PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Bình Bát Trong Phật Giáo

一缽千家飯

孤身萬里遊

青目睹人少

 問路白雲頭

布袋和尚偈诗 (1)

“Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Thanh mục đổ nhân thiểu

Vấn lộ bạch vân đầu”

Bố Đại Hòa thượng thi kệ:

“Một bát cơm ngàn nhà,

Thân chơi muôn dặm xa,

Mắt xanh xem trần thế,

Mây trắng hỏi đường qua”

Tiếng Phạn là Bát Đa La (Sanskrit patra – Haùn 鉢 盂, dịch là Ba Đa La, Bá Đát La, Bát Hòa La…) lại gọi là Bát vu, ứng pháp khí, ứng lượng khí. Bát vu là một trong những pháp khí mà Tỳ kheo phải mang theo bên mình dùng để khất thực (2), cho nên bình bát là Pháp khí thường thấy trong nhà Phật. Trong Phật giáo, nguyên do Phật chế định cho hàng Tỳ kheo trì bát có rất nhiều câu chuyện.

* Bình bát đức Phật chế định dùng để đựng thức ăn:

Trong Kinh Luật chép rằng: Đức Phật sau khi thành đạo bảy ngày không có thức ăn để dùng, bấy giờ hai vị thương buôn là Đề Vị và Ba Lợi được thổ thần mách bảo, nên hai người đem dâng lên Phật mật ong. Phật bèn nghĩ, chư Phật đời quá khứ đều dùng bình bát để nhận thức ăn, nhưng hiện tại Ta không có bình bát thì phải làm sao? Bốn vị Thiên Vương biết được tâm niệm của Phật, bèn đem bình bát đến dâng Phật. Phật nghĩ bốn cái bát nầy làm sao sử dụng cho hết. Thế là Ngài đem bốn cái xếp chồng lên, rồi để trong lòng bàn tay trái, tay phải đè lên trên dùng thần lực biến thành một cái bát. Bình bát bằng đá xanh nầy của Phật có thể đựng ba đấu, trọng lượng của nó rất nặng.

Trong giới luật Phật chế định bát bằng đá là Phật dùng, các Tỳ kheo không được dùng bát bằng đá.

Trong Phật giáo Bổn Tôn cầm bát đó là Phật. Có một vài tự viện tôn thờ hình tượng Phật Thích Ca thân đắp ca sa vàng, ngồi kết già trên hoa sen, tay trái cầm bình bát. Ngoài ra trong Phật giáo, hình tượng biểu hiện cầm bát gồm có: Phật Dược Sư, Bồ tát Vô Cấu Quang, Bồ tát Thiên Thủ Quan Âm, Bồ tát Hương Tượng …

Về sau, bình bát trở thành pháp khí để Tăng chúng đi khất thực, thọ nhận trời người cúng dường đúng như pháp, cho nên bình bát gọi là “Ứng lượng khí”. Giới luật Phật giáo qui định Tỳ kheo không được cất chứa nhiều bát, giữ gìn bát như giữ gìn con mắt. Khi thọ thực xong phải rửa sạch sẽ.

Do Bổn Tôn cầm bát là Phật, nhân thế mà khi chế tạo bát phải đúng theo luật Phật dạy. Trong Luật Tứ Phần chép: “Bát có 6 loại: Bát Sắt, bát nước Tô Ma, bát nước Ô Già La, bát nước Ưu Già Xa, bát đen, bát đỏ. Đại khái có 2 loại: Bát bằng sắt, bát bằng đất nung”.

Lại nói: “Dung lượng của bát, lớn thì 3 đấu, nhỏ thì nửa đấu, bậc trung thì có thể biết”.

Còn phương pháp chế bát phải đủ 3 điều kiện: “Thể, sắc, lượng”. Trong đó nêu ra bát nước Tô Ma… cũng đều là bát bằng sắt, bằng đất nung. Chẳng qua là sản địa bất đồng mà thôi.

– Luật chế vật thể làm bát : Bát thì chỉ dùng sắt và đất nung làm thành, dùng sắt làm thành thì gọi là bát sắt, dùng đất để nung làm thành thì gọi là bát bằng sành sứ, bát ngói, bát đất nung. Luật nghiêm cấm dùng vàng, bạc, đồng, bảo vật, lưu ly, cây, đá… chế thành bát. Nếu sử dụng những chất liệu vàng, bạc, đồng để làm thành thì mắc tội Đột Kiết La.

Còn sử dụng bát bằng cây thì tội Phạm Thâu Lan Giá.

– Kế đến là sắc của bát là chỉ màu sắc. Luật Phật qui định thường dùng 3 màu: Đen, đỏ, xám tro, trong đó màu đen và đỏ làm chủ, bát sắt đương nhiên là màu đen, bát bằng đất nung thì nung thành màu bồ kết, nếu nung xong có màu xám tro thì cũng được dùng.

– Sau cùng là lượng của bát: Lượng là chỉ cho dung tích của bát, phân ra làm ba loại: Lớn, vừa, nhỏ, cũng gọi là bát bậc thượng, bậc trung, bậc hạ.

– Theo lời Phật dạy bát bậc thượng đựng 90 lạng cơm, cở chừng 2 thăng.

– Bát bậc hạ đựng 30 lạng cơm tức không đầy 1 thăng.

– Bát bậc trung là ở khoảng giữa ước chừng 1 thăng rưỡi.

* Một số vật tùy thuộc vào bát:

Kinh Phật chép: Có một số Tỳ kheo dùng bát đựng cơm, khi để dưới đất bị lật đổ. Phật thấy thế nói: “Các Tỳ kheo có thể dùng đồng, sắt, sừng, ngà, ngói, đá, cây,… làm cái giá để bát cho vững tức là cái chân đế bát, cũng có thể dùng một ít cỏ lót ở phía dưới cho êm”. Do đó mà bát có thêm cái giá, cái giá nầy gọi là “Bát chi”. Khi có bát chi rồi một số Tỳ kheo khi cầm bát đi thật là bất tiện, trượt chân bị té bát bể. Phật dạy: “Thế thì trong lúc đi đường không cần phải ôm bát”, do đó các Tỳ kheo liền dùng y bọc bát nhưng lại bị rớt bể. Phật dạy: “Ta cho làm một cái túi đựng bát, đây gọi là bát nang – còn gọi là bát đại tức cái túi đựng bát”.

Bát vu, bát chi, bát đại, tất cả những danh từ nầy được hình thành, là những vật cần phải có đối với người xuất gia không được thiếu dù trong một ngày. Nếu như người xuất giahay cư sĩ dùng bát để đựng cơm và thức ăn, thì phải phù hợp với luật Phật chế.

 

Chú thích:

 (1) Hòa thượng Bố Đại (布袋, Futei, ?-916) ở Huyện Phụng Hóa (奉化縣), Minh Châu (明州), được xem như là hóa thân của đức Phật Di Lặc, có bài kệ rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lí du, thanh mục đổ nhân thiểu, vấn lộ bạch vân đầu (一鉢千家飯、孤身萬里遊、青目覩人少、問路白雲頭, bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem người thế, mây trắng hỏi đường qua)”.

Đại Ngu Lương Khoan (大愚良寬, Daigu Ryōkan, 1758-1831), vị tăng của Tào Động Tông Nhật Bản, cũng có làm bài thơ rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô du vạn lí xuân, tích kinh Tam Giới mộng, y phất cửu cù trần, tự linh vô sự tẩu, bảo dục thăng bình thần (一鉢千家飯、孤游萬里春、錫驚三界夢、衣拂九衢塵、自怜無事叟、飽浴昇平辰, bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi vạn dặm xuân, tích chấn Ba Cõi mộng, áo phất chốn hồng trần, tự thân lão vô sự, ăn no hát nghêu ngao)”.

(2) Đức Phật chế rằng tài sản của người xuất gia là ba y và một bình bát. Hạnh nguyện đi khất thực cũng là một hình thức tu hành, nhằm đoạn trừ tâm tham lam, dẹp bỏ tự ngã, kiêu mạn, cống cao, sân hận, nóng nảy; nuôi dưỡng tâm từ bi, tu tập hạnh bình đẳng, bố thí thiện nghiệp. Như cổ đức thường dạy rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô tăng vạn lí du, vị liễu sanh tử sự, khất hóa độ xuân thu (一鉢千家飯、孤僧萬里遊、爲了生死事、乞化度春秋, bình bát cơm ngàn nhà, cô tăng vạn dặm chơi, liễu trọn chuyện sanh tử, xin khắp qua tháng ngày)”.