SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 13

Phẩm 12: SA-MÔN

Ngang dòng, qua bờ

Vô dục như Phạm

Biết hành đã hết

Được đức vô lượng.

Ngang dòng, qua bờ: Dòng sông này là cội gốc của kết sử, chảy ra sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp giống như các dòng đều chảy ra biển. Kết sử của phàm phu cũng như vậy, chảy ra các trần lao: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người tu hành phải cầm gươm trí tuệ cắt đứt các kết sử, không còn chảy ra các kết sử trói buộc.

Cho nên nói: Cắt ngang dòng kết sử, qua bờ bên kia.

Vô dục như Phạm: Suy nghĩ dứt bỏ hết mọi ái dục, giống như các Phạm chí đêm ngày tinh tấn siêng năng, thân thể khổ nhọc bên những xác chết nằm ngoài trời, ngày đêm nhón chân, kính thờ mặt trời, mặt trăng, mong cầu sinh lên cõi trời Phạm thiên, được phước trời kia, làm Phạm thiên cao cả tôn quý. Cho nên ngay đây, trong cõi đời này, họ chuyên tâm nhất ý, suy nghĩ cắt bỏ hết ái dục, tu phạm hạnh, trong sạch, cho nên nói: Vô dục như Phạm.

Biết hành đã hết: Người không còn ái dục thì trong ngoài thanh tịnh. Tâm họ không còn bụi nhơ, cho nên nói: Biết mọi hành đã hết sạch.

Được đức vô lượng: Người như thế đó, được sự cúng dường vô lượng. Bố thí cho tất cả hàng phàm phu không bằng bố thí cho một vị Tu-đà-hoàn. Vì sao? Vì vị này sẽ dứt tất cả sinh tử, không còn sinh trong ba cõi. Bậc Tư-đà-hàm, A-na-hàm các hạnh đầy đủ, công đức vô lượng. Bố thí cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, không bằng bố thí cho một vị A-na-hàm, cho nên nói: Được phước đức vô lượng.

———————–

Người trí lập hạnh

Tinh tấn chứng quả

Tu hành bê trễ

Lại thêm bụi nhơ.

Người trí lập hạnh: Chẳng hạn tụng tập tinh tấn, nhập định, ngồi thiền, tụng kinh, làm công việc giúp cho đại chúng. Giữ tâm mạnh mẽ, không hề yếu đuối, đêm ngày chăm chỉ, không chút biếng nhác, cho nên nói: Người trí lập hạnh, tinh tấn chứng quả.

Tu hành bê trễ: Người phàm phu xuất gia thì phải siêng năng, ngày đi kinh hành, đêm thiền định, thực hành theo lời Phật dạy là làm việc giúp đỡ đại chúng, lễ bái tháp miếu. Còn ai lười biếng, không siêng tu ba nghiệp, thì rớt trở lại phàm phu, không đến chỗ rốt ráo, cho nên nói: Tu hành bê trễ.

Lại thêm bụi nhơ: Người phàm phu tu hành không bền bỉ nên dâm, nộ, si thêm nhiều. Đã xuất gia học đạo, nhận của tín thí nhưng không chịu suy tư đạo đức, mà lại luận bàn đủ thứ chuyện vu vơ, làm những việc không chân chánh, không đọc tụng học tập lãnh thọ giáo pháp, cho nên nói: Lại thêm bụi nhơ.

——————

Tu hành bê trễ

Đối thiện và ác

Phạm hạnh bất tịnh

Không chứng quả lớn.

Tu hành bê trễ: Muốn xây dựng công trình gì thì trước phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có vậy mới đạt kết quả, không bao giờ lui sụt giữa chừng. Nhưng người tu hành kia tâm ý thả trôi, không gắng sức nghiên cứu, cũng không chịu đọc tụng, tu tập nên không thành tựu. Không ngồi thiền, tụng kinh, làm việc giúp đỡ chúng, cho nên nói: Tu hành bê trễ.

Đối thiện và ác: Người ta muốn đạt kết quả cho việc làm dù thiện hay ác thì cũng phải lập chí. Ý muốn làm điều thiện thì sẽ thành điều thiện, còn ý muốn làm điều ác thì sẽ thành điều ác. Tập quen nhiều thói nhơ bẩn thì kết sử sẽ theo mình. Còn tập quen nhiều đức tính thiện thì kết sử liền dứt mất. Có người tu khổ hạnh, đủ các oai nghi, lao thân khổ nhọc bên xác chết nằm ngoài trời, kính thờ mặt trời, mặt trăng, tự nướng mình bằng năm thứ lửa, nằm ngủ trên gai nhọn, không ăn uống, chỉ nuốt không khí. Hoặc có người ăn dưa trái để thành tựu ước nguyện, cho nên nói: Đối thiện và ác.

