ẤN QUANG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC TỤC BIÊN 
印 光 法 師 嘉 言 錄 續 編
Hậu học Thích Quảng Giác & quy y đệ tử Từ Chí Giác đảnh lễ cung kính biên tập
Pháp sư Đức Sâm giám định
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang & Đức Phong

 

V. Miễn cư tâm thành kính (Khuyên giữ lòng thành kính)

* Một pháp Kính chính là căn bản để học đạo thế gian lẫn xuất thế gian. Nếu chẳng trọng lòng kính, giữ lòng thành, dù có sở ngộ, vẫn chẳng thể được lợi ích thật sự. Hễ rơi vào cuồng huệ, chắc chắn khó thể sự lý viên dung. Thiên chấp lý tánh, chẳng trọng tu trì, tuy thấy Lý chẳng lầm, cũng chẳng khác gì tà ma, ngoại đạo cho mấy! Huống chi đã chấp Lý phế Sự thì cái Lý được ngộ cũng khó thể thích đáng.

Do vậy, nói: “Bất quý tử kiến địa, chỉ quý tử hành lý” (Chẳng quý chỗ kiến địa của ông, chỉ quý chỗ ông thực hiện). Đấy chính là cái bẫy sập lớn cho người thông minh trong cả cõi đời; chẳng mắc phải bệnh này mới đáng gọi là thông minh. Nếu không, thông minh lại bị thông minh làm cho lầm lạc, biến thành hạng người tự lầm, lầm người. (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Quách Trang Ngộ)

* Tôi thường nói: “Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, phải cầu nơi cung kính. Có một phần cung kính liền tiêu được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ”. Nếu chẳng cung kính mảy may thì tụng kinh niệm Phật tuy chẳng phải là không được mảy may lợi ích nào, nhưng trước hết phải chịu cái tội khinh nhờn, đọa lạc trong tam đồ bao nhiêu kiếp! Tội trả hết rồi, sẽ nhờ vào nhân lành ấy lại được nghe pháp, tu đạo, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử.

Nếu đời này cạn lòng thành, dốc hết lòng kính thì trong đời này sẽ có thể cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh Tây Phương. Hễ được vãng sanh bèn siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn lìa các khổ, chỉ hưởng những sự vui vậy! (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư răn nhắc những người mới phát tâm học Phật ở quê tôi)

* Chỉ có cung kính, chí thành mới hoàn toàn đạt được lợi ích thật sự nơi Phật pháp. Ngoài ra, tùy theo lòng Thành lớn hay nhỏ mà được lợi ích lớn hay nhỏ. Nếu chỉ phô trương, màu mè giả dối hầu sướng mắt khoái tai người khác thì rất có thể lại phạm tội khinh nhờn. (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Trả lời thư cư sĩ Trần Trọng Vi)

* Người thật sự tin tưởng Phật pháp thấy hết thảy các vị Tăng còn kính lễ, huống gì đối với vị thầy quy y ban đầu ư? Nếu đích thân [đến] quy y, phải dập đầu mấy chục lượt, quỳ hơn một tiếng đồng hồ. Dẫu nói dễ dãi, không thăng tòa[1] thì cũng phải dập đầu mười mấy lượt. Do xem thư ông lời lẽ khá kiền thành, nên bỏ qua, nhưng vẫn phải nói rõ cho ông, chứ không phải mong được ông cung kính, mà là muốn cho ông biết Phật pháp tôn quý, ngõ hầu ông tự được lợi ích thật sự. Nếu cung kính [tượng] đức Phật bằng đất nặn, gỗ khắc như đức Phật thật thì liền có thể siêu phàm nhập thánh. Nếu coi là đất – gỗ y như cũ thì tội ấy chẳng kham nói được! Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, nên hướng đến sự cung kính mà cầu. Ông có thể hành theo đây thì lợi ích ấy chỉ có đức Phật biết được. (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực)

