúng sinh lìa xa mọi điên đảo. Môn Niệm Phật tam muội này khiến trong cảnh giới vi tế thấy được các cảnh giới tự tại của tất cả chư Phật, và đắc được bao kiếp không điên đảo. Môn Niệm Phật tam muội này làm khởi lên tất cả các cõi Phật mà không có gì có thể phá hoại được, thấy khắp hết chư Phật, và được ba đời không điên đảo.” Lúc ấy Công Đức Vân tỳ khưu bảo Thiện Tài rằng: “Biển cả Phật Pháp thâm sâu, rộng lớn vô bờ. Những gì ta biết được chỉ được mỗi một môn Niệm Phật tam muội này mà thôi. Còn có các cảnh giới thâm diệu khác nhiều quá số lượng ta thật chưa biết vậy.”
– Thứ tám là y theo Hải Long Vương Kinh nói rằng: “Bấy giờ Hải Long Vương bạch Phật rằng: Thế Tôn, đệ tử cầu sinh cõi Phật A Di Đà thì phải tu các sự thực hành nào để được sinh về cõi ấy? Phật bảo Long Vương: Nếu muốn sinh về nước kia, phải thực hành tám pháp. Tám pháp là những gì? (1) Một là thường niệm tưởng đến chư Phật, (2) hai là cúng dường chư Như Lai, (3) ba là ca ngợi chư Thế Tôn, (4) bốn là tạo hình tượng Phật để tu các công đức, (5) năm là hồi hướng nguyện vãng sinh, (6) sáu là tâm không khiếp nhược, (7) bảy là nhất tâm tinh tiến, (8) tám là cầu Huệ chân chính của Phật.
Phật bảo Long Vương: Tất cả các chúng sinh mà có đủ tám pháp ấy thì luôn luôn không bao giờ lìa xa Phật vậy.”
Hỏi: Nếu không đủ tám pháp thì có được sinh về trước Phật không lìa xa Phật được chăng?
Đáp: Được sinh không có gì phải nghi. Cớ sao biết được vậy? Như khi Phật nói Bảo Vân Kinh cũng có nói về mười điều thực hành hội đủ thì được sinh về Tịnh Độ, không bao giờ lìa xa Phật nữa. Bấy giờ có Trừ Cái Chướng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Không đủ mười thực hành có được sinh hay không?” Phật nói: “Được sinh. Chỉ cần thực hành trọn vẹn viên mãn được một điều trong mười điều thực hành ấy, thì chín thực hành kia đều được coi là thanh tịnh.” [Do đó] chẳng nên nghi ngờ vậy.
Lại Đại Thụ Khẩn Na La Vương Kinh có nói: “Bồ Tát thực hành bốn loại pháp như sau thì thường luôn ở trước Phật. Những gì là bốn? (1) Một là tự mình đã tu thiện pháp, còn khuyên chúng sinh tác ý vãng sinh để gặp Như Lai. (2) Hai là tự khuyến chính mình và khuyến người khác ưa thích tìm nghe chính pháp. (3) Ba là tự khuyến chính mình và khuyến người khác phát Bồ Đề tâm. (4) Bốn là một lòng chuyên nhất thực hành Niệm Phật tam muội. Có đủ bốn thực hành này, thì sinh bất cứ đâu cũng đều luôn ở trước Phật, không lìa xa chư Phật.”
Lại Kinh có nói: “Phật nói pháp mà Bồ Tát thực hành có ba mươi hai khí. Là những gì? Bố thí là khí cụ thành đại phú. Nhẫn nhục là khí cụ làm đẹp đẽ. Trì giới là khí cụ thành thân thánh. Năm nghịch bất hiếu là khí cụ thành núi đao, rừng kiếm, chảo sôi. Phát Bồ Đề tâm là khí cụ để thành Phật. Thường hay niệm Phật để vãng sinh Tịnh Độ là khí cụ để gặp Phật…” Tóm nêu lên sáu môn thôi, còn các môn khác không ghi ra hết.
Thánh giáo đã nói như thế, thì hành giả nguyện sinh mà không thường niệm Phật thì sao được vậy. Lại y theo Nguyệt Đăng Tam Muội Kinh có nói: “Niệm tưởng về tướng đẹp và đức hành của chư Phật làm cho các căn không loạn động và tâm không mê hoặc, [nhờ thế] hợp với chính pháp, nên đắc được đa văn và được trí huệ như biển cả. Người trí trụ trong tam muội này thực hành nhiếp niệm lại. Thời trong lúc kinh hành sẽ thấy được ngàn ức chư Như Lai, và cũng gặp được vô lượng hằng sa Phật.”
III. Hỏi Đáp Giải Thích Nêu Rõ Lợi Ích
Thứ ba là hỏi đáp giải thích để cho thấy rõ là Niệm Phật tam muội có biết bao là lợi ích. Phần này có đến năm lần hỏi đáp như sau: 1) Câu hỏi thứ nhất: Ở đây nói thường phải tu Niệm Phật tam muội, tức là sẽ không thực hành các tam muội khác sao?
Đáp: Nói thường niệm ở đây không hề nói là không thực hành các tam muội khác. Song do vì đa phần thực hành Niệm Phật tam muội, thế nên mới nói là thường niệm, chứ không phải là hoàn toàn không thực hành các tam muội khác vậy.
– Câu hỏi thứ hai: Nếu khuyên là thường thực hành Niệm Phật tam muội, thì phải chăng là có cấp bậc cao thấp so với các tam muội khác hay không?
Đáp: Các điểm vượt trổi của Niệm Phật tam muội này quả là không thể nghĩ bàn. Điều ấy do đâu mà biết? Như trong Ma Ha Diễn có nói: “Các tam muội khác không loại nào lại không phải là tam muội (Văn dường như thiếu sót ở đây). Tại sao vậy? Hoặc có tam muội chỉ trừ được tham, chứ không trừ được sân si. Hoặc có tam muội chỉ trừ được sân, chứ không trừ được si tham. Hoặc có tam muội chỉ trừ được si, chứ không trừ được tham sân. Hoặc có tam muội chỉ trừ được chướng trong hiện tại, chứ không trừ được hết các chướng trong quá khứ và vị lai. Song nếu thường tu Niệm Phật tam muội, thì bất kể là hiện tại, quá khứ, hay vị lai, tất cả mọi chướng đều được tiêu trừ.”
– Câu hỏi thứ ba: Niệm Phật tam muội đã có thể trừ được chướng, đạt được phúc đức, lợi ích rất lớn, song chưa rõ là có thể nào giúp ích cho hành giả khiến được tuổi thọ kéo dài năm tháng hay không?
Đáp: Dĩ nhiên là được. Bởi sao? Như Duy Vô Tam Muội Kinh có nói: “Có hai anh em nọ, anh thì tin nhân quả, còn em thì không có tâm tín song lại rất giỏi về nghề coi tướng. Nhân thấy trong gương mặt mình có tướng chết hiện lên, không quá bảy ngày nữa là sẽ chết. Thời có người trí khuyên đi hỏi Phật. Phật xác nhận rằng: Đúng thật không quá bảy ngày sẽ chết. Song nếu có thể một lòng niệm Phật tu giới, thì có thể sẽ qua được nạn ấy. Người em lập tức y theo lời dạy, gom hết tâm niệm [niệm Phật.] Thời đến ngày thứ sáu có hai quỉ sứ lại, song khi tai nghe tiếng người kia niệm Phật thì không sao tiến đến gần được. Nên quay trở về báo cáo với Diêm La Vương. Diêm La Vương bèn dở sổ bộ ra xem, thì đã thấy ghi chú là do công đức trì giới niệm Phật, nên được sinh từng trời Diễm Thiên thứ ba.”
Lại trong Thí Dụ Kinh có nói: “Có vị trưởng giả không tin có tội phúc, tuổi đã năm mươi. Bỗng đêm nằm mơ thấy sát quỉ cầm phù đến đòi bắt đi trong vòng mười ngày nữa không hơn. Người ấy tỉnh dậy sợ hãi không cùng. Đến sáng đi hỏi thầy tướng đoán mộng. Thầy tướng gieo quẻ phán là có quỉ sát muốn hại mạng trong vòng không quá mười ngày. Người ấy vô cùng sợ hãi, đến Phật cầu khẩn. Phật mới bảo rằng: Nếu muốn tránh được, thì từ nay trở đi phải chuyên tâm niệm Phật, trì giới, thắp hương, đốt đèn, treo cờ lọng bằng lụa, tin tưởng hướng về Tam Bảo, thì có thể tránh được cái chết này. Người ấy bèn y theo pháp này chuyên tâm tin tưởng. Khi sát quỉ đến cửa thấy người kia tu công đức như thế, nên không làm hại được mà phải bỏ đi. Người kia do duyên công đức ấy mà thọ đến trăm năm, khi chết được sinh cõi trời.
“Lại có một trưởng giả tên là Chấp Trì thối giới trả lại cho Phật, hiện bị ác quỉ đánh đập.”
– Câu hỏi thứ tư: Niệm Phật tam muội này phải chăng chỉ có thể đối trị các chướng, chỉ được quả báo thế gian, hay còn có thể chiêu cảm được quả vô thượng Bồ Đề xuất thế về sau này nữa hay chăng?
