NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP I
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

KIM ĐỒNG NGỌC NỮ

Tháng 9 năm 2005, tại Thượng Hải tôi gặp một đôi vợ chồng, người chồng tên là Kim Đồng, người vợ tên Diễm Lệ, quả là người đúng như tên, mặc dù tuổi họ không còn trẻ nhưng nhìn xinh như một đôi kim đồng ngọc nữ.

Người chồng kể:

“Chúng tôi có hai con gái, sự nghiệp tương đối phát, của cải sung túc, lại có chung tín ngưỡng Phật giáo, nên đồng thấy mình là người có số mệnh may mắn, hạnh phúc nhất, cùng sống rất mãn ý trong thế giới này.

Nào dè năm ngoái tai họa đột nhiên ập tới, vợ tôi bỗng phát hiện ngực phải nàng có khối u, bệnh viện chẩn đoán là ung bướu ác tính, phải cắt bỏ ngay.

Sau khi mổ xong, vợ tôi xuất viện về nhà rồi, tinh thần vẫn còn suy sụp chưa thể hồi phục, hình vóc tiều tụy, mặt mày ủ rủ, hai mắt vô hồn, không những chẳng thiết ăn uống, mà mỗi lúc tắm gội nàng càng thêm đau khổchán chường đến không muốn sống, nàng khóc lóc bi lụy thống thiết.

Những lúc đó tôi hiểu vì sao nàng khóc, rất muốn vào an ủi nàng, nhưng chỉ biết đứng bên ngoài cửa, xót xa lắng nghe tiếng nước chảy và âm thanh tay nàng đấm vào tường, mà có cảm giác như tim mình cũng bị đấm đau đớn theo, tôi khổ đến muốn thét to lên và tôi cũng bật khóc thống thiết không cầm được, khiến hai con tôi đứng phía sau cũng bị ảnh hưởng lây, đồng khóc nức nở theo. Cảnh trạng bi thảm thê lương này, ngày xưa chúng tôi chỉ thấy trong phim ảnh, sách truyện, nhưng bây giờ lại xuất hiện trong gia đình tôi, làm sao mà không bi quan, không chán nản cho được?

Đêm đêm tôi thường an ủi vỗ về bà xã:

– Trên thế giới, các phụ nữ bị ung thư phải cắt bỏ ngực có rất nhiều, há chẳng phải Phật pháp từng giảng: Nhân sinh vô thường hay sao? Có rất nhiều gia đình gặp thống khổ rủi ro, chứ đâu phải chỉ có riêng mình? Em đừng vì mất đi một bên ngực mà sầu thảm quá mức, anh chẳng ngại chuyện đó đâu! Nên em đừng có khóc nữa, những ngày tháng tươi đẹp vẫn đang chờ chúng ta chung hưởng! Em hãy vui lên, vì buồn khổ sẽ tổn hại cho sức khỏe!

Nghe tôi nói thế nàng nguôi ngoai được vài ngày, nhưng trông rất suy sụp, so với dáng vẻ tươi tắn căng tràn nhựa sống trước đây, giống như là hai người khác.

Mấy tháng trước, vợ tôi đột nhiên cảm thấy sườn phải có chút đau, nàng nghĩ: “Có lẽ do làm việc nhà nên thấy như vậy”. Nhưng dần dần sườn bên trái cũng phát đau, nàng thấy không ổn nên tới bệnh viện khám, mới hay tế bào ung bướu đã phát tán, xem như mạng sống nàng có kéo dài thì cũng không qua ba tháng. Tin này đối với tôi giống như sấm nổ giữa trời quang!

Vợ tôi là người rất thông minh, cho dù tôi không cho nàng hay, nàng vẫn tự biết được.

