NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP I
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

CĂN BỆNH ĐÁNG SỢ

Hai năm trước tôi đến thành phố nọ ở Giang Tây, đã cùng Ngô cư sĩ ghé thăm nhà một bệnh nhân.

Đây là một ngôi biệt thự cực kỳ lộng lẫy sang trọng, nhưng ông chủ lại bị bệnh, đang ở trong nhà. Tôi thấy ông quỳ trên giường, hạ thể quấn tả, trông khoảng hơn 30 tuổi.

Sau khi Ngô cư sĩ giới thiệu tôi với chủ nhà xong, ông ta cười đau khổ, hỏi tôi có muốn kiểm tra hay khám bệnh gì cho ông chăng? Tôi nói không cần.

Lúc đó tôi có cảm giác ngũ tạng cùng tứ chi ông không bị bệnh nặng gì, tôi bèn hỏi:

– Ông mắc bệnh chi?

Vợ ông kể chồng bà trước đây bị mọc ung bướu nơi hậu môn, lúc đại tiện đau đớn vô cùng, đã đi bệnh viện cắt bỏ rồi, nhưng vết thương chẳng những không lành, mà ngược lại còn thối rữa lở loét, nên phải mổ tiếp lần hai, vì vậy hậu môn cũng mất đi công năng, khiến ông không thể nằm xuống, chỉ có thể quỳ mới thấy bớt đau. Bệnh này chẳng gây ảnh hưởng gì đến ăn uống, nhưng ông chẳng thể khống chế đại tiểu tiện, nó cứ tự động tuôn ra do vậy mà khổ hết chỗ nói. Bệnh viện Tây y bó tay vô phương chữa, nên hiện giờ ông đang trị theo Đông y, song chữa chạy đã nhiều ngày, mà không thấy hiệu quả.

Cư sĩ Quả Năng là bạn đạo đi cùng tôi, bỗng lên tiếng hỏi:

– Trong lúc bà đang kể, thì tôi thấy trước mắt mình hiện hình dạng một cái cân rất lớn, bàn cân hai bên liên tục trồi lên hạ xuống không ngừng. Còn thấy trên hai cái bàn cân này, mỗi bên có một tiệc rượu, vậy công việc của ông nhà liên quan đến những gì?

Bà vợ đáp:

– Dạ, ảnh làm thẩm phán, công tác tại Pháp đình.

Tôi bảo:

– Trong kịch bản phim truyền hình “Tể tướng họ Lưu” có lời thoại rằng:

“Giữa đất trời có cán cân”, đây là cán cân công lý rất bình đẳng đối với mọi người. Bất luận làm việc gì, dù đối với người ngoài hay là quyến thuộc, thì khi tham dự xử án nhất định phải công tâm, không được lừa trên dấu dưới, biến trắng thành đen, không được làm tổn người lợi mình.

Trong Phật giáo từng giảng: “Hạt gạo thí chủ nặng như núi tu di, ăn mà không tu phải mang lông đội sừng đền trả”. Mấy câu này, ai cũng phải luôn nhớ và hiểu rằng “Vô công bất thọ lộc”.

Nếu như đã nhận tiền của, quà lễ (hoặc ăn của người thật nhiều) mà chẳng làm gì cho họ, còn khiến họ mang cảm giác bị ức hiếp, dối lừa, tất nhiên lòng dấy lên căm hận. Nếu hành vi xấu này tái lập quá nhiều, ắt đương sự sẽ bị đại chúng căm hận nguyền rủa và mãnh lực đó sẽ biến thành sức mạnh cực lớn, tuy vô hình nhưng gây hại không nhỏ cho người cậy quyền thế “vô công thọ lộc”, và quả báo sẽ hiển hiện qua dạng báo ứng, nghĩa là bệnh hoạn đau khổ sẽ giáng xuống thân thể đương sự.

Vì vậy mà Phật giáo giảng: “Làm tổn hại ngÜời chính là làm tổn hại mình!”.

Mỗi người cần tha thiết sám hối tội nghiệp mình đã tạo. Nếu trước đây từng ăn nhiều thịt chúng sinh, thì phải nên phóng sinh thật nhiều, nếu như lỡ thu nạp nhiều tài vật mà bản thân mình không xứng đáng nhận nhưng không thể trả lui, thì hãy dốc hết vào việc ấn tống kinh, sách thiện và phóng sinh hoặc đóng góp vào quỹ phúc thiện lợi ích cho cộng đồng, làm vậy sẽ giúp tiêu nghiệp diệt tội.

Tốt hơn hết là, mỗi ngày bệnh nhân này nên tụng ít nhất một bộ Kinh Địa Tạng. Cần nghiên cứu hiểu rõ giáo lý Phật giảng mới có thể phát tâm sám hối chân chính.