Phạm hạnh bất tịnh: Hoặc có người giữ giới để cầu mong phước trời, cầu sinh lên cõi trời Phạm thiên, hoặc cầu làm trời Đế Thích, Ma vương sáu cõi trời Dục. Hoặc có người giữ giới để được làm Thánh vương, Điển chủ trong bốn châu, cho nên nói: Phạm hạnh bất tịnh.

Không chứng quả lớn: Quả cao nhất trong các quả là giải thoát. Nó tột cùng cao cả, không có gì sánh nổi. Nhưng chỉ được quả báo mà không được chứng quả. Cho nên nói: Không chứng quả lớn lao. Thí như nắm cỏ dại, nếu cầm lơi lỏng thì rách tay, Sa-môn không giữ giới cấm thì địa ngục ghi tên, chính mình thành kẻ cướp.

Giống như người học thuật chiến đấu, phải biết thế cỡi ngựa, đánh xe, phi luân, ném dây, nhảy qua cầu, đều phải biết rành rẽ. Lại phải học cách làm ruộng tại gia, biết cách thu gom cất chứa lúa, biết coi hướng gió khi đốt đồng hoang. Khi cắt lúa phải biết cỏ cứng, mềm. Cỏ cứng thì phải nắm cho chắc, nắm lơi lỏng thì bị rách tay. Cỏ mềm mà có nắm lơi lỏng cũng không bị rách tay. Cho nên nói như nắm cỏ dại, nắm lơi lỏng thì rách tay. Sa-môn tu tập thì cũng lại như vậy. Không giữ giới vững chắc, trái phạm pháp cấm, hoặc tu hoặc bỏ. Nếu có người tu nhưng trước không học giới, nhập định là đường tắt để phân biệt trí tuệ sáng suốt, rồi thì hoặc hoàn toàn bỏ giới bản, hoặc đánh mất hết phân nửa. Tất cả đều do không làm theo thiện tri thức mà lại gần gũi bạn xấu, vì thế bị đọa vào địa ngục. Cho nên nói Sa-môn không giữ giới cấm thì ngục ghi tên, vì chính mình thành kẻ cướp.

—————–

Như người nhổ cỏ dại

Nắm chắc không rách tay

Sa-môn giữ giới cấm

Càng đến gần Niết-bàn.

Như người nhổ cỏ dại: Về cách học phải biết hết học thuật của thầy dạy, sáu nghề kỹ xảo cũng phải học cho đầy đủ, như khi chiến đấu thì phải đủ dụng cụ chiến đấu. Thân tâm an ổn, tay cầm cung tên, hễ bắn chỗ nào thì đều trúng đích. Nhổ cỏ dại, cắt lúa, việc thu hoạch lúa thóc, cất giữ cũng như vậy. Cho nên nói: Nắm chắc thì không rách tay, Sa-môn giữ giới cấm, ngày càng đến gần Niết-bàn. Sa-môn giữ giới vững chắc thì khó lay động như núi không ai lay động dời đi chỗ khác được, không bị ngoại đạo tà kiến phá hoại, đã lìa bạn xấu, mà cùng thiện tri thức bền bỉ học theo họ, biết chỗ hướng đến Niết-bàn. Đó cũng là Sa-môn giữ giới cấm, dứt bỏ mọi phiền não, đạt được Niết-bàn.

——————

Khó hiểu, khó thấu

Sa-môn trí kém

Bị nhiều phiền nhiễu

Người ngu bị khổ.

Khó hiểu, khó thấu: Học đạo để được thành Phật là khó. Xuất gia gặp được thầy chân chánh là khó. Học sự nghiệp Hiền thánh và pháp Vô thượng sâu kín thật là khó, cho nên nói: Khó hiểu, khó thấu suốt.

Sa-môn trí kém: Người thiếu trí tuệ không được làm Sa-môn, vì khi còn sống ở thế tục đã bị đắm nhiễm những việc không chân chánh, không thể lìa bỏ, hoặc nồi niu bếp núc, nhà cửa lủng dột không thể bỏ được, hoặc cùng chuyện chăn gối bất tịnh không thể bỏ được, hoặc có vợ mù, tật nguyền, tiều tụy không thể bỏ được, cho nên Đức Phật nói con ruồi khốn đốn vì lưới nhện, con chim khốn đốn vì lưới giăng, con voi khốn đốn vì khóa sát cột cứng, ngựa chứng khốn đốn vì dây cương. Người học đạo biết suy xét những điều ấy rồi có khả năng bỏ hẳn gia nghiệp, bỏ cả vợ con, dứt trừ năm dục, xa lìa tám pháp, liền được hành đạo, không còn dính mắc phiền lụy thế gian.

