SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 6
Phẩm 29: PHÁP LAI KHẢI SĨ
Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Từ xuất định cùng các thể nữ đi đến cúng ngài Pháp Lai, đứng ngoài cửa tự nghĩ: “Vì Kinh pháp nên ta đến, Pháp sư hiện đang ở trong, ta không nên ngồi nằm, mà phải đợi Pháp sư lên trên tòa cao giảng nói về Minh độ vô cực, lúc ấy mới ngồi.”
Các thể nữ cũng bắt chước đứng. Lúc ấy, Bồ-tát Pháp Lai vừa giảng dạy kinh đạo cho các thể nữ trong cung xong, ngài tắm gội rồi mặt áo mới, lên đài Minh độ ngồi tư duy về các định, bất động đến bảy năm như vậy.
Bồ-tát Phổ Từ và các thể nữ không hề quấy nhiễu. Họ cũng đi kinh hành bảy năm không ngồi, không nằm. Sau đó, họ nghe tiếng của Đức Phật ở trong hư không dạy: “Sau bảy ngày, Bồ-tát Pháp Lai sẽ xuất định.” Nghe tiếng Đức Phật dạy, Bồ-tát Phổ Từ tự nghĩ: “Ta phải quét dọn sạch sẽ và trải tòa cho Pháp sư”, rồi cùng đến chỗ giảng kinh làm tòa cao cho Pháp sư. Các thể nữ đều lấy y phục mặc trên thân trải lên tòa.
Bấy giờ tà ma tự nghĩ: “Chưa có ai như Bồ-tát này, vì cung kính cầu Phật nên tinh tấn mạnh mẽ làm tòa cao. Người nào không biếng nhác thì được đạo, sẽ ra khỏi cõi nước ta để cứu độ vô lượng chúng sinh. Ta phải hại ông ta.”
Để phá hoại tòa ngồi của các Bồ-tát, bọn tà ma đổ cát, đá, sỏi, gai góc, xương khô… làm dơ bẩn tòa ngồi. Thấy trên đất, giữa tòa ngồi toàn cát, sỏi, gai góc, xương khô, Bồ-tát Phổ Từ và các thể nữ tự nghĩ: “Bấy giờ Pháp sư sắp đến giảng kinh và các đệ tử sẽ đến nghe, ta nên quét dọn sạch sẽ, sửa soạn chỗ ngồi ngay ngắn. Trên đất có bụi bặm sẽ làm bẩn Pháp sư và các Bồ-tát, ta phải vẩy nước”, nên liền đi tìm nước, tà ma làm cho nước cạn. Bồ-tát Phổ Từ và các thể nữ nghĩ: “Chúng ta tìm nước không được, phải làm sao? Nên lấy máu trong thân mình vẩy lên.” Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Từ và các thể nữ đều lấy dao đâm nhiều nơi trên thân, lấy máu vẩy lên đất, do có tâm Từ đối với pháp.
Đế Thích tự nghĩ: “Đời nay còn có người như vậy, tinh tấn, cung kính, từ hiếu đối với Pháp sư”, liền khen ngợi:
–Lành thay, lành thay! Hiền giả, thật khó có ai sánh bằng. Nay ngài nghe Minh độ không bao lâu sẽ thành Phật. Hiền giả, bây giờ Ngài cần gì, xin cứ dạy. Có được người như Hiền giả, chúng tôi phải ủng hộ, ngài muốn điều gì, chúng tôi sẽ làm ngay.
Bồ-tát Phổ Từ bảo:
–Tôi muốn điều gì ông nên tự biết.
Lúc ấy, Đế Thích hóa ra đất đều có nước trong như lưu ly. Trên đất có cát bằng vàng, rồi làm cho các vết thương trên thân của Bồtát Phổ Từ và các thể nữ đều lành lặn trở lại như trước. Bốn phía tòa ngồi biến thành ao nước lưu ly, chung quanh đều có cây bằng châu báu và hai bên bờ, bốn phía ao báu có bảy cây báu mọc ra nhiều trăm loại châu báu đẹp. Bồ-tát và các thể nữ để dành nước cho các Bồ-tát. Trời rải nhiều hoa màu sắc như mưa, sáng rực chiếu cả nước. Hương thơm thoảng khắp bốn phía. Người nghe mềm lòng, gom bốn ngàn tảng đá khắc lên lời của Bồ-tát Phổ Từ nói, rồi đem hoa này cúng dường Minh độ và rải lên trên Bồ-tát Pháp Lai và lấy y trải lên tòa ngồi. Tất cả đều được thọ nhận và chú nguyện.
