SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 13

Phẩm 13: ĐẠO (Phần 1)

Tám đường chánh rất thẳng

Tứ đế là dấu pháp

Đạo này gọi Vô vi

Dùng đèn diệt tối ái.

Tám đường chánh rất thẳng: Sao gọi là chánh thẳng? Tứ đế là căn cứ ở nghĩa. Gọi là bốn, vì căn cứ vào nhân quả nên gọi là bốn, vì y cứ vào Tụ nên có bốn. Nếu vì ý nghĩa thì nên gọi là ba thay vì bốn. Đã ghi là Khổ thì không có Tập, đã ghi rằng Tập thì không có Khổ. Đó gọi là: 1. Tận, 2. Đạo, 3. Khổ. Duyên quả là bốn, nữa đó là năm. Từ khổ có duyên (nhân) cũng như duyên mới có quả. Đạo cũng như thế, Tận Đế là năm. Nếu y cứ Tụ là bốn, thì thành Tám. Trước hết đoạn khổ ở cõi Dục, sau mới đến cõi Sắc, Vô sắc là hai. Cho đến Đạo cũng như thế. Thành lập nghĩa này lại còn có thuyết khác cho rằng: Nếu từ nghĩa duyên quả thì gọi là năm. Khổ cũng vừa do duyên cũng vừa do quả, khi nó hết thì gọi là dấu khổ, dấu vết của hữu lậu, dấu vết của tham, dấu vết của bỏn sẻn.

Có ngươi vấn nạn rằng: Đạo cũng có duyên, có quả, đều gọi là dấu vết của khổ, cũng gọi là dấu vết của hữu lậu, cũng gọi là dấu vết của bỏn sẻn, vì sao? Ở đây không lập hai đế?

Đáp rằng: Vì muốn ngăn dứt lối lập luận trên, nên cũng có nhân duyên. Đối với Khổ, Tập kia sinh ra hai luận, vừa không có Khổ, vừa không có Tập. Vì muốn ngăn dứt hai luận này, nên nói có Khổ, có Tập. Đạo: Có duyên, có quả thì sinh ra lập luận cho rằng: Không có đạo. Để ngăn dứt lối lập luận này, nên nói có Đạo. Thế nên nói có Tứ đế, mà chẳng phải ngũ đế.

Lại có thuyết y cứ vào Tụ, nên lập luận này, nói có tám. Đáp rằng: Y cứ vào một tướng của nghĩa Tụ thì khổ ở cõi Dục, khổ ở cõi Sắc, Vô sắc đều tụ rồi. Hành duyên của cõi Dục, hành duyên của cõi Sắc, Vô sắc thì sau khi nhóm họp thì phát sinh ra tướng.

Hành uẩn của cõi Dục đã hết, hành uẩn của cõi Sắc và Vô sắc đã hết, sau khi nhóm họp thì gọi là tướng hưu tức (chấm dứt). Hành đối của cõi Dục, hành đối của cõi Sắc, Vô sắc đã hết, sau khi nhóm họp thì gọi là tướng Xuất yếu. Vì thế nên gọi là Tứ đế.

Như người có trí tuệ quán sát biết có phiền lụy hay không phiền lụy, suy nghĩ biết được chỗ xuất ly. Cho nên nói Tứ đế là dấu vết của pháp (pháp tích). Đạo này gọi vô vi Niết-bàn an ổn, vô vi, dứt hết các phiền não, các khổ đều không còn, cho nên nói: Đạo này gọi Vô vi.

Dùng đèn diệt tối ái: Ái hữu cũng có ba thứ là: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Tâm ái bền chắc ấy trói buộc người có tâm ái, sinh ra cac loạn tưởng, nhiều thứ khổ não, làm sao cắt đứt? Đáp:

Tám con đường của Hiền thánh cắt đứt hẳn, không cho tái sinh, cho nên nói: Dùng đèn diệt tối ái.

——————

Tuệ lìa vực thẳm

Như gió thổi mây

Đã diệt mọi tưởng

Đó là tuệ kiến.

Tuệ lìa vực thẳm: không phải là có một số vực thẳm ghi trong bản đồ. Có chỗ nói phong trần, nói sông sâu. Trần (bụi) làm nhơ thân thể con người, bất kể là già trẻ. Nó khiến người ta không nhìn thấy được vết bẩn dính trên áo. Trên thì che khuất mặt trời, mặt trăng, không thấy ánh sáng, nó làm trở ngại khiến cho người không thể nhìn xa, không phân biệt được thật giả.

Bấy giờ vua rồng xót thương kẻ thế gian ngu mê, muốn cho họ thoát khỏi các nạn ấy, bèn rưới xuống một cơn mưa phùn với gió mát thoảng qua quét sạch hết bụi hồng trần, phá tan hết lớp sương mù u ám cho vầng thái dương xuất hiện, cho nên nói: Có trí tuệ lìa vực thẳm, như gió thổi tan mây. Người giữ hạnh ấy chuyên tinh nhất tâm trần tưởng bên trong. Có ba thứ tưởng là: tưởng tham dục, tưởng giận dữ, tưởng ngu si. Ba thứ tưởng này cũng không bị bụi trần làm phát sinh loạn niệm, làm bại hoại trí tuệ, không tới chỗ rốt ráo. Nó che mắt trí tuệ, không thấy được Tứ đế, làm nhuốm bẩn pháp thân, khiến không được sáng suốt. Chế ngự được tâm ý, không sinh các tưởng nghĩ, cho nên nói nó đã diệt mọi tưởng, đó là tuệ kiến.

———————–

Trí làm thế lâu

Điềm nhiên vô vi

Trí nhận chánh giáo

Hết sinh, già, chết.

Trí làm thế lâu: Là trên hết, là nhiệm mầu, cũng gọi là ba nghĩa. Ba nghĩa: Một là nghĩa sự, hai là nghĩa kiến, ba là nghĩa duyên, cũng gọi là nghĩa thủ, nghĩa nhãn, nghĩa đạo, nghĩa giác, nghĩa Hiền thánh xuất ly, dùng trí tuệ này soi khắp các pháp, giống như vật bên ngoài được soi sáng, vật bên ngoài là mặt trời, mặt trăng, các sao, y phục, cung điện.

Gọi là nhập một thế giới, nhập một nhập, nhập một ấm, nhập một đạo, nhập một thế giới là cõi Sắc. Nhập một nhập là sắc nhập.

Nhập một ấm là sắc ấm. Nhập một đạo là đạo hiện tại. Dùng ánh sáng trí tuệ này soi chiếu mười tám giới, hai mươi nhập, năm ấm. Và trí tuệ này còn soi khắp cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, làm cho được nhiều lợi ích, được nhiều thành tựu. Cho nên nói: Trí tuệ làm cho thế gian được lâu dài.

Điềm nhiên vô vi: Nương trí tuệ này mà thoát khỏi sinh tử, khéo phân biệt được, không còn do dự. Hơn nữa, còn phân biệt được Tứ đế, không có ngờ vực, cho nên nói (đưa đến vui) điềm nhiên vô vi.

Trí nhận chánh giáo, hết sinh, già, chết: Sở dĩ chịu khổ là do có sinh, nếu không sinh thì đâu có khổ? Như mô đất là mục tiêu cho bao mũi tên thi nhau bắn vào, thân này đắm nhiễm các khổ cũng như thế, cho nên nói: Trí nhận được chánh giáo, không còn sinh, già, bệnh, chết nữa.

