ẤN QUANG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC TỤC BIÊN
印 光 法 師 嘉 言 錄 續 編
Hậu học Thích Quảng Giác & quy y đệ tử Từ Chí Giác đảnh lễ cung kính biên tập
Pháp sư Đức Sâm giám định
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang & Đức Phong
X. Tiêu ưng độc kinh điển (Nêu lên những kinh điển phải nên đọc)
* Khiến cho kẻ sơ cơ lắng lòng niệm Phật, hãy nên dùng Tịnh Độ Ngũ Kinh để dẫn đường, chẳng nên chỉ chọn một mình phẩm Hạnh Nguyện trong Ngũ Kinh, hãy nên làm sao cho họ được đọc trọn khắp năm kinh, lại còn dùng một phẩm Tịnh Hạnh để răn nhắc trong hết thảy thời, hết thảy chỗ thì họ sẽ tự hớn hở nơi đạo vậy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa trình bày duyên khởi của việc in kèm phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm vào sau Tịnh Độ Ngũ Kinh)
* Tại núi Linh Thứu[1] thuộc nước Ma Kiệt Đề, đức Phật nói ra nhân địa lúc ban đầu của A Di Đà Phật: Bỏ nước xuất gia, phát ra bốn mươi tám nguyện. Lại trải kiếp dài lâu, tu hành theo đúng lời nguyện, cho đến khi phước huệ viên mãn, được thành Phật đạo, cảm được thế giới trang nghiêm mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được, mười phương chư Phật đều cùng tán thán. Mười phương Bồ Tát và hàng Nhị Thừa hồi Tiểu hướng Đại lẫn phàm phu trọn đủ Hoặc nghiệp đều được vãng sanh, đều được bình đẳng nhiếp thọ. Đấy là kinh Vô Lượng Thọ.
Trong vương cung nước Ma Kiệt Đề, nói ra ba phước Tịnh nghiệp, mười sáu phép quán mầu nhiệm để hết thảy chúng sanh đều biết nghĩa lý “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, biển Chánh Biến Tri[2] của chư Phật đều từ tâm tưởng sanh; tâm này là chúng sanh, tâm này làm chúng sanh, biển nghiệp phiền não của chúng sanh từ tâm tưởng sanh” đã được nêu rõ ràng. Nếu có thể hiểu sâu xa nghĩa này, ai chịu bị luân hồi oan uổng? Cuối kinh nói rõ cái nhân của chín phẩm vãng sanh ngõ hầu ai nấy đều tu Thượng Phẩm. Đấy là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh.
Tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô [Độc], nói diệu quả của y báo và chánh báo cõi Tịnh Độ để [thính chúng] sanh lòng tin, khuyên những người nghe hãy nên phát nguyện cầu được vãng sanh. Lại dạy các hành giả lập hạnh chấp trì danh hiệu. Ba điều Tín – Nguyện – Hạnh là cương tông của pháp môn Tịnh Độ. Đầy đủ ba pháp này thì hoặc là suốt đời chấp trì đã đắc nhất tâm, hoặc khi lâm chung mới được nghe, chỉ xưng danh mười niệm, đều được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Đấy là A Di Đà Kinh.
Ba kinh này là những kinh chuyên giảng về Tịnh Độ, nhưng A Di Đà Kinh thâu nhiếp căn cơ phổ biến nhất. Vì thế, các tông Thiền, Giáo, Luật đều cùng vâng dùng làm kinh nhật tụng. Các kinh Đại Thừa nói kèm về Tịnh Độ nhiều không đếm xuể, nhưng chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm quả thật là khai thị mầu nhiệm nhất về pháp Niệm Phật. Nếu chúng sanh có thể nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối mà niệm, há có ai chẳng thể trong hiện tại hay tương lai nhất định thấy Phật, gần là chứng Viên Thông, xa là thành Phật đạo ư?
