LUẬN DU GIÀ SƯ ĐỊA
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 3
Địa thứ 2: ĐỊA Ý, phần 3 (Phần Bản Địa)
Lại nữa, như trước đã nói về năm sự, từ tự tánh cho đến tạo nghiệp, đều do ba xứ thâu tóm. Đó là do sắc tụ, tâm, tâm sở phẩm và vô vi. Ngoài ra, phần còn lại là pháp giả hữu. Nay, trước hết sẽ nói về các pháp thuộc sắc tụ.
Hỏi: Tất cả pháp sinh đều từ chủng tử của tự thể dấy khởi, vì sao nói các đại chủng có thể sinh các sắc được tạo? Vì sao sắc được tạo lại dựa vào đại chủng? Đại chủng là chỗ kiến lập, là chốn nhận giữ, là nơi nuôi lớn?
Đáp: Do tất cả đại chủng trong ngoài và chủng tử của sắc được tạo thảy đều nương dựa vào tâm bên trong tương tục, cho đến chủng tử của các đại chủng chưa sinh tới nay, thì chủng tử của sắc được tạo hoàn toàn không thể sinh sắc được tạo. Chính là do đại chủng kia sinh thì sắc được tạo mới từ nơi chủng tử của tự thể sinh khởi. Do đó, nói đại chủng có thể sinh sắc được tạo là do đại chủng sinh làm nhân dẫn dắt trước. Theo đạo lý ấy nên nói các đại chủng là nhân sinh ra sắc được tạo.
Vì sao sắc được tạo lại nương nơi đại chủng? Là do sắc được tạo sinh rồi thì không lìa xứ của đại chủng mà chuyển.
Vì sao đại chủng là chỗ kiến lập? Là do đại chủng khi tăng giảm thì sắc được tạo cùng có sự an nguy.
Vì sao đại chủng là chỗ nhận giữ? Là do tùy theo lượng của đại chủng mà sắc được tạo không bị hủy hoại.
Vì sao đại chủng là chỗ nuôi lớn? Vì do nhân nơi ăn uống, ngủ nghỉ, tu tập phạm hạnh, tam muội v.v… đều dựa nơi đại chủng, khiến sắc được tạo lại càng thêm lớn rộng, nên nói đại chủng làm nhân nuôi lớn sắc được tạo. Như vậy, nên biết các đại chủng đối với sắc được tạo có năm thứ tác dụng.
Lại nữa, ở trong sắc tụ từng không có cực vi sinh. Nếu lúc từ chủng tử của tự thể sinh thì chỉ là tụ tập sinh, hoặc nhỏ hoặc vừa hoặc lớn.
Lại, chẳng phải cực vi tích tập tạo thành sắc tụ. Chỉ do trí tuệ giác ngộ phân tích các sắc đến biên vực tận cùng của dung lượng, rồi phân biệt giả lập, gọi là cực vi.
Lại, sắc tụ cũng có phương, phần, cực vi cũng có phương hướng, phần vị. Nhưng sắc tụ có phần vị chẳng phải là cực vi. Vì sao? Vì do cực vi tức là phần vị. Đây là chỗ hiện có của sắc tụ, không phải là cực vi, nên đâu lại có cực vi khác? Do đấy, cực vi không có phần vị.
Lại, không cùng lìa có hai thứ:
Một là: Không cùng lìa do đồng xứ. Nghĩa là cực vi của đại chủng cùng với sắc, hương, vị, xúc v.v…, ở nơi xứ không căn thì có sự lìa căn. Ở nơi xứ có căn thì có trường hợp có căn. Đó gọi là không cùng lìa do đồng xứ.
Hai là: Không cùng lìa do cùng đan xen. Nghĩa là cực vi của đại chủng này cùng với sắc xứ của chủ thể tạo, đối tượng được tạo nơi tích tập khác luôn kết hợp. Đó gọi là không cùng lìa do cùng đan xen.
Lại, sắc tụ hiện bày khắp ấy, nên biết như vô số các vật, dùng đá nghiền nát vụn, lấy nước trộn lẫn, cùng không lìa nhau. Chẳng phải như hạt mè kết hợp nơi đống hạt đậu, thóc, cỏ lúa.
Lại, hết thảy sắc được tạo đều nương nơi xứ của đại chủng, không vượt quá hạn lượng nơi xứ của đại chủng, kể cả nơi chốn của đại chủng dựa vào. Các sắc được tạo trở lại tức dựa vào đấy. Do nhân duyên này nên nói sắc được tạo nương nơi đại chủng. Tức do ý nghĩa ấy nên nói các đại chủng gọi là đại chủng. Vì tánh của đại chủng ấy là lớn, nên làm hạt giống sinh khởi.
Lại nữa, ở trong các sắc tụ, lược nêu có mười bốn chủng loại. Đó là đất, nước, lửa, gió, sắc, thanh, hương, vị, xúc, và năm căn như nhãn v.v… Chỉ trừ sắc là đối tượng hành của ý, tất cả hữu sắc của sắc tụ thuộc về các căn, đều có hết thảy sự giới như đã nói. Như tụ của hữu sắc thuộc về các căn, tụ của hữu sắc là chỗ dựa của các căn, thuộc về đại chủng cũng lại như vậy. Chỗ sắc tụ còn lại, trừ các căn hữu sắc, chỉ còn có giới.
Lại, căn cứ nơi chỗ cùng thâu tóm, có mười bốn sự. Tức do cùng thâu tóm, nêu bày về sự vật cực vi. Nếu căn cứ nơi giới để thâu tóm, thì tùy theo tụ này có bao nhiêu giới, tức nơi tụ ấy cũng có bấy nhiêu sự được thâu tóm.
