KINH TỲ NI MẪU
Hán dịch: Mất tên người dịch, nay xếp vào dịch phẩm đời Tần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 1
Nay nói nghĩa chữ “Mẫu”
Các vị hãy lắng nghe:
Văn này tuy tóm lược
Gom hết nghĩa Tỳ-ni.
Diễn nói theo việc đầu
Người có trí nên biết
Cốt tủy tất cả kinh
Đều nằm ở trong đây.
Các nghĩa ngoài tạng Luật
Trong kinh Mẫu có đủ
Nghĩa luật vào kinh này
Như các sông vào biển.
Các nghĩa ngoài Tỳ-ni
Đều tìm được nơi đây
Nghĩa tất cả các kinh
Theo ý đó mà hiểu.
Luật dẹp sạch nghi ngờ
Như các kinh đã nói
Các giới Phật đã chế
Đều ở trong kinh này.
Hỏi: – Vì sao gọi là kinh Mẫu?
Bậc trí nói: – Kinh này có thể diệt trừ kiêu mạn, mở dây trói phiền não, làm cho chúng sanh dứt sạch các khổ, đạt được Niết-bàn rốt-ráo.
Cho nên gọi là Kinh Mẫu.
Tỳ-ni là vì diệt trừ các pháp ác nên gọi là Tỳ-ni.
Nay nói về nghĩa của kinh Mẫu. Kinh Mẫu: Có thể định nghĩa chính xác, không ngược với những điều các kinh đã nói, thì gọi là kinh Mẫu.
Trong đây giải thích hai loại kinh: Một là kinh Tỳ-kheo, hai là kinh Tỳ-kheo ni. Tất cả các Tụ sẽ được giảng rõ về sau. Mười tám nhân duyên chế giới trong kinh Tăng Nhất đều được đưa vào kinh này. Nhờ nhân duyên đầu tiên nên biết được việc đầu tiên là đoạn trừ tâm nghi ngờ của mọi người và không nhầm lẫn nghĩa trong các kinh. Tỳ-kheo nào nắm vững những chú giải trong kinh Tỳ Ni Mẫu thì có thể mau hết sanh tử và thắng được giặc phạm giới.
Nay nói về việc thọ Cụ túc.
Vì sao gọi là thọ Cụ túc? – Bậc có trí tuệ đã thọ Cụ túc thì không vi phạm giới đã thọ. Do thành tựu sự cầu mong nên gọi là thọ Cụ túc. Do việc đó có thể làm cho thành tựu nên gọi là thọ Cụ túc. Vì thế, thành tựu các việc lành gọi là thọ Cụ túc.
Lại nữa, có thể chuyên tâm giữ giới nên gọi là thọ Cụ túc. Có thể làm cho thành tánh Sa-môn nên gọi là thọ Cụ túc. Do có thể làm cho thành tựu pháp thanh lọc ý nên gọi là thọ Cụ túc. Có thể thành tựu pháp tịch diệt nên gọi là thọ Cụ túc. Có thể thành tựu pháp Tỳ-kheo nên gọi là thọ Cụ túc. Có thể hiểu biết thông suốt bộ luật này nên gọi là thọ Cụ túc. Có thể thành tựu hạnh Tỳ-kheo bằng năm cách thọ Cụ túc, nên gọi là thọ Cụ túc.
Năm cách đó là gì? – Một là: Gọi “Thiện lai Tỳ-kheo!”, liền được thọ Cụ túc. Hai là: Tự nói ba lần: “Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng”, liền được thọ Cụ túc. Ba là: Bạch Tứ yết-ma để thọ giới, gọi là thọ Cụ túc. Bốn là Phật ra lệnh cho phép thọ Cụ túc, liền được thọ Cụ túc. Năm là: Cách thọ Cụ túc bậc cao nhất. Thế nào là cách thọ Cụ túc bậc cao nhất? – Khi Phật còn tại thế, có những người chưa thọ giới, chỉ ở bên cạnh Phật, nghe pháp liền đắc quả A-la-hán, gọi là cách thọ Cụ túc bậc cao nhất. Đó là năm cách thọ Cụ túc của Tỳ-kheo.
Tỳ-kheo ni cũng thọ Cụ túc bằng năm cách: Một là, làm đúng theo lời dạy của thầy, gọi là thọ Cụ túc.Hai là, bạch Tứ yết-ma mà được thọ Cụ túc. Ba là,nhờ người thay thế mình mà được thọ Cụ túc. Bốn là, được gọi: “Thiện lai!”, liền được thọ Cụ túc. Năm là, thọ Cụ túc bậc thượng.
Có thể thành tựu việc không làm tất cả các điều ác, gọi là được thọ Cụ túc.
Lại nữa, do có thể xác định việc đúng sai trong tạng Tỳ-ni và tận tín thực hành, gọi là được thọ Cụ túc.
Có thể đoạn trừ hoàn toàn Năm Triền cái (năm thứ buộc che) gọi là được thọ Cụ túc.
Có thể trừ bỏ các giác, quán, gọi là được thọ Cụ túc.
Có thể xả bỏ tâm tham đắm, vào thiền định cũng gọi là được thọ Cụ túc.
Do có thể đoạn trừ hết khổ, lạc, ưu, hỷ nên gọi là được thọ Cụ túc.
Có thể vượt qua bốn định Vô sắc, gọi là được thọ Cụ túc. Có thể biết được sự hoại diệt của các tướng cũng gọi là được thọ Cụ túc.
Lại nữa, thọ Tam quy, Ngũ giới cũng gọi là được thọ Cụ túc. Thọ tám pháp trai giới cũng gọi là được thọ Cụ túc.
Thọ mười giới Sa-di cũng gọi là được thọ Cụ túc.
Lại nữa, thọ giới từng phần cũng gọi là được thọ Cụ túc.
Có thể quán sát nghiệp thiện cũng gọi là được thọ Cụ túc.
Do thành tựu chủng tánh địa nên gọi là được thọ Cụ túc. Chủng tánh địa là gì? – Có người ở bên cạnh Phật, nghe pháp, thân tâm không biếng nhác, thành tựu trong từng niệm, nhờ tâm này nên đột nhiên tự ngộ, được quả Tu-đà-hoàn. Tu-đà-hoàn, chính là chủng tánh pháp lành.
Đạt được bốn hướng, bốn quả, địa thứ tám, địa Kiến đế, địa Bạc, địa Ly dục, địa Dĩ tác, cho đến địa Độc giác Vô sư đều gọi là được thọ Cụ túc.
Thành tựu Sáu độ cũng gọi là được thọ Cụ túc.
Nói lời thiện cũng gọi là được thọ Cụ túc.
Từ việc thọ Cụ túc với trí tuệ cho đến thọ Cụ túc với nói lời thiện, đều gọi là được thọ Cụ túc.
Lại nữa, cần nói thêm: Những người nào đáng được thọ Cụ túc? – Thiện nam, thiện nữ nào thanh tịnh, không bị chướng ngại đều được thọ Cụ túc. Có ba loại chướng ngại, đó là: nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng. Người nào thanh tịnh thì cho phép họ xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, thọ Tam quy y, mười giới, cho đến bạch Tứ yết-ma thọ giới Cụ túc. Phải cho người xuất gia biết bốn pháp Bala-di không được vi phạm. Suốt đời phải thực hành Pháp tứ y (y phấn
tảo, thường khất thực, ngủ nơi gốc cây và dùng thuốc dễ kiếm), cho đến giữ gìn phạm hạnh, đắc pháp xuất gia, đắc pháp, chứng quả, cảm nhận pháp lạc, thành tựu công đức lớn. Các việc khác nên hỏi Hòa thượng, Axà-lê. Hòa thượng, A-xà-lê phải dạy việc nên làm và không nên làm ở trong Luật, lại phải khuyến khích các đồng học, đồng nghiệp cùng thực hành tất cả pháp lành, chớ có làm trái ngược.
Vì sao cho thọ giới Cụ túc? – Đó là do muốn làm cho hành giả đạt được an vui năm thần thông, thấy khổ không sợ, ít muốn, biết đủ và đạt được sự giác ngộ của bậc đại nhân.
Thế nào là đạt được sự giác ngộ lớn? – Do thực hành Tỳ-ni đúng như Phật đã truyền trao nên gọi là giác ngộ lớn.
