SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 15: KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Thiện Nghiệp hỏi Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Đại sĩ không thoái chuyển nên làm thế nào để so sánh, quán sát hành tướng của họ như vậy?

Đức Phật dạy:

–Nếu đạt được thiền thì không lay không động, như địa vị Thanh văn, Duyên giác và Phật, như pháp vốn không cuối cùng không lay động.

Đức Phật nói về pháp vốn không, người nghe không nói chẳng

phải hư không vốn không, mà vốn không là sở hữu. Vốn không như gốc cũng không nói chẳng phải. Như nghe rồi nếu chuyển đến nơi khác, nghe nhất định không nghi ngờ, không nói là đúng sai. Như vốn không kiến lập, những điều họ nói thành thật nhưng lại không nói. Hành động trái đạo của phàm phu không theo phép tắc, không xem xét. So sánh việc này với hành tướng đủ biết là Đại sĩ không thoái chuyển.

Lại nữa, diện mạo của Sa-môn, Phạm chí không hình tướng, việc này đủ biết rõ, thấy rõ, không cúng bái hương hoa cho trời, cũng không dạy người khác, là do so sánh việc này với hành tướng đủ biết, cuối cùng không sinh vào nơi ác, không làm thân người nữ. So sánh việc này với hành tướng đủ biết là Đại sĩ không thoái chuyển giữ giới. Tự thân mình không giết, dạy người không giết; không trộm cắp, dạy người không trộm cắp; không dâm dục, dạy người không dâm dục; không nói hai chiều, không nói lời ác độc, không nói dối, không nói thêu dệt, ganh ghét, sân si. Mười giới này điều tự giữ gìn, còn dạy người khác giữ hạnh. Trong mộng nằm thấy tự mình giữ mười giới như vậy. So sánh việc này với hành tướng đủ biết. Lại học các pháp, đem tâm này học pháp này, giúp chỉ chúng sinh an ổn chính là giảng kinh. Truyền trao kinh này để phân chia công đức, nguyện cho chúng sinh đạt được định thanh tịnh này để sáng suốt mình tự lập. So sánh việc này với hành tướng đủ biết. Lại khi Đại sĩ nói về pháp sâu xa, thì chắc chắn không nghi ngờ, không nói không tin, cũng không lo sợ. Những lời nói ra nhỏ nhẹ, êm đẹp, ít nằm ngủ, đi bộ ra vào, tâm không rối loạn, đi khoan thai an ổn, nhìn kỹ nơi đất mà đi, mặc y phục bên trong thường sạch sẽ, không có rận rệp, bụi bặm, cũng không lo lắng. Trong thân không có tám mươi thứ sâu trùng. Vì sao? Vì công đức sáu Độ của Bồ-tát Đại sĩ hơn cả Thánh hiền. Ít muốn nhưng có đầy đủ, thân tâm trong sạch đều lãnh thọ ý chí cao cả.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao tâm của Bồ-tát Đại sĩ trong sạch?

Phật dạy:

–Vì công đức của học đã làm càng tăng thêm lên, tâm không bị ngăn ngại nên công đức đều đạt được. Tâm thanh tịnh này hơn hàng Thanh văn, Duyên giác trên. So sánh việc này với hành tướng đủ biết. Lại có người đến cúng dường không tỏ ra vui vẻ, đối với tất cả không keo kiết. Lúc nói về kinh sâu xa không hề nhàm chán, vào sâu trong trí. Nếu người ở nơi khác muốn nghe kinh thì đem Minh độ này giảng nói cho họ. Họ có điều gì không chánh đáng nơi đạo khác thì dùng Minh độ làm cho chánh. Pháp nào xuất xứ từ kinh đều giữ gìn, việc vô nói với họ thường, còn các việc trong kinh sách thế gian không thể hiểu được thì dùng Minh độ này giải thích cho họ hiểu. Do hành tướng này đủ biết. Tà xấu đang từ từ đến chỗ họ, liền ở bên cạnh hóa thành tám địa ngục lớn, trong đó có các Bồ-tát chỉ bảo rằng: “Người này trước kia được Đức Phật thọ ký thành tựu địa vị không thoái chuyển, nay đều đọa vào địa ngục.” Được Đức Phật truyền trao mà còn đọa vào địa ngục. Nếu sớm ăn năn thì nên nói rằng: “Tôi không phải là bậc không thoái chuyển.” Nếu vị nào nói như vậy thì không còn đọa vào địa ngục nữa, sẽ được sinh lên cõi trời.

Phật dạy:

–Nếu vị nào tâm không lay động thì biết là không thoái chuyển.