Nếu căn cứ nơi chỗ không cùng lìa để thâu tóm, thì các tụ hiện có hoặc trong hoặc ngoài, tùy trong tụ ấy, cho đến có bao nhiêu pháp tướng có thể đạt được, tức nói tụ ấy cũng có bấy nhiêu sự được thâu tóm, nên biết. Vì sao? Vì hoặc có trường hợp trong tụ chỉ có một đại chủng có thể đạt được, như trong nhóm các thứ đá mạt ni, chân châu, lưu ly, kha bối, bích ngọc, san hô v.v… Hoặc trong nhóm các thứ ao, hồ, ngòi, rãnh, sông, suối. Hoặc nơi nhóm các thứ lửa, ngọn lửa, đèn, đuốc v.v… Hoặc trong nhóm Phong luân bốn phương, gió có bụi không bụi v.v…
Hoặc có trường hợp trong tụ có hai đại chủng có thể đạt được, như trong nhóm các loại tuyết, ẩm ướt, cây cối, lá, hoa, quả v.v… Hoặc trong nhóm mạt ni nung nóng v.v…
Hoặc có trường hợp trong tụ có ba đại chủng có thể đạt được, như trong các loại cây phát nhiệt, hoặc trong sự dao động. Hoặc có trường hợp trong tụ có bốn đại chủng có thể đạt được, nghĩa là ở nơi sắc tụ bên trong, như Đức Bạc-già-phạm đã nêu giảng, ở mỗi phần riêng biệt trong thân như tóc, lông v.v… cho đến phân dơ là địa giới bên trong, hoặc các thứ tiểu tiện v.v… là thủy giới bên trong. Hoặc thân nhiệt là hỏa giới bên trong. Hoặc gió chuyển động lên trên, là phong giới bên trong. Như vậy, nếu nơi trụ này, các tướng kia có thể đạt được, thì gọi tướng ấy là có. Nếu không thể đạt được thì gọi tướng ấy là không.
Lại nữa, thanh ở trong tất cả sắc tụ, có giới nên nói là có, tướng tức bất định, do phương tiện của hiện tại sinh.
Gió có hai loại: Là luôn tương tục và chẳng luôn tương tục.
Luôn tương tục: Nghĩa là nơi các thứ tụ kia, có gió luôn xoay chuyển.
Chẳng luôn tương tục: Tức gió lốc và gió chuyển động nơi hư không.
Lại, sắc tối, sắc sáng, gọi là không giới và lỗ trống.
Lại, các sắc tối luôn nối tiếp: Là khoảng giữa của thế giới. Không luôn nối tiếp: Là ở nơi xứ khác thêm vào.
Sắc sáng luôn nối tiếp: Nghĩa là ở nơi ánh sáng tự nhiên trong bầu Trời. Không luôn nối tiếp: Là ở nơi xứ khác.
Lại, sắc sáng tối là nơi tụ của hiển sắc tăng, nên biết.
Lại, do nương dựa vào công năng nơi chủng tử của sắc tụ, nên nếu lúc gặp duyên tương tợ, hoặc tụ nhỏ không gián đoạn, tụ lớn sinh, hoặc tụ lớn không gián đoạn, tụ nhỏ sinh. Do nhân duyên ấy nên chỗ nêu bày các tụ có tăng có giảm. Như nơi kinh nói: Hoặc bền chắc, bền chắc thâu tóm. Hoặc gần gũi thâu tóm, chẳng phải gần gũi thâu tóm, nhận giữ, cho đến nói rộng.
Thế nào là bền chắc? Đó là đất.
Thế nào là bền chắc thâu tóm? Tức là chủng tử của đất.
Lại, bền chắc: Tức là địa giới. Bền chắc thâu tóm: Nghĩa là tóc, lông v… hoặc hòn đất v.v…
Gần gũi thâu tóm là sao? Nghĩa là có nhận giữ.
Thế nào là nhận giữ? Tức là những thứ thuộc về bên trong.
Thế nào là chẳng phải gần gũi thâu tóm? Nghĩa là không có nhận giữ.
Không có nhận giữ là sao? Tức là những thứ thuộc về bên ngoài.
Lại, chủng tử được giữ lấy của tâm, tâm sở, gọi là gần gũi thâu tóm, gọi là nhận giữ. Trái với nghĩa này, gọi là chẳng phải gần gũi thâu tóm, gọi là chẳng phải nhận giữ.
Lại, theo đuổi nơi tự thân, nên gọi là gần gũi thâu tóm, nhận giữ, như trước đã nói.
Như vậy, các giới như nước, đúng như lý, nên biết.
Lại, ở trong tất cả sắc tụ, hết thảy mọi thời, đều có đủ tất cả giới của đại chủng. Như thế gian hiện thấy các vật như cỏ khô v.v… dùi mãi tức lửa sinh, hoặc dùng đá đập vào nhau, cũng vậy. Lại, đồng, sắt, vàng, bạc v… khi bị lửa cao độ nung đốt, tức tan chảy thành nước, hoặc từ ngọc báu Nguyệt ái nước liền tươm ra.
Lại, người đạt được thần thông, do diệu lực thắng giải của tâm, có thể biến đại địa v.v… thành vàng, bạc v.v…
Lại, sắc tụ có ba thứ lưu chuyển: (1) Nuôi lớn. (2) Đẳng lưu. (3) Dị thục sinh.
Nuôi lớn có hai thứ: (a) Nuôi lớn hiện bày khắp xứ. (b) Nuôi lớn khiến tướng thêm đầy đủ.
Đẳng lưu có bốn thứ: (a) Đẳng lưu của nuôi lớn. (b) Đẳng lưu của dị thục. (c) Đẳng lưu của biến dị. (d) Đẳng lưu của tự tánh.
Dị thục sinh có hai loại: (a) Thể của dị thục sinh ra gọi là dị thục sinh. (b) Từ dị thục sinh ra gọi là dị thục sinh.
Lại, các sắc tụ lược nói, dựa nơi sáu xứ chuyển: (1) Xứ kiến lập. (2) Xứ che giữ. (3) Xứ sinh hoạt. (4) Xứ là chỗ dựa của căn. (5) Xứ của căn. (6) Xứ là chốn hành của Tam-ma-địa.
Lại nữa, ở trong phần tâm, tâm sở, có tâm và năm mươi ba tâm sở có thể đạt được. Đó là tác ý v.v… cho đến sau cùng là tầm, tứ, như trước đã nêu.
Hỏi: Các tâm sở như vậy, có bao nhiêu dựa nơi tất cả xứ tâm sinh, tất cả địa, tất cả thời, tất cả?
Đáp: Có năm. Nghĩa là tác ý v.v… sau cùng là tứ.
Có bao nhiêu dựa nơi tất cả xứ tâm sinh, tất cả địa, không phải tất cả thời, không phải tất cả? Cũng có năm. Tức là dục v.v.., sau cùng là tuệ.