Đáp: Cảm được. Vì sao? Như Thập Địa Phẩm trong Hoa Nghiêm Kinh có nói: “Khởi đầu từ địa thứ nhất cho đến địa thứ mười, trong mỗi địa một đều có nói về con đường nỗ lực thực hành để nhập vào địa. Khi hoàn mãn [một] địa, công đức lợi ích xong xuôi rồi, thì không nói đến việc trụ trên con đường ấy nữa, mà đều kết thúc nói rằng Các Bồ Tát này tuy tu các thực hành khác, song đều không lìa niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, với các vật dụng tốt đẹp thượng diệu để cúng dường Tam Bảo.” Do lời văn ấy làm chứng mà biết được là các Bồ Tát cho đến bậc thượng địa đều thường học niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thì mới thành tựu được vô lượng hành nguyện và thành mãn được biển công đức. Thì huống gì là hàng nhị thừa và phàm phu cầu sinh Tịnh Độ mà lại không học niệm Phật hay sao. Tại sao vậy? Bởi Niệm Phật tam muội này vốn gồm đủ hết cả các bốn nhiếp và sáu độ, là sự thực hành chung, là sự trợ lực chung, [cho tất cả các sự thực hành khác] vậy.
– Câu hỏi thứ năm: Bồ Tát từ địa thứ nhất trở lên cùng chứng lý chân như cùng với Phật, được gọi là sinh vào nhà Phật, tự có thể làm Phật tế độ chúng sinh, thì cần gì phải học Niệm Phật tam muội, nguyện được gặp Phật nữa?
Đáp: Luận về chân như thì [chân như] vốn rộng lớn bao la vô bờ, y như hư không, khó mà đo lường nổi. Ví như một căn phòng lớn tối ám, thắp lên một ngọn hai ngọn đèn, ánh sáng không đủ tỏa khắp hết được, nên vẫn còn là tối. Dần dà thắp lên nhiều đèn, tuy gọi là sáng rồi, nhưng làm sao mà so với ánh sáng mặt trời được. Trí mà Bồ Tát chứng tuy so sánh các địa với nhau thì có cao thấp hơn thua, song đâu có thể so với trí của Phật ví như ánh sáng mặt trời vậy.
Đại Môn Thứ Năm
Trong cửa lớn thứ năm này có bốn phen cân nhắc phán định như sau:
I. Thứ nhất bàn qua về tu Đạo có kéo dài ra, có thu ngắn lại, nhằm khiến mau đạt được địa vị không thối chuyển nữa.
II. Thứ hai so sánh về thiền quán giữa cõi này và cõi kia, cốt khuyên vãng sinh.
III. Thứ ba so sánh hai cảnh tịnh uế hay cũng gọi là vô lậu và lậu giữa kia và đây.
IV. Thứ tư dẫn thánh giáo chứng rõ, khuyên đời sau sinh tín mà cầu sinh.
I. Bàn Về Tu Đạo Co Dãn
Thứ nhất bàn qua về tu đạo có co có dãn. Phần này có hai lần cân nhắc phán định: (1) Một là nói về sự co dãn của tu đạo. (2) Hai là hỏi đáp giải thích.
– Nói về co dãn: Tất cả chúng sinh không ai lại không ớn khổ cầu sướng, sợ trói cầu thoát, ai cũng đều muốn mau chứng vô thượng Bồ Đề. [Song nếu đã muốn thế thì] trước hết là phải phát tâm Bồ Đề làm đầu. Song tâm này khó mà ý thức rõ, khó mà phát khởi được. Cho dù có phát được tâm ấy, thì y theo kinh rồi ra còn cần phải tu mười loại thực hành như sau: (1) tín, (2) tiến, (3) niệm, (4) giới, (5) định, (6) xả, (7) hộ pháp, (8) phát nguyện, (9) hồi hướng, (10) tiến đến Bồ Đề. Và thân tu Đạo phải liên tục không đoạn, trải qua một vạn kiếp như thế thì mới chứng được địa không thối chuyển nữa.
Trong khi phàm phu thời nay được gọi là tin tưởng nhẹ như lông, cũng gọi là giả dối chỉ có danh tự thôi, cũng gọi là nhóm không cố định, cũng gọi là phàm phu ở ngoài Đạo, chưa ra khỏi nhà lửa. Sao biết được là vậy? Căn cứ theo Bồ Tát Anh Lạc Kinh thời thực hiện đủ hết các pháp thực hành thuộc các địa vị mà nhập Đạo thì gọi là Đạo khó thực hành. Lại chỉ trong một kiếp mà còn không thể đếm biết được số thân phải chịu sinh tử, thì huống gì là trong một vạn kiếp uổng chịu thiêu đốt đau đớn. Nên nếu mà có thể tin tưởng rõ ràng được kinh Phật, nguyện sinh Tịnh Độ, thì chỉ một đời, tùy tuổi thọ dài hay ngắn, lập tức đến ngay địa vị không thối chuyển nữa, cùng với một vạn kiếp tu Đạo kia công năng ngang bằng. Các Phật tử sao không chịu xét suy mà bỏ cái khó đi để cầu cái dễ. Như trong Câu Xá Luận cũng có nói về hai con đường khó thực hành và dễ thực hành. Khó thực hành là như Luận trình bày: “Trong suốt ba đại a tăng kỳ kiếp, thì mỗi một kiếp [Bồ Tát] đều phải thành tựu đầy đủ tất cả các thực hành thuộc sáu ba la mật để làm tư lương về cả hai mặt phúc và trí. Mỗi một nghiệp thực hành ấy đều có cả trăm vạn con đường khó thực hành, thì mới hoàn tất một địa vị. Như thế là con đường khó thực hành vậy.” Còn con đường dễ thực hành là như Luận kia nói rằng: “Nếu do có phương tiện đặc biệt nào đó mà đạt được giải thoát, thì gọi là con đường dễ thực hành.” Nay đã khuyên quay về Cực Lạc, thì tất cả mọi nghiệp thực hành trọn đều hồi hướng về đó, chỉ cần chuyên chí, khi tuổi thọ hết thì sẽ sinh. Được sinh nước ấy rồi thì cuối cùng đạt được mát rượi giải thoát. Như thế không phải là con đường dễ hành hay sao? Cần phải biết rõ ý nghĩa này vậy.
– Hai là hỏi đáp. Hỏi: Đã nói là nguyện vãng sinh Tịnh Độ, thì tùy theo khi thọ tận liền được vãng sinh. Nói thế có thánh giáo gì làm chứng hay không?
Đáp: Có bảy phen trích dẫn Kinh Luận ra để chứng rõ: (1) Một là y theo Đại Kinh nói rằng: “Phật bảo A Nan: Như có chúng sinh nào ở vào đời nay mà muốn gặp Vô Lượng Thọ Phật, thì phải phát tâm vô thượng Bồ Đề, rồi tu hành các công đức, nguyện sinh về nước kia, thì sẽ được vãng sinh [ để mà gặp Phật.]” Thế nên bài Tán Đại Kinh mới nói: “Nếu nghe đức hiệu A Di Đà, hoan hỉ tán ngưỡng tâm quy y, ít ra một niệm cũng ích lợi, nhờ đó trọn đủ báu công đức. Dù cho lửa cháy khắp đại thiên, cũng băng qua thẳng nghe Phật danh, nghe A Di Đà đâu còn thối, thế nên chí tâm khể thủ lễ.”
– Hai là y theo Quán Kinh trong chín phẩm vãng sinh đều có nói:
“Khi lâm chung mà niệm tưởng vẫn chân chính thì sẽ được vãng sinh.”
– Ba là y theo Khởi Tín Luận nói rằng: “Dạy cho chúng sinh thì khuyên quán về chân như bình đẳng là một và là thật. Song cũng có các Bồ Tát mới phát tâm, thì tâm họ còn yếu ớt, tự thấy là không thể thường gặp chư Phật để mà chính mình được cúng dường, nên muốn thối thất. [Với trường hợp này thời] phải biết là Như Lai có phương tiện rất thù thắng để giữ vững và bảo hộ tín tâm. Đó là do nhân duyên chuyên tâm niệm Phật mà tùy theo nguyện được vãng sinh. Do thường gặp Phật như thế nên được lìa xa ác đạo.”
– Bốn là y theo Cổ Âm Đà La Ni Kinh nói rằng: “Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Khưu rằng: Ta sẽ vì các ông mà diễn nói về thế giới An Lạc ở phương tây, hiện nay có Phật hiệu A Di Đà. Như trong bốn chúng có ai mà có thể chân chính thọ trì danh hiệu của Phật ấy, giữ tâm kiên cố, nhớ niệm mãi không quên. Nếu được mười ngày mười đêm như thế, trừ bỏ các tán loạn, tinh cần tu tập Niệm Phật tam muội, nếu có thể khiến được niệm niệm không ngừng, thì trong vòng mười ngày chắc chắn sẽ thấy được Phật A Di Đà kia, và đều được vãng sinh.”
– Năm là y theo Pháp Cổ Kinh nói rằng: “Nếu ai vào lúc lâm chung mà không thể niệm tưởng gì được, thì chỉ cần biết là phương kia có Phật, rồi tác ý muốn vãng sinh, thì cũng được vãng sinh.”
– Sáu là như Thập Phương Tùy Nguyện Vãng Sinh Kinh nói rằng: “Nếu có người nào khi lâm chung hay chết đọa địa ngục, thì người thân thuộc trong nhà vì người mất ấy mà niệm Phật hay tụng kinh, trai tăng, làm phúc. Người mất nhờ đó sẽ ra khỏi địa ngục vãng sinh Tịnh Độ. Huống gì là ngay hiện giờ chính mình tu niệm, thì cớ gì lại không được vãng sinh.” Thế nên Kinh ấy mới nói: “Hiện tại thân thuộc vì người mất mà tìm làm phúc đức, thì cũng như hiến tặng đồ ăn cho người ở xa, thì cố nhiên là họ được ăn.”