* Chí thành niệm Phật, lợi ích ấy lớn lắm. Đời có kẻ ngu chẳng biết vì sao Phật là Phật, thường chấp chết cứng lẽ cung kính, chẳng biết biến – thông, [chẳng hạn] như ăn mặn thì chẳng dám niệm. Lại như nữ nhân khi có kinh nguyệt hoặc sanh nở bèn chẳng dám niệm. Phải biết: Ăn chay là tốt nhất, nhưng ăn mặn cũng vẫn niệm được. Có kinh nguyệt thì hãy thường rửa ráy sạch sẽ, đừng dùng tay bẩn chưa rửa chạm vào kinh, tượng và thắp hương v.v… Hễ rửa ráy sạch sẽ thì chẳng ngại gì.

Nữ nhân khi sanh nở phải niệm “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” ra tiếng, chắc chắn chẳng đến nỗi bị sanh khó. Dẫu bị sanh khó mà chịu chí thành niệm Ngài, cũng chắc chắn sanh ngay. Điều này trước kia Quang không nói, sau này nghe rất nhiều người hoặc mấy ngày mới sanh được, hoặc phải mổ, hoặc do sanh nở mà chết, nên thường nói với hết thảy mọi người: Nếu khi sanh nở mà niệm [Quán Thế Âm Bồ Tát] thì không ai bị khó sanh!

Lúc bình thường ắt phải cung kính, khiết tịnh; còn lúc ấy (tức lúc sanh nở) lõa lồ bất tịnh vốn là chuyện bất đắc dĩ, [là chuyện] có liên quan đến tánh mạng. Chỉ cần trong tâm chí thành, chẳng cần phải luận trên hình tướng bề ngoài. Nếu là lúc bình thường, ắt cần phải mũ áo tề chỉnh, tay lẫn mặt đều sạch sẽ thì mới được niệm ra tiếng. Nếu không, chỉ niệm thầm trong tâm thì công đức vẫn giống hệt như vậy. Vì thế, lúc ngủ nghỉ, tắm rửa, tiêu tiểu, hoặc đến chỗ không sạch sẽ, đều niệm thầm trong tâm.

Chỉ khi nữ nhân đang sanh nở thì cần phải niệm ra tiếng vì niệm trong tâm thì tâm lực yếu, khó thể cảm thông. Nếu lại gắng sức, sợ bị thương tổn. Vì thế, hãy nên niệm ra tiếng. Ông đã muốn quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Tông Từ. Tông (宗) là chủ, lấy tâm từ bi làm chủ để làm chuyện tự lợi, lợi tha thì mới không uổng kiếp sống này, chẳng phí dịp gặp gỡ này. (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời một cư sĩ ở Diêu Duy)

* Người học Phật ban đêm đừng ngủ trần truồng, phải mặc áo, quần đùi, tâm thường như đối trước Phật. Ăn cơm chớ nên quá mức. Cơm ngon đến đâu đi nữa, chỉ ăn đến tám chín phần [là tối đa]. Ăn mười phần đã chẳng có ích cho người; ăn mười mấy phần ắt tạng phủ bị thương tổn. Thường ăn như thế nhất định bị đoản thọ. Hễ ăn quá nhiều, tâm hôn trầm, thân mỏi mệt, tiêu hóa chẳng kịp, ắt phải trung tiện. Chuyện trung tiện là chuyện tệ nhất, là chuyện gây nên tội lỗi lớn nhất. Nơi Phật điện, tăng đường, đều phải cung kính; như thắp hương chẳng qua để biểu lộ tấm lòng, chứ xét rốt ráo ra, chẳng có loại nào đáng xem là hương cả! Nếu ăn nhiều, vãi trung tiện hết sức hôi thối, khiến cho hơi thối ấy xông sực Tam Bảo, tương lai ắt sanh làm loài giòi trong hầm phân. Chẳng ăn quá mức sẽ chẳng phóng trung tiện!

