NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP I
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch
CHƯƠNG 4: PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Ngày nay Đại chúng trong Đạo tràng đã rửa sạch tâm ô uế rồi, lỗi thập ác, tội chướng không còn, nghiệp lụy đã hết, trong ngoài đều thanh tịnh.
Kế đến cần tu học theo các vị Bồ-tát, công đức trí huệ nhờ vậy mà sinh. Thế nên, chư Phật thường khen phát tâm là đạo tràng, hay thành tựu được đạo quả.
Xin đại chúng nên kiên tâm trì chí, chớ tưởng sống lâu mà để thời gian luống qua uổng phí, sau có hối cũng muộn. Bây giờ gặp thời cơ tốt, thì đừng để phiền não che lấp tâm, ngày đêm nỗ lực phát tâm Bồ đề.
Giải thích:
Tâm Bồ đề tức là tâm Phật, công đức trí huệ vô lượng, không thể nghĩ bàn.
Hôm nay chúng ta có duyên lành được dự lễ sám thù thắng, không nên để phiền não thế gian che ám mình mãi, đã biết tất cả đều là nhân duyên quả báo, ôm phiền muộn nào có ích chi? Nên phát tâm Bồ đề tu hành mới là hữu ích.
Phát một niệm cầu giác ngộ, công đức tính không hết. Huống nữa nhiều người tự mình phát tâm tu học theo Phật, đồng thời còn tùy duyên hóa độ khuyên người khác trì giới học Phật, tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ. Những người phát tâm này, công đức lớn bao nhiêu? Giả sử có người trăm ngàn vạn kiếp đến nay, hành vô lượng bố thí, đời này vẫn tiếp tục làm việc thiện kia (như thí tiền của cho người nghèo, xây cầu sửa đường, lập chùa giúp Tăng, tạo tượng Phật…). Công đức họ có thể dùng cụm từ “Không thể nghĩ bàn” để ví von, nhưng so với kẻ phát tâm Bồ đề “Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh” thì không bằng một phần ngàn. Đủ thấy phát tâm Bồ đề công đức lớn vô biên, không tính nổi.
Sám văn:
Lại có người chỉ làm phước chớ không phát tâm Vô thượng Bồ đề, giống như kẻ cày ruộng mà không gieo hạt. Vì vậy, phải phát tâm Bồ đề là tạo nhân cho việc chứng quả; trước là báo ân chư Phật, sau là cứu vớt muôn loài. Vì vậy Phật mới khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Vì muốn lợi ích cho hết thảy chúng sinh.
Phát tâm Bồ đề là cách cúng dường lớn hơn tất cả”.
Phát tâm Bồ đề, không phải là chỉ phát qua một lần, mà phải phát luôn luôn; làm cho tâm Bồ đề tiếp tục phát rộng lớn mãi. Vì thế trong kinh Phật dạy rằng:
“Nên ở nơi hằng hà sa số chư Phật nhiều kiếp phát đại thiện nguyện”.
Giải thích:
Nếu có người chỉ biết trồng công đức phúc điền, tất nhiên kiếp sau sẽ được đại phú, hưởng vinh hoa bất tận. Nhưng nếu chỉ làm phúc mà không phát tâm Vô thượng Bồ đề thì giống như kẻ cày ruộng không gieo giống. Người này dù phúc báu lớn, cũng chỉ là hoa quỳnh nở một lần thôi, đây không phải là cứu cánh. Vì vậy khi được gặp Phật pháp vạn kiếp khó tương phùng này, thì chớ sai lầm để cơ hội qua mất, cần phải y theo lời Phật dạy phụng hành, phát tâm Vô thượng Bồ đề, dũng mãnh tinh tấn, bất luận bên mình có bao nhiêu chướng ngại thử thách cũng phải gắng tiến lên, hành cho viên mãn.
Nếu chỉ lo tu huệ mà không tu phước thì cũng là thiếu sót, nhiều người chỉ biết thắp hương lễ Phật, tham thiền tĩnh tọa, tụng kinh nghe pháp, mà không chịu bố thí, trì giới phóng sanh, tùy sức tạo phúc điền. Thậm chí họ ngày ngày tụng kinh, giờ giờ niệm Phật, nhưng không lưu tâm sửa đổi các tập khí, tính nết xấu trong tâm. Phải biết huệ là hạt giống, phúc là phân bón, tâm là đất. Nếu có đất để trồng mà thiếu phân bón thì cũng không thu hoạch nhiều. Chỉ có phước huệ song tu mới là con đường tốt liễu sinh thoát tử.