Đúng lúc này, bạn bè đem bộ sách “Báo Ứng Hiện Đời” đến biếu cho, thấy trong đây giảng thuật toàn những câu chuyện thần kỳ khiến người tin sâu nhân quả, đã thôi thúc tôi nảy ý niệm: “Nhất định phải gặp cho bằng được Hòa thưiợng Diệu Pháp và tác giả”.

Sau nhiều lần dò la, hỏi thăm, cuối cùng nhờ sư huynh Quả Long mà chúng tôi biết được tin của ngài, bèn vội tìm đến đây. Chẳng biết ngài có thể giúp chúng tôi giải rõ nhân quả để chúng tôi minh bạch chăng? Vợ tôi nói: Nếu được vậy thì dù có chết nàng cũng cam lòng, không còn hối tiếc! Tôi cũng rất thắc mắc, vì chúng tôi đã thân cận Phật pháp mười mấy năm, vì sao vẫn gặp phải tai nạn như hiện nay? Đã biết bao lần tôi ở trước tượng Bồ-tát Quan Thế Âm khóc than cầu cứu, nhưng chuyện xảy đến vẫn luôn là tin dữ. Mong ngài có thể giúp chúng tôi giải nghi trừ mê, xin cảm tạ vô cùng!

Tôi bảo họ:

– Hai vị dù đang ở độ tuổi hoa niên tuyệt đẹp trong kiếp nhân sinh, nhưng lại bị ác bệnh vô thường đến viếng. Những ngày tháng hạnh phúc trong quá khứ đã trôi qua không còn trở lại, vì vậy mà khổ hết chỗ nói. Đây toàn là do các vị bất minh giáo lý Phật, CHẲNG BIẾT GIỮ GIỚI mà tạo thành! Không phải tới giờ hai vị vẫn còn ăn mặn hay sao?

Kim Đồng vội thưa:

– Chúng tôi là người tại gia, há chẳng phải Phật cho phép được ăn tam tịnh nhục hay sao?

Tôi giải thích:

– Đó là Phật đối với người không thể lập tức bỏ thịt ăn chay ngay nên mới tạm đặt phương tiện như vậy để giúp họ đoạn ăn thịt dần dần. Hai vị cũng tin nhân quả mà? Nghĩa là nếu bạn ăn thịt chúng sinh, thì chúng sinh ắt sẽ ăn thịt bạn. Bạn gieo kinh hoàng thống khổ, tử vong cho chúng sinh, thì chúng sinh cũng sẽ khiến bạn bị y hệt vậy. Người ăn thịt không phải đệ tử Phật, không thể ra khỏi tam giới, điều này trong “Kinh Lăng Nghiêm” Phật đã giảng rất rõ ràng. Vì sao hai vị không chịu xem kinh điển?

Kim Đồng nói anh có đọc qua Kinh Lăng Nghiêm của ngài Tuyên Hóa giảng, nhưng chỉ đọc chứ không thâm nhập ý kinh.

Tôi nói tiếp:

– Sát sinh ăn thịt chính là nguyên nhân thứ nhất khiến vợ anh mắc ác bệnh. Còn nguyên nhân thứ hai là… xin đừng trách tôi nói quá thẳng quá khó nghe.

Kim Đồng và vợ vội thỉnh cầu tôi cứ nói, bọn họ sẽ không ngại.

Thế là tôi bảo:

– Tôi biết hai vị thật lòng yêu thương nhau, tình cảm rất sâu đậm, khăng khít khó lìa. Nhưng tôi cũng thừa biết do hai vị có dung nhan quá mỹ miều tuấn tú nên anh thì thừa sức khiến phái nữ tâm thần điên đảo, chị thì có thể làm bao nam nhân nghiêng ngửa hồn phách. Do vậy mà đời sống tình ái của anh chị cực kỳ phong phú, dồi dào, dư thừa. Nhưng phải biết: Hễ vui đến đỉnh điểm thì sẽ phát sinh bi thảm. Còn nguyên nhân thứ ba…

Nói đến đây tôi quay qua nhìn Diễm Lệ hỏi:

– Có phải cô và mẹ chồng rất xung khắc, đến độ dù có gặp mặt nhau cũng không muốn nhìn, ghét đến chẳng muốn trò chuyện và trong lòng cô rất xem thường bà?