Có bao nhiêu chỉ dựa nơi thiện, chẳng phải tất cả xứ tâm sinh, nhưng là tất cả địa, chẳng phải tất cả thời, chẳng phải tất cả? Do là tín v.v… cho đến sau cùng là bất hại.
Có bao nhiêu chỉ dựa nơi nhiễm ô, chẳng phải tất cả xứ tâm sinh, chẳng phải tất cả địa, chẳng phải tất cả thời, chẳng phải tất cả? Đó là tham v.v… cho đến bất chánh tri là sau cùng.
Có bao nhiêu dựa nơi tất cả xứ tâm sinh, chẳng phải tất cả địa, chẳng phải tất cả thời, chẳng phải tất cả? Đó là ố tác v.v.. cho đến tứ là sau cùng.
Lại nữa, căn chẳng hoại, cảnh giới hiện tiền, tác ý của chủ thể sinh chính thức dấy khởi, bấy giờ từ đấy thức mới được sinh.
Thế nào là căn chẳng hoại? Nghĩa là có hai thứ nhân: Một là không hoại diệt. Hai là không yếu kém.
Thế nào là cảnh giới hiện tiền? Nghĩa là hoặc do nơi chốn được nương dựa, hoặc do tự tánh, hoặc do phương hướng, hoặc do thời điểm, hoặc do rõ ràng không rõ ràng, hoặc do toàn phần cùng một phần, nên bốn thứ chướng ngại không ngăn che, cũng không ở quá xa.
Bốn thứ chướng ngại là: (1) Chướng ngại che chắn. (2) Chướng ngại ẩn mất. (3) Chướng ngại đoạt mất ánh sáng. (4) Chướng ngại do huyễn hoặc.
Quá xa có hai thứ: (1) Nơi chốn quá xa (quá xa do nơi chốn). (2) Tổn giảm quá xa (quá xa do tổn giảm).
Thế nào là tác ý của chủ thể sinh chính thức dấy khởi? Do bốn nhân: (1) Do sức của dục. (2) Do sức của niệm. (3) Do sức của cảnh giới. (4) Do sức của nhiều lần tập quen.
Thế nào là do sức của dục? Nghĩa là nếu ở nơi xứ ấy, tâm có tham ái chấp trước thì tâm ở ngay đấy có các tác ý sinh khởi.
Thế nào là do sức của niệm? Nghĩa là nếu ở nơi cảnh giới ấy đã khéo giữ lấy hình tướng, đã dấy tưởng hết mực, thì tâm liền ngay đấy sinh khởi các tác ý.
Thế nào là do sức của cảnh giới? Nghĩa là nếu ở cảnh giới kia hoặc hết sức rộng lớn hoặc rất hợp ý chính thức hiện tiền, tâm tức ở nơi ấy sinh khởi các tác ý.
Thế nào là do sức của nhiều lần tập quen? Tức là, nếu ở nơi cảnh giới kia đã quá quen thuộc, đã quá am hiểu, tâm tức ở đấy liền sinh khởi các tác ý.
Nếu khác với điều này, nên ở nơi một cảnh của đối tượng duyên chỉ có một tác ý sinh khởi trong tất cả thời điểm.
Lại, chẳng phải năm thức thân có hai sát-na theo nhau cùng sinh. Cũng chẳng phải lần lượt không gián đoạn hỗ tương mà sinh.
Lại, một sát-na nơi năm thức thân sinh rồi, từ đấy, không gián đoạn, tất ý thức sinh. Từ đấy, không gián đoạn, hoặc lúc tán loạn thì hoặc nhĩ thức sinh, hoặc một thức nào đấy trong năm thức thân sinh. Nếu không tán loạn thì nhất định tâm quyết định thứ hai trong ý thức sinh. Do hai ý thức tìm cầu và quyết định ấy nên có sự phân biệt về cảnh giới.
Lại, do hai thứ nhân hoặc nhiễm ô, hoặc pháp thiện sinh, nên gọi là phân biệt.
Lại, do chỗ dẫn dắt trước tiên, nên chỗ hiện có trong ý thức do hai thứ nhân.
Tại năm thức, chỉ do chỗ dẫn dắt trước. Vì sao? Vì do sức của ý thức nhiễm ô và thiện dẫn dắt, nên từ đấy không gián đoạn, ở trong các thức như nhãn thức v.v… pháp nhiễm ô và thiện sinh, không do phân biệt, vì năm thức kia không phân biệt. Do đạo lý này nên nói các thức như nhãn thức v.v… thuận theo ý thức chuyển. Như nơi kinh nói dấy khởi một tâm hoặc nhiều tâm.
Làm thế nào để an lập một tâm này? Nghĩa là theo ngôn ngữ của thế tục nói một sát-na của tâm chẳng phải là sát-na sinh khởi.
Thế nào là theo ngôn ngữ của thế tục nói một sát-na của tâm? Nghĩa là một xứ là nơi nương dựa, đối với sự việc của một cảnh giới, có bao nhiêu thứ phân biệt nhận biết sinh khởi, toàn bộ từng ấy thời gian, gọi là1 sát-na của tâm.
Lại, cho nối tiếp tương tợ cũng gọi là một, vì cùng với niệm thứ hai là hết sức giống nhau.
Lại, ý thức tự nhiên duyên theo tán loạn, lúc không tập quen nơi cảnh, không sinh các thứ như dục v.v…, bấy giờ ý thức gọi là “Tâm suất nhĩ đọa” (tức Tâm suất nhĩ: tâm tự nhiên xuất hiện tức thời…). Nếu chỉ duyên nơi cảnh quá khứ, do năm thức không gián đoạn, nên ý thức được sinh, hoặc tìm cầu, hoặc quyết định. Chỉ nên nói duyên nơi cảnh hiện tại, nếu tâm ấy duyên nơi cảnh kia sinh.
Lại, thức là chủ thể phân biệt, nhận biết về tổng tướng của sự vật. Tức cảnh tướng ấy là đối tượng được phân biệt, nhận biết hay chưa phân biệt, nhận biết.
Chủ thể phân biệt nhận biết: Đó gọi là tác ý. Tức tướng hợp ý không hợp ý, hoặc cả hai (hợp ý và không hợp ý) ấy là do xúc phân biệt nhận biết. Tức tướng thâu nhận, tổn hại, hoặc cả hai ấy là do thọ phân biệt, nhận biết. Tức tướng nhân của ngôn ngữ thuyết giảng ấy là do tướng phân biệt nhận biết.
