Lời tựa cho Vạn Niên Bạ của Tam Thánh Đường
Pháp chẳng khởi một mình, đạo do người hoằng. Thắng địa danh lam chỉ nhờ vào người [mà được nổi tiếng]. Có được người thì rừng gai góc biến thành rừng chiên-đàn; không có người thì hang sư tử biến thành ổ chồn hoang. Tam Thánh Đường được sáng lập vào năm Vạn Lịch thứ 30 (1602), khi ấy vị Tăng tên Đại Phương kết am tranh ở đây. Rồi hai thái giám Trương Tùy, Đảng Lễ phụng chỉ đứng trông coi xây Tàng Kinh Các, nhàn hạ đi đến đây, uống nước suối thấy ngọt bèn tìm nguyên do. Biết suối này nhằm lúc khô hạn hết sức cũng không cạn, trong chùa nhằm lúc hạn hán cầu mưa, ắt dùng nước lấy từ con suối này [để cầu mưa] sẽ liền được mưa tràn trề; do vậy bèn đặt tên là Bát Công Đức Tuyền (suối tám công đức). Vì vậy, hai ông bèn bỏ tiền sai dựng điện Tây Phương Tam Thánh, bởi nước tám công đức vốn có trong ao bảy báu của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đến thời Khang Hy nhà Thanh, vị tăng tên Hải An trùng tu. Về sau, lâu năm, hư nát. Đầu đời Hàm Phong, do Ân Đường Hiển Pháp Công tiềm tu tại đây, chùa đổi tên là Như Ý Am, vẫn chỉ là mấy gian nhà nhỏ mà thôi! Đầu đời Quang Tự, đồ tôn đời thứ tư [của Hiển Pháp Công] là Hoa Đức Công quyên mộ những vị trong ấp như các ông Hồng X… dựng điện Tam Thánh, đổi lại tên cũ. Từ đấy về sau, thế đạo thái bình, lại thêm đường thuyền, đường sắt đều thông, hương hỏa của Bồ Tát này càng thạnh vượng. Chuyện trong am đã gần như đâu vào đấy, Hoa Đức Công muốn lắng lòng chuyên tu Tịnh nghiệp, đem việc am giao cho đồ đệ là sư Trưởng Đính, lại sai cháu là sư Chân Đạt phụ giúp, chùa bèn được xây dựng rộng lớn. Đến khi thầy Trưởng Đính qua đời, thầy Chân Đạt lại càng chẳng tiếc tâm lực, những gì cần sửa bèn sửa, những gì nên dựng bèn dựng, chùa trở thành một ngôi già-lam đẹp đẽ lớn lao. Về sau, nhọc nhằn đã lâu, ý muốn tịnh dưỡng, bèn giao cho thầy Minh Giáo trông coi mấy năm.
Năm nay, thầy Minh Giáo lại xin thôi, thầy Chân Đạt nhân đó nghĩ đời người tuổi thọ được mấy, am này đã qua mấy đời Trụ Trì, do tâm lực mấy mươi năm mới được điện vũ nguy nga, liêu xá rộng rãi, Tăng chúng trong am được thanh tu, khách đến dâng hương có chỗ ở nhờ. Đương trong lúc này, chẳng đem quy củ khóa trình trong am cũng như kinh tượng trang nghiêm, pháp khí, đồ đạc viết hết vào sách để lại cho mai sau thì e rằng năm lâu tháng chầy, người đời sau chẳng biết, rất có thể phế bỏ quy củ, đồ vật thất lạc, khiến cho một phen khổ tâm tạo lập đạo tràng của tiền nhân đổ ra biển hết, toàn là khiến cho hậu nhân ở yên nơi đây ăn luống của tín thí, chẳng tu đạo nghiệp, há chẳng gây hận cho tiền nhân ư? Vì đó, viên thông đạo tràng bị tước mất sắc vẻ, Phổ Môn Đại Sĩ đành phải ngậm buồn nơi cõi Thường Tịch Quang! Do vậy, sai Quang lược thuật duyên khởi của am này, phàm mọi thứ quy củ, đồ đạc v.v… đều nhất nhất ghi cặn kẽ ngõ hầu người đời sau có cái để tuân thủ vậy.