– Bảy là dẫn đủ mọi Kinh để chứng rõ. Như Đại Pháp Cổ Kinh nói rằng: “Thiện nam tử thiện nữ nhân nếu có thể thường luôn tập trung ý tưởng, xưng niệm danh hiệu của chư Phật, thì mười phương chư Phật và tất cả các hiền thánh thường luôn thấy người ấy như ở ngay trước mặt. Thế nên Kinh này có tên là Đại Pháp Cổ. Phải biết là người ấy tùy nguyện mà vãng sinh về mười phương Tịnh Độ.”
Lại Đại Bi Kinh có nói: “Thế nào gọi là đại bi? Nếu chuyên niệm Phật liên tục không đoạn, thì tùy khi lâm chung chắc chắn được sinh An Lạc. Nếu lại có thể khuyến khích người khác thực hành niệm Phật, thì các người ấy đều được gọi là người thực hành đại bi vậy.” Thế nên Niết Bàn Kinh có nói: “Phật bảo đại vương: Giả như mở kho tàng lớn ra trong vòng một tháng bố thí cho chúng sinh, thì công đức có được cũng không bằng của người chỉ một lần mở miệng xưng [danh hiệu] Phật. Công đức người này vượt quá hơn công đức trước đến mức không thể so sánh được.”
Lại Tăng Nhất A Hàm Kinh có nói: “Phật bảo A Nan: Như có chúng sinh cúng dường y phục, ẩm thực, đồ nằm, và thuốc men cho khắp người ở một châu Diêm Phù Đề này, thì công đức có được có nhiều hay không?
“A Nan bạch Phật rằng: Thế Tôn, rất nhiều, rất nhiều vậy. Không thể đếm hết được.
“Phật bảo A Nan: Nếu có chúng sinh tâm thiện liên tục xưng danh hiệu Phật trong khoảng vắt sữa bò thôi, thì công đức có được vượt quá khỏi công đức trước đến mức không thể lượng được, và không ai lượng được vậy.”
Đại Phẩm Kinh nói rằng: “Nếu có người [dù là] tán tâm niệm Phật, thì cho đến khi chấm dứt khổ, phúc đức của họ vẫn không hề tận. Nếu có người rải hoa [cúng dường] niệm Phật, thì cho đến khi chấm dứt khổ, phúc đức của họ cũng vẫn không tận.” Thế nên mới biết niệm Phật ích lợi rất lớn đến mức không thể nghĩ bàn vậy. Thập Vãng Sinh Kinh cùng các Kinh Đại Thừa đều có các văn làm chứng, không thể nào trích dẫn hết ra được vậy.
II. So Sánh Thiền Quán
Thứ hai là so sánh giữa cõi này và cõi kia để khuyến khích vãng sinh: Cõi này chỉ toàn là cảnh uế, tưởng thì loạn, khó mà nhập Đạo. Cho dù có tu đắc, thì cũng chỉ đạt được định thuộc về sự mà thôi, phần nhiều bị nhiễm trước bởi thích thú cái [hương] vị [của thiền định.] Lại nữa chỉ có thể điều phục được nghiệp báo để sinh lên cõi trên hơn nữa, song hưởng thọ hết rồi thì phần đông lại thối chuyển trở lại. Thế nên Trí Độ Luận mới nói: “Nghe nhiều, trì giới, thiền, [mà] chưa đắc pháp vô lậu, [thì] tuy có được công đức, song chưa đủ tin được.”
Trong khi nếu muốn quy hướng về Tây phương mà tu tập, thời các sự cảnh sáng suốt thanh tịnh, định quán dễ thành, trừ được tội lỗi trong hằng bao kiếp, vĩnh viễn cố định tinh tiến mau lẹ, cuối cùng đạt được mát rượi giải thoát, như trong Đại Kinh có nói đủ.
Hỏi: Nếu cảnh giới ở Tây phương là hơn hẳn mà vẫn do thiền định chiêu cảm được, thì các trời thuộc cõi sắc ở cõi [Sa Bà] này[so với cảnh giới Tịnh Độ] vốn là thua kém, đúng lẽ ra không thể do thiền định mà chiêu vời được?
Đáp: Nếu luận về tu định [theo phương diện như là tu] nhân, thì tu định ấy là chung luôn cho cả cõi này và cõi kia. Song cõi kia thuộc địa vị không thối chuyển nữa, lại thêm có tha lực trì giữ cho, thế nên mới nói là “hơn hẳn”. Trong khi ở cõi này tuy là ra sức tu định, song chỉ có phần của riêng mình làm nhân mà thôi, thiếu hẳn tha lực nhiếp trì, nên nghiệp [tu thiền định ấy mà] tận hết rồi, thì không khỏi phải thối đọa. Do điểm này mà nói là không bằng [tu ở cõi kia.]
III. So hai cảnh tịnh và uế, lậu và vô lậu
Thứ ba là căn cứ theo hai cảnh tịnh và uế của cõi này và cõi kia, cũng có nghĩa là lậu và vô lậu. Nếu luận cảnh giới của cõi này, thì nào là ba cõi ác, rồi là gò vực, núi khe, cát muối, gai góc, cỏ nước, cuồng phong chà xát, chớp nháng sấm sét, hổ sói thú dữ, trộm cướp hung ác, con cái ngỗ nghịch, hoang vu trống vắng, ba tai họa phá hoại hết. Còn luận về chính báo thì ba độc tám đảo, buồn lo, ganh ghét, bệnh nhiều, mạng ngắn, đói khát, lạnh nóng, thường bị quỉ chủ hại mạng theo đuổi bắt bớ, thật hết sức uế ác không thể nói hết được Thế nên mới gọi là “hữu lậu”, vô cùng là đáng chán. Còn vãng sinh về cõi kia thời hơn hẳn là căn cứ theo Đại Kinh có nói: “Người trới ở mười phương chỉ cần sinh về nước đó thì không ai là không đạt được đủ mọi lợi ích.” Tại sao vậy? Bởi một phen sinh về cõi kia rồi thời bước đi là có hoa sen đỡ gót, ngồi thời có tòa báu đỡ thân, đi ra là có Đế Thích trước mặt, đi vào là có Phạm vương theo sau. Tất cả thánh chúng là thân hữu của mình, Phật A Di Đà là đại sư của ta. Dưới cây báu trong rừng báu tùy ý mình dạo chơi thỏa thích, trong ao tám đức rửa chân thả hồn. Thân hình thì đồng mầu vàng kim, tuổi thọ thì bằng ngang với Phật. Học thì mọi môn cùng tiến, ngừng thì hai Đế trống rỗng dung nhau. Đến mưới phương cứu tế thì thể theo đại thần thông, tạm thời an nghỉ thì ngồi nơi ba cửa Không, dạo chơi thì vào con lộ “bát chính”, nơi đến thì đến đại Niết Bàn. tất cả chúng sinh chỉ cần đến được nước kia thì đều chứng được các ích lợi ấy. Sao không suy xét mà mau đi đi!
IV. Dẫn Thánh Giáo Làm Chứng
Thứ tư là trích dẫn thánh giáo ra để làm chứng cho thấy rõ và khuyên người đời sau phát sinh tín tâm mà cầu nguyện vãng sinh: Y theo Quán Phật Tam Muội Kinh có nói: “Bấy giờ trong hội có mười vị Phật ở mười phương, mỗi ngài đều ở trên hoa đài hiện giữa hư không mà ngồi kiết già, với Thiện Đức Như Lai ở phương đông dẫn đầu, nói với đại chúng rằng: Các ông cần phải biết rằng ta nhớ lại trong quá khứ vô lượng đời về trước có Phật tên là Bảo Oai Đức Thượng Vương. Khi Phật ấy ra đời thì cũng như nay đây nói đủ pháp ba thừa. Sau khi Phật ấy diệt vào đời mạt có một tỳ khưu dẫn chín người đệ tử đi đến chỗ tháp Phật để lễ bái tượng Phật. Họ thấy một tượng báu oai nghi nhìn rất đẹp, họ chiêm ngưỡng rồi kính lễ. Trong khi mắt nhìn chăm chăm, mỗi người nói lên một bài kệ để mà ca ngợi. Sau đó tùy theo tuổi thọ dài ngắn của mình, mỗi người đều qua đời. Ngay sau khi mạng chung lập tức sinh về ngay trước Phật. Từ đó trở đi luôn được gặp vô lượng chư Phật, theo các chư Phật ấy mà tu đủ hết các phạm hành và đắc được biển Niệm Phật tam muội. Khi đắc tam muội này rồi thì thấy chư Phật hiện ra ngay trước mắt mà thọ ký cho mình sẽ tùy ý thích mà thành Phật [ở bất cứ phương nào] trong mười phương. Phật Thiện Đức ở phương đông tức chính là thân Ta vậy. Còn chư Phật ở chín phương kia chính là chín người đệ tử của ta khi xưa vậy. Mười phương Phật Thế Tôn xưa nhân do lễ tháp cùng một bài kệ ca ngợi mà được thành là Phật, nào phải ai xa lạ mà chính là mười phương Phật chúng Ta đây vậy.
“Nói rồi, mười phương chư Phật từ trên hư không hạ xuống, phóng ra ngàn ánh sáng, hiển hiện sắc thân, quang tướng bạch hào. Rồi mỗi Ngài đều ngồi lên giường tòa của Thích Ca Phật, nói với A Nan rằng: Ông phải biết là Thích Ca Văn Phật phải tinh tiến vô số, trăm ngàn khổ hành, để cầu trí huệ Phật mới được quả báo thân ngày hôm nay. Nay vì ông mà nói pháp này, nên ông phải gìn giữ lấy lời Phật, mà vì bốn bộ đệ tử đại chúng trời rồng trong đời vị lai, nói lên các pháp quán tướng đẹp của Phật cùng Niệm Phật tam muội này.