——————–

Đạo là tám đường thẳng

Bốn câu Thánh đế trên

Pháp vô dục tối thượng

Mắt sáng Nhị Túc Tôn.

Đạo là tám đường thẳng: Ngoại đạo dị học muốn học đạo bằng cách không ăn cơm gạo cho đó là tịnh hạnh, hoặc nằm trên tro, phân, không trang sức thân thể, hoặc khỏa thân không che đậy, hoặc nằm trên chông gai, gối đầu trên đá cho rướm máu, hoặc bện tóc làm áo, hoặc xem cây lá để bói toán, chú thuật, hoặc thờ nước, lửa, trời, trăng, các sao, hoặc lên núi cao, hoặc xuống dưới song sâu rồi cho rằng mình đã thành đạo.

Đức Thế Tôn dạy:

–Đó không phải là đạo chân chánh, không phải là chỗ chí yếu, không phải là điều mà thiện tri thức tu tập. Đạo ấy không có gì hay, không phải là đạo mà Hiền thánh học tu tập.

Đối với các đạo như thế, thì tám phẩm đạo của Thánh hiền là cao cả hơn hết. Cho nên nói: Đạo là tám đường thẳng.

Bốn câu Thánh đế trên: Giống như có rất nhiều ngoại đạo dị học đều tu theo vọng đế, ngày đêm tu khổ hạnh ở nơi thanh vắng, hoặc thờ chim trọc đầu, chim kiêu (cú dữ) cú tai mèo trên núi, hoặc thờ mển, nai, chó, gà, rắn rít, cho đó là chân thật, được đến cảnh diệt độ, vô vi, vô tác, được đến Niết-bàn, được đến cửa giải thoát, lìa hẳn lo buồn khổ não. Đức Thế Tôn nói: “Đó không phải là đạo chân thật, không phải là chỗ chí yếu. Chân thật đế chính là pháp Tứ đế, được đến chỗ vô vi, dứt hết các phiền não.” Cho nên nói: Bốn câu Thánh đế là trên hết.

Pháp vô dục tối thượng: Như khế kinh nói: “Có ba việc là bậc nhất trên hết: một là Phật, hai là Pháp, ba là Thánh chúng. Gọi là pháp thì có pháp hữu vi, pháp vô vi. Ái nhiễm hết không còn tham dục, dứt hết phiền não là Niết-bàn. Pháp chân thật là cao quý hơn hết, không còn pháp nào hơn”. Cho nên nói: Pháp vô dục tối thượng.

Mắt sáng Nhị Túc Tôn: Có các chúng sinh không chân, hai chân, bốn chân và nhiều chân, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, cho đến chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, trong số ấy thì Đức Như Lai là Bậc Tối Tôn, Tối Thượng, không còn ai hơn. Cho nên nói: Mắt sáng Nhị Túc Tôn.

——————–

Tất cả hành vô thường

Trí tuệ mới quán thấy

Nếu giác ngộ khổ này

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành vô thường: Thay đổi không dừng, không thể nương cậy, như ánh chớp qua mắt, như đập đá thấy xẹt lửa rồi tắt ngay, cho nên nói: Tất cả hành vô thường.

Trí tuệ mới quán thấy: Biết tất cả hành pháp đều là ô uế hữu lậu, không phải chân thật, là pháp bị hoại diệt, đều trở về với sự tiêu diệt mất hết, cho nên nói: Trí tuệ mới quán thấy.

Nếu giác ngộ khổ này: Chán ngán nỗi khổ này, không có ý ưa thích nó, nhớ nghĩ cầu giải thoát, lìa bỏ hẳn tham dục, cho nên nói: Nếu giác ngộ khổ này.

Hành đạo sạch dấu vết: Thường nhớ nghĩ sự tu trì Chánh đạo Vô thượng, điều mà thấy đế dứt trừ được, có công năng làm sạch hết mọi dấu vết, cho nên nói: Hành đạo sạch dấu vết.

——————–

Tất cả hành là khổ

Trí tuệ mới quán thấy

Nếu giác ngộ khổ này

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành là khổ: Từ cõi Dục lên đến Hữu đỉnh, đó là mé khổ. Ở cõi Dục thì mong ra khỏi nạn khổ. Ở cõi Sắc thì thường bị khổ biến dịch. Ở cõi Vô sắc thì bị khổ thọ hành. Thế nên Đức Thế Tôn nói:

–Sinh tử lẫy lừng, tất cả đều là khổ, trôi lăn trong năm đường, không thoát khỏi khổ ấy. Ai là kẻ thích sống trong các khổ ấy?

Cho nên nói: Tất cả hành là khổ.

Trí tuệ mới quán thấy: Người học rộng biết nhiều việc xưa nay, thấy rõ ba đời như nhìn hạt châu trong lòng bàn tay, đều được rõ ràng, cho nên nói: Trí tuệ mới quán thấy.

Nếu giác ngộ khổ này: Vì biết khổ này cho nên muốn dứt bỏ. Ý thường nhàm chán, không muốn chung sống với nó, cho nên nói: Nếu giác ngộ khổ này.

Hành đạo sạch dấu vết: Chỉ có đạo Thánh hiền mới có khả năng làm sạch hết dấu vết khổ đau, cho nên nói: Hành đạo sạch dấu vết.

——————–

Tất cả hành là không

Trí tuệ mới quán thấy

Nếu giác ngộ khổ này

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành là không: Các hành pháp đều thay đổi, không thể nương cậy. Nó không đứng yên, sinh liền diệt, trôi chảy không dừng nghỉ. Khổ, không, vô ngã, đều không có tự tánh, tự nó như vậy cũng không phải không như vậy, cho nên nói: Tất cả hành là không.

Trí tuệ mới quán thấy: Như người nhìn xuống mặt nước sạch thì thấy bóng hình mình một cách rõ ràng. Người tu hành cũng lại như vậy, quán sát các hành pháp sinh ra rồi diệt mất, không có gì trở ngại, cho nên nói: Trí tuệ mới quán thấy.

Nếu giác ngộ khổ này: Như từ lúc bắt đầu, chứa nhóm nhiều công hạnh cho đến khi thành đạo, trong thời gian ấy, trải qua gian khổ mà không tự biết. Bị khổ làm mê lầm nên không đến được chỗ rốt cùng. Như ngày nay ta được thành thân người, được gặp Phật ra đời và các Hiền thánh. Ngày nay mới tự giác biết thân năm ấm lẫy lừng mãi mãi đắm nhiễm, chẳng phải chân thật. Như ngày nay ta quán sát thân năm uẩn lẫy lừng là chỗ nhóm họp bao khổ lụy, cho nên nói: Nếu giác ngộ khổ này.

Hành đạo sạch dấu vết: Dùng trí chưa biết khổ để diệt hết dấu vết, đến chỗ trong sạch rốt ráo, không chút bợn nhơ. Dứt hết cội gốc các khổ, để được thanh tịnh hoàn toàn, cho nên nói: Hành đạo sạch dấu vết.

———————

Tất cả hành vô ngã

Trí tuệ mới quán thấy

Nếu giác ngộ khổ này

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành vô ngã: Vì không còn tham dục, không còn tạo tác nên tất cả hành pháp đều vô ngã. Vì không có gì bền chắc nên tất cả đều vô ngã, vì không có tự do cho nên tất cả pháp đều vô ngã, cho nên nói: Tất cả hành vô ngã.

