KINH BỒ-TÁT ANH LẠC
Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 15: NÓI VỀ GỐC NGỌN
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì muốn thị hiện các hạnh của Bồ-tát, liền nhập pháp Tam-muội Bản tịnh nhằm khiến cho hết thảy chúng sinh đều thấy được gốc ngọn của các pháp nơi ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Lại còn khiến cho chúng sinh thấy được vô lượng chư Phật Thế Tôn cùng với vô lượng thế giới của chư Phật, với những cái gì đã thành tựu hay không thành tựu.
Hoặc từ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ mười, có thân hành hiện tại hay chẳng có thân hành hiện tại, đều khiến cho tất cả chúng sinh mỗi mỗi đều nhận rõ.
Bấy giờ Đức Như Lai là Bậc Vô Thượng Chánh Giác, dứt sạch mọi vướng chấp, nhằm muốn hóa độ chúng sinh nên liền mỉm cười, từ nơi tướng mặt phát ra ánh hào quang lớn, tỏa chiếu đến vô lượng hằng sa các quốc độ. Từ cõi Dục cho đến cõi trời Hữu tưởng, Vô tưởng thảy đều trông thấy ánh sáng ấy. Ở nơi các luồng hào quang đó đã phát ra lời diễn giảng về cội nguồn của vô lượng chúng sinh.
Thế nào gọi là gốc ngọn của chúng sinh?
Này các vị thiện nam, thiện nữ! Dốc lòng tu tập một pháp liền có thể đạt được đầy đủ vô lượng trí tuệ, làm thanh tịnh cõi Phật và giáo hóa chúng sinh.
Lúc này Đức Thế Tôn bảo các vị trong chúng hội, những người dốc lòng tu tập dứt mọi vướng chấp:
–Thế nào gọi là hành đã dứt mọi vướng chấp? Từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành tựu đạo quả Vô thượng có năm mươi bốn pháp Hành không dứt mọi vướng chấp, đối với các hàng thiện nam, thiện nữ phải nên luôn nhớ nghĩ không hề xa lìa, dù là trong chốc lát. Những gì là năm mươi bốn pháp?
Đó là, phân biệt năm ấm, dấy khởi cũng rõ là dấy khởi, diệt mất cũng rõ là diệt mất. Nhưng năm ấm ấy có sinh và không sinh, có hạnh Thánh và không có hạnh Thánh, có quán Không và không có quán Không. Nếu các vị thiện nam, thiện nữ nhận rõ được năm ấm do đâu mà sinh, do đâu mà diệt. Như về sắc thì gốc là không sinh, còn như nay là có sinh, lãnh hội sắc là chẳng phải có, chẳng phải không.
Hoặc có sắc là có, hoặc có sắc là không. Sắc của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai lại cũng như thế. Gốc là không có sắc, không thấy gốc của sắc. Ở trong quá khứ không thấy sắc quá khứ, ở trong vị lai không thấy sắc vị lai, ở trong hiện tại không thấy sắc hiện tại. Sắc quá khứ chẳng phải là sắc hiện tại, chẳng phải là sắc vị lai. Sắc vị lai chẳng phải là sắc quá khứ, chẳng phải là sắc hiện tại. Sắc hiện tại chẳng phải là sắc quá khứ, chẳng phải là sắc vị lai. Đại Bồ-tát đều có thể phân biệt tường tận, mỗi mỗi thảy thấu rõ.
Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Phân biệt pháp thống (thọ) lãnh hội rõ pháp ấy là không có chốn dấy khởi. Xem xét thống quá khứ gốc là không có thống ấy. Cũng biết là thống ấy chẳng phải có quá khứ. Thống quá khứ chẳng phải là thống vị lai, hiện tại. Thống vị lai chẳng phải là thống quá khứ, hiện tại. Thống hiện tại chẳng phải thống quá khứ, vị lai. Vì sao? Vì thống vị lai gốc là không có thống ấy. Nếu các vị thiện nam, thiện nữ, xem biết thống hiện tại cũng khác với thống trước đấy, cũng khác với thống sau đó, chẳng phải thống quá khứ, chẳng phải thống vị lai. Thống cũng chẳng tự nhận biết về mình, nhưng sau đấy mới biết là gốc tịnh, ngọn cũng tịnh.
