KINH VỊ SINH OÁN
Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật trú trong núi Kê túc, thuộc nước Vương xá.
Chư Thiên, Rồng, Quỷ, Thần, Đế vương, dân chúng đều đến chỗ Đức Phật cúi đầu đảnh lễ, cung kính cúng dường, ai cũng hết lòng kính lễ. Điều-đạt thấy vậy ganh tỵ vô cùng, đến nói với thái tử Vị Sinh Oán:
–Cha ngươi chở nhiều vật báu của đất nước dâng cho Phật và các Sa-môn, kho tàng của quốc gia cạn kiệt, nên sớm có kế lên ngôi làm vua, tôi sẽ đem binh đến chinh phục Phật. Thái tử được làm vua, tôi sẽ làm Phật, cả hai đều được, không tốt hay sao? Thái tử chắc chắn thành tựu.
Vị Sinh Oán cùng Điều-đạt câu kết âm mưu này rồi, liền ra lệnh bắt bề tôi có thế lực khiến cưỡng chế binh sĩ, chờ vua về đoạt ấn rồi đem giam vào ngục. Nhà vua trở về, bề tôi làm như mệnh lệnh, đem vua giam vào ngục. Lòng vua điềm nhiên xem như tai ương tiền kiếp, tâm không sợ sệt, lại càng tin lời Phật dạy, vua nói:
–Ta có lỗi gì mà kết tội ta?
Hoàng hậu, quý nhân, mọi người lớn nhỏ ai cũng thương cảm. Vua quay lại bảo các người buồn khóc:
–Đức Phật nói: “Trời đất, nhật nguyệt, núi Tu-di và biển cả có thành ắt có hoại, có thịnh tức có suy, có hợp ắt có tan, có sinh ắt có tử, do đó mà ưu sầu bi ai triền miên không bờ bến, đưa đến đau khổ chất chồng. Tìm lại nguồn gốc, xét kỹ ngọn ngành thì nhân duyên hội họp tức la có, gọi là sinh; nhân duyên ly tán tức là diệt, gọi là không. Phàm là thân tức bốn đại, thần thức của chúng sinh gởi trong ấy, khi chết, thần thức trở về nguồn gốc của nó là đi về không, chẳng còn gọi đó là thân. Thân còn chưa gìn giữ được, huống gì là gìn giữ quốc gia. Khi Đức Phật mới vào nước ta, ta chưa có con. Phật hỏi ta có biết rõ vị vua đương lai không? Ta đáp là không biết.
Thế Tôn lại nói: “Tất cả vô thường, đại vương nên suy nghĩ kỹ.” Lời Phật dạy ta ứng vào ngày nay, ta phải nỗ lực, lập chí ghi nhớ lời Phật dạy.”
Vua nói với thái tử:
–Mỗi khi con bị bệnh, lòng ta bứt rứt, muốn đem thân mạng để cứu nguy thay con, ân nghĩa và lòng thương của cha mẹ chỉ có trời mới cao hơn. Tâm con mong muốn gì mà nỡ làm việc ác nghịch? Phàm kẻ nào giết hại cha mẹ, chết sẽ bị đọa vào núi Thái, trong đó chịu những cực hình không dừng nghỉ. Ngươi sẽ bị dẫn vào đó. Ta làm cha ngươi, ngươi tôn trọng hiếu kính còn sợ không xứng danh, huống gì là giết cha. Ta muốn đem quốc gia giao cho con, đến chỗ Phật làm Sa-môn. Ta xem dâm dục giống như lửa thiêu thân, cái đẹp của người nữ như cái rỗng không của hư không. Những sắc đẹp ở trước mắt sao không bị mê hoặc, chính là nhờ xem kinh Phật mới thấy nữ sắc giả dối, thật xấu xa, biết vinh hoa danh lợi là hại thân.
Thái tử nói:
–Ông chớ nhiều lời! Tôi đạt được ước nguyện xưa, đâu có thể thả ông ra.
Thái tử ra lệnh cho người giữ ngục:
–Không cho ông ấy ăn để chết đói.
Quan chủ ngục dẫn vua vào ngục. Vua Bình-sa hướng về chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ, thưa:
–Thái tử có tội tày trời, tâm con không một tóc tơ sân giận, chỉ nhớ lời Phật dạy: “Cái vui của đời vô thường mà cái khổ của nó thì lâu dài.”
Vào ngục bị cắt tóc, vua ngửa mặt lên trời than:
–Đau buồn lắm thay! Trời lẽ nào có đạo này chăng?
Hậu phi, quý nhân, cả nước lớn nhỏ ai cũng sầu thương thảm thiết. Hoàng hậu nói với thái tử:
–Đại vương bị xiềng xích chân tay, đau đớn trong lao ngục, ngồi nằm phải nhờ người, khổ đó khó nói. Từ khi sinh con ra đến nay, tâm thương tha thiết của vua trao hết cho con, khi ăn uống ngủ nghỉ cũng luôn nhớ nghĩ đến con. Thân con đau ốm, vừa kê đầu xuống gối, là nhớ đến con nên nước mắt tuon trào, tâm cháy thân khô, muốn đem thân mạng chết thay con. Con nên duy trì cái đức dưỡng dục của trời người, chớ làm điều ác nghịch! Kinh Phật dạy: “Cùng cực của điều thiện không gì lớn bằng hiếu, điều ác lớn nhất là giết cha mẹ.” Lớn nhỏ kính nhường nhau, trời sẽ giúp cho, huống gì là cha mẹ. Con theo kẻ bạo ngược, gây tội ác nặng này chắc chắn bị đọa vào núi Thái. Ở thế gian sáu mươi ức năm, ở núi Thái là một ngày một đêm, lại chịu các sự đau khổ, mỗi nơi có thời hạn, con muốn khỏi tội cũng chẳng khó, nếu thỏa ý với việc làm ấy thì sau ắt hối hận.