Nếu như dùng chất lạnh, cảm thấy không ổn, hễ vô sự bèn đi ra chỗ trống xả ra, đợi đến khi tan mùi lại quay vào trong nhà. Nếu có việc chẳng ra ngoài được, hãy nên dùng sức kềm lại, chưa đầy một khắc nó sẽ tan mất trong bụng. Có người nói chẳng phóng ra sẽ thành bệnh; lời lẽ này còn nặng tội hơn chuyện phóng trung tiện, vạn phần chớ nghe theo! Đức Phật chế giới luật chưa nhắc đến sự này; có lẽ cổ nhân thân thể khỏe mạnh, lại không tham ăn, không có chuyện này, cho nên không nói đến. Nếu có, ắt Phật phải nói. Chớ nói Phật không cấm cho nên cứ việc phóng, đấy chính là tự cầu đọa lạc, Phật cũng khó cứu!

Khổng Tử dùng tư cách của bậc thánh nhân triều kiến bậc quốc quân (vua một nước) phàm phu, khi sắp lên điện, ở dưới thềm, còn chẳng dám thở mạnh, huống chi lúc đã vào điện gặp mặt vua! Vì thế, sách Luận Ngữ chép: “Nhiếp tề thăng đường, cúc cung như dã. Bình khí, tự bất tức dã” (Nâng vạt áo lên điện, khom mình như thế đó, nín hơi như không thở) (Nhiếp 攝: Nâng. Tề 齊, đọc như Tư 咨[2], nghĩa là vạt áo. Cúc 鞠: uốn cong. Bình 屏: giấu kín. Tức 息: Hơi thở từ trong mũi. Khổng Tử triều kiến vua, lúc sắp lên điện, trước hết đi khom mình. Do khom mình nên vạt áo trước dài hơn, cho nên phải nâng hai mép vạt áo lên cách mặt đất khoảng chừng một thước mới chẳng đến nỗi đạp lên áo, vấp té, thất lễ! Nghiêm túc đến cùng cực, cho nên hơi thở trong mũi tựa hồ chẳng thoát ra. Hãy thử xem Ngài kiêng dè đến mức độ nào? Người đời nay so với Khổng Tử kém xa lắm, vua khi ấy so với Phật lại kém thật xa nữa! Phóng trung tiện so với thở ra lại càng khác xa lắm. Im lặng suy nghĩ, khác gì đại địa chẳng có chốn dung thân, há chẳng cực lực lưu tâm ư?) Chúng ta là nghiệp lực phàm phu ở trong Phật điện của bậc Thánh Trung Thánh, Thiên Trung Thiên (thánh của các thánh, trời của các trời), nơi có đủ Tam Bảo, sao dám chẳng kiềm chế, mặc tình trung tiện ư? Tội lỗi ấy lớn nhất không gì sánh bằng!

Có lắm kẻ do chẳng xem nhiều trước thuật của cổ đức, nên tưởng là cổ đức không nói đến. Chẳng biết cổ đức nói rất khéo, gọi đó là “tiết hạ khí” (hơi rỉ ra từ bên dưới). Họ cũng chẳng hiểu câu đó có nghĩa là gì, chẳng thèm để ý. Ba mươi, bốn mươi năm trước, Quang thường nói đến chuyện này, về sau thử hỏi lại, người ta chẳng biết là chuyện gì! Do vậy, tốt nhất cứ nói thẳng là “trung tiện”. Trong tuồng hát, hễ chửi người khác nói buông tuồng bèn nói: “Lời ngươi nói như thả rắm”. Phàm có chuyện gì kinh sợ, đều chẳng dám thở mạnh, làm sao còn đánh trung tiện được? Do buông tuồng không kiêng dè, nên mới trung tiện! Chớ có nói “nhắc đến chuyện trung tiện nghe không nhã”, thật ra, tôi vì muốn tạo cách cứu người khỏi bị làm giòi trong hầm phân! (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư răn nhắc những người mới phát tâm học Phật ở quê tôi)

