Pháp Tu Chủ Yếu Và Giá Trị Của Tông Tịnh Độ
Tỳ kheo Thích Giác Quả
Đề cập đến bất cứ một tông phái nào trong đạo Phật đều có nhiều phương diện để trình bày, tông Tịnh Độ cũng không ngoại lệ; tuy vậy, tại đây người viết chỉ giới thiệu vắn tắt một số điểm chủ yếu mà hành giả niệm Phật cần được tri nhận sâu sắc và chuẩn mực để có kết quả thiết thực tự lợi, lợi tha ngay trong đời này.
I. Tư tưởng chủ đạo.
Khi lập tông, mỗi tông phái đều có một phân định sai khác về giáo nghĩa mà đức Phật thuyết giảng trong quá trình giáo hoá 49 năm của mình; chẳng hạn, tông Pháp Hoa lập Tứ giáo, tông Hoa Nghiêm lập Ngũ giáo, tông Chân Ngôn thì lập Nhị giáo… Riêng tông Tịnh Độ lại lập Nhị môn.
Căn cứ vào “Luận Thập-Trụ Tỳ-Bà-Sa” của Bồ-Tát Long Thọ, Đại sư Đạo Xước đã kiến lập Nhị môn, là Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn.
Thánh Đạo môn là gồm thâu cả Bắc Tông lẫn Nam Tông.
Về Bắc Tông, tổng quát để nói, đó là những giáo nghĩa thuộc Hiển giáo, Mật giáo, Thật giáo, Quyền giáo được trình bày trong các tông như Chân Ngôn, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, Tam Luận, Địa Luận, Nhiếp Luận v.v…
Về Nam Tông, đại để đó là những giáo nghĩa được trình bày ở các tông như Câu Xá, Thành Thật và Luật Tông v.v…
Tóm lại, cả Bắc Tông lẫn Nam Tông thuộc Thánh Đạo môn, chung quy đều tu tập các giáo nghĩa Tam thừa để chứng ngộ các quả vị tương ứng của Tam thừa ấy.
Tịnh Độ môn cũng có hai, một là giáo nghĩa chủ yếu vãng sanh Tịnh Độ, hai là giáo nghĩa phụ trợ vãng sanh Tịnh Độ.
Giáo nghĩa chủ yếu vãng sinh Tịnh Độ thì có ba Kinh một Luận, đó là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và luận Vãng Sanh.
Giáo nghĩa phụ trợ vãng sanh Tịnh Độ thì gồm các Kinh như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Niệm Phật Tam Muội… Về Luận thì có Khởi Tín, Thập-Trụ Tỳ-Bà-Sa, Nhiếp Đại Thừa, Thật Tánh…
Ý chỉ khi thành lập Nhị môn là xác định cần buông bỏ Thánh Đạo môn trở về tu tập Tịnh Độ môn; bởi lẽ, trong thời Mạt pháp hiện nay tu theo Thánh Đạo môn sẽ không có kết quả vì hai lí do:
- Cách xa thời Phật (Chánh pháp) quá lâu.
- Giáo lý uyên áo khó lý giải rốt ráo.
Điểm này, kinh Đại Tập cũng đã huyền ký: “ Trong thời Mạt pháp, ức ức người tu hành, hiếm có người đắc Đạo, chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mới thoát khỏi sanh tử”.
Đồng thời, đây là điều mà Đại sư Đàm Loan đã từng xiển dương trong “Vãng Sanh Luận Chú” rằng: “ Hàng Bồ-Tát cầu chứng Bất thối chuyển thì có hai đường (Nhị đạo), một là Nan hành đạo, hai là Dị hành đạo”.
Gọi là “Nan hành đạo” (con đường khó tu tập) bởi lẽ, đang ở trong cõi đủ cả năm thứ ô trược, lại không có đức Phật mà cầu chứng đạt Bất thối chuyển là điều rất khó, tương tợ như lữ khách đi bộ thì rất nguy hiểm và khổ nhọc.