Vì thế đem chương này xếp vào sau ba kinh; nối theo sau Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm để thành một đại duyên khởi cho pháp môn Tịnh Độ khiến cho những người đọc sẽ biết pháp này tỏ bày thông suốt rộng lớn bản hoài của đức Phật, so với các pháp cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử thì sự khó – dễ khác xa một trời, một vực! Do vậy, chín giới cùng hướng về, mười phương chung khen ngợi, ngàn kinh đều xiển dương, vạn luận đều tuyên thuyết. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa tái bản Tịnh Độ Ngũ Kinh)
* Lời văn trong Văn Sao tuy vụng về, chất phác, nhưng nghĩa vốn lấy từ các kinh luận Tịnh Độ. Đọc Văn Sao thông suốt rồi đọc các kinh luận Tịnh Độ sẽ đều được hướng dẫn thuận dòng, thế như chẻ tre vậy. Chớ nên xen tạp ý kiến nhà Thiền vào đấy! Hễ bị xen tạp thì Thiền cũng chẳng phải là Thiền, mà Tịnh cũng không ra Tịnh, hai môn đều bị phá, vô ích cả đôi bề! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 6 – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Ngô Quế Thu)
* Trước hết hãy nên đọc Gia Ngôn Lục, rồi xem Văn Sao, rồi xem Tịnh Độ Thập Yếu, sẽ biết rõ đại nghĩa Tịnh Độ. Nhưng cần phải tự lợi, lợi tha, nên khuyên cha mẹ, anh em trai, chị em gái, con cái, thân thích, bằng hữu, xóm giềng, làng nước đều cùng ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Ông tu trì được như thế thì bảo đảm thân thể ngày càng khỏe mạnh, tâm thần ngày càng định, chuyện tiền đồ đều thuận lợi. (Ấn Quang Pháp Sư Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Ngô Hy Đạo)
* Đọc kỹ Gia Ngôn Lục thì phương pháp tu trì và giáo huấn con cái cùng đạo lý “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận” sẽ tự hiểu rõ. Sách Sức Chung Tân Lương nói về lợi ích của việc trợ niệm khi lâm chung. Lời tựa cho Đạt Sanh Thiên[3] nêu rõ chuyện niệm Quán Thế Âm khi sanh nở. Do hai chuyện sanh và tử là chuyện lớn nhất trong đời người, nhưng nỗi khổ sanh nở quả thật là nỗi khổ lớn nhất của nữ nhân. Trước kia, Quang chẳng nói đến chuyện này, sau này do biết chuyện khó sanh rất đáng thương, nên đề xướng rộng rãi (Lúc sanh nở phải niệm ra tiếng. Nếu niệm thầm trong tâm, chẳng những sức yếu khó thể cảm thông mà còn sợ rằng có thể vì gắng sức mà đến nỗi bị tổn thương). Phàm những ai tuân theo mà niệm thì không một ai chẳng được lập tức an nhiên sanh nở. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Tạ Dục Hoài)
* Như tới lúc lâm chung, chớ nên làm theo cách làm của thế tục. Nên đọc kỹ Sức Chung Tân Lương hòng khỏi đến nỗi làm hỏng đại sự vãng sanh của cụ. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Tạ Dục Hoài)
* Xem Gia Ngôn Lục thì tất cả lợi ích của pháp môn, pháp tắc tu trì sẽ đều biết rõ từng điều. Thêm nữa, Một Lá Thư Gởi Khắp chính là nghi thức, quy cách giản tiện để tu trì hằng ngày. Bài văn ấy văn từ tuy thiển cận, nhưng lý thật thâm sâu, hãy nên dùng làm của báu gia truyền vĩnh viễn. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Giang Cảnh Xuân – 2)
* Thường xem Tịnh Độ Ngũ Kinh sẽ biết pháp môn Tịnh Độ là pháp môn Tổng Trì để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Nếu vẫn chưa bị thuyết phục, hãy nên thường xem Tịnh Độ Thập Yếu thì mọi thứ nghi ngờ sẽ tiêu tan, vầng trăng nhất tâm rạng ngời. Văn Sao tuy ngôn từ vụng về, chất phác, nhưng đã nêu tỏ đại lược về duyên do của Thiền và Tịnh, cũng như những điều có ích cho luân thường trong cuộc sống hằng ngày, cũng có thể giúp cho việc tự lợi, lợi tha. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Minh Quang)
* Kinh Kim Cang được rất nhiều người chú giải, [muốn tìm một bản] gọn ghẽ, thoáng đạt, dễ đọc thì hãy nên thỉnh bản chú giải của Tông Lặc[4] để xem. Ý nghĩa kinh văn của phẩm Tịnh Hạnh[5] pháp nào cũng viên thông, chớ nên chấp chết cứng vào từng chữ, từng câu. Những đoạn như “được thức ăn ngon, trọn thỏa ý nguyện, tâm không còn mong muốn” đều bao gồm ý nghĩa đoạn Hoặc chứng Chân trong ấy. Nếu chỉ hiểu là chuyện ăn uống thì hoàn toàn trái nghịch ý nghĩa của kinh mất rồi. Còn như [bài kệ] “Sở tác giai biện, cụ chư Phật pháp” (việc làm đã xong, đầy đủ Phật pháp), há chẳng bao gồm ý nghĩa vãng sanh Cực Lạc trong ấy hay sao? Vì thế, đương nhiên phải tụng đúng theo kinh. Nếu như ông nói, người niệm Phật đối với mỗi bài kệ trong phẩm Tịnh Hạnh đều nên sửa đổi, [làm như vậy] sẽ trở thành làm chuyện sai quấy, trái nghịch kinh mất rồi. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Niệm Phật)
* Nay gởi cho ông Tịnh Độ Thập Yếu, Phật Học Cứu Kiếp Biên và bức thư dài (tức Một Lá Thư Gởi Khắp). Y theo đó tu trì sẽ tự được lợi ích thật sự. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Lương Huệ Đống)
* Tịnh Độ Thập Yếu là sách quan trọng nhất trong pháp môn Tịnh Độ. Bản ấn hành lần này lại thêm vào mấy cuốn sách quan trọng, mấy bài văn thiết yếu. Có được cuốn sách này y theo đó tu trì, ví như mặt trời rực rỡ giữa trời, đi trên đường lớn của vua, tiến thẳng về phía trước, trọn không lầm lẫn.