Thế nào là Dục? – Cố gắng vươn lên không mệt mỏi để được như Phật, gọi là Dục. Lại nữa, Dục sáng suốt là giữ niệm trước mặt, tỉnh giác như Phật, vì thế gọi là Dục.
Thế nào là Xúc? – Do đắc định nên gọi là Xúc. Đắc thiện, đắc ác cũng gọi là Xúc
Thế nào gọi là Chứng? – Do không buông lung nên gọi là Chứng. Nói cho rõ nghĩa thì Chứng giống như sự giác ngộ của Phật.
Ở trong đây ai đã thọ Cụ túc bằng cách gọi “Thiện lai Tỳ-kheo”?
– Đó là tôn giả A-nhã Kiều-trần-như.
Lúc ấy, đức Thế Tôn du hành ở Ba-la-nại, tôn giả A-nhã Kiềutrần-như thấy pháp, đắc pháp, chứng pháp, hiểu rõ pháp tánh, liền rời khỏi chỗ ngồi, sửa y, bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật:
– Cúi xin Như Lai cho phép con xuất gia tu phạm hạnh.
Đức Thế Tôn bảo:
– Thiện lai Tỳ-kheo! Cho phép ông ở trong giáo pháp của Ta, tu các phạm hạnh, dứt sạch khổ đau.
A-nhã Kiều-trần-như liền được xuất gia, đắc giới Cụ túc. Sau khi Như Lai nói xong, râu tóc vị ấy tự rụng, y phục của Bà-la-môn đang mặc trên thân liền thành pháp phục của Sa-môn, oai nghi đĩnh đạc, tay ôm bình bát, giống như Tỳ-kheo đã học pháp hai chục năm.
Tôn giả A-bát-kỳ-bà, Phạm-bạt-đề-già, Ma-ha-nam… cũng giống như A-nhã Kiều-trần-như: Nhóm Da-tu-đà gồm bốn người, nhóm Tỳma-la, Tu-bà-hầu, Phú-na-già, Kiều-phạm-bạt-đề, Da-xá gồm năm mươi thiếu niên, nhóm Di-đê cùng gồm năm mươi người, nhóm Nala-đà, Ma-na-bà, Bạt-đà, Bạt-kỳ gồm năm mươi người, nhóm Ưu-lâutần-loa-ca-diếp, Na-đề-ca-diếp, Già-da-ca-diếp gồm một ngàn người, nhóm Ưu-ba-đề-xá do Câu-luật-đà dẫn đầu gồm hai trăm năm mươi người, tất cả những người ấy đều hết sức giàu có, hoặc vốn là những người xuất gia theo ngoại đạo. Sau khi Phật xuất thế, khi giờ giác ngộ đến, các vị ấy đều đến gặp Phật cầu xin xuất gia. Người cuối cùng là Tu-bạt-đà-la. Đó là những vị đã thọ Cụ túc bằng cách gọi “Thiện lai Tỳ-kheo!”. Quả vị họ đạt được đều là quả Vô học với thân cuối cùng. Vì sao vậy? – Do chính kim khẩu của Như Lai nói nên được như vậy, còn những người khác thì không thể được như thế.
Hỏi: – Vì sao đức Thế Tôn không ban thần lực gia hộ cho Bà-lagià, cho đến Bà-lê-già, Phú-già-la, Bà-lợi-già để họ được xuất gia bằng cách gọi “Thiện lai”?
Đáp: – Đó là do Bà-Ê bị nghiệp làm chướng ngại đạo nên không được xuất gia bằng cách gọi “Thiện lai”. Phú-già-la, Ba-lợi-già thì ngay đời này không có nhân duyên Vô học nên không được xuất gia bằng cách gọi “Thiện lai”. Vì lý do đó, tuy đều ở cạnh Phật nhưng không phải tất cả đều xuất gia bằng cách gọi “Thiện lai”.
Nói quy y Phật, Pháp, Tăng ba lần thì được thọ Cụ túc là:
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta đã thoát khỏi mạng lưới trói buộc của trời người, các vị cũng đã thoát khỏi mạng lưới này.
Nghe Phật nói lời này, ác ma liền nói với Phật:
– Ông chưa được giải thoát khỏi mạng lưới ràng buộc nơi trời, người. Các Tỳ-kheo cũng chưa được giải thoát.
Phật liền nói kệ đáp:
Người đời nơi năm dục.
Ý thức thứ sáu nhận
Ta đã lìa các dục
Ác ma ngươi tự đọa
Sau khi nghe lời này, biết Phật đã thấy rõ mình chưa ly dục, ác ma buồn bã, xấu hổ liền biến mất. Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các ông đi mỗi nhóm hai người, đến các địa phương để giáo hóa, chớ có đi một mình.
Các Tỳ-kheo liền lên đường. Nghe Tỳ-kheo thuyết pháp xong, những người ở nơi ấy liền đến gặp Phật, giữa đường có người hối hận bèn quay về nhà. Các Tỳ-kheo đem việc này đến bạch với Thế Tôn, Phật liền dạy cho họ pháp thọ giới bằng cách nói ba lần.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các vị hãy quay lại đó. Nếu có ai ở nơi ấy xin xuất gia thì hãy cho họ cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục và cho họ thọ giới bằng cách nói ba lần: “Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là thầy của con”.
Đó là pháp thọ giới bằng cách nói ba lần.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo thắc mắc: “Vì sao nói ba lần liền được xuất gia và thọ Cụ túc?”.
Phật nói: “Quy y Phật, quy y Pháp, Quy y Tăng tức là xuất gia. Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng lần thứ hai xong tức là thọ Cụ túc. Vì lý do này nên hoàn tất việc xuất gia thọ Cụ túc”.
Có người lại thắc mắc: “Vì sao Ưu-bà-tắc thọ Tam quy y, Sa-di cho đến tám giới đều thọ Tam quy y mà lại không gọi là thọ Cụ túc?”
Phật nói: “Ý nghĩa của hai việc này khác nhau. Ưu-bà-tắc không dừng ở Tam quy y mà còn thêm năm giới mới được gọi là Ưu-bà-tắc. Sa-di cho đến tám giới cũng lại như vậy”.
Người thọ Cụ túc bằng cách nói Tam quy y thì chỉ theo đó là đủ, chứ không thêm gì cả, vì thế gọi là thọ Cụ túc. Lý do không thêm gì khác là vì Tam quy y có hai loại:
– Một là, vì thọ năm giới, mười giới, tám trai giới, cho đến thọ hai trăm năm mươi giới, nên thọ Tam quy y.
– Hai là, thọ hẳn Tam quy y một cách trực tiếp. Vì sao vậy? – Vì vào lúc ấy Phật chưa chế hai trăm năm mươi giới cho đến tám trai giới. Vì thế nói Tam quy y một cách trực tiếp thì được thọ Cụ túc.
Sau khi Phật quyết định không cho thọ giới bằng cách nói Tam quy y thì tuy có nói ba lần cũng không thành tựu việc thọ giới Cụ túc. Nguyên nhân về sau Phật bỏ pháp thọ giới bằng cách nói Tam quy y là do một Tỳ-kheo bệnh mà ra.
Lúc ấy, A-nhã Kiều-trần-như rời khỏi chỗ ngồi, sửa y, bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay hướng về Phật, bạch:
– Bạch đức Thế Tôn! Làm sao chúng con biết được pháp thọ Cụ túc bằng cách nói Tam quy y?
Đức Phật bảo Kiều-trần-như:
– Người nào xin xuất gia thì hãy cạo râu tóc và bảo họ nói: “Trọn đời con xin quy y Phật, Pháp, Tăng”. Cho đến nói: “Nay con xuất gia theo Phật, đấng Bà-già-bà (Đức Thế Tôn) là thầy của con”.
Đức Phật bảo Kiều-trần-như:
– Thọ giới bằng cách nói Tam quy y là như Ta đã giảng giải.
Sau khi nghe Phật giảng về việc thọ giới bằng cách nói Tam quy y, Kiều-trần-như được thông suốt, lui lại đảnh lễ Phật rồi ra đi.
Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như du hành tới nước Tỳ-lê-kỳ, dần dần đến Tỳ-xá-ly. Tại Tỳ-xá-ly có những người Tỳ-lê-kỳ, là con của hai dòng họ thuộc hai nước đang ở chung một chỗ. Người thứ nhất tên Yếtyết-đới-già, hai là Yết-luân-già, ba là Tỳ-cân-đới-già, bốn là Yết-trìgià, năm là Già-lại-già, sáu là Tỳ-đà-bạt-già, bảy là Bạt-đà, tám là Tu-bạt-đà-già, chín là…… (bản gốc thiếu), mười là Da-xa, mười một là Di-tu-đa-la, mười hai là A-lê-da. Những người này đều nghĩ: “A-nhã Kiều-trần-như xuất gia thực hành phạm hạnh trong giáo pháp của Đại Sa môn. Đó là người có trí tuệ lớn, ai mà theo học ắt được diệu pháp. Vì sao chúng ta không đến chỗ vị ấy để xuất gia học diệu pháp? Vị ấy tu pháp gì, chúng ta cũng tu hành theo”.
Sau khi bàn luận xong, những người ấy liền dẫn nhau đến chỗ Kiều-trần-như đảnh lễ sát chân Tôn giả rồi đứng qua một phía, bạch với tôn giả:
– Cúi xin Đại đức cho phép chúng con được xuất gia, tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.
A-nhã Kiều-trần-như liền nhận lời, cho phép họ xuất gia, thọ giới bằng cách nói ba lần quy y Phật, Pháp, Tăng. Thọ giới xong, họ liền cùng nhau đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một phía. Tôn giả Kiều-trần-như bạch Phật:
– Các thiện nam này cầu xin xuất gia, con đã cho họ thọ giới bằng cách nói Tam quy y Phật, Pháp, Tăng. Như vậy có đắc giới không?
Đức Phật bảo:
– Những người này thọ giới bằng cách nói Tam quy y, như vậy là đã hoàn toàn thành tựu và đắc trọn vẹn giới Cụ túc. Vì sao vậy?- Chư Phật quá khứ đã từng cho thọ giới bằng cách nói Tam quy y như vậy. Chư Phật vị lai cũng sẽ cho thọ giới bằng cách nói Tam quy y như vậy. Hiện nay Ta cũng làm như vậy. Vì thế, có pháp thọ giới bằng cách nói Tam quy y như thế.
Pháp bạch Tứ yết-ma:
– Vì sao phải bạch Tứ yết-ma ngay trong hiện tại để thọ Cụ túc?
Đáp:- Vào lúc ấy, Phật ở tại thành Vương Xá, thầy trò Ưu-lâutần-loa Ca-diếp đã xuất gia, có một Tỳ-kheo bệnh không được ai chăm sóc nuôi bệnh nên bệnh ngày càng nặng, liền qua đời.
Các Tỳ-kheo thấy Tỳ-kheo ấy bị bệnh nặng và qua đời, do không có người nuôi bệnh và không có đệ tử nên thầy ấy bị khổ não như vậy. Các Tỳ-kheo liền đem việc ấy bạch với Thế Tôn. Phật liền tập hợp chúng Tăng lại và dạy:
– Từ nay trở đi hãy bỏ pháp yết-ma tam ngữ và phải bạch Tứ yếtma ở trong Tăng gồm mười vị để thọ Cụ túc. Cần biết, hai pháp thọ giới này đều được nói rõ như trên.
Lúc ấy, có một Tỳ-kheo ác độ người xuất gia. Người xuất gia ấy liền nghi ngờ thầy mình nên đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn hỏi:
– Trước khi thọ giới, ông có nghi ngờ gì không?
Đáp: – Dạ không.
Đức Phật nói:
– Vậy ông đã đắc giới Cụ túc.
Lại có một người cầu thầy xuất gia thọ giới Cụ túc. Sau khi thọ giới xong, ông ấy nghi ngờ thầy không thanh tịnh và không biết mình có đắc giới không, nên đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn hỏi:
– Trước đây ông có biết thầy không thanh tịnh không?
Người thọ giới nói:
– Dạ không biết.
Lại hỏi:
– Trước đây ông có biết thọ giới với vị thầy không thanh tịnh thì không đắc giới không?
Đáp:- Dạ không biết.
Đức Phật nói:
– Vậy là ông đã đắc giới Cụ túc.
Lại có người cầu thầy xuất gia, thầy liền cho thọ Cụ túc. Về sau, người ấy nghi ngờ nên đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn hỏi:
– Ông có biết trước là thầy ông phá giới không?
Đáp:- Dạ biết.
Lại hỏi:
– Ông có biết trước là thọ giới với vị thầy không thanh tịnh thì không đắc giới không?
Đáp:- Dạ biết.
Lại hỏi:
– Trước kia, thầy ông thọ giới có đắc giới hay không, ông có biết không?
Đáp:- Dạ không biết.
Đức Phật nói:
– Vậy ông đã đắc giới Cụ túc.
Lại có một người cầu thầy xuất gia, thầy liền cho thọ Cụ túc. Sau đó người ấy nghi ngờ, đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn hỏi:
– Ông có biết trước là thọ giới với vị thầy không thanh tịnh thì không đắc giới không?
Đáp: – Dạ có biết trước.
Lại hỏi:
– Ông có biết trước là thọ giới với thầy ông thì không đắc giới không?
Đáp:- Dạ biết.
Đức Phật nói:
– Ba việc đều biết, vậy thọ giới không đắc giới. Vì lý do này nên gọi là bạch Tứ yết-ma.
Thế nào là ra lệnh cho phép liền được thọ Cụ túc?
Lúc ấy, tại giảng đường ở vườn Lộc mẫu Tỳ-xá-khư, thuộc nước Xá Vệ. Đức Phật hỏi Sa-di Tô-đà-da về nghĩa lý. Tô-đà-da giải nghĩa đúng như đức Phật đã giảng giải, làm Như Lai vừa ý. Phật liền bảo:
– Từ nay trở đi, nếu ông có thắc mắc gì thì được phép đến hỏi Như lai,và đức Phật cho vị ấy giới để lập tức đắc Cụ túc.
Đó gọi là ra lệnh cho phép, liền được thọ Cụ túc.
Thế nào là thọ Cụ túc bậc thượng?
– Như có một người đã đoạn trừ hết các lậu, chưa đủ hai mươi tuổi đã thọ Cụ túc, liền tự sanh nghi ngờ: Không biết mình đã đắc giới Tỳkheo chưa?
Biết vị ấy nghi ngờ, các Tỳ-kheo ở cùng trụ xứ đến bạch với Thế Tôn về việc ấy. Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo đã dứt hết các lậu ấy:
– Ông hãy tính luôn năm ở trong thai và những tháng nhuần, xem có đủ tuổi không?
Đáp:- Dạ không đủ.
Đức Phật liền hỏi các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo này đã đắc A-la-hán phải không?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Dạ đã đắc A-la-hán.
Đức Phật nói:
– Đó là thọ Cụ túc bậc thượng.
Đức Phật lại bảo tiếp:
– Những người thọ giới sau này được phép tính luôn tuổi trong thai.
Thế nào là năm pháp thọ Cụ túc của Tỳ-kheo ni? – Thực hành theo lời dạy của thầy là cách thọ Cụ túc thứ nhất của Tỳ-kheo ni.
Lúc ấy, Phật ở trong vườn của dòng họ Thích. Ma-ha-ba-xà-ba-đề cùng năm trăm người nữ dòng họ Thích đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, bạch với Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Người nữ chúng con có được xuất gia trong giáo pháp của Phật không?
Đức Phật nói:
– Ta không muốn cho người nữ xuất gia.
Sau khi nghe lời này, các cô ấy gục đầu khóc như mưa rồi ra về. Sau đó, Thế Tôn đi từ khu vườn dòng họ Thích đến Tịnh xá Kỳ-Hoàn, thuộc nước Xá-Vệ. Nghe tin Phật đang đi đến Tịnh xá Kỳ-Hoàn, Kiềuđàm-di và năm trăm người nữ ấy buồn rầu, tự than thân trách phận vì không được xuất gia trong Phật pháp. đều tự cạo đầu, mặc pháp phục, đi theo sau Phật, đến đứng ngoài cổng Tịnh xá Kỳ-Hoàn và gặp tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan liền hỏi mẹ và các người nữ:
– Vì sao các tín nữ tự cạo tóc, mặc pháp phục, nhan sắc tiều tụy không vui vậy?