Tức tướng là nhân của hành chánh, tà, hoặc cả hai ấy, là do tư phân biệt, nhận biết. Do đó, nói tác ý kia cho đến sau cùng là tư, gọi là pháp sở hữu của tâm (tâm sở), hiện bày chấp tất cả xứ, tất cả địa, tất cả thời, tất cả đời.
Tác ý là thế nào? Nghĩa là tâm xoay chuyển trở lại.
Xúc là thế nào? Đó là ba thứ hòa hợp (căn, cảnh, thức).
Thọ là thế nào? Nghĩa là nhận lãnh, thâu nạp.
Tưởng là sao? Tức hiểu rõ về hình tượng.
Tư là thế nào? Tức là tâm tạo tác.
Dục là thế nào? Nghĩa là đối với sự vật đáng vui thích, theo đấy mà làm, tánh muốn có được chỗ tạo tác.
Thắng giải là sao? Nghĩa là đối với sự việc đã được quyết định, theo đấy mà hành trì, tánh tức có thể tùy thuận.
Niệm là thế nào? Nghĩa là nơi sự việc đã tập quen, theo đấy mà làm, tánh ghi nhớ rõ ràng.
Thế nào là Tam-ma-địa (Định)? Tức đối với sự vật được quan sát, theo đấy mà hành xử, tánh suy xét kỹ về một cảnh là chỗ dựa của tâm.
Thế nào là tuệ? Nghĩa là ở nơi sự vật đã được quan sát, theo đấy mà hành trì, tánh lựa chọn các pháp, hoặc do chỗ nêu dẫn đúng như lý, không đúng như lý, hoặc do chỗ nêu dẫn chẳng phải như lý, chẳng phải chẳng như lý.
Lại, tác ý tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp dẫn dắt tâm.
Xúc tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp làm chỗ dựa cho thọ, tưởng, tư.
Thọ tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp làm chỗ dựa cho ái sinh khởi.
Tưởng tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp ở nơi đối tượng duyên khiến tâm phát khởi vô số ngôn thuyết.
Tư tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp làm phát khởi tầm, tứ về thân nghiệp, ngữ nghiệp.
Dục tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp làm phát sinh siêng năng.
Thắng giải tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp ở nơi đối tượng duyên nhận giữ các thứ công đức, lỗi lầm.
Niệm tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp nhớ nghĩ về các điều đã tư duy, hành xử, nói năng từ lâu xa.
Tam-ma-địa tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp làm chỗ dựa cho trí.
Tuệ tạo ra nghiệp gì? Đó là nghiệp ở nơi đối tượng hành của hý luận nhiễm ô, thanh tịnh tùy thuận suy tìm.
Thế nào là kiến lập ba đời? Nghĩa là các chủng tử không lìa pháp, nên kiến lập đúng như pháp. Lại do cho quả hay chưa cho quả.
Như pháp của quả, nếu tướng đã diệt là quá khứ. Tướng có nhân chưa sinh là vị lai. Tướng đã sinh chưa diệt là hiện tại.
Thế nào là kiến lập sinh, lão, trụ, vô thường? Nghĩa là kiến lập nơi tất cả chủng tử nối tiếp cùng hành trong thức tương tục của tất cả xứ, do có sức của duyên, nên pháp trước chưa nối tiếp sinh, nay sinh đầu tiên, đó gọi là tướng hữu vi của sinh. Tức tánh ấy đổi khác, gọi là tướng hữu vi của lão. Đây lại có hai thứ: Một là: Tánh biến khác của tánh khác. Hai là: Tánh biến khác của tánh biến. Do có sự sinh giống nhau nên lập tánh biến khác của tánh khác. Do có sự sinh không giống nhau nên lập tánh biến khác của tánh biến. Tức lúc đã sinh chỉ là chuyển theo sát-na sinh, nên gọi là tướng hữu vi của trụ. Sau sát-na sinh, sát-na không dừng nên gọi là tướng hữu vi của vô thường.
Như vậy tức căn cứ nơi phần vị sai biệt của các pháp để kiến lập bốn tướng.
Lại có bốn duyên. Đó là: (1) Duyên Nhân. (2) Duyên Đẳng vô gián. (3) Duyên Sở duyên. (4) Duyên Tăng thượng.
Duyên nhân: Tức là chủng tử.
Duyên Đẳng vô gián: Nghĩa là nếu thức này không gián đoạn thì các thức nhất định sinh, nên thức này là duyên Đẳng vô gián (duyên cùng không gián đoạn) cho thức kia.
Duyên Sở duyên: Tức là cảnh giới nơi đối tượng duyên (sở duyên) của các tâm, tâm sở.
Duyên Tăng thượng: Nghĩa là trừ chủng tử, còn lại là chỗ nương dựa. Như mắt và pháp trợ bạn đối chiếu với nhãn thức. Các thức còn lại cũng vậy.
Lại, tánh thiện, bất thiện, có thể giữ lấy quả yêu thích không yêu thích, các loại như vậy gọi là Duyên tăng thượng.
Lại, do chủng tử nên kiến lập Duyên nhân. Do tự tánh nên lập Duyên đẳng vô gián. Do cảnh của đối tượng duyên nên lập Duyên sở duyên. Do đối tượng nương dựa cùng trợ bạn, nên lập Duyên tăng thượng. Như nơi kinh nói: “Các nhân các duyên có thể sinh khởi thức”. Đây tức là nói về bốn duyên này. Trong ấy, một thứ cũng là nhân cũng là duyên. Các thứ còn lại chỉ là duyên.
Lại, như nơi kinh nói: “Thiện, bất thiện, vô ký”, vậy chúng khác nhau như thế nào?
Nghĩa là các pháp thiện: Hoặc lập một thứ, do nghĩa không tội.
Hoặc lập hai thứ: Là thiện sinh đắc và thiện phương tiện.
Hoặc lập ba thứ: Là thiện tự tánh, thiện tương ưng, và thiện đẳng khởi.
Hoặc lập bốn thứ: Là thiện thuộc phần phước, thiện thuận phần giải thoát, thiện thuận phần quyết đoán – lựa chọn và thiện vô lậu.
Hoặc lập năm thứ: Là thiện tánh thí, thiện tánh giới, thiện tánh tu, thiện của quả ái, thiện của quả ly hệ.
