SỐ 231
KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Trần, Vương tử Nguyệt-bà-thủ-na, người nước Ưu-thiền-ni
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 1
Phẩm 2: HIỂN TƯỚNG
Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu, gối hữu quỳ sát đất, chắp tay đảnh lễ, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật ấy rất thâm sâu thì tướng
của Bát-nhã ba-la-mật đó như thế nào?
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Như tướng đất, nước, gió, lửa; tướng của Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy.
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng của đất?
Phật bảo:
–Nó rộng lớn cùng khắp khó có thể đo lường, gọi là tướng đất. Tướng Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như thế. Vì sao? Vì như vậy nó rộng lớn khắp nơi khó có thể nghĩ lường.
Này đại vương! Tất cả dược thảo đều nương vào đất mà phát sinh thì tất cả pháp lành cũng đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật mà phát sinh.
Như đất không vui khi tăng, không buồn khi giảm, vì xa lìa ngã và ngã sở nên không có hai tướng Bát-nhã ba-la-mật cũng như thế, khen ngợi không tăng, hủy báng cũng không giảm, vì xa lìa ngã và ngã sở, nên không có hai tướng. Cho nên ở thế gian, việc đi lại nhấc chân lên, thả chân xuống đều nương vào đất; giống như cầu thiện đạo để đi đến Niết-bàn cũng phải nương vào Bát-nhã ba-la-mật.
Lại như tất cả của báu đều có từ lòng đất Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy nó sinh ra tất cả các loại công đức ở thế gian.
Lại như đất rộng có tất cả côn trùng và các khổ, nhưng không làm lay động mặt đất; Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, lìa ngã và ngã sở cũng không thể lay động.
Lại như mặt đất nếu như nghe tiếng của sư tử, rồng, voi thì hoàn toàn không khiếp sợ. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không sợ sệt Thiên ma ngoại đạo. Vì sao? Vì tự tánh vốn không nên không thấy có người, không thấy có pháp.
Lại như nước từ trên cao chảy xuống, tất cả thiện pháp cũng đều hướng đến Bát-nhã ba-la-mật.
Lại như nước, thấm nhuần cỏ cây để sinh ra hoa quả. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy thấm nhuần Tam-muội và sinh các pháp trợ đạo, thành tựu cây Nhất thiết trí và được quả Phật pháp, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Lại như nước làm xói mòn gốc rễ có thể làm cây cỏ nghiêng ngã và cuống theo dòng nước. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, tất cả gốc ngọn của các kiến chấp, phiền não, tập khí đều tiêu diệt vĩnh viễn, không cho phát sinh lại.
Lại như nước, tánh căn bản của nó là trong sạch, không dơ, nhớp. Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy, thể của nó không có phiền não, nên gọi là thanh tịnh; xa lìa các mê hoặc nên gọi là không dơ, một tướng chẳng khác nên gọi là không nhớp.
Như mùa hạ nóng nực, người được nước mát nên cái nóng đó sẽ giảm đi. Như chúng sinh bị nhiệt não, khi nghe Bát-nhã ba-la-mật liền được mát mẻ.
Như người bị khát uống nước thì hết khát. Người cầu pháp xuất thế tìm được Bát-nhã ba-la-mật thì mong muốn thỏa mãn.
Lại như suối sâu khó lội Bát-nhã ba-la-mật và cảnh giới chư Phật cũng rất thâm sâu, khó vào như vậy.
Lại như nước trong hồ, trong ao đều bình đẳng, Bát-nhã ba-lamật cũng như vậy, tất cả phàm phu, Thanh văn, Bích-chi-phật tất cả đều bình đẳng.
Lại như nước, có thể làm cho mặt đất được sạch sẽ Đại Bồ-tát thấu rõ Bát-nhã ba-la-mật nên xa lìa các phiền não mà được thanh tịnh. Vì sao? Vì tự tánh vốn thanh tịnh, xa lìa các mê hoặc.