Nghe vậy Diễm Lệ liền bật khóc, khóc tức tưởi, nàng kể:

– Tôi mà ở chung với mẹ chồng thì bà luôn soi mói, bới móc tìm lỗi, chỉ cần tôi nhấc tay động chân là bà vội mỉa mai xỉa xói khiến tôi rất phiền! Vì vậy mà tôi không muốn ở chung với bà.

Tôi nói:

– Cô có biết mẹ chồng rất yêu con trai, luôn khao khát mong được ở chung với Kim Đồng, bởi bà sợ cô không khéo chăm sóc con trai bà, mà chồng cô cũng rất muốn được ở chung cùng mẹ để tiện bày tỏ hiếu tâm?

Kim Đồng hết sức kinh ngạc, hỏi:

– Vì sao ngài có thể nắm rõ tình huống gia đình tôi như trong lòng bàn tay vậy?

Tôi đáp:

– Tất cả ngôn hạnh, tâm niệm của chúng sinh, không những chư Phật, Bồtát mà cả đến quỷ thần đều nhìn thấy hết, do tôi minh bạch lý này rồi nên mới quyết tâm đoạn ác tu thiện.

Tôi mong các vị từ hôm nay trở đi, sau khi đã sáng tỏ lý này rồi thì hãy phát tâm ăn năn sám hối, sửa đổi.

Bởi vì tất cả việc ác mà chúng ta làm, những việc mà ta luôn chắc mẫm là chỉ có mình biết (không ai thấy, không ai hay). Thế nhưng không những chư Phật, Bồ-tát biết hết, mà ngay cả quỷ thần cũng đều thấy đều biết rõ tất tần tật.

Đây giống như tín hiệu sóng điện vậy, cho dù phòng của bạn đóng kín, thì sóng điện vẫn có thể xâm nhập vào, vì vậy mà tất cả ngôn hạnh, tư tưởng của bạn, chư quỷ thần trên trời dưới đất đều nhìn thấy rõ mồn một và nghe rõ bên tai, đồng nhận ra là nên giúp hay hủy hoại bạn! Nhưng chỉ có bạn là mù trất, không biết gì. Mọi việc xảy đến tất cả đều căn cứ theo đức hạnh của bạn mà định đoạt. Bởi vậy đối với các ác nghiệp sát, đạo, dâm, vọng… nếu bạn có thể thành tâm sám hối, thì những bệnh bất trị mà bạn ngỡ cùng đường, vẫn tìm ra lối thoát.

Nghe tôi nói xong, họ đều phát nguyện từ nay về sau sẽ không ăn thịt chúng sinh nữa, thệ kể từ đây nghiêm trì giới luật, quyết tâm đoạn ác tu thiện.

Diễm Lệ còn phát nguyện sẽ sửa đổi và gắng tạo quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng.

Tôi hỏi Diễm Lệ:

– Có phải cô cảm thấy việc cải thiện quan hệ cùng mẹ chồng rất là khó?

– Dạ phải! Bởi mẹ chồng ngó bộ không dung nổi tôi, tôi không có lỗi gì bà cũng cố tìm cho ra hoặc cố tình biến không lỗi thành lỗi, vì vậy tôi chẳng biết phải làm sao cho ổn?

Tôi hỏi:

– Hai vị có muốn biết nhân duyên kiếp trước của mình với bà là như thế nào không?

Hai người đồng đáp:

– Dạ muốn! Muốn quá đi chứ!