Sau bảy năm, Bồ-tát Pháp Lai xuất định, đi đến tòa cao cùng với hai trăm ức Bồ-tát ngồi xuống. Ở phía trước, người ngồi rất đông. Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Từ và các thể nữ cùng nhau rải hoa, rải bột hương Chiên-đàn cùng nhiều danh hương, các châu báu lên Bồ-tát Pháp Lai và các Bồ-tát, đầu mặt lễ sát chân, đi nhiễu ba vòng rồi đứng lùi lại. Do tâm mầu nhiệm nên thấy đại hội của ngài Pháp Lai rộng vuông vức bốn mươi dặm, có rất đông người ở trong đó. Bồ-tát Pháp Lai thấy người từ bốn hướng đến hội họp vì kinh pháp, ngài liền giảng nói Minh độ:
–Thiện nam, hãy lắng nghe, căn bản của các kinh pháp, đều bình đẳng với trí tuệ Như Lai, không có chướng ngại, như huyễn, không hình tướng. Như gió, vốn nguyên nhân của nó không thể tính kể, Minh độ cũng vậy, tất cả ngã sở đều phải dứt trừ vì nguồn gốc của nó vốn cũng thanh tịnh. Ví như ngựa bóng nắng, bóng người vốn không có. Như trong mộng có muốn điều gì thì điều mong muốn ấy vốn không. Như người có tên vốn không có. Như Ứng nghi diệt độ là không, không còn sinh nữa. Minh độ cũng vậy, Như Lai diệt độ cũng bình đẳng không khác. Minh độ vốn bình đẳng. Ví như đốt lửa liền dập tắt. Nó vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Như trong mộng thấy núi Tu-di vốn không. Như Phật hiện bay vốn không thật có. Minh độ cũng vậy. Trước đối với dục cùng vui thú, nhưng xét lại nó không thật có. Như người nổi tiếng không thật có. Như Lai không có cái thấy trước, nghĩ rằng ngươi ấy đã gây nhân gặp Minh độ. Nghĩ đến việc đã làm vốn không thật có. Như người làm ảo thuật hóa thành hình tượng vốn không thật có. Như hư không đích thực không có chỗ an trụ. Như cái học của nhà ảo thuật, đều chỉ bày từ xưa đến nay cũng không thể gom góp lại thành một. Minh độ cũng không có ba đời, nên biết như vậy. Tên gọi xét ra vốn không có hình tướng, nhưng chữ lại có hình tướng. Minh độ không phải không đến, không phải không vào. Vì sao? Vì hư không vốn không có sắc. Minh độ ví như hư không, không phải không đến, không phải không vào. Nhập vào địa, thủy, hỏa, phong, không, nhập vào năm ấm kia đây, nhập vào thọ mạng, có đức không đức, nhập vào dục không dục, có không có, tưởng không tưởng, nguyện không nguyện. Nhập vào trong sinh, nhập vào mặt trời, mặt trăng, sao, thần Chất lượng, Rồng, Quỷ vương, thần Chấp nhạc, thần tựa hình người, thần đi bằng ngực, thần thân rắn cũng nhập vào cầm thú, ngạ quỷ, địa ngục, loài bò bay máy cựa, loài bò đi ngoằn ngoèo, thở khò khè, giàu sang, hiền lành, Thánh trí, Tiên nhân, Dự lưu, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, nhập vào Bồ-tát, nhập vào Đức Phật, nhập vào diệt độ, bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Đạo hạnh, có trí Không trí, mười Lực, bốn Vô ý, bốn việc không ủng hộ, mười tám pháp Bất cộng, kinh Phật, sách đời, chú đồng bóng, nhập vào túc mạng lần lượt xoay vần trong sinh tử, có khổ không khổ, tự tại không tự tại, độ thoát, tốt không tốt, thiện không thiện, trí không trí, sáng suốt không sáng suốt, từ xưa đến nay có thể thấy không thể thấy, giáo pháp có không có, tất cả có hình, không hình, không phải không nhập vào.