Thái tử nói:
–Lúc còn nhỏ, con đã có ý giết cha để làm vua. Hôm nay được toại nguyện, mẹ can gián làm gì?
Hoàng hậu nói:
–Nếu con không nghe lời can gián là nền móng của sự mất nước, ta muốn thăm đại vương có được không?
Thái tử đáp:
–Dạ được.
Hoàng hậu tắm rửa thân thể sạch sẽ, lấy mật trộn với bột bôi lên mình, vào thăm đại vương, thấy nhà vua hình dáng tiều tụy chợt khóc òa lên. Nghe hoàng hậu khóc, nhà vua chẳng khỏi gạt lệ.
Hoàng hậu nói:
–Phật nói: “Vinh, vui vô thường, tội khổ lâu dài.” Vua nói:
–Quan giữ ngục không cho ăn, đói khát lâu ngày, nơi thân có tám vạn hang ổ, có hàng trăm loài trùng quấy phá trong bụng ta, thịt tiêu máu cạn, sự sống sắp tàn, nói ra nghẹn ngào không nên lời.
Hoàng hậu nói:
–Biết được cảnh khổ này, thiếp lấy bột trộn với mật ong bôi lên mình, đại vương có thể đem dùng và nên tư duy lời Phật dạy không còn hoảng sợ.
Nhà vua ăn rồi hướng về chỗ Phật, nức nở cúi đầu đảnh lễ thưa: “Ngài dạy: Vinh hoa phước lộc khó gìn giữ, như huyễn, như mộng.” Đúng như lời Ngài dạy.
Nhà vua nói với hoàng hậu:
–Khi ta làm vua, quốc độ rộng lớn, cơm ngon, áo đẹp, mà nay ở trong ngục phải chịu chết đói. Thái tử đã theo thầy ác nghịch, trái với lời dạy nhân từ của Phật. Ta không sợ chết, chỉ hối tiếc không gặp được Phật để thọ nhận lời giáo hóa thanh tịnh của Ngài, cùng nghe Thu Lộ Tử, Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp giảng điều bí yếu của đạo tôn quý.
Nhà vua lại nói với hoàng hậu:
–Phật nói: “Ân ái giống như những con chim cùng đậu trên cây, sáng ra tan đàn mỗi con một ngả tùy theo họa phước của nó.” Tôn giả Mục-kiền-liên trừ hết các cấu uế, các ác đã diệt, chứng được sáu thần thông, bốn đạt mà còn bị đám Phạm chí tham lam đánh ngã, huống gì là ta. Họa phước theo người như bóng theo hình, như âm vang theo tiếng. Lời Phật thì khó gặp, giáo pháp khó được nghe. Thánh chúng hạnh cao thượng, oai nghi không lường, mang kinh điển Phật, dùng nhân từ để cảm hóa dân, chẳng phải thế tục có thể làm được. Được phước cúng dường, nhận lời giáo hóa thanh tịnh thật khó gặp thay. Khi ta chết rồi, thần hồn đi xa. Phàm muốn lập chí, không gì hơn nghe lời Phật dạy. Hoàng hậu cẩn thận ghi nhớ đề phòng khi họa đến.
Hoàng hậu nghe vua dạy lại càng bi ai.
Thái tử hỏi quan giữ ngục:
–Không cho vua ăn nhiều ngày, vì sao vua không chết?
Quan giữ ngục đáp:
–Hoàng hậu vào ngục có dâng bột trộn với mật cho vua để duy trì mạng sống.
Thái tử nói:
–Từ nay không cho hoàng hậu vào thăm vua.
Vua bị đói nhưng vẫn hướng về chỗ Phật kính lễ, liền cảm thấy hết đói. Vào ban đêm lại có ánh sáng, thái tử nghe nói, ra lệnh đóng hết cửa sổ, chặt bàn chân vua để khỏi đứng dậy nhìn ánh sáng của Phật được. Chủ ngục liền chặt bàn chân vua, vua đau đớn vô cùng, niệm Phật không thôi.
Đức Phật từ xa nói kinh cho vua:
–Phàm làm thiện, ác, họa phước theo mình lẽ nào chẳng cẩn thận chăng!
Vua Bình-sa thưa:
–Nếu cắt chân tay ra từng đoạn, chặt chém thân này, con cũng không bao giờ nghĩ điều ác.
Đức Thế Tôn lại dạy:
–Ta nay là Như Lai, Vô Sở Trước, Chánh Chân Đạo, Tối Chánh Giác, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, nên mặt trời, mặt trăng, trời, rồng, quỷ thần trong tam thiên đại thiên thế giới đều kính lễ, nhưng vẫn còn dư báo của đời trước, nay cũng không tránh khỏi, huống gì là phàm phu.
Vua thọ ân của Đấng Thiên Trung Thiên, thấy đầy đủ tai ương của đời trước, không dám tức giận, không sợ tội thiêu đốt, ở núi Thái, trong lòng nương nơi Đức Phật và các đệ tử của Phật, ngồi nằm chẳng dám quên, liền chắp tay kính lễ, thưa:
–Hôm nay mạng sống con chấm dứt, vĩnh viễn không còn nghe lời Phật dạy.
Vua nghẹn ngào nức nở, chốc lát băng hà. Thần dân cả nước ai cũng đều giậm đất kêu trời: “Sao thế này?”
Vua Bình-sa liền đạt được Đạo tích (Tư-đà-hoàn) sinh lên cõi trời, đóng cửa ba đường, không còn những điều ác.