Gọi là “Dị hành đạo” (con đường dễ tu tập) bởi lẽ, chỉ tin tưởng và nương tựa vào nguyện lực của đức Phật A Di Đà để nguyện vãng sanh về Tịnh Độ Cực Lạc của Ngài. Do nguyện lực của đức Phật mà hành giả được hội nhập vào Chánh Định Đại Thừa, tức chứng đạt Bất thối chuyển, tương tợ như lữ khách dùng thuyền bè qua sông thì rất dễ dàng và nhanh chóng.
Tựu trung: – Nan hành đạo chính là Thánh Đạo môn.
– Dị hành đạo chính là Tịnh Độ môn.
Như vậy, cần được xả ly Thánh Đạo môn hồi quy tu tập Tịnh Độ môn. Tại sao như thế?
Bởi lẽ, Thánh Đạo môn hay Nan hành đạo là cách tu tập hoàn toàn nương vào tự lực; Còn Tịnh Độ môn hay Dị hành đạo là cách tu tập nương vào tha lực. Tu theo Thánh Đạo môn thì khi bắt đầu tu tập phải nghiên cứu học hỏi một cách sâu sắc về sự-lý giáo nghĩa của tông phái mình, sau đó nương vào tri nhận nghiên cứu ấy để hành trì. Qua tiến trình tu tập dài lâu, khi có công đức rất sâu dày mới có thể đoạn tận các lậu hoặc, thoát ly sanh tử, chứng ngộ Niết bàn. Như thế, để đạt được địa vị Phật-đà phải trải qua một thời gian quá lâu xa với nhiều đời kiếp tinh tấn tu tập mới đạt đến quả viên mãn. Xét về tu theo Tịnh Độ môn, không đòi hỏi phải thông hiểu giáo lý, không nhất thiết phải đoạn tận lậu hoặc, chỉ cần tin tưởng chắc thật vào bổn nguyện của đức Phật A Di Đà và thực hiện đúng tôn chỉ Tín-Nguyện-Hạnh, thì khi lâm chung sẽ được Ngài tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc. Tại đây, hành giả chứng đạt quả vị Bất thối chuyển và tinh chuyên tu tập cho đến khi thành tựu quả vị Phật-đà.
II/ Pháp tu chủ yếu.
Trong “Quán Kinh Sớ,” Đại sư Thiện Đạo kiến lập Nhị hạnh, là Chánh hạnh và Tạp hạnh, rồi xác định rằng, là hành giả tông Tịnh Độ thì cần buông bỏ Tạp hạnh để tu tập Chánh hạnh.
Nội dung Chánh hạnh có năm điều: Thứ nhất, thuần nhất đọc tụng ba Kinh căn bản của tông Tịnh Độ; thứ hai, thuần nhất quán tưởng chánh-y báo cõi Cực Lạc; thứ ba, thuần nhất đảnh lễ đức Phật A Di Đà; thứ tư, thuần nhất tán thán cúng dường đức Phật A Di Đà; thứ năm, thuần nhất trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Trong năm điểm này, nếu chỉ duy nhất trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà thì gọi là Chánh-định nghiệp, là cách tu thuận theo bổn nguyện của đức Phật A Di Đà, và là cách tu cốt lõi, tinh thuần nhất; ngoài ra tu theo bốn điểm còn lại thì gọi là Trợ nghiệp. Về Tạp hạnh, là tu tập tất cả các pháp ngoài nội dung của Chánh hạnh trên. Xét kết quả, tu Chánh hạnh thì chắc chắn được vãng sanh, còn tu Tạp hạnh nếu có hồi hướng cầu vãng sanh thì chỉ gieo nhân mà thôi, trường hợp không hồi hướng thì không liên quan gì đến việc vãng sanh.