* Văn Sao là sách nhập môn Tịnh Độ, Thập Yếu là sách hết sức sâu xa, thiết thực, [Tịnh Độ] Thánh Hiền Lục là gương sáng của cổ nhân đã nêu. Có được những sách ấy thì còn thiếu thốn gì mà phải dùng một lá thư để hỏi pháp nữa đây? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Triệu Phụng Chi)
* Trong thời Càn Long đời Thanh, cư sĩ Bành Tế Thanh sai cháu trai là Hy Tốc tập hợp, sao lục những câu chuyện vãng sanh Tịnh Độ, đầu tiên thuật chuyện Phật Di Đà nhằm chỉ rõ đấng giáo chủ lập ra pháp môn này. Kế đến là Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền v.v… nhằm tỏ rõ thánh chúng xiển dương pháp môn này. Tiếp đó là tỳ-kheo tăng ni, vua chúa, quan lại, thường dân, nữ nhân, các loài vật vãng sanh, nhằm kể ra tứ chúng vãng sanh Tịnh Độ, tổng cộng hơn năm trăm người, đặt tên là Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Đấy chính là bộ Sơ Biên. Trong số ấy, dù thánh hay phàm, dù trí hay ngu, đều cùng vào trong biển đại thệ nguyện của đức Như Lai, rồi dần dần chứng được sự vui sướng trong cõi Thường Tịch Quang. Nhìn từ chỗ này, biết pháp môn Tịnh Độ dường như biển cả dung nạp khắp mọi dòng chảy, cũng giống như thái hư bao hàm khắp vạn tượng. Chúng sanh trọn khắp pháp giới không một ai chẳng được nhiếp vào đây! Các pháp trong khắp cả pháp giới đều do pháp môn này mà đắc Thật Tế, bởi nó là pháp môn đặc biệt trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, là đạo tổng trì trọng yếu của tam thế chư Phật.
Đến cuối niên hiệu Đạo Quang, cư sĩ Liên Quy Hồ Đĩnh tập hợp [hành trạng của] những vị vãng sanh sau thời Càn Long được hơn một trăm mấy chục người, [soạn thành sách] đặt tên là Tịnh Độ Thánh Hiền Lục Tục Biên. Vào đời Hàm Phong – Đồng Trị, giặc giã tràn lan, người đề xướng ít ỏi, gần như quạnh quẽ.
Gần đây, thế đạo nhân tâm ngày càng đi xuống, phàm những ai có con mắt thông suốt, mang lòng cứu đời, không ai chẳng đề xướng nhân quả báo ứng và pháp tín nguyện niệm Phật. Người có chánh tri kiến, không ai chẳng thuận theo chiều gió. Vì thế, trong mấy chục năm qua, lại tập hợp được [chuyện vãng sanh của] hơn hai trăm người nữa, đặt tên là Tịnh Độ Thánh Hiền Lục Tam Biên. Bản thảo này do thầy Đức Sâm biên tập, nay đã sắp chữ xong. Vì thế, tôi thuật duyên khởi.
Khi xưa không có thuyền máy, xe lửa, bưu cục, tòa báo, tuy từng địa phương ở sát cạnh nhau nhưng thường chẳng hay biết, cho nên thời cổ pháp đạo hưng thạnh lớn lao, nhưng số người vãng sanh được ghi chép lại trong một ngàn mấy trăm năm chỉ được mấy trăm người mà thôi! Một là vì thiếu ghi chép, hai là vì sách vở xưa thất lạc. Nếu mọi chuyện đều tiện lợi như ngày nay, dẫu cả mấy chục vạn vẫn chưa phải là nhiều!
Người đọc chớ nên đem xưa để luận nay, nghĩ chưa chắc đã đều là chuyện thật; mà cũng đừng dùng nay luận xưa, cho là pháp [khi xưa] chẳng hưng thịnh lớn lao! Hãy thử nghĩ ngài Thiện Đạo ở Trường An, ngài Thiếu Khang tại Tân Định, tiếng niệm Phật vang khắp nẻo đường, những người vãng sanh đương nhiên chẳng phải chỉ có trăm ngàn vạn ức! Nay thì xa cách ngàn dặm, sáng vừa gởi đi, tối đã đến, lại thêm bưu điện, báo chí; vì thế, tuy ngoài ngàn dặm thảy đều biết được liền. Nhưng vẫn còn nhiều người [vãng sanh] chưa được ghi chép, nếu mỗi chuyện đều chép, quả thật còn nhiều hơn thế nữa! Nguyện người trong khắp cõi đời, ai nấy đều lấy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành làm nền tảng, lấy “thật sự vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương” để tu trì, thì sống sẽ là bầu bạn của thánh hiền, thác sẽ vào cõi nước của Như Lai, lợi ích ấy nếu chẳng phải là Phật sẽ không thể nào biết được! Nguyện khắp những ai thấy nghe đều gắng công! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục)
* Cuốn sách Chánh Tín Lục chuyên vì những Nho sĩ câu nệ mà viết ra, nay cũng gởi đến, mong hãy đọc kỹ. Chịu tin sâu, tận lực làm thì sẽ chẳng thẹn với trời đất quỷ thần, làm người hoàn toàn trong thế gian. Công danh phú quý vốn chẳng mong mà trời thường vì người lành, chắc cũng chẳng đến nỗi trắc trở, khốn khó. Các con hãy khéo suy nghĩ thì chẳng uổng cuộc đời này, uổng dịp gặp gỡ này! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Trả lời thư cư sĩ Ninh Đức Hằng và Ninh Đức Phục)
* Nay gởi cho ông một bộ Lịch Sử Thống Kỷ, hai cuốn Thọ Khang Bảo Giám, ba cuốn Gia Ngôn Lục. Thống Kỷ thì ông tự giữ để biết [cõi đời] bình trị hay loạn lạc, biết gương nhân quả. Thường xem Thọ Khang Bảo Giám thì chẳng đến nỗi phạm tà dâm và thủ dâm v.v… tự hại cuộc đời, tự hao phước thọ, chẳng bị tàn phế và chết chóc. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Từ Thư Dung)
* Sách Lịch Sử Thống Kỷ bất luận là người tin Phật hay báng Phật đều chịu xem, bởi đó là những chuyện được chép trong sách sử. Dẫu kẻ coi nhân quả là hư vọng, phô phang trống rỗng, ưa tỏ vẻ là bậc đại thông gia trước mặt người khác, nếu đọc sách này, chẳng khỏi bị cảm hóa! So với hết thảy các thiện thư thì sách này là thiết yếu nhất để đạt được lợi ích thật sự. Tiếc cho con người chẳng để ý. Nếu để ý, kẻ ngu liền thành trí, kẻ cuồng bèn thành thánh vậy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Niệm Phật)
* Con người tánh vốn lành, do đối cảnh chạm duyên nhưng chẳng ra sức kiểm điểm, xem xét, cho nên khởi lên các chấp trước tốt – xấu, đủ mọi thứ tình kiến khiến bản tánh bị mai một, đều luôn là như thế. Do vậy, những vị thánh nhân thời cổ vị nào cũng để lại ngôn giáo, mong cho con người hành theo để trở lại [thuần thiện như] thuở ban đầu. Những lời dạy ấy tuy nhiều, nhưng chẳng ngoài “cách vật trí tri, làm sáng tỏ Minh Đức, ở yên nơi sự tốt lành tột cùng” mà thôi.
