Lời tựa giảo chánh khắc in lại sách Tùy Tự Ý Tam Muội
Phật pháp rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không. Muốn tu tập nhưng chẳng nắm được chỗ trọng yếu, ắt đến nỗi dõi nhìn biển rộng thở than, sanh ý tưởng lui sụt. Nếu đạt được chỗ trọng yếu, dù có vô lượng pháp môn, vô biên hành tướng, nhưng một khi đã nắm được thì càng rộng càng thấy gọn, càng phức tạp càng thấy giản dị. Tuy Lý tánh rộng lớn cao sâu như trời, như đất, như núi, như biển, nhưng phàm phu sát đất vẫn có thể tiến trên đạo này. Nhờ pháp này bèn đoạn Phiền Hoặc, chứng tam-muội, trọn vẹn phước huệ để chứng Tứ Đức, tiến thẳng đến Quả Giác, thành Vô Thượng Đạo, huống gì thánh nhân đã đạt những địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa ư! Chỗ trọng yếu ấy như thế nào? Chính là “thật thể, thật tánh của hết thảy các pháp: Căn, Trần, Thức v.v… đều là không, vô sở hữu”. Hiểu rõ điều này thì bốn tướng vốn là không, tam luân thể không[1]. Vạn pháp sâm la, nhất đạo thanh tịnh. Phàm phu do mê nên pháp gì, chuyện gì cũng đều thành chướng ngại, đối với Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại đều khởi phiền hoặc, tạo nghiệp sanh tử. Thánh nhân do ngộ nên pháp gì, chuyện gì cũng là Chân Như; đối với Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại đều chứng viên thông, thành đạo Bồ Đề. Mê – ngộ tuy khác, tánh vốn không hai; tánh tuy không hai nhưng khổ – vui thật khác.
Nam Nhạc đại sư[2] thương xót bèn soạn sách Tùy Tự Ý Tam Muội. Trong sáu oai nghi đi – đứng – nằm – ngồi – ăn uống – nói năng, chỗ nào cũng chỉ bày Thật Tướng các pháp. Có nghĩa là: tánh của Căn – Trần – Thức là không, vô sở hữu và tam luân thể không, tứ tướng[3] chẳng hề có được v.v… khiến cho con người đối với một cơ, một cảnh đều tự thấy được Thật Tướng, đều hiểu rõ tự tâm. Đâu đâu cũng chỉ dạy diệu hạnh thù thắng sáu Ba La Mật, khiến cho con người trong mỗi một động tịnh đều có thể thượng cầu hạ hóa, tự lợi, lợi tha. Những chỉ dạy ấy và Ấm, Nhập, Giới, Đại trong kinh Lăng Nghiêm đều là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh, những chuyện như ngôn ngữ, cư xử trong đời, nghề nghiệp mưu sinh… trong kinh Pháp Hoa đều thuận theo chánh pháp, đều chẳng trái nghịch Thật Tướng, những nghĩa lý “chẳng trụ vào đâu để sanh tâm, chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành bố thí, độ thoát hết thảy chúng sanh, nhưng chẳng thấy kẻ độ, người được độ” trong kinh Kim Cang thảy đều phù hợp khít khao! Đấy chính là đem pháp chính mình đã ngộ đã chứng giãi bày triệt để, phơi trọn hết ra, thí cho khắp hậu thế để mong ai nương theo pháp này mà tu sẽ cùng ngộ cùng chứng đó thôi!
Hơn nữa, Sơ Phát Tâm Bồ Tát được nói trong sách này vốn có hai nghĩa: Một là hàng phàm phu sát đất phát đại tâm; hai là hạng Sơ Phát Tâm Trụ trong Viên Giáo, vừa phá vô minh, thấy được Pháp Tánh. Pháp Tánh chính là tánh của Căn, Trần, Thức là không, vô sở hữu v.v… như vừa mới nói. Nơi địa vị phàm phu muốn hướng đến Phật quả thì trước hết phải ngộ được lý này rồi mới hòng thật chứng. Nếu không, dù có tu trì vẫn thuộc vào hữu lậu, chẳng thành Bồ Đề. Như sách chép: “Trong một niệm, ở trước khắp chư Phật mười phương cúng dường rộng khắp, nhận pháp hóa của Phật; ở trước khắp chúng sanh trong mười phương, tùy loại hiện thân, ứng cơ thuyết pháp, khiến cho khắp ba căn đều được lợi ích” thì chuyện này chỉ có hàng Bồ Tát Sơ Trụ trong Viên Giáo mới có thể làm được. Nếu chẳng biết lý này và sự tu này thông với phàm phu, ắt sẽ mắc lỗi “tuy đề cao thánh cảnh nhưng chính mình lại ở trong địa vị phàm phu”. Nếu không biết hàng Sơ Trụ mới đạt được đại thể đại dụng, ắt sẽ mắc tội khiên “chưa đắc nói là đắc, đem phàm lạm thánh”. Hiểu rõ điều này thì trên kính mộ chư thánh, dưới trọng tánh linh của chính mình. Đã không bị lỗi “đành lòng yên phận phàm ngu”, lại còn chẳng mắc tội lạm thánh, sẽ tiến thẳng trên đường giác, mau đạt đến bảo sở như đưa bằng khoán lấy lại vật cũ, nào có khó khăn gì! Do vậy, [tác phẩm này được] lưu thông khắp trong nước, ngoài nước. Tiếp theo là những nhân duyên được – mất đã được nói đầy đủ trong phần Tự và Bạt của lần in đầu tiên, nên ở đây không nhắc lại nữa.
