Thư trả lời cư sĩ Tống Huệ Trạm
(năm Dân Quốc 27 – 1938. Hoằng Hóa Xã tăng giá sách ba phần, đây là so sánh giá sách của năm 27 với năm 26 mà nói. Đến mùa Thu năm Dân Quốc 28 – 1939 trở đi, lại tăng giá gấp đôi, nhưng vẫn chưa tái bản sách được)
Quang thật bội phục tâm nguyện của ông, nhưng Quang chẳng nghĩ cách hành động của ông là đúng. Trong lúc đại kiếp này, chỉ chú trọng khuyên người niệm Phật và niệm Quán Âm, cần gì phải có cho nhiều thứ sách khiến cho người đọc hoang mang, không biết quay về đâu! Huống chi chiến sự vẫn ngày càng thêm dữ dội, há có bảo đảm được sau này không có chuyện gì phải trốn tránh nữa hay chăng? Chuyện của Hoằng Hóa Xã là vì nhân dân hiện thời khốn khổ gian nan, những người giúp đỡ tiền in trước kia hoặc phải lánh đi xa, hoặc đã nghèo cùng, Quang vừa già vừa lòa mắt, chẳng hỏi đến được, [Hoằng Hóa Xã] do thầy Đức Sâm đảm nhiệm. Quang bảo thu hẹp phạm vi [hoạt động] lại, chỉ tuân theo biện pháp lưu thông theo giá vốn. Hiện thời giấy mắc thêm gấp ba, hễ thư gởi xuông liền không trả lời, thư có kèm theo tiền thỉnh sách bèn chiếu theo khoản tiền ấy giao sách, ắt chẳng đến nỗi khó nghĩ cho đôi bên! Ông chỉ biết đến biện pháp làm ra vẻ kẻ cả, ắt sẽ tốn tiền nhiều, nhưng thâu được hiệu quả ít ỏi. Nếu chuyên đề xướng niệm Phật thì hãy chuẩn bị đại lược các kinh sách Tịnh Độ để cực lực đề xướng sẽ ít tốn kém mà hiệu quả lại lớn.
Hơn nữa, đề xướng cần phải có nơi chốn, tu trì vẫn nên ai [tu] trong nhà nấy, cốt sao chẳng lỡ việc mà cũng chẳng tốn sức, [đấy mới] thật là một biện pháp hữu ích nhất. Bộ Văn Sao của Quang kể từ năm Dân Quốc 15 (1926), Trung Hoa Thư Cục ấn hành hoàn chỉnh bộ Tăng Quảng Văn Sao xong, bất luận bản nháp nào cũng đều không giữ lại, nhưng vì thầy Minh Đạo tự lén sai người sao chép lại rất nhiều, rồi sau đó Đương Gia chùa Linh Nham là thầy Diệu Chân sai người chép lại cho rõ ràng, cho sắp chữ, Quang mới biết, bèn giảo duyệt từng bài một. Sắp chữ xong, riêng phần thư tín cũng dày tới một cuốn, những bài văn khác như Tự, Ký v.v… cũng được một cuốn dày. Hai cuốn sách lần này, số trang bằng khoảng ba phần năm bộ Văn Sao bốn cuốn [đã in] lần trước. Cách sắp xếp căn cứ theo y như bộ Văn Sao đã in lần trước. Ông không cần phải băn khoăn, nếu là những lá thư bình thường, phần nhiều sẽ đâm ra chuốc lấy sự chán ghét của người khác; nếu là lá thư thật sự hữu ích, có thể sao ra gởi sang chùa Thái Bình ở đường Bắc Thành Đô, Thượng Hải, giao cho pháp sư Đức Sâm. Sau này thỉnh kinh sách cũng nên tiếp xúc với thầy ấy.
Ông nên buông bỏ biện pháp lớn lao, chỉ nên tu trì thiết thực, lấy thân làm gương, sốt sắng đề xướng, [dùng lòng] chí thành cảm người, người ta sẽ vui vẻ thuận theo. Quan giám ngục Cử Huyện là Lý Bỉnh Nam đề xướng chưa đầy hai ba năm, người quy y tại Cử Huyện đã hơn một trăm người, đều là những nam tử trong giới sĩ, nông, công, thương, hay chánh trị gia. Ông muốn Quang đại diện đề xướng quyên góp, ông chẳng biết Quang chưa hề mở miệng kêu gọi chuyện ấy. Hễ có ai tặng tiền cho Quang, liền dùng tiền ấy làm công đức: Hoặc tặng kinh sách, hoặc cứu trợ tai nạn hay giúp kẻ nghèo khó. Nếu có kẻ chuộng thể diện đưa sổ vàng quyên góp bảo Quang đứng ra quyên mộ, Quang cũng gởi trả lại sổ vàng, chỉ tùy sức tôi giúp được bao nhiêu thì giúp, cũng chẳng viết tên vào sổ vàng ấy, lại còn nói rõ nguyên do: Khi Quang xuất gia liền phát nguyện chẳng làm chủ nhân chùa miếu, chẳng thế độ đồ đệ, chẳng mộ duyên. Nay đã bảy mươi tám tuổi rồi, luôn giữ được như vậy. Sau hai ngày nữa là tròn bảy mươi chín tuổi rồi, trong sáng tối sẽ chết, cớ gì lại trái nghịch lòng ngay thực ban đầu? Đại họa lần này xưa nay chưa hề nghe đến, quả thật là do họ Châu, họ Trình bài xích nhân quả ươm thành. Pháp thế gian hay xuất thế gian đều dùng nhân quả để duy trì, họ bảo “thật ra chẳng hề có chuyện ấy”, nên khiến cho những kẻ tâm tàn độc nhất càng thêm rất độc. Thật vậy, quân tử chẳng thốt ra những lời nói chơi!