Hoặc lập sáu thứ: Tức là thiện nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức và trạch diệt.
Hoặc lập bảy thứ: Tức: (1) Thiện thuộc về bốn niệm trụ (Niệm xứ). (2) Thiện thuộc về bốn chánh cần. (3) Thiện thuộc về bốn thần túc. (4) Thiện thuộc về năm căn. (5) Thiện thuộc về năm lực. (6) Thiện thuộc về bảy giác chi. (7) Thiện thuộc về tám chi đạo.
Hoặc lập làm tám thứ: (1) Thiện thuộc về các hành nghiệp đứng dậy, đón tiếp, chắp tay, hỏi han, lễ kính. (2) Thiện thuộc về các việc tán thán kẻ khác giảng nói khéo léo, khen ngợi về Đức Phật. (3) Thiện thuộc về việc chăm sóc giúp đỡ người bệnh. (4) Thiện thuộc về việc kính thờ bậc sư trưởng. (5) Thiện thuộc về hành tùy hỷ. (6) Thiện thuộc về hành khuyên thỉnh. (7) Thiện thuộc về pháp hồi hướng. (8) Thiện thuộc về hành tu bốn vô lượng.
Hoặc lập làm chín thứ: Đó là: Thiện thuộc về các đạo phương tiện: vô gián, giải thoát, thắng tấn, và thiện thuộc về đạo thế gian, xuất thế gian với ba bậc thượng, trung, hạ.
Hoặc lập làm mười thứ. Đó là: (1) Thiện có nương dựa. (2) Thiện không nương dựa. (3) Thiện do nghe (văn) sinh khởi. (4) Thiện do tư sinh khởi. (5) Thiện thuộc về luật nghi. (6) Thiện thuộc về phi luật nghi, phi chẳng luật nghi. (7) Thiện thuộc về quyến thuộc căn bản. (8) Thiện thuộc về thừa Thanh văn. (9) Thiện thuộc về thừa Độc giác. (10) Thiện thuộc về Đại thừa.
Lại lập làm mười thứ: Thiện thuộc về cõi dục (một). Thiện thuộc về bốn bậc tĩnh lự (bốn). Thiện thuộc về bốn định Vô sắc (bốn). Thiện thuộc về Vô lậu (một).
Lại có mười thứ: Tức thiện nơi mười nghiệp đạo.
Lại có mười thứ: Tức chánh kiến vô học cho đến chánh giải thoát chánh trí.
Lại có mười thứ: Là thiện do có thể chiêu cảm nơi tám phước sinh, thiện của bậc Chuyển Luân Vương và thiện hướng tới bất động.
Các loại thiện sai biệt như thế, lược nói có hai thứ nghĩa: Là nghĩa nhận lấy quả yêu thích và nghĩa khéo biết rõ sự việc cùng quả kia.
Pháp bất thiện: Là pháp trái với pháp thiện và có thể làm chướng ngại, do hay nhận lấy quả không yêu thích cùng không hiểu biết đúng về sự việc.
Pháp vô ký lược nêu có bốn thứ: Đó là dị thục sinh, một phần đường oai nghi, xứ công xảo và biến hóa. Nếu các xứ công xảo chỉ là vui chơi, không vì đời sống, không phải là tưởng học nghề, chẳng phải là chọn lựa, thì nghiệp của xứ công xảo ấy là nhiễm ô, ngoài ra là vô ký. Như xứ công xảo, đường oai nghi cũng vậy. Biến hóa có hai loại: Nghĩa là thiện và vô ký.
Lại nữa, mắt có một thứ: Tức có thể thấy sắc.
Hoặc lập hai loại: Là mắt nuôi lớn và mắt dị thục sinh.
Hoặc lập ba loại: Tức mắt thịt, mắt trời và mắt tuệ (nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn).
Hoặc lập làm bốn loại: Là mắt có nháy, mắt không nháy, mắt luôn nối tiếp, mắt không luôn nối tiếp. Mắt luôn nối tiếp: Là mắt ở cõi sắc.
Hoặc lập làm năm loại: Nghĩa là mắt thuộc về năm nẻo (thú).
Hoặc lập làm sáu loại. Đó là: Mắt tự tương tục. Mắt do kẻ khác làm cho tương tục. Mắt đoan nghiêm. Mắt xấu xí. Mắt có cấu uế. Mắt không cấu uế.
Hoặc lập làm bảy thứ. Tức: Mắt có thức. Mắt không có thức. Mắt khỏe. Mắt kém. Mắt là chỗ dựa để nhận biết về thiện. Mắt là chỗ dựa để nhận biết về bất thiện. Mắt là chỗ dựa để nhận biết về vô ký.
Hoặc lập làm tám thứ. Gồm: Mắt làm nơi chốn nương dựa. Mắt biến hóa. Mắt do dị thục của nghiệp thiện sinh. Mắt do dị thục của nghiệp bất thiện sinh. Mắt do thức ăn nuôi lớn. Mắt do ngủ nghỉ nuôi lớn. Mắt do phạm hạnh nuôi lớn. Mắt do định nuôi lớn.
Hoặc lập làm chín thứ. Gồm: Mắt đã đạt được. Mắt chưa đạt được. Mắt từng đạt được. Mắt chưa từng đạt được. Mắt đạt được rồi mất. Mắt nên đoạn trừ. Mắt không nên đoạn trừ. Mắt đã đoạn trừ. Mắt chẳng phải đã đoạn trừ.
Hoặc lập làm mười loại: Không có.
Hoặc lập làm mười một loại. Tức: Mắt quá khứ. Mắt hiện tại. Mắt vị lai. Mắt bên trong. Mắt bên ngoài. Mắt thô. Mắt vi tế. Mắt thấp kém. Mắt tinh diệu. Mắt xa. Mắt gần.
Như mắt, tai v.v… cũng vậy. Sự sai biệt ở đây là: Loại lập làm ba, bốn có khác:
Ba loại tai là: (1) Tai do thịt bao quanh. (2) Tai Trời (Thiên nhĩ). (3) Tai xét kỹ.
Bốn loại tai là: (1) Tai luôn tương tục. (2) Tai không luôn tương tục. (3) Tai nghe giọng cao. (4) Tai không nghe giọng cao.