Tiếng họ reo lên mừng rỡ như trẻ con khiến tất cả đều bật cười. Lúc này trông Diễm Lệ rất là tươi tắn khả ái, chẳng có vẻ gì là bệnh nặng, thế là tôi kể rõ nhân duyên tiền kiếp của họ như sau:

“Vào thời Võ Tắc Thiên triều Đường, có hai vị công tử con nhà quan, tạm gọi là An và Bảo, họ là bạn tâm giao, nghĩa tình thân thiết. Hay rủ nhau đi du ngoạn, đến chùa thắp hương, cúng dường, tay luôn lần chuỗi. Điều này chứng tỏ bọn họ rất mộ đạo, tin Phật chí thành. Thế nhưng đáng tiếc là họ thường đến kỹ viện xem ca vũ, uống rượu giải trí.

Công tử Bảo hay nổi nóng với tên tớ trai X trong nhà, mỗi lần dạy dỗ X mà cáu tiết thì chàng thịnh nộ làm dữ, khiến nó run sợ. Tên tớ trai này cả đời phục vụ công tử, còn công tử thì quát mắng nó cả đời.

Tên đầy tớ X sau khi chết rồi, do tạo nhiều ác nghiệp nên phải vào địa ngục thọ khổ, còn hai vị công tử do nhiều đời ưa cúng dường Tam bảo nên chết rồi thì sinh thiên, hưởng hết phúc báu thì họ sinh vào nhân gian, sống đời vô cùng giàu có. Do nhân duyên đời trước, họ vẫn làm bạn hữu, thường ở chung, cùng lễ Phật, hành thiện bố thí, rất được bá tính thời ấy kính ngưỡng.

Trong kiếp sau nữa, hai người sinh ra vẫn tín thờ Phật, nhưng lại ham mê săn bắn, họ thường rủ nhau lên núi đi săn. Xin tạm gọi hai công tử đời tiếp theo này là An 2 và Bảo 2. Khi Bảo 2 phát hiện ra con nai thì giương súng lên bắn, ngay lúc đó chàng An 2 khởi niệm xót thương liền đưa tay đẩy họng súng bạn chỉa lên trời, khiến đạn bắn vào hư không, nhờ vậy mà con nai sống sót, nó quay đầu lại nhìn rồi hốt hoảng co giò chạy mất.

Con nai đó chính là tên đầy tớ X (của công tử Bảo kiếp xưa), sau khi X từ địa ngục lên thì đầu thai vào cõi súc sinh làm nai, may được An 2 cứu mạng”.

Tôi nhìn Kim Đồng, bảo:

– Anh chính là hậu thân của An 2, vợ anh chính là hậu thân của Bảo 2.

Con nai sau khi mãn thân súc sinh thì đầu thai vào nhân gian, sinh làm người đã mấy đời, đến kiếp này thì làm mẫu thân anh, bà tìm đến là để báo ân cứu mạng kiếp xưa. Chẳng phải đối với anh bà rất quan tâm chăm sóc, yêu thương cực kỳ đặc biệt?

Kim Đồng kể:

– Dù cha mẹ ngụ ở quê, nhưng hằng ngày trước và sau khi dùng cơm, tôi đều phải gọi điện hỏi han trò chuyện, bằng không thì tối đó bà chẳng thể ngủ yên.

Tôi bảo Diễm Lệ:

-Cô chính là công tử Bảo thường quở mắng tớ trai x cũng là chàng Bảo 2 muốn giết con nai. Tên tớ trai này vốn mồ côi cha mẹ, cũng nhờ Bảo có lòng từ thu nhận nuôi dưỡng giùm, do X có nhiều tật xấu nên Bảo thường quở mắng rầy la, không phân hoàn cảnh, trường hợp, niên kỷ. Bởi X là một kẻ dễ tự ái, giàu lòng tự tôn, do vậy mà sinh tâm sân hận. Mặc dù kiếp ấy X tri ân Bảo thu nhận nuôi dưỡng nên cam chịu nhịn nhục vâng theo song tâm oán hận vẫn còn ôm đến đời này, trong các kiếp quá khứ thì X với cô là thân phận đầy tớ và chủ nhân, con nai và thợ săn.