Lại như lửa có thể đốt cháy tất cả các loài cỏ cây nhưng không hề suy nghĩ thế này: “Ta có thể đốt cháy vật.” Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, có thể diệt tất cả phiền não, tập khí nhưng cũng không nghĩ: “Ta có thể diệt trừ.”
Lại ví như lửa có thể làm chín tất cả vật thì Bát-nhã ba-la-mật cũng có thể thành tựu được tất cả Phật pháp.
Ví như lửa đều có thể làm khô cạn tất cả vật ẩm ướt. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, làm khô dòng hữu lậu, không sinh lại nữa.
Giả sử đống lửa ở trên đỉnh núi tuyết, cách một do-tuần hay mười do-tuần đều chiếu sáng đến mọi nơi được mà cũng không nghĩ là ta có thể chiếu xa. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, đều chiếu được cho Thanh văn, Duyên giác và cả Bồ-tát mà cũng không suy nghĩ như vầy: “Ta chiếu được những nơi đó.”
Như loài cầm thú, ban đêm thấy lửa sáng khiếp sợ tránh xa. Hàng phàm phu bạc phước và cả hàng Nhị thừa nếu nghe Bát-nhã ba-la-mật cũng khiếp sợ lìa bỏ. Nghe đến tên Bát-nhã ba-la-mật còn khó, huống nữa lại tu học.
Ví như đêm tối, đi xa bị lạc đường, nếu thấy lửa sáng liền vui mừng, biết có làng xóm nên mau tìm đến, đến nơi thì được an ổn và không còn sợ hãi. Biển sanh tử mênh mông, người có phước đức nếu nghe được Bát-nhã ba-la-mật thì lòng rất vui mừng liền quay về thọ trì, nên tâm được an vui, vĩnh viễn xa lìa phiền não.
Như lửa của người sang hay hèn trong thế gian này đều như nhau. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, là phàm hay Thánh đều có.
Như Bà-la-môn, Sát-đế-lợi đều cúng dường lửa. Chư Phật, Bồtát đều cúng dường Bát-nhã ba-la-mật.
Như ngọn lửa nhỏ có thể đốt cháy tam thiên đại thiên thế giới. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, nếu nghe và hiểu biết một câu có thể đốt cháy vô lượng phiền não.
Này đại vương! Bát-nhã ba-la-mật xa lìa cấu, không chấp trước, vắng lặng, không biên giới. Vô biên trí sẽ nhanh chóng đạt đến Pháp tánh, giống như hư không, tánh của nó vốn không có chỗ trụ xa lìa tướng của cảnh giới sẽ vượt qua các giác, quán. Tâm và tâm sở pháp không có sự phân biệt, không sinh, không diệt, nên tự tánh là xa lìa.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là làm lợi ích cho chúng sinh ở thế gian, giống như mặt trời, mặt trăng, tất cả đều thọ dụng.
Ví như mặt trăng, có thể trừ được sức nóng. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, có thể trừ sức nóng độc hại của phiền não.
Ví như ở thế gian, vui mừng khi thấy được mặt trăng. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, tất cả Thánh nhân đều thấy vui mừng khi đạt được.
Lại như đầu tháng, mỗi ngày mặt trăng lớn dần. Đại Bồ-tát gần gũi Bát-nhã ba-la-mật cũng lần lần tăng trưởng, từ lúc phát tâm cho đến Vô thượng Bồ-đề. Trăng khuyết ngày càng tròn sáng. Đại Bồtát tu hành Bát-nhã ba-la-mật thì phiền não kết sử dần dần bị tiêu diệt.
Như mặt trăng ở thế gian đều được Bà-la-môn, Sát-đế-lợi khen ngợi. Nếu thiện nam, thiện nữ nào gần gũi Bát-nhã ba-la-mật thì tất cả Trời, Người, A-tu-la trong thế gian đều tỏ bày sự khen ngợi.
Như mặt trăng đi khắp bốn phương thiên hạ, Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy; hoặc là sắc, hoặc là tâm không nơi nào mà không tới cùng.