* Sáng dậy và lúc đại tiểu tiện xong, phải rửa tay. Phàm sờ lên thân, mò xuống chân đều phải rửa tay. Trong những tháng mùa Hạ, ống quần chớ buông thùng thình, phải bó lại. Tùy tiện khạc đàm, hỉ mũi là chuyện tổn phước lớn lắm! Đất Phật thanh tịnh, chẳng những trong điện đường chẳng được khạc nhổ, hỉ mũi, mà ngay cả trên cuộc đất sạch phía ngoài điện đường cũng chẳng nên khạc nhổ, hỉ mũi. Nhổ trên đất sạch sẽ tạo thành vẻ dơ bẩn!

Có kẻ luông tuồng chẳng kiêng dè, khạc bừa ra đất hay khạc lên vách trong phòng! Một gian phòng đẹp đẽ mà khắp đất, đầy tường toàn là đàm. Kẻ ấy khạc đàm để ra vẻ hống hách, lâu ngày thành bệnh, hằng ngày thường khạc; tinh hoa của đồ ăn thức uống đều biến thành đàm hết.

Nếu chịu nuốt đàm xuống, lâu dần sẽ không còn đàm nữa. Đấy là cách hay nhất để dùng đàm diệt đàm. Nếu chẳng thể nuốt xuống, hãy nên bỏ một cái khăn lau đàm trong tay áo, khạc lên đó xong lại bỏ vào trong tay áo. Cách này cũng vừa mệt người, lại không sạch sẽ, chẳng bằng nuốt xuống, vừa không mệt người, vừa chẳng ô uế, lại vĩnh viễn không bị bệnh đàm. Đây là cách hay nhất để trị bệnh đàm. (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư răn nhắc những người mới phát tâm học Phật ở quê tôi)

* Xem kinh luận và các loại sách vở chớ nên vội vã. Phải xem nhiều lần, xem gấp rút sẽ chẳng thể ngưng lặng được, khó lòng thấu đạt ý chỉ. Kẻ hậu sinh hơi thông minh, được một bộ kinh sách bèn quên ăn bỏ ngủ để xem, coi một lần là xong liền. Lần thứ hai không còn hứng thú xem nữa. Dù có xem, cũng giống như vẻ mất hồn ngơ ngẩn. Những loại người này đều chẳng thể thành tựu, hãy nên tận lực ngăn ngừa! Tô Đông Pha nói: “Cựu thư bất yếm bách hồi độc. Thục độc thâm tư tử tự tri” (Sách cũ trăm lần xem chẳng chán; đọc kỹ, nghĩ sâu ắt tự biết).

Khổng Tử là bậc thánh nhân thông minh thiên phú còn đọc kinh Dịch đến độ ba lần đứt lề sách. Với tư cách của Khổng Tử, vừa qua mắt liền thuộc lòng, cần gì phải nhìn vào văn để đọc nữa? Do vậy, ta biết: Nhìn vào văn có điểm rất tốt. Đọc thuộc thì phần lớn là miệng đọc qua trơn tru, còn xem văn thì mỗi chữ, mỗi câu đều biết được chỉ thú. Chúng ta nên học theo cách này, chớ nên tỏ vẻ chính mình thông minh, chuyên đọc thuộc lòng. Thời Khổng Tử không có giấy. Phàm là sách thì được viết trên tấm gỗ hoặc viết trên thẻ tre (trúc giản 竹簡, tức là thẻ bằng tre). Sáu mươi tư quẻ Dịch do Phục Hy[3] vạch ra. Phần Thoán[4] mở đầu sáu mươi bốn quẻ do Văn Vương soạn. [Ý nghĩa của] sáu hào trong mỗi quẻ do Châu Công định ra. Ngoài ra, phần Thoán Truyện, Tượng Truyện của Thượng Kinh, phần Thoán Truyện, Tượng Truyện của Hạ Kinh và phần Văn Ngôn của hai quẻ Càn Khôn, Hệ Từ Thượng Truyện, Hệ Từ Hạ Truyện, Thuyết Quái Truyện, Tự Quái Truyện, Tạp Quái Truyện[5], được gọi chung là Thập Dực, đều do Khổng Tử biên soạn. Nếu chỉ xét theo số lượng chữ thì phần biên soạn của Khổng Tử gấp mười mấy lần phần trước tác kinh Dịch của Văn Vương, Châu Công. Nhưng Khổng Tử đọc kinh Dịch của Văn Vương, Châu Công, rốt cuộc đến nỗi dây buộc sách bằng da thuộc bị mòn đứt ba lần, đủ biết số lần đọc chẳng thể tính đếm xuể! Chúng ta hằng đọc kinh Phật, trì Phật danh giống như Khổng Tử đọc kinh Dịch ắt sẽ có thể dùng lời Phật, phẩm đức của Phật mà un đúc cái tâm nghiệp thức của chính mình trở thành trí huệ tạng của Như Lai. Pháp tắc để chuyên tu Tịnh Độ gồm có Tịnh Độ ngũ kinh, Tịnh Độ Thập Yếu và các trước thuật Tịnh Độ, ở đây không ghi đầy đủ nữa! (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư răn nhắc những người mới phát tâm học Phật ở quê tôi)

