Thư trả lời cư sĩ Trạch Phạm

(năm Dân Quốc 21 – 1932)

Những người đàn bà niệm Phật ở vùng Giang – Chiết, thảy đều là tin nhận lý lẽ vô lý của ngoại đạo, chỉ biết cung kính, khiết tịnh, chẳng biết luận định theo sự việc, cho nên mới có cái thuyết mù quáng ấy gây hại trong thế gian khiến cho người ta bị lầm lẫn chẳng cạn. Trước kia, Quang chẳng biết đến những thứ tà thuyết ấy nên trong Văn Sao tuyệt chẳng nhắc đến. Sau này mới biết rõ tệ nạn ấy, nên thường nói với hết thảy mọi người. Có ai khó sanh hãy y theo đó mà niệm thì không một ai chẳng lập tức được an nhiên sanh nở. Người niệm Phật đi, đứng, nằm, ngồi đều khéo niệm, nhưng lúc ngủ nghỉ và khi mũ áo không chỉnh tề, tay chưa rửa, miệng chưa súc, cùng lúc tắm gội, tiêu tiểu cũng như khi đến chỗ ô uế, đều nên niệm thầm trong tâm, chớ nên niệm ra tiếng. Niệm thầm công đức vẫn chẳng giảm bớt, chứ niệm ra tiếng thì không hợp nghi thức.

Nếu đàn bà gặp khi sanh nở, chỉ nên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát (do Quán Thế Âm Bồ Tát bi nguyện sâu nặng, chứ không phải là chẳng được niệm Phật chỉ được niệm Quán Âm, chớ có hiểu lầm) do đức Quán Âm tâm cứu khổ sâu nặng, nhưng phải niệm ra tiếng rõ ràng, trọn chớ nên niệm thầm trong tâm. Niệm thầm trong tâm thì so ra sức yếu hơn, hiệu quả cảm thông cũng nhỏ. Hơn nữa, lúc ấy phải dùng sức tống đứa con ra; nếu đang dùng sức tống đứa con ra lại niệm thầm sẽ bị tổn khí thành bệnh. Chính sản phụ tự niệm ra tiếng rõ ràng, những người trông nom trong phòng sanh cũng niệm ra tiếng rõ ràng, người nhà ở phòng khác cũng nên niệm cho sản phụ ấy. Chớ nên bảo “lõa lồ bất tịnh, nếu niệm sợ bị mắc tội lỗi!” Phải biết: Lý cố nhiên có nhất định, nhưng sự biến đổi, chứ không phải chỉ có một! Chỉ nên dựa theo sự để luận lý, đừng luận theo kiểu chấp lý hẹp hòi. Ví như con cái lỡ dại té vào hầm xí, nước, lửa, kêu cha mẹ để cầu cứu, cha mẹ nghe tiếng liền đến cứu ngay, trọn chẳng đến nỗi vì thân thể của chúng nó không sạch sẽ, áo mũ không chỉnh tề mà chẳng chịu cứu vớt, mặc kệ cho chúng nó chết! Phẩm đức của Bồ Tát sâu xa hơn cha mẹ vô lượng vạn vạn lần. Khi chúng sanh bị khổ cầu cứu Ngài, [Bồ Tát] chỉ có ý niệm cứu khổ, trọn chẳng có ý niệm so đo hình dạng!