Người mẹ và các người nữ liền đáp:
– Lý do chúng tôi không vui là do đức Thế Tôn không cho người nữ xuất gia, vì thế chúng tôi buồn rầu.
A-nan bảo:
– Hãy đợi một lát, tôi sẽ vì các vị vào bạch đức Thế Tôn.
A-nan liền đi vào, bạch với Thế Tôn:
– Các tín nữ ấy cầu xin xuất gia, kính mong đức Thế Tôn chấp nhận.
Đức Phật bảo A-nan:
– Lý do Ta không cho phép người nữ xuất gia là vì: như gia đình người đời nào con trai ít, con gái đông thì gia nghiệp ắt sẽ bị tan rã. Cũng vậy, trong pháp xuất gia nếu có người nữ thì chánh pháp ắt sẽ bị hư hoại, không tồn tại lâu dài được.
A-nan lại bạch Phật:
– Người nữ tu phạm hạnh ở trong Phật pháp có chứng đắc bốn quả không?
Đức Phật bảo A-nan:
– Nếu người nữ nào có thể tu phạm hạnh không ngừng nghỉ, không thối lui, thì cũng có thể đạt được.
A-nan lại bạch Phật:
– Cúi xin Thế Tôn cho phép người nữ được xuất gia trong Phật pháp.
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
– Người nữ nào có thể thực hành Bát kỉnh pháp thì được phép xuất
gia. Người nào không thể thực hành Bát kỉnh pháp thì không được ở trong đạo. Lý do Ta chế Bát kỉnh pháp cho người nữ là vì: như người muốn vượt qua sông, trước hết phải tạo cầu, thuyền; về sau tuy có nước lớn thì vẫn có thể qua được. Bát kỉnh pháp cũng như vậy, vì sợ về sau họ phá hoại chánh pháp nên phải chế cho họ như vậy.
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
– Ông cầu xin Ta cho người nữ xuất gia, làm cho sau này chánh pháp sẽ bị giảm năm trăm năm.
Nghe lời này, A-nan buồn rầu không vui, liền ra ngoài hỏi các tín nữ:
– Phật nói Bát kỉnh pháp, các vị có thể phụng hành không?
Nghe lời này, các cô ấy đều vui mừng, liền nhờ A-nan vào bạch với Thế Tôn: “Hôm nay chúng con được Thế Tôn bố thí pháp, chúng con xin phụng hành. Giống như có người tắm gội bằng nước thơm và trang sức xong, lại có người đến đặt vòng hoa trang sức lên đảnh đầu mình, hôm nay chúng con cũng giống như vậy”.
Tôn giả A-nan liền đem lời này vào bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nói:
– Các cô ấy đã được thọ Cụ túc.
Đó chính là pháp thọ Cụ túc do làm theo lời dạy của thầy.
Pháp thọ Cụ túc bằng cách bạch Tứ yết-ma thì giống như trong kinh Tỳ-kheo bệnh ở trên đã nói.
Pháp thọ Cụ túc bằng cách nhờ người thay thế cũng giống như trong kinh Tỳ-kheo ni đã nói.
Thế nào là pháp thọ Cụ túc bằng cách gọi: “Thiện lai Tỳ-kheo ni”?
Lúc ấy, Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ, cô Ma-đăng-kỳ đến chỗ Phật, đầu mặt sát đất đảnh lễ chân Thế Tôn rồi ngồi qua một phía. Đức Phật liền giảng pháp cho cô ấy nghe. Nghe xong, cô ấy hiểu thấu đáo pháp tánh, đắc quả Tu-đà-hoàn và xin Phật xuất gia.
Đức Thế Tôn bảo:
– Cho phép con khéo tu phạm hạnh ở trong giáo pháp của Ta để dứt sạch khổ đau.
Sau khi Phật nói xong, tóc trên đầu cô ấy tự rụng; pháp phục, bình bát đột nhiên hiện trên thân, oai nghi đĩnh đạc như người tu tập đã lâu.
Vì thế, gọi là thọ Cụ túc bằng cách gọi “Thiện lai!”.
Pháp thọ Cụ túc bậc thượng, dứt sạch các hữu lậu, thành A-la-hán là: Như vị Sa-di nói trên, tuy chưa đủ hai mươi tuổi đã đắc A-la-hán nên gọi là thọ Cụ túc bậc thượng. Tỳ-kheo ni này cũng như vậy. Đó gọi là thọ Cụ túc bậc thượng.
Năm pháp thọ Cụ túc của Tỳ-kheo ni đã được trình bày xong.
Việc lập ra pháp thọ Cụ túc bậc thượng cho người có thiện căn:
Bấy giờ, trong thành Vương Xá có Bà la môn tên Ni-câu-đà, có rất nhiều tiền của, châu báu. Vợ người Bà-la-môn này sanh một người con tên Tất-ba-la-duyên. Dòng họ của cha mẹ trong sạch. Đứa trẻ này thông đạt tất cả sách vở, kinh điển của Bà la môn cho đến biết rõ các tướng của bậc đại nhân. Sau khi cha chết, trong nhà cậu thanh niên Tất-bà-la-duyên này có chín mươi sáu đấu vàng ròng, tám mươi ức mười vạn Lặc-sa tiền, người hầu, đầy tớ gồm có cả ngàn thôn. Vợ cậu ấy tên Bạt-đà, nhan sắc xinh đẹp, trên đời không ai sánh bằng. Vậy mà cậu ấy có thể dứt trừ, đoạn trừ tham, bỏ cô ấy để ra đi. Cậu ấy suy nghĩ: “Nếu thế gian có bậc A-la-hán chân thật thì ta sẽ xuất gia với vị ấy. Ta cần đến rừng tiên nhân tu khổ hạnh để tu phạm hạnh”. Sau khi suy nghĩ xong, cậu ấy liền cắt ái từ thân, dứt trừ tham dục, từ bỏ vợ mà đi, đến rừng tiên nhân khổ hạnh, ăn rau và lá cây, uống nước suối trong, tu phạm hạnh suốt mười hai năm, đắc các tâm thiền, thành tựu năm thông.
Khi ấy, Thế Tôn đã xuất hiện ở đời, chuyển pháp luân lần đầu ở vườn Lộc-dã. Lúc này, Tăng bảo đã được thành lập, gồm một ngàn vị Tỳ-kheo. Những vị này đều là bậc kỳ cựu, được cả nước kính trọng, các căn tịch tĩnh, đều là bậc đã giải thoát, dứt sạch các lậu hoặc. Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo lần lượt du hành đến nước Ma-kiệt-đề, vào rừng Nhược Trí và dừng chân bên đại thọ Ni-câu.
Lúc này, đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quan sát thế gian để xem thử những chúng sanh nào sanh ở đời mà ít phiền não, có uy lực lớn, có thể lãnh thọ pháp của Ta giảng. Như Lai quán sát thấy thanh niên Tấtbà-la-duyên đang ở rừng Ưu-tra, liền nghĩ: “Người này có thể thọ nhận chánh pháp của Ta”. Lúc ấy, vì muốn độ thanh niên Tất-bà-la-duyên nên Thế Tôn cùng với một ngàn Tỳ-kheo đi từ nước Ma-kiệt-đề đến tháp Đa Tử. Khi đã đến đó, các vị dừng nghỉ bên gốc cây.
Một ngày nọ, ở trong khu rừng này, do thần lực của Phật, ánh sáng chiếu rực rỡ, rừng cây sáng chói. Giống như trăng thu hay mặt trời không bị mây che, ánh sáng của Như Lai cũng như vậy.
Sau mười hai năm tu khổ hạnh, thanh niên ấy chợt muốn đến tháp Đa Tử nên vượt qua các hang núi, rừng rậm hiểm trở để đến tháp Đa Tử. Lúc đến nơi, thấy trong rừng ấy có ánh sáng kỳ lạ, hơn hẳn ánh sáng thường, cậu ấy liền suy nghĩ: “Trong đây chắc có chư Thiên, Thích, Phạm, thần tiên có sức mạnh hoặc sư tử chúa, vì thế khu rừng này có hiện tượng kỳ lạ, tốt đẹp như vậy.