Như mặt trăng ở thế gian thường được coi là trang nhã, xinh đẹp, Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, tự tánh của nó cũng là trang nghiêm. Vì sao? Vì không sinh, không diệt, tánh vốn thanh tịnh, cùng khắp tất cả pháp tự tánh là xa lìa.
Lại như mặt trời ở thế gian, phá tan tất cả bóng tối mà không nghĩ là ta có thể phá tan bóng tối. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, có thể phá tan tất cả phiền não từ vô thỉ, mà cũng không nghĩ là ta phá được phiền não.
Như mặt trời làm cho hoa sen nở, mà cũng không nghĩ rằng ta làm cho hoa sen nở. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, có thể chỉ bày đạo Bồ-tát mà cũng không nghĩ như thế.
Ví như mặt trời chiếu sáng khắp mười phương mà cũng không nghĩ rằng ta có thể chiếu khắp, Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, có thể chiếu vô biên mà không có tướng chiếu.
Như thấy phương Đông hừng đỏ, thời biết không bao lâu mặt trời sẽ mọc; hoặc được nghe Bát-nhã ba-la-mật thì biết được còn cách Phật không xa.
Như người cõi Diêm-phù-đề, nếu thấy mặt trời mọc thì rất vui mừng; nếu trong thế gian, có danh tự của Bát-nhã ba-la-mật thì tất cả Thánh nhân đều rất vui mừng.
Lại như mặt trời xuất hiện thì ánh sáng của mặt trăng và sao đều không hiện; Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì đức của hàng Nhị thừa và ngoại đạo cũng không hiện.
Như mặt trời mọc lên, thì thấy được chỗ cao, thấp, chỗ hầm hố; Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì ở thế gian mới biết được con đường chánh hay tà. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật, tự tướng bình đẳng không sinh, không diệt, tánh ấy là xa lìa vậy.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là tu tập nhiều hạnh không, không có chỗ trụ không chấp trước, tu đạo xa lìa chướng ngại; xa bạn ác tri thức, gần gũi chư Phật; tâm niệm Phật liên tục không dứt; tùy thuận theo pháp giới thấu rõ sự bình đẳng; dùng thần thông dạo chơi các cảnh giới ở mười phương nhưng ở cảnh giới của mình thì hoàn toàn không chút lay động, thấy các Phật pháp, như hiện rõ trước mặt.
Tuy sống ở đời mà không bị pháp thế gian làm ô nhiễm, giống như hoa sen ở trong bùn, Đại Bồ-tát tuy ở trong sinh tử, nhưng nhờ sức phương tiện của Bát-nhã ba-la-mật nên không ô nhiễm. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không sinh, không diệt, tướng của nó bình đẳng và tánh ấy xa lìa nên không thấy, không chấp.
Như hoa sen không bị dính nước, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, không bị vướng mắc vào một ác pháp nào cả.
Ví như chỗ ở của hoa sen đều có mùi hương; Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dầu ở thành ấp, xóm làng, cõi trời, cõi người cùng đều đầy đủ giới hương.
Như hoa sen thể tánh vốn thanh tịnh, nên Bà-la-môn, Sát-đếlợi, Trưởng giả, Cư sĩ rất quý trọng, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật được Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầula, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân…, cùng Bồ-tát và chư Phật yêu mến, cung kính.
Như hoa sen lúc mới chớm nở, có thể làm cho tâm mọi người đều vui, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nét mặt luôn luôn vui vẻ, không nhăn nhó buồn rầu, để làm cho chúng sinh vui vẻ.
Lại như người ở đời trong mộng thấy hoa sen cũng cho đó là điềm lành; tất cả trời, người, cho đến trong mộng nếu nghe hoặc thấy Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng cho là điềm lành huống chi là được thấy.