Trong chữ “cách vật” vừa nói đó, “cách” (格) giống như “cách đấu” (格鬬: trừ khử, chiến đấu), giống như một người chống lại muôn người; “vật” (物) là phiền não, vọng tưởng, mà cũng là cái được gọi là “nhân dục” (lòng ham muốn của con người) trong cõi đời. Chiến đấu với lòng nhân dục vọng tưởng phiền não, ắt một phen phải đầy đủ ý chí chẳng khiếp nhược thì mới có hiệu quả thật sự. Nếu không, tâm bị chuyển theo vật, làm sao trừ khử vật cho được?
“Trí” (致) có nghĩa có là thúc đẩy, mở rộng đến cùng cực. “Tri” (知) chính là lương tri “yêu thương cha mẹ, kính trọng anh” sẵn có của chúng ta, chứ không phải do dạy dỗ, do học hành rồi mới có. Nhưng thường nhân trong xử sự thường ngày, nếu chẳng phản tỉnh, soi xét, kiểm điểm, thì từ đấy sẽ bị vật chuyển, chắc là lương tri “yêu thương cha mẹ, kính trọng anh” ấy cũng bị mất đi, còn mong chi thúc đẩy lương tri ấy đến cùng cực để đối phó khắp vạn sự, hàm dưỡng tự tâm nữa ư? Do vậy, thánh nhân muốn con người làm sáng tỏ Minh Đức, ở yên nơi chỗ tốt lành tột cùng, bèn dạy con người chỗ thực hiện đầu tiên chính là trước hết phải khởi sự từ cách vật trí tri. Công phu vừa nói ấy mầu nhiệm không chi hơn được!
Nhưng muốn cho thường nhân y theo đó tu trì, phải có khuôn phép đã hoàn chỉnh thì mới dễ được lợi ích. Ngũ Kinh, Tứ Thư đều là những khuôn phép đã hoàn chỉnh, nhưng do lời lẽ mênh mông, lại còn rải rác trong các sách, chẳng được tập hợp lại chia theo từng loại, hơi khó để bắt chước theo. Kẻ chưa đọc nhiều sách càng chẳng thể nhờ vào đâu để vâng theo những khuôn mẫu ấy. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thâu tóm những lý lẽ tột cùng “thuận theo [chánh đạo] thì tốt lành, trái nghịch thì xấu, phước thiện, họa dâm”, thốt ra lời nghị luận rung trời rúng đất, mắt nhìn vào, tâm kinh hãi: “Thế nào là thiện? Thế nào là ác? Kẻ làm lành sẽ đắc thiện báo nào? Kẻ làm ác sẽ mắc ác báo nào?” đều thấy rõ cội nguồn sáng tỏ như xem ngọn lửa, nhưng kẻ ngu chẳng chịu làm lành, cứ mặc tình làm ác! Ấy là vì cái tâm tự tư tự lợi xui khiến như thế. Nay biết: Kẻ tự tư tự lợi đâm ra sẽ đánh mất lợi ích lớn lao, mắc họa ương lớn lao, há dám chẳng gắng sức lương thiện để mong họa diệt, phước nhóm ư? Do vậy, bèn nói rằng: Sách này tạo lợi ích cho con người cũng sâu xa lắm. Vì thế, bậc Đại Nho thời cổ phần nhiều đều ngầm tu tập theo sách này. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa sách Cảm Ứng Thiên Trực Giảng)
* Đại sư Liễu Nhiên túc căn sâu dầy, từ lúc mới xuất gia bèn dốc chí nơi Tông thừa, nhọc nhằn tận lực tham cứu, lãnh hội được chỗ chỉ quy. Do những bài kệ của Thất Phật[6] và ba mươi ba vị Tổ[7] của Tây Trúc, Đông Chấn (Trung Hoa) văn sâu nghĩa thẳm, thật khó thể lãnh hội, Sư bèn chú thích rõ ràng, thêm vào một vài câu chữ khiến ý nghĩa càng được sáng tỏ, bèn đặt tên là Phật Tổ Tâm Đăng.