Thanh niên Tất-bà-la-duyên đi dần về phía trước, thấy dấu chân Như Lai có tướng bánh xe ngàn nan hoa đầy đủ, rõ sáng, liền theo dấu chân đi tới. Từ xa trông thấy Như Lai có các căn thanh tịnh, dung mạo thù thắng đặc biệt, đầy đủ các tướng tốt, đang ngồi nghiêm trang, cậu ấy bất chợt rợn tóc gáy, phát sanh lòng tin, tự suy nghĩ: “Điều ta mong ước khi mới xuất gia chính là đây”. Chư Thiên liền bảo:
– Không nên nghi ngờ.
Cậu ấy lại thấy các Tỳ-kheo chánh niệm ngồi thiền, liền nghĩ: “Điều ta mong cầu trước đây, nay đã được gặp”. Cậu ấy liền tiến đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất, đưa hai tay vuốt chân Phật, miệng nói:
– Con họ là Ca-diếp, tên Tất-bà-la-duyên.
Cậu ấy tự xưng ba lần như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu ai có phiền não, nội kết, lậu hoặc chưa dứt trừ, chẳng phải là Nhất thiết trí, cũng chẳng phải thầy của loài người, thì khi nhận sự lễ lạy của người đã thành tựu pháp lành, đầu kẻ ấy sẽ bị vỡ thành bảy phần. Ta thật sự là người đã chấm dứt lậu hoặc phiền não, là ruộng phước của tất cả mọi người, là người thương xót chúng sanh, là bậc Nhất thiết trí, cho nên, Ta nhận sự đảnh lễ của thanh niên này.
Khi đó, đức Thế Tôn bảo thanh niên ấy:
– Ông đã cúng dường đầy đủ, đã thành tựu lòng tin. Hãy ngồi qua một phía.
Nghe lời Phật dạy, thanh niên ấy liền lạy sát chân Phật rồi ngồi qua một phía. Lúc ấy Thế Tôn nói đủ các pháp, chỉ dạy sự lợi ích an vui cho thanh niên ấy nghe. Nghe xong, thanh niên ấy liền chứng ngộ pháp, đắc quả Tu-đà-hoàn, liền đứng dậy, chắp tay đảnh lễ, bạch Phật:
– Thế Tôn là thầy của con. Con là đệ tử Thanh-văn.
Đức Phật liền giảng cho thanh niên ấy:
– Phải thân cận, tu hành bốn niệm xứ, giảng nói cho đến tám Thánh đạo cũng như vậy.
Đức Phật bảo thanh niên:
– Khi vào làng của các thiện nam, thiện nữ, ông đừng để tâm tham
đắm, giống như mặt trăng không bị dính vào đâu khi chiếu xuống thế gian. Khi ông vào các xóm làng, tâm không có vướng mắc cũng lại như vậy. Như con ong lấy hoa, việc vào xóm làng cũng phải như vậy. Này thiện nam! Ví như thiện nam Chơn-đà-la phải xả bỏ tâm ỷ lại vào dòng họ, của cải, phước đức, cần phải khiêm nhường khi đi vào làng xóm, giống như con bò lớn nhất trong đàn bò tự ỷ lại vào cặp sừng bén nhọn nên ngạo mạn đối với các con khác, về sau sừng bị chặt gãy thì tâm kiêu mạn bị chấm dứt Khi vào làng xóm, tâm ông không được tham đắm cũng nên như vậy.
Đức Phật bảo thiện nam:
– Sáu căn chớ có nắm giữ ý tưởng, làm tâm bị trói buộc. Sáu trần cho đến sáu thức cũng như vậy. Sắc ấm cũng không nên dính mắc, nắm giữ vọng tưởng, cho đến thức ấm cũng lại như vậy. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và sáu trần, các giác quán, ý quán cũng lại như vậy, không được nắm giữ vọng tưởng. Giống như từng giọt nước nối nhau ở trong hư không, không bị ngăn ngại, quán mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm không có nắm giữ, tâm không bị ngăn ngại cũng lại như vậy.Này thiện nam, ông nên học như vậy. Thanh niên ấy bạch Phật:
– Con xin vâng lời Thế Tôn.
Sau khi nghe Thế Tôn đưa ra các ví dụ, giảng pháp đủ cách, thanh niên ấy liền hiểu và ghi nhớ. Sau khi đã thọ nhận giáo pháp, vị ấy rời khỏi chỗ ngồi, nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ Phật rồi ra đi, đến một gốc cây ngồi ngay thẳng, nhớ lại giáo pháp Phật đã dạy suốt bảy ngày bảy đêm, đến sáng ngày thứ tám thì các lậu được dứt sạch, đạt được ba minh, sáu thông, đầy đủ tám giải thoát, chứng quả A-la-hán.
Sau khi đắc quả A-la-hán, vị ấy đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một phía, bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Suốt bảy ngày bảy đêm, con đã quán chiếu pháp mà trước đây Như Lai đã giảng. Đến sáng ngày thứ tám thì các lậu đã được dứt trừ, tâm được giải thoát, đạt được ba minh, sáu thần thông, đắc quả A-la-hán. Giống như có người nói: có một con voi lớn cao bảy khuỷu tay, lại có một cây cao sáu khuỷu tay rưỡi mà cho cây này có thể phủ kín con voi thì thật phi lý. Nếu có người nào đắc quả A-la-hán, đạt được ba minh, sáu thần thông, đủ tám giải thoát, mà có thể hơn con thì không thể có được.
Đức Phật bảo Ca-diếp:
– Lành thay! Lành thay! Ca-diếp, như lời ông nói, dựa vào các thí dụ trong pháp Ta đã giảng, ông đã chứng ngộ được lý Vô sanh, đắc quả A-la-hán, tức là đã thọ giới Cụ túc.
Lúc ấy, nhân việc này, Thế Tôn tập hợp các Tỳ-kheo, bảo:
– Ta đã nói pháp như vậy cho Ca-diếp nghe. Hôm nay các vị đều phải tu hành pháp ấy.
Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:
– Từ nay trở đi cho phép các vị lập ra pháp thọ Cụ túc bậc thượng đối với những người có căn lành.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
Chư Phật quá khứ và vị lai đều lập ra pháp thọ Cụ túc bậc thượng đối với người có căn lành. Nay Ta cũng lại như vậy. Đó là lập ra pháp thọ Cụ túc thượng cho người có căn lành.
Lúc ấy, tôn giả Ca-diếp liền rời khỏi chỗ ngồi, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay lễ Phật và bạch:
– Bạch Thế Tôn! Ở trong pháp Như Lai, chúng con an trụ vào những pháp gì? Tu những pháp gì? Người thực hành pháp có gì khác nhau?
Đức Phật bảo:
– Lành thay! Lành thay! Ca-diếp, điều ông hỏi rất tốt. Như suối tuôn chảy không bao giờ hết, cũng vậy, việc ông hỏi về cách tu, cách an trụ, cho đến sự sai khác, lời lẽ, nghĩa lý không bị ngăn trệ.
Đức Phật bảo Ca-diếp:
– Bốn Thánh chủng là chỗ ở, mười hai đầuđà là pháp thực hành, dứt các hữu lậu gọi là sai khác.
Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:
– Bốn Thánh chủng, mười hai đầu đà cho đến lậu tận, giải thoát sẽ được con cung kính thực hành. Giống như trưởng giả hoặc con trưởng giả tắm gội bằng nước thơm rồi trang điểm bằng y phục đẹp nhất, lại có người đến dùng vòng hoa đẹp đội lên trên đảnh họ, trên đảnh chúng con được đội giáo pháp mà Như Lai dạy cũng lại như vậy.
Đức Phật bảo Ca-diếp:
– Ông an trụ trong bốn Thánh chủng như thế nào?
Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:
– Một là có ý tưởng vừa đủ đối với y phấn tảo đã có sẵn. Hai là thấy y phấn tảo mà người đối diện đang mặc thì phải khen ngợi. Ba là thấy người khác mặc y phấn tảo thì không được tự ỷ lại mà chê họ. Bốn là biết đủ khi được đồ ăn uống, cho đến thuốc chữa bệnh dù nhiều hay ít.Lại nữa, không được tự ỷ lại mà chê người khác. Đối với người khác, không được sanh ý nghĩ người ấy hơn ta, người ấy không bằng ta. Lại không nghĩ: người kia giống ta, người này không giống ta. Không sanh tâm: người này thấp hèn hơn ta, người kia không thấp hèn hơn ta. Lại không nghĩ: người kia tốt hơn ta, người nọ không tốt bằng ta, người đời đều trái ngược với pháp trên, còn ta làm đúng pháp ấy.
Đức Phật bảo Ca-diếp:
– Việc an trụ vào bốn Thánh chủng cần phải học như vậy. Cadiếp, ông thực hành mười hai đầu đà như thế nào?
Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:
– Một là thường kinh hành ở nơi yên tĩnh, vắng vẻ và ca ngợi nơi yên tĩnh ấy. Hai là khất thực. Ba là mặc y phấn tảo. Bốn là nếu có tâm sân thì lập tức chấm dứt, không được ăn vừa xong lại ăn nữa. Năm là mỗi ngày chỉ ngồi ăn một lần vào giờ ngọ. Sáu là nhận thức ăn một lần (ăn hết thì thôi, không nhận thêm). Bảy là luôn ở nơi nghĩa địa. Tám là thường ngồi nơi đất trống. Chín là ngồi dưới gốc cây. Mười là thường ngồi không nằm. Mười một là không lựa chọn vật dụng trãi ngồi. Mười hai là chỉ dùng ba y. Các pháp như vậy đều đáng ca ngợi, không được tự ỷ lại mà chê bai người khác, cho đến ít muốn, biết đủ, chỉ bày cho người khác các thứ đồ dùng.
Đức Phật bảo:
– Ca-diếp! Lành thay, lành thay! Như lời ông nói, thực hành mười hai hạnh đầu đà đúng là như vậy.
Đức Phật lại bảo Ca-diếp:
– Ông hãy theo Ta đi kinh hành trong rừng.
Tôn giả Ca-diếp đáp:
– Con xin vâng lời Thế Tôn.
Đức Phật đứng dậy bước đi. Ca-diếp nắm tọa cụ vắt lên vai rồi đi theo sau Thế Tôn. Ca-diếp đi theo Phật như sư tử con đi theo sư tử lớn.
Lúc ấy, Thế Tôn đi theo con đường, đến một gốc cây và bảo Ca-diếp:
– Ông hãy trải tọa cụ bên gốc cây này cho Ta.
Tôn giả Ca-diếp vâng lời, xếp Tăng-già-lê thành bốn lớp rồi trải xuống làm chỗ ngồi, Như Lai liền ngồi xuống đó. Ca-diếp đảnh lễ sát chân Phật. Thế Tôn dùng tay phải đè xuống tọa cụ và bảo Ca-diếp:
– Cái tọa cụ này rất mềm mại.
Tôn giả Ca-diếp nói:
– Bạch Thế Tôn! Tọa cụ này rất mềm mại. Y này là y của đệ tử lúc mới xuất gia. Lúc còn mới, y này trị giá bằng một nước Ca-thi, nay giá đã giảm xuống còn nửa nước. Cúi xin Thế Tôn thọ nhận tấm y này.
Đức Phật bảo Ca-diếp:
– Vì thương tưởng ông nên Ta nhận y này. Ông sẽ dùng những thứ gì?
Tôn giả Ca-diếp liền bạch với Phật:
– Con sẽ tìm loại y phấn tảo bằng cỏ Ca-thi-ca loại xấu nhất để dùng.
Đức Phật bảo Ca-diếp:
– Lành thay! Lành thay! Ông dùng loại y phấn tảo làm bằng cỏ Ca-thi-ca thì được nhiều lợi ích, nhiều an ổn.
Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị lần lượt du hành đến nước Ma-kiệt-đề và ngồi nghỉ bên gốc đại thọ Ma-câu-đà ở trong rừng. Lúc ấy, nhóm sáu Tỳ-kheo cùng bàn luận ở trong phòng vắng: “Ca-diếp không bằng A-nhã Kiềutrần-như… được thọ Cụ túc bằng cách gọi ‘Thiện lai”; cũng không bằng ở Tỳ-xá-ly, Tỳ-kheo Bạt-kỳ được thọ Cụ túc bằng cách nói quy y Phật, Pháp, Tăng ba lần; cũng không bằng Tỳ-kheo Bà-lô-ba-tư-na thọ Cụ túc bằng cách bạch Tứ yết-ma. Ông ấy chẳng phải là người đã thọ Cụ túc, tại sao lại được phép cùng bố-tát, yết-ma với các Tỳ-kheo?”
Khi đó, Thế Tôn ở bên gốc cây, bằng thiên nhĩ nghe những lời bàn luận ở chỗ vắng của các Tỳ-kheo. Phật bảo Ca-diếp:
– Hãy đi lấy nước cho Ta.
Ca-diếp liền ôm bát đến ao lấy nước. Thấy Ca-diếp đến, nhóm sáu Tỳ-kheo liền nói những lời xấc xược:
– Ông chẳng phải như năm anh em Kiều-trần-như được thọ Cụ túc bằng cách gọi “Thiện lai”, cũng không giống những người ở Tỳ-xá-ly thọ Cụ túc bằng cách nói ba quy y; cũng không giống Bà-lô-ba-tư-na thọ Cụ túc bằng cách bạch Tứ yết-ma. Ông chưa thọ Cụ túc, làm sao cùng các Tỳ-kheo bố-tát, yết-ma được?
Tôn giả Ca-diếp liền đáp lời các Tỳ-kheo:
– Thế Tôn đã vì tôi mà kiến lập pháp thọ Cụ túc bậc thượng cho những người có căn lành ở tại tháp Đa Tử.
Nói xong, Tôn giả đem bát nước đến dâng cho Như Lai. Sau khi uống xong, Phật đưa nước còn dư cho Ca-diếp. Ca-diếp nhận lấy bát nước rồi sửa y phục, bày vai phải, đảnh lễ sát chân Phật và chấp tay thưa:
– Lúc nãy, nhóm sáu Tỳ-kheo đã nói với con: “Ông chẳng phải thọ Cụ túc bằng cách gọi “Thiện lai!”; lại chẳng phải thọ Cụ túc bằng hình thức nói ba lần quy y Tam bảo; cũng chẳng phải thọ Cụ túc bằng cách bạch Tứ yết-ma thì làm sao được cùng chúng Tăng làm các pháp sự?”. Con đã trả lời các Tỳ-kheo ấy: “Thế Tôn đã vì tôi lập ra pháp thọ Cụ túc thượng dành cho người có căn lành. Các thầy hãy đến gặp Phật thưa hỏi, để xác định là tôi đã đắc giới hay chưa và hãy theo lời Phật dạy mà thực hành”.
Khi ấy, vì muốn đoạn trừ tâm hủy báng của các Tỳ-kheo trong đời vị lai, Thế Tôn bảo A-nan:
– Ông hãy đến thành Vương Xá và mời tất cả các Tỳ-kheo ở thành ấy tập hợp tại tinh xá lớn nhất.
Theo lời Phật dạy, A-nan liền đến thành ấy mời các Tỳ-kheo tập hợp tại tinh xá lớn. Sau khi chúng Tăng đã tập hợp, A-nan liền đến bạch Phật:
– Tăng đã tập hợp xong, xin Đức Thế Tôn biết cho.
Thế Tôn liền đến tinh xá ấy, thong thả nằm nghiêng về bên phải, giống như con voi chúa, quán sát kỹ lưỡng Ca-diếp. Lúc này, Ca-diếp liền rời khỏi chỗ ngồi, quỳ gối phải sát đất, đảnh lễ sát chân Phật rồi quỳ xuống, chấp tay bạch Phật:
– Ngày xưa, lúc còn tại gia, sau khi cha qua đời, gia tài của con gồm có chín mươi sáu đấu vàng ròng, tám mươi ức lặc-sa tiền vàng. Vợ con có nhan sắc rất xinh đẹp, quý phái, trên đời không ai sánh bằng. Thế mà con đã suy nghĩ: “Nếu có vị A-la-hán chân chánh thì ta sẽ xuất gia với vị ấy”. Sau khi suy nghĩ xong, con liền xả bỏ ái ân, dứt trừ tham dục, xuất gia cầu đạo và nguyện: “Trên thế gian này chỉ có Phật mới là thầy của con”. Vậy mà, vì sao nhóm sáu Tỳ-kheo lại phỉ báng rằng con chưa thọ Cụ túc?