Trí tuệ mới quán thấy: Đối tượng mà trí tuệ quán sát là pháp ba mươi bảy phẩm đạo. Khi soi gương thì người ta thấy rõ hình bóng mình trong ấy, không có gì trở ngại. Ở đây cũng giống như thế, dùng trí tuệ quán sát thì đều thấy rõ ràng, cho nên nói: Trí tuệ mới quán thấy.

Nếu giác ngộ khổ này: Người tu hành mãi sống trong tối tăm, bị thân năm ấm lẫy lừng này lừa gạt, chấp là ta có, ta là chỗ kia. Nếu quán sát chân thật thì sinh nhàm chán, mong muốn xa lìa, được giải thoát, cho nên nói: Nếu giác ngộ khổ này.

Hành đạo sạch dấu vết: An trụ trong mười lăm tâm, dùng đạo do kiến đế có được để dứt bỏ vô thường, vô ngã, khổ, không, hết sạch không còn sót chút nào. Bởi bốn hành này từ khổ mà sinh ra khổ đế. Khổ đã biết được dứt bỏ bởi trí chưa biết khổ, cho nên nói: Hành đạo sạch dấu vết.

———————

Ta đã nói đạo

Dùng tên yêu bắn

Phải tự gắng sức

Vâng lời Như Lai.

Ta đã nói đạo: Hoặc có chúng sinh buông lung biếng nhác, họ tự nói với nhau rằng: “Nếu thần lực Như Lai được tự tại thì tại sao Ngài không giúp chúng ta sớm chứng được đạo quả? Hơn nữa, Ngài đích than không chấp nhận hình thể của ngã trong đạo”. Như Khế kinh nói: Có vị Phạm chí lạ đến chỗ Thế Tôn hỏi nghĩa này bằng bài kệ như sau:

Tôi thấy trời, đời người

Phạm chí hành thanh tịnh

Nay tôi lại quay về

Xin giải thích tôi hiểu.

Bài kệ này có ý nghĩa gì? Đáp rằng Phạm chí kia là người bẩm sinh đần độn, lười biếng, ngoan cố, nhưng lại muốn Sa-môn Cù-đàm nói đạo cho mình nghe để sớm đạt được đạo quả như Ngài, khiến cho mọi kết sử trong bản thân ông chóng được dứt bỏ hoàn toàn. Đức Thế Tôn đáp bằng bài kệ như sau:

Ta không giải thoát ông

Phạm chí đời tịnh hạnh

Muốn cầu đạo nhiệm mầu

Như thế được qua dòng.

Bài kệ này có nghĩa gì? Đáp rằng: Phạm chí đã muốn cầu đạo thì phải tự mình, không nhờ người khác mà được, nếu nhờ người khác mà được thì Ta ngồi dưới gốc cây, khả năng diệt trừ mọi các kết sử của tất cả chúng sinh. Ta dùng tâm Đại từ che chở chúng sinh. Phạm chí nên biết rằng: Nếu không biết gốc bệnh mà cho lầm thuốc, nhưng lại muốn lành bệnh thì không bao giờ có việc ấy. Ở đây, cũng như vậy, không tu đạo mà mong được quả báo, diệt trừ kết sử, thì việc ấy không bao giờ có. Như vị thầy thuốc giỏi xét kỹ gốc bệnh rồi mới bốc thuốc. Có vậy, người bệnh mới khỏi bệnh, không bao giờ sai lầm. Ở đây cũng như vậy, dùng đạo Hiền thánh quán xét gốc bệnh mà bốc thuốc, thì kết sử trong thân mới được dứt hẳn.

Có Tỳ-kheo trong tâm tự nghĩ: “Đức Như Lai xuất hiện ở đời, dung tâm Đại từ đại bi che chở khắp chúng sinh thì ta đâu cần phải tự than hành đạo cho cực nhọc, trong khi ta bị kết sử bức hại, không thể giải thoát được? Nếu Như Lai ban rải tâm Từ bi cho tất cả, thì chính Ngài sẽ giảng nói đạo lý cho ta, vì sao Ngài lại không diệt trừ kết sử cho riêng mỗi mình ta?”.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm thầy Tỳ-kheo kia, cho nên Ngài nói: Ta đã nói đạo.

Dùng tên yêu bắn: Ta đã biết trước sau này sẽ nói với người rằng: Như vị thầy thuốc giỏi kia, trước hết phải học phương thuốc, xét kỹ gốc bệnh, không sai sót chút nào, sau đó mới bốc thuốc. Ở đây cũng thế, trước chứng đạo quả, biết kết sử của mình đã dứt hẳn, không còn sót, rồi sau đó mới nói về bệnh kết sử từng món một cho người nghe, là bốc thuốc đạo, không bao giờ bị trần lao che kín nữa. Ta đã bắn mũi tên bén nhọn vô thượng vào mục tiêu kết sử kia. Cho nên nói: Dùng tên yêu bắn.

Phải tự gắng sức: Người giảng đạo nói đạo cho người nghe nhắm hướng thẳng tới chứ không theo sự tà vạy rồi cho rằng thành đạo là dễ, mà được quả chứng. Như Lai Thế Tôn cũng như thế, nói đạo cho người nghe một cách vô hình, vô vi, không tạo tác, là Niết-bàn an ổn, dứt hết các phiền não, nói ra đúng với giáo pháp, cũng không luống dối, như cha thương con, thường xuyên chăm sóc, nuôi dạy, chọn chỗ ráo, bỏ chỗ ẩm ướt, lại cho những thức ngon ngọt, nhưng các con lại buông lung, không nghe lời cha dạy bảo, tham đắm năm thứ dục lạc, không theo chánh giáo. Như Lai Thế Tôn cũng như thế, giảng nói sâu rộng pháp cam lộ cho chúng sinh nghe, lại dùng nhiều phương cách tạm thời khéo léo nói lại các pháp nhiệm mầu, nhưng chúng sinh không chịu nhận lãnh. Cho nên nói:

Phải tự mình gắng sức, vâng theo lời dạy của Như Lai.

 

QUYỂN 14

Phẩm 13: ĐẠO (Phần 2)

Ta đã nói đạo

Nhổ gai ái cứng

Phải tự gắng sức

Vâng lời Như Lai.

Lời dạy của Như Lai không bao giờ lặp lại, hễ Ngài nói ra điều gì là thành giáo pháp. Ngài cũng không nói lại những gì đã nói, giọng điệu khoan thai, không bao giờ vội vã hấp tấp. Pháp được giảng nói luôn theo đúng với nghĩa. Xem phẩm Thọ Hóa Ứng Vấn trong quyển Xuất Diệu ở trước, có đoạn rằng: “Pháp nào nhất định đến hóa độ? Là pháp đã nói, đang nói, thường xuyên bày hiện”. Cho nên nói: Ta đã nói đạo.

Nhổ gai ái cứng: Ái chính là một chứng bệnh làm cho người ta rơi vào đường ác, không thể nương cậy vào nó. Qua đó, ta phải tự chế ngự mình bằng phương pháp Chỉ Quán, không khởi tâm tham ái.

Cũng như mũi tên tẩm thuốc độc cắm vào ngực người, không nhổ ra được, mũi tên tham ái này cũng giống như vậy, nó cắm vào thức tâm con người, không thể nhổ ra được. Cho nên nói: Nhổ gai ái cứng.