Người kém trí tuệ như ruồi bay vào lưới, như chim mắc bẫy, muốn bay ra rất khó? Cho nên nói: Sa-môn trí kém.

Bị nhiều phiền nhiễu: Hoặc dùng tâm đạo với nhiều phương cách để khuyên bảo mọi người xuất gia học đạo, nhưng họ không chịu tin theo. Người có tâm như lá sen, không bị dính nước những khuyên họ xuất gia mà còn khuyên giữ tám giới quan trai, nhưng họ cũng không tin theo. Và, không những khuyên giữ tám giới quan trai mà còn khuyên trong khoảnh khắc nghĩ đến điều thiện thôi, nhưng họ cũng không nghe theo, huống gì là lìa bỏ gia đình đi học đạo, việc ấy không thể thực hiện được.

Như vua ân xá cho người ở tù được ra khỏi ngục mà về. Kẻ chán ngán cảnh sống ngục tù, vừa hay tin ấy, họ muốn ra ngay như ra khỏi nhà lửa đang cháy. Còn kẻ ngu thì quyến luyến cảnh ngục tù không muốn ra. Đức Như Lai xuất hiện trên cõi đời, Ngài mở rộng lòng xót thương khắp thế giới tam thiên đại thiên, cởi bỏ hết mọi sự ràng buộc vững chắc của thế tục, giúp mọi người lần hồi ra khỏi sự sống chết. Người trí là kẻ có mắt, vừa nghe nói có lòng từ ban rải là họ liền bỏ cả gia nghiệp, xuất gia học đạo ngay. Còn kẻ ngu si, thiếu phước, tâm không khai ngộ, đắm nhiễm phiền lụy thế gian, không chịu xuất gia, dù nghe có lòng từ ban rải nhưng họ cũng không cảm kích điều ấy chút nào. Cho nên nói: Bị nhiều phiền nhiễu, người ngu bị khổ.

—————-

Sa-môn làm việc gì

Buông ý không tự cấm

Mỗi bước thường dính mắc

Chỉ chạy theo tư tưởng.

Sa-môn làm việc gì: Tu theo pháp Sa-môn là không khởi tâm vọng. Người ngu hiểu lầm, cho rằng Sa-môn phải làm việc gì. Đối với việc chấm dứt tâm vọng không thích xuất gia, cho nên nói: Samôn làm việc gì.

Buông ý không tự cấm: Phải tự kiềm chế, không để cho sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối. Như người giữ mạ non, không cho trâu ra ăn lúa phá hại, như móc sắt điều khiển voi. Tâm người cũng lại như thế, thường phải chế ngự, không cho sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp được dịp làm hại, cho nên nói: Buông ý không tự cấm.

Mỗi bước thường dính mắc: Người tu hành giữ tâm không chặt thì khác gì áo mỏng phất phơ theo chiều gió, hay như sợi long tơ hễ bị gió thổi là bay. Một ý niệm khởi lên là bao nhiêu vọng tưởng tuôn trào theo muôn mối, bị ba tư tưởng kéo lôi, ba tư tưởng ấy là: Một là tư tưởng về tham dục, hai là tư tưởng về giận dữ, ba là tư tưởng bỏn sẻn ganh ghét. Ba dòng tư tưởng này thật khó chế ngự, vì nó đi không để lại dấu vết, nó đến cũng không hình bóng.

Tư tưởng do tâm sai sử, muốn yên định thì thật là khó được. Cho nên nói: Mỗi bước thường dính mắc, chỉ chạy theo tư tưởng.

——————

Học khó, bỏ tội khó

Sống tại gia cũng khó

Sống chung hưởng lợi khó

Ra ba cõi gian nan.

Tỳ-kheo đã xuất gia mà tâm thường đắm nhiễm thế tục, cứ nhớ lại gia nghiệp, không làm việc phước đức, có lúc tự nghĩ sinh tâm hối hận, vì sao xuất gia; tu pháp Sa-môn mà tâm còn lo buồn như người gặp tang. Con nai hoảng sợ bỏ chạy vì tính nó đa nghi, tâm như khỉ vượn. Tâm thầy Tỳ-kheo kia không yên định cũng giống như thế, chỉ nghĩ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, sống trái giới luật, không còn đạo tâm, lại chỉ nghĩ những việc phiền lụy thế tục. Do đó tự tích chứa tội lỗi, không đến được nơi vắng lặng hoàn toàn. Cho nên nói: Học đạo đã khó, bỏ tội càng khó. Sống tại gia cũng khó.

