Thư trả lời cư sĩ Trương Giác Minh (hai lá thư)

(ngày 30 Tết năm Mậu Dần, đính kèm nguyên thư)

Sư tôn từ bi soi xét, con chẳng được nghe lời giáo huấn từ bi đã hơn một năm rồi. Nỗi niềm mong ngóng ngày càng chất chứa. Tháng Mười mùa Đông năm ngoái đệ tử tỵ loạn tại núi Mạc Can, được đại thiện sĩ che chở, bình an không bịnh tật. Trên núi hoàn cảnh thanh tịnh, niệm Phật rất đắc lực. Bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, nhắm mắt, mở mắt, đều có thể tưởng thấy từ dung của Tam Thánh. Tháng trước do thổ phỉ rình rập nên chẳng thể không xuống núi sang đất Hàng, ở tạm nhà người bạn. Muốn trở về nhà thì giao thông tắc nghẽn. Muốn đến đất Thân (Thượng Hải) thì tiền tiêu dùng chẳng đủ. Lẩn quẩn trong ngõ rẽ, không biết theo ngõ nào. Mùa Đông năm ngoái, ông Dượng cũng lên núi, tháng Ba mùa Xuân năm nay đã sang đất Thân, ở nhà con rể, mọi chuyện bình yên, tốt đẹp, rất yên dạ. Đệ tử ở đây, tuy cũng xếp đặt tịnh thất, khóa tụng sáng tối, nhưng do hoàn cảnh trần tục, con cái nặng nề, lúc niệm Phật chẳng khỏi có tạp niệm!

Chỉ có mấy chuyện đáng kể, có người bạn trong cảnh hoạn nạn là ông Hà, vốn là sinh viên du học ở ngoại quốc, sùng tín khoa học vạn năng. Năm ngoái, do bị bệnh mù mắt, khoa học chẳng thể trị được. Đệ tử khuyên ông ta nên tin Phật niệm Phật, và dùng bài thuốc rửa mắt của sư tôn đã ấn tống để điều trị, đã thấy được một tia ánh nắng. Vì thế, gần đây ông ta yêu cầu đệ tử mỗi ngày giảng giải kinh A Di Đà. Lại có một con hồng tước do ông Hà nuôi, nó nói được, cười được. Dạy nó niệm Phật thì thoạt đầu mười phần rất chán ngán, nó không nói “không biết” thì cũng nói “cái gì?” Thấy đệ tử lễ Phật nó liền cười điên cuồng không ngừng. Đệ tử vẫn nhẫn nại, mỗi ngày dạy nó bốn chữ chân ngôn, nay đã chịu niệm rồi. Có lúc nó niệm “A Di Đà Phật” bốn chữ, có khi niệm “A Di Đà Phật A Di Đà” bảy chữ, nhưng không chịu niệm nhiều.

Thêm nữa, đệ tử có hai đứa tớ gái cùng lên núi tỵ nạn, đều bị bệnh nặng. Đệ tử và con cái đích thân chăm sóc thuốc men, chăm nom ăn uống. Sau khi chúng nó lành bệnh đều cảm ngộ, ăn chay trường, tin Phật, niệm Phật. Mai này sau khi giao thông được khôi phục, tính đưa chúng nó đến quy y thọ giới, chẳng biết có được hay không? Khi đệ tử ở núi Mạc Can, từng cậy người gởi thư đến chùa Báo Quốc xin bài thuốc trị bệnh khí thống[1]. Về sau mới biết sư tôn hiện thời chẳng đọc thư từ đến đi, nên họ đưa trả lại. Hiện đệ tử đang bị khí thống, đã được chữa lành bởi bài thuốc này. Do vậy, kính dâng mười lăm đồng để làm chuyện liên quan đến Phật pháp: Kính dâng mười bốn đồng hương kính, một đồng để giúp cho việc in bài thuốc khí thống, cầu mong thầy hãy rộng lòng thu nhận.