Phải tự gắng sức: Thường nghĩ đến sự tinh tấn, tìm cách thức khéo léo, chí hướng đến Vô thượng, không bao giờ hối tiếc nửa chừng, cũng không lui sụt, cho nên nói: Phải tự gắng sức.

Vâng lời Như Lai: Những lời dạy mà Như Lai nói ra, thì thượng, trung, hạ, đều tốt lành, nghĩa lý rất sâu xa, đầy đủ các công đức, tu được phạm hạnh, cho nên nói: Vâng lời Như Lai.

——————-

Đạo này không còn sót,

Thanh tịnh do thấy đế

Hướng đến dứt các khổ

Làm tan rã ma binh.

Đạo này không còn sót (chút hữu lậu nào): Kinh Trường Ahàm chép: Bảy Đức Phật Như Lai Đẳng Chánh Giác cũng nói dòng dõi, tên họ của cha mẹ bảy đời, tuổi thọ sống lâu hay ngắn ngủi, đệ tử nhiều hay ít, thần túc, trí tuệ khi còn trong bụng mẹ.

–Đức Tỳ-bà-thi Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, con người sống lâu tám muôn tuổi, Ngài sinh từ dòng Bà-la môn, lược nói pháp yếu. Thị giả là Vô Ưu. Lúc nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: “Nhẫn nhục là bậc nhất”, nói rộng như trong kinh.

–Thức Khí Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh vào dòng Bà-la-môn, con người sống lâu bảy muôn tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Cát Tường Hạnh. Khi nhóm họp đạ chúng nói giới thì nói: “Mắt không nhìn”, có nói rộng như trong kinh.

–Đức Tỳ-xá-bà Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh vào dòng Sát-đế-lợi, con người sống lâu sáu muon tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Hưu Tức. Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: “Không hại cũng không giết”, có nói rộng như trong kinh.

–Đức Câu-lưu Tôn Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh trong dòng Bà-la-môn, con người sống năm muon tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Phật-đề. Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: “Thí như ong hút nhụy hoa”, có nói rộng như trong kinh.

–Đức Câu-na-hàm Mâu-ni, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh vào dòng Sát-đế-lợi, con người sống lâu bốn muon tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Cát Tường. Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: “Cũng không va chạm”, có nói rộng như trong kinh.

–Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh trong dòng Bà-la-môn, con người sống lâu hai muon tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Đẳng Đổ. Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: “Chớ làm các điều ác”, có nói rộng như trong kinh.

–Còn Ta ngày nay là Thích-ca Văn Phật Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, sinh trong dòng Sát-đế-lợi, con người sống trăm tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên là A-nan.

Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: “Giữ gìn miệng là bậc nhất”, có nói rộng như trong kinh.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói rõ nguồn gốc bảy Đức Phật, cùng với tên họ, dòng dõi, cha mẹ bảy đời của bảy vị Phật, đệ tử ít nhiều, nói về ngọn ngành của giới. Các thầy Tỳ-kheo nghe Phật nói đều nghĩ như vầy: “Tên họ, dòng dõi của chư Phật quá khứ đều không giống nhau, đệ tử theo hầu cũng có khác nhau, giới cấm của việc hành đạo cũng có khác nhau. Vì đạo không đồng nên pháp cũng có khác”. Đức Như Lai Thế Tôn biết rõ ý nghĩ trong tâm các Tỳ-kheo nên Ngài liền ở giữa đại chúng nói bài kệ:

Đạo này không còn sót

Thanh tịnh do thấy Đế

Hướng đến dứt các khổ

Làm tan rã ma binh.

Chư Phật nhiều như số cát sông Hằng ở đời quá khứ, cũng nhờ đạo này mà tự giác ngộ, chỉ dạy các đệ tử dứt bỏ kết sử, dựng cờ giải thoát, đánh trống pháp lớn. Sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm, không còn tái sinh. Biết đúng như thật rồi, nhập vào cảnh giới vô ưu, không còn bị sinh, già, bệnh, chết, vắng lặng Niết-bàn, cũng không sinh và diệt, không còn qua lại.

Cho nên nói: Đạo này không còn sót, thanh tịnh do thấy Đế.

Hướng đến dứt các khổ: Bậc Tư-đà-hàm hướng, bậc đắc Tưđà- hàm, bậc A-na-hàm hướng, bậc đắc A-na-hàm. Thành tựu trực hạnh, thành tựu giác hạnh, thành tựu các thứ nghiệp. Chí không điên đảo, dần dần đến với đạo. Cho nên nói: Hướng đến dứt các khổ.

Làm tan rã ma binh: Ma có những thứ trói buộc gì? Là ở cõi Dục chúng trói buộc làm đắm nhiễm con người, ở trong cõi này phải tìm cách dứt hẳn chúng, không còn sót, dứt lại dứt, bỏ lại bỏ, hết lại hết, cao lại cao, gỡ lại gỡ để qua loài ma, đuổi đến ranh giới cuối cùng của chúng là cõi Sắc, Vô sắc, cho nên nói: Làm tan rã ma binh.

——————-

Chỉ đúng, không còn lỗi

Một đường, như thác đổ

Như Năng Nhân nhập định

Thường nói đạo giữa chúng.

Chỉ đúng không còn lỗi: Tiến thẳng đến cảnh giới vô vi, là đường tắt đến Niết-bàn. Vượt qua sinh tử, không lui sụt giữa chừng. Đứng trên bờ sinh tử ngoảnh lại nhìn chúng sinh, muốn cùng họ quay về, đã đến bờ kia thì không còn lui sụt nữa. Cho nên nói: Chỉ đúng, không còn lỗi.

Một đường, như thác đổ: Như suối lắng trong vừa sâu lại vừa thấu đáy, có hằng ức trăm ngàn chúng sinh đang đói khát đều được cho đủ, không còn nghĩ đến đói khát nữa. Lấy vị ngọt của giáo pháp dứt trừ kết sử cũng như vậy. Nương vào đạo Hiền thánh, hằng ức trăm ngàn chúng sinh đang đói khát đạo, nhờ pháp vị cam lộ mà họ được no đủ tất cả, không bao giờ còn nghĩ đến đói khát nữa, dứt bỏ cả kết sử, không bao giờ còn phiền não. Không làm việc bất thiện, không cho nó phát sinh lại nữa, cho nên nói: Một đường, như thác đổ.

Như Năng Nhân nhập định: Đức Thích-ca Văn Phật Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, khi lắng ý nhập định thì có bốn việc xảy ra:

  1. Tự vui sướng với pháp hiện tại.
  2. Vui chơi trong pháp cúng.
  3. Cứu giúp việc nguy khốn, định tâm không bị tán loạn.
  4. Khuyến tấn chắc chắn đến chỗ rốt ráo.

Cho nên nói: Như Năng Nhân nhập định.

Thường nói đạo giữa chúng: Muốn làm cho các đệ tử không lầm lẫn đối với giáo pháp, cứu vớt họ ra khỏi sinh tử, đến chỗ vô vi, tắm gội sạch sẽ, không dính bụi nhơ, thoát hẳn luân hồi, không khởi lên tám pháp, cũng không gây ra bốn trăm lẻ bốn bệnh, cho nên nói: Thường nói đạo giữa chúng.

——————–

Vào Đạo thấy sinh tử

Hành đạo được giúp sức

Đạo này độ đáng độ

Qua dòng đến bờ kia.