Nếu các vị thiện nam, thiện nữ, lại nên tư duy về tưởng của năm ấm quá khứ, gốc các pháp là không có tưởng ấy. Tưởng năm ấm quá khứ không rõ tưởng vị lai, hiện tại. Tưởng vị lai không rõ tưởng quá khứ, hiện tại. Tưởng hiện tại không rõ tưởng quá khứ, vị lai. Tưởng là không có tưởng.
Nếu các vị thiện nam, thiện nữ ở trong vị lai phân biệt tưởng vị lai. Tưởng vị lai chẳng tự biết về tưởng vị lai. Tưởng vị lai cũng không rõ tưởng quá khứ, hiện tại. Tưởng quá khứ, vị lai chẳng biết về vị lai. Tưởng quá khứ không rõ tưởng vị lai, hiện tại.
Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong hiện tại nhận rõ tưởng quá khứ là cũng không có tưởng quá khứ, nhận rõ tưởng vị lai cũng không có tưởng vị lai, nhận rõ tưởng hiện tại cũng không có tưởng hiện tại. Đối với hiện tại, quá khứ cũng không có tưởng quá khứ. Đối với hiện tại, vị lai cũng không có tưởng hiện tại, vị lai. Đối với tưởng hiện tại cũng không có tưởng.
Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ đối với quá khứ nhận rõ hành của năm ấm do đâu sinh, lại do đâu mà diệt. Hành quá khứ cũng chẳng có hành. Nhận rõ hành quá khứ chẳng phải là hành quá khứ. Hành quá khứ chẳng phải là hành vị lai, chẳng phải là hành hiện tại. Hành hiện tại chẳng phải là hành quá khứ, chẳng phải là hành vị lai. Hành quá khứ, vị lai cũng chẳng phải là hành quá khứ, vị lai. Hành quá khứ, hiện tại chẳng phải là hành quá khứ, hiện tại. Vì sao? Vì hành gốc là không chốn có, cũng không có hành.
Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong vị lai liền có đầy đủ các hành vị lai, ở trong hành vị lai không thấy có hành quá khứ, cũng không thấy có hành hiện tại. Ở trong vị lai không thấy có hành vị lai, quá khứ, không thấy có vị lai. Hành hiện tại cũng không thấy hành vị lai, hiện tại. Vì sao? Vì gốc không có hành ấy.
Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong hiện tại lại nhận rõ hành quá khứ cũng không có hành quá khứ, cũng không có hành vị lai và hành hiện tại. Ở nơi hành hiện tại xem xét các hành hiện tại, quá khứ, cũng không thấy có hành hiện tại, quá khứ. Ở nơi hiện tại, xem xét hành hiện tại, vị lai cũng không thấy có hành hiện tại, vị lai. Từ đó xem và thấu tỏ các hành thảy là không thực có.
Như các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong quá khứ xem xét về thức quá khứ cũng không thấy có thức quá khứ. Đối với thức vị lai cũng không thấy có thức vị lai. Ở nơi thức hiện tại cũng không thấy có thức hiện tại. Ở nơi thức quá khứ cũng không thấy có thức quá khứ, vị lai. Ở trong quá khứ cũng không thấy có thức quá khứ, hiện tại. Cũng không thấy có thức.
Như các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong vị lai không thấy có thức quá khứ, thức vị lai. Ở trong vị lai chẳng thấy có thức vị lai, quá khứ, chẳng thấy thức vị lai, hiện tại. Như các thiện nam, thiện nữ ở nơi thức hiện tại không thấy có thức quá khứ, không thấy có thức vị lai. Ở trong hiện tại không thấy có thức hiện tại, quá khứ, không thấy thức vị lai trong hiện tại. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đã nhận rõ gốc ngọn của năm ấm là không.