Nếu ông nhà muốn lành bệnh, thì phải xem ông có phát tâm sám hối chí thành hay không? Người thân cũng có thể góp sức phụ tụng Kinh Địa Tạng để hỗ trợ ông sớm hồi phục. Nhưng phải lưu ý: Bắt buộc phải dứt tuyệt đồ mặn ăn chay trường mới có công đức và hiệu quả. Lúc giã từ, vợ ông hỏi:

– Thưa, ở đâu có Kinh Địa Tạng ạ?

Ngô cư sĩ nói ngày mai ông sẽ đem đến.

Quả Năng bổ sung thêm:

– Hiện tại cần niệm Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát và niệm ra tiếng, nếu mệt thì có thể niệm thầm, sẽ giúp giảm bớt thống khổ.

Tôi dặn dò:

– Sau khi Kinh Địa Tạng mang tới rồi thì mỗi ngày chịu khó tụng, sức có thể tụng mấy bộ thì ráng tụng bấy nhiêu. Lúc rãnh thì niệm Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát, Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát đều tốt cả.

Hiện nay có rất nhiều người đang phạm lỗi làm tổn hại người lợi mình, rất ưa rút công bồi tư và hoàn toàn quên mất lời cổ huấn: làm nhiều việc bất nghĩa là tự hại mình thê thảm!”.

Câu chuyện này xin cảnh báo những ai đang làm việc liên quan đến pháp đình, phải hết sức cẩn thận và nên khắc ghi vào lòng câu: “Chấp pháp công minh, quyết không lợi dụng chức quyền để tham nhũng, hối lộ, ăn hiếp, trấn lột, đoạt lừa của người”.

Bạn thấy ác báo của ngài thẩm phán này chăng? Khi cái miệng ở trên vừa thu nạp cho vào toàn cao lương sơn hào hải vị, thì cái “miệng” ở dÜới do công năng bị hư, không thể kiềm chế, nên cứ tự nhiên phun bắn ra ngoài toàn những thế phẩn uế, huyết tanh. Cho dù người bệnh chưa chết, nhưng sống mà bị như thế cũng giống như đã nếm cảnh địa ngục rồi. Nếu muốn chuyển hóa ác báo này, đương sự bắt buộc phải thành tâm sám hối. Nguyện từ đây đoạn ác tu thiện, phải hết sức chân thành, thực lòng ăn năn tu sửa. Nếu làm được vậy thì không những giúp mình tiêu trừ ác bệnh, lìa khổ được vui, mà tương lai còn có thể dùng chuyện xảy ra cho bản thân mình để thuyết pháp làm gương, cảnh tỉnh người, rộng tạo công đức lớn.

Chớ gieo nhân xấu khổ không lường
Vinh hoa phú quý tựa khói sương
Đêm qua còn đủ ngàn thứ tốt 
Sáng nay thọ tội: Quỳ trên giường
Tham của, tâm tà hành sai luật
Biến thành phẩn uế rơi vãi vương
Nếu không hối lỗi siêng niệm Phật
Bệnh khổ hành quỳ đến ly trần!
Mạng sống vô thường, xin tinh tấn
Dứt ác tạo lành, phúc thọ khương!

Sám văn:

Bỗng trong nháy mắt, đến chốn Diêm vương, ngưu đầu, ngục tốt ở địa ngục không kể tôn ti, chỉ xét tội phước nặng nhẹ, kiểm thiện ác nhiều ít, lúc sinh tiền đã làm thế nào thì thần thức tự thú tội không dám che giấu. Do nhân gieo mà tùy nghiệp trả quả, đến chỗ khổ hay vui là do mình làm mình chịu.

Vả lại, các thiện thần ghi chép thiện ác của người không thiếu sót mảy may. Người thiện làm lành được phước thêm thọ, người ác làm dữ, giảm thọ thêm khổ. Cứ xoay vần như vậy, nếu bị đọa làm quỷ đói thì hết kiếp quỷ đói, lên làm súc sinh. Thống khổ khó kham, không bao giờ cùng.

Xin kể câu chuyện:

CÁNH TAY ĐAU NHỨC

Có một anh nọ khoảng hai mươi mấy tuổi, vô duyên vô cớ cánh tay phải bị đau nhức nên tới tìm tôi.

“Tay anh vì sao đau như thế?”… Tôi vừa mới khởi niệm thắc mắc, lập tức đã nhận ra: Anh này có tật hay chôm chỉa, móc túi trộm đồ người.

Thế là tôi hỏi:

– Anh có lấy đồ người làm của mình (móc túi, chôm chỉa tài vật của người) chăng?

Mặt anh ta đỏ lên nhưng vẫn ráng đáp:

– Sao tôi có thể… làm như vậy chứ?

Tôi bảo:

– Nếu anh không nhớ được thì tôi đành chịu, vì không thể giúp anh.

Anh hỏi:

– Nếu như tôi có… phạm… lỗi này… thì phải làm sao? Tôi bảo:

– Hãy đem những tiền bạc anh trộm lấy của người, tính thêm cả lãi vào để bồi hoàn (bằng cách đem đến hiến tặng Viện dưỡng lão hay cô nhi), nhớ khi làm đừng lưu danh tính mình thì tay anh có hy vọng lành.

Sau đó quả nhiên tay phải anh được lành, anh đến cảm tạ tôi và thưa:

– Từ rày tôi nguyện không dám làm các việc xấu nữa.

Rồi anh hỏi tôi:

– Vì sao ngài biết tôi làm những việc xấu này vậy?

Tôi nói:

– Thì cũng giống như nhân gian, trên trời cũng có rất nhiều “thiên thần tuần cảnh” chuyên trông coi việc thiện ác của thế gian và ghi lại tỉ mỉ tất cả hành vi thiện ác của chúng sinh vào trong sổ nghiệp (họ lưu trữ cũng giống như máy tính sao lưu vậy). Cho nên lúc anh hỏi tôi nguyên nhân bệnh kia, thì tuần cảnh liền đem những việc xấu anh đã làm (được thu hình) chiếu ra hết cho tôi xem.

Anh chàng này hiện nay học Phật rất tinh tấn, bỏ hẳn thói xấu kia. Anh còn chí thành lễ bái trước hình ngài Tuyên Hóa vạn bái, giờ đã là tiểu sư đệ của tôi.

Năm 1990, tôi vừa mới học Phật, nghe nhiều người kể một nữ đồng nghiệp của tôi có phẩm hạnh buông thả, phóng túng tà dục, lại không biết kiểm điểm.

Lúc nghe vậy tôi chỉ khởi niệm: “Quả có chuyện này hay sao?”

Vừa thắc mắc như thế thì trong óc tôi lập tức hiện hình ảnh: Có sáu nam nhân đang quanh quẩn bên cô ta. Tôi không tin nên khởi niệm nghi ngờ.

– Có lẽ bọn họ chỉ là bạn tốt của nhau.

Vừa nghĩ vậy thì lập tức tôi thấy ngay cảnh bọn họ có hành vi phi lễ vượt quá giới hạn cho phép. Tôi liền khởi niệm: Mình không muốn xem những cảnh này!

Lập tức cảnh tượng ấy biến mất, còn có nhiều điều khiến tôi rất kinh ngạc, hoảng sợ, nhưng tôi không tiện kể rõ.

Lúc đó, trong tâm tôi không hề khởi chút ý coi khinh vị nữ đồng nghiệp này, ngược lại còn gấp rút phản tỉnh, tự kiểm xem mình có từng tạo lỗi lầm gì sai trái chăng.

Từ đó tôi thấm thía câu: “Muốn người đừng biết, thì mình đừng làm!”

Tôi cảm thấy giống như trên trời có một máy quay phim cực lớn, mỗi giây mỗi khắc đều ghi lại hết những gì tạo tác của mỗi cá nhân: Từng câu nói, ý nghĩ, hành vi ta làm ra. Tất cả những việc lỗi lầm, tệ xấu lúc ta mê muội tạo tác, thậm chí những việc mình khó thể mở miệng hé răng nói với ai, cứ tưởng không ai biết và tự cho mình thông minh, chẳng ngờ những việc làm xấu ấy cuối cùng thành ra tự hại mình!

Con gái tôi sau khi tham gia tu tập thiền tọa rồi, trí huệ nó khai mở vượt xa tôi. Tuy nó chẳng xem nhiều kinh điển, chỉ tùy duyên thuyết pháp gở rối cho người, song nó chỉ cần nói một câu là có thể chỉ ngay căn nguyên phiền não, giúp giải khổ mau lẹ cho chúng sinh, lời luôn khế hợp với giáo lý của Phật.

Tôi chẳng chút ganh tị, phỏng vấn nó:

– Con là con ta, chính ta hướng dẫn con đả tọa, tu hành, nhưng vì sao con lại giỏi hơn ta vậy hả?

Nó cười bảo:

– Ba à, bởi vì ba làm việc xấu nhiều hơn con mà!

Lúc đó tâm tôi bỗng thấp thỏm bất an. Quả thực tôi có sợ những gì mình đã tạo (khi nghĩ đến những điều đáng xấu hổ của mình) bị con gái thấy rõ mồn một.

Nói một cách phiến diện thì theo quy luật vũ trụ, chỉ có làm các điều lành mới giúp ta khai mở trí huệ vốn có trong tự tính.

Thực ra, vẫn có nhiều người có trí huệ cao hơn, vượt xa con gái tôi. Tính nội trong quốc gia này thôi, tôi đã gặp hơn trăm vị, ấy là chưa kể đến những vị ẩn cư tại núi cao rừng thẳm (những vị đã đoạn dục khử ái hay là bậc cao tăng xuất gia tu hành). Tôi dám khẳng định tuyên bố với chư đồng tu rằng: Hễ ai trì chí bền tâm nghiêm trì ngũ giới, tu thập thiện dài lâu, chịu khó thiền tịnh song tu, đối với những nghiệp đã tạo trong dĩ vãng sám hối triệt để thì trí huệ nhất định sẽ xuất hiện.

Hơn nữa, nếu sám hối càng triệt để, tha thiết, thì trí huệ xuất hiện càng sớm. Chỉ cần bạn chịu tu thực sự, tất sẽ được Phật lực gia trì, khai mở trí huệ có sẵn.

Trên thế giới này những người sở hữu trí huệ uyên thâm đã có nhiều như thế, thì nói chi đến các bậc đại trí như chư Phật, Bồ-tát? Phật Thích Ca nếu không có trí huệ quảng đại viên mãn, sao có thể nói ra chân tướng vũ trụ? Sao có thể giảng nhiều kinh điển như thế?

Tôi chẳng phải không tham (tài, sắc, danh, lợi), mà chính vì nhờ hiểu rõ Phật pháp rồi nên không còn dám tham nữa. Thậm chí ngay cả trong ý nghĩ cũng không dám có. Trong Kinh Lăng Nghiêm giảng: “Nhiếp tâm là giới, nhân giới sinh định, nhân định sinh huệ”thế thì nếu cứ để tam độc hừng thịnh, làm sao chúng ta có thể nhiếp tâm?

Cần phải hiểu và tin sâu nhân quả luôn có thật không dối, như vậy chúng ta mới có thể đạt đến nhiếp tâm giữ giới. Trong “Báo ứng hiện đời” tôi có viết rằng: “Những người đến cầu Hòa thượng Diệu Pháp chỉ giáo, thảy đều là thầy tôi, vì nhờ họ mà tôi biết rõ báo ứng nhân quả chân thật không dối”. Sau khi bọn họ lành bệnh rồi, lại dùng tiền tài để cảm tạ tôi, không phải tôi không cần, mà là không thể tham, cũng chẳng dám cầu. Bởi vì hiện tại giáo pháp nói ra truyền lợi ích cho người, ân này vốn thuộc về Phật Thích Ca, nếu muốn tạ thì phải tạ ân Ngài. Chúng ta chẳng thấy được sắc thân Phật, cần nên cúng dường Tam bảo tạ ân Ngài mới đúng. Huống nữa bản thân tôi cũng nhờ Phật lực gia trì nên mới có thể cải tà quy chính. Đã có chư thiên thần ghi thiện ác của từng cá nhân kỹ đến mảy lông cũng không thể lọt đó là chưa kể bạn và tôi ngay hiện tại mỗi một niệm khởi, mỗi một hành vi, chư Phật, Bồ-tát đều biết hết, thấy hết. Vì vậy, bạn hãy mau mau buông bỏ tất cả ân oán thế gian, thực nhiện nhiếp tâm là giới, cùng tu chánh đạo xuất thế.

Nếu chẳng lo tu, bỗng chốc vô thường tới, thân xuống chỗ Diêm la, lúc này mới nhận ra tội của mình thì e quá muộn.

Chúng ta còn phải cảm tạ chính phủ đã cho phép Phật pháp được lưu truyền, nhờ họ mà chúng ta được đọc, xem kinh Phật như hiện nay. Vì vậy mà mỗi người Phật tử chúng ta, trước tiên cần phải làm một công dân tốt, tuân thủ quốc pháp, vì lợi ích dân tộc quốc gia mà phụng hiến báo ân đất nước.

Sám văn:

Ngày nay mỗi người nên tự giác ngộ sinh tâm hổ thẹn.

Đã hiểu làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ thì không nên làm ác; đã biết làm lành chẳng mất quả lành, làm ác tự rước lấy tai họa thì chớ nên khinh thường sám pháp này.

Chớ khinh thường điều thiện nhỏ, cho là không phước, giọt nước tuy nhỏ, chảy lâu cũng đầy bát to. Không tích thiện nhỏ đâu thể thành Thánh hiền. Chớ cho ác nhỏ là không tội, bởi ác nhỏ nếu tích chứa lâu ngày cũng đủ chiêu họa diệt thân.

Giải thích:

Mỗi chúng ta cần phải tự mình giác ngộ, khởi tâm hổ thẹn ăn năn sám hối, quả báo thiện ác không sai mảy may. Lành dữ họa phúc đều do tâm ta chiêu cảm nên. Mặc dù mắt phàm của ta không thể nhìn thấu quá trình diễn tiến từ nhân đến quả, nhưng đây là điều hoàn toàn có thực.