Tóm lại, tu Chánh hạnh gọi là “Thuần”, tức là sự tu tập thuần nhất cầu sanh Cực Lạc, còn tu tập Tạp hạnh gọi là “Tạp”, vì bao gồm hết thảy giáo nghĩa Ngũ thừa và các cõi Tịnh Độ khắp mười phương. Do thế, cần xả “Tạp hạnh” tu theo “Chánh hạnh”; tuy vậy, trong Chánh hạnh nên hành trì duy nhất “Pháp niệm Phật” mới khế hợp với bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Trong “Vãng Sanh Lễ Tán”, Đại sư Thiện Đạo ghi: “Khi Tôi thành Phật, chúng sanh nào trong mười phương nguyện sanh về thế giới của Tôi nên niệm danh hiệu của Tôi, dù tối thiểu chỉ mười câu; nếu không được vãng sanh thì Tôi nguyện không giữ ngôi Chánh Giác. – Hiện tại, đức Phật ấy đã thành Phật, vì vậy “Bổn thệ nguyện” lớn lao ấy hoàn toàn không hư dối, chúng sanh nào niệm danh hiệu Ngài chắc nhắn sẽ được vãng sanh”.
III/ Tâm lý tu tập chủ yếu.
Hành giả niệm Phật cần phải hội đủ “Tam tâm” và “Tứ tu”, đây là tố chất tâm lý chủ yếu.
Về Tam tâm, theo kinh Quán Vô Lượng Thọ đại ý bảo rằng, chúng sanh nào nguyện sanh về thế giới Cực Lạc thì cần phải phát khởi ba thứ tâm niệm; đó là Chí thành tâm, Thâm tâm và Hồi hướng phát nguyện tâm, đủ ba tâm ấy thì chắc chắn được vãng sanh.
Chí thành tâm chính là tâm chân thật, nghĩa là ba nghiệp thân-khẩu-ý luôn được phát xuất từ sự chân thật để loại bỏ các ác pháp, tu tập các thiện pháp Tịnh Độ.
Thâm tâm chính là tâm thâm tín, đại để là tin tưởng sâu sắc vào lời dạy của đức Phật Thích Ca về giáo nghĩa Tịnh Độ, tin tưởng chắc chắn vào đại nguyện của đức Phật A Di Đà, vào chánh-y báo cõi Cực Lạc, vào sự hộ niệm của chư Phật trong mười phương và vào pháp môn niệm Phật sẽ vãng sanh Cực Lạc.
Hồi hướng phát nguyện tâm là đem tất cả thiện pháp thế gian, xuất thế gian của mình và mọi người đã tu tập với tất cả tâm chân thật, thâm tín hồi hướng nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Lại nữa, khi hồi hướng phát nguyện thì tâm chân thật và thâm tín phải kiên cố như kim cang không bị mọi tư tưởng, mọi học thuật, mọi kiến giải khác tác động phá hoại niềm tin của mình. Duy nhất tinh tấn thẳng tiến theo Chánh Đạo không vì lời thị phi của kẻ khác mà rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, để rồi lạc vào tà đạo đánh mất đại lợi được vãng sanh của mình, như vậy gọi là tâm Hồi hướng phát nguyện.
Về Tứ tu, theo “Vãng Sanh Lễ Tán” đại lược là, chỉ thực hiện bốn pháp tu này thì gọi là Chánh nghiệp:
Một là Cung kỉnh tu, nghĩa là cung kỉnh chư Thánh nhân ở Tây Phương Cực Lạc, cung kỉnh hình tượng Tây Thiên Tam Thánh, cung kỉnh chư Thiện tri thức tông Tịnh Độ, cung kỉnh các pháp hữu tông Tịnh Độ và cung kỉnh Tam Bảo thế gian.
Hai là Vô dư tu, nghĩa là chỉ đơn thuần niệm danh hiệu và đảnh lễ đức Phật A Di Đà để cầu vãng sanh Cực Lạc, chứ không khởi tạp niệm tu các pháp khác. Nói rõ hơn, các thời khóa hằng ngày chỉ niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà và tụng Kinh của tông Tịnh Độ, ngoài ra không tụng niệm một Kinh một danh hiệu đức Phật nào khác.
Ba là Vô gián tu, nghĩa là luôn luôn niệm Phật A Di Đà và nghĩ đến vấn đề vãng sanh, bất cứ lúc nào cũng khéo léo thực hiện như thế.