Nhưng bây giờ đã chuyển thành mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Hiện thời mẹ chồng ở vị trí chủ, phải biết không có gì vô cớ mà sinh lỗi đâu, đều tại kiếp trước cô trồng nhân xấu nên nay mới gặt quả không ưng ý.

Đã minh bạch lý này rồi, cô còn oán hận mẹ chồng hay nhăn nhó, chuyên bới lông tìm vết bắt bẻ cô hoài hay không?

Tôi lại hỏi Kim Đồng:

– Có phải lưng anh thường rất đau mỏi, khi đi tiểu đến cuối cùng hay có cảm giác bài tiết chưa hết? Tim còn có cảm giác bị ngột ngạt áp chế?

– Dạ đúng ạ.

Tôi bảo:

– Anh đừng quá lo. Hiện tại chỉ là bị vậy thôi, có đi y viện cũng khám không ra bệnh. Nhưng nếu anh không thay đổi nếp sống, không quyết tâm dứt mặn ăn chay, chẳng chịu giữ ngũ giới của Phật, thì tương lai bệnh tim của anh sẽ bộc phát trước tiên, tiếp đó là thận. Nhưng tôi tin anh sẽ sửa đổi, hơn nữa hiện giờ đã hạ quyết tâm rồi, đúng không?

– Dạ đúng-Kim Đồng khẳng định-Từ nay trở đi tôi sẽ sửa đổi bản thân, xin ngài hãy gia trì cho.

Tôi cười bảo:

– Tôi và anh là phàm phu như nhau, cũng đang từng bước lo hoàn thiện, cải đổi thói tật của mình, nếu biết chân thành tu sửa, chúng ta đều sẽ được chư Phật, Bồ-tát gia trì. Nếu hai vị có thể trì giới tham thiền tĩnh tọa, thì sẽ khải mở trí huệ tự thân.

Tôi hỏi Diễm Lệ:

– Bây giờ có phải cô đã cảm thấy thoải mái, sức khỏe khá lên rất nhiều?

Tôi vừa hỏi, thì Diễm Lệ tỏ vẻ rất kinh ngạc vui mừng nói:

– Ôi chao, quả thực tôi không còn trạng thái khó chịu kia nữa, có phải ngài đã trị bệnh, ban cho tôi công năng mầu nhiệm này chăng?

Tôi mỉm cười, nói:

– Tôi chỉ có công phu giữ giới, ngoài ra không có tài gì khác. Có phải bạn đã quyết định dứt sát ăn chay, rất muốn cải thiện quan hệ giữa mình với mẹ chồng?

Cô nói:

– Đoạn mặn thì ngay hôm nay có thể, còn các tội khác lòng tôi cũng đã thầm nguyện từ đây về sau nhất quyết không phạm nữa. Nhưng chuyện cải thiện quan hệ với mẹ chồng xem ra có chút khó khăn. Tôi vẫn còn đang lo… Tôi nói:

– Bạn xem, tâm bạn vừa thay đổi, lập tức cảm thấy sức khỏe tăng, thân thể thư thái dễ chịu rất nhiều. Kim Đồng này, anh nhìn xem: Khí sắc Diễm Lệ có phải đã chuyển sáng, tươi tắn rất nhiều hay không?

Kim Đồng lộ vẻ rất vui mừng nói:

– Diễm Lệ. Em hãy tự đi soi gương mà xem!