Sống chung hưởng lợi khó: Như khế kinh có nói, Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo sống nhờ ở quê người là khó, xin thức ăn người nghèo là khó, sống chung cùng hưởng quyền lợi là khó”. Ngày nay, nếu Tỳ-kheo các thầy đã trở thành người khất thực thì phải tự khiêm nhường, đừng kiêu căn theo người, dù cho được món ngon hay dở chớ sinh lòng khen chê, cho nên nói: Sống chung cùng hưởng lợi dưỡng là khó.

Ra ba cõi gian nan: Trải qua cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy xuất gia với mục đích là muốn thoát hẳn ba cõi, không còn sinh lại trong ba cõi nữa. Vì thế mới bỏ cả gia nghiệp, lìa hẳn vợ con là đều muốn dứt hẳn ba cõi, không muốn sinh lại ba cõi. Tỳ-kheo các thầy đã chứa nhóm nghiệp nhân ba cõi từ hồi nào cho đến giờ, chịu khổ vô lượng trải qua vô số kiếp, cho nên nói: Ra khỏi ba cõi là rất gian nan.

——————–

Ca-sa khoác vai

Mà không bỏ ác

Làm mọi điều ác

Là rơi đường ác.

Ca-sa khoác vai: Hoặc có người học đạo, bên ngoài mặc ca-sa mà trong tâm làm việc bất thiện. Thuở xưa, có rất nhiều thầy Tỳkheo sống nơi rừng núi, nơi ít ai lui tới. Trong khi đó, chốn xóm làng quận (huyện) là nơi đãi đằng vô số. Trong số những vị ấy, có một thầy Tỳ-kheo rất ham thích thức ăn tương, thanh khiết. Thầy mặc ca-sa bằng thứ vải mịn tốt. Đêm ngày luận bàn, tâm không lìa tham dục. Lúc ấy, thần cây, thần núi quán sát biết được tâm ý thầy Tỳ-kheo ấy sinh khởi ý tưởng tham dục, các vị thần này muốn ngăn cản điều ấy, nên hiện thân người mà nói bài tụng rằng:

Sợ chết nên tâm sợ

Giả danh làm Sa-môn

Thân mặc ca-sa Tăng

Như trâu già đuôi dài.

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe thần nói bài kệ xong, sinh tâm rất tức giận. Họ liền bảo các thần:

–Ông mắng chúng tôi là trâu già phải không?

Lúc ấy các thần đáp bằng bài kệ:

Ta không hài tên họ

Cũng không lựa người nào

Ai là người uế hạnh

Là ta nói người ấy.

Cho nên nói: Áo ca-sa khoác vai.

Mà không bỏ ác: Người tu hành làm đủ các thứ việc ác, không kiềm chế tham dục, không giữ gìn thân, miệng, ý, các giác quan không thanh tịnh, buông lung tự do, không biết thu nhiếp, cho nên nói: mà không bỏ ác.

Làm mọi điều ác: Đêm ngày siêng năng không biếng nhác đối với việc làm ác, như Đức Phật nói trong kinh Cù-đàm: Đức Phật bảo ngài A-nan: “Sau khi Ta Niết-bàn, ở đời vị lai có các Tỳ-kheo thuộc những dòng họ tên tuổi không tu tập, không giữ giới, lại làm các điều ác, thân mặc ca sa mà không biết tự kiềm chế.” Cho nên nói: Làm mọi điều ác.”

Là rơi đường ác: Người ác lấy ác tự trói mình, không thể lìa khỏi ác tử. Rồi sau rơi vào ba đường ác, cho nên nói: Là rơi đường ác.

———————

Người hoàn toàn phạm giới

Dây quấn cây bị khô

Việc làm tự hại thân

Bị lửa giận đốt cháy.

Người hoàn toàn phạm giới: Trong tâm không hề có mảy may giới luật, cũng không có pháp trong sạch, như trong khế kinh nói:

Đức Phật bảo ngài A-nan: “Ta không thấy Điều-đạt còn mảy may pháp trong sạch nào trong tâm. Nếu như trong tâm thầy ấy còn mảy may pháp lành thì Ta đã không báo trước rằng thầy ấy sẽ vào địa ngục.” Như có người bị té xuống hầm xí sâu không còn cựa quậy được nữa, có người thương xót muốn cứu sống cho y, ông này nhìn khắp coi thân y xem còn có chỗ nào sạch, không bị dính phân không và bảo: “Ta muốn kéo nhà ngươi lên khỏi hố xí, nhưng khắp thân ông không có chỗ nào là không dính dơ, không còn chút chỗ sạch”. Tội lỗi của người phạm giới hoàn toàn cũng giống như vậy, cho nên nói: Người hoàn toàn phạm giới.

