Buồn xuân riêng để cho người…
Viên Thắng
Xuân ơi xuân xuân đã về
Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến
Xuân xuân ơi xuân đã về
Tiếng chúc giao thừa mừng đón mùa xuân1…
Mùa xuân về! Cảnh vật như bừng sáng, cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi, trăm hoa khoe sắc rực rỡ, nên nhìn ở đâu chúng ta cũng thấy cảnh vật vui tươi tràn đầy sức sống, xua đi cảnh u buồn giá rét mùa đông. Mọi người cũng đều tất bật chuẩn bị đón xuân về. Ở các nơi trung tâm thành phố không khí thật tưng bừng náo nhiệt, hai bên đường các gian hàng bán bánh mứt, bì lì xì, cây cảnh, v.v… bày la liệt; ở các chợ lớn kẻ bán người mua, chen nhau tấp nập; từng đoàn xe nối đuôi nhau chở hàng hóa về các tỉnh lẻ. Ai cũng hớn hở vui cười rạng rỡ lo chuyện làm ăn vào dịp cuối năm và chuẩn bị đón một đầu xuân mới. Có rất nhiều bà mẹ háo hức trông ngóng chờ đón những đứa con đi làm xa hay đi học xa trở về đoàn tụ gia đình nhân dịp ngày xuân.
Thế nhưng ở miền Trung quê tôi vừa trải qua cơn bão số 12 thật kinh hoàng, những thiệt hại do cơn bão để lại khiến người dân tỉnh Khánh Hòa nơi tâm bão đi qua và các tỉnh lân cận như Phú Yên và khu vực Tây Nguyên phải giật mình sợ hãi. Hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, đổ nát, cột điện và cây cối gãy đổ la liệt khắp nơi, số người chết hơn cả trăm, còn người bị mất tích, bị thương cũng rất nhiều.
Chúng ta đứng nhìn cảnh vật tan hoang, người dân sống cơ cực trong cảnh ‘màn trời, chiếu đất’ thật là đau xót. Bởi vì, họ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt, dành dụm từng đồng tiền lẻ tích góp cả đời, khi cuộc sống tạm ổn định thì bỗng chốc trong một đêm bị sụp đổ sạch, hoặc trôi theo dòng nước lũ cuốn phăng; rồi cảnh tử biệt cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái mất cha mẹ, v.v… nỗi mất mát đau đớn này không thể nào bù đắp được. Tình cảnh này thật đúng như nhạc sĩ Hoài Duy chia sẻ nỗi niềm:
Thương lắm miền Trung ơi, nắng cháy tơi bời lũ lụt triền miên
Mưa bão giông về mái nhà đổ bay, đồng xanh cây trái giờ trắng xóa như dòng sông
Mẹ tìm con thơ, vợ ngồi trông ngóng chồng trên nóc nhà chênh vênh
Ai khóc ai gào trong gió chiều lênh đênh
Áo rách tả tơi, quần xắn quá gối thương quá người miền Trung
Một đời gieo neo, một đời luôn cơ cực
Khi bát cơm chưa đầy, từng trang giấy trắng em mơ ngày đến trường, nay đứng nhìn theo lũ trôi.
Thiên tai rồi lại thiên tai dồn dập về miền Trung như trút hết lên phận nghèo
Mẹ già ngồi co ro đôi mắt thẳm sâu thẫn thờ, người nhao nhác gọi nhau
Mà lòng mẹ thêm đau, cầu mong cho trời sáng nhìn thấy đứa con mình
Mẹ thầm hỏi trong đêm giờ này con nơi mô mà sao nó chưa thấy về
Biết bao thân phận vẫn còn nổi trôi người ơi xin nhớ…
Khi cơn bão qua rồi, biết bao tấm lòng của người con đất Việt, từ trong nước cho đến ngoài nước hướng về miền Trung thân yêu. Những món quà (gồm tịnh tài và tịnh vật) trao tận tay người dân ở vùng bị bão lũ. Những món quà này giúp họ tạm thời lo cho cái ăn, cái mặc trong lúc khó khăn; các em thơ được tiếp tục đến trường, có quần áo mới các em mặc vào ngày Tết, nghĩa cử cao đẹp này lắng đọng ấm mãi trong lòng họ. Đúng như ông cha ta dạy: “Thương người như thể thương thân”. Hay “Lá lành đùm lá rách”. Đây là tinh thần thương yêu, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn của người con Việt.
