Lời tựa bản thạch ấn Phổ Đà Sơn Chí

Quán Thế Âm Bồ Tát từ vô lượng kiếp trước thành Phật đạo đã lâu, hiệu là Chánh Pháp Minh, nhưng do ý niệm độ sanh khẩn thiết, tâm cứu khổ ân cần, chẳng lìa Tịch Quang, hiện hình trong sáu nẻo. Trong các cõi Phật nhiều như vi trần ở khắp mười phương, hiện đủ mọi sắc thân độ thoát chúng sanh, chứ nào phải chỉ hiện thân Bồ Tát. Còn Nhị Thừa, lục đạo, không đâu chẳng hiện thân. Kinh Pháp Hoa nói: “Nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy thuyết pháp”. Tuy vào khắp các cõi Phật mười phương, nhưng Ngài có nhân duyên rất sâu với cõi Sa Bà. Tuy hiện thân khắp mười pháp giới, nhưng căn cứ trên sự ứng tích, thế nhân chỉ nói Ngài là Bồ Tát mà thôi. Do Ngài chứng triệt để duy tâm, phô bày trọn vẹn tự tánh nên vận dụng lòng Bi đồng thể, khởi lòng Từ vô duyên. Do Bổn cao, Thể đại nên Tích quảng, Dụng rộng[1]. Tùy loại, tùy hình, theo tiếng cứu khổ. Thị hiện có cảm liền ứng, không nguyện nào chẳng thuận theo, như mặt trăng vằng vặc giữa trời, hiện bóng trong mọi nơi có nước. Không chỉ sông, hồ, rạch, biển đều hiện bóng toàn vẹn, dù chỉ một chước[2], một giọt, không đâu chẳng đều hiện bóng vẹn toàn.

Lại nữa, bóng trăng hiện trong sông, hồ, rạch, biển, một người nhìn vào thì mặt trăng ấy đối trước người đó; trăm ngàn vạn người ở trăm ngàn vạn nơi nhìn vào thì mỗi một người đều thấy trăng đối trước chính mình. Nếu người ấy đi sang Đông, trăng cũng theo sang Đông; nếu đi sang Tây, trăng cũng theo sang Tây. Nếu người ấy ngồi yên chẳng động, trăng cũng chẳng lìa nơi ấy. Từ một người cho đến trăm ngàn vạn người đều như vậy. Trong một niệm, nếu khắp pháp giới cảm, Bồ Tát bèn ứng khắp pháp giới. Cảm ứng đạo giao, không sai khác chút nào! Giống như mặt trăng hiện bóng trong các chỗ có nước, người nào, nơi nào cũng đều thấy trọn vẹn bóng trăng, trọn chẳng sai khác gì! Ấy là do Bồ Tát tâm gồm trọn thái hư, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát. Do lấy tâm chúng sanh làm tâm, do lấy cảnh của chúng sanh làm cảnh, nên chẳng nghĩ tưởng mà hợp, vô duyên bèn ứng. Há thế trí phàm tình hòng tính lường được nổi ư?

Còn nếu như nước đục, mắt lòa, thì trăng chẳng thể hiện, phải đâu trăng không hiện, mà là do lỗi của nước đục, mắt lòa ấy chứ! Xét cảm ứng trên mặt Tích, thì có hiển cảm hiển ứng, minh cảm minh ứng (cảm ngầm, ứng ngầm), minh cảm hiển ứng, hiển cảm minh ứng, vừa hiển vừa ngầm cảm mà lại hiển ứng, vừa ngầm vừa hiển cảm mà lại ngầm ứng… sai khác (“Hiển cảm hiển ứng” là ngay trong đời này dốc lòng thành, cạn lòng kính lễ niệm cúng dường thì sẽ được gia bị, gặp điều hung trở thành điều lành, gặp nạn thành may, và nghiệp tiêu chướng tận, phước tăng, huệ rạng v.v… “Minh cảm minh ứng” là trong đời quá khứ từng tu những hạnh cạn lòng thành, tận lòng kính lễ niệm, đời này tuy chưa tu tập, nhưng do túc nghiệp thiện căn, được Ngài gia bị mà không hay không biết, họa diệt, phước đến, nghiệp tiêu chướng tận v.v… “Minh cảm hiển ứng” là đời trước từng gieo thiện căn, đời này được gia bị. “Hiển cảm minh ứng” là đời này dốc lòng thành, kiệt lòng kính lễ niệm, chẳng thấy được gia bị, âm thầm được từ lực gia bị khiến hung lui, cát (tốt lành) đến, nghiệp tiêu chướng tận v.v… “Vừa hiển vừa ngầm ứng mà được hiển cảm” là đời trước đã từng gieo thiện căn, đời này dốc cạn lòng thành lễ niệm, được gia bị rõ ràng, chuyển họa thành phước v.v… “Vừa ngầm vừa hiển cảm mà được ngầm ứng” là đời trước từng gieo thiện căn, đời này dốc lòng thành lễ niệm, âm thầm được từ lực gia hộ, đạt được các thứ lợi ích. Hiểu rõ điều này sẽ biết công chẳng hư uổng, quả không lãng phí. Dẫu cho trọn đời chẳng thấy dấu hiệu gì được gia bị, cũng chẳng đến nỗi sanh tâm oán vọng, bỏ cuộc giữa đường. Đạo cảm ứng vi diệu khó thể nghĩ suy, tạm ghi đại lược để khơi gợi cho người sáng suốt trong mai sau).

