PHẬT THUYẾT KIẾN CHÁNH KINH

Đức Phật giảng kinh Kiến Chánh

Người dịch: THÍCH GIÁC QUẢ

 

LỜI TỰA

Bản kinh Nhân Quả Thiện Ác Những Điều Phật Tử Cần Tránh vừa dịch và viết xong, chúng tôi lại may mắn gặp được bản kinh Kiến Chánh. Thật là một sự trùng hợp rất kỳ thú, nên chúng tôi dịch tiếp để bổ túc thêm.

Trong kinh Nhân Quả Thiện Ác, đức Thế Tôn giải bày về sự vận  hành của nhân quả thiện ác tương quan giữa ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai. Đại để, trong dòng vận hành ấy, ai tạo nhân thiện thì hưởng quả lành, ai tạo nhân ác thì chịu quả dữ.

Trong kinh Kiến Chánh, đức Thế Tôn cũng giải bày về nhân quả ba đời, nhưng đặc biệt Ngài giải trình vấn đề thần thức luôn biến đổi theo nhân quả để luân lưu trong ba cõi sáu đường. Nói gọn, nội dung Kinh là trình bày sự luân hồi  của mọi loài chúng sanh trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

Nhân quả là định luật phổ quát và tất yếu của tam giới. Nói khác hơn, mọi hiện tượng trong thế gian dù hữu tình hay vô tình, dù tâm hay vật, dù thô hay tế…hết thảy đều vận hành theo luật Nhân quả, không có ngoại lệ. Chính thế, Nhân quả là một trong những giáo lý căn bản nhất của đạo Phật.

Về Luân hồi, thật sự Luân hồi không phải là một giáo lý. Luân hồi chính là hiện tượng biến chuyển tới lui của mỗi chúng sanh trong sáu loài, ba cõi phụ thuộc vào nhân quả thiện hay ác mà chúng sanh tự tạo. Nói cách khác, Luân hồi chính là dòng vận hành nhân quả của chúng sanh. Có Nhân quả là có Luân hồi và ngược lại.

Hiện tượng Nhân quả và Luân hồi đã được đức Thế tôn phân giải rất cụ thể trong hai Kinh.

Tâm nguyện của Ngài là thức tỉnh mọi người để họ biết rõ sự thật về tự thân và cuộc đời, nhằm chuyển hoá cách sống, chuyển hoá bất thiện thành thiện, chuyển tà thành chánh…làm nhân tố căn bản hầu tiến xa hơn, sâu hơn trên đạo lộ giải thoát. Cụ thể, là để được dự hội Long Hoa khi đức Di Lặc ra đời hay được sanh về các cõi Tịnh độ sống chung với chư Phật, chư vị Bồ-Tát như trong Kinh đã dạy.

Chân thành cầu nguyện tất cả mọi người, hết thảy chúng sanh đều đón nhận được ánh từ quang của chư Phật.

Mùa an cư Đinh Hợi
PL. 2551-DL. 2007
Kính cẩn
Tỷ-kheo Thích Giác Quả

 

KINH KIẾN CHÁNH

Đức Phật giảng kinh Kiến Chánh

Người dịch: THÍCH GIÁC QUẢ

 

Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật đang lưu trú tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn([1]) thuộc kinh thành La-duyệt-kỳ([2]). Bấy giờ, gần đến giờ

ngọ, đức Phật cùng năm trăm vị Tỷ-kheo, một ngàn vị Bồ-Tát và Ưu-bà-tắc đang nâng thực phẩm cúng dường đi ra ngoài thành La-duyệt-kỳ, bổng thấy cây đại thọ tên là Cam Hương, cây to gốc lớn, cành lá sum sê, hoa trái tươi đẹp đỏ hồng, hàm chứa mùi vị ngọt thơm, xung quanh gốc cây sạch sẽ bằng phẳng. Đức Phật muốn dừng lại tại đây, hàng đệ tử tuỳ tùng đều vâng lời, rồi lấy đá làm toà ngồi cho Ngài, sau đó đại chúng ngồi xung quanh đức Phật.

Trong hàng đệ tử của đức Phật, có Tỷ-kheo tên là Kiến Chánh, mới nhập đạo tu tập, nên thầy hay nghi ngờ rằng: “Đức Phật thường dạy có các đời sau, nhưng từ loài vật đến loài người, sau khi chết chưa có một ai trở lại báo tin cho biết sự kiện ấy như thế nào cả”. Thầy liền trình bày những nghi ngờ ấy lên đức Phật. Nhân đây, đức Phật chỉ dạy để các đệ tử được hiểu rõ bằng nhưng thí dụ, chứng minh như sau:

– Gốc đại thọ này vốn từ một hạt giống và các trợ duyên của đất, nước, gió, lửa mà được to lớn, tàng cây có thể che phủ một số người nhiều như thế này. Nếu truy nguyên khi đang còn hạt giống thì không thấy nhánh, là, hoa, trái gì cả. Nhưng nhờ gặp đủ nhân duyên tứ đại([3]), hạt giống mới nứt mầm, nảy nhánh sanh hoa, kết trái và dần dần trở thành một cây to lớn, tàng lá che phủ một khoảng đất rộng. Ban đầu, nó chỉ là một hạt giống, rồi hạt sanh mầm, mầm sanh nhánh, nhánh sanh lá, lá sanh hoa, hoa sanh trái, cứ thế chuyển qua nhiều giai đoạn biến chuyển mới thành cây đại thọ. Như vậy, cây đại thọ và hạt giống không phải là một mà cũng không phải là khác, có danh nhưng chẳng phải thường danh([4]). Bấy giờ nó đã trở thành cây đại thọ, vậy có thể tập hợp tất cả hoa, trái, nhánh, lá, cọng, gốc ấy lại, để làm thành hạt giống như cũ được không?

+ Các đệ tử đáp: Không thể được. Chúng đã biến chuyển thì không trở lại như cũ được. Hạt giống trở thành mầm, nhánh.v.v. mỗi ngày mỗi thoái hoá, càng sanh thì càng biến đổi, tuy không tiêu mất, nhưng không thể trở lại hạt giống như cũ được.

– Vấn đề sanh tử cũng tương tự như thế. Thần thức([5]) là pháp duyên khởi, pháp ấy là si (vô minh). Do vô minh sanh thám ái. Vô minh tương tự như hạt giống. Hạt giống tuy nhỏ mà tăng trưởng thành cây đại thọ; vô minh tuy vi tế, vô hình mà tạo thành những hiện tượng nhân duyên sai khác. Các hiện tượng nhân duyên ấy đều do tâm thức biến hiện. Do vô minh sanh hành, hành sanh thức, thức sanh danh sắc, danh sắc sanh lục nhập, lục nhập sanh xúc, xúc sanh thọ, thọ sanh ái, ái sanh thủ, thủ sanh hữu, hữu sanh sanh, sanh sanh lão tử, cọng lại là mười hai nhân duyên làm căn bản cho thân này. Đã có thân thì phải có ngày bị già, chết. Khi chết, tuỳ theo nghiệp lực đã làm, thần thức sẽ được dẫn dắt tái sanh thành một thân xác mới, cũng có cha mẹ, cũng có sanh sáu tình([6]), cũng khởi ô nhiễm, cũng chịu

khổ vui, cũng theo phong tục, nhưng không thứ nào cũng giống như đời trước. Kiến thức đã không trở lại như cũ thì làm sao biết được quá khứ. Do vậy, con người chỉ thuận theo kiến thức mới trong hiện tại mà cho rằng, kiến thức là thật có, là thường còn, rồi chấp cái tri kiến ấy. Do cố chấp nên không biết rằng: “Có đời trước, có đời sau là do thần thức biến chuyển theo nghiệp lực mà hiện diện”.

Thần thức đã biến chuyển, lại có  cha mẹ làm trợ duyên để sanh ra thân xác mới, rồi bị trói buộc theo sáu tình, ô nhiễm, khổ vui, phong tục không thể trở lại thân xác cũ, tập quán cũ, kiến thức cũ, cuộc đời cũ; tương tự như cây đại thọ không thể trở lại hạt giống của ngày trước được.

Sau khi được nghe đức Phật chỉ dạy, Tỷ-kheo Kiến Chánh từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước đức Phật quỳ xuống bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, sự nghi ngờ của đệ tử vẫn chưa được giải trừ. Giờ đây, chính là lúc đệ tử tỏ bày sự ngu si của mình, ngưỡng cầu Thế Tôn từ bi chỉ bảo. Kể từ khi còn nhỏ tới giờ, đệ tử đã gặp những người chết rất nhiều; hoặc là cha mẹ, anh em, vợ chồng, nội ngoại; hoặc là bạn hữu đang thương yêu nhau; hoặc là kẻ thù đang oán hận nhau, thế mà sau khi chết, thần thức của họ không có một ai trở lại để báo tin, người nào khổ, người nào sướng cả. Tại sao như vậy? Thần thức bị trở ngại điều gì mà họ không trở lại báo tin cho người sống biết? Mong Thế Tôn phân tích và giải bày giúp đệ tử chúng con đoạn trừ được nghi hoặc, thấy rõ sự thật.”

– Này Tỷ-kheo! Thần thức ấy không có hình tướng, khi biến chuyển thì tuỳ theo nghiệp lực mà hiện diện. Giả như một người làm nhiều việc phước, khi chết thần thức có phước đước chuyển sang một đời sống khác, cũng không thể trở lại báo tin, huống gì kẻ độc ác. Tại sao thế?- Ví như người kỹ sư nấu đá hoá lỏng để tìm thiếc, rồi lấy thiếc đúc thành các dụng cụ. Vậy các dụng cụ ấy có thể trở thành đá được không?

+ Thưa không.

– Thần thức biến chuyển thành thân trung ấm([7]), tương tự như đá lọc thành thiếc; thân trung ấm biến chuyển để thọ thân khác, tượng tự như thiếc đã đúc thành khí cụ. Cho nên, khi thân xác đã thay đổi, biến mất thì làm sao trở lại thân cũ được.

Những người nào tu tập năm điều thiện (năm giới) thì được tái sanh làm người; họ sẽ có cha mẹ và sẽ bị ràng buộc bởi sáu thứ. Đó là: thứ nhất, trú tại thân trung ấm không thể trở lại đời sống cũ; thứ hai, bị trói buộc trong bào thai; thứ ba, khi đang bị chèn ép đau đớn, quên mất quá khứ; thứ tư, khi rớt xuống chỗ sanh, các kiến thức cũ đều quên mất, phát sanh kiến thức mới; thứ năm, sanh rồi liền tham chấp vật dục, vì tham chấp nên kiến thức cũ bị gián đoạn; thứ sáu, dần dần khôn lớn, sống theo kiến thức mới chứ không nhớ kiến thức cũ.

– Các đệ tử! Ví như có nhà kinh doanh đi khắp bốn phương gặp đủ mọi điều gian khổ, vui sướng. Khi nhớ nghĩ những điều đã xảy ra ở quận này, ở thôn nọ của phương đông thì ông ta không còn nhớ những gì đã xảy ra ở ba phương kia nữa. Trong dòng sanh tử cũng vậy, đời này tạo tác các hạnh nghiệp, rồi sanh qua đời sống khác, đã thọ thân khác liền sanh kiến thức mới, nên kiến thức cũ không thể hiện diện được. Bởi sáu thức ấy ngăn che, trói buộc, nên không còn nhớ đời trước thì làm sao có sự báo tin!