Tiếp đó, Sư vân du các phương, nghiên cứu cùng tột kinh luận, mới biết pháp môn Tịnh Độ quả thật là biển pháp rất sâu để chư Phật, chư Tổ tự lợi, lợi người rốt ráo, hết thảy các pháp, không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp này, không pháp nào chẳng quy hoàn pháp này. Do vậy, sanh lòng tin chân thật, tận lực tu trì để mong được vãng sanh ngay trong đời này hòng thỏa ý nguyện ban đầu, lúc nhàn hạ bèn nêu tỏ những lý cốt yếu của Thiền và Tịnh, lời lẽ đích xác, thiết thực, khiến người khác tỉnh ngộ sâu xa, đặt tên Thiền Tịnh Song Úc (Thiền và Tịnh cùng ra công gắng sức).
Tuy đề xướng Thiền Tông, nhưng thật ra chú trọng Tịnh Độ ngõ hầu người đã ngộ chứng lẫn kẻ chưa ngộ chứng đều cùng được liễu thoát ngay trong đời này. Bạn của Sư là đại sư Đức Sâm muốn ấn hành lưu truyền, cậy tôi thẩm định và thuật những ý nghĩa cốt yếu; do vậy, bèn thâu tóm những ý nghĩa quan trọng để giãi bày. Điều đáng tiếc là văn tự lẫn ý nghĩa [của hai cuốn sách ấy] hơi sâu, kẻ sơ cơ thông thường chưa thể vừa đọc đã hiểu rõ được ngay, nhưng sách tiếp dẫn kẻ sơ cơ rất nhiều, nên điều này vẫn chưa phải là điều đáng ân hận vậy. Tuy thế, sách này cũng có thể khiến cho kẻ tham thiền nhưng chưa ngộ chứng sẽ có được đạo để hoàn tất ngay trong đời này, có ích cho kẻ tu Thiền lớn lắm. Nguyện những ai thấy nghe đều cùng sanh lòng tin tưởng. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa lưu thông cho bản in gộp chung hai sách Phật Tổ Tâm Đăng và Thiền Tịnh Song Úc)
* Cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh biên soạn cuốn Phật Học Cứu Kiếp Biên, dùng Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện để sửa lỗi hướng lành, bỏ mê trở về với ngộ, giữ ba nghiệp thân – khẩu – ý thanh tịnh, tu Tam Học Giới – Định – Huệ để mong trừ khử vọng nghiệp vốn chẳng hề có, khôi phục chân tâm vốn sẵn có. Lại còn dạy [người đời] tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương để vĩnh viễn lìa khỏi đời ác Ngũ Trược, thường hưởng pháp lạc Tứ Đức. Lại còn lấy mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát để làm chỗ nương về, ngõ hầu nương vào từ lực của Phật Di Đà và nguyện luân của chính mình, tùy loại hiện thân trong mười phương các cõi, dùng đủ mọi phương tiện độ thoát chúng sanh, khiến cho khắp mọi hàm thức đều thành Phật đạo. Hư không có cùng tận, nguyện của ta vô cùng. Đấy là công lao cứu vãn kiếp nạn đến cùng cực vậy.
Tục ngữ có câu: “Cứu người phải cứu tới nơi tới chốn”. Cứu như vậy có thể nói là triệt để đến cùng cực! Nhưng đối với người chưa biết đến chân lý Phật pháp thì thoạt đầu chẳng thể không dùng những sự tích nhân quả nông cạn, gần gũi để khơi gợi tín tâm của họ. Đừng vì những chuyện ấy nông cạn gần gũi mà chẳng muốn đọc rồi bỏ qua, thì sẽ tự đạt được diệu đạo thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo dưới hóa độ chúng sanh. Nguyện khắp những người cùng hàng ai nấy đều cùng gắng sức. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho sách Phật Học Cứu Kiếp Biên)
* Quyển Khuê Phạm do tiên sinh Lã Thúc Giản đời Minh biên tập vào năm Canh Dần tức năm Vạn Lịch 18 (1590) đời Minh. Do vậy, được lưu truyền rộng rãi khắp nước, mọi nơi đều khắc bản, ấn hành. Gần đây, sách bị thất truyền, con người không biết đến. Ông Châu Nghiệp Cần tìm được trong tiệm sách cũ, cầm đưa cho ông Ngụy Mai Tôn coi. Mai Tôn thấy quyển một trích lục những lời hay ý đẹp dạy dỗ nữ giới trích từ Tứ Thư, Ngũ Kinh và các truyện ký. Quyển hai, quyển ba, quyển bốn chép cặn kẽ ngôn hạnh của các hiền nữ, vợ hiền và mẹ hiền. Trước mỗi chuyện có hình vẽ, sau mỗi chuyện có lời bình để mắt người vừa chạm vào liền dấy lòng cảm kích, đua nhau bắt chước làm theo; thật đáng để giữ yên phương Khôn[8] hòng giúp cho đạo bình trị, phụ trợ sự dạy dỗ trong gia đình, bồi đắp thêm cho oai nghi người mẹ, nên khôn ngăn vui thích, tán thưởng!