Như hoa sen lúc mới nở thì được người, cùng loài chẳng phải người giữ gìn quý mến, Đại Bồ-tát mới học Bát-nhã ba-la-mật được chư Phật, Bồ-tát, Đế Thích, Phạm vương, chư Thiên hộ vệ. Đại Bồtát thực hành Bát-nhã ba-la-mật khởi tâm nghĩ như vầy: “Phải như lý mà thông suốt các pháp Ba-la-mật, ngồi dưới cội Bồ-đề, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đầy đủ pháp Phật truyền bá chánh pháp, chuyển pháp luân giáo hóa chúng sinh. Vì ở thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên ma, Đế Thích, Phạm vương đều không thể truyền bá chánh pháp.” Đại Bồ-tát hóa độ tất cả chúng sinh ở vô biên thế giới khắp mười phương; bình đẳng cứu độ tất cả thoát khỏi biển sinh tử và đều an trú trong Bát-nhã ba-la-mật. Người không chỗ quay về nương tựa, không được cứu hộ thì làm chỗ quay về nương tựa cho họ. Người muốn thấy Phật vì họ thuyết pháp như tiếng rống sư tử để chỉ bày; dùng thần thông dạo chơi, khen ngợi công đức của Phật và làm cho chúng sinh thỏa lòng ngưỡng mộ. Tâm họ thanh tịnh không đổi dời, ý không dua nịnh do vậy mà xa lìa được tà niệm. Nghĩa là không nghĩ pháp Thanh văn, Bích-chi-phật dứt được các cấu uế và phiền não, không cho phát sinh lại. Thân không làm việc sai trái nên xa lìa oai nghi tà. Miệng nói chân thật, không nói xảo trá; nhận ân thường biết ân, dẫu ân nhỏ cũng đáp đền lớn; tâm không ôm ấp giận hờn; miệng thường nói dịu dàng. Tâm tu tập như vậy là tâm thanh tịnh thì không thể bị làm ô nhiễm, nên tự tánh xa lìa không hai không khác.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tin được ba loại thanh tịnh của Như Lai và nghĩ thế này: “Khế kinh nói Pháp thân của Như Lai là thân tịch tĩnh, thân không gì sánh bằng, thân vô lượng, thân bất cộng, thân kim cang; tâm đã quyết định tin tưởng chắc chắn không nghi ngờ.” Đây gọi là tin vào thân thanh tịnh của Như Lai.
Lại suy nghĩ nữa: “Kinh nói miệng của Như Lai vốn thanh tịnh luôn vì phàm phu mà thọ ký cho; làm Phật cũng vì Bồ-tát mà thọ ký để được thành Phật.” Tin lời nói như vậy thì không sai trái nhau. Vì Như Lai vĩnh viễn xa lìa tất cả lỗi lầm, không có các cấu uế, thanh tịnh vắng lặng, không có phiền não; hoặc Thiên ma, Sa-môn, Bà-lamôn, Phạm vương không có thể tìm được lỗi lầm từ miệng Như Lai.
Đó là tin vào miệng thanh tịnh của Như Lai.
Lại nữa, kinh nói ý của Như Lai thanh tịnh là chư Phật Thế Tôn hay nghĩ đến việc gì thì hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát và tất cả trời, người đều không thể biết được. Vì sao? Vì tâm Như Lai sâu xa khó hiểu, chẳng phải cảnh giới nghĩ lường, xa lìa các giác quán, không có hạn lượng, đồng như cảnh giới của hư không; tin như vậy thì biết được tâm không nghi hoặc, ngăn ngại. Đó gọi là tin vào ý thanh tịnh của Như Lai.