Mặc dù, họ được an ủi, chia sẻ phần nào về mặt vật chất nhưng nỗi đau xé lòng mất người thân, thật không thể nào bù đắp được. Tết đến cảnh nhà người ta sum vầy đoàn tụ đông đủ con cháu, còn nhà mình cha mẹ già vừa mất đi đứa con thương yêu, vợ mất chồng, con mất cha hay mẹ v.v… trên bàn thờ khói hương nghi ngút, trong nhà tràn ngập cảnh tang tóc. Cho nên những người vừa mới bị mất người thân, họ chẳng còn tâm trí nào để đón xuân:
Vui xuân vui khắp phương trời
Buồn xuân riêng để cho người đau thương.
Chúng ta là người học Phật hiểu rõ luật nhân quả. Mọi việc xảy ra ở thế gian này đều có nguyên nhân của nó, như bão lụt vừa xảy ra có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính thường được nhắc đến do con người là thủ phạm gây ra lũ lụt lớn, đó là nạn chặt phá rừng, khai thác đá sỏi bừa bãi, hệ thống đê đập xả lũ v.v… Bởi vì cây cối có khả năng giữ nước và giảm bớt việc đất đai sạt lở, nên việc khai thác phá rừng làm ảnh hưởng đến việc lũ lụt ở các lưu vực hạn hẹp như ở miền Trung. Nếu mỗi người đều biết rõ Nhân phá hoại đưa đến Quả không tốt thì sẽ cùng nhau góp sức trồng rừng, bảo vệ rừng và không khai thác đá sỏi bừa bãi thì sẽ tránh được phần nào tổn thất do thiên tai gây ra.
Ngoài hiểu rõ luật nhân quả ra, chúng ta còn phải biết rõ định luật vô thường. Nghĩa là cuộc sống và vạn vật chung quanh chúng ta, từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi theo không gian và thời gian, không có gì tồn tại vĩnh viễn, như thân chúng ta bị vô thường chi phối theo sinh, già, bệnh, chết hay tai nạn, bệnh dịch bất thường luôn xảy ra. Tâm chúng ta bị vô thường như không giữ được lòng tin, lý tưởng dễ bị thay đổi. Thời gian vô thường là đời người thật ngắn ngủi chỉ cần một hơi thở ra không hít vào thì mạng sống không còn, tâm thức chuyển qua đời khác… Cho nên, khi vô thường ập đến với chúng ta, như người thân mất đột ngột, hoặc bản thân mình bị tai nạn bất ngờ, hay bệnh tật khó chữa thì chúng ta cũng giữ được tâm mình bình tĩnh phần nào, sẽ giảm bớt nỗi sợ hãi hoảng hốt, suy sụp tinh thần. Người thân thấy chúng ta bình tĩnh họ cũng an lòng ít lo lắng đau khổ.
Do đó, đối với các bậc tu hành chứng ngộ thấy rõ sự sinh diệt của vạn pháp, nên mùa xuân thiên nhiên cũng thay đổi theo định luật vô thường, hoa nở rồi tàn, cây cỏ hoa lá xanh tươi, xinh đẹp rồi cũng úa tàn. Con người cũng như thế, không thể nào giữ mãi tuổi trẻ tràn đầy sức sống. Thiền sư Vạn Hạnh nói:
Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông2.
Chúng ta là người học Phật hãy cố gắng ứng dụng lời đức Phật dạy trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp những điều không may chúng ta biết hóa giải để tâm mình an lạc. Năm mới lại về, tôi xin cầu chúc cho các hành giả luôn sống trong chánh niệm thì thế giới này sẽ giảm bớt đi những thiên tai và nhân tai. Khi ấy, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được mùa xuân nở hoa trên từng bước đi, sự an lạc ngay trong cuộc sống ở Ta bà này. Bởi vì: “Tâm bình thì thế giới bình”.