Ba loại mũi, lưỡi là: (1) Mũi, lưỡi sáng sạch. (2) Mũi, lưỡi không sáng sạch. (3) Mũi, lưỡi bị hao tổn.
Bốn loại mũi, lưỡi là: (1) Mũi, lưỡi luôn tương tục. (2) Mũi, lưỡi không luôn tương tục. (3) Mũi, lưỡi có thức. (4) Mũi, lưỡi không có thức.
Ba loại thân là: (1) Thân của nơi chốn cấu uế. (2) Thân của nơi chốn không cấu uế. (3) Thân là chỗ theo đuổi của các căn hiện bày khắp tất cả.
Bốn loại thân là: (1) Thân luôn tương tục. (2) Thân không luôn tương tục. (3) Thân có ánh sáng tự nhiên. (4) Thân không có ánh sáng tự nhiên.
Hoặc lập làm một thứ ý: Là do nghĩa của pháp thức.
Hoặc lập làm hai thứ. Tức: Ý được nêu bày. Ý không được nêu bày.
Loại đầu là ý phân biệt, nhận biết về danh, ngôn. Loại sau là ý của trẻ thơ.
Lại, loại đầu là ý của thế gian. Loại sau là ý của xuất thế gian.
Hoặc lập làm ba thứ: Tức là tâm, ý, thức.
Hoặc lập làm bốn thứ. Tức gồm: Ý thiện. Ý bất thiện. Ý hữu phú vô ký. Ý vô phú vô ký.
Hoặc lập làm năm thứ. Tức là năm vị sai biệt: Vị nhân. Vị quả. Vị vui. Vị khổ. Vị không vui không khổ.
Hoặc lập làm sáu thứ: Tức là sáu thức thân.
Hoặc lập làm bảy thứ: Nghĩa là dựa nơi bảy thức trụ.
Hoặc lập làm tám thứ: Gồm: Tương ưng với xúc tăng ngữ. Tương ưng với xúc có đối. Nương nơi ham thích. Nương nơi xuất ly. Vị (mùi vị) có ái. Vị không ái. Thế gian. Xuất thế gian.
Hoặc lập làm chín thứ: Nghĩa là dựa nơi chín trụ xứ của hữu tình.
Hoặc lập làm mười thứ: Không có.
Hoặc lập làm mười một thứ: Như phần trước đã nói.
Hoặc lập làm mười hai thứ: Tức mười hai tâm. Gồm: Tâm thiện, tâm bất thiện của cõi dục (hai). Tâm hữu phú vô ký, tâm vô phú vô ký (hai). Cõi sắc có ba tâm (trừ tâm bất thiện). Cõi vô sắc cũng vậy (ba). Tâm xuất thế gian có hai loại: Là hữu học và vô học.
Hoặc lập một thứ sắc: Tức là đối tượng hành của mắt.
Hoặc lập làm hai thứ: Là sắc trong và sắc ngoài.
Hoặc lập làm ba thứ: Là hiển sắc, hình sắc và biểu sắc.
Hoặc lập làm bốn thứ. Tức: Sắc có dựa nơi ánh sáng. Sắc không dựa nơi ánh sáng. Sắc của ánh sáng chân chánh và sắc của ánh sáng không chân chánh. Sắc chứa nhóm trụ.
Hoặc lập làm năm thứ: Nghĩa là do năm nẻo sai biệt.
Hoặc lập làm sáu thứ. Gồm: Sắc thuộc về kiến lập. Sắc thuộc về che giấu. Sắc thuộc về cảnh giới. Sắc thuộc số lượng của hữu tình. Sắc chẳng phải thuộc số lượng của hữu tình. Sắc có thấy có đối.
Hoặc lập làm bảy thứ: Tức là do bảy thứ thâu nhận sai khác.
Hoặc lập làm tám thứ: Là dựa nơi tám thứ tạp thuyết của thế gian: Sắc tạp của phần đất. Sắc tạp của núi. Sắc tạp của vườn rừng, ao hồ. Sắc tạp của cung điện, nhà cửa. Sắc tạp của xứ nghiệp. Sắc tạp của tranh vẽ đẹp. Sắc tạp của nghề rèn đúc. Sắc tạp của các vật dụng.
Hoặc lập làm chín thứ: Nghĩa là hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc thô, hoặc tế, hoặc xấu kém, hoặc tinh diệu, hoặc xa, hoặc gần.
Hoặc lập làm mười thứ: Là mười thứ của cải.
Hoặc lập một thứ âm thanh: Tức là đối tượng hành của tai.
Hoặc lập làm hai thứ: Là âm thanh biết rõ nghĩa, âm thanh không biết rõ nghĩa.
Hoặc lập làm ba thứ: Âm thanh do thọ nhận đại chủng. Âm thanh do không thọ nhận đại chủng. Âm thanh do thọ và không thọ đại chủng.
Hoặc lập làm bốn thứ: Tức thiện, bất thiện, hữu phú vô ký và vô phú vô ký.
Hoặc lập làm năm thứ: Nghĩa là do sự sai biệt của năm nẻo.
Hoặc lập làm sáu thứ: Gồm: Âm thanh thọ trì đọc tụng. Âm thanh thỉnh vấn. Âm thanh thuyết pháp. Âm thanh luận bàn, quyết định, lựa chọn. Âm thanh lần lượt nên dạy, hoặc xâm nhập, hoặc ra khỏi. Âm thanh ồn ào, huyên náo.
Hoặc lập làm bảy thứ: Tức là âm thanh nam, nữ, thấp, vừa, cao, âm thanh của chim thú v.v…, âm thanh của gió thổi rừng cây.
Hoặc lập làm tám thứ: Tức âm thanh của bốn loại Thánh ngôn, âm thanh của bốn loại không phải Thánh ngôn.
Bốn loại không phải là Thánh ngôn: (1) Không thấy nói thấy, thấy nói không thấy. (2) Không nghe nói nghe, nghe nói không nghe. (3) Không hiểu nói hiểu, hiểu nói không hiểu. (4) Không biết nói biết, biết nói không biết.
Bốn loại là Thánh ngôn: (1) Thấy nói thấy, không thấy nói không thấy. (2) Nghe nói nghe, không nghe nói không nghe. (3) Hiểu nói hiểu, không hiểu nói không hiểu. (4) Biết nói biết, không biết nói không biết.