* Phan Mậu Xuân đã muốn quy y, tự viết thư xin, sao chẳng có lấy một lời khẩn cầu, mà cũng chẳng có chữ nào tỏ vẻ nhún nhường? Nếu bảo là ông ta không biết thì ông cũng không biết hay sao? Trong thế gian, đi đường muốn hỏi lối nơi người khác, còn phải chắp tay tỏ vẻ cung kính, huống gì quy y Tam Bảo, muốn nhờ vào đó để liễu sanh thoát tử, rốt cuộc lại xem như chuyện đối xử với người bình thường thì thật là không thông hiểu sự việc quá sức! Quang nói lời này không phải là mong được người khác cung kính, mà là về lý thì phải nên như thế. Nếu không nói, suốt cả đời ông ta cũng chỉ là một người không hiểu chuyện vậy.

Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh lễ Ngọc Lâm thiền sư làm thầy, được đặt pháp danh là Hành Si. Vua viết thư cho đồ đệ của ngài Ngọc Lâm là Hành Sâm, còn ký tên là “pháp đệ Hành Si hòa-nam”. Hòa-nam (Vandanam) là rập đầu vậy. Hoàng đế đối với đồng môn còn như thế, huống là đối với thầy ư? Quy củ thơm thảo ấy há nên chẳng biết ư? Cổ nhân nói: “Hạ nhân bất thâm, bất đắc kỳ chân” (Chẳng hạ mình trước người thật sâu, chẳng đạt được lẽ thật); chứ không nói: “Thâm hạ ư nhân, nhân tắc tận tâm giáo đạo” (Hạ mình trước người thật sâu, người ta sẽ tận tâm dạy dỗ). Bởi lẽ chính mình chẳng thể sanh tâm cung kính, dù người ta có chịu dạy, nhưng trong tâm chính mình có những điều ngạo mạn gây chướng, sẽ chẳng được lợi ích! Ví như trên đỉnh núi cao chẳng đọng một giọt nước, nên [cây cối] chẳng thể sum xuê được! Không riêng gì học Phật phải như thế, mà ngay cả học lấy một tài, một nghề trong thế gian cũng phải như thế. [Nghề nghiệp] trong thế gian chỉ là cách kiếm sống bằng thân hay bằng miệng, còn Phật pháp chính là nguồn cội của Tánh đạo. Mối quan hệ nặng – nhẹ cố nhiên khác biệt vời vợi một trời một vực. Xin hãy đem lời này đưa cho ông ta xem.

