Lời tựa trình bày duyên khởi cho hội Thí Quan Tài Thể Nhân ở Phổ Đà

Câu “vùi xương chôn thây” xuất phát từ thiên sách Nguyệt Lệnh[1]. “Ân trạch thấm đến xương khô” là câu văn nói về việc thi ân của vua Châu, huống chi Phật pháp là đạo cứu giúp cả thân lẫn tâm, kẻ còn người mất đều giúp đỡ [lại chẳng như vậy] ư? Phổ Đà là đạo tràng của Quán Âm Đại Sĩ, bao triều đại đều khâm kính, khắp thế gian tôn sùng. Do vậy, có được ba ngôi chùa[2] như thế chân vạc, các am cùng khắp; trong nước, ngoài nước triều yết thật là đông đảo! Phàm là thợ cả, người sai vặt, người bán rong, kẻ bán sức thường quá ngàn người. Nếu đến kỳ dâng hương, con số ấy còn gấp bội. Vì thế, các vị trưởng lão trong núi thể theo lòng từ của Phật, mở ra y viện để chữa trị cho hết thảy những người mắc bệnh, hoặc là những người bán rong, bán sức bị chết bất thình lình, không có quan tài thật khó thể an ủi vong linh, mở rộng sự hóa độ từ bi. Huống chi thường có những tử thi từ biển giạt vào, cũng như những người khổ hạnh từ phương xa đến dâng hương bị chết bất ngờ, cần phải tẫn liệm ngay. Nếu không sẽ bị rữa nát, đối với chuyện giúp đỡ người chết lẫn vấn đề vệ sinh đều đáng phàn nàn.

Chân Đạt đại sư liền phát tâm thí quan tài. Lại nghĩ: Nếu chẳng lập cách, về sau sẽ khó thể duy trì lâu dài được! Năm Dân Quốc thứ năm (1916), các ông Dương Thúc Anh, Chúc Lan Phưởng, Viên Tổ Hoài, Tào Chấn Thanh v.v… lên núi, nhân đó bàn về chuyện này. Các ông cùng bỏ ra hai ngàn đồng, Chân Đạt đại sư tự bỏ ra bốn ngàn đồng. Năm ngoái lại cùng các thầy Liễu Tín chùa Phổ Tế, Đạt Viên chùa Pháp Vũ, Liên Hy chùa Hải Ngạn, Quảng Đức chùa Tử Trúc, Nguyện Lai chùa Hồng Phiệt, Giới Như chùa Hồng Phiệt, Oánh Chiếu chùa Báo Bổn, Thanh Phước chùa Hạc Minh, Khôn Sơn chùa Phổ Tuệ, Cực Đắc chùa Bách Tử và hai vị cư sĩ Lưu Ký Đình, Trương Tông Phú cùng nhau thương lượng bàn bạc biện pháp. Do đấy, lập ra một hội, đặt tên là Thể Nhân, nhằm kính cẩn thể theo lòng Từ của Phật, nhân từ cứu giúp vong linh, khiến cho người mất chẳng bị nỗi thảm phơi bày thi thể, Tăng chúng trong núi không bị cười chê là thiếu lòng Từ. Mỗi vị đều bỏ ra một trăm đồng, cùng với món tiền đã quyên được bên trên, tổng cộng là bảy ngàn hai trăm đồng dùng mua hằng sản, mời người [soạn văn] bày tỏ, lập bia. Riêng thỉnh các vị sư trong hội tại núi này luân lưu trông nom, dùng tô lợi thâu thập hằng năm chi dụng hết vào việc thí quan tài, ngõ hầu được truyền mãi không bị bỏ phế. Như thế thì sau này những người bần cùng mất đi đều được phước mà viên thông đạo tràng cũng được vinh lây. Phàm những người bỏ vốn và trông nom coi sóc đều được tiêu trừ túc nghiệp, tăng trưởng thiện căn. Hiện đời phước lẫn thọ cùng vượng, làm gương mẫu cho đời, lâm chung thì thân lẫn tâm đều diệu, dự vào cõi nước Phật. Muốn cho hậu nhân biết rõ nên thuật lại duyên khởi, ngõ hầu ức vạn năm sau, bố thí mãi mãi hầu đền đáp tâm cứu độ chúng sanh của Đại Sĩ, mà cũng chẳng phụ một phen tận tâm hộ giáo, giúp đỡ người mất của các vị đại sư, các vị cư sĩ vậy.

***

[1] Nguyệt Lệnh là một thiên sách của bộ Lễ Ký, tức sách ghi chép các chánh lệnh trong mười hai tháng của chính quyền Trung Hoa thời cổ về quy cách tế tự, những lệnh cấm, những khuyến cáo, chức vụ của những người thực hiện các lệnh ấy.

[2] Ba ngôi chùa lớn ở Phổ Đà Sơn là Pháp Vũ, Phổ Tế và Huệ Tế.