– Hoặc như người thợ gốm nung đất để làm đồ dùng, do sức nóng của lửa đốt, miếng đất trở thành tấm ngói. Vậy ta có thể khiến tấm ngói ấy trở thành cục đất được không?

+ Thưa, không thể được.

– Hoặc như một cây đại thọ bị đốn xuống, người ta cưa xẻ…làm thành hàng trăm loại đồ dùng. Nếu có người muốn tập hợp các tấm gỗ đã bị cưa và mọi vật dụng đã được hình thành, làm thành cây đại thọ như cũ có được không?

+ Thưa, không được.

– Hoặc như người thợ nấu cát thành màu hồng, rồi thành màu trằng như nước. Vậy ta có thể khiến màu trắng ấy trở thành cát được không?

+ Thưa, không được.

– Vấn đề sanh tử cũng thế. Người chưa ngộ đạo lý, chưa có đạo nhãn([8]), khi chết, thần thức biến chuyển theo nghiệp lực để thọ thân khác. Vì vậy, những kiến thức đời trước của họ, giờ đây đang bị che lấp trong bào thai, trong kiến thức mới, trong tập quán mới, nên không thể biết gì về đời trước được.

– Hoặc như nước được chứa trong bình tròn thì nước có hình tròn, nếu đổ nước qua bình vuông thì nước có hình vuông. Tuỳ theo vật chứa mà nước thay hình đổi dạng theo tướng trạng lớn nhỏ, vuông tròn. Vấn đề sanh tử cũng như thế. Tâm thức vốn không có tướng trạng cố định, chỉ tuỳ theo hành vi thiện ác mà thọ lãnh báo thân. Báo thân ấy đối diện với sự trắng-đen, dài-ngắn, khổ-vui, lành-dữ đều là sự hiện hành biến chuyển theo nghiệp lực cả. Như đời này, tâm thức của chúng ta đã tạo nhiều điều phi pháp, nên khi chết sẽ bị đọa làm súc sanh, bị khổ sở, mất tự do. Như vậy, làm sao nhớ được đời trước mà về báo tin!

– Hoặc như con sùng sanh ở trong đất, không kêu, không có cánh; nhưng đúng thời tiết thì nó hoá thành con ve, ở trên cây kêu suốt ngày không dứt. Vậy ta có thể bảo con ve ấy trở thành con sùng để báo tin cho các con sùng khác đang ở dưới đất biết được không?

+ Thưa, không được. Con sùng đã biến đổi rời âm (đất) để sống trên dương khí, thân xác thay đổi dần cho đến ngày chết hay bị chim chóc bắt ăn thịt, chứ không thể trở lại thân con sùng được.

– Vấn đề sanh tử cũng như thế. Thân này chết rồi, thần thức biến chuyển để thọ thân mới, bị năm ấm([9]) ngăn che; nào kiến thức, nào tập quán đều biến đổi theo môi trường mới; cho đến ngày suy tàn, già chết, chứ không thể trở lại thân xác cũ với kiến thức cũ để báo tin cho người ta biết được.

– Hoặc như miếng thịt sống để lâu ngày trở thành hôi thối, sanh ra trùng giòi. Vậy có thể khiến nó trở thành miếng thịt tươi được không?

+ Thưa, không được.

– Vấn đề sanh tử cũng như thế. Người thế gian thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác; khi chết thần thức của họ biến chuyển đọa vào địa ngục hoặc súc sanh. Khi ở trong cảnh giới mới lạ ấy thì sự thấy biết sẽ khác với đời trước, lại bị lưới tội trói buộc, chuyện cũ quên hết; nên không thể trở lại báo tin cho người ta biết được.

– Hoặc như đêm tối không trăng, mọi vật đều chìm trong đen tối, giả sử trong trăm ngàn vạn người, có một người nhìn vào trong đêm tối ấy, có thể phân biệt rõ ràng các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen của các vật được không?

+ Dù ức triệu người nhìn vào đêm tối cũng chẳng thấy được gì, huống là phân biệt rõ ràng năm màu.

– Nếu có người cầm đuốc soi sáng rồi bảo nó nhìn xem. Vậy nó có thể thấy được không?

+ Có thể thấy được.

– Nếu có người ngu không cầm đuốc đi vào chỗ tối, càng đi xa càng thấy tối. Vậy, nó muốn thấy năm màu ấy được không?

+ Người ngu đã xây lưng với ánh sáng mà đi vào chỗ tối, nó đã đi xa ánh sáng nên không thể thấy được màu sắc.

– Các đệ tử! Chúng sanh ở trong dòng sanh tử tối tăm cũng như thế. Kể từ con người cho đến súc sanh, đã thọ thân xác đầy ngu si mờ ám, không có đạo hạnh, không hiểu được nguồn cội của thân tâm, chưa có tuệ nhãn([10]) mà nôn nóng muốn biết thần thức qua lại, thọ sanh trong dòng sanh tử và trở về báo tin, thì chẳng khác gì trong đêm tối mà muốn thấy rõ năm màu sắc. Trái lại nếu ai biết học Kinh, trì Luật, tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo Bồ Đề, giữ gìn tâm ý thanh tịnh; đây là người như kẻ cầm đuốc thấy rõ năm màu. Người nương theo giáo pháp của đức Phật có thể biết rõ dòng sanh tử và các cảnh giới thiện hay ác mà thần thức đã đi qua. Bên cạnh,  những người không hiểu rõ thân tâm, chống bỏ Kinh luật, cuốn theo trần tục, tự ý buông lung, đoạn diệt chánh pháp, tâm không tin tưởng và thực hành pháp Phật; đây là người như kẻ ném đuốc mà đi vào chỗ tối, càng đi càng đen tối chẳng thấy gì cả.

– Các đệ tử! Các ngươi chớ thuận theo tâm ý ngu si, phiền não mà nghi ngờ đạo lý chân chánh thanh tịnh. Nếu thuận theo tâm ý ngu si ấy, thì các ngươi khó thoát khỏi những cảnh giới xấu ác, đọa đày thống khổ. Ta đã cố ý dẫn dụ, giải thích rõ ràng; vậy, các ngươi hãy tin tấn phụng hành, đừng bao giờ lãng quên.

– Các đệ tử! Người đời với đôi mắt thịt nên chỉ thấy những việc trong hiện tại, mà không thể thấy mình từ đâu đến và sau khi già chết sẽ đi về đâu, sẽ thọ lãnh thân gì. Vì sao thế?-Vì mỗi lần sống chết, thần thức biến chuyển theo mười hai nhân duyên, mà trong mười hai nhân duyên, ngu si (vô minh) là chủ yếu và mang tính chất u tối, nên một lần chuyển đổi là khó nhớ biết việc cũ. Như đem tấm vải màu trắng nhuộm thành các màu xanh, vàng, đỏ, tím; thì tấm vải ấy không thể trở lại màu trắng được. Sự sanh tử luôn biến chuyển cũng như thế. Tâm thức không có thể tánh cố định, nó bị ảnh hưởng theo hạnh nghiệp mà biến đổi không ngừng. Hơn nữa, tâm ý của chúng sanh trong một đời, luôn niệm tưởng về mọi pháp, luôn nhớ nghĩ rất nhiều về các điều lành dữ báo ứng, hễ niệm mới sanh khởi thì niệm cũ tiêu diệt, chỉ có ngu si (vô minh) là thường hiện diện trong dòng sanh tử. Nếu ai muốn hiểu nguồn gốc sanh tử qua lại (luân hồi), thì hãy tinh tấn tu luyện thân tâm, tư duy nguồn cội vạn pháp, thâm nhập thanh tịnh (thiền định) thì có thể khai ngộ như giấc ngủ đã tỉnh thức.

– Các đệ tử! Thần thức bị ngu si đầu độc trong các việc thiện ác, nên khi chết thì lại tái sanh với các thân hình sai khác. Nếu không tạo tác thiện ác thì không thọ lãnh thân khác nữa, như lửa gặp củi thì còn, củi cháy hết thì lửa mất. Ý thức không chấp trước hành vi thiện ác thì không còn hình thức tái sanh nào nữa.

– Hoặc như tấm gương dơ bẩn không thể soi thấy gì được. Cũng vậy, tấm gương tâm thức bị ô uế ngăn che, biến chuyển sanh tử, bị dẫn dắt theo sự họa phúc tai ương, tràn đầy thảm khốc sợ hãi, nên chẳng soi thấy được gì trong đời trước. Như ao nước đục, dù có cá trạch trong ao cũng không trông thấy. Cũng vậy, ở trong sanh tử hỗn độn, bị mọi điều sầu đau, lo lắng ngăn che, nên khi một lần chuyển sanh đời khác là một lần quên hết đời trước. Như người nhắm mắt đi trong đêm tối, hoàn toàn chẳng trông thấy được gì. Cũng vậy, người đi trong đêm tối sanh tử, trôi dạt theo dòng họa phúc, phải gánh chịu những điều vui mừng, đau khổ, không thể nhớ biết việc cũ đời trước.

– Các đệ tử! Ta dùng tuệ nhãn thanh tịnh soi thấy một cách rõ ràng rằng, hết thảy chúng sanh sanh tử qua lại trong ba cõi, khác nào nhìn rõ sợi chỉ hoặc xanh, hoặc vàng trong hạt ngọc thuỷ tinh lưu ly.  Hoặc nhu nước trong có thể nhìn thấy đáy và thấy cả mọi loài thuỷ tộc. Đức Phật thấy chúng sanh sống chết trong năm đường([11]) như người đứng cạnh chiếc cầu lớn thấy rõ mọi hành khách qua lại trên cầu. Hoặc như đứng trên núi cao nhìn thấy cả bốn phương xa gần. Với tuệ nhãn siêu việt, đức Phật thấy sự sanh tử của mọi loài cũng tương tự như vậy.

Các ngươi, nếu tuân theo lời chỉ bảo cuả Ta thì sẽ rõ biết sự sanh tử trong muôn ngàn kiếp. Bằng cách thực hành ba mươi bảy pháp trọng yếu, đó là: bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi và tám Chánh đạo, để diệt trừ sự ô uế của tự tâm, đoạn tận ba độc tham-sân-si, cắt đứt mọi nghi ngờ, khai mở trí tuệ như chư Phật, là có thể biết được mọi việc của quá khứ và vị lai.

– Các đệ tử! Người đời làm những điều thiện hoặc điều ác, sau khi chết đều có quả báo tương xứng. Dù vậy, nhưng không ai biết được; bởi vì chưa có ba thứ tịnh nhãn([12]), và đang bị ngăn che bởi sáu căn([13]), nhìn với con mắt thịt, cứ làm theo những điều xấu xa, ô uế, đắm đuối trong chốn ngu si, biến chuyển theo dòng sanh tử, bị chướng ngại bởi xác thân, nên rời xa việc cũ, say mê việc mới, mà không biết quả báo tương xứng với hành nghiệp. Sự thật, ở đời có sự đón nhận phước đức, có sự đòn nhận tai họa, hoặc tốt nhiều hay xấu nhiều. Đó chính là bảo chứng về sự báo tin (quả báo) của các hành nghiệp trong quá khứ vậy.