Ông Từ Úy Như là bậc thế gia ở Chiết Tây, cả mười đời thờ Phật. Từ lúc thơ ấu đã được dạy dỗ chu đáo, lại kiêm học Phật thừa. Gần đây, việc công rảnh rỗi, đọc khắp các nội điển, tìm được bản sách này lưu truyền ở Nhật Bản, lắng lòng nghiên cứu, thấy bị sai ngoa quá nhiều. Do vậy, đem đối chiếu với Đại Tạng Nhật Bản, sửa đúng được mấy mươi chỗ rồi cho khắc ván hòng lợi lạc rộng khắp. Vì coi Lượng[4] tôi là người cùng chí hướng, bèn gởi tặng mấy bản. Do vậy, tôi thắp hương, cung kính đọc. Thấy văn lẫn nghĩa có nhiều chỗ chẳng ổn, như mây che lấp trăng, chẳng thấy được chân tướng. Trộm nghĩ: Sách này lưu truyền đến nay đã hơn một ngàn ba trăm năm, sao không khỏi sai ngoa? Do vậy, bèn dựa theo văn, căn cứ theo nghĩa, bỏ bớt việc để sửa chữa, thật giống như mây tan, trăng hiện, quang minh lẫn thể chất cùng tỏ bày, văn lẫn lý đều thông suốt, khiến tâm mắt người ta đều vui thích. Đem bản này gởi cho ông Từ, được ông thiết tha tán thành, chấp thuận, lập tức khắc in lại ngay.
Ông lại bảo tôi viết lời tựa để thuật duyên khởi. Lượng tôi tuy thô lậu, nhưng vì nghĩa chẳng thể từ tạ được. Phải biết lần khắc in này, tuy sửa chữa nhiều, nhưng thật ra không thay đổi gì. Chẳng qua chỉ là sửa cho đúng những chỗ sao chép bị sai lạc, ngõ hòng khôi phục bản lai diện mục cho trước tác của ngài Nam Nhạc mà thôi. Trong đời có người bệnh, thầy thuốc chẩn mạch còn biết được tạng phủ là hư hay thực, huống chi tác phẩm này văn nghĩa hiển lộ, có thể lấy làm chỗ căn cứ được, há chẳng thể biết được chỗ bị chép sót, sai lầm hay sao? Bậc đại phương gia ắt chẳng cho là Lượng tôi sửa chữa không cẩn thận mà quở trách sâu xa vậy!
***
[1] Lúc bố thí thấy người bố thí, người nhận, vật dùng để bố thí cả ba thứ vốn đều không.
[2] Nam Nhạc Huệ Tư (515-577) là cao tăng thời Nam Bắc Triều, người xứ Vũ Tân (nay thuộc tỉnh Hà Nam), thường được người đời gọi là Nam Nhạc tôn giả, hay Tư Đại Hòa Thượng. Ngài là vị tổ sư đời thứ hai của tông Thiên Thai (có thuyết nói là tam tổ). Ham thích Phật pháp từ nhỏ, rất quý mến kinh Pháp Hoa, từng mang kinh vào nghĩa trang đọc tụng. Ngài đọc kinh, nhỏ lệ ròng ròng. Trong mộng thấy Phổ Hiền Bồ Tát đến xoa đầu. Do vậy, đỉnh đầu nổi lên nhục kế. Sau khi xuất gia Ngài đến tham yết Huệ Văn thiền sư ở Hà Nam, được truyền pháp quán tâm. Có lần do than thở bản thân đã để luống uổng thời gian vẫn chưa chứng ngộ, mệt mỏi dựa mình vào vách, bèn hoát nhiên đại ngộ. Ngài là người đề xướng quan điểm Phật pháp đã bước vào thời kỳ suy vi, cần xác lập tín ngưỡng Tịnh Độ Di Đà và Tịnh Độ Di Lặc. Tuy chú trọng hành Thiền thực tiễn, Sư vẫn quan tâm nghiên cứu nghĩa lý. Năm 554, Sư đến Quang Châu, đi khắp nơi thuyết pháp suốt mười bốn năm. Ngài được ngưỡng vọng cũng lắm, mà bị kẻ đố kỵ phỉ báng cũng nhiều. Tại núi Đại Tô ở phía Nam tỉnh Hà Nam, Sư truyền pháp cho sư Trí Khải là học trò kiệt xuất nhất trong các môn đệ. Năm 568, Sư vào vùng Hành Sơn (Nam Nhạc) tỉnh Hồ Nam, ở lại đó suốt 10 năm thuyết pháp, nên được người đời gọi là Nam Nhạc tôn giả. Sau Tuyên Đế lễ thỉnh Sư hỏi đạo, gọi ngài là Đại Thiền Sư. Năm Thái Bình thứ chín, Sư nghiễm nhiên tọa hóa, thọ sáu mươi ba tuổi. Những trước tác của Ngài đa phần là do môn đồ ghi chép lại, nổi tiếng nhất là các bộ Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Phẩm Nghĩa, Chư Pháp Vô Tranh Tam Muội Pháp Môn, Đại Thừa Chỉ Quán Pháp Môn, Tứ Thập Nhị Tự Môn, Thọ Bồ Tát Giới Nghi.
[3] Tứ tướng là tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
[4] Tổ Ấn Quang pháp húy là Thánh Lượng.