Dây quấn cây bị khô: Như cây Tát-lô cành lá tươi đẹp sum suê, bị dây leo quấn nên cây điêu tàn, khô chết, cho nên nói: Dây quấn cây bị khô.

Việc làm tự hại thân: Tự rước họa để tự giết mình, bị mọi người ganh ghét, không khen ngợi công đức, cho nên nói: Việc làm tự hại thân.

Bị lửa giận đốt cháy: Núi Tuyết ở phía Bắc, có một giống cỏ tên là Y-la-xoa-thiên, khắp thân cây chỗ nào cũng chứa chất độc, theo gió thổi, nó nhả chất độc khiến cỏ cây đều chết hết. Còn dưới biển thì có con cá tên Tự Hại. Nó nằm dưới cỏ rậm ven bờ nước.

Gió thổi, cỏ lay động chạm vào thân nó, nó tức giận, lửa giận đốt cháy làm thân thể phình lên, hai ba lần cỏ chạm vào mình thì nó chết. Cho nên nói: Bị lửa giận đốt cháy.

——————

Gọi là trưởng lão

Không do tuổi già

Thân gầy tóc bạc

Ngu xuẩn mà thôi.

Gọi là trưởng lão, không do tuổi già: Hình hài lụ khụ vì tuổi trẻ qua rồi, không biết pháp cấm, cũng không biết đâu là pháp thiện pháp ác, tốt xấu để tiến tu, cũng lại không biết đâu là giới và đâu không phải giới, thế nào là phạm và thế nào là không phạm, không biết thế nào là nhẹ, thế nào là nặng, không biết rõ hai trăm năm mươi giới, oai nghi để tiến tu. Còn như thân hình cằn cỗi, mặt nhăn, da dùn, giống như trâu già, voi già, dẫu đến tuổi già, chúng vẫn là ngu xuẩn mà thôi. Có thể nói rằng tuổi ăn khoẻ, không phải tuổi trí tuệ. Không tụng kinh, luật, luận, không biết quán sát ba nghiệp, luống tự chịu khổ. Cho nên nói: Gọi là trưởng lão, không do tuổi già.

Thân gầy tóc bạc, ngu xuẩn mà thôi: Thân đã già khụ, mạng sống chỉ còn trong một sớm, một chiều, rồi sẽ đến chỗ vua Diêm-la. Bị vua Diêm-la hỏi, không thể nào đáp được, vì khi còn sống trên đời tâm ngu si đã tự trói mình nên không làm được việc lành nào. Sống lâu trên đời vô ích vì không biết quán sát ba nghiệp, cho nên nói: Thân gầy tóc bạc, chỉ là ngu xuẩn mà thôi.

——————

Xả bỏ tội, phước

Tịnh tu phạm hạnh

Trong sạch thanh khiết

Gọi là trưởng lão.

Xả bỏ tội, phước: Phước là được sinh lên cõi trời, cõi người. Tội là đọa vào địa ngục, súc sinh. Nhưng người này đã cắt đứt hết tội phước, không còn sinh trở lại, đã nhổ tận gốc rễ tội phước, không gieo trồng nhân hậu hữu đời tương lai, cho nên nói: Xả bỏ tội, phước.

Tịnh tu phạm hạnh: Tám con đường của Hiền thánh cũng là phạm hạnh. Nương theo phạm hạnh này mà đến nơi tốt đẹp, diệt hết nguồn gốc mọi đau khổ, cho nên nói: Tịnh tu phạm hạnh.