Do hành tướng này đủ biết tà vạy, lại hóa thành vị thầy mặc y phục đến chỗ họ, hoặc từ trước những điều nghe nhận đều bỏ đi không dùng được. Nếu sớm ăn năn theo lời tôi nói thì mỗi ngày tôi đến thăm hỏi, còn không theo lời tôi nói thì chắc chắn tôi không đến nữa, vì không còn ai nói việc này. Tôi không muốn nghe vì những lời giảng nói trước kia đều ngoài việc này. Hãy lãnh thọ lời tôi nói, chính là những điều Đức Phật đã giảng nói.

Phật dạy:

–Nghe việc này, nếu vị nào lay động, nên biết người ấy chưa được các Đức Phật quá khứ thọ ký, chưa lên đến Đại sĩ mà còn ở trong địa vị không thoái chuyển. Nếu không lay động mà còn nghĩ nhớ kinh này đạt đến chỗ hư không thì có suy nghĩ như vầy: không tin lời tà vạy nói. Ví như Tỳ-kheo đắc được địa vị Thanh văn, không lãnh thọ lời tà vạy nói. Mắt thấy kinh chứng đạo. Đó là do chỗ rỗng không làm ra, chắc chắn không thể lay động. Như Thanh văn, Duyên giác nghĩ nhớ pháp, cuối cùng không còn. Đại sĩ này hướng đến Phật cũng như vậy. Chính là an lập ở địa vị không thoái chuyển, đó là pháp độ cùng tột. Do hành tướng này đủ biết. Tà vạy lại đến chỗ họ, lại còn người khác nói nếu người có sở cầu là cầu khổ, chẳng phải cầu pháp Phật. Nếu cậy vào đây, thì khó dùng nó để mong cầu. Nếu ở trong đường ác trải qua nhiều đời lâu xa muốn được làm người mà không hề suy nghĩ tự lo nhàm chán hay sao? Nên ở nơi nào lại tìm thân này? Tại sao không sớm chứng lấy địa vị Thanh văn, để cầu Phật đạo?

Phật dạy:

–Nếu vị nào không lay động thì tà vạy lại bỏ đi. Lại dùng phương tiện hóa thành một số Bồ-tát đứng bên vị ấy. Còn đến chỉ bảo rằng: Nếu thấy Bồ-tát này đều cúng dường như hằng sa Phật các thứ cơm áo, mền đệm, thuốc men đồng thời lãnh thọ pháp, thưa hỏi về trí tuệ đầy đủ, nên việc làm và điều mong cầu đều phải học. Đúng như pháp trụ, đúng như pháp cầu, đều ở trong đây học tập tu hành, còn chưa được thành Phật, huống gì các ông vin vào đâu mà được chứ?

Phật dạy:

–Nếu vị nào không lay động thì tà vạy bỏ đi không xa, hóa thành Tỳ-kheo nói rằng: “Thanh văn này ở đời quá khứ đều cầu đạo Bồ-tát, đã nắm lấy địa vị Thanh văn rồi, làm sao được thành Phật”?

Phật dạy:

–Do đó, Bồ-tát Đại sĩ thực hành hạnh này. Dù từ nơi khác nghe, tâm vẫn không lay chuyển, không đổi khác. Ở ngay trong đó còn hiểu biết tà vạy, làm những điều không khác lời Phật dạy, vun trồng ý chí, mong cầu đại minh. Nếu vị ấy không thành Phật thì lời Phật nói là sai lầm. Đức Phật dạy không luống dối, nên học tập pháp này, nên thực hành sự mong cầu này. Hãy xét kỹ giáo ấy, tâm không lay động, từ trong ấy biết là tà vạy. Do hành tướng này đủ biết là bậc không thoái chuyển. Lại tà vạy quấy nhiễu nói rằng Đức Phật giống như hư không. Kinh này thực hành cùng cực vô biên bất khả đắc. Vì sao? Vì nghĩa của kinh này có thể thấy biết, chỗ hướng đến của nó đều là hư không. Ở trong đó luôn bị khổ nên không thấy biết việc tà vạy. Chỉ có tà vạy thực hành kinh này thôi, thì làm sao muốn được thành Phật? Đây chẳng phải là lời Phật dạy.

Phật dạy:

–Các hiền nam, hiền nữ thấy rõ, nghĩ xa, bàn kỹ, rồi tự chọn lấy. Yêu tà rất khéo léo, lấy nghịch làm thuận. Dù yêu quái đến vẫn không chao đảo, mà vững chắc như núi Tu-di.

Do hành tướng này đủ biết là người không còn lui sụt thực hành Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Tùy theo định này mà Tứ thiền không bó buộc, vào thiền là được thiền. Thực hành định này mà muốn vào trong đó thì Bồ-tát Đại sĩ không thoái chuyển không tùy theo định chỉ dạy sẽ được thanh tịnh hơn định trên.