Phật bảo Thiện Nghiệp:
–Này Thiện Nghiệp! Bồ-tát Pháp Lai đã đến nơi giảng nói Minh độ cho Bồ-tát Phổ Từ. Giảng đầy đủ như vậy suốt trong bảy ngày. Lúc ấy, người nghe kinh nói như chừng bữa ăn. Vì sao? Vì năng lực oai thần của Bồ-tát Pháp Lai nên khi nghe xong, Bồ-tát Phổ Từ rất vui mừng. Các thể nữ đem y trời và tám trăm thạch các thứ báu cúng dường Bồ-tát Pháp Lai. Đế Thích cũng rải các thứ hoa thơm cõi trời lên mình Bồ-tát Pháp Lai và các Bồ-tát để có thêm công đức. Lúc ấy, các cây gỗ, cây hoa, cây trái và nhiều loại cây báu trong một cõi Phật đều uốn mình nghiêng xuống đảnh lễ Bồ-tát Pháp Lai, rồi tuôn rải xuống các loài hoa đầy hương thơm như mưa. Hương thơm các loài hoa ấy tỏa ra trong một cõi Phật. Tất cả mọi người ngửi mùi hương của các loài hoa ấy đều thấy Bồ-tát Pháp Lai ở trên tòa cao giảng kinh và thấy Bồ-tát Phổ Từ cùng các thể nữ tỏ vẻ ưa thích, vui mừng khôn xiết, đều từ xa đảnh lễ. Trong nước ấy đều rung chuyển. Lúc ấy có hơn muôn ức người đắc được vô số kinh pháp, vô số Bồ-tát được địa vị không thoái chuyển.
Khi ấy, các thể nữ đến trước Bồ-tát Phổ Từ, thưa bạch rằng:
–Bạch Bồ-tát! Chúng con nguyện đem thân mạng tự quy y Ngài, xin được làm người hầu và kính dâng ngài năm trăm xe châu báu, vì chúng con mà ngài đã chịu nhiều khổ nhọc để hồi hướng thành Phật. Nay nhờ ân đức to lớn này, chúng con mới được nghe tôn kinh, không còn mảy may nghi ngờ. Bây giờ dẫu cho chúng con có hầu hạ ngài nhiều muôn ức kiếp cũng chưa đền đáp ân đức trong chốc lát.
Bồ-tát Phổ Từ nhận lời rồi đến trước Bồ-tát Pháp Lai, bạch rằng:
–Kính bạch Bồ-tát! Con xin dâng lên ngài thân con, các thể nữ và các châu báu. Mong ngài thương xót chúng con mà nhận lấy để chúng con được công đức.
Muốn Phổ Từ thành tựu công đức ấy nên Bồ-tát Pháp Lai nhận lấy rồi đưa lại cho Phổ Từ và nói:
–Cho ngươi các thể nữ này để làm người hầu, còn các xe châu báu hãy đem dùng.
Các trời, người trên trời Đao-lợi đều khen ngợi:
–Lành thay, lành thay! Bồ-tát Phổ Từ cúng dường Pháp sư nhiều vật báu! Thật khó có được tâm như vậy!
Lúc ấy có nhiều người muôn ức người đến chỗ ngài Pháp Lai nghe kinh. Bồ-tát Phổ Từ vui mừng hớn hở, đắc được sáu muôn pháp môn thiền định ngay tại chỗ ngồi. Đó là các định như: Định mong muốn, định oai nghi, định khuyến đức, định trăng tròn, định ánh sáng mặt trời, định hạnh Như Lai, định Bồ-tát sinh, định thích trí tuệ, định trụ độ thoát vững chắc, định không an trụ trong các cảnh giới, định nhập vào cõi nước mọi thứ trang nghiêm, định Như Lai tướng nhập vô tưởng, định người khắp mười phương vô hình ấn phong, định Như Lai xuất sinh, định an vui không lo sợ, định vứt bỏ châu báu, định oai lực Như Lai trang nghiêm, định các kinh pháp sáng suốt an lạc, định hiểu rõ mọi việc các pháp không từ đâu đến, định Thanh tịnh như Phạm thiên, định ba đời đều nhập vào bình đẳng, định tạng Phật trang nghiêm, định âm thanh Phật đều thành tựu… Các định như vậy được sáu muôn pháp môn. Bồ-tát xuất định, đắc được oai lực trí tuệ nhập vào các kinh pháp. Bồ-tát Phổ Từ thưa:
–Xin Pháp sư hãy vì con mà nói về âm thanh của Đức Phật và làm sao biết được?