Những người sanh ra từ chỗ ngu si, bị trói buộc trong sự nghi ngờ, không chút hành vi thanh tịnh mà muốn biết các việc đời trước và quả báo tương xứng, thì khác gì kẻ không có tay mà muốn viết, kẻ không có mắt mà muốn nhìn. Đây là lý do mà đức Phật xuất thế giảng dạy Kinh pháp để khai mở tâm ý cho mọi người. Ai là kẻ muốn biết rõ và hoán chuyển nhân quả cho mình trong dòng sanh tử thì hãy tuân theo lời dạy đức Phật mà thực hành chánh pháp, điều chỉnh tâm ý, luyện tập thiền quán, trau dồi trí tuệ, thì sẽ được kết quả như ý.

– Các đệ tử! Thần thức có tên gọi (danh) mà không có hình tướng, nó phụ thuộc vào bốn đại làm thể chất và các hành vi thiện ác. Khi mới sanh ra, thân hình bé nhỏ, sáu căn chưa hoàn bị, kiến thức nông cạn, hiểu biết hẹp hòi. Đến khi khôn lớn, sáu căn phong phú, tâm, thức huân tập các điều ái dục mỗi ngày mỗi nhiều; đến ngày yếu già, bốn đại hao mòn, sáu tình sút giảm, tâm thức không còn minh mẫn. Chỉ trong một đời hiện tại mà thay đổi thường xuyên, sau không giống trước, kiến thức của tuổi trẻ hầu như bị lãng quên khi tuổi già đến, huống gì là nhiều đời cách biệt, thai ấm ngăn che, tà hạnh mê lầm, chưa đạt đạo lý mà mong biết sau khi chết trở lại báo tin. Sự mong muốn ấy khác gì kẻ xâu kim trong đêm tối, kẻ tìm lửa ở trong nước.

Vậy, các đệ tử hãy tinh tấn thực hành giới pháp, tư duy sâu sắc nguồn gốc: Sanh tử từ đâu đến và sẽ về đâu? Do nhân gì mà có sự qua lại? Do duyên gì mà phải sanh tử? Suy tư thật kỹ tự tánh vô ngã của các pháp thì mọi sự nghi ngờ tức khắc tự giải.

Khi đức Phật giảng Kinh này xong, năm trăm vị Tỷ-kheo và Ưu-bà-tắc đều được Kiến đạo([14]), các hàng Bồ-tát đều chứng Bất thối Tam-muội([15]), Đại chúng đứng dậy nhiễu quanh đức Phật ba vòng rồi đảnh lễ Ngài sát đất; sau đó, theo đức Phật trở về Tịnh xá.

*********

 

[1] Kỳ Hoàn (Anàtapindika): còn gọi là Kỳ Viên, Kỳ Viên Tịnh xá, Kỳ thọ Cấp cô độc viên, tức là vườn cây của Thái tử Kỳ đà và ông Cấp cô độc.

[2] La-duyệt-kỳ (Ràjagrha): còn gọi là La-việt, La-duyệt, La-duyệt-kỳ-ca-la, tức thành Vương Xá của nước Ma Kiệt Đà.

[3] Tứ đại: là bốn chất, Địa, Thuỷ, Hoả, Phong (chất răng, chất lỏng, chất nóng và chất hơi) luôn có mặt khắp thế giới.

[4] Nghĩa là tên gọi ấy không phải thường còn mãi mãi.

[5] Thần thức: Tâm thức linh diệu của loài hữu tình, không thể nghĩ bàn. Thông thường gọi là Linh hồn-nhưng đạo Phật không gọi như vậy.

[6] Sáu tình (lục dục): là sáu căn (lục căn). Là cách dịch cũ.

[7] Thân trung ấm: Còn gọi là thân trung hữu. Là thân thể trong buổi giao thời sau khi chết và trước khi tái, cũng đầy đủ cả năm ấm.

[8] Đạo nhãn: chính là Thiên nhãn. sự thấy nhìn không bị chướng ngại nhờ công phu tu tập,

[9] Năm ấm (ngũ ấm): Còn gọi là ngũ uẩn. Gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Là năm yếu tố hình thành cá thể mọi người.

[10] Tuệ nhãn: Mắt tuệ-do tu tập mà được. Là một trong năm mắt: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn.

[11] Năm đường (ngũ thú): Còn gọi là ngũ đạo, ngũ ác thú. Đó là năm đường ác dữ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Người và Trời (A-tu-la được xếp vào loài trời)

[12] Ba tịnh nhãn (Tam tịnh nhãn): Ba thứ mắt hay ba thứ thấy nhìn thanh tịnh. Đó là Thiên nhãn, Tuệ nhãn và Pháp nhãn.

[13] Sáu căn (Lục căn): Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý)

[14] Kiến đạo: Thấy rõ con đường dẫn đến Niết bàn. Là một trong ba Đạo: Kiến đạo, Tu đạo và Vô học đạo.

[15] Bất thối tam muội: chánh định không còn thối chuyển

 

KINH NHÂN QUẢ THIỆN ÁC

Đức Phật giảng kinh Nhân Quả Thiện Ác

Người dịch: THÍCH GIÁC QUẢ

 

Tôi nghe như vậy: Một thời đức Phật đang lưu trú tại nước Xá Vệ, trong vườn cây của thái tử Kỳ Đà và  ông Cấp Cô Độc. Bây giờ, đại chúng gồm vô lượng Bồ-tát, trời, người đang ngồi xung quanh đức Phật. Đức Phật thuyết pháp, đại chúng nhất tâm lắng nghe.

Lúc ấy, ngài A-nan vì chúng sanh mà bạch đức Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Hiện tại trong thế gian có vô số chúng sanh, xét riêng về loài người thì có người đẹp, kẻ xấu; người mạnh, kẻ yếu; người giàu, kẻ nghèo; người khổ, kẻ sướng; người sang, kẻ hèn; tâm ý, ngôn ngữ sai biệt. Lại có người sống đến trăm tuổi chưa chết, kẻ ba mươi đã mất, người mười lăm tuổi đã yểu mạng, kẻ chết từ trong bào thai. Có người tướng tốt đoan trang mà nghèo hèn, có kẻ tương xấu thô tháo lại giàu sang. Có người cương nghị mà địa vị hạ liệt, có kẻ nhu nhược mà ở địa vị cao quý. Có người nghèo khổ mà sống lâu, có kẻ giàu vui mà lại chết sớm. Có người làm lành mà gặp tai họa, có kẻ làm ác mà được lợi lộc. Có người mập trắng mà đôi mắt gian xảo, có kẻ gầy đen mà đôi mắt lại hiền từ. Có người thấp lùn mà đầy đủ ý khí, có kẻ cao lớn mà bị người sai khiến. Có người con cháu đông đúc, có kẻ lại cô đơn một mình. Có người xa quê lang thang đói lạnh tiều tuỵ, có kẻ được vào cung vua cơm áo dư thừa. Có người nhỏ thì nghèo hèn, về già lại được giàu sang. Có người sự thật là vô tội mà lại bị nạn tù đày. Có người cha hiền con hiếu đàm luận nghĩa Kinh. Có người anh em chống nhau, tranh cãi, gây sự. Có người định cư nhà cửa đầy đủ phương tiện, có kẻ du cư không nhà trôi nổi khắp nơi. Có người ở trên cây như chim, ngủ trong hang như nai, sống như cầm thú. Có người ăn lông ở lỗ, không biết chữ nghĩa. Có người ngồi không mà hưởng phước báo, có kẻ rong ruổi làm khách không nhà. Có người thông minh sáng suốt, có kẻ ám độn ngu si. Có người phải buôn bán mới được tiền tài, có kẻ không làm mà của cải tự đến. Có người giàu mà xan tham keo kiết, có kẻ nghèo lại ưa thích bố thí. Có người nói phô hoà kính, có kẻ phát lời gai gốc. Có người được thương kính, có kẻ bị xa lánh. Có người làm lành bảo vệ chúng sanh, có kẻ sát sanh không xiết. Có người tâm niệm rộng rãi được nhiều người thân cận, có kẻ bỏn sẻn bị thiên hạ bỏ rơi. Có những anh em thường ghét nhau, có những chị em dâu thường hoà thuận. Có người thích nghe Kinh pháp, có kẻ nghe Kinh lại buồn ngủ. Có người vũ phu vô lễ, có kẻ chuộng học lễ nghĩa.

Ngưỡng cầu Thế Tôn giảng rộng về nhân quả, đại chúng nghe hiểu sẽ nhất tâm hành thiện.

Đức Phật bảo A-nan: Như ông đã hỏi, sở dĩ đời này mọi người thọ báo không giống nhau, bởi lẽ đời trước họ dụng tâm sai khác nên khi lãnh thọ có ngàn sai vạn biệt:

* Đời này, người tướng tốt đoan chánh là do đời trước đã nhẫn nhục mà được, kẻ tướng xấu thô tháo là do sân hận gây nên.

– Người bần cùng là do xan tham, người cao quý là do lễ bái, kẻ hạ tiện là do kiên mạn.

– Người cao sang là do cung kính Tam bảo, kẻ thấp hèn là do khinh khi Phật pháp.

– Người hung dữ là do đời trước làm lang sói, kẻ đen gầy là do che ánh sánh của Phật.

– Người không có con cái là do giết hại chim non, kẻ nhiều con là do bảo vệ mạng sống cho chúng sanh.

– Người sống lâu là do lòng từ bi, kẻ chết sớm là do thường sát sanh.

– Người giàu to là do thích bố thí, kẻ nhiều xe ngựa là do dâng cúng xe ngựa cho Tam bảo.

– Người thông minh là do thường học hỏi, tụng Kinh; kẻ ám độn là do xuất thân từ súc sanh.

– Người làm tôi tớ là do quỵt nợ, kẻ hiếu động là do đời trước làm khỉ, vượn.

– Người bị ghẻ lở là do phá hoại Tam bảo; kẻ tay chân to nhỏ, ngắn dài không đều là do trói chân tay chúng sanh.

– Người sáu căn đầy đủ là do đã vâng giữ giới luật, kẻ sáu căn không đủ là do phá giới.

– Người có môi dính nhau là do nếm thức ăn trước khi dâng cúng.

– Người có mặt ửng đỏ là do tiếc nuối ánh sáng của lửa.

– Người có mắt như chim sẻ là do đã may mắt chim ưng.

– Người câm là do phỉ báng Phật pháp.

– Người điếc là do không thích nghe giảng Pháp.

– Người mũi tịt là do đốt hương hôi cúng Phật.

– Người sứt môi là do xỏ mang cá.

– Người tóc cháy là do quay heo.

– Người vành tai sức là do đâm lỗ tai.

– Người thân hình như rắn là do mặc quần áo mỏng đường đột đến trước tượng Phật.

– Người da đen là do để tượng Phật ở mái hiên bị khói xông.

– Người khập khễnh là do thấy Sư trưởng mà không đứng dậy.

– Người lưng gù là do mặc quần áo mỏng mà xây lưng với tượng Phật.

– Người trán vồ là do thấy Phật không lễ bái mà lấy tay vỗ trán.

– Người cổ ngắn là do thấy bậc Tôn trưởng lại rụt cổ rồi lánh đi.

– Người đau tim là do châm chích thân thể chúng sanh.