Nhưng tôi nay chỉ quan tâm đến cái tâm, chẳng quản đến vẻ ngoài, đặt pháp danh cho ông ta là Huệ Mậu. Nghĩa là dùng trí huệ để mình tự cố gắng, khuyến khích người khác, khiến cho ai nấy đều giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, sanh tín phát nguyện, niệm thánh hiệu của Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Làm được như thế thì chính là đệ tử thật sự của đức Phật. Nếu không, chỉ có cái tên, chẳng được lợi ích thật sự. Những điều khác đã nói tường tận trong bộ Gia Ngôn Lục, ở đây không viết cặn kẽ! (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Vương Thọ Bành – 2)

* Đã biết hổ thẹn sám hối, cớ sao vẫn hành động y như cũ, ác chẳng thấy giảm, thiện chẳng thấy tăng vậy? Không có chi khác cả! Vì tâm chẳng chí thành vậy! Nếu tâm lấy chí thành làm chủ, lẽ nào biết rồi mà vẫn cố phạm? Biết mà tâm vẫn cố phạm là vì tâm thật ra chẳng có lòng thành khẩn, quyết định đổi lỗi hướng thiện mà ra! Chính ông đã muốn làm hiền nhân, thiện nhân thì tự có thể xa lìa tập khí ác. Kẻ chẳng thể xa lìa [tập khí ác] là vì tâm chẳng quyết định; nếu hời hợt, chơi vơi, chần chừ, khinh mạn, sẽ khó tránh khỏi quay về đường cũ! (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Kim Ích Bình – 2)

* Nếu ông chịu sốt sắng tự suy xét tội lỗi của chính mình, cần chi tôi phải nói nhiều? Nội hai chữ Tông Thành đã bao quát sạch cả rồi! Con người nếu tâm không hư ngụy, chắc chắn chẳng đến nỗi không chịu sửa lỗi hướng lành. Ví như ta thật sự biết kẻ nào muốn hại ta, dù hắn có lắm lời ngon lẽ ngọt dụ dỗ, chắc chắn ta chẳng để hắn gạt rồi giao phó tánh mạng. Chịu bị lừa chính là kẻ chẳng biết tốt – xấu! Đã có kẻ đối đầu lớn lao liên quan đến tánh mạng, sao còn chịu để cho hắn lừa? Đấy gọi là “cầu người khác nói ra phương cách mầu nhiệm để bảo vệ thân mạng cho ông”, có ích lợi gì đâu? (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Kim Ích Bình – 2)

* Hết thảy chúng sanh đều sẵn có Tánh Đức, nhưng rất ít có Tu Đức. Nay đã phát tâm học Phật là do từ Tánh Đức khởi lên Tu Đức. Tuy có tâm ấy, nhưng nếu chẳng kiệt thành tận kính tu trì thì Tu Đức chẳng thể tăng trưởng, Tánh Đức vẫn bị phiền não ác nghiệp gây chướng ngại như cũ, chẳng thể hiển hiện được! Như mặt trời trong mây, trọn chẳng thấy được tướng sáng. Vì thế, phải phấn chấn tinh thần, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, làm các điều lành trong thế gian.

Lại phải cạn lòng thành, tột lòng kính, sanh tín, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương để tu pháp xuất thế gian. Trong thế gian, học một tài, một nghề, đều phải dốc hết toàn bộ tinh thần thì mới có thể thành được. Nay là phàm phu sát đất, lại muốn ngay trong đời này siêu phàm nhập thánh liễu sanh thoát tử, há chẳng phát khởi mạnh mẽ chí hướng lớn lao nâng cao tinh thần mà thành được ư? (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Thôi Đức Chấn – 1)

* Chuyện trong thiên hạ đều lấy lòng Thành làm căn bản. Lòng Thành đến mức cùng cực thì đá – vàng cũng phải nứt. Thành tích, hiệu quả thật sự đều cậy vào lòng Thành. (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời răn dạy khích lệ các học trò ghi sau cuốn Quy Ước của Cô Nhi Viện Phật giáo chùa Pháp Vân)

