Lời bạt cho bản điều lệ sắc lệnh quản lý chùa miếu của Đại Tổng Thống
Xưa kia, khi sắp nhập Niết Bàn, đức Như Lai đã đem pháp đạo phó chúc cho quốc vương, đại thần hộ trì, lưu thông. Ấy là vì Tăng chúng bỏ tục xuất gia, tu ròng phạm hạnh, đã không có của cải, lại không có quyền thế, dầu có thể hoằng dương pháp hóa vẫn khó tránh khỏi bị người ngoài khinh khi, lấn hiếp. Nếu được vua quan hộ trì thì pháp hóa được rộng khắp, người ngoài chẳng dám coi thường, bởi kẻ cường bạo ngang ngược giấu hình ẩn tích, còn kẻ mềm mỏng lương thiện sẽ khởi lòng tin, gieo lòng thành. Vì thế, lưới giáo pháp được mở rộng, thâu tóm những loài cá trong biển khổ; chấn hưng tông phong, thấy thấu suốt vầng trăng nơi tự tâm. Nội hộ, ngoại hộ phải cùng có đủ thì pháp hóa của đức Như Lai sẽ tự có thể theo chiều ngang trọn khắp mười phương, theo chiều dọc thông suốt ba đời, khiến cho hàm thức đều cùng được thấm gội pháp trạch. Ấy là vì do nghe Phật pháp mới biết từ vô thủy đến nay đã mê trái bản tâm, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, đến nỗi sanh tử luân hồi nhiều kiếp không cách gì thoát lìa. Đã biết điều này liền muốn diệt trừ nhân khổ, mong được quả vui. Từ đấy, bỏ mê theo ngộ khăng khắng gắng công. Nơi tâm bèn dứt tham – sân – si, nơi thân kiêng giết – trộm – dâm, đổi ác tu lành, gần thì cảm được phước lạc nhân thiên, đoạn Hoặc chứng Chân, xa thì thành giác đạo Bồ Đề. Do vậy, tận lực tuân theo lời Phật dạy, gìn giữ tự tâm nghiêm ngặt, dẫu ở trong nhà tối phòng kín luôn như đối trước Phật, trời; người mang thiện niệm, nước dứt xử phạt. Về mặt ngầm là thầm giúp cho việc bình trị, dứt họa loạn khi chưa chớm; về mặt hiển lộ là phụ trợ cho chính sách cai trị, đề cao nhân ái hòa mục. Do có những lợi ích như vậy nên đế vương các đời ở Tây Trúc và cõi này vĩnh viễn tuân thủ lời Phật phó chúc, không ai không sùng phụng, hộ trì, chỉ lo chưa được truyền bá, lưu thông rộng rãi!
Xét từ thời Đông Hán, Phật pháp truyền sang Trung Quốc, trải hơn một ngàn tám trăm năm, không lúc nào chẳng như vậy. Đến cuối đời Thanh, pháp đạo suy vi, triết nhân ngày càng hiếm hoi, kẻ tầm thường ngày càng đông. Lại thêm đất nước lắm biến cố, chẳng rảnh rỗi đề xướng. Tăng đồ phần nhiều cam phận ngu hèn, chẳng chuyên chú thanh tu, sự giáo hóa lỏng lẻo, kẻ ngoài khinh lấn. Do vậy, những kẻ không có tín căn dòm ngó tài sản của Tăng, không có cách nào khác bèn mượn cớ mở trường học để thôn tính nhà chùa. Thường có những chuyện biến chùa Phật thành trường học, đoạt Tăng sản để đẫy túi mình xảy ra ồ ạt. Đến năm Dân Quốc thứ nhất (1911), nước nhà vừa lập, phong trào ấy càng quá đáng. Đồng nhân lo lắng, bèn lập ra hội Phật Giáo đông đảo, lắm phen khẩn cầu chánh phủ che chở. Vì thế, vào năm Dân Quốc thứ 4 (1915), chánh phủ bèn ban bố chánh sách quản lý tự miếu gồm ba mươi mốt điều lệ. Ý ấy tuy tốt lành, nhưng do chưa xét soi kỹ càng nên người thi hành vẫn chen lẫn đôi chút lòng riêng tư, khiến cho mối tệ nẩy sanh, tạo thành trở ngại lớn. Phàm những hàng Tăng – tục trong pháp môn không ai chẳng lo ngại hậu hoạn, nhiều phen gởi thư bày tỏ ý kiến, khẩn cầu sửa đổi.
Mùa Thu năm Dân Quốc thứ chín (1920), cư sĩ Trình Tuyết Lâu xét kỹ lợi – hại, lại gởi thư ý kiến trình lên Đại Tổng Thống. Đã được chấp thuận, giao cho bộ Nội Vụ bàn bạc. Đầu Xuân năm Dân Quốc thứ 10 (1921), mới bắt đầu tu chánh thành 24 điều. Suy xét, châm chước kỹ càng, có lợi không hại, bèn trình lên Đại Tổng Thống, để ông ta ban sắc lệnh công bố thi hành. Nhưng sắc lệnh của chánh phủ ban bố chẳng thể khiến cho mọi người đều thấy được hết, nên pháp sư Đạo Giai trụ trì chùa Pháp Nguyên ở Bắc Kinh tình hộ giáo sâu nặng, bèn tính gấp rút in ra để lưu thông, ngõ hầu Tăng – tục ở những chốn sơn cùng thủy tận đều được biết, không còn ngờ lo chi nữa! Sư xin tôi viết lời Bạt để góp phần cổ vũ, khuyến khích.
Tôi nói: “Đạo pháp của Như Lai tuy nhờ vào sức ngoại hộ, nhưng nội hộ cũng phải có người thì hộ trì mới có hiệu quả thật sự! Ví như bên ngoài có thành chắc, hào sâu, dù kiên cố không phá được, ắt chẳng thua bại ngay, nhưng nếu chủ soái bên trong hôn mê, ngu muội, chăm sóc dân cai quản lính đều không đúng lối thì sĩ tốt bá tánh đều thành bè lũ phản nghịch. Dầu có thành chắc, hào sâu cũng chẳng ích lợi gì! Nếu như chủ soái sáng suốt, khéo được lòng sĩ tốt nhân dân thì sự cai trị nhân từ thấm khắp, không ai không ca tụng, tiếng tăm lan xa bốn phương, mọi người đều quy phục thì giặc giã, kẻ thù đều như con đỏ, mọi kẻ phản nghịch đều thành lương dân. Khẩn cầu những người cùng một sắc áo hãy phát Bồ Đề tâm, tận lực tu Định Huệ, dùng vô thượng diệu đạo của Như Lai để tự hành dạy người thì ai nấy đều cảm từ ân của Phật, ngưỡng mộ hạnh đẹp của Tăng chúng. Tự nhiên những kẻ không có tín tâm sẽ phát khởi tín tâm, người đã có tín tâm càng tận lực hành Phật đạo, sẽ thấy tàn nhẫn chuyển thành nhân từ, chiến tranh vĩnh viễn chấm dứt, chuyển thói tục tệ bạc thành thuần phong, vận đời thanh bình, hưng thạnh. Như vậy là trên chẳng phụ ý tha thiết hộ trì của quốc gia, dưới chẳng phụ thâm tâm học Phật của chính mình, ân Phật lẫn ân cha mẹ đều kham báo đáp được muôn một vậy. Phàm những ai cùng một sắc áo với tôi, xin hãy gắng sức lên”.