– Người bệnh cùi là do cướp đọat vật dụng của kẻ khác.

– Người bệnh suyễn là do mùa đông mà cho kẻ khác ăn thực phẩm nguội lạnh.

– Người bị bướu cổ là do ăn lén, ăn vụng.

– Người hơi thở hôi là do chửi rủa kẻ khác.

–  Người nam căn khiếm khuyết là do đã thiến chó.

– Người lưỡi ngắn là do ở chỗ vắng mắng lén bậc Tôn trưởng.

– Người có tánh xấu là do đời trước làm rắn, bò cạp.

– Người dơ bẩn là do đời trước làm heo.

– Người thích nhảy múa là do đời trước làm diễn viên

– Người tham lam nhiều là do đời trước làm chó.

– Người thường sân hận, kén ăn là do đời trước điên  cuồng.

– Người có đôi mắt bất chánh là do đời trước thường nhìn lén vợ con kẻ khác.

Đức Phật dạy tiếp:

* Người tà dâm với vợ hay con của kẻ khác chết đọa làm vịt, nguỗng.

– Người tà dâm trong vòng thân tộc, chết đọa làm chim sẻ.

– Người tiếc nuối Kinh sách, che dấu trí tuệ không cho kẻ khác, chết làm mối, mọt.

– Người thích mang cung tên, đi xe ngựa, chết đọa vào các nước man-di([16]), biên địa.

– Người thích săn bắn, sát hại, chết làm loài lang sói.

– Người thích cài trâm, giắt hoa, chết làm chim chào mào.

– Người thích mặc áo quần dài, chết đọa vào các loài đuôi dài.

– Người nằm mà ăn, chết đọa làm loài heo.

– Người thích mặc áo quần sặc sỡ, chết đọa làm loài chim nhiều màu sắc.

– Người giả giọng kẻ khác, chết đọa làm loài vẹt.

– Người hay trêu chọc, đùa giỡn, chết đọa làm loài trăn có nọc độc.

– Người hay làm kẻ khác phiền não một cách vô lý, chết đọa làm sâu bọ độc hại.

– Người hay báo những tin xấu, chết đọa làm chim cú.

– Người hay nói lời gây nên tai họa, chết đọa làm chồn, cáo.

– Người hay khủng bố kẻ khác, chết đọa làm hươu nai.

– Người hay mang guốc gỗ vào điện Phật, chết đọa làm các loài bị đóng móng chân.

– Người hay hạ phong, chết đọa làm con bọ hung.

– Người hay dùng chày cối của chúng Tăng, chết đọa làm con bửa củi.

– Người hay bớt xén thức ăn của kẻ khác, chết đọa làm côn trùng mổ gỗ.

– Người ăn trộm nước của chúng Tăng, chết đọa làm cá rùa.

– Người làm bẩn đất chúng Tăng, chết đọa làm côn trùng ở cầu tiêu.

– Người trộm cướp hoa quả của chúng Tăng, chết đọa làm côn trùng ăn bùn đất. Trộm cắp tài sản của chúng Tăng, chết đọa làm loài bò, lừa kéo cối xay. Cưỡng đọat vật dụng của chúng Tăng, chết đọa làm chim bồ câu. Mắng chửi chúng Tăng, chết đọa làm côn trùng ở cổ con bò. Ăn rau cải của chúng Tăng, chết đọa làm sâu ở cấy nghễ. Ngồi trên gường  chúng Tăng, chết đọa làm con giun đất. Dùng những vật liệu lặt vặt của chúng Tăng, chết đọa làm con thiêu thân.

– Người mang trâm bằng xương vào chùa chết làm chim mỏ dài. Vào chuà, xoa son, bôi phấn, chết đọa làm chim mỏ đỏ. Vào chùa, mặc áo quần sặc sỡ, chết đọa làm chim màu vàng. Vợ chồng ngủ trong Chùa, chết đọa làm côn trùng có mào màu xanh. Ngồi duỗi chân ở Tháp Phật, chết đọa làm lạc đà. Mang giày dép vào Tịnh Xá, vào Tháp chết đọa làm con ếch. Nghe pháp nói xàm, chết đọa làm con chim trăm lưỡi. Làm ô uế Tỷ-kheo ni thanh tịnh, chết đọa vào địa ngục hầm sắt, có ngàn vạn vòng đao cùng chặt chém thân thể.

Bấy giờ, ngài A-nan bạch đức Phật: Như lời Thế Tôn dạy, tội chướng của con người thật là sâu nặng. Như vậy, người đến Chùa cần phải làm gì để có công đức?

Đức Phật bảo: Những người đến Chùa có hai thứ tâm niệm, một là tâm thiện, hai là tâm ác.

Thế nào là tâm thiện?

– Người đến Chùa nếu thấy Phật thì lễ bái, thấy Tăng thì cung kính, thưa hỏi nghĩa Kinh, thọ Giới, sám hối, bỏ tài vật phụng sự Tam bảo, hộ trì đại Pháp không tiếc thân mạng. Người như vậy bước một bước là đến thiện xứ, đời sau được quả báo như cây Đề-ca. Đây gọi là người lành tối thượng.

Thế nào là tâm ác?

– Người đến Chùa kề cạnh chúng Tăng để xin vật này, mượn vật nọ; hoặc tìm điều hay điều dở của chúng Tăng để phá hoại. Hoặc dùng thức ăn của chúng Tăng không biết xấu hổ, hay lấy các thứ bánh trái, rau cải, thức ăn giấu giếm đem về nhà. Những người như thế, chết đọa vào địa ngục viên sắt nóng, nước sôi, lò than, núi đao, rừng kiếm. Đây gọi là người ác tột cùng.

Đức Phật bảo A-nan: Hãy răn dạy hàng đệ tử đời sau của Ta, phải cẩn thận đối với Tam bảo, chớ phạm những lỗi lầm trên, hết lòng chí thành sùng bái, chớ sanh tâm thối lui. Nếu nghe lời Ta, khi ngài Di Lặc xuất thế chắc chắn sẽ được hoá độ.

Đức Phật lại dạy tiếp:

*  Đời này lột áo kẻ khác, chết đọa vào địa ngục giá lạnh, sau đó lại sanh làm loài tằm bị luộc rồi kéo tơ.

– Đời này không thắp đèn để chiếu sáng Kinh Tượng, chết đọa vào địa ngục đèn tối của Thiết Sơn.

– Đời này nấu, giết, chặt  đứt thân mạng của chúng sanh, chết đọa vào núi đao, rừng kiếm.

– Đời này đuổi bắt chim, chó hoặc săn bắn, chết đọa vào địa ngục cưa sắt.

– Đời này làm nhiều hạnh tà vạy, chết đọa vào địa ngục giường sắt, cột đồng.

– Đời này cưới nhiều vợ, chết đọa vào địa ngục cối xay bằng sắt.

– Đời này lấy nhiều chồng, chết đọa vào địa ngục rắn độc.

– Đời này nấu, thiêu gà; chết đọa vào địa ngục sông tro.

– Đời này nấu, thiêu vịt, heo; chết đọa vào địa ngục nước sôi.

– Đời này thiến chó hoặc heo, chết đọa vào địa ngục đá nhọn.

– Đời này uống rượu say sưa, cuồng loạn; chết đọa vào địa ngục uống nước đồng sôi.

– Đời này chặt đứt thân mạng chúng sanh, chết đọa vào địa ngục bánh xe sắt.

– Đời này trộm trái cây của chúng Tăng, chết đọa vào địa ngục nuốt viên sắt nóng.

– Đời này ăn thịt heo, chó; chết đọa vào địa ngục phẩn, tiểu.

– Đời này ăn cá sống, chết đọa vào địa ngục núi đao, rừng kiếm.

– Đời này làm mẹ kế hà khắc con chồng, chết đọa vào địa ngục xe đốt nóng.

– Đời này nói hai lưỡi gây rối loạn, chết đọa vào địa ngục cày sắt.

– Đời này ác khẩu mắng người, chết đọa vào địa ngục rút lưỡi.

– Đời này nói láo nhiều, chết đọa vào địa ngục đinh sắt.

– Đời này sát sanh để dâng cúng quỷ thần, chết đọa vào địa ngục chày sắt.

– Đời này làm phù thuỷ nói dối gạt người lấy của, chết đọa vào địa ngục núi đá.

– Đời này làm phù thuỷ cố tình gạt người, nói rằng, lên trời tìm linh hồn người chết; người chết đọa vào địa ngục chặt lưng.

– Đời này làm phù thuỷ dạy người sát sanh đề cầu  thần linh, cầu thần hoàng, thổ địa hay cầu quỷ mị.v.v đều là dối gạt kẻ ngu; chết đọa vào địa ngục búa chặt; bị ngục tốt chém, bị loài chim mỏ sắt móc mắt.

– Đời này làm phù thuỷ chôn cất người, đoán điềm họa phước, cát hung của dòng họ, an định vườn nhà, yểm chết trùng, trù tai họa dối gạt kẻ ngu lấy của. Những người như thế, chết đọa vào địa ngục sắt đồng, có nhiều chim thú dữ bu quanh thân thể, khoét móc da thịt, gân xương, thống khổ vô cùng.

– Đời này làm thầy thuốc đoán sai bệnh, gạt kẻ khác lấy của; chết đọa vào địa ngục kim châm, toàn thân phát cháy.

– Đời này phá hoại Chùa, Tháp, hành hạ Tăng Ni, bất hiếu cha mẹ, chết đọa vào địa ngục A-tỳ. Trước hết phải trải qua tám địa ngục lớn, một trăm ba mươi sáu địa ngục nhỏ, sau đó rơi vào địa ngục A-tỳ một kiếp, hai kiếp hay năm kiếp mới được thoát ra. Nếu may mắn được gặp thiện tri thức để phát tâm Bồ-đề, trái lại bị rơi vào địa ngục.

– Đời này phá Tháp, huỷ Chùa, dấu tài sản của Tam bảo để  tiêu xài, chết đọa vào địa ngục A-tỳ. Ra khỏi địa ngục thì làm thân súc sanh, như chim bồ câu, chim sẻ, vịt, le le, chim két, chim sẻ xanh, cá, rùa, khỉ, nai, hươu. Nếu được sanh làm người thì làm dâm nữ hay bị lại cái (bán nam bán nữ).

– Đời này ưu thích sân hận, chết đọa làm rắn độc, sư tử, cọp, sói, gấu, mèo rừng, chim ưng, diều hâu.

– Đời này ưu thích nuôi heo, gà; chết đọa làm cai ngục.

– Đời này ngu si, không hiểu đạo lý; chết đọa làm voi, heo, bò, dê, trâu, chí, rận, kiến, muỗi.v.v.Nếu được làm người thì bị điếc, mù, câm, gù, cụt, què, các căn không đủ, không thể nghe Phật pháp.

– Đời này kiêu mạn chết đọa làm côn trùng ở nhà xí, hoặc làm lạc đà, lừa, ngựa, chó ngao. Nếu được làm người thì làm tôi tớ, bần cùng, ăn xin, bị người khinh khi.

– Đời này làm quan ỷ thế lấy tài sản của dân, chết đọa vào địa ngục núi da, trăm vạn người lột da để ăn.

– Đời này ưa thích bắt kẻ khác đứng để chết, khi chết đọa làm voi trắng, chân thẳng không nằm ngủ được.

