Cổ Thụ
Như Đức
Không hẹn trước nhưng chúng tôi gặp nhau tại chùa Hải Ấn. Tôi và sư tỷ đang thưa chuyện với Sư bà thì Thể Dung bước vào, trên tay ôm lỉnh kỉnh mấy món đồ, giọng hồ hởi:
– Thưa Sư bà, con đem cái này về cho Sư bà đựng rác. Tiện lắm, Sư bà chỉ ấn ngón chân là cái nắp hắn mở ra, bỏ rác rồi mình rút chân, nắp tự động đậy lại. Còn cái này, Sư bà treo trong nhà tắm, để xà bông…
Chúng tôi chào mừng nhau. Tôi ít có dịp về thành phố. Thể Dung mới đi xa về, gặp nhau rất hiếm. Tôi hỏi:
– Cái này ở bên mình có bán, Dung đem từ Úc về chi cho cực?
– Nhưng em thích vì nó đẹp. Chị thấy hông ? Gọn gàng sạch sẽ như cái hộp.
Tuy không nói ra nhưng tôi biết, trong đó có tấm lòng của người học trò đối với Thầy.
Sư bà là thầy dạy chúng tôi những năm còn ở Dược Sư. Hồi đó Sư bà làm Giám luật, uy nghi đỉnh đạc. Chúng tôi còn nhỏ, lóc chóc lau chau, nhưng khi ôm quyển Luật lên ngồi học với Sư bà thì trở nên ngoan ngoãn. Lời dạy của Sư bà tôi để lại trong sách, nhưng hình ảnh thân giáo thật quan trọng. Có điều lúc đó chúng tôi chưa nhận ra.
Rồi ra trường, mỗi đứa mỗi việc.
Cổ nhân các tại thiên nhất giác
Tương vọng lạc lạc như thần tinh.
(Tô Đông Pha)Dịch:
Bạn bè mỗi người riêng một cõi
Trông nhau lác đác như sao mai.
Cũng có những lần hẹn nhau về đảnh lễ Sư bà trong dịp Tết hoặc ra hạ. Sau này chúng tôi còn được học thêm Lăng Già Ký và Luật Tứ Phần với Sư bà tại chùa Hải Ấn. Chỉ có mấy huynh đệ lớn, Sư bà vui vẻ gần gũi chứ không nghiêm nghị như hồi ở trường. Có lẽ chúng tôi cũng thành được nửa người rồi. Được học hỏi thêm với các bậc thân giáo sư là điều hạnh phúc. Sư bà vẫn ân cần nhắc nhở, coi ngó từng oai nghi cử chỉ, từng cách xưng hô. Nếu không hiểu có thể cho rằng Sư bà khó khăn và cổ xưa. Có lần chúng tôi bị dũa đích đáng về tội chỉ mặc áo nhật bình bốn vạt mà không chịu mặc áo sáu vạt khi ra đường.
Gần ba mươi năm. Chúng tôi vẫn giữ thâm tình thầy trò. Càng sống càng cảm nghiệm ra rằng công phu huấn luyện cho một người học trò đầy đủ tư cách không phải là chuyện dễ. Sách xưa có câu ”giáo đa thành oán”, các bậc lớn vẫn ngại nói nhiều vì lẽ đó. Khi thôi học và bắt đầu làm việc được, người ta có thể nghĩ mình khôn lớn. Khi tóc trên đầu chớm bạc thì các bậc ân sư cũng dần vắng bóng, nếu có trách nhiệm với một vài đồ đệ, lại càng thấy công ơn của người xưa đối với mình thâm sâu.
Chúng tôi ra về khi trời tắt nắng. Đứng lại một chút trước sân chùa, Thể Dung nói:
– Bây giờ em mới nhận ra việc mình phải đảnh lễ các bậc tôn túc là việc đúng. Không dễ gì có một vị thầy đức hạnh đâu nghe chị.
– Ờ, hồi xưa còn trẻ tánh nông nổi, mình cho chuyện lễ lạy là phiền phức, nhất là Thể Dung ngang bướng…
Cười thú nhận:
– Em biết rồi. Càng về lâu dài mình mới quý các thầy của mình.
Trên đường Âu Cơ xe ngược xuôi tấp nập. Tôi ngạc nhiên thấy hình như đường phố có vẻ hỗn loạn và đông đúc. Một lát sau mới khám phá ra là tại vì mình mới vừa rời một khung cảnh yên tịnh, cái không gian lắng đọng ở bên trong chùa làm cho tư tưởng chậm đi, vận tốc bên trong người cũng giảm bớt, nên khi ra đường thấy người ta đi mau. Nếu cứ chạy vùn vụt cả ngày thì sẽ không cảm giác gì cả. Cũng như khi đứng ngắm một thân cây cổ thụ già cỗi, mình mới chiêm nghiệm được cả khi thời gian và không gian cây mang trên mình. Cảm giác này không xảy ra khi ta nhìn cây non mới lớn. Thử tưởng tượng toàn thành phố không còn một gốc cổ thụ. Thử tưởng tượng khi ta không có Thầy.
Như Đức
(trích báo Giác Ngộ, số 10)
(Gởi tặng các đồng môn)