* Muốn mai sau được thành tựu thì phải lập chí hành sự từ ngay bây giờ, cần phải trung hậu, siêng năng, cẩn thận, khiêm cung, hòa thuận, tâm và miệng như một, những gì được biểu lộ ra ngoài chẳng khác những gì ẩn kín trong lòng, thường giữ lòng hổ thẹn, đừng tự kiêu căng, sáng – tối chí thành niệm Phật để mong tiêu trừ túc nghiệp, tăng trưởng thiện căn, chuyện gì cũng lấy lòng Thành làm gốc, niệm niệm thường tự soi xét tự tâm (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời răn dạy khích lệ các học trò ghi sau cuốn Quy Ước của Cô Nhi Viện Phật giáo chùa Pháp Vân)

* Các pháp thế gian và xuất thế gian không gì chẳng lấy lòng Thành làm gốc. Những người tu hành càng phải nên chí thành. Hễ có lòng Thành thì nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng. Phàm lúc tụng kinh, ắt phải dứt bặt lo nghĩ, vọng duyên, nhất tâm tịnh niệm như đối trước thánh dung, đích thân nghe viên âm, chẳng dám manh nha chút niệm lười nhác, coi thường! Lâu ngày chầy tháng sẽ tự ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu. Ví như ánh nắng Xuân vừa chiếu đến, băng cứng tự tiêu tan. Lòng Thành đến mức cùng cực sẽ hoát nhiên thông suốt. Đấy chính là cách hay nhất để xem kinh, niệm Phật. Bà có thể suốt đời hành theo cách này thì lợi ích sẽ chẳng thể nào diễn tả được! (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Đôi lời đề tựa cho cuốn A Di Đà Kinh của nữ sĩ Vương Tông Ý)

* Nay gởi cho ông Một Bức Thư Trả Lời Khắp và hai gói kinh sách gồm Tịnh Độ Ngũ Kinh, Thập Yếu, Văn Sao v.v… Nếu chịu lắng lòng đọc kỹ, ắt sẽ có thể biết rõ tông chỉ Tịnh Độ, nhưng cần phải cung kính, đừng nên đọc theo kiểu đọc sách Nho, trọn chẳng cung kính gì! Nhà Nho chẳng kính trọng sách nên cõi đời loạn lạc không ngơi. Nếu nhà Nho kính trọng sách thì hễ là người đọc sách đều là hạng mong thành thánh thành hiền, đâu đến nỗi loạn lạc cùng cực như thế này? Đọc kinh sách trong Phật pháp ắt phải tay sạch, bàn sạch, ngồi ngay ngắn như đối trước đức Phật, đích thân nghe viên âm. Nếu làm được như thế, thì nghiệp chướng ngày một tiêu, trí huệ ngày một tăng trưởng. (Hoằng Hóa Nguyệt San số 12 – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Phí Sư Mẫn)

* Kệ hồi hướng lễ niệm Quán Âm Bồ Tát

Kính lạy Quán Thế Âm, từ bi đại đạo sư, chứng vô thượng đã lâu, an trụ Thường Tịch Quang. Vì thương chúng sanh khổ, lại hiện thân mười cõi, nên dùng thân nào độ, liền hiện ngay thân ấy. Gần là sanh đường lành, xa là chứng Bồ Đề. Bồ Tát từ bi lực, chư Phật thuật chẳng trọn. Đệ tử con tên là… từ vô thủy đến nay, do bởi sức ác nghiệp, luân hồi trong sáu nẻo, trải qua trần sát kiếp, không cách nào thoát lìa, may nhờ túc thiện căn, được nghe tên Bồ Tát, muốn nương sức từ bi, đời này sanh Tịnh Độ. Xưng thánh hiệu dài lâu, kiêm lễ bái, cúng dường, sám hối các ác nghiệp, tăng trưởng các thiện căn. Nguyện rủ lòng từ mẫn, tiêu diệt các tội chướng, phóng quang chiếu thân con, duỗi tay xoa đầu con, cam lộ rưới đỉnh con, gột phiền cấu tâm con, khiến cho thân tâm con, đều được thanh tịnh cả. Con nguyện hết thân này, đến tận kiếp vị lai, nguyện bảo khắp chúng sanh, ân đức của Bồ Tát, khiến họ đều quy y, đều phát tâm Bồ Đề. Nguyện rủ lòng từ mẫn, chứng minh và nhiếp thọ. (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 6 – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 3, phần Kệ Tụng)