– Đời này phá trai, ăn ban đêm, chết đọa làm ngạ quỷ, trăm ngàn vạn năm không được ăn uống, khi bước đi đầu lóng chân bốc lửa.

– Đời này ưa thích ngồi loã hình, chết đọa làm loài cú vọ.

– Đời này giấu thực phẩm trai phạn để ăn lén, chết đọa vào địa ngục sắt nóng; nếu được làm người thì bị bệnh nghẹt yết hầu, chết yểu.

– Đời này lễ Phật không sát đất, chết đọa vào địa ngục treo ngược; nếu được làm người thường bị kẻ khác lường gạt.

– Đời này lễ Phật không chắp tay, chết sanh vào vùng biên địa, làm gì thì mất nhiều công sức mà chẳng có thu hoạch.

– Đời này chấp tay cao lễ Phật, chết đọa vào địa ngục bị trói, bị treo; nếu được làm người thường gặp tai nạn bất ngờ.

– Đời này chắp tay, chí tâm lễ Phật sát đất, chết được sanh chỗ tôn quý, có nhiều điều vui.

– Đời này nghe chuông không ngồi dậy, chết đọa làm con rắn thân dài lớn, bị các loài côn trùng rúc rỉa.

– Đời này bênh vực vợ (chồng), mắng chửi cha mẹ, chết đọa vào địa ngục bị cắt lưỡi.

-Đời này thêm nước vào rượu để bán, chết đọa làm côn trùng trong nước; nếu được làm người thì bị trướng, chết ngạt.

Đức Phật dạy tiếp:

*  Người thân thể cao to, mạnh mẽ mà sân hận khó bỏ là do đời trước làm lạc đà.

– Người thích đi, ăn nhiều, gặp chỗ nguy  hiểm không tránh là do đời trước làm ngựa.

– Người chịu được nóng lạnh mà tâm vô ký là do đời trước làm bò.

– Người cống cao không biết xấu hổ, nghĩ nhiều về luyến ái, không biết phải quấy là do đời trước làm lừa.

– Người thích ăn thịt, làm việc không sợ sệt là do đời trước làm sư tử.

– Người thân cao lớn, mắt tròn, thích đi chỗ vắng vẻ, ganh ghét vợ (chồng) con là do đời trước làm cọp.

– Người lông dài, mắt nhỏ, không thích ở một chỗ là do đời trước làm chim.

– Người tánh tình lật lường, thích sát hại chúng sanh là do đời trước làm chồn, cáo.

– Người mạnh mẽ, ít dâm dục, không yêu thương vợ (chồng) con là do đời trước làm lang sói.

– Người không thích mặc đẹp, thường  bắt kẻ gian, giận nhiều, ít ngủ là do đời trước làm chó.

– Người dâm ô, thường bàn chuyện người yêu là do đời trước làm chim két.

– Người thích ở chỗ đông đúc, lời nói phần nhiều làm phiền não kẻ khác là do đời trước làm chim bồ chao.

– Người thân nhỏ, tính dâm, tâm không ổn định, thấy sắc đẹp bị mê hoặc là do đời trước làm chim sẻ.

– Người có mắt đỏ, răng ngắn, khi nói hay khạc nhổ, khi ngủ nằm cuốn tròn là do đời trước làm rắn.

– Người nói phô thường nóng giận, không hiểu nghĩa hay phát lửa sân là do đời trước làm bò cạp.

– Người sống riêng lẻ, ăn nhiều, đêm ít ngủ là do đời trước làm mèo rừng.

– Người thường đục tường ăn trộm, tham tài, không có thân thuộc là do đời trước làm chuột.

Đức Phật dạy A-nan: Ta đã nói rằng, tất cả những khổ đau đều do hành động (nghiệp) của mười điều ác. Nghiệp ác nặng nhất thì đọa vào địa ngục, nghiệp ác trung bình thì đọa làm súc sanh, nghiệp ác nhẹ hơn thì đọa làm ngạ quỷ.

Trong đây:

+ Tội sát sanh đẩy đưa chúng sanh đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Nếu được làm người thì bị hai thứ quả báo: một là chết yểu, hai là nhiều bệnh.

+ Tội trộm cướp đẩy đưa chúng sanh đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Nếu được làm người thì bị hai thứ quả báo: một là nghèo hèn, hai là tài sản bị tịch thu, không tiêu xài được.

+ Tội tà dâm cũng bị đọa vào ba ác đạo (địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ). Nếu được làm người thì bị hai thứ quả báo: một là vợ (chồng) không trung thành, hai là vợ (chồng) tâm ý bất hoà, hay cãi lộn nhau.

+ Tội vọng ngũ cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ quả báo: một là thường bị phỉ báng, hai là thường bị nhiều người lường gạt.

+ Tội nói hai lưỡi cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm thân người thị bị hai thứ quả báo: một là quyến thuộc bị phá hoại, hai là quyến thuộc hung dữ.

+ Tội ác khẩu cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ quả báo: một là thường nghe tiếng dữ, hai là nói gì thường bị cãi lại.

+ Tội ỷ ngữ cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thị bị hai thứ quả báo: một là nói điều gì đúng cũng không được ai tin, hai là nói gì cũng không thông tình đạt lý.

+ Tội dâm dục cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thị bi hai thứ quả báo: một là tham của cải không biết chán, hai là ham muốn nhiều mà không được toại nguyện.

+ Tội sân nhuế cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thị bị hai thứ quả báo: một là thường bị kẻ khác moi móc, hai là thường bị kẻ khác não hại.

+ Tội tà kiến cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ quả báo: một là thường bị sanh vào gia đình tà kiến, hai là tâm thường siểm nịnh.

+ Các Phật tử! Đó là con đường mười tội ác, là nhân duyên hội tụ các điều đau khổ.

Bấy giờ, trong hội chúng có những người đã làm mười điều ác ấy, được nghe đức Phật dạy về những quả báo khổ đau ở địa ngục, đều rống khóc và bạch đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn

chúng con phải làm những việc lành gì để tránh khỏi những khổ đau ấy?

Đức Phật dạy: Nên bảo tất cả chúng sanh cùng làm việc phước. Thế nào là việc phước?

*   Nếu chúng sanh nào, đời này làm đại Hóa chủ như lập Chùa, xây Tháp thì đời sau chắc chắn sẽ làm Vua thống lãnh vạn dân, đi đâu cũng được mọi người phục tùng.

– Đời này làm Thị Trưởng trung chánh, làm Duy na([17]) hay Luận chủ([18]) thì đời sau sẽ làm Vương thần, Tướng soái thống lãnh

cả châu bộ, đầy đủ mọi y phục, xe ngựa; các phương tiện cần thiết tự nhiên sung mãn.

– Đời này  hướng dẫn mọi người làm các công đức thì đời sau sẽ làm trưởng giả giàu sang, được tôn kính, mọi việc làm đều thuận tiện, không bị trái chống.

– Đời này thắp đèn và bảo vệ ánh sáng thì đời sau sẽ được sanh lên cõi trời Nhật nguyệt, thân thể phát chiếu ánh sáng rực rỡ.

– Đời này ưa thích bố thí với tâm từ bi và bảo hộ chúng sanh, thì đời sau sẽ ở chỗ nào cũng được giàu sang, y phục thực phẩm đầy đủ.

– Đời này ưa thích bố thí thực phẩm cho mọi người thì đời sau sanh ở chỗ nào, thực phẩm tự đến, sức khỏe và sắc đẹp hoàn hảo, thông minh biện tài, tuổi thọ dài lâu. Nếu bố thí cho súc sanh thì phước báo gấp trăm lần. Bố thí cho Nhất xiển-đề([19]) thì phước báo gấp trăm ngàn lần. Bố thí cho Pháp sư giảng pháp Đại thừa, trình bày những tạng bí mật của Như Lai, giúp đại chúng phát khởi trí tuệ thì hưởng phước báo vô lượng. Bố thí cho đức Phật, Bồ-tát thì hưởng phước báo vô tận. Lại nữa, bố thí cho ba đối tượng này cũng hưởng được phước báo vô cùng tận. Đó là: thứ nhất, chư Phật; thứ hai, cha mẹ; thứ ba, người bệnh. Chỉ cần bồ thí một bữa ăn, phước báo đã vô lượng rồi, huống gì thường xuyên bố thí phước báo làm sao cùng tận được.

– Đời này ưa thích tán thán, đọc tụng Kinh pháp sẽ được giọng nói hoà nhã, diệu hiền, ai nghe cũng hoan hỷ.

– Đời này ưa thích trì giới sẽ được sanh vào gia đình đoan chánh hoàn hảo.

– Đời này ưa thích đào giếng nơi công cộng, đặt nước uống dọc đường, trồng cây gây bóng mát; đời sau sẽ được làm Vua, đồ ẩm thực trăm vị tùy sở thích, muốn là có ngay.

– Đời này ưa thích in chép Kinh điển, phổ biến cho mọi người đọc, sẽ được sanh làm người biện tài, Phật pháp vừa nghe liền thông đạt, thường được chư Phật, Bồ-tát hộ trì. Đây là người tối thắng, thường làm thượng thủ.

– Đời này ưa thích làm cầu, làm thuyền đưa người sang sông, sẽ được sanh vào gia đình đầy đủ bảy vật báu, mọi người ai cũng cung kính, chiêm ngưỡng, vui mừng, đi đâu cũng được mọi người hộ vệ.

Đức Phật bảo A-nan: Như Ta đã nói nhân quả của từng vấn đề trong Kinh để khuyên chúng sanh đọc tụng, tu hành nhằm thoát khỏi khổ đau, tai nạn. Nếu ai nghe Kinh này mà khinh chê thì lưỡi người ấy rụng liền trong đời này.

Bấy giờ, ngài A-nan bạch đức Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này gọi là gì? Làm sao để tu tập?

Đức Phật bảo A-nan: Kinh này tên là Nhân Quả Thiện Ác, Cũng gọi là kinh Bồ-tát phát nguyện Tu Hành; cứ như vậy mà thọ trì.

Khi đức Phật giảng kinh này xong, trong hội chúng có tám vạn người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trăm ngàn người nữ chuyển thành nam tướng, một ngàn hai trăm người ác độc chuyển thành người thiện lương, chứng quả Vô sanh nhẫn, luôn được an lạc tự tại. Những người sau này khi chết được sanh về các Tịnh độ, làm bạn với chư Phật, Bồ-tát.

Đến đây, tất cả đại chúng trở về trú xứ của mình và thực hành lời dạy của đức Phật.

 

*********

 

[16] Hán Việt Từ Điển-Nguyễn Văn Khôn, trang 576. Man-di là những kẻ mọi rợ, mán rợ, thô lỗ

[17] Còn gọi là Đô duy na, Duyệt chúng, Tư hộ, Tri sự la chức vụ quản lý, điều hành và lo các việc của đại chúng trong chùa.

[18] Tác giả của một bộ luận, là người thông đạt nghĩa lý.

[19] Từ Điển Huệ Quang, tập IV, trang 3269: Nhất xiển-đề-ca, Nhất-điên-ca, Nhất-xiển-đề-ca, Xiển-đề – Hán dịch là: Đoạn thiện căn,Tín căn bất cụ, Cực dục, Đại tham, vô chủng tính, Thiêu chủng – người mất hết căn lành, không có điều kiện thành Phật.