(Một phen) Vào Đạo thấy sinh tử: Ai giác biết được cội gốc sinh tử. Đức Thế Tôn vốn thực hành hạnh Bồ-tát, đó là giác biết được cội gốc sinh tử, về sau giảng nói pháp nhiệm mầu cho đệ tử nghe. Ai có khả năng phân biệt được đâu là pháp cặn nhơ? Chỉ có một phen vào đạo mới giác biết được thôi, cho nên nói: (một phen) Vào Đạo thấy sinh tử.

Hành Đạo được giúp sức: Bồ-tát ở trong chúng khởi tâm đại từ bi, thương xót tất cả chúng sinh như mẹ thương con, giảng nói đạo sâu xa, giúp họ được giải thoát, cho nên nói: Hành đạo được giúp sức.

Đạo này độ đáng độ: Ở đời quá khứ, các Đức Phật, Bích-chi-phật, Thanh văn, đều nhờ Đạo này mà vượt qua biển ái dục. Chư Phật Thế Tôn thời tương lai như Ngài Di-lặc, hóa độ không thể tính lường A-tăng-kỳ chúng sinh. Cho nên nói: Đạo này độ những người đáng độ.

Qua dòng đến bờ kia: Đức Thích-ca Văn Phật Như Lai ở hiện tại là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đã hóa độ không thể tính lường A-tăng-kỳ chúng sinh, cho nên nói: Qua dòng đến bờ kia.

———————

Đạo rốt ráo thanh tịnh

Vì dứt gốc sinh tử

Biện tài vô số cõi

Phật nói là được đạo.

Đạo rốt ráo thanh tịnh: Rốt ráo có hai nghĩa: 1- Sự rốt ráo. 2-Định rốt ráo. Sự rốt ráo là mọi việc đều thực hiện xong xuôi, không còn ngờ vực. Định rốt ráo là dạo chơi trong các định, xuất định này lại nhập vào định khác. Như vậy, trải qua cả mấy ngàn muôn thứ định. Ý muốn có sự cảm động nào thì thành tựu tùy ý. Cho nên gọi là định rốt ráo, vì hạnh chân chánh này có khả năng dứt bỏ các pháp mà tâm nghĩ, cắt dứt mọi kết sử, làm cho được thanh tịnh.

Như chiếc áo dơ được giặt sạch, ở đây cũng như thế, là dùng tám loại nước giải thoát thanh tịnh để gội rửa tâm nhơ bẩn, hoàn toàn không còn dính bụi nhơ, cho nên nói: Đạo rốt ráo thanh tịnh.

Vì dứt gốc sinh tử: Người có sinh đương nhiên phải có già chết. Cũng vì có sinh mà chúng sinh cứ trôi lăn trong năm đường, cũng do thần thức biến chuyển mãi không ngừng, cho nên nói: Vì dứt gốc sinh tử.

Biện tài vô số cõi: Thần thông, công đức của Như Lai đủ sức giáo hóa thích ứng đối với các chúng sinh ở mọi chốn. Ngài sử dụng trí tuệ biện tài, trong vô lượng vô số cõi nước quán xét chúng sinh có người căn tánh chậm lụt hay bén nhạy, có hư có thật, có người tu theo hạnh chân chánh, người không tu theo hạnh chân chánh, Như Lai đều biết rõ, cho nên nói: Biện tài vô số cõi.

Phật nói là được đạo: Thế giới có ba nghĩa là: 1. Ấm thế, 2. Khí thế, 3. Chúng sinh thế.

Ấm thế là thân năm ấm lẫy lừng. Khí thế là ba ngàn đại thiên cõi nước. Chúng sinh thế là loại chúng sinh hữu hình cho đến bốn loại chúng sinh, đều gọi là chúng sinh thế.

–Ai có khả năng phân biệt biết rõ loại chúng sinh này?

Đáp rằng:

–Chỉ có Đức Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác mới có khả năng biết được, như người ta xem trái xoài để trong long bàn tay, trọng lượng bao nhiêu cũng đều biết rõ. Như Lai là Bậc Đẳng Giác cũng lại như vậy, Ngài quán xét cội gốc tâm ý các loài chúng sinh, đều phân biệt rõ, cho nên nói: Phật nói là được đạo.

—————–

Các nguồn chảy về biển

Nước chảy đâu cũng đầy,

Nên vì trí nói đạo

Thẳng đến uống cam lộ.

Các nguồn chảy về biển: Có con sông lớn tên Hằng-già từ suối lớn A-nậu, từ miệng con bò chảy ra. Có con sông lớn Tân-đầu, cũng bắt nguồn từ suối A-nậu, từ miệng con sư tử chảy ra. Có con sông lớn Bà-xoa cũng bắt nguồn từ suối A-nậu, từ miệng con ngựa chảy ra. Có con sông lớn Tư-đà, cũng bắt nguồn từ suối lớn A-nậu-đạt, từ miệng con voi chảy ra.

Sông Hằng-già được Phạm chí tôn thờ, coi là khuôn phép. Ngoại đạo dị học bàn với nhau rằng: Nếu có người tu học nào, đi cách xa ngoài sông Hằng-già một trăm do-tuần, rồi từ xa, gọi tên sông Hằnggià ba lần: “Hằng-già! Hằng-già! Hằng-già!” thì tất cả các tội lỗi đều tan biến hết, dù cách xa ngoài trăm do-tuần, như rắn lột da, bỏ lớp da cũ. Nước sông Hằng-già đều chảy ra biển, lắng trong không có các thứ nhơ uế. Cho nên nói: Các nguồn nước chảy về biển.

Nước chảy đâu cũng đầy: Các nguồn nước đều chảy ra biển đêm ngày không ngừng nghỉ, rồi từ biển nước lại đến núi non khô cằn, rồi từ núi non khô cằn nước lại chảy đến núi Tuyết là chỗ gốc xuất phát. Cứ như thế dần dần trở lại cội nguồn. Ngày đêm chảy mãi, giáp vòng rồi trở lại từ chỗ bắt đầu, biển cũng không thêm mà các nguồn nước thì cứ chảy mãi không ngừng, cho nên nói: Nước chảy đâu cũng đầy.

Nên vì trí nói đạo: Chư Phật, Thế Tôn đều được gọi là Thiện Thệ, đã đến chỗ Niết-bàn dứt hết mọi phiền não, đã đến bên kia bờ giác ngộ, không còn sinh, già, bệnh, chết, sầu lo, khổ não, cũng không có đói lạnh khổ nhọc, vì không còn các khổ này nên gọi là Thiện Thệ, cho nên nói: Nên vì trí nói đạo.

Thẳng đến uống cam lộ: Được tiến đến cảnh giới Niết-bàn, để tìm nước cam lồ. Như các nguồn nước chảy ra biển thì chỉ còn gọi là biển mà thôi, nó đã đầy đủ tính chất của biển. Pháp luật của bậc Hiền thánh này cũng lại như vậy, dần dần đi đến cảnh giới Niết-bàn, cho nên nói: Thẳng đến Niết-bàn uống cam lộ.

——————

Trước chưa nghe pháp luân

Nói pháp thương chúng sinh

Xin tôn thờ pháp ấy

Lạy đấng vượt ba cõi.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn nai, vùng đất của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại. Ở đó, có con sông tên Bà-lê, do đó đặt tên nước là Ba-la-nại. Vườn nai của vị Tiên có các vị Thần tiên tu học đã đắc đạo, chứng được năm thứ thần thông, đều đến tu học ở nước ấy. Đây là nơi mà người thuần thiện ở, không phải là chỗ ở của người thường. Lúc bấy giờ, vua nước ấy ra đồng trống đi săn bắn, gặp bầy nai ngàn con bị mắc trong lưới. Vua ra lệnh cho bộ binh bao vây giáp vòng. Bầy nai sợ hãi tuôn chạy kêu la thất thanh.