Bồ-tát Pháp Lai dạy:
–Này Hiền giả! Hãy nghe cho rõ. Ví như cây đàn không hầu, không do một việc làm thành mà phải có phím đàn, có dây đàn và có người đưa tay khảy thì âm thanh của nó mới hòa hợp, rồi tự do muốn khảy ca khúc nào cũng được. Muốn biết âm thanh của Đức Phật giống như vậy. Bồ-tát vốn phát tâm trải qua nhiều đời làm công đức, dạy dỗ, truyền trao, thưa hỏi, gom góp làm việc Phật sự, nhờ vậy mới được thân Phật. Âm thanh cũng như vậy, pháp ấy đều từ nhân duyên làm thành, chứ không phải do Bồ-tát làm ra, không phải lìa hành mà được, không phải từ thân Phật mà được, cũng không phải lìa thân Phật mà được. Hiền giả muốn biết âm thanh thân Phật phải làm gom góp những việc như vậy mới được âm thanh của Phật.
Lại nữa, này Hiền giả! Ví như người thổi kèn phải điều hòa âm giỏi để khớp với bài ca. Cái kèn được làm bằng tre, nhưng phải có công người thổi. Làm tất cả những việc như vậy thì âm thanh của nó mới buồn thương. Thân Như Lai không phải do một việc, hai việc mà thành, phải do nhiều đời làm công đức. Dạy người vào đạo, do bản nguyện mà ra, cho nên thân tướng Phật và các vẻ đẹp đều hiện rõ như vậy. Ví như sau khi Đức Phật diệt độ, có người làm hình tượng Phật trang nghiêm, xinh đẹp, giống Phật như tạc, ai thấy cũng đều khen ngợi, đem hoa hương, lụa là cúng dường thì Hiền giả có cho là cái thần của Đức Phật ở trong đó không?
Bồ-tát Phổ Từ thưa:
–Thưa không, vì người làm tượng chỉ muốn làm cho mọi người bó buộc tâm ý, kính lễ để tự răn nhắc mình làm sao phải được phước ấy. Cũng không phải do một việc, hai việc làm thành mà nhờ có vàng, có trí người, hoặc có người thấy Phật, rồi sau khi Ngài diệt độ nhớ đến Ngài nên làm tượng, muốn cho chúng sinh trong mười phương cúng dường để được phước ấy.
Bồ-tát Pháp Lai nói:
–Như Hiền giả đã nói, thành tựu thân Phật không phải do một việc, hai việc mà nhờ có hạnh tu của Bồ-tát, có người vốn cầu thành Phật, hoặc có người thường thấy Phật làm công đức, cho nên thành tựu thân Phật, trí tuệ biến hóa, bay đi và các tướng tốt mới thành tựu thân Phật. Ví như cái trống có tre, gỗ, da, dùi, có người đánh thì âm thanh của nó mới phát ra. Muốn biết thân Phật thì cũng giống như vậy, do thực hành trăm ngàn việc mới thành tựu được, có phát tâm ban đầu, có thực hành sáu Độ vô cực, hiểu rõ tất cả mọi việc vốn không, không từ đâu sinh, ngồi dưới gốc cây hàng phục quyến thuộc ma quân, biết các kinh pháp như huyễn không khác, cho nên mới thành tựu thân Phật. Ví như họa sĩ có cây bút bằng ngọc bích, dùng tay vẽ mới thành người họa sĩ. Thân Phật cũng như vậy, do làm mấy ngàn việc bố thí, trì giới, không phạm mười điều ác, thường theo thầy tốt, có tâm bình đẳng thương xót chúng sinh nên không ai phá hoại được, đời đời thấy Phật. Bồ-tát nghe rồi thực hành một cách vững chắc không quên, giữ gìn chân thật không dua nịnh, thường thực hành tâm chí thành.
Lại nữa, ví như trời Vô kết ái tu chỉ quán, theo thứ lớp lên trời Quang diệu trang nghiêm xinh đẹp. Ở cõi trời này nhà cửa không phải tự làm, cũng không có ai đến làm, vì vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, do nhân duyên mà sinh, nhờ người ấy đời trước làm công đức mà có ra, nhờ bố thí cho chúng sinh nên được sinh về nơi đó, ở trong những ngôi nhà đó. Hiền giả muốn biết thân Phật do nhân duyên sinh. Người đời muốn thấy Phật thì người ấy đới trước có công đức, xa lìa tám chỗ xấu ác, sinh ra trí tuệ kính tin Phật. Sở dĩ Đức Phật hiện thân là vì muốn độ chúng sinh. Như tiếng vang trong núi không phải do một việc, hai việc, mà do có núi, có người kêu, có tai lắng nghe mới nghe được. Phật vốn không có hình tướng, cũng không đắm trước, do nhân duyên sinh ra, đời đời thực hành về không, nhân duyên sinh tử Phật đều hiểu rõ, vốn không có sinh tử, cũng không có diệt độ nhưng thực hành thị hiện này, nói lời này. Ví như ngưòi làm ảo thuật hóa thành vua Chuyển luân từ bi giáo hóa làm thấm nhuần chúng sinh, ai nghe cũng đều ưa thích. Người mong cầu ưa thích y phục bằng châu báu thì đều tha hồ cho họ.