 

PHỤ BẢN

NHỮNG ĐIỀU PHẬT TỬ CẦN TRÁNH

 

Đọc xong kinh Nhân Quả Thiện Ác, chúng ta đã nhận ra rằng, mọi sự may hay rủi, hạnh phúc hay khổ đau xảy đến cho con người là kết quả của hành động thiện hay ác mà con người đã làm trong quá khứ hoặc gần hoặc xa; chứ không do bất cứ một vị thần linh nào ban phước giáng họa. Hiểu như vậy là chánh kiến, tin như vậy là chánh tín; ngược lại là tà kiến, tà tín.

Dù đức Phật chỉ dạy nhân quả rõ ràng như thế, nhưng trong sinh hoạt của các giới Phật tử hiện nay vẫn còn tồn đọng những tín ngưỡng phi Phật giáo, như: cúng Sao giải Hạn, thờ Thần Tài, Thổ Địa, thờ Trang Ông, Trang Bà, trị Điên trừ Tà; cúng Quan Sát, Thành thai; sai Đồng, sai Vía, sai Phan, xin Xăm, bói Quẻ; xem tử vi, chỉ Tay; đốt Vàng Mã cho người Âm; dùng Nộm, Ảnh thế cho sinh mạng, tin đau ốm là do người Âm bắt v.v. Đây là nhừng niềm tin, những hành động hoàn toàn không phải của đạo Phật.

Dưới đây, cúng tôi xin phân tích và giải thích một số niềm tin nêu trên để làm tiêu biểu:

I- Tin đau ốm là do người âm bắt:

Thông thường, khi một người bị bệnh có những hiện tượng bất thường, như: khi mệt, khi khỏe, khi nóng, khi lạnh; khi mê khi tỉnh; khi ăn uống được, khi không ăn uống được, hoặc bệnh dằng dai nhiều ngày hay sáng bệnh chiều lành, đêm đau ngày khỏe v.v. đã dùng nhiều loại thuốc mà không thấy giảm bệnh. Trong trường hợp này, những thân nhân và chính người bệnh thường nghĩ rằng, bệnh này là do người âm bắt bớ; như Tần cây, Thần am, hay do Tổ tiên, Ông bà v.v.

Do nghi như vậy, tin như vậy nên gia đình người bệnh đã xin Xăm, bói Quẻ ở Đền này, hầu bóng ở Am kia, mỗi nơi một cách, hoặc do những vị Ngoại càng Ngoại cảnh quở phạt, hoặc do Ông bà nội thân trách giận. Mỗi lần xem bói là một lần khấn đảo, một lần trả lễ, và bệnh nhân được ban đeo bùa này, uống nước phép nọ … nhưng kết quả thông thường là “ Tiền mất tật lưa” ( mang)

Nơi đây, chúng tôi không bàn đến việc tốn kém tiền bạc và bệnh lành hay không lành, mà xác định rằng: Một phật tử chân chánh, có chánh tín, chánh kiến thì không bao giờ hành động như vậy. Bởi lẽ, người Phật tử chân chánh là người sống trung thực với lời đức Phật dạy. Sự trung thực đầu tiên và tối thiểu nhất là sống đúng với lời thề nguyện khi phát tâm quy y Tam bảo. Ba câu thề nguyện ấy là:

– Đệ tử quy y Phật rồi, không còn quy y Trời, Thần, Quỷ, Vật.

– Đệ tử quy y Pháp rồi, không còn quy y tà giáo của các ngoại đạo.

– Đệ tử quy y Tăng rồi, không còn quy y tà Sư, ác đảng.

Đây là những lời thề nguyện làm khởi điểm cho tiến trình tu tập, và cũng là lý tưởng sống, lập trường sống của một người Phật tử. Nếu Phật tử nào giữ được sự thệ nguyện tối thiểu ấy, thì tương lai chắc chắn sẽ hưởng được phước báo, là không bị đọa vào tam đồ ác đạo. Phước báo ấy cụ thể như sau:

– Đã quy y Phật thì không bị đọa địa ngục.

– Đã quy y Pháp thì không bị đọa ngạ quỷ.

– Đã quy y Tăng thì không bị đọa súc sanh.

Một người phật tử chỉ cần giữ được chữ tín về sự thề nguyện này đã được phước báo lớn lao như thế, huống gì tu tập thêm các pháp khác, như Bố thí, Trì giới, Thiền định v.v. Trái lại, một phật tử không tuân thủ lời thề nguyện ấy mà tin tưởng, nương tựa vào Trời, Thần, Quỷ, Vật … là tự đánh mất phước báo của mình trở thành người bội tín, người vọng ngôn với Tam bảo, và cuối cùng không tránh khỏi đọa lạc vào ba đường ác.

Vậy thì, một phật tử chánh tín khi chính mình hoặc người thân bị bệnh cần giải quyết như thế nào?

Đã là người chánh tín hẳn nhiên là người có chánh kiến. Nên hiểu rằng, con người là một trong sáu loài chúng sanh ( Trời, A tu la, Người, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục) đang bị sanh tử luân hồi, đang bị sanh, lão, bệnh, tử chi phối, thì bị quả báo ốm đau là việc tất nhiên, không thể không có. Nói khác hơn, do hiểu rằng, con người đã và đang tạo ra các nhân; cho nên con người đã và đang thọ nhận kết quả của các nhân ấy. Đau ốm là kết quả do nhân sát sanh hại mạng gây nên, đó là sự thật.

Nhờ hiểu rõ nhân quả như vậy, nên người phật tử chánh tín cũng dựa vào nhân quả để giải quyết sự ốm đau đó. Tức là, thực hiện nhân quả hiền thiện để hóa giải những nhân quả xấu ác.

Cách giải quyết ấy, nói đơn giản có hai hướng:

1/ Hướng cụ thể: Trong đạo Phật, muốn giải quyết việc gì thì cần phải nắm rõ nguyên nhân của nó, khi ấy mới chọn được phương pháp giải quyết thích ứng. Cho nên, việc tổng và trước tiên là tìm hiểu để xác định, người đang ốm là thân bịnh hay tâm bịnh.

– Nếu là thân bịnh: Thân bịnh là do tứ đại hay sinh lý không điều hòa, muốn chữa trị có thể theo Tây y hoặc Đông y. Bệnh nhân đau ở bộ nào thì nên tìm đến những thầy thuốc chuyên trị về bộ phận ấy. Thầy thuốc với sở trường của mình sẽ tìm ra nguyên nhân gây bệnh và sẽ cho thuốc triệt tiêu nguyên nhân gây bệnh ấy, khi nguyên nhân gây bệnh bị triệt tiêu thì bệnh lành.

– Nếu tâm bệnh: Tâm bệnh là do sự xáo trộn hay bị sốc về tình cảm hoặc tư tưởng. Muốn chữa trị cần đưa người bệnh đến các nhà tâm lý học hay những người có kinh nghiệm về tâm lý. Những người này sẽ có cách tìm ra nguyên nhân gây bệnh, đồng thời sẽ có phương án giúp bệnh nhân chế ngự  và hàng phục nguyên nhân ấy, giúp bệnh nhân trở lại bình thường.

Cần nói thêm rằng, thân và tâm luôn tương quan mật thích với nhau; cho nên khi tâm bệnh thì sẽ làm cho thân bệnh và ngược lại. Do vậy, như đã nói ở trên, khi chữa bệnh cần nắm rõ gốc của bệnh là thân hay tâm để điều trị cho chính xác.

2/ Hướng siêu hình: Theo đức Phật dạy, mỗi người đã từng trôi lăn trong tam giới, hết sanh rồi tử, tử rồi sanh, trải qua vô số kiếp từ quá khứ lâu xa đến hiện tại. Với chuổi thời gian dài vô số ấy, xét về tội ác mà con người đã làm thì không thể kể xiết; nghĩa là con người đã tự dựng lên vô lượng nhân ác độc, đẻ rồi tự mình đã và đang thọ nhận những quả báo xấu xa, đau khổ. Đơn giản để nói, quả báo ấy có hai mặt:

– Mặt nội tại: Đại khái đã nói, tất cả những nhân ác độc đã làm trong quá khứ sẽ dẫn đến hai quả báo xấu ác cho người ấy trong hiện tại.

Thứ nhất là chánh báo xấu ác, tức thân thể và tâm lý gặp nhiều trở ngại, gian nan; như hay bị đau ốm, buồn rầu, sân hận, sự nghiệp lận đận v.v. Thứ hai là y báo xấu ác, tức môi trường sinh sống thiếu thốn, bức bách đủ điều; như thời tiết khắc nghiệt, thực phẩm tệ hại, mọi người xung quanh điều ác dữ v.v.

– Mặt ngoại tại: trong vô lượng nhân ác độc đã làm trong quá khứ, có rất nhiều tội ác về sát sanh hại mạng. Những kẻ bị giết luôn mang oán hận và tìm mọi cách để báo thù người đã giết mình. Những kẻ rình rập để báo thù ấy gọi là “oan gia trái chủ”. Và, nếu có cơ hội họ sẽ báo thù để trả hận bằng nhiều cách; như gây bệnh tật, gây chết oan, chết yểu hay gây thân bại danh liệt, tán gia bại sản v.v.

Vậy, phương pháp giải quyết hai quả báo xấu ác nội tại và ngoại tại này như thế nào?

– Nếu là một Phật tử chánh tín, chánh kiến thì hiểu rất rõ phương pháp giải quyết này. Đó là, bệnh nhân cần thành khẩn phát tâm bái sám, sám hối những tội lỗi đã làm trong quá khứ, nguyện không dám tái phạm nữa, nhất là tội sát sinh hại mạng. Sự bái sám này không phải chỉ một lần, hai lần mà phải nhều lần, nhiều bao nhiêu thì kết quả càng lớn bấy nhiêu. Song song với sự bái sám, bệnh nhân còn phải thành tâm tu tập các phước đức khác, như phóng sanh, bố thí, ấn tống Kinh điển, giữ gìn giới luật đã thọ v.v. Bên cạnh, người thân bệnh nhân cũng phải chân thành trợ duyên những việc làm ấy cho bệnh nhân để sớm có kết quả. Cần chú ý rằng, trọng tâm của những việc làm trên là sự chí thành, và tất cả việc làm ấy cần được Tam bảo chứng minh; sau dó hồi hướng cho hết thảy chúng sanh, nguyện cầu tất cả mọi oán kết đều được giải tỏa và mọi báo chướng, nghiệp chướng, sở tri chướng đều được tiêu trừ.

Tóm lại, cách giải quyết mọi bệnh tật của một Phật tử là áp dụng giáo lý Nhân quả vào cuộc sống. Tức là luôn luôn thực hiện mọi điều lành để hóa giải, trừ diệt các điều ác đã làm trong quá khứ. Thực hành hai hướng: cụ thể và siêu hình nói trên để trị bịnh, chính là áp dụng giáo lý Nhân quả, chính là vâng lời đức Phật dạy. Một Phật tử có hướng sống như thế, là người chánh tín, sẽ đón nhận được phước báo tốt đẹp trong hiện tại và mai sau.

II- Tin Xăm, Quẻ:

Đây là niềm tin rất phổ biến ở nhân gian, trong đó không ít người là những Phật tử.

