Lời bạt cho bản in lại kinh Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện

Phật và chúng sanh cùng một tâm thể, nhưng sự thọ dụng khác biệt như trời với vực là do vì dụng tâm chẳng đồng mà ra. Phật chỉ nghĩ dùng lòng Vô Duyên Đại Từ, lòng Đồng Thể Đại Bi để độ thoát chúng sanh, trọn không có tâm “ta – người, đây – kia”. Dẫu cho độ tận hết thảy chúng sanh cũng chẳng thấy tướng người độ, kẻ được độ. Vì thế, phước huệ được trọn đủ, được thế gian tôn kính. Chúng sanh chỉ dốc lòng tự tư tự lợi, dẫu thân thiết như cha mẹ anh em còn chẳng thể không có tướng đây – kia, huống chi là người xung quanh, người trong cõi đời ư? Do vậy, cảm lấy nghiệp báo: Hoặc sanh trong nhà bần cùng hạ tiện, hoặc đọa trong tam đồ ác đạo! Dẫu cho tự tu giới thiện Thiền Định được sanh về chỗ vui trong nhân gian hay cõi trời, nhưng do không có tâm đại bi nên chẳng thể khế hợp Bồ Đề được ngay. Do vậy, vừa hết phước báo lại bị đọa lạc, chẳng đáng buồn ư? Như vậy, [nếu] chỉ muốn tạo lợi ích cho người khác thì lại trở thành làm lợi cho chính mình; chỉ muốn tự lợi thì chính là tự hại vậy!

Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh chính là do đức Thích Ca Thế Tôn ta thương xót hết thảy chúng sanh tội khổ trong thế giới này, vì họ nói những chuyện lợi sanh của đức Dược Sư Như Lai trong khi tu nhân cũng như khi đã chứng quả, quả thật là diệu pháp vô thượng để rốt ráo lìa khổ được vui. Nếu chúng sanh phát được tâm đại Bồ Đề từ bi hỷ xả thọ trì kinh này, chú này và danh hiệu vị Phật này thì xét trên mặt hiệu quả còn phá rỗng toang được vô minh, viên thành Phật đạo, huống gì những quả vị khác, những phước lạc khác! Tâm Phật cố nhiên muốn trao toàn thể vô thượng giác đạo cho hết thảy chúng sanh, nhưng trí chúng sanh có kẻ cạn người sâu, chẳng thể không tùy theo lòng ưa thích của họ mà ban thuốc, khiến cho những điều họ mong cầu đều được như nguyện. Phải biết: Kinh Dược Sư, danh hiệu Phật và thần chú của Ngài chính là pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà Phật Thích Ca, Phật Dược Sư đã chứng đắc. Phàm ai chí thành thọ trì chính là dùng sự trang nghiêm của Phật để tự trang nghiêm. Do đó, Ngọc Lâm Thông Tú quốc sư thường trì kinh và danh hiệu vị Phật này, vì kinh này là pháp môn tổng trì của Thiền, Giáo, Luật, Tịnh. Vì thế, người thọ trì hoặc sanh về thế giới Tịnh Lưu Ly, hoặc sanh sang thế giới Cực Lạc. Đến khi phá rỗng suốt phàm tình, viên thành thánh trí thì khế hợp thẳng vào Tịch Quang, Đông lẫn Tây đều mất, nhưng Đông – Tây đều rành rành, tùy nguyện vãng sanh, bèn cùng với Di Đà, Dược Sư về bí tạng. Đây gọi là “hành xứ thậm thâm” của chư Phật.

Thánh Thông đại sư khắc ván lưu thông bản kinh được chép bởi Tâm An hòa thượng, muốn cho người thọ trì phát khởi chánh tín, xin tôi hãy trình bày đại lược, rõ ràng. Lại do bản kinh này do pháp sư Huyền Trang dịch, chỉ nêu con số tám vị Bồ Tát, không nêu rõ tên hiệu, đoạn kinh nói thần chú lại bị thiếu. Tri thức đời sau muốn cho kinh nghĩa hoàn bị, nên y theo Thất Phật Bổn Nguyện Kinh thêm vào đoạn kinh văn nói ra thần chú tổng cộng bốn trăm hai mươi tám chữ, y theo bản kinh số 12 trong kinh Quán Đảnh, thêm vào danh hiệu của tám vị Bồ Tát, vì ba kinh này vốn là một kinh vậy. Phải biết từ xưa, chỉ dùng lá bối để biên chép, rất có thể bị thất lạc, đến nỗi những phần kinh văn được dịch hoàn bị hoặc thiếu sót khác nhau. Hậu nhân thêm vào như vậy quả thật khế hợp tâm Phật sâu xa. Vì thế, những người chú giải kinh đều cùng tôn trọng. Sợ rằng có kẻ đem đối chiếu với nguyên bản trong Đại Tạng sẽ sanh ngờ vực nên bèn ghi lại duyên khởi để mừng cho kinh văn được toàn bích vậy! (Đoạn nói ra thần chú bắt đầu từ câu “Lại này Mạn Thù Thất Lợi!” cho đến câu “sở cầu nguyện mãn cho đến Bồ Đề”)