Lại có tám thứ: Đó là bốn nghiệp đạo ngữ thiện. Bốn nghiệp đạo ngữ bất thiện.
Hoặc lập làm chín thứ: Nghĩa là quá khứ, hiện tại, vị lai, cho đến hoặc gần, hoặc xa.
Hoặc lập làm mười thứ: Tức âm thanh thuộc về năm thứ nhạc: Âm thanh múa cùng hành. Âm thanh ca cùng hành. Âm thanh đàn địch cùng hành. Âm thanh nữ cùng hành. Âm thanh nam cùng hành. Âm thanh loa ốc cùng hành. Âm thanh của trống như yêu v.v… cùng hành. Âm thanh của trống như cương v.v… cùng hành. Âm thanh của trống như đô đàm v.v… cùng hành. Âm thanh của hô lớn, hát.
Hoặc lập một thứ hương: Tức là đối tượng hành của mũi.
Hoặc lập hai thứ: Tức trong và ngoài.
Hoặc lập ba thứ: Tức vừa ý, không vừa ý và hương ở giữa.
Hoặc lập làm bốn thứ: Là hương của bốn đại: hương trầm, hương tốt đổ lỗ ca, hương long não, hương xạ.
Hoặc lập làm năm thứ: Tức hương của rễ, thân, lá, hoa, quả.
Hoặc lập làm sáu thứ: Hương của thức ăn. Hương của thức uống. Hương của y phục. Hương của các vật dụng trang sức. Hương của xe cộ. Hương của cung điện, nhà cửa.
Hoặc lập làm bảy thứ: Hương của vỏ. Hương của lá. Hương Tố-khấp-mê-la. Hương chiên-đàn. Hương cay. Hương xoa. Hương bột.
Hoặc lập làm tám thứ: Hương đồng thời cùng sinh. Hương không đồng thời cùng sinh. Hương luôn tương tục. Hương không luôn tương tục. Hương xen tạp. Hương thuần nhất. Hương nồng nàn. Hương không nồng nàn.
Hoặc lập làm chín thứ: Tức là quá khứ, hiện tại, vị lai v.v… như trước đã nêu.
Hoặc lập làm mười thứ: Tức hương nữ, hương nam, hương ngón tay, hương hai ngón tay, hương nước miếng khạc nhổ, hương nước mũi, hương mỡ tủy mủ máu, hương thịt, hương hỗn tạp, hương bùn đọng.
Hoặc lập một thứ vị: Tức là đối tượng hành của lưỡi.
Hoặc lập làm hai thứ: Nghĩa là trong, ngoài.
Hoặc lập làm ba thứ: Tức hợp ý v.v… như trước đã nói.
Hoặc lập làm bốn thứ: Vị của đại mạch. Vị của lúa nếp. Vị của tiểu mạch. Vị của các loại lúa thóc dở khác.
Hoặc lập làm năm thứ: Vị của rượu uống. Vị không phải của rượu uống. Vị của rau cỏ. Vị trái cây. Vị của thức ăn.
Hoặc lập làm sáu thứ: Tức là ngọt, đắng v.v…
Hoặc lập làm bảy thứ: Là vị tô, vị dầu, vị mật, vị đường mía, vị sữa đông, vị muối, vị thịt.
Hoặc lập làm tám thứ: Như đã nói về hương.
Hoặc lập làm chín thứ: Cũng như đã nói về hương.
Hoặc lập làm mười thứ: Tức là: Vị có thể nhai nuốt. Vị có thể ăn. Vị có thể nếm. Vị có thể uống. Vị có thể mút. Vị có thể phơi khô. Vị sung túc. Vị ngon hơn. Vị rửa sạch. Vị thường tập quen. Năm thứ sau là vị của các loại thuốc.
Hoặc lập một thứ xúc: Tức là đối tượng hành của thân.
Hoặc lập hai thứ: Như nói về hương.
Hoặc lập ba thứ: Nghĩa là hợp ý v.v…
Hoặc lập bốn thứ: Tức: Xúc do sờ chạm. Xúc do cầm nắm. Xúc do đánh đập. Xúc do mài nghiền.
Hoặc lập năm thứ: Tức do sự sai biệt của năm nẻo.
Lại có năm thứ: Nghĩa là các xúc do muỗi, bọ gậy, rệp, rắn, bò cạp tạo ra.
Hoặc lập làm sáu thứ: Tức xúc khổ, xúc vui, xúc chẳng khổ chẳng vui, xúc đồng thời cùng sinh xúc thuộc về đối tượng trị, xúc thuộc về chủ thể trị.
Hoặc lập làm bảy thứ: Xúc cứng chắc. Xúc ẩm ướt. Xúc ấm áp. Xúc động đậy. Xúc nhảy té. Xúc xoa, ấn mạnh. Xúc thân đổi khác. Là xúc ẩm ướt, trơn tru.
Hoặc lập làm tám thứ: Xúc do tay chạm. Xúc do hòn đất chạm. Xúc do gậy chạm. Xúc do đao chạm. Xúc do khí lạnh chạm. Xúc do hơi ấm chạm. Xúc do đói chạm. Xúc do khát chạm.
Hoặc lập làm chín thứ: Như đã nói về hương.
Hoặc lập làm mười thứ: Gồm: Xúc do thức ăn. Xúc do thức uống. Xúc do cỡi xe. Xúc do y phục. Xúc do các vật dụng trang sức. Xúc do các vật dụng ngồi, nằm, gối dựa (hai). Xúc nam. Xúc nữ. Xúc do hai sự tướng thọ dụng kia.
Lược nói về pháp giới: Hoặc giả hoặc thật, có 87 pháp. Gồm:
Pháp sở hữu của tâm (tâm sở) có 53. Khởi đầu từ tác ý cho đến tầm, tứ là sau cùng.
Sắc thuộc về pháp xứ có 2 thứ: Một là sắc thuộc về luật nghi không luật nghi. Hai là sắc là đối tượng hành của Tam-ma-địa.
Hành bất tương ưng có 24 thứ: Đắc, định vô tưởng, định diệt tận, dị thục vô tưởng, mạng căn, chúng đồng phận, tánh dị sinh, sinh, lão, trụ, vô thường, danh thân, cú thân, văn thân, lưu chuyển, định dị, tương ưng, thế tốc, thứ lớp, thời, phương, số, hòa hợp, không hòa hợp.