“Nói lời ấy xong rồi, sau đó hỏi thăm Thích Ca Văn Phật. Hỏi thăm xong rồi, mỗi Ngài đều quay trở về cõi nước của mình.”
Đại môn thứ sáu
Trong đại môn thứ sáu này có ba phen cân nhắc phán định:
I. Thứ nhất là đem hết mười phương Tịnh Độ ra mà cùng so sánh [với A Di Đà Tịnh Độ.]
II. Thứ hai là suy luận về nghĩa.
III. Thứ ba là luận về sự trụ và diệt của các Kinh.
I. So Sánh Với Mười Phương Tịnh Độ
Thứ nhất là mười phương Tịnh Độ cùng đem ra để so sánh [với A Di Đà Tịnh Độ,] phần này có đến ba phen so sánh:
– Một là như Tùy Nguyện Vãng Sinh Kinh có nói: “Mười phương Phật quốc trọn đều đẹp đẽ thanh tịnh, tùy theo nguyện [mà chúng sinh] đều được vãng sinh.” Tuy nhiên tất cả đều không bằng được nước của Phật Vô Lượng Thọ ở phương tây. Ý gì mà nói như vậy? Chỉ vì A Di Đà Phật cùng với Quan Âm và Đại Thế Chí khi mới phát tâm là từ cõi này mà phát, nên đối với chúng sinh ở đây các Ngài có duyên hơn hết. Do đó nên Thích Ca Phật trong kinh bao giờ cũng đều ca ngợi khuyên quay về [Tịnh Độ của các Ngài.]
– Hai là căn cứ theo Đại Kinh thì Pháp Tạng Bồ Tát trong khi gieo nhân, đã ở trước Thế Nhiêu Vương Phật (tức Thế Tự Tại Vương Phật) phát trọn các thệ nguyện bao la sẽ nhận lấy Tịnh Độ. Lúc đó Phật kia vì Pháp Tạng Bồ Tát mà nói về hai trăm mười ức cõi nước của chư Phật cùng nói về các cõi nước tinh thô thuộc thiện ác trời người, và tất cả trọn đều hiện ra cho thấy. Lúc ấy Pháp Tạng Bồ Tát nguyện nhận lấy [Tịnh Độ cho riêng Ngài ở] phương Tây mà thành Phật. Nay Ngài hiện đang ở cõi ấy. Đó là chứng cớ thứ hai.
– Ba là y theo Quán Kinh này thì Vi Đề phu nhân lại xin thỉnh Tịnh Độ. Như Lai vì Vi Đề phu nhân mà trong ánh sáng bạch hào hiện ra tất cả Tịnh Độ khắp mười phương. Vi Đề phu nhân bạch Phật rằng: “Các cõi Phật này tuy đều thanh tịnh, đều rực ánh sáng. Song nay con muốn là sinh về nơi của A Di Đà Phật là Cực Lạc thế giới.” Đây là chứng cớ thứ ba. Nên đủ rõ là trong các Tịnh Độ thế giới An Lạc là tối thắng vậy.
II. Xét Về Mặt Nghĩa Lý
Hỏi: Tại sao lại phải mặt hướng về hướng tây mà ngồi, lễ, niệm, hoặc quán vậy?
Đáp: Do ở Diêm Phù Đề nơi mặt trời mọc thì gọi là sinh, nơi mặt trời lặn thì gọi là tử. Mượn nơi chỗ chết là chỗ ánh sáng “thần minh” đi vào để trợ giúp cho nhau được đắc lực, thế nên Pháp Tạng Bồ Tát nguyện thành Phật tại phương Tây, thương xót mà tiếp dẫn chúng sinh. Còn ngồi, quán, lễ, niệm v.v… hướng về phía Phật là tùy theo lễ nghi của thế gian. Nếu là thánh nhân được quả báo tự tại muốn bay đâu là bay rồi, thì không cần phải bàn đến phuơng hướng. Song là người phàm phu thời thân tâm theo nhau, nên nếu hướng về phương khác thì về Tây ắt phải khó.
Thế nên Trí Độ Luận có nói [về việc A Di Đà Phật trợ giúp lúc lâm chung như sau]: “Có một tỳ khưu khi còn khỏe mạnh mỗi ngày đều tụng A Di Đà Kinh và niệm Bát Nhã Ba La Mật. Đến lúc mạng chung bảo các đệ tử rằng: A Di Đà Phật cùng chư thánh chúng hiện đang ở trước mặt ta. Nói xong chắp tay quy y, trong thoáng chốc là xả thân. Sau đó đệ tử y theo phép hỏa táng, dùng lửa thiêu thân. Mọi thứ thuộc thân đều cháy tiêu hết, duy có chiếc lưỡi vẫn còn y nguyên như xưa nay. Đệ tử mới thu nhặt lấy mà cất tháp cúng dường.” Long Thụ Bồ Tát giải thích rằng: “Do tụng A Di Đà Kinh cho nên lúc lâm chung Phật tự đến đón. Do niệm Bát Nhã Ba La Mật cho nên chiếc lưỡi không tiêu.” Do các văn này làm chứng đủ rõ là tất cả các nghiệp tu hành chỉ cần hồi hướng về cõi kia, thì không ai không sinh về vậy.
Thế nên Tu Di Tứ Vực Kinh mới nói [về việc hướng mặt về hướng Tây như sau]: “Vào lúc trời đất mới mở ra, chưa có mặt trời, mặt trăng, sao trời các thứ. Người cõi trời lúc ấy có xuống thì cũng chỉ dùng ánh sáng trên đỉnh đầu mình mà chiếu thấy. Bấy giờ người dân cõi này phần nhiều phải chịu khổ não. Do đó mà A Di Đà Phật sai hai Bồ Tát một tên Bảo Ứng Thanh, hai tên Bảo Cát Tường, tức chính là Phục Hy và Nữ Oa vậy. Hai Bồ Tát này bàn tính với nhau đến trời Phạm thiên thứ bảy lấy bảy thứ báu ở đấy, đem đến cõi này tạo thành mặt trời, mặt trăng, và hai mươi tám vì tinh tú, để chiếu sáng cho thiên hạ. Rồi phân định thành bốn thời xuân. thu, đông, hạ. Đâu đó rồi, hai vị Bồ Tát mới nói cùng nhau là: Sở dĩ mà mặt trời, mặt trăng, hai mươi tám tinh tú này mà đi theo hướng Tây là vì tất cả các người trời và dân gian đều cùng dập đầu lạy A Di Đà Phật, thế nên mặt trời, mặt trăng, và tinh tú đều phải chuyển tâm hướng về Phật ấy, thế nên mới lưu chuyển theo hướng Tây vậy.”
III. Sự Trụ Diệt Của Các Kinh
Thứ ba là luận bàn về sự trụ và diệt của các Kinh. Nghĩa là một thời chính Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật kéo dài năm trăm năm, tượng Pháp kéo dài một ngàn năm, và mạt Pháp kéo dài mười ngàn năm. Chúng sinh diệt tận thì các Kinh ắt phải diệt hết. Như Lai thương xót các chúng sinh bị thiêu đốt đớn đau, thế nên mới đặc biệt lưu giữ Kinh này trụ lại trăm năm nữa. Lấy lời văn này làm chứng, thì đủ rõ là nước kia tuy là Tịnh Độ, song bản thể thì chung luôn cho cả các phẩm thượng hạ. Biết rõ tướng là vô tướng thì sẽ sinh địa vị thượng phẩm, còn phàm phu trong nhà lửa thì luôn cứ theo tướng mà vãng sinh vậy.
Đại môn thứ bảy
Trong đại môn thứ bảy này gồm có hai phen cân nhắc phán định:
I. Trong môn cân nhắc phán định thứ nhất, lấy tướng của cõi này và cõi kia để cân nhắc phán định về trói buộc và giải thoát.
II. Kế đến thứ hai là nói về sự tu Đạo giữa cõi này và cõi kia, ra công nặng nhẹ, và được báo chân ngụy ra sao, nên mới khuyên quy hướng về cõi kia.
I. Theo Tướng Phán Định Trói Buộc Và Giải Thoát
Thứ nhất chọn lấy tướng của cõi này và cõi kia để cân nhắc phán định về trói buộc và giải thoát: Nếu chọn lấy tướng thanh tịnh của phương Tây thì mau được giải thoát, thuần hưởng cực lạc, mắt trí mở sáng. Còn nếu thọ nhận lấy tướng ô uế của cõi này thì chỉ có cái sướng do vọng tưởng mà nên, si mù, trói buộc, lo âu sợ hãi. Hỏi: Theo các Kinh Đại Thừa đều nói rằng: “Không có tướng mới là con đường ra khỏi ách yếu nhất, còn chấp tướng là câu thúc trở ngại, không tránh khỏi vướng trần.” Nay lại khuyên chúng sinh xả uế thích tịnh, thì nghĩa ấy là sao?
Đáp: Nghĩa của ông không được chuẩn. Tại sao vậy? Thường thì tướng có hai loại:
– Một là theo cảnh năm trần thuộc cõi dục mà vọng ái [cảnh mà thành cái] tham ô nhiễm, tùy theo cảnh mà chấp bám. Các thứ tướng như thế được gọi là trói buộc.