Lại nữa, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nghĩ như vầy: “Như lời Phật dạy, Đại Bồ-tát vì các chúng sinh không sợ hãi, không mỏi mệt, gánh vác việc lớn mà tâm đó vẫn kiên cố, không thoái chuyển và lần lần tu tập các pháp Ba-la-mật, thành tựu Phật pháp không còn chướng ngại.” Pháp đó là vô biên, là vô đẳng, là bất cộng. Lời nói quyết định, tính dũng mãnh, nên thành tựu được sự việc rộng lớn của Như Lai. Đại Bồ-tát ở trong việc đó không nghi, không mê; lòng tin nhận việc đó rất thâm sâu.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nên suy nghĩ như vầy: “Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, khi ngồi trong đạo tràng, có thể chứng được vô ngại thanh tịnh, Thiên nhĩ, Thiên nhãn, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Lậu tận trí. Trong một niệm, thấu rõ trí bình đẳng của ba đời; quan sát chân thật tất cả thế gian, các chúng sinh này đều có thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; hủy báng Thánh nhân, có tà kiến tạo nghiệp; khi thân hoại, mạng chung sẽ đọa vào đường ác. Nếu chúng sinh này, đều có thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, không hủy báng Thánh nhân, có chánh kiến chánh nghiệp; sau khi chết sẽ sinh vào cảnh giới thiện.” Quán sát chân thật cảnh giới của chúng sinh, rồi nghĩ như vầy: “Xưa kia ta phát nguyện thực hành Bồ-tát đạo, tự giác, giác tha nguyện này đầy đủ.” Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật đối với việc này không nghi không ngờ nên tin thọ chân thật.
Này đại vương! Nơi Bồ-tát thành Phật gọi là giáo xứ, tự giác ngộ gọi là Chánh giác, thành tựu cho chúng sinh gọi là Chánh biến giác.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy nên tin biết là Như Lai sẽ xuất hiện ở đời.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, khi nói pháp Nhất thừa thì liền tin nhận. Vì lời nói chư Phật chân thật, không giả dối. Tất cả các thừa đều từ Phật thừa mà sinh ra. Như cõi Diêm-phù-đề, tất cả các thành ấp, xóm làng, tên thì khác nhưng đều thuộc một châu này. Như vậy các thừa tuy có nhiều tên nhưng đều thuộc về Phật thừa. Lại nghĩ như vầy: “Như Lai, Thế Tôn dùng phương tiện thiện xảo, nói tất cả pháp đều chân thật, không giả dối. Vì Đức Thế Tôn nói pháp tùy theo căn tánh của chúng sinh, cho nên phân biệt có ba thừa nhưng thật sự chỉ có một đạo.”
Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải nghĩ thế này: “Đức Như Lai thuyết pháp, âm thanh rất sâu xa chân thật không hư dối, vì Phạm thiên, Đế Thích… nhờ có chút ít công đức cũng có được âm thanh sâu xa, huống chi là Đức Như Lai đã chứa nhóm công đức từ vô lượng ức kiếp.”
Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, lại phải nghĩ như thế này: Như Lai nói pháp không trái với các căn, các hạng thượng, trung, hạ đều làm cho thành tựu. Các chúng sinh đều cho rằng được Phật nói riêng cho mình; nhưng chư Phật từ xưa đến nay không nói, không chỉ bày, nên Đại Bồ-tát đối với các sự việc như thế không còn nghi, mà lại tin hiểu ngay.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tâm được vi tế nên suy nghĩ như thế này: “Thế gian như đống lửa lớn cháy mạnh. Đó là lửa tham dục, khói tức giận, bóng đen ngu si. Làm sao khiến cho tất cả chúng sinh phải đều xa lìa; hoặc có thể làm cho thông suốt các pháp bình đẳng, gọi là xuất ly để như thật biết các pháp, giống như huyễn tướng; phải khéo quán sát nhân duyên để khỏi phân biệt.”
Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nên nghĩ như thế này: “Pháp vốn không mà lại có nghiệp báo; phàm lời của chư Phật Bồtát nói ra, ta biết ý đó; đã biết ý rồi, thì suy tư về nghĩa; đã suy tư về nghĩa rồi, tức thấy chân thật; thấy chân thật rồi, liền cứu độ chúng sinh.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là dùng phương tiện thiện xảo, nói pháp cho chúng sinh; nghĩa là các pháp thảy đều không ngã, không chúng sinh, không dưỡng dục, không người, không tạo tác, không người hiểu, không người sinh, không người thấy, vô sở hữu không, chẳng phải tánh tự tại, mà chỉ do hư vọng và phân biệt, hòa hợp sinh ra.