Trong sạch thanh khiết: Bậc trưởng lão ấy đã đầy đủ pháp già. Xưa, vua Ba-tư-nặc cai trị nhân dân, không được ngoại đạo gần xa kính phục, sáu vị giáo chủ ngoại đạo cùng nhau đến chỗ vua Batư- nặc mà chất vấn rằng:

–Sa-môn Cù-đàm khoe khoang với đời, tự xưng rằng mình là người độc bộ bậc nhất, không có bạn bè. Vua hãy đến chỗ Sa-môn ấy và nói với ông ta rằng: “Này Sa-môn Cù-đàm, ông hãy xét lại coi mình đã chứng được đạo Vô thượng Đẳng chánh giác hay chưa?” Nếu ông ta trả lời là đã thành Đẳng chánh giác, thì đại vương hãy hỏi ông ta rằng: “Bất lan Ca-diếp… là những vị đã xuất gia học đạo từ bé thơ, nay tuổi đã già, thân đã yếu đuối, tinh thần mệt mỏi thế mà còn chưa chứng được Phật đạo. Từ khi ông học đạo đến nay chưa được bao lâu, hai mươi chín tuổi mới xuất gia, tự nói rằng tu khổ hạnh sáu năm thì làm sao có thể chứng thành Đẳng chánh giác được chứ?”

Lúc bấy giờ, vua Ba-tư-nặc vâng lời chỉ dạy của sáu vị giáo chủ ngoại đạo, ông bèn đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi Ngài, rồi ngồi sang một bên. Giây lát đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đến trước Phật bạch:

–Sa-môn Cù-đàm hãy xét coi mình đã chứng được quả vị

Đẳng Chánh Giác hay chưa?

Đức Phật bảo vua:

–Như đại vương hỏi, thì Ta đã thành đạo Đẳng chánh giác rồi.

–Sáu vị giáo chủ ngoại đạo như Bất-lan… họ đã xuất gia học đạo từ bé thơ, đến nay thì tuổi họ đã cao, tinh thần mệt mỏi, nhưng vẫn chưa được đạo Vô thượng, huống nữa là Cù-đàm. Thuở nhỏ Ngài ở trong cung, tha hồ hưởng năm thứ dục lạc, không chịu đựng sự lạnh lẽo, cho đến khi hai mươi chín tuổi, Ngài mới xuất gia cầu đạo, rồi khoe khoang với mọi người rằng mình được đạo Vô thượng ư?

Đức Phật bảo vua:

–Trên đời này, có bốn việc mà ta không nên xem thường.

Bốn điều ấy:

Một là con rắn độc khi giận dữ nổi lên, thì miệng phun nọc độc đốt cháy cả núi non đồng ruộng. Các loài chúng sinh hữu hình đều bị chất độc ấy làm hại. Đó là việc thứ nhất không nên xem thường.

Hai là đốm lửa nhỏ, cũng không nên xem thường, vì nó có khả năng đốt cháy muôn vật. Đó là việc thứ hai không nên xem thường.

Ba là thầy Tỳ-kheo tuổi trẻ, nhưng cũng không nên xem thường vì thầy ấy có thần túc tự tại, biến hóa phi thường, dùng trí tuệ khéo léo dạy dỗ mọi người cũng không cùng cực. Đó là việc thứ ba không nên xem thường.

Bốn là vị thái tử dù tuổi còn nhỏ cũng không nên xem thường.

Vì sao? Vì vị thái tử này có quyền sinh sát tự do, tùy ý truyền lệnh, ai cũng tuân theo. Đó là việc thứ tư không nên xem thường.

Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc nghe Đức Phật dạy vui mừng hớn hở, liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, trán lạy sát chân Phật rồi ra về. Cho nên nói: Trong sạch thanh khiết, gọi là Trưởng lão.

——————–

Gọi là Sa-môn

Đâu phải cạo tóc

Nói dối tham đắm

Tham dục như phàm.

Gọi là Sa-môn, đâu phải cạo tóc: Lúc ấy Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

–Nước Ma-kiệt-đà này được lợi ích tốt đẹp vì có Như Lai và chư đệ tử Hiền thánh vây quanh. Ở trong thành La-duyệt-kỳ, thuộc phạm vi nước này, Ta đã nhập hạ ở đây chín mươi ngày. Lúc ấy, tiếng tăm vang khắp mười sáu nước lớn.

Nghe Như Lai khen ngợi như vậy, các đệ tử Hiền thánh và Tỳ-kheo Tăng cùng nhân dân cả nước càng thêm vui mừng, sinh tâm cung kính cúng dường y phục, thức ăn, giường nệm, đồ nằm, thuốc men trị bệnh. Trong khi đó, có vô lượng chúng sinh tại gia nghèo thiếu, đêm ngày làm không đủ sống, thấy các Tỳ-kheo được cúng dường tự nhiên, các vị này chẳng những tự nuôi mình, lại khỏi phải nộp riêng cho quan. Với suy nghĩ như vậy nên mọi người cùng rủ nhau xuất gia học đạo. Trở thành Sa-môn rồi, họ không có khả năng tu hành theo giáo pháp, đọc tụng Kinh, Luật, A-tỳ-đàm, cũng không ngồi thiền, tụng kinh, làm việc giúp chúng, thọ dụng tín thí mà bàn luận những việc không cần thiết. Đức Phật bảo các Tỳkheo:

–Lúc các thầy còn tại gia, không lo gia nghiệp, thiếu thốn y phục, thấy các Tỳ-kheo được cúng dường tự nhiên, các thầy thấy vậy tham đắm nên xuất gia học đạo. Hình tướng là Sa-môn, nhưng tâm như cọp đói. Các thầy có đạo đức gì làm tươi nhuận giáo pháp của Ta?

Lúc ấy, Như Lai liền nói bài kệ:

Đời gọi thầy Sa-môn

Thầy cũng nói Sa-môn

Thân tuy là Sa-môn

Nhưng như hạc rình cá.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, nhận của tín thí, bảo rằng lẽ tự nhiên là như vậy, nhưng nhân quả báo ứng, một khi đã đến rồi thì có ức Phật cũng không cứu nổi. Trong số ấy, những người có căn tánh lanh lợi, trí tuệ bén nhạy liền tự sửa đổi lỗi lầm mà vang lời dạy bảo của Như Lai. Còn những vị căn tánh chậm lụt thì không thể sửa đổi, tự rước họa vào mình. Cho nên nói: Gọi là Sa-môn, đâu phải cạo tóc.

Nói dối tham đắm, tham dục như phàm: Tỳ-kheo các thầy tương ưng với kẻ xấu, bỏ hẳn pháp lành thì thật không phải là Sa-môn.

Các thầy tự xưng là Sa-môn, nhưng chỉ giống Sa-môn với pháp phục bên ngoài. Đức Như Lai lại nói bài kệ này:

Như lìa mà không lìa

Ca-sa trừ, không trừ

Trì bát thật không trì

Chẳng tục, chẳng Sa-môn.

Mây đùn nhưng không mưa

Lúa tốt, không kết hạt

Tỳ-kheo lìa Tỳ-kheo

Như ngày đèn không sáng.

Cho nên nói: Nói dối tham đắm, tham dục như phàm.

———————

Gọi là Sa-môn

Mở rộng chánh đạo

Dứt bỏ tâm vọng

Kết thô không sinh.

Gọi là Sa-môn: Thuở xưa, có một kẻ ngu tính tình du đãng, không phân biệt được phải quấy, tốt xấu, thấy mấy chục người đang khiêng xác chết ra ngoài thành, lại thấy mọi người rải hương hoa lên xác chết. Sau đó, người ngu này về nhà nằm ngủ, trước đó y có treo một vò hoa tước kim trên xà nhà, bỗng nhiên lúc ấy, sợi dây bị đứt, hoa rơi vãi trên người. Y cất tiếng kêu người trong nhà đến bảo:

–Nay ta đã chết sao không khiêng đem đi bỏ.

Người nhà hỏi:

–Vì sao ngươi nói rằng mình đã chết?

Y bảo:

–Các người không thấy hoa rải trên mình ta đó ư?

Người nhà đáp:

–Không thấy. Rải hoa lên người sao gọi là chết? Chết là không còn thở ra, thở vào kia chứ! Thân như cây khô, không còn cử động, không còn hơi ấm, thần thức đã đi rồi. Thân thể cứng đờ, không còn làm việc được nữa, như vậy mới gọi là chết. Tuy ngươi nói là chết, chỉ là giống như chết, mà không phải chết thật.

Các Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Nay, Tỳ-kheo các thầy chỉ giống Tỳ-kheo, chứ không phải Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo chân thật thì phải oai nghi đầy đủ, thấy chút lỗi nhỏ cũng sinh tâm sợ sệt, huống gì là lỗi lớn? Các hạnh lành không thiếu, tâm chí chỉ hướng về ba con đường lớn là đường lên Phật, Bích-chi-phật và A-la-hán. Ai đầy đủ oai nghi giới luật, như thế mới gọi là Sa-môn. Các thầy cạo râu tóc, tuy bên ngoài mặc ca-sa, nhưng bên trong gian dối, cho nên nói: Gọi là bậc Sa-môn, mở rộng Chánh đạo.

Dứt bỏ tâm vọng, kết thô không sinh: Các pháp xấu ác đã hoàn toàn dứt hết, không còn phát sinh nữa. Thô là phần căn bản trong các kết, gốc rễ đã nhổ hết thì cành lá cũng khô chết, cho nên nói: Dứt bỏ tâm vọng, kết sử thô không còn phát sinh nữa.