Xăm thì có xăm Quan âm, xăm Thánh Mẫu, xăm Quan Thánh (Quan Công)… Quẻ thì có quẻ Khổng Minh, quẻ Bát Quái, quẻ Âm Dương (hai đồng tiền một đen một trắng)… Xăm quẻ là do con người tự đặt chứ không phải tác phẩm của một vị Thánh, vị Thần nào cả.

Xin xăm, bói quẻ được sử dụng trong phạm vi khá rộng rãi và được những người tin tưởng thực hành nhiều nhất vào tháng giêng mỗi năm. Người xin xăm quẻ, trong trường hợp gia đạo bình an, thân tâm khỏe mạnh là để cầu biết sự thịnh suy, tốt xấu của dòng họ, gia đình và bản thân…trong năm ấy như thế nào; trong trường hợp gia đạo bất an, thân tâm bệnh tật là để biết đang bị vương vấn ở chỗ nào hay bị người Âm quở trách để khấn vái, trả lễ v.v.

Với niềm tin này, nhất là đối với người Phật tử thì rất sai lầm, sai với lời dạy của đức Phật, sai với sự thật nhân quả và làm trái ngược lại với lời thệ nguyện khi quy y Tam bảo (đã nói ở điểm I); đông thời, chẳng giải quyết được điều gì mà còn bị rơi vào tà tín, tà đạo.

Khách quan để nói, những người xem xăm, đoán quẻ thỉnh thoảng họ cũng đoán đúng những sự kiện đã và sẽ xảy ra của gia chủ. Tuy nhiên sự đoán đúng đó cũng chẳng đem lại lợi ích thật sự nào cho gia chủ cả, huống gì phần nhiều là đoán sai. Kết quả của sự đoán đúng hay sai này chỉ dẫn đến những nỗi buồn lo, vui mừng cho những ai thiếu chánh kiến mà thôi.

Với người có chánh kiến, chánh tín thì sẽ thấy rõ rằng, cuộc đời của mỗi người là sự biểu hiện sự vận hành nhân quả của chính họ. Mọi hiện tượng xảy ra trong đời sống dù đau khổ hay vui sướng, dù may mắn hay rủi ro; chính là quả báo mà họ đã tạo ra trong quá khứ hoặc gần hoặc xa (tự tác tự thọ). Do vậy, sự đoán đúng hay sai ấy chẳng thay đổi được gì sự thật của nhân quả; ngược lại, cả người đoán xăm quẻ lẫn gia chủ cùng dẫn nhau vào con đường sai lầm, tà đạo.

Nơi đây cũng cần nhấn mạnh rằng, những người xem Xăm, đoán Quẻ ấy là ai? Phải chăng họ là Phật, Bồ-tát? Và, sách Xăm, Quẻ có phải do đức Phật dạy không? Có phải là kinh điển của đạo Phật không? Cho nên, đã là phật tử thì phải nghe lời đức Phật dạy và sống đúng với lời dạy ấy, mới chuyển bệnh tật, khổ đau…thành mạnh khỏe, an lạc v. v. Nội dung chuyển xấu thành tốt này đức Phật đã dạy trong kinh Nhân Quả Thiện Ác. Tức là, hãy gieo nhân tốt trong hiện tại nhằm hóa giải nhân xấu đã làm trong quá khứ để  được thọ hưởng quả báo tốt lành trong hiện tại và tương lai.

III- Tin Sao, Hạn:

Niềm tin sao hạn này vốn không nằm trong giáo lý đạo Phật, nhưng từ lâu đã có mặt trong sinh hoạt của hai giới Phật tử tại gia và xuất gia. Vậy, nguyên nhân của vấn đề này là như thế nào?

Đại khái, nguyên nhân niềm tin sao hạn xâm nhập vào đạo Phật như sau:

-Theo các sách viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam, các tác giả đều thống nhất rằng, các triều đại Đinh (968-980)-Lê (Tiền Lê, 980-1009)-Lý (1010-1225)- Trần (1225-1400) là thời vàng son của Phật giáo, các Vua Quan đều dựa vào giáo lý đạo Phật để cai trị đất nước và hướng dẫn nhân dân. Tuy vậy, thời Lý-Trần vẫn chủ trương “Tam Giáo Đồng Nguyên”- (đạo Phật, đạo Lão và đạo Nho có cùng một gốc). Thế rồi, đến cuối đời nhà Trần (cuối thế kỷ XIV), kế tiếp là triều đại nhà Hồ (1400-1407)([20]), nhà Hậu Lê (1428-1527) và nhà Nguyễn([21]), là giai đoạn Phật giáo bị suy thoái và suy thoái trầm trọng. Hiện tượng suy thoái này đại khái có ba nguyên nhân:

1/ Nhà Minh cướp đọat mọi Kinh điển của Phật giáo đem về Trung Hoa và truyền bá các tập quán, các tín ngưỡng của họ vào Việt Nam.

2/ Vua Quan Việt Nam coi trọng Nho giáo, các nhà Nho có cơ hội bài xích Phật giáo.

3/ Về nội bộ Phật giáo, hàng xuất gia thì thiếu các bậc cao Tăng thạc đức, thực tu thật chứng; hàng tại gia lại thiếu các Cư sĩ thâm tín Phật pháp, hộ trì Tam bảo.

Đây là ba nguyên nhân chính làm Phật giáo suy yếu kéo dài trên sáu trăm năm và còn ảnh hưởng cho đến bây giờ. Đồng thời cũng là thời gian mà những tín ngưỡng, những hình thức sinh hoạt của Lão giáo, Nho giáo và các tập tục thế gian pha trộn vào Phật giáo. Những hiện tượng pha trộn ấy rất nhiều, việc tin sao hạn và các điểm chúng tôi dẫn chứng ở trước chỉ là những điểm tiêu biểu mà thôi.

Trở lại vấn đề sao hạn, niềm tin sao hạn là tin rằng, trên trời có chín vị Thần sao luân phiên quản lí sinh mạng con người. Chín Thần sao ấy có tên là: La Hầu, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm và Mộc Đức. Kể từ mười tuổi trở lên, mỗi năm con người sẽ bị chi phối bởi một vị Thần sao. Tuy vậy, dù cùng một tuổi nhưng Thần sao của Nam và Nữ lại khác nhau. Chẳng hạn, cùng năm mươi ba tuổi, nam là sao Thái Âm mà nữ là sao Thái Bạch.

Thông thường, những người tin theo sao hạn, năm nào gặp sao La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch thì họ rất lo sợ vì cho rằng, ba sao ấy rất hung dữ và xui xẻo. Tuy nhiên, theo sách Sao Hạn, trong chín sao thì chỉ có sao Môc Đức là hiền lành. Điều này được nêu rõ trong bài Cửu Tinh Thi như sau:

La Hầu chánh, thất kiến hung tai.

Thổ Tú, Thuỷ Diệu tứ, bát ai.

Thái Bạch, Kim Tinh ngũ nguyệt kỵ.

Thái Dương lục, cửu thất tiền tài.

Vân Hớn nhị, bát đa hao tổn.

Kế Đô tam, cửu mạng thương thai.

Thái Âm ngũ, thập nhất ưu hoạn.

Mộc Đức thập nhị quý nhân lai.

Nghĩa là:

– Gặp sao La Hầu thì tháng giêng, tháng bảy sẽ gặp tai họa hung hiểm.

– Gặp sao Thổ Tú, Thuỷ Diệu thì tháng tư, tháng tám sẽ bị buồn khổ, bi thương.

– Gặp sao Thái Bạch thì tháng năm sẽ bị mọi người ganh ghét, đố kỵ.

– Gặp sao Thái Dương thì tháng sáu, tháng chín sẽ bị hao, mất tiền của.

– Gặp sao Vân Hớn thì tháng hai, tháng tám sẽ bị nhiều hư hao, tổn hại.

– Gặp sao Kế Đô thì tháng ba, tháng chín thân mạng sẽ bị đau ốm hoặc bị họa lây.

– Gặp sao Thái Âm thì tháng năm, tháng mười một sẽ bị sầu lo, hoạn nạn.

– Gặp sao Mộc Đức thì tháng mười hai sẽ được cái quý nhân thăm viếng.

Tức là, năm nào ai gặp sao gì chiếu mạng thì phải kiêng cử các tháng bị rủi ro, như bài thơ đã xác định.

Thêm nữa, ngoài việc mỗi người hàng năm có một Thần sao quản lý, bên cạnh còn phụ thuộc vào cung nào trong tám cung và thuộc hạn gì trong các hạn. Tám cung này chính là Bát quái trong Kinh Dịch, đó là: cung Càn, cung Khảm, cung Cấn, cung Chấn, cung Tốn, cung Ly, cung Khôn và cung Đoài. Còn các hạn thì rất nhiều, như hạn Huỳnh tuyền, hạn Thái sơn, hạn Mộc ách, hạn Tán tận mộc ách, hạn Cát lợi mộc ách, hạn Nhập mộ kim lâu, hạn Toán tận nhập mộ, hạn Thái sơn kim lâu và hạn Huỳnh tuyền nhập mộ v.v.

Ví dụ: khi một người hai mươi tuổi thì có sao, cung và hạn như sau:

Nam: sao Thổ Tú, cung Khảm, hạn Toán tận kim lâu.

Nữ: sao Vân Hớn, cung Ly, hạn Cát lợi kim lâu.

Ở trên, chúng tôi trình bày sơ lược về ba điểm Sao, Cung và Hạn trong sách Sao Hạn mà các vị cúng sao căn cứ vào đó làm cơ sở để xác định sao hạn cho các gia chủ, khi họ đến xin “Dâng sao giải hạn” đầu mỗi năm. Nói về nội dung lễ cúng sao thì khá phức tạp. Đại khái có các điểm sau: Tuyên sớ nói lên tên, tuổi, sao, hạn của các gia chủ trước điện Phật, sau đó một người đại diện gia chủ giải hạn. Khi giải, một tay của người đại diện nắm các đồng tiền trắng đen[22] tiêu biểu cho những vị Thần hạn, tay kia nắm một con dao. Vị cúng sao sẽ đọc tên từng vị Thần hạn ấy, cuối mỗi tên có chữ “giải”, như Thái sơn thần quan “giải”, Toán tận mộc ách thần quan “giải” v.v. Khi nghe tiếng “giải”, tay gia chủ nắm đồng tiền thả xuống một đồng, tay nắm dao chém một nhát từ phải qua trái (nếu nắm dao tay phải). Sau khi vị cúng sao đọc hết tên các Thần hạn, liền kiểm điểm các đồng tiền, nếu các đồng tiền mặt trắng và đen tương đương, như vậy là các Thần giải hạn đã tha thứ hạn ách cho gia chủ. Còn các Thần sao, tuỳ mỗi Thần mặc áo quần màu gì thì cúng áo quần (bằng giấy) màu ấy. Như sao Thái Bạch thì cúng áo quần màu trắng v.v. Ngoài ra, mỗi nam-nữ gia chủ phải có hai ảnh để vị cúng sao viết tên, tuổi, sao, hạn; sau khi cúng xong đem đốt để thế mạng (thế mạng sanh nhơn).