Đột nhiên, có một con nằm bẹp xuống, giấu mình trong bụi rậm cạnh đó.

Khi ấy Đức Phật Thích-ca còn tu hạnh Bồ-tát, sinh trong bầy nai ấy và làm nai đầu đàn. Lúc đó nai đầu đàn bảo bầy nai:

–Các ngươi hãy an tâm, đừng lo sợ gì hết, ta đã có cách là cầu xin vua thương tình. Chúng ta sẽ sống cả.

Con nào cũng tuân lệnh. Nai chúa liền đến trước vua quỳ gối xin thương tình. Thoáng thấy nai từ xa đi lại, vua ra lệnh cho các quan đứng hầu bên cạnh đều không được ra tay giết hại con nai này. Con nai kêu gào, quỳ ngước nhìn vua thưa:

–Tôi thấy vua muốn giết hết ngàn con nai để ăn thịt trong một ngày. Nay, thịt nai nóng đã được cất chứa lâu ngày. Mong vua thương tình, mỗi ngày giết một con để nấu bếp thôi. Không phiền vua sai người đi bắt mà nai tự đến bếp nộp mình chịu chết. Thịt thì được cung cấp không gián đoạn bao giờ, mà nai lại được sinh sản thêm nhiều.

Vua hỏi nai:

–Có phải ngươi là nai đầu đàn, lớn nhất trong đàn chăng?

Đáp:

–Dạ phải. Tôi là nai lớn nhất.

Vua lại hỏi:

–Ngươi đã suy nghĩ kỹ chưa?

Đáp:

–Dạ, tôi đã suy nghĩ kỹ.

Vua liền bỏ bầy nai ở đó, dẫn đoàn đi săn về thành.

Lúc ấy Bồ-tát dẫn năm trăm con nai lên đường, Điều-đạt cũng dẫn năm trăm con nai lên đường. Mỗi ngày sai một con nai đến nộp mạng cho nhà bếp của vua. Theo thứ lớp, đến phiên Điều đạt ra lệnh cho nai đến chỗ vua, nhưng gặp phải con nai đã có chửa mấy tháng, mà theo thứ lớp phải nộp mình cho nhà bếp của vua.

Nai mẹ đến trước nai đầu đàn trình bày một cách buồn khổ:

–Theo thứ lớp đến phiên tôi phải nộp mạng, thật không dám chối từ. Nay tôi sắp sinh, như vậy mẹ con chia lìa. Phiên của tôi đã đến nhưng phiên con tôi chưa đến. Xin ngài cho thay đổi thứ tự, tôi được sắp vào phiên sau.

Điều-đạt nổi giận nói:

–Sao ngươi không đi nộp mạng mau đi! Mà ai thay chết trước cho ngươi?

Nai mẹ kêu gào khóc lóc thê thảm, nó liền đến trước Bồ-tát mà trình bày:

–Ngày tôi mang thai sắp mãn, ngày sinh sắp đến. Xin ngài cho con đến phiên sau, sau khi sinh nở sẽ nộp mạng.

Bồ-tát hỏi nai:

–Chúa của ngươi có nghe ngươi trình bày việc này chưa?

Đáp:

–Chúa của tôi không có bằng lòng.

Nghe xong, Bồ-tát thở than hồi lâu mới an ủi con nai kia:

–Ngươi hãy yên tâm, chớ lo sợ! Hôm nay, ta sẽ nộp mạng thay ngươi.

Nai đầu đàn Bồ-tát liền nhóm họp ngàn con nai, tha thiết dạy:

–Các ngươi chớ lười biếng, cũng chớ xâm phạm gạo thóc lúa má của vua.

Biết được điều ấy, Điều-đạt rất tức giận nai mẹ kia, bảo:

–Đã đến phiên ngươi nộp mạng, sao lại từ chối, không chịu chết?

Bấy giờ, nghe Điều-đạt nói, Bồ-tát liền nói:

–Hãy thôi, chớ nói lời ấy, đúng ra nai mẹ đã đến phiên nộp mạng, nhưng vì xót thương nai con còn trong thai, nên chưa muốn chết đó thôi. Nay ta sẽ chịu chết thế cho mạng sống nai con trong thai kia. Đó là điều mà Bồ-tát suy nghĩ.

Bầy nai liền đến trước Bồ-tát, đều thưa:

–Lũ chúng tôi xin chết thay ngài, ngài còn sống thì chúng tôi mới được ăn cỏ uống nước, tùy ý rong chơi, không lo sợ điều gì.

Nai đầu đàn theo ý mình, bỏ đàn nai đi nộp mạng. Bầy nai nối nhau đi theo sau nai đầu đàn đến cung vua. Nai đầu đàn vào nhà bếp xin nộp mạng. Thấy nai đầu đàn có hiểu biết rõ ràng, người đầu bếp vội đến tâu với vua:

–Nai đầu đàn vào nhà bếp xin nộp mạng theo thứ lớp, chẳng hay đại vương có cho giết hay không?

Nghe lời ấy, vua té xuống giường. Các quan vội rảy nước cho vua tỉnh lại rồi đỡ vua ngồi dậy. Vua ra lệnh cho các quan:

–Hãy mau dẫn con nai đầu đàn ấy đến đây, ta muốn gặp nó. Lập tức, nai đầu đàn được dẫn đến trước vua. Vua hỏi nai đầu đàn:

–Bộ cả ngàn con nai đã chết hết rồi sao? Mà ngươi phải đến đây?

Nai đầu đàn thưa:

–Ngàn con nai còn bú, sẽ thành bầy nai to. Mỗi ngày sinh sản thêm nhiều mà không giảm.

Nai đầu đàn lại kể cho vua nghe nguồn gốc của bầy nai này.

Vua hết lòng tự trách, giận mình đã sai lầm. Vua bảo:

–Ta là vua loài người, không phân biệt được giả thật. Ta đã giết oan bao loài chúng sinh.

Nói đến đây vua bảo các quan rằng:

–Hãy truyền lệnh ta cho cả nước biết, hễ ai săn bắn giết hại nai thì sẽ bị tru lục.

Sau đó vua ra lệnh cho nai đầu đàn dẫn bầy nai trở về núi sống yên lành. Vua còn ra lệnh cho cả nước không được ăn thịt nai.

Kẻ nào ăn thịt nai sẽ bị chém đầu bêu giữa chợ. Vì lẽ ấy, vua đặt tên cho khu vực này là vườn Nai.

Lúc ấy Đức Thế Tôn đang quay bánh xe pháp ở vườn Nai, cho nên nói: Trước chưa nghe pháp luân.

Nói pháp (chỉ vì lòng) thương chúng sinh: Đầu tiên, Ngài nói pháp cho năm vị và tám muôn trời, người nghe. Ngài giảng đi giảng lại pháp Tứ đế Chân như. Pháp này vốn chưa ai được nghe, chưa ai được thấy, là pháp mà Sa-môn, Bà-la-môn, Thích, Phạm, chư Thiên, Ma hay thiên ma không thể nói được. Cho nên nói: Nói pháp thương chúng sinh.