Diễm Lệ soi gương rồi, liền cảm ơn tôi. Tôi nói:

– Bạn cảm tạ sai đối tượng rồi, chúng ta cần phải cảm tạ Phật, Bồ-tát! – Là Phật pháp giáo hóa bạn và tôi nếu không có Phật pháp, e rằng tôi sớm đã đọa địa ngục rồi. Kế đến bạn phải cảm tạ tâm mình, vì bạn có thể nghe pháp tin thọ, chứng thực chân lý: “Tất cả duy tâm tạo”. Tâm bạn vừa thay đổi với mẹ chồng, quan hệ tốt đến mức có thể nhẫn nhục chịu đựng giỏi, thành tựu phẩm hạnh nhân cách tốt rồi, thì chẳng những tật bệnh hoàn toàn tiêu hết, mà ngay cả bộ phận bị cắt bỏ đi cũng sẽ dần dần hưng khởi (hồi phục lại) Phật pháp là diệu pháp, diệu đến mức bạn không thể tưởng tượng được đâu!

Sau khi họ ra về, cách đây mấy ngày Kim Đồng và Diễm Lệ đã gọi điện tới, tôi nghe giọng nói Diễm Lệ thập phần khỏe mạnh, lộ vẻ rất vui. Cô kể mình hằng ngày kiên trì tụng ba bộ Kinh Địa Tạng hai bộ hồi hướng cho các chúng sinh mà cô đã giết ăn qua, còn một bộ thì hồi hướng cho mẹ chồng, bản thân mình cũng đã trực tiếp hướng mẹ chồng xin lỗi, mặc dù mẹ chồng không hoàn toàn tiếp nhận, nhưng cô đã hạ quyết tâm sửa đổi bản thân, còn khoe là: Hai vợ chồng đã bàn bạc, dự định đến lúc thích hợp (được ba mẹ chồng đồng ý), sẽ rước họ về ở chung.

Tôi thật mừng cho họ, cầu chúc cho họ từ đây sống hòa thuận, hạnh phúc, đạo nghiệp viên thành.

Phật nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính, có thể thành Phật. Một khi nhân duyên hội đủ, may mắn gặp Phật pháp tưới đẫm ruộng tâm, thì hạt giống Phật sẽ đâm chồi ra hoa kết trái. Không có Phật lực gia trì trong vô hình, thì không thể thành tựu.

Cho nên mỗi người tu hành sau khi khai ngộ rồi, thì việc đầu tiên cần làm là cần phải báo ân Phật, ân chúng sinh. Vì sao? Bởi nếu không có Phật pháp giáo dưỡng, thì biết bao giờ chúng ta mới có đủ chánh tín, chánh tri, chánh kiến… mà tu hành? Không nhờ minh sư hướng dẫn, cũng sẽ làm lỡ mất cơ duyên tu hành trong đời. Một khi mất thân người, thì việc gặp lại Phật pháp là chuyện hy hữu (trăm ngàn vạn kiếp mới có được).

Tôi xin giải thích hai từ “Minh sư”:

Là chỉ vị thầy nghiêm trì giới luật, không tham tài, sắc, danh lợi, không phải là những người chuyên lý luận: Thời đại đã thay đổi, có thể tùy ý cải sửa giới Phật chế. Và còn tung thuyết hồ đồ rằng: Thịt có thể ăn, rượu có thể uống, thuốc có thể hút, ngũ tân v.v… ăn được. Thậm chí đã xuất gia, lại không giữ quy củ Phật môn mà còn tự phòng mình là Đại đức cao tăng.

Làm sư phụ mà không giữ thanh quy giới luật, tất nhiên đồ đệ sẽ bắt chước y theo. Thậm chí có người còn nói: Xem kinh nhiều sẽ làm chướng ngại vãng sinh thế giới Cực Lạc, lý luận này hoàn toàn trái ngược với câu “thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải” và Phật và lịch đại cao tăng từng hướng dẫn tuyên thuyết.

Chúng ta cần phải “Y pháp bất y nhân”, phải biết xem kinh là để minh lý. Hiểu rõ rồi mới có thể điều chỉnh hướng đi, quét trừ chướng ngại, tiến lên đỉnh điểm huy hoàng.