Lý Kỳ Khanh nghe vậy, do bà vợ ông ta lúc còn sống đã tính lưu truyền những thiện thư hầu giữ yên chốn khuê các, nhưng chưa được toại nguyện, bèn tự đảm nhiệm in năm trăm bộ để hoàn thành chí nguyện ấy, xin tôi đề tựa. Tôi nghĩ cuốn sách này vừa được in ra, ắt sẽ có đông đảo bậc thục nữ anh liệt hưng khởi tấm lòng mong sao trọn hết phận mình, hoàn thành thiên chức. Trên là noi bước hai bà Phi, ba bà Thái, trong xử sự, luân thường hằng ngày, lo liệu, giúp đỡ, un đúc, giáo hóa, dạy dỗ, ngõ hầu chồng lẫn con đều thành hiền thiện hòng [cõi đời] đạt đến yên ổn tột bậc. Công đức ấy há thể diễn tả được ư? Do xét đến cội nguồn như thế liền viết thành lời tựa. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa nêu duyên khởi in cuốn Khuê Phạm theo lối thạch bản)
* Về thứ tự tu trì thì nên lấy việc mở mang tri kiến của chính mình để dẫn đường, dùng Tín – Nguyện – niệm Phật làm Chánh Hạnh, lấy vạn thiện trang nghiêm làm Trợ Tu. Vì thế, [sách này] xếp Kim Cang Kinh lên đầu, [rồi đến] Tâm Kinh, Quán Thế Âm Phổ Môn Phẩm, Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương, A Di Đà Kinh, Vãng Sanh Chú, Niệm Phật Khởi Chỉ Nghi (nghi thức niệm Phật), Phát Nguyện Văn, và các chú Đại Bi, Chuẩn Đề, hoặc kiêm trì các thứ, hoặc chuyên trì một thứ đều nhằm để giúp cho sự tu trì Tịnh nghiệp ngõ hầu triệt ngộ “Ngũ Uẩn vốn là không, các pháp chẳng có tướng”, hành khắp muôn hạnh nhưng chẳng thấy tướng năng hành, chuyên chí niệm Phật mà hiểu rõ “tâm làm, tâm là”.
Tu được như thế sẽ nhanh chóng ra khỏi đường mê, lên thẳng bờ giác! Ấy là vì chúng sanh đời Mạt chướng sâu, huệ cạn, nếu chẳng cậy vào Phật lực, thật khó thể giải thoát, bởi một pháp Niệm Phật chính là pháp môn vô thượng thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh; so với hết thảy những pháp cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử thì khác biệt một trời, một vực! Lại muốn cho sơ cơ hành nhân biết sâu xa nguyên do của các pháp môn, hai chúng tại gia trong cuộc sống hằng ngày và trong luân thường có thể dung thông cả Chân lẫn Tục, trọn hết cả Phật lẫn Nho, nên bèn in kèm theo Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, Giác Thế Kinh và những khai thị về tu trì Tịnh Độ để làm quy củ, chuẩn mực hòng cải ác hướng thiện, hướng lành tránh dữ, siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, ngõ hầu ngay trong đời này liền vượt ra ngoài tam giới lục đạo, vào thẳng chín phẩm sen thất bảo. Nguyện những người tu đều cùng ra sức chú ý. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho cuốn Nhật Tụng Kinh Chú Tuyển Lục)
* Phổ Môn Phẩm Đồ Chứng đáng để làm phương tiện khơi gợi lòng ngưỡng cầu đức Quán Âm. Văn Sao, Gia Ngôn Lục, văn tuy chất phác, vụng về, nhưng [qua những sách ấy] những điều trọng yếu để giữ thân xử thế, trị gia, trị quốc, tu chân ngay trong cõi tục, sống trong cõi trần học đạo đều có thể biết rõ. Nếu có thể thực hành thì tốt lành chi hơn? Nếu chẳng thực hành, chỉ muốn bàn nói điều huyền lẽ diệu cho trơn mồm bóng miệng thì lợi ích đạt được cũng chỉ là ăn nói lưu loát mà thôi! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 3 – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Dương Điển Thần)
Những câu đối do đại sư viết để tự khích lệ
a) Tất tương cách trí thành chánh thố kỷ cung, thị chân hào kiệt,
Bất dĩ thân tâm tánh mạng trí độ ngoại, nãi đại trượng phu
(Tận lực thực hiện cách trí thành chánh[9], thật đáng bậc hào kiệt,
Gác bỏ chẳng màng thân tâm tánh mạng, mới xứng đại trượng phu)
b) Nhữ tương tử khoái niệm Phật, tâm bất chuyên nhất, quyết đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thượng nan cầu, vật vọng tưởng nhân thiên phước quả,
Nhữ tương tử khoái niệm Phật, chí nhược chân thành, tiện dự liên trì, Thanh Văn, Duyên Giác do phất trụ, định khắc chứng đẳng diệu viên thừa
(Ông sắp chết hãy mau niệm Phật, tâm chẳng chuyên nhất, quyết đọa địa ngục, ngạ quỷ súc sanh còn khó mong cầu, chớ vọng tưởng quả phước trời người,
Ông sắp chết hãy mau niệm Phật, chí nếu chân thành, liền dự liên trì, Thanh Văn, Duyên Giác vẫn chẳng muốn trụ, chắc chắn chứng viên thừa đẳng diệu[10])
c) Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, tâm cảnh câu quyên, trực đồng hạo nguyệt cô viên, quang thốn vạn tượng,
Chứng đáo nhất trần bất lập, trí bi song vận, bất dị hạo thiên hạo đãng, thể phú quần luân
(Soi thấy năm uẩn đều không, tâm cảnh đều mất, hệt như vầng trăng vằng vặc, ánh sáng rọi trùm muôn vật,
Chứng đến mảy trần chẳng lập, trí bi cùng vận, khác nào mặt trời rực rỡ, thể tánh che khắp mọi loài)
d) Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp,
Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm
(Niệm Phật mới hòng tiêu túc nghiệp,
Kiệt thành sẽ tự chuyển phàm tâm)
e) Bế hộ cự lai nhân, thống niệm tử kỳ tương chí,
Chuyên tâm tu tịnh nghiệp, thâm tàm đạo nghiệp vị thành
(Đóng cửa chẳng tiếp ai, xót nghĩ thân này sắp chết,
Chuyên tâm tu tịnh nghiệp, thẹn thay đạo nghiệp chưa thành)
f) Trác lập bất di, thường sư Khổng thánh,
Hữu phi tất cải, nghi hiệu Cừ hiền
(Kiên quyết chẳng dời, thường tôn thờ Khổng thánh, Có lỗi bèn sửa, hãy học hạnh Cừ hiền[11])
g) Chứng đạo phương năng siêu lục đạo,
Minh tâm tự khả liễu tam tâm
(Chứng đạo mới hòng siêu lục đạo,
Minh tâm sẽ tự rõ ba tâm)
h) Đạo nghiệp vị thành, cảm sử thử tâm tán loạn,
Tử kỳ tương chí, lực từ nhất thiết ứng thù
(Đạo nghiệp chưa thành, há dám để tâm này tán loạn,
Kỳ chết sắp đến, tận lực từ tạ mọi thù tạc)
i) Duyệt biến trần hoàn nguyên thị huyễn,
Nghiên cùng diệu tánh cấp quy chân
(Xem khắp trần gian đều huyễn ảo,
Xét cùng diệu tánh gấp quy chân)
j) Quả quá vị năng vi ngã hám,
Cư tâm vô ngụy nhậm nhân phi
(Bớt lỗi chưa xong, thường áy náy,
Giữ lòng không dối, mặc người sai)
PHỤ LỤC
* Thư trả lời cư sĩ Trí Viên
(Phần đầu lược đi) Vãng sanh Tịnh Độ cố nhiên quý ở chỗ tu lâu, nhưng chỗ đáng trọng chính là chí nguyện quyết định chẳng đổi dời! Nếu suốt đời niệm Phật nhưng tâm thường mong mỏi phước báo nhân thiên, dù có tinh tấn, nhưng tâm nguyện vẫn tham luyến cõi Sa Bà này, còn mong chi được vãng sanh Cực Lạc? Vì thế biết: Tín Nguyện quả thật là căn cứ lớn lao để chúng ta sanh về Tây Phương.
Cảnh tượng lúc lâm chung của ông Trương Đức Du rất tốt, một là vì chính mình quyết chí, hai là được mọi người trợ niệm, may mắn không có kẻ phá hoại. Hạng người này công hạnh rất cạn, nếu không được trợ niệm, lại còn có kẻ phá hoại sẽ chẳng có hy vọng gì được vãng sanh. Lâm chung trợ niệm rất tốt, nhưng lúc bình thường vẫn nên đem sự lợi ích do trợ niệm trong lúc lâm chung, nỗi họa hại do bị kẻ khác phá hoại [chánh niệm] nói với hết thảy mọi người khiến cho con cháu, quyến thuộc đều giúp đỡ, chẳng đến nỗi phá hoại. Mời người khác trợ niệm thì có khi người ta không thể làm được; nếu quyến thuộc biết rõ, lợi ích sẽ to lớn lắm! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2)
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Trọn Bộ
(Hoàn tất cảo bản ngày 16 tháng 08 năm 2009 – Giảo duyệt hoàn tất ngày 12 tháng 11 năm 2009)
[1] Linh Thứu (Grdhrakūta) dịch âm là Kỳ Xà Quật, thường gọi tắt là Linh Sơn, Thứu Nhạc, hoặc Thứu Phong, nằm về phía Đông Bắc kinh đô Vương Xá của nước Magadha. Do núi có hình giống đầu chim Thứu (kên kên), trong núi lại có nhiều giống chim ấy nên thành tên. Tại tinh xá nơi núi này, Phật đã giảng rất nhiều bộ kinh Đại Thừa.
[2] Có hai cách hiểu chữ Chánh Biến Tri:
1) Chánh Biến Tri (Samyak-sambuddha), còn được dịch âm là Tam Miệu Tam Phật Đà, hoặc dịch nghĩa là Chánh Biến Giác, Chánh Chân Đạo, Chánh Đẳng Giác, Chánh Đẳng Chánh Giác, hoặc Chánh Đẳng Giác Giả, là một trong mười hiệu của đức Phật. Danh hiệu này hàm nghĩa vị giác ngộ hiểu biết chân chánh trọn khắp hết thảy các pháp.
2) Danh từ Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyaksambodhi) cũng được phiên dịch là Chánh Biến Tri hay Chánh Biến Tri Đạo, chỉ cho sự chứng ngộ do hiểu biết chân chánh trọn khắp bản thể của hết thảy các pháp.
Dựa theo mạch văn ở đây, chữ Chánh Biến Tri phải hiểu theo nghĩa thứ hai.
[3] Đạt Sanh Thiên là một thiên sách nói về cách đoạn dục để dưỡng thai do cư sĩ Cức Trai biên soạn, xin xem chi tiết trong “Lời tựa tái bản hai thiên sách Đạt Sanh và Phước Ấu” được đánh số 37 trong phần Tự của Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ.