Hơn nữa, lúc ấy là lúc không làm sao khác được, chẳng thể biểu thị sự cung kính, sạch sẽ, đành lõa lồ, bất tịnh! Nếu có thể [cung kính, sạch sẽ] mà không làm sẽ thành có tội. Nếu chẳng thể tỏ lộ vẻ cung kính thì chỉ nên luận theo lòng thành quy hướng trong tâm, đừng bàn đến chuyện lễ mạo, nghi thức nơi hình tướng. Bồ Tát không khổ nào chẳng cứu, không nạn nào chẳng cứu, lẽ đâu lại bỏ rơi sản phụ? Tuy trong kinh chưa nói đến rõ ràng, nhưng hãy nên suy tưởng cái tâm “cứu khổ mong dứt bặt nỗi khổ lớn lao trong đời người để thỏa từ tâm” của Bồ Tát! Huống chi trong kinh Dược Sư, đoạn kinh đức Phật dạy sản phụ niệm Phật Dược Sư như sau: “Nếu có nữ nhân đang lúc sanh nở, chịu nỗi khổ cùng cực, nếu có thể chí tâm xưng danh, lễ bái, tán thán (xưng danh thì sản phụ làm được, còn lễ bái, tán thán, cung kính, cúng dường chính là chuyện của người nhà, chứ sản phụ không thể làm được), cung kính, cúng dường đức Như Lai ấy, mọi nỗi khổ đều trừ” (“Mọi nỗi khổ đều trừ” thì chẳng bị khổ gì! Đứa con sanh ra được lợi ích lớn lao không thể diễn tả được! Sản phụ niệm thì được lợi ích lớn lao như thế, lẽ nào người niệm Phật vừa bước vào phòng bà đẻ thì công đức niệm Phật thường ngày liền hoàn toàn bị mất sạch hay sao? Kẻ vô tri tự lập hạn định, tự lầm, lầm người. Tội há thể cùng tận, đáng thương thay). Đứa con sanh ra thân thể trọn vẹn, hình sắc đoan chánh, ai thấy đều hoan hỷ, lợi căn thông minh, an ổn ít bệnh, không bị phi nhân đoạt mất tinh khí. Có thể biết rằng lúc sanh nở chịu niệm thì chẳng những vô tội mà cả mẹ lẫn con đều an toàn, được lợi ích lớn lao, gieo đại thiện căn. Sản phụ còn như vậy thì những người khác [cứ suy ra] ắt biết được.

Ông Mã Thuấn Khanh ở Hồ Nam (trong Văn Sao có nhắc đến tên ông này) là người Hồi Hồi[1] (người Hồi Hồi quy y chỉ có một gia đình này), vợ chồng họ và năm đứa con đều gởi thư xin quy y. Mùa Thu năm Dân Quốc 18 (1929) gởi thư cho biết: Vợ ông ta sanh năm đứa con, hai lần đầu còn bình an, lần thứ ba liền băng huyết, lần thứ tư thứ năm càng nguy ngập hơn. Nay chẳng bao lâu nữa sẽ sanh, nếu bị băng huyết lần nữa, chắc sẽ mất mạng, xin chỉ cách cứu vớt. Quang bảo họ chí thành niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, lúc đang sanh nở tuy lõa lồ, bất tịnh, chớ nghĩ vì lẽ đó chẳng thể niệm được! Lại cần phải niệm ra tiếng, chớ nên niệm thầm. Ông ta lại xin đặt sẵn pháp danh cho thai nhi. Thư Quang gởi đến, vợ chồng ông ta cùng xem, vợ ông ta niệm liền. Ngày hôm sau liền sanh, trong lúc đang sanh vẫn niệm, được an nhiên không khổ sở! Ông ta liền viết thư phúc đáp cho biết chuyện vượt ngoài ý nghĩ, Bồ Tát thật có thể nói là đại từ đại bi vậy! Từ mùa Thu năm Dân Quốc 15 (1926) trở đi, Tăng Quảng Văn Sao in xong, bất luận văn tự nào đều nhất loạt chẳng giữ lại bản nháp để khỏi uổng tiền ấn loát. Do gần đây biết sâu xa thói tệ này, luôn thường nói chuyện lợi – hại với hết thảy mọi người, mong họ lan truyền điều này để cứu vớt sẵn nỗi hoạn nạn và tánh mạng của sản phụ cùng đứa con. Dẫu có ai không thông cảm, cho là Quang ưa nói chuyện bà đẻ cũng chẳng tiếc gì, chỉ mong cứu vãn thói ác này khiến cho mọi người cùng sanh chánh tín mà thôi!

***

[1] Hồi Hồi, còn gọi là Hồi tộc, Hồi Hột, là một danh từ chung để chỉ những người theo đạo Hồi ở Trung Hoa. Trước kia, danh từ này được dùng với nghĩa rộng hơn để chỉ chung tất cả giáo đồ Hồi giáo và các quốc gia theo đạo Hồi. Từ đời Thanh trở đi, chữ Hồi Hồi được dùng để chỉ riêng những dân tộc thiểu số theo đạo Hồi tại Trung Hoa, như dân Duy Ngô Nhĩ (Uigur) ở Tân Cương, dân Đông Hương Hồi ở Cam Túc, dân Tán Lạp ở Thanh Hải, dân Hồi Cương, Đột Quyết sống dưới chân Thiên Sơn chẳng hạn. Dân Hồi Hồi có nguồn gốc từ Trung Á như Ả Rập hoặc Iran v.v…