Bốn là Trường thời tu, nghĩa là từ khi phát tâm đến khi chứng đạt quả vị Phật đà, luôn tinh tấn gây dựng nhân tố thanh tịnh không bao giờ thối chí.
Khi một hành giả đã thực hiện viên mãn Tam tâm, Tứ tu, thì đồng nghĩa hành giả ấy đã thành tựu tôn chỉ Tín-Nguyện-Hạnh của pháp môn niệm Phật. Đồng thời, một khi hành giả đã viên mãn Tín-Nguyện-Hạnh mà không được vãng sanh Cực Lạc là việc không thể xảy ra.
IV/ Giá trị.
Hành giả niệm Phật và Kinh điển tông Tịnh Độ có một giá trị đặc thù so với các hành giả của những tông phái khác và Kinh điển khác.
Theo “Quán Kinh Sớ”, hành giả niệm Phật được ví dụ như hoa Phân-đà-lợi, là loại hoa sen trắng trăm cánh hy hữu trên cõi đời; có nghĩa là, ai niệm Phật thì chính người ấy là người hy hữu, người tối thắng, người hiền thiện siêu tuyệt trong loài người. Đồng thời, hành giả ấy không chỉ được đức Phật A Di Đà, Bồ-Tát Quán Thế Âm, Bồ-Tát Đại Thế Chí ngày đêm bảo hộ, mà còn được vô số chư Phật trong mười phương luôn luôn hộ niệm, không để các ác Thần, ác Quỷ có cơ hội gây phiền não; bên cạnh, cũng không gặp các tật bệnh ngặt nghèo, chết oan, chết yểu hay những tai nạn nguy hiểm… hết thảy tai chướng tự nhiên tiêu diệt, trừ trường hợp tu tập thiếu chân thật.
Về Kinh điển, như trong kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Trong tương lai, khi Kinh điển tiêu diệt, Ta vì lòng từ bi thương xót chúng sanh, đặc biệt lưu Kinh này lại một trăm năm. Nếu người nào gặp được Kinh này, tùy theo ước nguyện sẽ được vãng sanh Cực Lạc.
Đại để, lời Kinh xác định rằng, sau một vạn năm của thời Mạt pháp, các Kinh điển của những pháp tu thuộc “Thánh Đạo môn” hay “Nan hành đạo” đều bị diệt mất, chỉ duy nhất kinh Vô Lượng Thọ hay “Dị hành đạo” là được lưu lại trong thời gian một trăm năm để cứu vớt cuối cùng những người còn có thiện căn. Nói nghiêm túc, chỉ có pháp môn niệm Phật A Di Đà hay sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” là đặc biệt được lưu lại ở cuối thời Mạt pháp mà thôi.
Tựu trung, pháp môn niệm Phật là pháp tu thâu nhiếp cả ba căn cơ, đây là lý do mà đức Thích Tôn vì hết thảy Thánh phàm tuyên dương Đại pháp Tịnh Độ để giúp họ chấm dứt sanh tử ngay trong đời này. Có nghĩa rằng, khi được vãng sanh Cực Lạc là ra khỏi tam giới thoát ly sanh tử, dù có thể lậu hoặc nghiệp chướng vẫn còn, và khi được vãng sanh thì chỉ một đời là chứng đạt quả vị Phật-đà. Đây là pháp tu giản đơn và nhanh chóng nhất trong hết thảy pháp tu của đạo Phật, cũng vì quá dễ dàng như vậy nên cũng rất khó tin; chính thế, đức Phật mới gọi là “Nan tín chi pháp”. Tuy vậy, “Thời Mạt pháp đời nay chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp, nếu bỏ pháp môn niệm Phật mà tu các pháp khác, xét về gieo căn lành phước trí thì có, còn xét về thoát ly sanh tử trong hiện tại thì không([*])”.
Tài liệu tham khảo:
– Kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, Tuyển trạch bổn nguyện niệm Phật tập, Ấn Quang văn sao, An lạc tập v.v.
————————–
[*] Ấn Quang văn sao.