Sự ứng hiện ấy lớn – nhỏ, hơn – kém là do lòng thành đã đến mức cùng cực hay chưa mà thôi! Dẫu cho tâm không thể tin chắc, chưa chí thành đến cùng cực, nhưng nếu có thể nhất niệm dốc lòng thành ắt cũng được lợi ích. Tùy theo một niệm chí thành của mình mà chia ra hơn – kém tuy lợi ích chẳng thể siêu tuyệt như người dốc cạn lòng thành, tận hết lòng kính. Giống như trăng vẫn hiện bóng trong nước đục, nhưng lờ mờ không rõ. Người mù tuy chẳng thể đích thân thấy được ánh trăng, nhưng có khi nào chẳng được ánh trăng chiếu đến? Bồ Tát đại từ đại bi, làm chỗ nương tựa cho các chúng sanh trong khắp pháp giới. Do vậy, nhân dân cả nước ai nấy đều tín phụng, vì thế mới thường nói “nhà nhà Quán Thế Âm”.

Đạo tràng ứng hóa của Ngài cố nhiên không phải chỉ một chỗ. Như Nam Ngũ Đài Sơn, Đại Hương Sơn ở Thiểm Tây, Thiên Trúc Sơn ở Chiết Giang v.v… là những nơi cảm ứng rõ ràng, hương đèn nhộn nhịp, nhưng chỉ có Nam Hải Phổ Đà Sơn thật là bậc nhất do tên chỗ này được ghi trong kinh Hoa Nghiêm, năm xưa Thiện Tài đích thân tham học [tại đây]. Ân trọn khắp mọi loài, hoàng đế các đời sắc kiến, nên được cả cõi đời sùng kính, các nước ngưỡng mộ. Tưởng nghĩ Bồ Tát ứng hóa cho hàng căn cơ Đại Thừa trong tam thừa thiên tiên, nên trải bao kiếp thường trụ nơi núi này, chứ nào phải chỉ dài lâu như trời như đất. Nhưng về phía thị hiện ứng tích cho phàm phu thì trong năm Trinh Minh thứ hai (916) nhà Châu Lương[3] thời Ngũ Đại, Huệ Ngạc đại sư thỉnh tượng Quán Âm bằng đồng từ núi Ngũ Đài muốn đưa về Nhật Bản. Đi đến đây, thuyền bị ách lại không đi được nữa, mới bèn khai sơn. Đến nay đã hơn một ngàn năm, sự tích, thi văn được biên soạn thành tập với tựa đề là Phổ Đà Sơn Chí. Tôi thường hay bệnh nên đối với những sự – lý cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát thật khó phát huy. Tính đọc khắp Đại Tạng, xem trọn các sách, phàm những sự tích Bồ Tát tùy cơ ứng theo lòng cảm đều ghi chép đầy đủ, khắc bản lưu thông, một là để xiển dương đạo mầu độ sanh của Bồ Tát, hai là khải phát duyên lành thoát khổ cho chúng sanh; nhưng do bệnh mắt chưa lành, chưa thể như nguyện.

Cư sĩ Hà Liêm Thần ở Cối Kê, thấu hiểu tâm tủy đạo Nho, y thuật được xưng là quốc thủ[4], chí hạnh cao khiết, tín tâm thuần chân, từng kêu gọi đồng nhân lập Tang Du Xã[5], với ý nghĩa cảnh chiều tà không còn nhiều, nghĩ cách quay về, đồng tu Tịnh nghiệp, cầu sanh An Dưỡng. Lại do hết thảy chúng sanh đắm chìm trong biển khổ đã lâu, chẳng nương vào pháp lực không cách nào vượt ra được, tính đem những sự tích ứng hóa của Bồ Tát làm thuyền cứu mạng, thả trong biển khổ, vung tay kêu gấp để dẫn dắt những kẻ chìm đắm lên thuyền, ngõ hầu cùng lên được bờ kia, về thẳng quê nhà, vĩnh viễn lìa khỏi các khổ, chỉ hưởng những sự vui. Do vậy, bèn cho in thạch bản cuốn Phổ Đà Sơn Chí để rộng lưu truyền hòng đền ân Đại Sĩ độ sanh, tạo nẻo cho chúng sanh gieo lòng thành. Ông bảo tôi viết lời tựa, khôn ngăn hoan hỷ, quên phứt mình kém hèn, liền đem những chuyện cảm ứng mầu nhiệm của Bồ Tát phát huy đại lược. Những sự tích khác, cố nhiên đã chép trọn vẹn trong sách, cần gì phải dài dòng nữa!

***

[1] Bổn – Tích: Có thể tạm hiểu Bổn là quả vị chứng đắc thật sự, còn Tích là sự thị hiện. Thể là bản chất, còn Dụng là tác dụng, hoặc Thể là bản tánh, là thật quả, còn Dụng là tác dụng hóa độ, tùy cơ hiện tướng ứng hóa.

[2] Chước là đơn vị đo lường dung tích rất nhỏ.

[3] Nhà Lương thời Ngũ Đại do Châu Ôn sáng lập nên sử gọi là Châu Lương để phân biệt với nhà Tiền Lương của Lương Võ Đế (Tiêu Diễn) thuộc thời Nam Bắc Triều.

[4] Ý nói tài chữa bệnh rất giỏi. Khi xưa, những người giỏi về một tài nghệ nào thường được gọi là quốc thủ, chẳng hạn người đánh cờ vây giỏi cũng được xưng là “vi kỳ quốc thủ”.

[5] Dựa theo ý câu thơ cổ: “Nhật lạc tang du” (mặt trời lặn bên nương dâu) diễn tả cảnh chiều tà. Sau này thơ văn thường dùng chữ “nương dâu” để chỉ tuổi già.