Xin tôn thờ pháp ấy: Pháp này được các trời, người đời cung kính. Ngài đi giáo hóa, truyền trao cho cả xứ Diêm-phù-lợi này. Từ sáu tầng trời cõi Dục trở xuống đều nhờ ân cứu giúp.

Hỏi:

–Vì sao Đức Phật chỉ nói pháp cho trời, người nghe, mà không nói pháp cho những chốn khác?

Đáp rằng:

–Vì trời, người đều được thành đạo quả, vượt thứ bậc tu chứng, các sự hiểu biết được tự tại, ngoại trừ người tu pháp Bát quan trai, hay quỷ thần đã quy y Tam bảo, giống như thú nuôi là chim Khư-tần-xà-la mà khuyên siêng tu phạm hạnh.

Xưa, có ba con thú cùng ở trong núi sâu là voi, khỉ và chim Khư-tần-xà-la. Một hôm, voi nói với hai con thú kia:

–Ba anh em ta không biết đối đãi nhau bằng sự kính trọng không có lễ tiết gì cả. Từ nay phải biết nhường nhịn nhau. Trong chúng ta, ai là người lớn tuổi nhất thì được nhường làm anh cả.

Lúc ấy, nơi đó có một cây to vừa cao vừa tỏa bóng rộng, che mát được năm trăm xe bên dưới. Con khỉ tự nói:

–Xưa, tôi ăn cây này khi nó mới ương.

Con voi nói:

–Tôi ăn cây này khi nó mới trồng.

Con khỉ nói: Vậy các bạn hãy nhường tôi là người lớn tuổi hơn hết.

Con voi liền chở con khỉ trên lưng nó.

Chim Khư-Tần-xà-la lại tự nói:

–Xưa, tôi đến phía Bắc núi Tuyết và ăn quả ngon ngọt. Tôi đã đại tiện ở đây, sau đó mọc lên cây này. Vậy, tôi mới là người lớn tuổi nhất, vậy tôi phải được nhường làm anh cả mới đúng!

Thế là khỉ lại cõng con chim trên vai mình mà đi. Kể từ đó, dù ở nước này hay nước khác, thôn này làng nọ, chúng luôn giữ trai giới, đối đãi cung kính lẫn nhau. Nếu được thức ăn gì chúng đều nhường cho người lớn nhất ăn. Người dân trong làng xóm, thành ấp thấy thế cho là lạ lùng, chưa từng có. Mọi người khắp nơi nhóm họp lại để hỏi cho rõ nguyên do. Ba con thú đều kể lại chuyện ngày xưa chúng đã sống. Dù thân hình to lớn, nhưng voi tuổi còn nhỏ nên nó kính nhường hai con thú kia như con thờ cha. Mọi người cảm động về chuyện ba con thú, nên đều sinh tâm lành. Chim thú mà còn như vậy, huống gì là loài người. Thế rồi mọi người cùng bảo nhau hãy biết kính trên nhường dưới. Từ đó, trong cả nước, người biết hiếu kính nhau rất đông, họ tự thấy cần có ý nghĩa hiếu thuận này, nhưng không thể vượt qua thứ lớp mà chứng thành đạo quả. Chỉ có trời, người là đáng kính thờ hơn hết, cho nên nói: Xin tôn thờ pháp ấy.

Lạy đấng vượt ba cõi: Phát khởi cho chúng sinh bất cứ ở đâu khi nào, hễ thấy hình tượng Như Lai thì nên thờ phụng kính lễ. Dù có đi đâu lâu ngày tâm vẫn hướng về Phật, không rời. Ba cõi là: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Ai là người có khả năng vượt qua ba cõi này? Chỉ có Đức Phật, Thế Tôn mới vượt qua được, kế là có đệ tử Thanh văn của ngài, nương nhờ oai thần của Ngài mà vượt ra ba cõi, cho nên nói: Kính lạy Đấng đã vượt ra ba cõi.

———————

Ba niệm hãy niệm lành

Ba niệm phải lìa ác

Từ niệm mà có hành

Dứt đó là dứt đúng.

Ba niệm hãy niệm lành: Lúc nào cũng khởi niệm ngay khi ăn, khi ngủ cũng không quên. Thường phải nghĩ đến điều lành, đầy đủ cội gốc các công đức. Dần dần vượt thứ lớp, được các quả chứng, dứt hết cội gốc sinh tử, dứt hết pháp hữu lậu thành pháp vô lậu, cho nên nói: Ba niệm hãy niệm lành.

Ba niệm phải lìa ác: Lìa được niệm ác thì sẽ được công đức gì? Đáp: không bị nhiễm ô bởi tâm dơ, dứt bỏ các kết sử đắm nhiễm, không còn bị kết sử sai khiến nữa, cho nên nói: Ba niệm phải lìa ác.

Từ niệm mà có hành: Có giác có quán thì rong chơi từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Dứt bỏ tâm xấu ác và các pháp bất thiện. Mỗi ngày hạnh càng tiến, không bao giờ lui sụt, cho nên nói: Từ niệm mà có hành.

Dứt đó là dứt đúng: Dùng đoạn trí, trí tuệ để dứt bỏ niệm ác.

Thế nào là dứt bỏ? Hoặc bị loạn tưởng đè nén tâm lành, không thực hành theo ba mươi bảy phẩm trợ đạo, che lấp các đạo quả không hiển bày được, như gió bụi thình lình nổi lên che khuất mặt trời, mặt trăng, không thấy được ánh sáng, rồng rưới nước cam lộ rửa sạch bụi kia thì liền thấy được ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Ở đây cũng như vậy, dùng cam lộ của bậc Hiền thánh diệt tâm bụi nhơ, hoát nhiên đại ngộ không còn chút che mờ. Đạo quả Thánh hiền thảy đều hiển lộ, cho nên nói: Dứt đó là dứt đúng.

——————–

Ba quán là chuyển niệm

Sớm được đạo Vô thượng

Được ba, trừ ba tai

Vô lượng tu giữ niệm.

Ba quán là chuyển niệm: Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Lúc bấy giờ Ngài bảo các Tỳ-kheo:

–Thuở xưa, khi chưa thành đạo, Ta đã khởi lên ba ý nghĩ không tốt là nghĩ tham dục, nghĩ giận dữ, nghĩ hại kẻ khác.

Hỏi: Tại sao lúc ấy Bồ-tát nghĩ tham dục, nghĩ giận dữ, nghĩ hại kẻ khác? Đáp rằng: Bồ-tát tu khổ hạnh sáu năm, vì khổ nhọc nên sinh ra lui sụt, tự nhớ lại những ngày trước kia. Nhớ lại những kỹ nhạc ca xướng vui chơi. Từ đó bèn sinh ý tưởng tham dục, lại nghe Điều-đạt khởi ý tưởng tham dục chiếm đoạt các thể nữ trong hoàng cung. Chính lúc ấy, Ta khởi lên ý nghĩ tức giận. Hai ý nghĩ nhơ bẩn ấy hòa nhau trong nội thức, liền sinh ý nghĩ hại kẻ khác.

Hơn nữa, khi Bồ-tát tu khổ hạnh, có hai cô gái Nan-đà và Nan-đà-bà-la đem bơ dầu mè đến thoa thân Bồ-tát. Thân hai cô gái này mềm mại như Thiên nữ, lúc ấy, Ta liền sinh ý tưởng ái dục. Lúc ấy Bồ-tát nghĩ như vầy: “Dù năm người kia cung cấp cho Ta không bỏ nhưng Ta vẫn ra đi, vì đâu khiến mục nữ kia lấy dầu thoa lên mình Ta”. Lúc ấy Bồ-tát liền sinh ý nghĩ giận tức và ý nghĩ hại kẻ khác.