[4] Tông Lặc (1318-1391) là một vị Tăng thuộc tông Lâm Tế, sống vào đầu đời Minh, người Thai Châu (nay là huyện Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang), có hiệu là Toàn Thất. Năm tám tuổi, Sư đã đến xin học với ngài Tiếu Ẩn tại chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu, 14 tuổi được xuống tóc, 20 tuổi thọ Cụ Túc. Do sở học tinh thâm, Sư cùng với sư Như Phi soạn Lăng Già Kinh Chú Giải, Bát Nhã Tâm Kinh Chú Giải và Kim Cang Bát Nhã Kinh Chú Giải. Sư còn soạn ra Tán Phật Nhạc Chương. Năm Hồng Vũ thứ 10 (1377), Sư qua Tây Vực cầu pháp, thỉnh được các kinh Trang Nghiêm Bảo Vương và kinh Văn Thù v.v… Khi về nước, Sư từng giữ chức Hữu Thiện Thế quản nhiệm Tăng Lục Ty, tức cơ quan quản lý Tăng sĩ cả nước thời ấy. Do triều thần ghen ghét, Sư bèn lui về ẩn cư tại Viên Thông Am cho đến khi mất. Bản chú giải được Tổ Ấn Quang nhắc đến ở đây chính là Kim Cang Bát Nhã Kinh Chú Giải.
[5] Tịnh Hạnh Phẩm là phẩm thứ bảy trong bản Bát Thập Hoa Nghiêm do ngài Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời Đường. Trong phẩm này, Trí Thủ Bồ Tát hỏi Văn Thù Bồ Tát về phương pháp giữ cho thân – ngữ – ý đều thanh tịnh, thù thắng, không bị hủy hoại, không bị thoái chuyển, cũng như đắc các môn giải thoát tam-muội nhiễm tịnh trí lực, túc trụ niệm trí lực v.v… Nhân đó, Văn Thù Bồ Tát liền dạy phương pháp quán niệm trong mỗi hành động, chẳng hạn như: “Bồ Tát ở tại gia, nên nguyện chúng sanh, biết tánh của nhà là không, thoát khỏi bức bách, hiếu thuận cha mẹ, nên nguyện chúng sanh, khéo thờ đức Phật, bảo vệ, nuôi nấng hết thảy. Vợ con tụ tập, nên nguyện chúng sanh, oán thân bình đẳng, vĩnh viễn lìa khỏi tham đắm…” Thậm chí trong những hành động nhỏ nhặt như xỉa răng, súc miệng, tắm rửa, đi vệ sinh, đều luôn quán tưởng. Những bài kệ trong Tỳ Ni Nhật Dụng đều trích từ phẩm Tịnh Hạnh. Ba câu Tự Quy Y trong kinh Nhật Tụng cũng trích từ phẩm Tịnh Hạnh này. Câu “được thức ăn ngon, trọn thỏa ý nguyện, tâm không còn mong muốn” được tổ Ấn Quang nhắc đến ở đây chính là một phép quán niệm trích từ phẩm Tịnh Hạnh.
[6] Thất Phật là Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Phù Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật. Sáu vị trước đều là những vị Phật tại thế giới Sa Bà trong quá khứ. Những bài kệ truyền pháp của các vị Phật này được chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục.
[7] Ba mươi ba vị Tổ là những tổ sư nhà Thiền, theo truyền thống Thiền Tông Trung Hoa gồm 28 vị Tổ Ấn Độ và sáu vị tổ Trung Hoa (tổ Đạt Ma được kể là tổ 28 của Thiền Tông Ấn Độ, đồng thời là sơ tổ Thiền Tông Trung Hoa) gồm: 1) Ma Ha Ca Diếp 2) A Nan 3) Thương Na Hòa Tu 4) Ưu Ba Cúc Đa 5) Đề Đa Ca 6) Di Già Ca 7) Bà Tu Mật 8) Phật Đà Nan Đề 9) Phục Đà Mật Đa 10) Hiếp tôn giả (vị này do chưa bao giờ đặt lưng nằm xuống giường nên có tên như vậy) 11) Phú Na Dạ Xa 12) Mã Minh Bồ Tát 13) Ca Tỳ Ma La 14) Long Thọ Bồ Tát 15) Ca Na Đề Bà 16) La Hầu La Đa 17) Tăng Già Nan Đề 18) Già Da Xá Đa 19) Cưu Ma La Đa 20) Xà Dạ Đa 21) Bà Tu Bàn Đậu 22) Ma Noa La 23) Hạc Lặc Na 24) Sư Tử 25) Bà Xá Tư Đa 26) Bất Như Mật Đa 27) Bát Nhã Đa La 28) Bồ Đề Đạt Ma 29) Huệ Khả 30) Tăng Xán 31) Đạo Tín 32) Hoằng Nhẫn và 33) Huệ Năng.
[8] Trong Dịch học, phương Khôn tượng trưng cho Đất, là quẻ thuần Âm nên thường dùng để ví cho nữ giới và đạo làm vợ.
[9] Cách vật, trí tri, chánh tâm, thành ý.
[10] Bình đẳng, vi diệu.
[11] Tức Cừ Bá Ngọc, người sống cùng thời Khổng Tử, nổi tiếng với câu nói “đến năm tròn năm mươi tuổi, biết bốn mươi chín năm trước đều sai”.