Sở dĩ, chúng tôi trình bày khá nhiều về nội dung và hình thức cúng bái sao hạn như thế là để quý Phật tử có cơ sở nhằm đối chiếu với kinh điển đạo Phật. Nếu một Phật tử có học giáo lý, có đọc kinh luật thì sẽ trực giác thấy rằng, những ngôn từ, phương tiện và hình thức trong sự cúng bái sao hạn, hoàn toàn không có trong tam tạng Kinh điển đạo Phật; mà niềm tin ấy chính là tin thần quyền, tin định mệnh (tin họa phúc và sinh mạng của con người đã được định sẵn bởi Thần, Thánh).

Do thế, giả như một Phật tử mà tin sao hạn từ mình rơi vào rừng rậm tà kiến, đời này lại tạo thêm những nhân xấu ác, tà vạy để tương lai gần hoặc xa chịu những quả báo đen tối khổ đau hơn nữa. Đã là Phật tử tại sao không tin nhân quả? Không chuyển nhân quả? Không nương tựa Tam bảo? Không nương tựa chư Phật, chư Bồ-Tát? Chư Phật, Bồ-Tát là những bậc đầy đủ đại trí tuệ, đại từ bi và sáu thứ thần thông, là những bậc hoàn toàn giải thoát, mà Phật tử không tin tưởng, không nương tựa, lại nương tựa vào Trời, Thần, Quỷ…là những chúng sanh đang bị luân hồi sanh tử trong tam giới, là thế nào?

Trong các Kinh đức Phật dạy về Nhân quả hay Nghiệp, Ngài đã phân tích và xác định rất rõ ràng về con người. Như kinh Trung Bộ ghi: “Tất cả chúng sanh đều có cái nghiệp của riêng mình”. Một Kinh khác, Đức Phật xác định cụ thể hơn: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.[23] Sự thật này cũng được Tổ sư Phật Âm (Buddhaghosa) ghi trong tác phẩm Atthasaølini rằng:

“Do nghiệp mà thế gian luân chuyển,

Do nghiệp mà chúng sanh tồn tại”.

Hay:

“Chính nghiệp dẫn dắt thế gian này”.

Chư Phật, chư Tổ đã trãi lòng từ bi lo lắng, thương xót chỉ dạy cho chúng ta tận tâm như thế; về phía chúng ta, tin và thực hành lời dạy của các Ngài hay không là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Nếu ai tin thì sẽ hoán chuyển nhân quả (hay nghiệp) xấu ác thành nhân quả hiền thiện, để tiến dần trên con đường giải thoát, hầu đạt được mục đích sau cùng. Ngược lại, ai không tin là tự trói mình trong thế giới tà đạo, để tiếp tục chịu muôn vàn khổ đau trong tam giới.

  1. Tin Vàng Mã:

Nội dung của vàng mã thì bất cứ ai cũng biết. Đại khái, đó là vật dụng làm bằng giấy được lấy mẫu từ những đồ đạt thật mà con người sử dụng hàng ngày; như áo quần, giày dép, rương trắp, mũ dù, xe cộ, tiền bạc v.v.

Thế thì vàng mã xuất phát từ đâu?

– Nguồn gốc xuất phát và hình thành vàng mã như sau: Theo tài liệu[24] mà chúng tôi tham khảo, cho biết rằng: Vào các triều đại trước và sau Tây lịch, các bộ lạc vùng châu Á nói chung và nhà Hán Trung Hoa nói riêng (206 trTL-220 TL) đều tin: “Sau khi chết, mọi người đều trở thành quỷ và có cuộc sống như con người”. Niềm tin này được phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và trở thành tập quán của mọi người. Do vậy, khi có người chết, người trong gia đình đem vàng bạc thật, đồ dùng thật chôn theo người chết để người ấy tiêu dùng. Có những bộ lạc, Vua Chúa còn chôn cả người sống và gia súc nữa. Tập quán chôn vật dụng thật này kéo dài đến thời đại nhà Đường (618-906 TL). Vua Quan nhà Đường thấy rằng, đem vàng bạc và vật dụng thật đem chôn cho người chết  hay tế lễ thì quá phí phạm, trong khi người sống lại rất thiếu hụt. Do vậy, Vua Đường Huyền Tôn (713-762 TL) đã ra lệnh dùng đồ giấy để thay thế. Trong thời điểm này, người Trung Hoa lại tiếp nhận thêm một niềm tin mới từ Ấn độ truyền sang. Đó là, tin có một vị Hoả Thần tên là Agui, với nhiệm vụ đem những lễ vật đã đốt trao cho người chết (người Âm). Với niềm tin này, vấn đề dùng đồ giấy (vàng mã) của người Trung Hoa đã có cơ sở, nên càng phát triển sâu rộng hơn đến các nước lân cận.

Riêng nước Việt Nam, niềm tin này được người Trung Hoa truyền vào khá sớm; song, dân Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh và rộng phải kể từ cuối thời nhà Trần (thế kỷ thứ XIV), tiếp đến là các đời nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn và tồn tại đến bây giờ.

Giai đoạn này chính là thời kỳ Phật giáo Việt Nam bị suy đồi trầm trọng (đã nói ở điểm III). Vì vậy, không chỉ niềm tin vàng mã xen vào trong sinh hoạt Phật giáo mà còn nhiều niềm tin tào tạp khác nữa (đã nói ở điểm III).

Qua các dữ kiện dẫn đến sự hình thành vàng mã vừa nói, chắc chắn một Phật tử chánh tín, chánh kiến sẽ không bao giờ tin tưởng được. Vì rằng:

– Tin “tất cả người chết đều thành quỷ” là sai với luật nhân quả nghiệp báo. Bởi lẽ, nhân và quả luôn cùng một tính chất, không tạo nhân quỷ thì làm sao thành quỷ?

– Tin “loài quỷ có cuộc sống như con người” cũng sai với luật nhân quả. Bởi lẽ, chánh báo như thế nào thì y báo như thế đó. Làm thân quỷ thì có cuộc sống của quỷ, chứ làm sao lại giống cuộc sống của con người? Và, nếu tin như thế, thì cuộc sống của các loài cầm thú cũng giống cuộc sống của con người hay sao?

Với hai niềm tin sơ khởi đưa đến sự có mặt của vàng mã vừa nói, hầu như tất cả những người tin dùng vàng mã hiện nay, chẳng mấy ai biết đến. Tổng quát để nói, người tin dùng ngày nay chia thành hai quan niệm:

– Thứ nhất: Họ nghĩ rằng: “Xưa bày nay làm” chỉ đơn giản như thế.

– Thứ hai: Tất cả người chết đều sống chung tại Âm phủ. Đốt vàng mã là tiếp tế đồ dùng cho họ.

Là một Phật tử chánh tín, chánh kiến sẽ nhận rõ hai quan niệm này cũng chẳng trong sáng, hiền thiện gì. Hạng người quan niệm “Xưa bày nay làm” là những người thiếu tư duy, thiếu thẩm định…nên không biết cái gì đúng, điều gì sai…cuộc sống sẽ rơi vào thụ động, khó gặp chánh đạo, khó được phước lành…Về quan niệm thứ hai cũng sai với luật nhân quả. Như kinh Nhân Quả Thiện Ác dạy rằng, đời này tạo nhân địa ngục, khi chết người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục; đời này tạo nhân súc sanh, khi chết người ấy sẽ bị đọa làm súc sanh; đời này tạo nhân người, khi chết người ấy sẽ được sanh làm người v.v. Tức là: “Tất cả chúng sanh đều có cái nghiệp của riêng mình” mà đức Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ.

Do vậy, tin tất cả mọi người khi chết đều về chung sống tại Âm phủ là niềm tin không có cơ sở đúng đắn, phi nhân quả, phi chánh pháp. Xét về việc đốt vàng mã cũng sai lầm tương tự như thế. Thứ nhất, một người sau khi chết, tuỳ theo nghiệp lực của mình để có một sinh mạng mới hoặc khổ, hoặc vui trong tam giới, thế thì làm sao họ nhận được vàng mã ấy! Thứ hai, chưa có một chỗ nào trong kinh điển Phật giáo nói rằng, có một loài chúng sanh luôn luôn sử dụng tro tàn của vàng mã cả.

Tóm lại, các điểm được trình bày trên đã xác định quá rõ ràng rằng, việc sử dụng vàng mã không phải là việc làm và niềm tin của người Phật tử. Đã là đệ tử của đức Phật thì phải dựa vào Phật pháp để thẩm định mọi việc đúng hay sai trong cuộc đời; đồng thời, phải tin, phải thực hiện những điều mà đức Phật đã dạy, có như vậy mới đúng ý nghĩa của chữ “Phật tử” mà chính mình đã tự phát nguyện thọ nhận.

Bốn vấn đề: “Tin đau ốm do người âm bắt; tin xăm, quẻ; tin sao hạn và tin vàng mã” mà chúng tôi vừa trình bày ở trên, chỉ là tiêu biểu cho hàng trăm vấn đề tương tự, được phát xuất từ các tôn giáo khác, hoặc những tập quán nhân gian của xứ này, nước nọ; đã pha trộn vào trong Phật giáo với một quá trình trên sáu trăm năm. Suốt thời gian ấy, không ít người trong hàng đệ tử của đức Phật, tại gia cũng như xuất gia, không hiểu cố ý hay vô tình, họ đã tin, đã làm những điều phi Phật giáo ấy. Do thế và chính thế, nên đa số dân chúng cho rằng, những tín ngưỡng đó là của Phật giáo. Đây chính là tình trạng mà Khế Kinh đã dạy: “Sư tử trùng trung, thực sư tử nhục” (chính vi trùng trong thân sư tử, ăn thịt sư tử).

Thế nên trong hiện tại, nếu Phật tử nào không tránh được những niềm tin tà vạy ấy thì đáng tiếc!

NAM MÔ TỒI TÀ PHỤ CHÁNH TÔN THIÊN BỒ TÁT MA HA TÁT.

Hồng Đức Tự

Mùa An Cư-Đinh Hợi

Nguyện đem công đức này,

Trang nghiêm tịnh độ Phật,

Trên đền bốn ơn nặng,

Dưới cứu khổ muôn loài,

Những ai được thấy nghe,

Đều phát tâm Bồ đề,

Hết một báo thân này,

Đồng sanh về cực lạc.

 

[1] Kỳ Hoàn (Anàtapindika): còn gọi là Kỳ Viên

[20] Trong giai đoạn này, khi nhà Hồ diệt, nước ta rơi vào sự đô hộ của nhà Minh-Trung Hoa, từ năm 1414-1427. Tức là đến đời Hậu Lê.

[21] Trong giai đoạn này có nhiều hình thái lịch sử, như Nam Bắc phân tranh, mặc dù nhà Hậu Lê vẫn tồn tại nhưng đứng đầu hai miền Bắc, Nam là hai vị chúa: Trịnh và Nguyễn, rồi đến Tây Sơn và nhà Nguyễn.

[22] Đồng tiền trắng đen: Đồng tiền tiêu dùng trong các triều đại Vua Chúa, được người cúng bái sơn một mặt màu trắng.

[23] Kinh Tiểu nghiệp phân biệt-Trung Bộ III-trang 481-ĐTKVN.

[24] 1) Sử Trung Quốc- Nguyễn Hiến Lê-Văn Hoá xuất bản 1997.

2) Tín ngưỡng Việt Nam-Toan Ánh-Hoa Đăng xuất bản 1969