– Hai là ái công đức của Phật nên nguyện sinh Tịnh Độ. Tuy đó cũng gọi là tướng, song lại là giải thoát. Cớ sao biết là vậy? Như Thập Địa Kinh có nói: “Chính ngay Bồ Tát thuộc địa thứ nhất mà còn phải quán riêng hai Đế. Vận tâm tác ý trước hết phải theo tướng mà cầu, sau cùng mới thành vô tướng. Do từ từ tăng tiến mà thể nhập vào đại Bồ Đề. Cho đến tâm sau hết của địa thứ bảy thì tâm dựa theo tướng mới chấm dứt. Khi nhập vào địa thứ tám thời dứt tuyệt không còn theo tướng cầu nữa, và mới được gọi là sự thực hành không cần ra công sức (vô công dụng hành).” Thế nên Luận có nói: “Từ địa thứ bảy trở lại, thì có chướng ngại là ác tham, và có thiện tham để đối trị. Đến địa thứ tám trở lên thì thiện tham là chướng ngại mà vô tham là đối trị.” Huống gì giờ đây nguyện sinh Tịnh Độ, hiện tại tuy là phàm phu ngoài Đạo, song thiện căn mình tu đều là do ái công đức của Phật mà sinh, thì lẽ nào lại là trói buộc được. Nên Niết Bàn Kinh có nói: “Tất cả chúng sinh có hai loại ái. Một là thiện ái, hai là bất thiện ái. Bất thiện ái duy chỉ các kẻ ngu mới cầu [ái ấy], còn thiện pháp ái là [ái mà] chư Bồ Tát cầu.” Thế nên Tịnh Độ Luận mới nói: “Vị thanh tịnh quán cõi nước Phật, vị Đại Thừa nhiếp thọ chúng sinh, vị theo sự khởi hành nguyện lấy Phật độ, vị trụ trì đến cùng không thành uổng dở…” Có vô lượng vị Phật đạo như thế, nên tuy là giữ lấy tướng nhưng không phải là loại chấp trước trói buộc. Lại nữa tướng mà Tịnh Độ kia nói tức chính là tướng vô lậu, là tướng vô tướng vậy.
II. So Sánh Về Sự Dụng Công Tu Đạo
Trong đoạn thứ hai này nói về sự dụng công tu Đạo nặng và nhẹ giữa cõi này và cõi kia và có được quả báo chân và ngụy: Nếu muốn phát tâm quay về Tây chỉ cần một ít thời lễ lạy, quán tưởng và niệm v.v…, thì tùy theo tuổi thọ dài ngắn, đến khi lâm chung đều có đài sáng nghinh tiếp, về ngay phương kia, vào địa vị không thối chuyển nữa. Thế nên Đại Kinh mới nói: “Người trời mười phương sinh về nước tôi, nếu không đến trọn cùng chỗ diệt độ mà vẫn còn thối chuyển, thì nguyện không nhận lấy chính giác.” Trong khi ở phương này có nhiều phen tu đủ cả thí, giới, nhẫn, tiến, định, huệ, đi nữa, mà chưa đủ mười ngàn kiếp trở lại, thì vẫn chưa thoát khỏi nhà lửa cùng điên đảo đọa lạc. Nên mới gọi là dụng công thì hết sức nặng mà được báo thì vẫn là giả ngụy. Đại Kinh lại nói: “Người sinh về nước ta cắt ngang đoạn hết năm đường ác.” Đó là chiếu theo cõi tịnh của Di Đà, thì năm đường luân hồi của Sa Bà đều gọi là đường ác. Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, là nơi chúng sinh thuần ác quy về, nên gọi là đường ác. Người, trời của Sa Bà là do tạp nghiệp mà hướng về, nên cũng gọi là đường ác.
Nếu y theo phương này mà tu trị đoạn trừ, thì trước tiên là đoạn kiến hoặc, lìa bỏ nhân của ba đường ác, diệt hết quả của ba đường ác. Sau đó đoạn trừ tu hoặc, lìa bỏ nhân của trời người, tuyệt dứt quả của trời người. Đó đều là theo cách tuần tự đoạn trừ, không được gọi là “cắt ngang”. Còn nếu được vãng sinh về tịnh quốc của Di Đà, thì năm đường luân hồi của Sa Bà đồng một lúc cùng xả bỏ hết, nên gọi là “cắt ngang” năm đường ác, có nghĩa là cắt mất quả của năm đường ác vậy. Đường ác tự nhiên đóng lại, nghĩa là đóng ngăn nhân của năm đường ác vậy. Đó là nói rõ về những gì được lìa bỏ [khi sinh về Cực Lạc.] Còn nói con đường thù thắng không cùng cực là nêu rõ lên những gì đắc được [khi sinh về cõi ấy.] Nếu có thể tác ý hồi nguyện hướng về Tây thì thượng phẩm là suốt một đời cho đến hạ phẩm chỉ mười niệm, không ai không được sinh. Một khi đến nước kia rồi, thì nhập ngay vào tụ chính định, so với mười ngàn kiếp tu Đạo ở cõi này, công bằng ngang nhau vậy.
Đại môn thứ tám
Trong môn thứ tám gồm ba phen cân nhắc phán định:
I. Thứ nhất là nêu qua các Kinh để làm chứng, khuyến khích bỏ cõi này chuộng cõi kia.
II. Thứ hai là so sánh giữa hai Phật Di Đà và Thích Ca.
III. Thứ ba là giải thích về ý nguyện vãng sinh.
I. Lấy Kinh Làm Chứng
Thứ nhất là lược đưa ra các Kinh Đại Thừa để làm chứng khuyến khích xả bỏ cõi này thích cầu cõi kia: Một là Đại Kinh gồm hai quyển được nói trên núi Kỳ Xà Quật. Hai là Quán Kinh một bộ chính thức được nói ở hai hội tại vương cung và núi Kỳ Xà. Ba là Vô Lượng Thọ Kinh tiểu quyển được nói một lần tại Xá Vệ. Bốn lại có Thập Phương Tùy Nguyện Vãng Sinh Kinh làm chứng cớ rõ ràng. Năm lại có Vô Lượng Thanh Tịnh Giác Kinh gồm hai quyển chính thức nói trong một hội. Sáu còn có Thập Vãng Sinh Kinh một quyển. Còn có rất nhiều chỗ nói đến ca ngợi ở trong các Kinh Luận Đại Thừa khác, như Thỉnh Quán Âm Đại Phẩm Kinh v.v… Lại như các bộ Luận của Long Thụ, Thiên Thân v.v… ca ngợi khuyến sinh không phải là ít. Tịnh Độ các phương khác đều không được nhắc nhở dặn dò như thế.
II. So Sánh Hai Phật Thích Ca Và Di Đà
Thứ hai là so sánh hai Phật Di Đà và Thích Ca: Tức là Phật Thích Ca Như Lai ở cõi này trụ thế tám mươi năm, tạm hiện ra rồi đi mất, đi rồi không trở lại nữa. So với chư thiên ở Đao Lợi thời không đến một ngày. Lại khi Thích Ca Phật còn tại thế, duyên cứu độ cũng rất yếu, như câu chuyện cứu người bệnh hoạn ở nước Tỳ Xá Ly v.v… Chuyện như thế nào? Lúc ấy nhân dân ở Tỳ Xá Ly mắc phải sáu thứ bệnh dữ: Một là mắt đỏ như máu, hai là hai tai chảy mủ, ba là mũi tuôn máu ra, bốn là lưỡi cứng lại nói không ra tiếng, năm là ăn gì vào cũng thành ra thô cứng, sáu là tâm thức bế tắc y như người say. Có năm dạ xoa còn gọi là Ngật Noa Ca La, mặt đen như mực, có đến năm mắt, răng nanh chĩa lên, chuyên hút tinh khí người. Lương y Kỳ Bà ra hết tài nghệ mà vẫn không sao cứu chữa được. Bấy giờ có Nguyệt Cái trưởng giả cầm đầu dẫn dắt các bệnh nhân đồng đến nơi Phật, khấu đầu cầu Phật xót thương. Lúc ấy Thế Tôn khởi lòng thương xót không cùng, bảo các bệnh nhân rằng: “Ở phương Tây có A Di Đà Phật, hai Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Các ông phải một lòng chắp tay cầu gặp.” Thế nên mọi người đều làm theo Phật khuyên, chắp tay cầu xin. Bấy giờ Phật kia phóng ánh sáng lớn, Quán Âm và Thế Chí đồng thời hiện đến, nói đại thần chú. Tất cả mọi người bệnh khổ tiêu trừ, bình phục như xưa.
Đúng ra thần lực của hai Phật hoàn toàn ngang nhau, song Thích Ca Như Lai không hiện khả năng của mình ra là cốt để cho thấy chỗ hay của Phật kia, ý Ngài muốn khiến tất cả chúng sinh ai cũng đều quy về Phật kia vậy. Thế nên Thích Ca Phật chỗ nào trong Kinh cũng ca ngợi khuyên quy về, phải hiểu là ý này vậy. Do đó Đàm Loan pháp sư do ý chính là quy về Tây, nên kèm bên Đại Kinh mà dâng lời ca ngợi rằng: “An Lạc Thanh Văn Bồ Tát chúng, người trời trí huệ đều đạt thông, thân tướng trang nghiêm không sai khác, chỉ thuận phương khác mà nêu danh. Dung nhan đẹp đẽ không gì sánh, vóc hình tuyệt diệu vượt nhân thiên, thân vốn hư vô thể vô cực, nên con đảnh lễ Bình Đẳng Lực.”
III. Giải Thích Tâm Ý Vãng Sinh
Thứ ba là giải thích về tâm ý muốn vãng sinh. Trong đây gồm hai giải thích: (1) Một là giải thích về tâm ý vãng sinh. (2) Hai là hỏi đáp giải thích. 1) Thứ nhất hỏi rằng: Nay nguyện sinh Tịnh Độ, chưa rõ phải tác ý như thế nào?