Đây không ảnh hưởng gì đến pháp môn chuyên tu của mình, vì một đứa bé bất kể tương lai là nhà âm nhạc, tác giả, bác sĩ, kỹ sư, hay là công nhân, nông dân… thì ngay lúc bắt đầu đi học, đều cần phải học các môn: ngữ văn, toán, thể dục, mỹ thuật v.v… nghĩa là toàn bộ khóa trình! Chỉ khi lên đại học mới cho phân ngành chia ban, đào tạo chuyên khoa để cuối cùng thành tựu học nghiệp.

Đọc kinh là giúp tăng trưởng trí huệ bản thân, là một trong các phương pháp khử trừ vọng tưởng.

Lúc đọc kinh thì lời kinh cùng tâm hòa làm một thể, tức vô ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Liền có thể khai phát trí huệ, bởi vì bản thân đọc kinh chính là một pháp môn hiểu lý trừ vọng.

Xin nhớ: Tự quy y pháp (là tự mình nương vào Phật pháp) nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải.

Vì thệ nguyện của chúng ta là: Tứ hoằng thệ nguyện (Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành)

Danh sư không hẳn đã là minh sư, bởi chưa phải là minh sư, nên họ có thể hướng dẫn sai, làm người khác lầm lạc, mất phương hướng tu hành. Đương nhiên cũng có thể xem người giảng tà pháp là thầy. Vì trong số họ có thể là Bồtát thị hiện đóng vai phản diện để thử thách khảo nghiệm chúng ta. Khảo xem chúng ta thực sự có được chính tri, chính kiến hay chưa?

Thực ra Phật Thích Ca mới là thầy căn bản của ta, hướng dẫn chúng ta (là những đệ tử thiếu phúc duyên không được sinh vào thời Phật trụ thế), vì vậy ta phải lấy giới làm thầy. Nhất định phải vâng theo lời Phật, tôn những điều Phật chế làm thầy, y theo lời Phật dạy mà tu.

Đại sư Ấn Quang từng nói: Xem tất cả đều là Bồ-tát. Thế thì những người sửa đổi các điều Phật chế cũng có thể là Bồ-tát đến thử thách khảo nghiệm chúng ta. Khi chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi, thì đối với những hành vi lỗi lầm của tha nhân cần phải: “Chỉ thấy lỗi mình, đừng bàn lỗi người” và đối với những tuyên bố sai lầm hướng dẫn lệch lạc kia, ta chỉ hành theo câu “Y pháp bất y nhân”, dùng đó để thanh lọc gạt bỏ tà thuyết. Trong kinh Trường A Hàm, Phật giảng: “Tứ Đại Giáo Pháp”, dạy chúng ta dựa theo kinh luật mà phán đoán chánh tà. Nếu quả thực là ma đến quấy nhiễu phá hoại, thì ta cũng không nên xem là việc xấu, mà cần học tập theo cách Phật tiếp đón ma, xem như ma đến giúp ta tu hành thánh đạo. Cho nên ngài Tuyên Hóa nói: “Ma là để mài luyện thử thách người tu hành chân chính”. Kinh Duy Ma Cật thuyết: “Các vị ma vương trong vô lượng vô số cõi nước ở mười phương phần nhiều là bậc Bồ-tát trụ nơi pháp bất khả tư nghị giải thoát, vì dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sinh nên thị hiện làm ma vương”. Do vậy tà sư cũng là sư, cũng có thể là Bồ-tát đóng vai phản diện nhằm rèn dạy chúng ta kiên định đạo tâm, nên cần phải cảm ơn họ. Có mệt mỏi vì đi nhiều đoạn đường vòng co lắt léo, thì ngày sau việc hoằng pháp lợi sinh càng hữu ích.