Tôn giả Ca-diếp lại nói tiếp:
– Nếu thế gian có sắc đẹp kỳ lạ và của báu quý giá thì cũng không ngoài những gì con đã có, nên con đâu còn tham tài sản và thích nhìn sắc đẹp nữa, mà đã xả bỏ chúng từ lâu. Vì sao nay lại bị phỉ báng? Từ khi đã xuất gia, con đến khu rừng ấy tu tập suốt mười hai năm, đạt được tứ thiền cho đến năm thần thông, chưa bao giờ có một niệm rối loạn. Vì sao vậy?- Vì thấy các hành trong đường sanh tử thật đáng sợ.
Tôn giả lại nói tiếp:
– Khi cha con còn sống, người đã dùng hai mươi ức tiền vàng cưới vợ cho con, mỗi ngày ba lần thay y phục theo thời tiết, chưa hề bị thiếu thốn; cho đến thuốc chữa bệnh cũng vậy. Thế nhưng khi thực hành tám pháp ly thế gian, tâm con chưa hề nghĩ đến dòng dõi cao sang của mình.
Tuy cưới vợ nhưng cả hai đều tu phạm hạnh, chưa từng hủy hoại.
Tôn giả Ca-diếp lại bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Ngày xưa, nhờ đem thức ăn cúng dường cho vị Bích-chi Phật nên từ đó đến nay con thường ưa thích xuất gia cầu Niếtbàn giải thoát như Phật đã biết rõ. Vì sao?- Trong tâm con thường lo sợ bị sanh tử, lưu chuyển trong năm đường.
Bạch Thế Tôn! Khi mới đến khu rừng gần tháp Đa Tử, trông thấy Như Lai, con liền có ý nghĩ này: “Đây chính là vị thầy mà ta mong cầu lúc mới xuất gia”. Vì sao?- Vì lòng tin mà con phát sanh đối với chư Phật quá khứ và lòng tin mà con phát sanh khi trông thấy Thế Tôn nay không có sai khác.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu ai có phiền não, lậu hoặc chưa dứt sạch, chẳng phải là bậc Nhất thiết trí, chẳng phải là thầy của loài người mà thọ nhận sự đảnh lễ của vị đại sĩ đã thành tựu này, thì đầu người ấy sẽ vỡ làm bảy phần. Bản thân Ta đã thực sự hết phiền não, lậu hoặc, vô minh đều đã được dứt sạch hẳn. Ta biết hết thảy pháp, là thầy của loài người, vì thế Ta nhận sự đảnh lễ của người này.
Lúc ấy, Ca-diếp lại bạch Phật:
– Tuy các Tỳ-kheo phỉ báng như vậy, nhưng con không có buồn rầu. Nay tuy được Thế Tôn dùng nhiều lời khen ngợi nhưng con cũng không vui mừng. Vì sao vậy?- Con quán thấy người khen và người được khen, cả hai đều không. Vì sao?- Vì con đã thấy được tất cả các pháp không có ta, không có người, do quán tất cả đều rỗng lặng. Từ khi được nghe Thế Tôn nói ví dụ ánh sáng mặt trăng và ví dụ giọt nước ở tại tháp Đa Tử đến nay, tâm con luôn nghĩ đến pháp ấy chứ không nghĩ gì khác. Vì thế, con thường để tâm vào pháp lành chứ không nghĩ gì khác.
Bạch Thế Tôn! Khi chưa gặp Phật, suốt mười hai năm con thường quán đất- nước- gió- lửa cùng với ba cõi đều rỗng không, huống gì ngày nay đã được nghe Thế Tôn thuyết pháp mà có ý tưởng khác sao? Con cũng không có thấy, nghe hay biết đối với ba đời, lẽ nào lại sanh ý niệm khác đối với nhóm sáu Tỳ-kheo?
Từ khi Thế Tôn nói bốn Thánh chủng cho con nghe, đến giờ con không có nắm giữ các tưởng về vị, xúc, thấy thân năm ấm này giống như bốn con rắn độc. Khi hành động theo bốn oai nghi, tâm không hề vướng mắc. Vì sao?- Từ lâu con đã biết đó là gốc của lầm lỗi. Con quán thấy năm ấm này sanh diệt trong từng niệm, như năm tên giặc cầm đao. Con thấy sự tập hợp của sắc và sự hoại diệt của sắc, sự tập hợp của thọ, tưởng, hành, thức và sự hoại diệt của thọ, tưởng, hành, thức. Quán thấy sáu nhập giống như năm tên giặc cầm đao ở trong làng hoang vắng, nên quán là vô ngã.
Bạch Thế Tôn! Con quán thấy thân này như cái bình đựng đồ dơ bẩn đang tuôn chảy ra ngoài là quán thân dựa trên thân.
Bạch Thế Tôn! Con quán thấy tâm này vô thường, mau lẹ như sóng nắng, như gió lốc, là quán tâm dựa trên tâm.
Con quán thấy thọ đau khổ, sanh diệt thay đổi như ngọn lửa trên dòng nước, là quán thọ dựa trên thọ.
Con quán thấy pháp vô ngã, là thuộc vào các nhân duyên, là quán pháp dựa trên pháp.
Bạch Thế Tôn! Con không có lầm lẫn đối với pháp Như Lai đã giảng và con sẽ hết sức thực hành.
Bạch Thế Tôn! Lúc nọ ở thành Vương Xá, giữa một ngàn hai trăm năm mươi vị Tăng, chúng Tăng phát thẻ thông báo: “Ai đúng là bậc Ứng cúng thì hãy nhận thẻ này”. Lúc đó, con liền rút chiếc thẻ ấy. Nếu không gặp Như Lai xuất thế con sẽ chứng đắc quả Bích-chi Phật mà nhập Niết-bàn. Vì sao?- Từ lâu con đã từng gieo trồng căn lành đối với các vị Phật.
Một lúc nọ, ở trong hang đá Tất-ba-la, con bỗng nhiên mắc bệnh. Thế Tôn đến thăm bệnh nhưng hang nhỏ mà thân Ngài lớn, con liền dùng tay nâng hang đá ấy rộng ra. Thế Tôn liền bước vào, nói pháp khổ- không cho con nghe.
Một lúc nọ, con đang nhập tam muội Hỏa quang trong hang Tấtba-la, trời Đế thích, Phạm vương đến đảnh lễ sát chân con. Lại có một người khác cầm dao định giết con. Khi xuất định, con quán thấy hai người này bình đẳng không khác.
Tôn giả Ca-diếp lại nói:
– Khi ở giữa đại chúng và khi ở phòng riêng, oai nghi của con không có khác nhau.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Oai nghi đi đứng phải như Ca-diếp.
Tôn giả Ca-diếp lại nói:
– Tuy nghe lời khen này nhưng con không lấy làm vui mừng. Khi đi kinh hành vào ban đêm và khi đi khất thực vào ban ngày, trong tâm con nghĩ: “Ngày đêm sao ngắn quá”, nên con ngước mắt nhìn mặt trời, mặt trăng thì thấy đều đứng yên không chuyển động. Chư thiên biến ra hình người, vây xung quanh con để cúng dường. Vào lúc ấy, con hoàn toàn không có vui mừng đối với việc này và trong tâm cũng không cho là kỳ lạ.
Ở trong thành Vương Xá, con cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ để tiến hành phát thẻ và nói: “Sau khi Như Lai diệt độ, ai có thể giữ gìn Phật pháp thì hãy nhận thẻ”. Lúc ấy, con liền rút thẻ. Vì sao?- Vì con có tài biện luận, không ai có thể chế ngự được, vì thế nên con rút thẻ. Nếu có người hỏi: “Ai không bị nhiễm năm dục trở lại?”, thì hãy nói đó chính là con. Vì sao?- Vì con đã hoàn toàn giải thoát khỏi ba cõi.