Đáp: Chỉ muốn sao cho mau thành được việc lợi mình lợi người, lợi vật sâu rộng, mười [bậc thuộc địa vị] Tín [và ba mươi bậc thuộc] ba [địa vị] Hiền, nhiếp thọ chính Pháp, khế hội [lý] không hai, thấy chứng Phật tính, hiểu rõ thật tướng, quán chiếu tỏ tâm, có không hai Đế, nhân quả trước sau, mười địa hơn thua, ba nhẫn ba đạo, kim cương vô ngại, chứng đại Niết Bàn, chuyển Đại Thừa khắp, muốn trụ không thời hạn, để tận hết biển sinh tử vô biên. 2) Hai là hỏi đáp. Phần hỏi này có ba câu [trả lời]: Hỏi: Nguyện sinh Tịnh Độ là muốn đem lại ích lợi cho vạn vật. Nếu đúng vậy, thì chúng sinh mà mình phải cứu bạt hiện đang ở ngay cõi này, đã phát được tâm ấy thì phải ở cõi này mà cứu bạt chúng sinh khổ mới phải, chứ tại sao đã được tâm ấy rồi mà trước hết lại nguyện sinh Tịnh Độ? Tợ như là bỏ chúng sinh mà tự cầu lấy niềm an lạc của Bồ Đề vậy?
Đáp: (1) Nghĩa ông nói ấy không được chuẩn. Tại sao? Như Trí Độ Luận có nói: “Ví như hai người đều thấy cha mẹ quyến thuộc mình bị chìm dưới khe sâu. Một người chạy thẳng đến ra hết sức cứu, song sức không cứu nổi nên cũng bị chìm theo. Còn người kia bỏ chạy đi xa tìm một chiếc thuyền chèo đến cứu vớt, khiến đều được thoát nạn.” Bồ Tát cũng vậy, khi chưa phát tâm thì cũng lưu chuyển trong sinh tử chẳng khác gì chúng sinh. Song khi đã phát Bồ Đề tâm rồi thì trước hết nguyện vãng sinh Tịnh Độ để lấy thuyền Đại Bi, chèo biện tài vô ngại, mà vào trong biển sinh tử để cứu độ chúng sinh.
– Hai là Đại Luận lại nói: “Bồ Tát sinh Tịnh Độ có đủ hết các đại thần thông, biện tài vô ngại, mà khi giáo hóa chúng sinh còn không thể khiến chúng sinh sinh thiện diệt ác, [không thể khiến cho chúng sinh được] nẻo đạo tăng trưởng, địa vị thăng tiến, đúng như ý của Bồ Tát. [Thì huống gì] nếu lại ở ngay trong uế độ mà tế bạt, thì sẽ thiếu hẳn không thể có lợi ích đó được. Giống như bắt gà mà cho vào nước thì lẽ nào lại không ướt cho được.”
– Ba là bài tán Đại Kinh nói rằng: “Cõi Phật An Lạc chư Bồ Tát; khi phải tuyên thuyết tùy trí huệ; với mình, vạn vật, bặt ngã sở; sạch tợ đóa sen chẳng nhiễm trần; tiến dừng qua lại như thuyền xuôi; lo việc lợi an bỏ xa gần; người, ta, như không, dứt hai tưởng; đuốc huệ thắp lên chiếu đêm trường; ba minh sáu thông đều đã đủ; vạn hành Bồ Tát quán trong tâm; công đức thế ấy vô biên lượng; thế nên chí tâm nguyện sinh về.”
Đại môn thứ chín
Trong đại môn thứ chín này gồm hai phen cân nhắc phán định:
I. Thứ nhất là khổ và sướng, thiện và ác, đối nhau.
II. Thứ hai là so sánh về tuổi thọ dài ngắn giữa cõi này và cõi kia.
I. Khổ Sướng, Thiện Ác Tương Đối
Trong đoạn thứ nhất này lại gồm hai phần: (1) Một là khổ và sướng, thiện và ác, đối nhau. (2) Hai là dẫn Đại Kinh làm chứng.
– Trước hết nói khổ và sướng, thiện và ác, đối nhau là: Ở trong thế giới Sa Bà này tuy có cả hai báo khổ và sướng, song luôn luôn sướng thì ít mà khổ thì nhiều. Nặng thì ắt ba đường thiêu đốt đớn đau, nhẹ thì trong cõi trời người đao binh, tật bệnh, liên tục đổ đến. Bao kiếp lâu xa đến nay không có lúc nào ngưng dứt. Cho dù có chút cái sướng của trời người, thì cũng y như bọt nước, chớp nháng, lóe lên rồi diệt liền. Thế nên mới được gọi là “chỉ duy có khổ, chỉ duy có ác” mà thôi. Trong khi cõi tịnh của Di Đà, nước, chim, cây rừng, thường phát ra âm pháp, tuyên rõ lên đạo giáo đầy đủ minh bạch, khiến cho [người nghe được] ngộ nhập.
– Hai là dẫn thánh giáo để làm chứng, như Tịnh Độ Luận có nói: “Mười phương trời người sinh về nước ấy, tức sẽ không khác gì với hàng tịnh tâm Bồ Tát. Tịnh tâm Bồ Tát tức cùng với thượng địa Bồ Tát rồi ra sẽ đồng đắc được tịch diệt nhẫn, thế nên sẽ không còn thối chuyển nữa.”
Lại trích dẫn trong bốn mươi tám nguyện của Đại Kinh ra năm ích lợi lớn như sau: (1) Thứ nhất Đại Kinh nói rằng: “Người trời trong mười phương khi sinh về nước ta, nếu không phải một sắc vàng ròng hết, thì ta nguyện không nhận lấy chính giác.” (2) Thứ hai lài: “Người trời trong mười phương khi sinh về nước ta, nếu hình sắc không đồng nhau, có người đẹp kẻ xấu, thì ta nguyện không nhận lấy chính giác” (3) Thứ ba là: “Người trời trong mười phương khi sinh về nước ta, mà không đắc túc mệnh trí, không biết được các sự việc của ít ra là trăm ngàn ức na do tha kiếp, thì ta nguyện không nhận lấy chính giác.” (4) Thứ tư là: “Người trời trong mười phương khi sinh về nước ta, mà không đắc được thiên nhĩ thông, không nghe được những điều của ít ra là trăm ngàn ức na do tha chư Phật nói ra, không thọ trì hết được, thì ta nguyện không nhận lấy chính giác.” (5) Thứ năm là: “Người trời trong mười phương khi sinh về nước ta, mà nếu không đắc được tha tâm trí, không biết được tâm niệm của các chúng sinh trong ít ra là trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật, thì ta nguyện không nhận lấy chính giác.” Nếu muốn luận về các điều lợi ích của cõi kia, thì khó mà kể ra hết được. Song chỉ cần nguyện sinh về là ắt hẳn cũng không thể nghĩ bàn rồi. Thế nên phương kia “chỉ duy là thiện, chỉ duy là lạc,” không khổ, không ác vậy.
II. Tuổi Thọ Dài Ngắn
Thứ hai là nói về tuổi thọ dài ngắn: Phương này tuổi thọ mà nhiều nhất không quá trăm năm. Trong vòng trăm năm ấy ít người sống lâu hơn, mà phần đông sống ngắn hơn. Hoặc còn trẻ đã chết yểu, cho đến còn bé đã mất mạng, hoặc là sảy thai mà tổn thương. Tại sao lại ra cớ ấy? Giai do là vì chúng sinh khi gieo nhân rất là tạp, thế nên lúc thọ báo không thể nào giống như nhau được. Do đó Niết Bàn Kinh có nói: “Khi tạo nghiệp là đen, thì quả báo cũng là đen. Khi tạo nghiệp trắng, thì quả báo cũng trắng. Tịnh và tạp [nghiệp] cũng giống như vậy.” Lại căn cứ theo Tịnh Độ Bồ Tát Kinh có nói: “Con người thọ trăm năm, thì đêm đen đã chiếm mất một nửa, tức là giảm mất năm mươi năm rồi. Lại ngay trong năm mươi năm ấy, thì mười lăm trở lại chưa biết gì thiện ác, và tám mươi trở lên thì đã lú lẫn yếu suy, nên phải chịu cái khổ già lão. Trừ hết các năm ấy ra thì chỉ còn lại mười lăm năm mà thôi. Trong mười lăm năm ấy, ngoài thì vua quan ép bức phải trường chinh ải xa hoặc bị nhốt trong lao ngục, trong thì gia đình lành dữ, đủ chuyện lao phiền, lo lắng ưu sầu, cầu mãi cũng không đủ. Cứ thế mà suy, thì có thể có được bao lúc để mà tập tu đạo nghiệp?” Xét kỹ như thế lẽ nào không thấy thê thảm hay sao mà còn không biết chán? Lại Kinh kia còn nói: “Thế gian người đời này, thường cứ trải qua một ngày một đêm là có đến tám ức bốn ngàn vạn niệm. Mỗi niệm khởi ác là thọ một ác thân, mười niệm mà niệm ác là chịu mười đời ác thân, trăm niệm niệm ác là thọ trăm ác thân. Nếu tính trong một đời chúng sinh mà trăm năm niệm ác, thì ác sẽ biến cùng hết quốc độ ba ngàn mà thọ các ác thân. Ác pháp đã vậy thì thiện pháp cũng thế: Một niệm khởi thiện thì thọ một thiện thân, trăm niệm niệm thiện, thì thọ trăm thiện thân. Nếu tính chúng sinh ở trong một đời mà trăm năm niệm thiện, thì thiện thân cũng vậy, biến khắp quốc độ ba ngàn.” Nếu được năm, mười năm, niệm A Di Đà Phật, hoặc nhiều năm hơn nữa, thì sau đó sinh về Vô Lượng Thọ quốc, sẽ thọ pháp thân Tịnh Độ đến hằng sa vô tận, không thể nghĩ bàn vậy.