Giác ngộ rồi thì Như Lai Thiền, lục độ, vạn hạnh, v.v… thể viên dung. “Trong mơ thấy rõ ràng có sáu cõi, tỉnh rồi thì tất cả đều không”. Đây là lời Vĩnh Gia Đại sư nói trong Chứng Đạo Ca, khi chúng ta thực sự minh bạch rồi, đã kiên định tin sâu rằng chỉ có duy nhất một phương cách của Phật pháp mới có thể cứu ta thoát ly biển khổ, thì bám theo lục độ để tu hành. Nhà thiền thuyết:
“Nhẫn nhục là hạng nhất” – Phật Thích Ca Mâu Ni trong đời quá khứ, lúc làm tiên nhân hành nhẫn nhục, bị vua Ca Lợi chặt tứ chi vẫn không sinh chút tâm oán hận đối với vua, tứ chi liền hồi phục như ban đầu. Thực ra Bát bộ hộ pháp ngay lúc đó đã sớm quan sát hộ trì, một bề theo dõi xem sức nhẫn của vị tiên này có thể kham tới đâu? Tiên nhân khi bị chặt tứ chi vẫn nhẫn chịu không khởi chút tâm sân hận, hàm ý là ông đã tu đến độ tâm nhẫn cũng không cần cố gắng tập. Tất cả đều buông xả, bởi vạn pháp giai không, đã được vô tâm. Vô tâm tức vô niệm, vô niệm tức vô trụ, vô niệm vô trụ tức vô tu vô chứng (thành tựu Phật đạo tối cao, không cần tu chứng chi nữa), minh bạch lý này rồi, thì mỗi khi chúng ta gặp cảnh khổ, thấy đều chẳng phải khổ. Ta đến nhân gian này cũng giống như kẻ vào đại học cần phải ở ký túc xá vậy, phải tiếp tục học tập, nên gặp phải chuyện khảo thí gian khổ, đều vui vẻ ứng đối. Chẳng nên ôm lòng oán hận thầy cô hay tật đố với việc bị khảo hạch từng đợt. Chẳng qua nổi thử thách là lỗi của mình, cần phải làm lại từ đầu, cố gắng nỗ lực thêm.

Đồng lý này, khi các pháp lữ đồng tu, vợ chồng, cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng và con cái, đồng nghiệp, láng giềng, bạn bè v.v… phát sinh mâu thuẫn với nhau, dù quá khứ bạn từng có ôm hận đối phương, nhưng hiện tại đã minh lý rồi, thì gặp ai chửi mắng, mạ nhục, phỉ báng bạn… thì nên xem tất cả đều là vị thầy thử thách nơi trường thi làm Phật. Nếu khéo quán sát, có phải ta sẽ biến phiền não thâm căn cố đế thành Bồ đề và sinh khởi tâm cảm ân hay chăng? Đồng thời ngay đây bạn không còn sinh tâm sân hận mà là tâm hoan hỷ. Sự tình kỳ diệu sẽ phát sinh ngay trên thân bạn. Chẳng hạn như việc tốt sẽ bắt đầu từ ngày này mà xuất hiện: Những việc xưa nay vốn khó khăn bỗng được xử lý thuận lợi. Các ác tật bệnh hoạn không cánh mà bay khiến bạn không thể ngờ tới, vì mọi việc xảy đến đều nằm ngoài sức tưởng tượng.

Bạn có biết vì sao ác bệnh hoạn nạn không mời mà đến chăng? Là do tham, sân, si trong lòng bạn chiêu cảm, mời nó đến. Bạn không chữa trị, không phẫu thuật, vậy thì sao nó có thể tiêu mất được chứ? Bởi vì ngay lúc bạn minh lý rồi, thì trong lòng tự biết lỗi, sinh tâm ăn năn sám hối. Tức vô minh không còn, thì tật bệnh cũng không còn. Phật giảng: “Nên quán tính pháp giới, tất cả do tâm tạo”, đây hoàn toàn là tác dụng của tâm. Họa phúc không cửa, do người tự chiêu mà thôi.