Hai ý nghĩ nhơ bẩn cùng sinh trong nội thức. Lúc ấy Bồ-tát nghĩ như vầy: “Nay, Ta đã sinh ý nghĩ tham dục, tự làm hại mình cũng làm hại kẻ khác, hai việc đều bị tổn”. Tự tổn là mọi công đức lành đều mất. Đó gọi là tự tổn. Còn làm tổn thương người khác là sao?

Nếu nhận của tín thí các thứ ăn uống, y phục, đồ nằm, thuốc men trị bệnh, không thể tiêu hóa, làm tăng thêm trần lao, không đạt kết quả, các công đức đều thiếu khuyết. Đó gọi là làm tổn hại người khác. Tóm lại, cả hai ý nghĩ nhơ bẩn hòa nhau liền sinh ý nghĩ hại người khác.

Lúc bấy giờ Bồ-tát nhàm chán hai việc ấy, muốn dứt bỏ ý nghĩ không tốt ấy, bèn dùng sức mạnh nhẫn nhục hàng phục ma khổ nhọc oán hận, dứt bỏ hẳn loạn tưởng, không sinh ý nghĩ ác thì mới mau thành đạo quả, cho nên nói: Ba quán là chuyển niệm.

Sớm chứng đạo Vô thượng: Thế nào là đạo Vô thượng? Được gọi là đạo Vô thượng là chí cầu xuất ly, không có ý tưởng tham dục, không có ý tưởng giận tức, cho nên nói: Ba quán là chuyển niệm. Sớm được đạo Vô thượng là Bồ-tát khi ngồi dưới gốc cây, Ngài bỏ được ba mươi bốn ý niệm, thành Đạo vô thượng. Được gọi là đạo Vô thượng là vượt qua trời, người, ba ngàn đại thiên thế giới, các loài bò bay máy cựa, trong các loài đó thì Đạo này trên hết, không còn đạo nào hơn. Như trong kinh nói: Bảy vi là một hốt.

Vi không dài, không ngắn, không tròn, không vuông, không cao, không thấp, không hình tướng, không thể nhìn thấy, nhã thức không thể thấy được. Vì sao? Vì nó vi tế, không thể thấy được. Chỉ có Chuyển luân thánh vương, Bồ-tát Bổ xứ, Hiền thánh có Thiên nhãn mới thấy được. Dù cho có pháp nào nhỏ hơn vật thể rất vi tế này đi nữa, thì Đức Như Lai vẫn biết một cách rõ ràng, cho nên nói: Chứng được đạo Vô thượng.

Được ba, dứt ba tai: Trụ trong Tứ thiền, nhập định thanh tịnh, không khởi lên ý tưởng dính mắc kết sử, vắng lặng buộc niệm, không quên tiến tu, không biếng trễ. Tập trung ý chí, chuyên nhất dứt bỏ kết sử, cho nên nói: Được ba, dứt ba tai.

Vô lượng tu giữ niệm: Trụ trong Sơ thiền, suy nghĩ giữ niệm, hoặc ở Tứ thiền, thu nhiếp pháp trong ngoài, cũng có giữ niệm.

Trong Sơ thiền có ý tưởng bất định, có giác, có quán, lẫy lừng giống như lửa đốt cháy pháp thể. Bên ngoài có ý tưởng bất định bị lửa đốt cháy. Trong Nhị thiền có tư tưởng bất định, tâm ái giống như nước.

Bên ngoài có tư tưởng bất định, bị nước phá vỡ. Trong Thiền thứ ba có tư tưởng bất định, giống như gió có hơi thở ra, hơi thở vào. Bên ngoài có tư tưởng bất định liền bị gió lay động. Trong Thiền thứ tư, bên trong không có tư tưởng bất định, không thuộc các pháp bên ngoài. Đã được niệm giữ thì dứt bỏ được vô lượng tư tưởng bất định bên trong. Đối với các Sơ thiền địa, Vô lượng địa mà đi sâu vàoTam-muội này cũng lại như vậy. Nó vô lượng, vô hạn, không thể tính kể. Vô số người đầy đủ các hạnh, cho nên nói: Vô lượng tu giữ niệm.

———————

Dứt bỏ cấu ba cõi

Gom định, để buộc ý

Sức trí tuệ thiền định

Đã định, gom loạn ngoài.

Dứt bỏ cấu ba cõi: Từ cõi Dục đến cõi Sắc, cõi Vô sắc đều gọi là ngôi nhà đầy nhơ bẩn, là nơi an trụ của chúng sinh. Tìm cách khéo léo thoát ra ba cõi, đó chính là đạo cao thượng, trên hết, vượt ra ba cõi, cho nên nói: Dứt bỏ cấu uế ba cõi.

Gom định, để buộc ý: Không để tâm thô tháo rong ruổi bên ngoài, thường chuyên nhất tâm ý, không để trần cảnh bên ngoài xâm nhập. Vì Tam-muội khó phá hoại được, cho nên nói: Gom định, để buộc ý.

Sức trí tuệ thiền định: Dùng gươm bén trí tuệ mà cắt đứt các kết sử đến tận nguồn gốc, cho nên nói: Sức trí tuệ thiền định.

Đã định, gom loạn ngoài: Thân mình đã vào định thì có công năng nhiếp phục người bên ngoài, cho nên nói: Đã định, gom loạn ngoài.

———————

Chứa lành được hạnh lành

Đâu đâu cũng khen ngợi

Được tám phẩm Hiền thánh

Tu đạo, quả cam lộ.

Chứa lành được hạnh lành: Người muốn học đạo thì phải dụng công từ từ, như Sơ thiền thực hành Nhị thiền là vi diệu, Nhị thiền thực hành Tam thiền là vi diệu, Tam thiền thực hành Tứ thiền là vi diệu. Cho nên nói: Chứa lành được hạnh lành.

Đâu đâu cũng khen ngợi: Như ban ngày, Đức Phật hóa độ dưới gốc cây Thọ vương, mà kinh đã nói, thì chư thiên cõi Đao-lợi quán sát thế gian từ xa, họ biết được các đệ tử Phật ở làng kia xóm kia, đệ tử tên gì, bởi lòng tin vững chắc mà xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba y pháp, sinh tử đã hết, việc phải làm đã làm xong, phạm hạnh đã lập, không còn vào thai, biết đúng như thật, cho nên nói: Đâu đâu cũng đều khen ngợi.

Được tám phẩm Hiền thánh: Như người học đạo kia, một lòng hướng về con đường tám phẩm của Hiền thánh, đến được cảnh giới Niết-bàn dứt hết phiền não, vô vi vô tác, cho nên nói: Được tám phẩm Hiền thánh.

Tu đạo, quả cam lộ: Người tu hành kia chính mình hành đạo, là muốn đến cảnh giới an ổn vô thượng, uống nước cam lộ vô thỉ vô chung. Cam lộ ở đây chính là Niết-bàn dứt hết phiền não. Nếu người học đạo chứng được Niết-bàn ấy, thì không sinh, không già, không bệnh, không chết, cho nên nói: Tu đạo, đạt quả cam lộ.