Giữa mọi việc, đức vua ngồi, đứng, bước đi, dung nghi an ổn, vững chắc, ai thấy cũng đều kính lễ, không phải do một việc, hai việc thành tựu mà do có thầy, có chú nguyện, có nhiều người, tùy theo sở thích mà hóa hiện ra. Có người thông minh biết là hóa hiện, chứ người huyễn này không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, vốn là từ không, do sự biến hóa làm ra. Người thông minh biết là do nhân duyên. Thân Phật cũng vậy, do nhiều việc có công đức, có đức hoan hỷ, nghĩ nhớ đến chúng sinh làm cho được an ổn. Bồ-tát nguyện phân chia kinh pháp, chỉ dạy, truyền trao để thực hành. Bỏ định tư duy phân biệt, nói kinh cho mọi người học.
Các trời người đều vui vẻ. Trong số đó có người tự cống cao, có người không biết hổ thẹn, có người dâm loạn, tham lam keo kiết, có người gắng gượng tự dụng, có người hay tranh cãi, không thể nào can ngăn, có người che giấu dâm, nộ, si, có người làm ác không thể tính kể. Phật ở ngay trong mọi người, rất trang nghiêm xinh đẹp, ngồi, đứng, bước đi, phép tắc dung nghi đều an ổn vững chắc, các việc ác đã hết, chỉ còn các đức làm cho mọi người được an vui, cũng tự làm Phật sự nhưng vốn không đắm nhiễm. Như việc do người ảo thuật làm ra, Bồ-tát thấy thân Phật cũng như vậy. Dù Ngài không đắm nhiễm, không tưởng nhớ, dù biết vốn không nhưng vẫn cung kính lam lễ cúng dường. Từ xưa đến nay, chư Phật đều từ các việc, mọi việc đều có duyên sinh.
Bồ-tát lại nghĩ: “Người nào giữ gìn thực hành sẽ mau thành Phật.” Lúc Bồ-tát Pháp Lai nói về thân Phật, có bốn mươi tám ngàn Bồ-tát hiểu ngay và đều tin vào đó mà thực hành trăm ức Bồ-tát được sự không chướng ngại, nếu có hỏi đều đáp được, bốn trăm ức Bồ-tát được địa vị không thoái chuyển, tám trăm ức Bồ-tát đều được an trụ vào pháp A-xà-phù. Lúc ấy, chư Thiên đem hoa thơm đến tung rải như mưa lên Bồ-tát Pháp Lai và các Bồ-tát. Nhờ oai thần của Bồ-tát Pháp Lai, tất cả đều ở một cõi Phật có các âm nhạc tự phát ra âm thanh. Từ trong hư không, mấy ngàn muôn ức vị trời tung y trời, trổi âm nhạc cùng chúc mừng Bồ-tát Pháp Lai và các Bồ-tát. Thiên y bày ra che trùm một cõi Phật, các vị trời đốt nhiều thứ hương rồi chia ra rải khắp một cõi Phật. Trái đất đều rung chuyển, Bồ-tát chư Phật từ xa khen ngợi Bồ-tát Pháp Lai:
–Lành thay, lành thay!
Lúc ấy, chư Phật thọ ký cho Bồ-tát Phổ Từ về sau sẽ thành Phật hiệu là Võng-ma-ca-kỳ-đà-phả-la-da Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác. Các người nữ đều hóa thành người nam, đời đời sinh ra nơi nào đều không lìa chư Phật, thường đem Minh độ chỉ dạy cho chúng sinh trong mười phương lần lượt thành Phật.
Đức Phật bảo Thiện Nghiệp:
–Bồ-tát muốn mau thành Phật phải cầu Minh độ vô cực một cách tinh tấn, cung kính như Bồ-tát Phổ Từ.