 

[1] “Thăng tòa” ở đây có nghĩa là vị pháp sư truyền giới lên pháp tòa, trước hết dạy người muốn quy y sám hối, phát nguyện quy y Tam Bảo, đảnh lễ cầu giới, phát nguyện thọ giới.

[2] Âm Quan Thoại cùng đọc hai chữ này gần giống nhau.

[3] Phục Hy: Còn được gọi là Bào Hy, hoặc Thái Hạo, theo truyền thuyết sống vào khoảng 8.000 hoặc 7.500 trước Công Nguyên, là một trong ba vị thánh vương (Tam Hoàng, tức Phục Hy, Hoàng Đế, Thần Nông) của Cổ Trung Hoa. Ông và bà Nữ Oa (có thuyết nói họ là anh em, nhưng thường được hiểu là vợ chồng) được coi là thủy tổ của nhân loại trong văn hóa Hoa Hạ. Theo đó, cả ông và Nữ Oa đều có nửa thân dưới là rắn. Ông ta đóng đô tại Uyển Khưu (nay là huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam). Theo thần thoại, Phục Hy lên đàn hình vuông, nghe tiếng gió thổi đến từ tám phía, bèn nghĩ ra Bát Quái.

[4] Trong Kinh Dịch, mỗi quẻ có một lời giảng tổng quát ý nghĩa của quẻ ấy gọi là Thoán (彖). Lời giải thích ý nghĩa mỗi một Hào (爻, tức một vạch liền hoặc đứt) trong một quẻ gọi là Hào Từ (tương truyền do Châu Công soạn).

[5] Kinh Dịch được chia thành hai phần: Thượng Kinh gồm 30 quẻ đầu, Hạ Kinh gồm 34 quẻ sau. Thập Dực (十 翼) có nghĩa là mười cái cánh. Đa phần các nhà chú giải cho rằng: Phần Thoán và phần Hào giống như con chim đã trọn vẹn hình rồi, thêm Thập Dực như chắp cánh thêm lông cho con chim được thêm toàn vẹn. Thời cổ, chữ Truyện có nghĩa là lời giải thích kinh điển. Thoán Truyện là lời giải thích cho rõ ý nghĩa phần Thoán Từ. Tượng Truyện là phần giải thích ý nghĩa của Tượng được biểu thị bởi mỗi quẻ (Đại Tượng), phần giải thích tượng của mỗi hào gọi là Tiểu Tượng. Theo cụ Nguyễn Hiến Lê, Tượng (象) có nghĩa là hình thái, như câu “tại thiên thành tượng, tại địa thành hình” (trên trời thành tượng, dưới đất thành hình); nó còn có ý nghĩa là biểu tượng như câu “Thiên thùy tượng, kiến cát, hung; thánh nhân tượng chi” (Trời hiện ra hình tượng, thấy điềm lành, điềm dữ, thánh nhân phỏng theo đó lập nên biểu tượng). Hệ Từ truyện thường được hiểu là phần giải thích chung cho mỗi quẻ và hào. Văn Ngôn Truyện là phần giảng về lời kinh văn, nhưng chỉ chú trọng vào ý nghĩa hai quả Thuần Càn và Thuần Khôn. Thuyết Quái Truyện giảng về ý nghĩa tám quẻ đơn (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài). Tự Quái Truyện giải thích về thứ tự các quẻ (lý do tại sao lại sắp các quẻ theo thứ tự đó). Tạp Quái Truyện giải thích linh tinh về một số quẻ.