——————–

Dứt bỏ điều ác

Gọi là Sa-môn

Phạm chí dứt ác

Sa-môn giữ hạnh

Tự dứt cấu uế

Được gọi là đạo.

Dứt bỏ điều ác, gọi là Sa-môn: Đã dứt bỏ điều ác như trong khế kinh nói: Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Như người đời đều gọi các thầy là Sa-môn! Sa-môn”. Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy. Người ngu gọi chúng con là Sa-môn! Sa-môn”. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo rằng: “Nếu đúng như vậy, thì các thầy phải giữ hạnh Sa-môn, như Phạm chí giữ hạnh Phạm chí. Thế nên, Tỳ-kheo thực hành giống như Sa-môn, cũng như Phạm chí. Vì sao?

Vì Sa-môn, Phạm chí việc làm của họ đều thanh tịnh, ý nguyện điều gì, chắc chắn đúng như tâm nghĩ. Thế nào là pháp Sa-môn, Phạm chí? Pháp Sa-môn, Phạm chí là thân làm việc thanh tịnh, hoặc lại nghĩ như vầy: “Những việc phải làm ta đã làm xong”. Miệng, ý cũng lại như vậy, nhờ đó được dưỡng thọ. Đó gọi là pháp Sa-môn, Phạm chí (chỗ khác nhau là) Phạm chí dứt bỏ việc ác, còn Sa-môn giữ hạnh. Phạm chí tu hành thì đứng đầu là thái độ cống cao. Họ cậy vào nghề khéo của mình mà tự bảo nhau: “Bà-la-môn chúng ta được sinh ra từ miệng đấng Phạm thiên, dòng Sát-đế-lợi được sinh từ rún Phạm thiên, dòng Tỳ-xa được sinh ra từ hông Phạm thiên, dòng Thủ-đà-la được sinh từ gót chân Phạm thiên.” Vì cho rằng Phạm thiên là cha nên họ tự khoe khoang, kiêu ngạo, nghĩ rằng mình là bậc nhất.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Pháp Phạm chí thật ra không phải vậy! Người tu phạm hạnh là phải rốt ráo thanh tịnh, dứt bỏ pháp bất thiện. Nhưng nay các Phạm chí rước họa vào thân. Họ chứa nuôi vợ con, trai gái đầy nhà, hạnh của họ không thuần khiết, vậy mà họ lại tự xưng: “Ta sinh ra từ miệng Phạm thiên”. Cho nên nói: Phạm chí dứt ác, Sa-môn giữ hạnh.

Tự dứt cấu uế, được gọi là đạo: Tỳ-kheo tu hành tự dứt sạch mọi ô uế của mình, các pháp ác, bất thiện đều dứt hẳn không còn sót, dạo chơi trong tám phẩm đạo của bậc Thánh hiền. Cho nên nói: Tự trừ cấu uế, được gọi là đạo. Cấu uế có ba phẩm là:

Thượng, trung, hạ. Ba phẩm lại chia thành chín bậc: Thượng thượng, thượng trung, thượng hạ, trung thượng, trung trung, trung hạ, hạ thượng, hạ trung, hạ hạ. Các lớp kết sử ấy làm nhuộm dơ tâm người, phải dứt bỏ hết, tu hạnh thanh tịnh. Hoặc có Phạm chí sinh tâm tà kiến, ý họ bảo rằng bên trong không có nhơ bẩn, mà nhơ bẩn ấy đến từ bên ngoài. Hoặc có Phạm chí lội xuống sông, hoặc xuống ao Tam hoa, hoặc lội xuống suối của loài người, chẳng phải loài người để tắm gội, rửa sạch hết mọi nhơ bẩn bên ngoài, nhưng không thể nào dứt bỏ được tâm trói buộc. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nếu người tu phạm hạnh muốn rốt ráo thanh tịnh, dứt bỏ bụi nhơ thì phải giữ chắc trí tuệ bình đẳng Vô thượng mới dứt bỏ được cấu uế kia. Vì sao? Vì bụi nhơ bên ngoài thân là cái mà con người không thích. Dùng nghĩa bậc nhất để dứt bỏ cấu uế thì được các trời, loài người tôn kính. Bụi nhơ ở nhân gian đã làm cho con người rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Bụi nhơ ở nhân gian, dù được xông ướp bởi hoa hương, vẫn phát sinh lại như cũ. Còn người đã dứt bỏ hết kết sử, xông ướp bằng hương thơm của giới, mùi thơm ấy thơm mãi, không đâu là không ngửi thấy”. Cho nên nói: Tự dứt cấu uế, được gọi là đạo.