Này đại vương! Nếu nói các pháp đều không ngã, cho đến không người thấy là đúng lý; nói không, vì không sở hữu cho đến duyên sinh cũng lại như vậy.
Này đại vương! Người muốn nói pháp ấy phải tùy thuận theo pháp tướng đó, gọi là xứng lý, không trái pháp tướng. Lý cùng với pháp tương ưng, nên được vào bình đẳng nghĩa lý sẽ hiển hiện, nên gọi là khéo thuyết pháp.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật sẽ đạt được biện tài vô ngại. Nghĩa là tài biện luận không có chấp trước, tài biện luận không cùng tận, tài biện luận không đoạn dứt, tài biện luận liên tục, tài biện luận không khiếp nhược, tài biện luận không kinh sợ, tài biện luận bất cộng, tài biện luận trời, người đều tôn trọng, tài biện luận vô biên.
Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật sẽ được tài biện luận thanh tịnh. Nghĩa là tài biện luận không kêu la quát mắng, tài biện luận không mê hoặc não loạn, tài biện luận không sợ sệt, tài biện luận không cao mạng, tài biện luận nghĩa lý đầy đủ, tài biện luận ý vị đầy đủ, tài biện luận thông suốt, tài biện luận đúng thời tiết.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, vì xa sự sợ hãi oai đức của đại chúng, nên không kêu la quát mắng. Nhờ trí tuệ vững trụ, không khiếp sợ, nên không mê loạn. Bồ-tát ở giữa mọi người như vua sư tử, nên không sợ sệt, xa lìa các phiền não, nên không cống cao ngã mạng không nói vô nghĩa; thấu rõ pháp tướng nên nghĩa lý đầy đủ. Khéo hiểu rõ ràng về văn tự thơ luận của thế gian trí nên ý vị đầy đủ. Từ vô lượng kiếp đến nay khéo học tập tiếng địa phương nên mới thông suốt như vậy.
Khi nói pháp này phải tùy theo bốn mùa; như mùa xuân thì nói mùa xuân; hạ, thu, đông cũng như vậy. Việc gì nói trước thì không nên nói giữa và sau; việc gì nói sau thì không nên nói trước và giữa; việc gì nói giữa thì không nên nói trước và sau, phải khéo biết thời.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, sẽ được tài biện luận, làm cho chúng sinh vui mừng. Nghĩa là nói phải dịu dàng, nét mặt luôn vui vẻ không có buồn rầu, nhăn nhó; nói ra lời nào đều có ý nghĩa; nên được gọi là lời nói chân thật, nhất định không lừa dối, lấn áp người. Những lời nói vui vẻ và nhu hòa sẽ làm cho mọi người vui mừng. Sắc mặt khoan thai hòa nhã khiến người khác càng muốn thân cận. Tùy người nghe mà nói nghĩa để cho họ tự hiểu lấy; thuyết giảng đúng pháp vì làm lợi ích, bình đẳng thuyết giảng bằng cái tâm không biết thiên lệch, bè đảng. Phải nói những lời chắc chắn không hư vọng. Những điều gì được nói ra cũng tùy theo căn tánh của chúng sinh làm cho họ được hoan hỷ.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật sẽ thành tựu oai đức rất lớn. Vì sao? Vì chẳng phải là người có khả năng thì không thể nghe được.
Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương bạch:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thì tự tánh bình đẳng; vì sao lại không nói cho người chẳng có khả năng?
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Này đại vương! Bát-nhã ba-la-mật tự tánh vốn bình đẳng; không thấy người có tài năng, không thấy người chẳng có tài năng; không thấy người thuyết và pháp được thuyết chúng sinh là hư vọng, thấy và nói đều chẳng nói được. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không sinh, không diệt; không có tướng phân biệt; giống như hư không biến khắp tất cả; chúng sinh cũng như vậy không sinh, không diệt; hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát và Phật cũng như vậy. Không có pháp danh tự, mà giả lập có danh tự; gọi là chúng sinh, gọi là trí tuệ, gọi có người nói, gọi có pháp bị nói, gọi có người nghe. Trong đệ nhất đồng là một tướng; đó gọi là vô tướng.
Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, oai đức rất lớn nên không phải là người có khả năng thì không thể nghe được.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật; không nói cho chúng sinh không có khả năng; không nói cho ngoại đạo; không nói cho người không tôn trọng; không nói cho người không tin chân chánh; không nói cho người cầu pháp mua bán; không nói cho người tham lam lợi dưỡng; không nói cho người ganh ghét; không nói cho người mù, điếc, câm, ngọng. Vì sao? Vì khi Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tâm không keo kiệt, không giấu giếm pháp sâu xa; chẳng phải đối với chúng sinh, không có lòng Từ bi mà cũng không bỏ chúng sinh. Do chúng sinh trồng nhiều căn lành ở đời quá khứ nên thấy được Như Lai và nghe chánh pháp. Chư Phật Như Lai vốn đã không nói là tâm này hay tâm kia; chỉ vì người có nghiệp chướng nặng nên tuy ở gần mà không thấy không nghe.
Khi ấy Thắng Thiên vương bạch Phật:
–Thưa Thế Tôn! Những chúng sinh nào chịu nghe chư Phật và Bồ-tát nói pháp?
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Này đại vương! Người đủ niềm tin chân chánh, chư Phật và Bồ-tát sẽ nói pháp cho họ; người căn tánh thuần thục thì cho là pháp khí, ở chỗ chư Phật thời quá khứ, đã trồng các căn lành nên tâm không dua nịnh; oai nghi tề chỉnh; không mong danh lợi, gần gũi bạn lành; người căn tánh lanh lợi, nói văn hiểu nghĩa, vì pháp tinh tấn không trái lời Phật dạy.
Này đại vương! Chư Phật, Bồ-tát nói pháp cho những chúng sinh như vậy.
Này đại vương! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, có thể làm vị Pháp sư nói pháp khéo léo. Vì sao nói pháp phải thuyết khéo léo? Vì lợi ích Phật pháp mà nói Phật pháp hoàn toàn không thể thấy; tuy nói Ba-la-mật mà Ba-la-mật hoàn toàn không thể được; tuy nói Bồ-đề mà nói Bồ-đề hoàn toàn không thể được; tuy đoạn phiền não mà nói phiền não hoàn toàn không thể được; tuy là Niếtbàn mà nói Niết-bàn hoàn toàn không thể được; tuy là Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả, cho đến A-la-hán hướng, A-la-hán quả, mà bốn quả bốn hướng hoàn toàn không thể được; tuy là quả Bích-chiphật, mà quả Bích-chi-phật hoàn toàn không thể được; diệt trừ ngã kiến, mà nói ngã kiến hoàn toàn không thể được; nói có nghiệp báo, mà nói nghiệp báo hoàn toàn không thể được. Vì sao? Vì điều mà danh từ diễn tả thì chẳng phải là pháp chân thật; pháp chẳng phải là danh tự; chẳng phải là cảnh giới của nói năng. Pháp chẳng có thể nghĩ bàn, chẳng phải là nơi tâm suy lường; danh tự chẳng phải là pháp, pháp chẳng phải là danh tự; chỉ dùng nền tảng thế gian hư vọng, giả danh mà nói có. Không có pháp danh tự, mà nói là danh tự, danh tự là không, mà không cũng không có. Không sở hữu là chẳng phải Đệ nhất nghĩa đế; chẳng phải Đệ nhất nghĩa đế tức là pháp hư vọng của phàm phu.
Này đại vương! Đó gọi là Đại Bồ-tát nói pháp phải thuyết khéo léo. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng sức phương tiện để được biện tài vô ngại và tùy theo căn tánh của từng chúng sinh mà nói Bát-nhã ba-la-mật sâu xa đó.