Nếu có người hỏi: “Ai có thể thành tựu năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám chánh đạo?”, thì con có thể gầm lên tiếng sư tử ở trong đó. Vì sao?- Bởi vì, đối với tất cả khổ- tập- diệt- đạo và xuất ly, con đã biết mùi vị và lỗi lầm của nó, thấy nó đúng như thật. Dục lạc giống như hố lửa, cho đến giống mũi giáo nhọn. Tai họa của dục cũng lại như vậy. Con không có tham ái, đã vĩnh viễn dứt sạch tham ái, tâm duyên với Niết-bàn, giải thoát mau lẹ như nước chảy trên đỉnh núi xuống, xả bỏ hữu lậu như nhổ đờm dãi.
Con đã tu tập đầy đủ bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo, có thể ra vào tùy ý đối với định tám giải thoát. Đối với thần thông, con cũng đã tự tại, vô ngại.
– Bạch Thế Tôn, đối với các loại tâm hữu lậu, vô lậu của các chúng sanh, con đều có thể thấu rõ. Con biết được vô lượng đời trong quá khứ của các chúng sanh.
– Bạch Thế Tôn, con dùng thiên nhãn hơn hẳn mắt người thường, thấy chúng sanh chết nơi nay, sanh nơi kia rất rõ ràng. Con đã dứt sạch các hữu lậu, tâm được giải thoát, tuệ được giải thoát.
Tôn giả Ca-diếp nói:
– Chư Tỳ-kheo và nhóm sáu đại đức, xin chớ có cho con tự ca ngợi đức hạnh của mình. Tất cả các công đức đã có, con đều xả bỏ, huống chi danh vọng giả dối khác. Sở dĩ con nói ra là vì muốn làm lợi ích lâu dài cho chúng sanh.
Đức Phật bảo Ca-diếp:
– Lành thay! Lành thay! Ca-diếp, việc làm lợi ích của ông, trừ Ta ra, các Thanh văn khác không ai theo kịp. Ông hãy thương xót sự si mê của nhóm sáu Tỳ-kheo mà cho họ sám hối.
Lúc ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly rời khỏi chỗ ngồi, sửa y, bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay lễ Phật, hỏi Thế Tôn:
– Tất cả chư Phật đều lập ra pháp thọ Cụ túc bậc thượng cho người có căn lành, phải không thưa Thế Tôn?
Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:
– Chẳng phải tất cả chư Phật đều lập ra pháp ấy, lý do lập pháp ấy là vì chúng sanh đời năm trược mà lập. Năm trược là: kiếp trược, mạng trược, chúng sanh trược, nghiệp trược, phiền não trược. Chư Phật quá khứ, vị lai cũng như vậy. Nay gặp đời ác năm trược cho nên Ta chế ra pháp ấy.
Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:
– Có bao nhiêu chỗ được lập ra pháp lành thọ Cụ túc bậc thượng trọn vẹn?
Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:
– Có năm trường hợp được trọn vẹn, đó là:
1. Thân cuối cùng.
2. Bà-ê-phá-la-già-chí-bà-lặc-già, là người đã đắc quả Tu-đàhoàn trước.
3. Thuận cho Tô-đà-di đã dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát.
4. Đứa bé chăn bò Nan-đà.
5. Ca-diếp.
Như Lai đã truyền giới Cụ túc cho họ chứ chẳng phải cho Thanh văn khác. Này Ưu-ba-ly! Đó là năm trường hợp thành lập pháp lành, thọ Cụ túc bậc thượng được trọn vẹn.
Ưu-ba-ly thưa:
– Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu điều kiện để việc bạch Tứ yết-ma thọ Cụ túc được viên mãn?
Đức Phật bảo:
– Có năm điều kiện để được viên mãn:
1. Hòa thượng như pháp.
2. Hai vị A-xà-lê như pháp.
3. Bảy vị Tăng thanh tịnh.
4. Yết-ma thành tựu.
5. Chúng Tăng hòa hợp, gởi dục.
Ưu-ba-ly! Không đủ năm điều kiện này thì việc ấy không được viên mãn. Trong đây có bốn pháp thọ Cụ túc từ “Thiện lai” cho đến bạch Tứ yết-ma.
– Tỳ-kheo ni cũng có bốn cách thọ Cụ túc:
- Như cô Ma-đăng-kỳ.
- Làm đúng theo lời dạy của thầy.
- Nhờ sứ giả thọ giới thay.
– Bạch Tứ yết-ma.
Pháp thọ Cụ túc bằng cách ra lệnh, cho phép và pháp thọ Cụ túc bậc thượng đều thành lập ra pháp thọ Cụ túc bậc thượng dành cho người có căn lành. Việc thọ Cụ túc bậc thượng cho Tỳ-kheo ni cũng lập ra pháp thọ Cụ túc bậc thượng cho người có căn lành.
Đó gọi là thọ Cụ túc. Không thọ Cụ túc là: khác với pháp thọ Cụ túc ở trên, gọi là không thọ Cụ túc.
Nếu Thanh văn dùng lời: “Thiện lai” truyền giới cho người thì không thành thọ Cụ túc. Dùng “ba lời quy y” để truyền giới cho người cũng không đắc giới. “Bạch Tứ yết-ma” không thành tựu cũng không đắc giới Cụ túc. Tăng phi pháp truyền giới cũng không đắc giới Cụ túc.
Thế nào là Tăng phi pháp?- Đó là không tập trung đến giới trường, yết-ma trước bạch sau, hoặc lại làm các yết-ma khác, đều gọi là Tăng phi pháp.
Lìa Phật, lìa Pháp, lìa Luật thọ Cụ túc cũng không đắc Cụ túc. Tuổi chưa đủ hai mươi cũng không được thọ Cụ túc, nếu thọ cũng không đắc Cụ túc. Nếu không có Hòa thượng hoặc có hai Hòa thượng, hoặc ba Hòa thượng cho đến nhiều Hòa thượng cũng không được thọ Cụ túc.
Nếu người thọ giới hoặc Hòa thượng vắng mặt không hiện diện cũng không được thọ Cụ túc. Chúng Tăng phải đủ mười vị, nếu một vị vắng mặt không hiện diện, hoặc người thọ giới không có mặt cũng không được thọ Cụ túc giới.
Nếu không kiết đại giới mà kiết thẳng tiểu giới thì cũng không được thọ Cụ túc.
Nếu Hòa thượng, chúng Tăng và người thọ giới thay nhau ở bên trong, bên ngoài cương giới cũng không được thọ Cụ túc.
Có mười ba hạng người mà ta không được làm Hòa thượng truyền giới Cụ túc cho họ:
– Một là: Hoặc tại gia thọ giới Ưu-bà-tắc mà phá hủy một giới, hoặc thọ tám trai giới mà phá một giới, hoặc thọ mười giới Sa-di mà phá một giới. Hạng người như vậy về sau có xuất gia cũng không đắc giới.
– Hai là: Hoặc xuất gia hoặc tại gia mà phá phạm hạnh Tỳ-kheo ni, ta cũng không được làm Hòa thượng truyền giới cho họ.
– Ba là: Hạng người vì cơm ăn áo mặc mà tự cạo tóc, mặc áo càsa, dối trá, trà trộn vào trong chúng Tăng, cùng chúng Tăng làm các pháp sự; đối với hạng người này ta cũng không được làm Hòa thượng truyền giới cho họ.
– Bốn là: Nếu có ngoại đạo xuất gia trong Phật pháp, về sau chán đạo, không xả giới mà đi, từ ngoại đạo lại muốn trở về trong Phật pháp thì Phật không cho người này ở trong chúng Tăng, cũng không được làm Hòa thượng truyền giới cho họ.
– Năm là: Không được làm Hòa thượng truyền giới cho Hoàng môn.
– Sáu là: kẻ giết cha.
– Bảy là: Kẻ giết mẹ.
– Tám là: Làm thân Phật chảy máu.
– Chín là: Giết La-hán.
– Mười là: Phá hòa hợp Tăng.
– Mười một là: Phi nhân biến hình làm người.
– Mười hai là: Súc sanh biến hình làm người.
– Mười ba là: Người hai căn.
Đối với mười ba hạng người này, ta không được phép làm Hòa thượng truyền giới cho họ. Vì sao?- Vì họ không có giới.