Vô vi có 8 thứ: Hư không, phi trạch diệt, trạch diệt, pháp thiện, bất thiện, vô ký, chân như, tưởng bất động thọ diệt.
Vô vi như vậy nói rộng có tám, nói lược có sáu. Hoặc sáu, hoặc tám đều như nhau.
Lại nữa, pháp giới hoặc lập một thứ: Tức là đối tượng hành của ý.
Hoặc lập làm hai thứ: Là pháp thuộc về giả và pháp không thuộc về giả.
Hoặc lập làm ba thứ: Là có sắc, không sắc và hữu vi – vô vi.
Hoặc lập làm bốn thứ: Pháp có sắc thuộc về giả. Pháp không sắc thuộc về tâm hiện có. Pháp không sắc không tương ưng, thuộc về giả. Pháp không sắc, vô vi thuộc về giả chẳng phải giả.
Hoặc lập làm năm thứ: Gồm: Pháp hiện có của tâm, sắc. Pháp của tâm bất tương ưng hành. Pháp thiện, vô ký, vô vi (ba).
Hoặc lập làm sáu thứ: Là thọ, tưởng, hành tương ưng, hành không tương ưng, sắc, vô vi.
Hoặc lập làm bảy thứ: Là thọ, tưởng, tư, nhiễm ô, không nhiễm ô, sắc, vô vi.
Hoặc lập làm tám thứ: Tức thiện, bất thiện, vô ký, thọ, tưởng, hành, sắc, vô vi.
Hoặc lập làm chín thứ: Là do sự sai biệt của quá khứ, vị lai v.v…
Hoặc lập làm mười thứ: Tức là do mười thứ nghĩa: Nghĩa theo đuổi sinh. Nghĩa lãnh nhận đối tượng duyên. Nghĩa giữ lấy tướng của đối tượng duyên. Nghĩa ở nơi đối tượng duyên tạo tác. Nghĩa phần vị sai biệt của các pháp kia. Nghĩa không chướng ngại. Nghĩa luôn lìa trói buộc. Nghĩa thường không lìa trói buộc. Nghĩa thường không điên đảo. Nghĩa lìa mọi ràng buộc của khổ vui. Nghĩa không thọ nhận lìa trói buộc và thọ nhận lìa trói buộc.
Như vậy, pháp thuộc về sáu xứ, hoặc trong hoặc ngoài, phân biệt về chỗ sai khác có 660 pháp.
Lại nữa, thường quán các sắc, quán rồi lại xả, nên gọi là mắt. Luôn luôn gắn với âm thanh cho đến khi có thể nghe, nên gọi là tai. Thường do điều ấy để có thể ngửi các hương, nên gọi là mũi. Có thể trừ bỏ đói gầy, luôn phát ra nói năng, bàn luận, kêu gọi, biểu dương, nên gọi là lưỡi. Chỗ tùy thuận của các căn, tích tụ, hiện bày khắp nên gọi là thân. Kẻ ngu nơi đêm dài sinh tử lo trang sức chứa giữ, cho là mình có, chấp làm ngã sở, ngã và ngã sở.
Lại, các thế gian dựa vào đấy để giả lập vô số tên gọi, ý tưởng. Đó là hữu tình, con người, thọ mạng, sự sinh, ý sinh, thiếu niên v.v… nên gọi là ý. Luôn có thể hiện rõ nơi các phương sở của mình, chất lượng có thể tăng trưởng, nên gọi là sắc. Thường nêu bày, từ tạ, theo chỗ tăng thêm mà luận bàn khác nhau, nên gọi là âm thanh. Lìa chất, ẩn hình, luôn theo gió di chuyển, nên gọi là hương. Có thể dùng lưỡi nếm, thường gây nên bệnh tật, nên gọi là vị. Luôn có thể làm chỗ chứng nhập của thân, nên gọi là xúc. Có khả năng nhận giữ khắp, chỉ là tánh của cảnh nơi ý, nên gọi là pháp. Các loại pháp sai biệt như thế, nên biết. Ở đây trở lại nói kệ:
Tự tánh, đối tượng nương
Chỗ duyên, trợ bạn, nghiệp
Do năm thứ môn ấy
Các tâm chuyển sai biệt.
Nơi phần này làm rõ do năm pháp, nên sáu thức thân chuyển biến sai biệt. Đó là tự tánh, đối tượng nương dựa, đối tượng duyên, trợ bạn và tạo nghiệp.
Lại nữa, nên biết về uẩn khéo thâu giữ, giới khéo thâu giữ, xứ khéo thâu giữ, duyên khởi khéo thâu tóm, xứ – phi xứ khéo thâu tóm, căn khéo thâu giữ.
Lại nữa, nên biết, ngôn ngữ của chư Phật thuộc về chín sự. Đó là: (1) Sự việc của hữu tình. (2) Sự việc thọ dụng. (3) Sự việc sinh khởi. (4) Sự việc an trụ. (5) Sự việc nhiễm tịnh. (6) Sự việc sai biệt. (7) Sự việc người nêu giảng. (8) Sự việc được nêu giảng. (9) Sự việc của chúng hội.
Sự việc của hữu tình: Nghĩa là năm thủ uẩn.
Sự việc thọ dụng: Tức là mười xứ.
Sự việc sinh khởi: Là mười hai phần duyên khởi và duyên sinh.
Sự việc an trụ: Tức là bốn thứ ăn.
Sự việc nhiễm tịnh: Là bốn Thánh đế.
Sự việc sai biệt: Là vô lượng giới.
Sự việc người nêu giảng: Là Đức Phật và các vị đệ tử.
Sự việc được nêu giảng: Là các pháp Bồ-đề phần như bốn niệm trụ v.v…
Sự việc của chúng hội: Đó là tám chúng: (a) Chúng Sát-đế-lợi. (b) Chúng Bà-la-môn. (c) Chúng Trưởng giả. (d) Chúng Sa-môn. (đ) Chúng bốn Đại Thiên vương. (e) Chúng Trời Ba mươi ba. (f) Chúng Trời Dạ-ma. (g) Chúng Phạm thiên.
Lại, kệ nói:
Phẩm Sắc tụ tương ưng
Tướng thế gian cùng duyên
Môn sai biệt như thiện…
Sự thiện xảo sau cùng.
Như vậy là đã nói về Địa Ý.
HẾT – QUYỂN 3