Do hành tướng này mà đủ biết. Lại có người cùng xưng danh đức của vị ấy nhưng vị ấy không lấy làm vui, tâm không lay động, tâm thường ngay thẳng. Nếu tại gia thì không nặng về dâm dục. Nếu lại có lúc như muốn đi qua cái đầm lớn, ở trong đó ăn uống thì lo sợ giặc cướp, muốn đi nhanh bèn tự nghĩ: “Chừng nào ta mới ra khỏi cái đầm này? Nghĩ đến người nữ rịn ra chất bất tịnh chẳng phải là pháp thanh tịnh của ta.” Nên thực hành ý nghĩ này, vì sao? Vì nghĩ nhớ như vậy sẽ làm cho mọi người trong mười phương an ổn.

Phật dạy:

–Như vậy phước ấy đầy đủ, được năng lực oai thần của Minh độ làm cho thực hành ý nghĩ này.

Do hành tướng này đủ biết. Lại có Hòa-di-hoàn theo che chở, các quỷ thần khác không dám dựa, không mất tâm chí, không quên phát tâm, thân không ghẻ nhọt, sáu căn đầy đủ, mẫu mực, sáng suốt, mạnh mẽ nhưng không tự để lộ ra, không dụ dỗ phụ nữ, hoặc có phù chú, thuốc men cũng không làm cho họ, cũng không dạy người dâm dục làm hạnh nhơ uế, mà không dùng lời, thì ý nghĩ xấu xa phi pháp không do đâu sinh ra được. Do hành tướng này đủ biết.

Lại nữa, này Thiện Nghiệp! Ông sẽ lấy tên của hạnh nào làm không thoái chuyển? Bậc không thoái chuyển không làm bạn với chúa vô đạo, tôi hèn nịnh, quân giặc cướp bóc mưu toan giết hại sinh linh, nam nữ phi pháp, cổ đạo dâm dật, cúng tế tiền gạo, giết mổ, rượu chè, lụa là, ướp hương, ca hát vui đùa, xuống biển đến chỗ nguy hiểm tìm lấy lợi lộc. Những hạng người như vậy trước sau không làm bạn. Bồ-tát tùy theo từng việc nhưng không rời trí Nhất thiết, thường khen ngợi bậc hiền, cho là bậc đứng đầu trong bàn luận. Xa người ngu si, gần gũi bậc Thánh, tôn kính Tam bảo, cứ như thế thề rằng Bồ-tát không thoái chuyển thường nguyện sinh cõi Phật phương khác, nguyện cao thề sâu chắc chắn được vãng sinh. Do đó, thường thấy Phật, được cúng dường. Nguyện như vậy từ nơi cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, từ nơi ấy đến sinh vào nơi có Phật pháp hưng thịnh. Đối với Bồ-tát, trí tuệ là nhà, tám chánh là bàn luận về nghĩa kinh, việc trái nghịch không tham dự, xa nơi biên địa không có Phật, tánh thanh tịnh chân thật, không phạm pháp. Hành tướng như thế đủ biết là bậc không thoái chuyển. Bồ-tát không thoái chuyển chẳng nói tôi đúng không nghi, tôi chẳng nghi giữa chừng. Ví như được đạo Dự lưu, ở trong địa vị ấy nhất định không nghi. Việc tà vạy vừa phát sinh liền hiểu biết, thà mất mạng mà tâm không quanh co. Ở địa vị đó tự mình chắc chắn không nghi ngờ, không biếng nhác, không có tâm Thanh văn, Duyên giác, tâm không niệm Phật khó được an trụ. Ở địa vị ấy, tâm rộng lớn, tỏ ra xa vời, mạnh mẽ nên không ai hơn được. Vì sao? Vì trụ như vậy không ai có thể hơn được. Do đó tà vạy, buồn rầu, căm giận liền hóa thành thân Phật đến nói với vị ấy rằng: nếu ở đây có thể chứng đạo Thanh văn, vẫn chưa được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác. Vì sao? Vì nếu không có được hành tướng này thì do đâu biết chẳng phải Phật, mà chính là tà vạy thôi. Như Đức Phật đã dạy: Suy nghĩ, xem xét nó thì điều tà vạy muốn làm cho ta lay động. Đức Phật dạy: Nếu là bậc nhất động thì đã biết ở thời Phật quá khứ được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác. Vị ấy đều biết pháp hạnh trung chánh nên không tiếc thân mạng và tất cả pháp, do đó được lãnh thọ minh pháp của chư Phật từ xưa đến nay và luôn giữ gìn. Do vậy không tiếc thân mạng, không hề biếng nhác và không lúc nào nhàm chán. Khi Đức Như Lai và các đệ tử giảng kinh thì không nghi ngờ nói sai. Vì sao?

Vì đạt được pháp lạc không từ đâu sinh và ở trong đó kiến lập giữ gìn công đức này, đều biết đầy đủ là Bồ-tát Đại sĩ không thoái chuyển.