1) Hôm qua nhận được thư biết cả nhà ông tỵ nạn trên núi Mạc Can, đều yên vui vô sự, khôn ngăn mừng rỡ, an ủi. Tai kiếp này do đồng phận ác nghiệp của mọi người chiêu cảm. Ai có lòng tin niệm thánh hiệu Phật đều được gặp dữ hóa lành, ấy là vì biệt nghiệp của cá nhân do được Phật gia bị nên [từ nặng] chuyển thành nhẹ. Đang trong lúc đại kiếp phá tan hoang trời đất từ xưa đến nay chưa từng có này, kẻ nào chẳng sanh tín tâm, chẳng chịu niệm Phật cầu Phật rủ lòng gia bị thì kẻ ấy đáng xót thương thay. Ông Hà tinh tường khoa học, biết khoa học vạn năng, nhưng chẳng biết các nước tàn sát lẫn nhau chính là hiệu quả của sự vạn năng ấy. Đến khi do bị bệnh không thấy được ánh sáng, vạn năng vô hiệu, mới do một pháp niệm Phật [trước kia] trọn chẳng thèm chú ý đến và cách rửa mắt đã được truyền thụ mà lại được thấy ánh mặt trời. Do đấy, sanh lòng chánh tín, xin ông giảng kinh Di Đà, sẽ do nhân duyên này tu ròng Tịnh nghiệp, để mong cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Gần là liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, xa là dần dần tấn tu, cho đến viên mãn Bồ Đề, thành vô thượng đạo!

Hết thảy chúng sanh từ vô thỉ đến nay, đủ mọi tịnh nhân, đủ mọi ác nhân, gặp phải ác tri thức thì ác nhân phát hiện, nhẹ là hủy báng, nặng là diệt pháp. Gặp được thiện tri thức thì tịnh nhân phát hiện, thoạt đầu là tin nhận, đến cuối cùng là vãng sanh. Ông Trịnh Tuấn ở Bình Lương, tỉnh Cam Túc, tự là Triết Hầu, đỗ Cử Nhân đời Thanh trước kia, trúng phải chất độc của Âu, Hàn, Châu, Trình rất sâu, trước khi tròn sáu mươi tuổi, thù nghịch Phật pháp. Năm sáu mươi tuổi, đọc Văn Sao của Quang, mới thẹn cho sự sai lầm trước kia, liền ăn chay trường, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, gởi thư xin quy y. Về sau (năm Dân Quốc 24 – 1935), cùng với em trai đích thân đến đất Tô và triều bái Phổ Đà, tính thỉnh mấy vị Tăng niệm Phật đến khai hóa ở quê mình. Người phương Nam không ai muốn đi, ông đến chùa Ngọa Long ở Thiểm Tây thỉnh được mấy vị niệm Phật quanh năm.

Người đã như thế thì vật cũng như thế! Con hồng tước khuyên nó niệm Phật, nói “không biết”, nói “cái gì?” thấy ông niệm Phật liền cười điên cuồng. Đấy chính là ác tập khí hủy báng Phật pháp. Đến khi hằng ngày dạy nó thì nó chịu niệm. Nếu có người thường niệm Phật, hằng ngày thường niệm Phật theo nó, biết đâu nó sẽ giống như con nhồng đời Tống, đứng niệm Phật qua đời. Đem chôn, hoa sen mọc trên mộ. Đào lên xem thấy gốc hoa sen mọc từ chót lưỡi chim. Hai đứa tớ gái của ông bệnh nặng, ông chăm sóc thuốc men, chữa trị. Ông cùng con cái chăm nom miếng ăn thức uống, lành bệnh, do cảm động chúng bèn ăn chay trường, đấy gọi là “dùng đức khuất phục người” vậy. Cổ nhân nói: “Dĩ ngôn giáo giả tụng, dĩ thân giáo giả tùng. Quân tử cư hương, dĩ thân suất vật, linh đức phục nhân, tương quán nhi thiện” (dùng lời lẽ để dạy thì bị tranh cãi, dùng thân để dạy thì người khác thuận theo. Quân tử sống trong làng, dùng thân để làm gương lôi kéo mọi người, dùng đức khiến người khác khâm phục rồi nhìn theo bắt chước làm lành) chính là nghĩa này vậy.

Tiếc rằng người tin Phật trong cõi đời thì ít, kẻ báng Phật lại nhiều, cho nên rất nhiều kẻ đời trước có thiện căn nhưng chẳng thể phát khởi tịnh nhân đời trước, gội ân Phật sâu xa, để được là kẻ phàm phu triền phược đầy dẫy mà ngay trong đời này nương vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh để dần dần đạt đến viên thành Phật đạo! Quang già rồi, ngày mai tròn bảy mươi chín tuổi, sáng chiều sẽ mất, từ rày không có chuyện gì quan trọng đừng gởi thư đến bởi chẳng có mục lực, tinh thần thù tiếp!

2) Trước sau hai lá thư đã nhận đủ. Con người ông Hà có hào khí sâu đậm, nhưng chưa từng nghe pháp của thánh nhân Nho – Thích tu thân trị tâm, nên gặp phải cảnh ngộ ấy. Tình cảnh đó khá giống với tình cảnh của ông Du Tịnh Ý[2], nhưng họ Du vẫn chưa biết sâu xa về pháp môn Tịnh Độ. Sao bằng chịu nghĩ “đã chết đi sống lại”, đem hào khí trước đây sửa đổi thành khiêm nhường, tự kiềm chế, thì sự thành tựu sau này còn cao siêu hơn ông Du! Ông ta do thoạt đầu thấy Tăng phần nhiều hủ bại, nên chẳng chịu quy y. Nay Quang cũng là ông Tăng hủ bại, mà vẫn muốn quy y, quả thật chẳng biết Tăng là người như thế nào?