Nay đã ở uế độ ngắn ngủi, mạng báo chẳng bao xa. Nếu sinh vào tịnh quốc của A Di Đà, thời tuổi thọ lâu dài không thể nghĩ bàn. Thế nên Vô Lượng Thọ Kinh mới nói: “Phật bảo Xá Lợi Phất: Phật ấy cớ gì hiệu A Di Đà? Xá Lợi Phất, người trời mười phương vãng sinh nước kia, tuổi thọ dài lâu trăm ngàn ức kiếp, bằng ngang với Phật, nên mới hiệu là A Di Đà.” Mỗi vị hãy cân nhắc cái lợi to lớn này mà đều nên nguyện vãng sinh vậy.
Lại Thiện Vương Hoàng Đế Tôn Kinh có nói: “Như có người học đạo muốn vãng sinh về A Di Đà Phật quốc ở phương tây, nên ngày đêm ức niệm hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, cho đến sáu ngày, bảy ngày. Nếu trong khoảng ấy mà còn hối muốn hoàn, thì nghe ta nói công đức của Thiện Vương này, vào lúc gần mạng chung sẽ có tám Bồ Tát đều cùng bay lại nghinh đón người ấy, đưa đến A Di Đà Phật quốc ở phương tây, rốt không ngừng ở giữa.” Từ đây trở xuống lại dẫn kệ tán Đại Kinh làm chứng. Kệ tán rằng: “Nếu chúng sinh nào sinh An Lạc; đều sẽ có đủ băm hai tướng; trí huệ mãn túc nhập thâm pháp; cứu thông Đạo yếu không chướng ngại; tùy căn lợi độn thành tựu nhẫn, ba nhẫn cho đến không thể nói; túc mệnh năm thông thường tự tại; đến Phật không còn tạp ác thú; trừ sinh phương khác đời năm trược; thị hiện đồng như đại Mâu Ni; sinh An Lạc quốc thành đại lợi, thế nên chí tâm nguyện sinh về.”
Đại môn thứ mười
Trong đại môn thứ mười này gồm hai phen cân nhắc phán định:
I. Thứ nhất là y theo Đại Kinh dẫn chứng để chứng thành.
II. Thứ hai là giải thích về ý nghĩa hồi hướng.
I. Y Đại Kinh Dẫn Chứng
Thứ nhất là y theo Đại Kinh dẫn loại để chứng thành là: Mười phuơng chư Phật không ai không khuyên quy hướng về phương Tây, mười phương Bồ Tát không ai không đồng sinh, mười phương người trời mà có ý [nguyện vãng sinh] thì cùng quy về. Nên mới biết sự việc [vãng sinh phương Tây] ấy là không thể nghĩ bàn, thế nên lời tán Đại Kinh rằng: “Thần lực không cùng A Di Đà; mười phương vô lượng Phật ngợi ca; phương đông hằng sa chư Phật quốc; Bồ Tát vô số đến ngưỡng chiêm; và còn cúng dường An Lạc quốc; Bồ Tát Thanh Văn chư đạo chúng; nghe nhận kinh pháp tuyên Đạo hóa; chín phương còn lại cũng y vậy.”
II. Giải Thích Nghĩa Hồi Hướng
Thứ hai là giải thích ý nghĩa hồi hướng: Do bởi tất cả chúng sinh đã có Phật tính, người người đều có tâm nguyện thành Phật. Song y theo nghiệp tu hành chưa mãn mười ngàn kiếp trở lại, thì vẫn chưa xuất ra khỏi cõi lửa, không miễn khỏi luân hồi. Thế nên thánh giả thương cho phải chịu khổ lâu dài như vậy, mà khuyên hồi hướng phương Tây để thành tựu được đại lợi ích. Song công năng hồi hướng này không ra khỏi sáu thứ. Sáu là gồm những gì? (1) Một là đem hết bao nhiêu nghiệp tu hành hồi hướng về Di Đà. Khi đã về đến nước kia rồi, thì sẽ có được sáu thần thông mà đi khắp cứu tế chúng sinh. Như thế chính là nghĩa “không trụ Đạo” vậy. (2) Hai là hồi nhân hướng về quả. (3) Ba là hồi hạ hướng về thượng. (4) Bốn là hồi chậm hướng về mau, đây là do không trụ ở thế gian nữa vậy. (5) Năm là hồi tâm bi niệm thí cho chúng sinh hướng về thiện. (6) Sáu là hồi nhập [trở lại cõi này, và như vậy là] trừ bỏ đi tâm phân biệt [cõi này cõi kia.] Công năng hồi hướng chỉ gồm trong sáu nghĩa ấy. Thế nên Đại Kinh có nói: “Hễ chúng sinh nào mà sinh nước ta, thì tự nhiên mà tiến lên vượt hẳn ra khỏi các thực hành của các địa vị thông thường, cho đến tận mức thành tựu Phật đạo, không hề bị nạn lùi lại.” Nên kệ tán Đại Kinh nói rằng: “An Lạc Bồ Tát Thanh Văn chúng; thế giới phương này không sánh được; Thích Ca vô ngại đại biện tài; nêu các thí dụ thấy ít phần; ăn mày cùng khổ so đế vương; đế vương lại so kim luân vương; cứ thế so lên hết sáu trời; tuần tự hơn nhau như dụ đầu; đem sắc tướng trời dụ chúng kia; ngàn vạn ức phần chẳng sánh nổi; đều do nguyện lực Pháp Tạng thành; khể thủ đảnh lễ Đại Tâm Lực.”
Đại môn thứ mười một
Trong đại môn thứ mười một này tóm lược có hai phen cân nhắc phán định như sau:
I. Thứ nhất là khuyên tất cả chúng sinh nương vào thiện tri thức mà tác ý nguyện hướng về Tây.
II. Thứ hai là luận về duyên sinh sau khi chết hơn kém nhau ra sao.
I. Khuyên Nương Thiện Tri Thức
Thứ nhất là khuyên nương vào thiện tri thức: Y theo Pháp Cú Kinh [nói về tư cách] làm thiện tri thức cho chúng sinh: “Có Bảo Minh Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn, thế nào gọi là thiện tri thức? Phật nói: Thiện tri thức là người có thể nói về pháp thâm sâu, tức các pháp không, vô tướng, vô nguyện, các pháp bình đẳng, không nghiệp không báo, không nhân không quä, cho đến chỗ cùng cực thời như như, trụ nơi thật tế. Song ở chỗ cùng cực hết là Không ấy mà bừng lên kiến lập tất cả các pháp. Thì như thế gọi là thiện tri thức. Thiện tri thức ấy là cha mẹ của các ông, do nhờ [thiện tri thức] nuôi dưỡng nên thân Bồ Đề của các ông vậy. Thiện tri thức ấy là con mắt của các ông, do [nhờ thiện tri thức mà các ông mới] thấy được tất cả các con đường thiện và ác vậy. Thiện tri thức ấy là chiếc thuyền lớn cho các ông, bởi [chính thiện tri thức này] chuyển vận các ông ra khỏi biển sinh tử vậy. Thiện tri thức ấy là dây thừng bện chắc cho các ông, do [thiện tri thức] có thể kéo nhấc các ông ra khỏi sinh tử vậy.”
Lại xin khuyên thêm là tuy làm thiện tri thức cho chúng sinh, nhưng cũng phải quy hướng về Tây. Tại sao vậy? Do ở trong cõi lửa này các cảnh thuận nghịch rất nhiều, phần đông đều bị lui sụt khó mà ra khỏi. Thế nên Xá Lợi Phất ở cõi này phát tâm tu Bồ Tát hành đã được sáu mươi kiếp, mà do nhân duyên ác tri thức xin mắt, đến phải thối chuyển. Mới thấy là cõi lửa này tu Đạo khó vô cùng. Do đó mà khuyên quay về phương Tây. Một phen được vãng sinh là ba học tự nhiên tiến vượt lên, ngàn vạn pháp thực hành đều sẵn đủ hết. Nên Đại Kinh mới nói: “Di Đà tịnh quốc không có chỗ nào để tạo ác hết, dù chỉ ác nhỏ như cọng lông tóc mà thôi.”
II. Luận Về Sinh Duyên Hơn Kém
Thứ hai là luận về sau khi chết chúng sinh thọ sinh hơn kém ra sao: Chúng sinh cõi này khi hết tuổi thọ mạng chung, thì không ai không nương theo hai nghiệp thiện ác, luôn bị thần chủ mạng dẫn đi, rồi theo phiền não vọng ái mà nương nhau thọ sinh. Cứ thế đã từng vô số kiếp nay mà không sao miễn khỏi. Nếu có thể sinh tín mà quy hướng về Tịnh Độ, đốc thúc tâm ý, chuyên chú tinh cần, thì vào lúc mệnh chung, A Di Đà Phật, Quán Âm cùng thánh chúng đem đài vàng đến nghinh đón. [Lúc ấy] hành giả mừng vui đi theo, chắp tay ngồi trên đài, trong khoảng khắc là đến. [Đến rồi, mọi thứ] không gì không khoan khoái an lạc, cho đến khi thành Phật.
Lại nữa tất cả chúng sinh tạo nghiệp khác nhau, gồm có ba loại, gọi là thượng, trung, và hạ. Loại nào thì cũng phải đến trước Diêm La mà chịu xử phán. Nếu có thể do nhân duyên tín Phật mà nguyện sinh Tịnh Độ, cùng bao nhiêu nghiệp tu hành đều đem hồi hướng, thì đến lúc mạng chung, Phật sẽ đích thân đến nghinh đón, khỏi phải qua Tử Vương vậy.
Đại môn thứ mười hai
Trong đại môn thứ mười hai chỉ có một phen cân nhắc phán định thôi, chính là y theo Thập Vãng Sinh Kinh làm chứng để khuyên vãng sinh vậy. Như [khi] Phật nói về việc sinh A Di Đà Phật quốc, thì vì chư đại chúng mà Phật nói đến [pháp môn giải thoát do nhờ niệm tưởng chân chính quán về thân này gọi là] “quán thân chính niệm giải thoát.” Thập Vãng Sinh Kinh nói: “A Nan bạch Phật rằng: Thế Tôn, pháp quán thân của tất cả chúng sinh, pháp ấy ra sao? Xin Phật nói cho con được biết.
“Phật bảo A Nan: Thường thì pháp quán thân ấy là chẳng quán đông, tây, chẳng quán nam, bắc, chẳng quán bốn phương phụ, và trên với dưới, chẳng quán hư không, chẳng quán các duyên bên ngoài, chẳng quán các duyên bên trong, chẳng quán mầu sắc của thân, chẳng quán mầu sắc, âm thanh, chẳng quán các hình tướng thuộc sắc, chỉ duy quán “không duyên”, thì đó là pháp quán thân chân chính nhất. Trừ cách quán thân này ra, có ra sức tìm cầu khắp hết mười phương, bất cứ nơi đâu, bất cứ chốn nào, cũng không có pháp nào khác hơn để được giải thoát.
“Phật lại bảo A Nan: Chỉ cần quán lấy chính thân mình, lực thiện tự nhiên [sẵn nơi thân ấy,] chính niệm tự nhiên [sẵn nơi thân ấy,] giải thoát tự nhiên [sẵn nơi thân ấy] vậy. Bởi tại sao? Ví như có người tinh tiến với tâm thuần trực mà đắc được giải thoát chân chính, thì người ấy không cần phải cầu giải thoát nữa, mà giải thoát tự đến.
“A Nan lại bạch Phật rằng: Thế Tôn, nếu chúng sinh ở thế gian này mà có được chính niệm giải thoát như thế, thì sẽ không còn mọi thứ địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, thuộc ba đường ác nữa. “Phật bảo A Nan: Chúng sinh ở thế gian không đắc được giải thoát là tại sao vậy? Tất cả chúng sinh đều do vì hư dối thì nhiều mà chân thật thì ít, không có một chính niệm nào. Do nhân duyên ấy nên kẻ địa ngục thì nhiều, người giải thoát thời ít. Ví như có người đối với cha mẹ của mình cùng với sư tăng, ngoài thì ra vẻ hiếu thuận, trong thì ôm lòng bất hiếu; ngoài hiện vẻ như tinh tiến, trong thì hoàn toàn chẳng thật. Các kẻ ác ấy tuy quả báo chưa đến, song có xa đâu ba đường ác. Không có chính niệm thì giải thoát sao được.
“A Nan lại bạch Phật rằng: Nếu đã như thế, thì họ phải tu các thiện căn nào để đắc được chân chính giải thoát?
“Phật bảo A Nan: Nay ông hãy nghe cho kỹ, giờ đây tôi sẽ vì ông mà nói. Có mười pháp vãng sinh có thể [khiến cho chúng sinh] đắc được giải thoát. Mười là những gì?
“(1) Một là quán thân chính niệm luôn với lòng vui vẻ dùng ẩm thực, y phục, thí cúng cho Phật cùng Tăng, [nhờ đó được] vãng sinh A Di Đà Phật quốc.
“(2) Hai là chính niệm dùng các thuốc tốt bổ dưỡng mà thí cho một tỳ kheo bệnh cùng tất cả chúng sinh, [ nhờ đó được] vãng sinh A Di Đà Phật quốc.
“(3) Ba là chính niệm không hại bất cứ một sinh mạng nào, từ bi đối với tất cả, [nhờ đó được] vãng sinh A Di Đà Phật quốc. “(4) Bốn là chính niệm theo các sư trưởng mà thọ giới, với trí huệ thanh tịnh mà tu phạm hành với tâm luôn hoan hỉ, [nhờ đó được] vãng sinh A Di Đà Phật quốc.
“(5) Năm là chính niệm hiếu thuận với cha mẹ, kính phụng với sư trưởng, không khởi tâm kiêu mạn, [nhờ đó được] vãng sinh A Di Đà Phật quốc.
“(6) Sáu là chính niệm đi đến các tăng phòng, cung kính đối chùa tháp, mà nghe pháp hiểu một nghĩa [thôi, nhờ đó được] vãng sinh A Di Đà Phật quốc.
“(7) Bảy là chính niệm trong một ngày một đêm thọ trì tám giới trai, không phá một giới nào, [nhờ đó được] vãng sinh A Di Đà Phật quốc.
“(8) Tám là chính niệm hoặc vào tháng trai hay ngày trai, lìa xa phòng xá mình, thường lui tới các bậc thầy tốt, [nhờ đó được] vãng sinh A Di Đà Phật quốc.
“(9) Chín là chính niệm thường hay trì tịnh giới, chăm tu các thiền định, hộ pháp chẳng ác khẩu. Nếu thực hành được vậy sẽ vãng sinh A Di Đà Phật quốc.
“(10) Mười là chính niệm hoặc đối Đạo vô thượng không khởi tâm hủy báng, tinh tiến trì tịnh giới, còn dạy kẻ vô trí, lưu truyền kinh pháp này, giáo hóa vô lượng chúng sinh. Những người như thế ấy trọn đều được vãng sinh.
“Khi ấy trong hội có một Bồ Tát tên gọi là Sơn Hải Huệ bạch Phật rằng: Thế Tôn, A Di Đà Phật quốc kia có những diệu lạc tốt đẹp vượt bậc nào mà tất cả chúng sinh đều nguyện vãng sinh về đó? “Phật bảo Sơn Hải Huệ Bồ Tát: Nay ông phải nên đứng dậy, chắp tay đứng ngay ngắn, hướng về phía tây, chính niệm mà quán A Di Đà Phật quốc, nguyện thấy được A Di Đà Phật.
“Bấy giờ tất cả đại chúng đều cùng đứng dậy chắp tay, cùng quán A Di Đà Phật. Lúc đó A Di Đà Phật hiện đại thần thông, phóng đại quang minh chiếu ngay vào thân của Sơn Hải Huệ Bồ Tát. Lúc ấy Sơn Hải Huệ Bồ Tát và mọi người liền thấy quốc độ của A Di Đà Phật với mọi thứ trang nghiêm tuyệt đẹp, trọn đều bằng bảy thứ ngọc báu, núi bảy báu, cõi nước bảy báu… Nước, chim, cây rừng, thường trổi pháp âm. Nước ấy ngày ngày thường chuyển pháp luân. Nhân dân nước ấy không học tập chuyện ngoài, mà chỉ tu tập nội sự. Miệng họ nói lời phương đẳng, tai họ nghe tiếng phương đẳng, tâm họ hiểu nghĩa phương đẳng.
“Bấy giờ Sơn Hải Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn, chúng con giờ đây đã thấy được nước kia với bao lợi ích vi diệu thù thắng, không thể nghĩ bàn. Con nay nguyện cho tất cả chúng sinh đều được vãng sinh, sau đó chúng con cũng nguyện sinh về nước ấy.
“Phật thọ ký cho rằng: Chính quán, chính niệm, đắc chính giải thoát, thì trọn đều được sinh về nước kia. Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào chính tín Kinh này, yêu thích Kinh này, khuyến khích dẫn dắt chúng sinh [theo Kinh này,] thì kẻ thuyết cũng như người nghe, trọn đều vãng sinh về nước của Phật A Di Đà. nếu có các người [thực hành] như thế, ta sẽ từ ngày hôm nay sai hai mươi lăm vị Bồ Tát thường luôn hộ trì người đó, thường khiến cho người đó không bệnh tật, không phiền não, hoặc loài người hoặc loài chẳng phải người cũng không làm hại gì được người đó. Người ấy đi, đứng, nằm, hay ngồi, bất kể ngày hay đêm, luôn được an lành. “Sơn Hải Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn, con nay đội đầu thọ nhận lời dạy của Thế Tôn, không dám có gì nghi ngại. Song thế gian có các chúng sinh phần nhiều hay hủy báng, không tin Kinh này. Những người thế ấy thì sau này ra sao?
“Phật bảo Sơn Hải Huệ Bồ Tát: Sau này ở Diêm Phù Đề hoặc có tỳ khưu hay tỳ khưu ni thấy ai đọc tụng Kinh này mà hoặc giận ghét người ấy, trong lòng ôm niệm hủy báng, thì do hủy báng chính pháp như thế mà kẻ ấy, ngay trong hiện đời này, thân thể phải chịu đủ các thứ trọng bệnh độc ác như các căn không đủ, điếc, mù, câm ngọng, phù thũng, quỉ mị ám hại, ngồi nằm chẳng yên, cầu sống chẳng được mà cầu chết cũng chẳng xong. Hoặc cho đến khi chết đọa vào địa ngục, trong tám vạn kiếp chịu mọi khổ não không cùng, trăm ngàn vạn đời chẳng từng nghe tên đồ ăn thức uống. Mãi sau mới được ra, thì sinh vào thành trâu, ngựa, lợn, dê, bị người giết thịt, chịu khổ cùng cực. Sau mới được làm người, thì thường sinh vào chỗ thấp kém, trăm ngàn vạn đời chẳng được thoải mái, vĩnh viễn chẳng được nghe đến danh tự Tam Bảo. Thế nên với kẻ không có trí và không có tin thì đừng nói Kinh này vậy.”
Soạn tập lưu thông đức
Phổ thí cho tất cả,
Trước phát Bồ Đề tâm,
Đồng quay về Tịnh Quốc,
Đều cùng thành Phật đạo.
An Lạc Tập Quyển Hạ Hết