So với hạng Tăng ăn thịt uống rượu, Quang còn có chút điểm tốt. Các vị đại Bồ Tát như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền v.v.. và những Quyền Vị Bồ Tát chưa chứng Pháp Thân, đã đoạn Hoặc nghiệp trong tam giới và Nhị Thừa thánh nhân đã chứng quả Duyên Giác, chứng quả A La Hán đều thuộc về Tăng. Như Quang đây, kém xa các vị tăng A La Hán khác nào sự cách biệt vời vợi giữa trời với đất, huống gì là [sánh với] các Quyền Vị Bồ Tát chưa chứng Pháp Thân! Huống hồ lại [đem sánh với] các vị Tăng như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền ư? Ông ta chỉ biết các ông Tăng uống rượu ăn thịt trong nhân gian thì ngay cả những vị Tăng giữ Thanh Quy cẩn thận (do chẳng chú ý nên cũng sanh ý tưởng kém hèn không kham nổi này) trong nhân gian cũng chưa được thấy nghe, huống gì là các vị Tăng đại thánh nhân khác!

Quang là ông Tăng hèn kém đến cùng cực mà ông ta vẫn muốn quy y thì suy ra đương nhiên cũng sẽ quy y với các bậc thánh tăng khác. Do vậy, nói: Kết quả thù thắng hơn ông Du, do biết được pháp môn Tịnh Độ, được liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này để dần dần tấn tu viên thành Phật đạo. Đối với bệnh phổi của vợ ông ta hãy nên kiền thành niệm thánh hiệu Quán Âm sẽ tự lành. Mắt lắm khi tỏ, lắm khi mờ, gốc bệnh là vì gấp gáp, bộp chộp. Nếu có hàm dưỡng, lại kiền thành niệm Phật và niệm Quán Âm thì một khi lành bệnh sẽ vĩnh viễn lành bệnh. Xin hãy nói với ông ta!

***

[1] Khí Thống là một chứng bệnh thuộc về tiêu hóa, hơi sanh ra trong bao tử hay ruột quá nhiều khiến người bệnh cảm thấy đau nhói trong ngực, bụng.

[2] Du Tịnh Ý tên thật là Du Đô, tự Lương Thần, sống vào thời Gia Tĩnh nhà Minh, học rộng tài cao, đỗ Tú Tài năm 18 tuổi. Đến tuổi trưởng thành, ông ta cùng mấy người bạn học lập ra Văn Xương Xã, tận lực thực hiện những thiện sự được dạy trong bài Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân. Thế nhưng thi cử lận đận, mãi không đậu được Cử Nhân, Tiến Sĩ, sanh được năm đứa con trai, bốn đứa chết yểu, đứa con thứ ba năm tám tuổi chạy chơi trong làng, bị lạc mất. Sanh năm đứa con gái, chỉ còn sống được một. Vợ khóc con đến nỗi mù cả hai mắt. Mỗi đêm cuối năm, cảnh nhà nghèo túng, quạnh quẽ thê lương, ông than thở mình không có tội lỗi chi lớn, than là bị trời phạt bèn viết sớ tâu lên Táo Thần, cầu chuyển lên Thiên Đình. Làm như vậy mấy năm, không thấy cảm ứng gì. Đến năm bốn mươi bảy tuổi, tối Giao Thừa, vợ chồng và con gái đang ngồi trong nhà, thấy một ông lão đến xưng là họ Trương, đến hỏi chuyện, an ủi. Họ Du nhân đó kể lể nỗi niềm, ông Trương bèn cặn kẽ chỉ ra những khuyết điểm của họ Du: “Tuy làm lành, phóng sanh, nhưng chuộng hư danh, không thực chất, chỉ làm qua loa cho xong chuyện, cốt làm cho nhiều mà thôi, ăn nói bóng bẩy nhưng khắc bạc, gây thương tổn tình cảm người khác” v.v… rồi chỉ dạy cách ăn ở sao cho trọn vẹn tình nghĩa. Giảng giải xong, ông lão đi ra sau bếp, họ Du chạy theo thì ông lão đã biến mất, do vậy mới biết là Táo Quân hiện thân chỉ điểm. Câu chuyện này được ghi lại thành Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký.