LUẬN DU GIÀ SƯ ĐỊA
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 4

Địa thứ 3, 4, 5: ĐỊA CÓ TẦM CÓ TỨ, phần 1 (Phần Bản Địa)

Thế nào là Địa có tầm có tứ? Thế nào là Địa không tầm chỉ có tứ? Thế nào là Địa không tầm không tứ? Kệ tổng quát nói:

Giới, tướng, như lý, không như lý Tạp nhiễm cùng khởi là sau rốt.

Ba Địa như thế, lược dùng 5 môn để nêu bày, kiến lập.

  1. Nêu bày kiến lập về Giới.
  2. Nêu bày kiến lập về Tướng.
  3. Nêu bày kiến lập về Tác ý như lý.
  4. Nêu bày kiến lập về Tác ý không như lý.
  5. Nêu bày kiến lập về Tạp nhiễm cùng khởi.

I. Thế nào là nêu bày kiến lập về Giới?

Kệ nêu riêng viết:

Số, xứ, lượng, thọ, thọ dụng, sinh

Tự thể, nhân, duyên, quả phân biệt.

Nên biết kiến lập về Giới do 8 thứ tướng:

  1. Kiến lập về số.
  2. Kiến lập về xứ sở.
  3. Kiến lập về lượng của hữu tình.
  4. Kiến lập về thọ mạng của hữu tình.
  5. Kiến lập về thọ dụng của hữu tình.
  6. Kiến lập về sinh.
  7. Kiến lập về tự thể.
  8. Kiến lập về nhân, duyên, quả.

1. Thế nào là kiến lập về số? Lược có ba giới: Tức là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Ba thứ như thế gọi là “Đọa nhiếp giới” (Giới rơi vào sự thâu tóm, hệ thuộc).

“Chẳng phải đọa nhiếp giới”: Là phương tiện và thân diệt, không hý luận, giới vô lậu.

Ở đây, Dục giới và tĩnh lự thứ nhất của Sắc giới, trừ tĩnh lự trung gian, hoặc định hoặc sinh, gọi là Địa có tầm có tứ.

Tức tĩnh lự trung gian, hoặc định hoặc sinh, gọi là Địa không tầm chỉ có tứ.

Theo một hữu tình, do tu tập địa này, nên được làm Đại Phạm, từ tĩnh lự thứ hai nơi hữu Sắc giới và Vô sắc giới còn lại, gọi chung là Địa không tầm không tứ.

Trong ấy, do lẽ lìa dục của tầm, tứ, nên gọi là Địa không tầm không tứ. Không phải là do không hiện hành. Vì sao? Vì người chưa lìa dục của cõi dục, do tác ý dẫn dạy sai biệt, nên qua một thời gian, cũng có ý không tầm không tứ hiện hành. Người đã lìa dục của tầm, tứ, cũng có tầm tứ hiện hành, như ra khỏi định và sinh về cõi kia. Nếu tĩnh lự thứ nhất của giới vô lậu thuộc về định hữu vi, cũng gọi là Địa có tầm có tứ. Dựa nơi pháp của xứ tầm, tứ, duyên nơi chân như làm cảnh, nhập vào định này, nên không do phân biệt về tầm tứ hiện hành hay không hiện hành. Phần còn lại như trước đã nói.

2. Thế nào là kiến lập về xứ sở: Tức ở trong Dục giới có 36 xứ: Nghĩa là 8 địa ngục lớn:

  1. Đẳng Hoạt.
  2. Hắc Thằng.
  3. Chúng Hợp.
  4. Hào Khiếu.
  5. Đại Hào Khiếu.
  6. Thiêu Nhiệt.
  7. Cực Thiêu Nhiệt.
  8. Vô Gián.

Nơi chốn của các địa ngục lớn này rộng mười ngàn do-tuần. Bên ngoài lại có 8 địa ngục Hàn (lạnh) là:

  1. Địa ngục Pháo (Phỏng da sưng tấy).
  2. Địa ngục Pháo Liệt (Phỏng da sưng tấy vỡ ra).
  3. Địa ngục Hát Triết Hỗ.
  4. Địa ngục Hác Hác Phàm.
  5. Địa ngục Hổ Hổ Phàm.
  6. Địa ngục Sen xanh.
  7. Địa ngục Sen hồng.
  8. Địa ngục Sen hồng lớn.

Từ đây đi xuống ba vạn hai ngàn do-tuần, đến địa ngục Đẳng Hoạt. Ở đây, lại cách bốn ngàn do-tuần, có các địa ngục khác. Như nơi chốn của địa ngục lớn Đẳng Hoạt, địa ngục Hàn thứ nhất cũng vậy. Từ đó lại cách hai ngàn do-tuần, có các địa ngục khác nên biết.

Lại có xứ sở của Ngạ quỷ. Lại có xứ sở của hàng Phi thiên. Bàng sinh thì cùng với hàng Người, Trời đồng xứ, nên không kiến lập riêng.

Lại có 4 châu lớn, như trước đã nêu. Lại có 8 châu vừa.

Lại, chư thiên thuộc Dục giới có 6 xứ:

  1. Trời Tứ Đại vương chúng.
  2. Trời Ba mươi ba.
  3. Trời Thời phần.
  4. Trời Tri túc.
  5. Trời Lạc Hóa.
  6. Trời Tha Hóa Tự Tại.

Lại có Thiên cung Ma La, tức thuộc về cõi trời Tha Hóa Tự Tại, song cảnh giới cao hơn.

Lại có địa ngục độc nhất, là địa ngục giáp ranh, tức ở giữa địa ngục lớn và địa ngục Hàn. Do vì giáp ranh với hai địa ngục ấy nên không lập xứ sở riêng.

Lại, ở trong nẻo người cũng có một phần nơi địa ngục độc nhất có thể đạt được, như Tôn giả Thủ Duyên Đậu Tử đã nêu giảng: “Ta thấy các hữu tình bị thiêu đốt, bị thiêu đốt dữ dội, thiêu đốt dữ dội hiện bày khắp, gom lại thành một khối lửa thiêu đốt”.

36 xứ như vậy, gọi chung là Dục giới.

Lại nữa, Sắc giới có 18 xứ. Đó là:

  1. Trời Phạm Chúng.
  2. Trời Phạm Tiền Ích.
  3. Trời Đại Phạm.

Ba cõi trời này do huân tu ba phẩm hạ trung thượng nơi tĩnh lự thứ nhất.

  1. Trời Thiểu Quang.
  2. Trời Vô Lượng Quang.
  3. Trời Cực Tịnh Quang.

Ba cõi này do huân tu ba phẩm hạ trung thượng nơi tĩnh lự thứ hai.

  1. Trời Thiểu Tịnh.
  2. Trời Vô Lượng Tịnh.
  3. Trời Biến Tịnh.

Ba cõi này do huân tu ba phẩm hạ trung thượng nơi tĩnh lự thứ ba.

  1. Trời Vô Vân.
  2. Trời Phước Sinh.(12) Trời Quảng Quả.

Ba cõi này do huân tu ba phẩm hạ trung thượng nơi tĩnh lự thứ tư.

Trời Vô Tưởng: Tức thuộc về cõi trời Quảng Quả, không có xứ sở riêng.

Lại có năm cõi tịnh cung, nơi các bậc Thánh dừng trụ, không cùng chung. Đó là trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện và trời Sắc Cứu Cánh. Năm cõi này do đối với chín phẩm hạ trung thượng nơi tĩnh lự thứ tư đã hợp tu phẩm thượng tột bậc, hơn hết.

Lại có trụ xứ Đại Tự Tại, vượt quá các cõi tịnh cung, có các Bồ-tát mười Địa, do dốc tâm huân tu Địa thứ mười nên được sinh vào cõi ấy.

Lại nữa, Vô sắc giới có 4 trụ xứ, đều không có nơi chốn.

3. Kiến lập về lượng của hữu tình: Gồm:

Thân lượng của người thuộc châu Nam Thiện-bộ không nhất định: Hoặc có lúc cao lớn, hoặc có khi thấp nhỏ. Nhưng tùy theo chiều dài khuỷu tay của chính họ thì thân lượng cao khoảng ba khuỷu tay rưỡi.

Thân lượng của người thuộc châu Đông Tỳ-đề-ha thì nhất định, cũng tùy theo chiều dài khuỷu tay của chính họ thì cao ba khuỷu tay rưỡi, nhưng thân họ cao lớn.

Như châu Đông Tỳ-đề-ha, thân lượng của người nơi hai châu Tây Cù-đà-ni và Bắc Câu-lô cũng vậy, lần lượt lại cao lớn hơn.

Thân lượng của chư thiên nơi cõi trời Tứ Đại vương chúng bằng một phần tư câu-lô-xá.

Thân lượng của chư thiên nơi cõi trời Ba mươi ba lại tăng thêm một chân (chiều dài từ gối trở xuống). Thân lượng của Thiên chủ Đế Thích là nửa câu-lô-xá.

Thân lượng của chư thiên nơi cõi trời Thời phần cũng bằng nửa câu-lô-xá.

Từ đây trở lên, thân lượng của chư thiên nơi hết thảy các cõi trời thuộc Dục giới nên biết dần dần đều tăng một chân.

Thân lượng của chư thiên nơi cõi trời Phạm Chúng bằng nửa do-tuần.

Thân lượng của chư thiên nơi cõi trời Phạm Tiền Ích là một do-tuần.

Thân lượng của chư thiên nơi cõi trời Đại Phạm là một dotuần rưỡi.

Thân lượng của chư thiên nơi cõi trời Thiểu Quang là hai do-tuần.

Từ đây trở lên, thân lượng của chư thiên nơi các cõi trời còn lại đều tăng dần gấp bội, trừ cõi trời Vô Vân, nên biết cõi ấy, thân lượng giảm ba do-tuần.

Lại, thân lượng của hữu tình nơi các đại địa ngục không nhất định. Nếu tạo tác và làm tăng trưởng nghiệp bất thiện, ác cực trọng thì hữu tình ấy sẽ chiêu cảm lấy thân lượng to lớn, ngoài ra thì không như thế.

Như nơi đại địa ngục, thân lượng của các hữu tình nơi địa ngục lạnh, địa ngục độc nhất, địa ngục giáp ranh, nẻo bàng sinh, nẻo ngạ quỷ cũng vậy.

Thân lượng của các Phi thiên, lớn nhỏ như cõi trời Ba mươi ba. Nên biết nơi Vô sắc giới, do không có sắc nên không có thân lượng.

4. Kiến lập về thọ mạng của hữu tình: Gồm: Thọ lượng của người nơi châu Nam Thiệm-bộ không nhất định. Họ dùng ba mươi ngày đêm làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Hoặc ở vào một thời kỳ thọ mạng là vô lượng năm. Hoặc ở vào một thời kỳ thọ mạng là tám vạn năm. Hoặc ở vào một thời kỳ thọ mạng giảm dần cho đến chỉ còn mười tuổi.

Thọ lượng của người nơi châu Đông Tỳ-đề-ha là nhất định, tức 250 năm.

Thọ lượng của người nơi châu Tây Cù-đà-ni nhất định là 500 năm.Nơi châu Bắc Câu-lô nhất định là 1000 năm.

Lại, 50 năm của nhân gian là một ngày một đêm nơi cõi trời Tứ Đại vương chúng. Ở cõi này, dùng ba mươi ngày đêm như thế làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Chư thiên nơi cõi đó thọ lượng là 500 năm.

100 năm nơi nhân gian là một ngày một đêm nơi cõi trời Ba mươi ba. Dùng một ngày một đêm để tính tháng, năm, như trước đã nói. Chư thiên ở cõi ấy thọ lượng 1000 năm.Như vậy, các cõi trời còn lại, cho đến trời Tha Hóa Tự Tại, về ngày đêm và thọ lượng đều tăng gấp đôi so với cõi trước.

Lại, thọ lượng đầy đủ của chư thiên nơi cõi trời Tứ Đại vương chúng, là một ngày một đêm nơi nẻo đại địa ngục Đẳng Hoạt. Tức dùng ba mươi ngày đêm như vậy làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, hữu tình nơi nẻo đại địa ngục đó sống tới năm trăm năm.

Lấy thọ lượng của chư thiên nơi cõi trời Tứ Đại vương chúng làm thành thọ lượng của hữu tình nơi đại địa ngục Đẳng Hoạt. Cũng vậy, lấy thọ lượng của chư thiên nơi cõi trời Ba mươi ba làm thành thọ lượng của hữu tình nơi đại địa ngục Hắc Thằng. Dùng thọ lượng của chư thiên nơi cõi Thời phần làm thành thọ lượng của hữu tình nơi đại địa ngục Chúng Hợp. Lấy thọ lượng của chư thiên nơi cõi trời Tri túc làm thành thọ lượng của hữu tình nơi đại địa ngục Hào Khiếu… Cho đến dùng thọ lượng của chư thiên nơi cõi trời Tha Hóa Tự Tại làm thành thọ lượng của hữu tình nơi đại địa ngục Thiêu Nhiệt, nên biết cũng vậy.

Thọ mạng của hữu tình nơi đại địa ngục Cực Thiêu Nhiệt là nửa trung kiếp.

Thọ mạng của hữu tình nơi đại địa ngục Vô Gián là một trung kiếp.

Thọ lượng của hàng Phi thiên như nơi cõi trời Ba mươi ba.

Thọ lượng của nẻo Bàng sinh, Ngạ quỷ không nhất định.

Lại, địa ngục lạnh, đối với đại địa ngục, theo thứ lớp so với nhau về thọ lượng thì gần bằng một nửa.

Lại, địa ngục giáp ranh, địa ngục độc nhất, các hữu tình thọ sinh ở đây, thọ lượng không nhất định.

Thọ lượng của chư thiên nơi cõi trời Phạm Chúng là một kiếp hai mươi trung kiếp. Thọ lượng của chư thiên nơi cõi trời Phạm Tiền Ích là một kiếp bốn mươi trung kiếp. Cõi trời Đại Phạm thọ lượng là một kiếp sáu mươi trung kiếp. Nơi cõi trời Thiểu Quang thọ lượng là hai kiếp tám mươi trung kiếp.

Từ đây trở lên, thọ lượng của chư thiên nơi các cõi trời thuộc Sắc giới còn lại, đối chiếu với nhau, mỗi cõi tăng dần gấp bội, chỉ trừ cõi trời Vô Vân, nên biết cõi trời này thọ lượng giảm ba kiếp.

Thọ lượng nơi cõi không vô biên xứ là hai vạn kiếp. Thọ lượng nơi cõi thức vô biên xứ là bốn vạn kiếp. Thọ lượng nơi cõi vô sở hữu xứ là sáu vạn kiếp. Thọ lượng nơi cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ là tám vạn kiếp.

Trừ châu Bắc Câu-lô, hết thảy xứ còn lại đều có trường hợp chết yểu giữa chừng.

Lại, nẻo Người, Quỷ, Bàng sinh đều có thân xác bỏ lại sau khi chết. Chư thiên và hữu tình nơi nẻo địa ngục, khi chết cùng với thức đều mất, không có thân xác bỏ lại.

5. Kiến lập về thọ dụng của hữu tình: Lược nêu có ba thứ: Thọ dụng về khổ vui, thọ dụng về ăn uống và thọ dụng về dâm dục.

a. Thọ dụng về khổ vui: Nghĩa là các hữu tình nơi nẻo Địa ngục phải nhận chịu nhiều khổ não cùng cực do bị trừng phạt. Hữu tình nơi nẻo Bàng sinh phải nhận chịu nhiều khổ não do ăn nuốt lẫn nhau. Hữu tình nơi nẻo Ngạ quỷ phải nhận chịu nhiều nỗi thống khổ do đói khát cùng cực. Hữu tình nơi nẻo Người phần nhiều thọ nhận vô số những khổ sở do thiếu thốn, do tìm cầu. Hữu tình nơi nẻo Trời phần nhiều thọ nhận các khổ do suy não, thoái đọa sau khi thọ mạng diệt.

Lại, ở trong đại địa ngục Đẳng Hoạt, các hữu tình phải chịu nhiều khổ não cùng cực do bị trừng phạt như thế. Tức là các hữu tình ấy, do cùng sinh ra từ sự tăng thượng của nghiệp được tích tụ, nên có vô số những vật dụng tạo khổ lần lượt sinh ra, lại cùng tàn hại lẫn nhau, tuyệt vọng ngã lăn ra đất. Trong hư không liền có âm thanh lớn phát ra, bảo: “Các hữu tình này có thể trở lại “Đẳng Hoạt”. Có thể trở lại “Đẳng Hoạt”. Thế là các hữu tình đó đột nhiên đều lại đứng dậy, trở lại dùng các vật dụng tạo khổ như trước đã nói, cùng nhau tàn hại lần nữa. Do nhân duyên ấy nên suốt trong thời gian dài luôn nhận lấy vô số thống khổ, cho đến khi nếu quả báo của tất cả nghiệp ác bất thiện đã gây tạo từ đời trước chưa hết thì chưa ra khỏi, nên đại địa ngục này được gọi là Đẳng Hoạt.

Lại, ở trong đại địa ngục Hắc Thằng, các hữu tình phải nhận chịu nhiều thống khổ cùng cực do bị trừng phạt như vậy. Tức là, các hữu tình đều bị giam nhốt ở đấy, ngục tốt dùng sợi dây đen xâu kết lại, hoặc làm bốn mối, hoặc làm tám mối, hoặc làm thành vô số mối chằng chịt như nét vẽ nơi bức tranh. Những tội nhân này, sau khi bị xâu kết lại rồi, tùy theo vị trí của mình, hoặc bị đào bới, hoặc bị đâm chém, đục khoét v.v… Do vô số nhân duyên như thế, nên phải nhận chịu khổ não lâu dài, cho đến khi nếu quả báo của hết thảy nghiệp ác bất thiện đã gây tạo từ đời trước chưa kết thúc, thì chưa thể ra khỏi, nên đại địa ngục này mang tên là Hắc Thằng (Dây đen).

Lại, nơi đại địa ngục Chúng Hợp, các hữu tình phải nhận chịu những khổ não cực nặng do bị trừng phạt như thế. Nghĩa là các tội nhân này hoặc có lúc lần lượt tụ tập hòa hợp, bấy giờ liền có các ngục tốt cai quản họ lập tức xua đuổi, bức bách khiến các hữu tình ấy chạy ùa vào trong núi lớn hai đầu dê bằng sắt. Khi họ đã vào hết rồi thì hai đầu núi bèn ép chặt lại. Bị ép như vậy nên máu nơi cơ thể của các tội nhân chảy vọt ra. Như núi hai đầu dê bằng sắt, các núi hai đầu dê cái sắt, hai đầu ngựa sắt, hai đầu voi sắt, hai đầu sư tử sắt, hai đầu cọp sắt cũng hoạt động như vậy. Lại khiến tội nhân hòa hợp như trước, rồi lùa họ vào nơi máng sắt lớn, tức thì ép lại như ép mía, máu thịt lại tuôn ra. Các hữu tình đó lại được hòa hợp, liền có ngọn núi sắt lớn từ trên không rơi xuống, làm cho những hữu tình té ngã lăn nơi mặt đất sắt, rồi thì bị chặt, bị đâm, bị giã, bị xé v.v…, máu thịt lại vọt ra. Do nhân duyên ấy nên thọ nhận thống khổ lâu dài, cho đến khi nếu quả báo của nghiệp ác bất thiện đã gây tạo từ đời trước chưa kết thúc, thì chưa ra khỏi, do đó đại địa ngục này có tên là Chúng Hợp.

Lại, ở trong đại địa ngục Hào Khiếu, các hữu tình phải thọ các thứ khổ não cực nặng do bị trừng phạt như vậy. Tức là những tội nhân ở đây tìm kiếm nhà cửa, liền đi vào ngôi nhà sắt lớn. Vào xong tức thì lửa bốc cháy, nên thảy đều bị thiêu đốt, thiêu đốt dữ dội, thiêu đốt dữ dội không sót một nơi nào. Quá thống khổ khiến các tội nhân kêu gào, âm thanh vang động. Do nhân duyên này nên bị khổ bức lâu dài, cho đến khi nếu quả báo của tất cả các nghiệp ác bất thiện đã gây tạo từ đời trước chưa chấm dứt, thì vẫn còn thọ khổ. Do đó, đại địa ngục này được gọi là Hào Khiếu (Kêu gào).

Lại ở trong đại địa ngục Đại Hào Khiếu, những khổ não các tội nhân phải nhận chịu so với đại địa ngục trước có khác. Tức nhà cửa ở đây giống như bào thai, nên mang tên là Đại Hào Khiếu.

Lại, nơi đại địa ngục Thiêu Nhiệt, các hữu tình bị trừng phạt phải nhận chịu bao thống khổ cùng cực. Nghĩa là đám ngục tốt cai quản tội nhân đem họ đặt trên tấm vỉ sắt được nung nóng, rộng lớn vô lượng do-tuần, và các tội nhân lập tức bị thiêu đốt cực độ, bị hành hạ, bức bách đủ kiểu. Lại như nướng cá dùng cây chĩa sắt to xiên từ dưới lên, xuyên qua đỉnh đầu, rồi lật qua lật lại để nướng, khiến các tội nhân nơi các căn, các lỗ chân lông, kể cả trong miệng thảy đều bốc lửa. Lại đặt các tội nhân nằm trên mặt đất sắt cũng được nung nóng cực độ, hoặc lật ngửa, hoặc úp sấp, đám ngục tốt lại dùng chày sắt lớn nung đỏ, hoặc đánh, hoặc giã, các tội nhân chỉ còn một nắm thịt. Do nhân duyên này nên phải thọ khổ bức lâu dài, cho đến khi, nếu quả báo của các nghiệp ác bất thiện đã tạo ra từ đời trước chưa kết thúc, thì vẫn chưa thoát khỏi, do đó đại địa ngục này mang tên là Thiêu Nhiệt.

Lại, ở trong đại địa ngục Cực Thiêu Nhiệt, mọi thứ khổ não buộc tội nhân phải nhận chịu so với đại địa ngục trước có khác. Đó là đám ngục tốt dùng chĩa ba bằng sắt cực nóng, xiên các tội nhân từ dưới lên, suốt qua hai bắp tay và đỉnh đầu, khiến mọi chi phần nơi thân đều phát ra lửa dữ. Các tội nhân còn bị hành hạ, chịu nhiều khổ bức khác nữa: dùng lá đồng lá sắt nung đỏ quấn bọc khắp thân, bị lộn ngược bỏ vào vạc sắt lớn đầy nước tro sôi sục… Do nhân duyên này khiến phải nhận chịu thống khổ lâu dài, cho tới khi nếu quả báo của hết thảy nghiệp ác bất thiện đã gây tạo từ đời trước chưa hết thì vẫn còn chịu khổ, nên đại địa ngục này mang tên là Cực Thiêu Nhiệt.

Lại, ở trong đại địa ngục Vô Gián, các hữu tình ở đây phải nhận chịu bao thống khổ tột độ do bị trừng phạt như vậy. Tức là, từ nơi phương Đông bày ra khoảng đất dài rộng nhiều trăm do-tuần, mặt đất là sắt được nung nóng cực độ, nung nóng cực độ hiện khắp, trên ấy có ngọn lửa dữ vọt lên cháy hừng hực, vụt tới đâm vào người các tội nhân, xuyên qua da thịt, phá vỡ xương gân, hủy hoại nội tạng, khiến tội nhân bị đốt cháy như cây đuốc mỡ. Cứ thế, hễ thân động lại biến thành lửa dữ. Như từ phương Đông, các phương Nam, Tây, Bắc cũng lại như vậy. Do duyên cớ ấy, nên các hữu tình ở đây cùng với lửa dữ đã hòa lẫn làm một, chỉ thấy khối lửa từ bốn phương ào tới. Ngọn lửa hòa lẫn không có chút khoảng trống, những thống khổ phải nhận chịu cũng không có chút gián đoạn. Chỉ nghe những âm thanh kêu gào vì bị khổ bức nên biết là có chúng sinh. Đám ngục tốt lại dùng các giỏ sắt đầy ắp than sắt cháy hừng, nóng cực độ, rải rưới lên người các tội nhân. Lại đặt họ trên mặt đất sắt nóng chảy, rồi bắt họ leo lên núi sắt lớn đỏ nung đỏ, lên rồi lại xuống, xuống xong lại lên. Lại dùng vô số hình phạt khác để trừng trị… Do đấy, cứ mãi phải nhận chịu muôn ngàn thứ khổ bức lâu dài, cho đến khi nếu quả báo của tất cả nghiệp ác bất thiện đã gây tạo từ đời trước chưa hết thì chưa thể ra khỏi chốn đó, nên đại địa ngục này gọi là Vô Gián. Do phần nhiều là gây tạo tác nghiệp vô gián nên bị đọa vào chỗ này. Ở đây chỉ lược nêu một số “khổ cụ” thô, hiện rõ, chẳng phải trong đại địa ngục ấy chỉ có thế, vì còn có vô số những “khổ cụ” khác không thể biết hết được.

Lại, ở trong các địa ngục Cận biên, các loài hữu tình phải nhận chị những thứ khổ não do bị trừng phạt như thế. Nghĩa là hết thảy các địa ngục lớn này đều có tường sắt vây quanh bốn cửa của bốn bờ thành nơi bốn hướng. Các tội nhân từ nơi bốn cửa của bốn hướng đi ra, tức bên ngoài mỗi mỗi cửa có bốn khu vườn dẫn ra, đều là những khu vườn đầy tro lửa nóng ngập tới đầu gối. Những tội nhân đi ra để tìm kiếm chỗ trú thân, tới đây, vừa đặt chân vào vườn tức thì da thịt máu huyết thảy đều cháy tan, khi giở chân lên liền trở lại như cũ. Kế tiếp khu vườn tro lửa nóng không gián đoạn này là các khu vườn thây chết, bùn phân. Đám tội nhân vẫn đi tìm chốn trú thân, dần dần đến đây, liền bị rơi vào trong bùn dơ, đầu chân đều chìm lún cả. Trong đầu bùn phân này lại có nhiều giòi trùng tên “Nương củ trá”, có thể xuyên qua da, thịt, cắn đứt gân, phá vỡ xương, hút lấy tủy. Tiếp theo khu vực ấy thì có đoạn đường đao kiếm bén nhọn, ngửa mũi nhọn lên làm thành lối đi. Những hữu tình kia vẫn đi tìm chỗ trú, lần bước tới đây, vừa đặt chân vào, tức thì da thịt gân máu thảy đều nát nhừ, nhưng khi giở chân lên thì trở lại như cũ. Kế đấy là rừng lá bén nhọn, đám tội nhân vẫn như trước, dần tới dưới bóng cây của khu rừng, vừa ngồi xuống, thì gió nhẹ nổi lên, các chiếc lá nhọn bén rơi xuống tới tấp, chặt chém hết thảy mọi chi phần nơi thân hình tội nhân khiến văng vãi, tung tóe khắp mặt đất, lại có chó Hắc ly chộp lấy, cắn rút xương sống mà ăn.

Từ khu rừng lá bén nhọn không gián đoạn này đi tới, có rừng Thiết-lạp-mạt-lê bằng sắt. Đám tội nhân vẫn trên đường tìm kiếm nơi ẩn trú nên đến đây, leo lên cây, tức thì mọi đầu lá sắc nhọn đều chúc xuống. Khi đám tội nhân vừa tuột xuống thì mọi đầu lá sắc nhọn kia lại quay lên. Do đấy, mọi chi phần nơi thân họ đều bị đâm thủng. Lại có loài quạ lớn mỏ bằng sắt, bay đậu nơi đầu hoặc trên bả vai, mổ lấy tròng mắt mà ăn. Tiếp theo rừng cây Thiết-lạp-mạt-lê bằng sắt không gián đoạn ấy là con sông rộng lớn, nước sông toàn là nước tro nóng sôi sùng sục, đầy tràn. Các hữu tình tội nhân vẫn như trước, đi tới đây liền rơi xuống sông tro này. Giống như lấy đậu bỏ vào chảo lớn rồi đốt lửa thật nhiều để nấu, đám tội nhân theo hơi nước mà ngụp lặn, trồi sụt giáp vòng thì trở lại như cũ. Hai bên bờ sông, có các ngục tốt tay cầm gậy, dây, và lấy lưới rộng giăng dọc theo bờ, ngăn chặn đám tội nhân khiến họ không thể thoát lên. Hoặc dùng dây tơ trói chặt, hoặc dùng lưới vớt lên, đem bỏ nơi mặt đất rộng lớn bằng sắt nóng rực, lật ngửa các tội nhân kia, bảo: Bây giờ các ngươi cần những gì?

Chúng tôi hiện giờ không còn biết gì cả, nhưng bị vô số nỗi khổ do đói bức bách.

Tức thì đám ngục tốt liền dùng kìm sắt kẹp miệng các tội nhân cho há ra, rồi lấy những viên sắt được nung đỏ tống vào miệng họ… Nếu các tội nhân đáp: Chúng tôi hiện chỉ bị khổ do khát bức bách!

Thế là ngục tốt bèn lấy nước đồng sôi rót vào miệng họ.

Do nhân duyên ấy nên tội nhân ở đây phải nhận chịu bao thứ khổ bức lâu dài, cho đến hết thảy nghiệp ác bất thiện đã gây tạo từ đời trước, có thể chiêu cảm quả báo nơi địa ngục chưa hết, thì họ vẫn còn chịu khổ. Ở đây, hoặc đoạn đường gồm đao kiếm bén nhọn, hoặc rừng lá nhọn, sắc, hoặc rừng cây Thiết-lạp-mạt-lê bằng sắt được gom lại làm một, nên nói có bốn khu vườn.

Lại, các hữu tình bị đọa vào các địa ngục Lạnh phải nhận chịu vô số khổ cùng cực về lạnh lẽo như thế. Nghĩa là nơi địa ngục “Phỏng da sưng tấy”, các hữu tình bị đọa vào đây, luôn tiếp xúc với vùng đất rộng lớn và hết sức lạnh lẽo vây bọc, tác động, khiến mọi chi phần nơi thân đều co rút lại như bị phỏng da, nên địa ngục này mang tên như vậy.

Địa ngục “Phỏng da sưng tấy bị vỡ ra” so với địa ngục trước có sai khác. Tức ở đây, giống như vết phỏng sưng tấy bị vỡ lở, máu mủ túa ra, vết thương co rúm lại, nên địa ngục này có tên gọi như thế.

Lại, ba địa ngục Hát Triết Hỗ, Hác Hác Phàm và Hổ Hổ Phàm, do âm thanh kêu gào về khổ của các tội nhân ở ba nơi ấy sai khác nên nhân đấy mà đặt tên.

Trong “Địa ngục Sen xanh”, các tội nhân do luôn bị tiếp xúc với vùng đất rất rộng lớn và hết sức lạnh lẽo, nên mọi chi phần nơi thân họ đều bầm xanh, da dẻ bị nứt ra, bị xé ra, hoặc làm năm mảnh, hoặc làm sáu mảnh, do đó địa ngục này có tên gọi như thế.

“Địa ngục Sen hồng” so với địa ngục trước có khác. Đó là trải qua giai đoạn xanh rồi thì da biến thành màu đỏ hồng, da bị xé, bị nứt ra hoặc làm mười mảnh, hoặc làm nhiều mảnh, nên địa ngục ấy mang tên là Sen hồng.

“Địa ngục Sen hồng lớn” so với địa ngục Sen hồng có sai khác. Đó là toàn bộ phần thân của các tội nhân đỏ hồng lên rất đậm, da dẻ bị xé rách ra hàng trăm mảnh hoặc hơn nữa, do vậy nên địa ngục này mang tên như thế.

Lại, các hữu tình bị đọa vào địa ngục Độc nhất, mỗi mỗi đều do chỗ chiêu cảm từ tự nghiệp của tự thân, nên phải nhận chịu vô số khổ bức cùng cực, như trong kinh Cát Tường, Vấn Thái Lục Đậu Tử đã giảng nói rộng, nên địa ngục này có tên là Độc nhất.

Lại nữa, nếu nơi nẻo Bàng sinh, các loài hữu tình cùng tàn hại lẫn nhau, như loài yếu bị loài mạnh giết hại. Do nhân duyên ấy nên phải nhận chịu vô số thống khổ. Vì không được tự tại, luôn bị xua đuổi, chịu nhiều sự đánh đập, làm vật cung cấp thức ăn cho hàng trời, người, do đấy nên đã chịu đủ mọi thứ khổ não cùng cực.

Lại, nơi nẻo Ngạ quỷ lược nêu có ba loại:

  1. Do bên ngoài gây trở ngại việc ăn uống.
  2. Do bên trong gây trở ngại việc ăn uống.
  3. Ăn uống không bị trở ngại.

Thế nào là loài Ngạ quỷ do bên ngoài gây trở ngại việc ăn uống? Đó là do hữu tình kia hành theo thói bỏn sẻn bậc thượng, nên bị đọa vào nẻo quỷ, luôn ứng hợp với sự đói khát, da thị, gân mạch thảy đều khô đét, giống như bị đốt thành than, đầu tóc rối bù, mặt mày đen đúa, môi miệng khô cháy, thường dùng lưỡi liếm khắp mặt, miệng, luôn sợ hãi về đói khát, rảo chạy khắp chốn, tìm tới nơi có ao, suối. Ở đây lại bị loài hữu tình khác, tay cầm đao gậy, dây trói, giăng hàng ngăn chặn khiến không thể đến được. Nếu có kẻ mạnh vượt chạy tới nơi thì thấy nước nơi ao, suối biến thành máu mủ, tự mình không muốn uống. Những quỷ như vậy gọi là “do bên ngoài ngăn trở việc ăn uống”.

Thế nào là loài Ngạ quỷ do bên trong gây trở ngại việc ăn uống? Đó là các thứ quỷ, miệng hoặc nhỏ như cây kim, hoặc như bó đuốc, hoặc cổ bị bướu mà bụng lại quá lớn. Do đấy, giả như được ăn uống hay không bị các chướng ngại khác, thì tự nhiên cũng không thể ăn uống được. Những loài quỷ như thế gọi là “do bên trong ngăn trở việc ăn uống”.

Thế nào là loài Ngạ quỷ ăn uống không bị trở ngại? Tức có loài ngạ quỷ tên Mãnh diễm man. Tùy theo chỗ được ăn uống đều bị thiêu đốt. Do nhân duyên này nên luôn bị đói khát là nỗi khổ bức lớn chưa từng tạm nghỉ.

Lại có loài ngạ quỷ tên là Thực phẩn uế. Hoặc có một số ăn phân uống nước tiểu. Hoặc có một số chỉ có thể ăn uống những thứ dơ nhớp hôi thối, hoặc sống hoặc chín, nhờm tởm cực độ, dù gặp thức ăn uống ngon thơm thì cũng không thể ăn được. Lại có một loại tự cắt thịt nơi thân mình mà ăn, nếu có được các thức ăn khác thì lại không thể ăn. Các loài Ngạ quỷ như thế gọi là “ăn uống không bị trở ngại”.

Lại, các loài hữu tình thọ sinh trong nẻo người phải chịu nhiều nỗi khổ vì thiếu thốn như thế. Đó là nỗi khổ vì thiếu thốn do đói khát cùng phát sinh. Hoặc nỗi khổ vì thiếu thốn do những điều ham muốn không đạt kết quả. Hoặc nỗi khổ vì thiếu thốn do ăn uống không đầy đủ. Hoặc nỗi khổ vì thiếu thốn do tìm cầu thâu nhận bức bách. Hoặc nỗi khổ vì thiếu thốn do thời tiết thay đổi hoặc lạnh hoặc nóng. Hoặc nỗi khổ vì thiếu thốn do không có nhà cửa để ngăn che mưa nắng. Hoặc nỗi khổ vì thiếu thốn do thời vận đen đủi khiến mọi sự nghiệp đều bị ngừng trệ hay đổ vỡ. Lại phải chịu các khổ do biến hoại tức già, bệnh, chết. Do trong địa ngục cho chết là vui, nên ở cõi ấy không lập chết làm khổ.

Lại, trong nẻo trời không có những nỗi khổ về chi tiết, nhưng có nỗi khổ bị thoái đọa khi chết. Như trong kinh nói: Có các Thiên tử khi sắp mạng chung, năm tướng hiện ra: Áo mặc thường không cấu bẩn, nay có cấu bẩn hiện ra. Hoa cài đầu xưa nay không héo, giờ thì héo úa. Mồ hôi nơi hai nách chảy ra. Thân thể lại hôi dơ. Thiên tử và chư thiên không thích ngồi chỗ cũ.

Lúc vị thiên tử ấy nằm nghỉ trong rừng thì thiên nữ vốn thuộc về mình trước nay, giờ thì vui chơi với thiên tử khác. Do đấy, vị này càng thêm sầu khổ.

Lại còn chịu nỗi khổ lo sợ bị lấn hiếp, khinh khi. Vì sao? Vì khi có một vị Thiên tử mới sinh ra, với những phước báo, kể cả năm thứ dục, được thành tựu rộng lớn thì các vị Thiên tử cũ, phước kém khác trông thấy liền sinh lo sợ, do đó phải chịu nhiều sầu khổ.

Lại còn chịu những nỗi khổ bị đâm chém, xua đuổi, tàn hại. Vì sao? Vì do chư thiên cùng với hàng Phi thiên (A tu la) đánh nhau, gây nên bao thứ tổn hại, mất mát, thù hận…

Lại, các hàng phi thiên, nên biết là thuộc về nẻo trời, nhưng do tâm ý có nhiều dối trá, huyễn hoặc, dua nịnh, không như chư thiên là pháp khí thanh tịnh. Do nhân duyên này, nên có khi trong kinh nói phi thiên thuộc về một nẻo khác, nhưng thực ra đấy là thuộc loại chư thiên, do không thọ hành pháp của chư thiên, nên gọi là Phi thiên.

Lại có những vị thiên tử nhiều sức mạnh, một phen nổi giận, thì các thiên tử yếu kém liền bị xua đuổi ra khỏi cung điện của mình. Vì thế chư thiên phải chịu ba thứ khổ: Khổ bị thoái đọa khi chết. Khổ bị lấn hiếp, khinh miệt. Khổ bị đâm chém, tàn hại, xua đuổi.

Lại, hữu tình nơi Sắc giới, Vô sắc giới không có các nỗi khổ như vậy, vì hữu tình thuộc hai cõi đó không phải là vật thọ nhận khổ. Nhưng do cái khổ thô trọng, nên nói họ có khổ, là vì có phiền não, có chướng ngại, đối với việc sống chết không được tự tại.

Lại, trong cõi Vô lậu thì hết thảy mọi thứ khổ thô trọng đã hoàn toàn dứt trừ. Do vậy, chỉ cảnh giới ấy là an lạc thắng nghĩa nên biết, hết thảy các cảnh giới còn lại đều là khổ.

Lại, trong bốn thứ địa ngục, không có lạc thọ. Như nơi địa ngục, trong ba loại Ngạ quỷ cũng vậy. Trong các quỷ Đại lực, Bàng sinh, con người có cái vui có thể đạt được do của cải được sinh ra nơi cửa ngoài, nhưng bị các thứ khổ làm lẫn lộn.

Lại, trong nẻo người thì sự an vui của Chuyển Luân Vương là vi diệu tối thắng, do khi Chuyển Luân Vương kia xuất hiện ở đời tức có bảy báu thành tựu tự nhiên xuất hiện, nên nói vua Chuyển Luân gồm đủ bảy báu. Đó là: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu Mạt ni báu, nữ báu, quan coi kho tàng báu và quan chủ binh báu. Bấy giờ các báu như bánh xe báu v.v… cùng hiện, hình tướng như thế nào? Hiện tướng bảy báu, như trong kinh đã nói rộng. Như vị Luân Vương cai trị bốn châu, thì hết thảy các tiểu vương đều kính ngưỡng uy đức và quy thuận. Mỗi vị đều tự nói: Mọi thành ấp, làng xóm nơi tiểu quốc là sở hữu của đại vương. Cúi mong đại vương thi ân dạy bảo. Chúng tôi đều sẽ là hàng tôi tớ trung thành của đại vương!

Này chư vương! Các vị đều ở nơi cương vực của mình, đem đạo lý để giáo hóa, tưởng thưởng, nên dùng Chánh pháp, chớ theo phi pháp. Lại nữa, chư vị dù là quốc sự hay gia sự, chớ nên hành theo nẻo phi pháp, chớ hành theo nẻo không bình đẳng.

Nếu là bậc Luân Vương cai trị ba châu thì trước phải sai sứ triều kiến, sau đấy mới thuận theo sự giáo hóa.

Nếu là vị Luân Vương cai trị hai châu, thì trước hưng binh để hiện bày uy lực, sau mới tùy thuận sự giáo hóa.

Nếu là vị Luân Vương cai trị một châu, thì phải tự mình triều kiến, đoạt đao, múa kiếm, sau đấy mới quy thuận.

Lại nữa, chư thiên luôn nhận được mọi sự giàu vui rộng lớn của cõi trời, hình sắc đẹp đẽ, thù thắng, sự việc thường thích hợp, an trụ lâu dài nơi cung điện của mình. Thân tướng cả trong ngoài thảy đều thanh khiết, không có cấu uế.

Lại, bên trong thân người có nhiều thứ bất tịnh… còn chư thiên thì không.

Lại, chư thiên nơi các cõi trời kia có bốn thứ cung điện: Đó là các cung điện do vàng, bạc, pha lê, lưu ly tạo thành, có vô số dải tơ lụa đan xen tạo vẻ trang nghiêm, vô số đài, gác, vô số lầu đền, vô số tầng cấp, vô số cửa nẻo, vô số màn lưới giăng mắc, tất cả đều đáng yêu thích. Vô số báu Ma-ni dùng làm vật trang sức, vây quanh tỏa sáng cùng soi chiếu lẫn nhau.

Lại có cây thức ăn: Từ bên trong cây này hiện ra bốn vị thức ăn gọi là Tô-đà, gồm bốn màu xanh vàng đỏ trắng.

Lại có cây thức uống: Từ nơi cây đó tuôn ra thức uống ngon ngọt.

Lại có cây xe cộ: Từ nơi cây ấy tuôn ra đủ loại xe cộ đẹp đẽ như xe, xe lớn, xe kéo, xe chuyên chở v.v…

Lại có cây y phục: Tức từ nơi đây sinh ra vô số y phục khéo đẹp, mịn, mềm, màu sắc tươi sáng, khác lạ, xen lẫn với những tơ lụa nhiều màu.

Lại có cây cung cấp vật dụng trang sức: Từ cây này sinh ra vô số các vật dụng vi diệu dùng vào việc trang sức, như Ma-ni, các vòng ngọc, vàng đeo tai, đeo tay, chân v.v… Những thứ vật dụng trang sức như thế đều dùng vô số ngọc báu Ma-ni để điểm xuyết, làm tăng vẻ đẹp.

Lại có cây hương xông, hoa cài tóc: Từ đấy sinh ra đủ loại hương xoa, hương xông, vô số hoa cài tóc.

Lại có cây hội họp lớn, vi diệu tối thắng, rễ cây ăn sâu năm dotuần. Thân cây cao vút hàng trăm do-tuần. Cành nhánh và tàng cây che rợp đến tám mươi do-tuần, hoa nở rộ đan xen, hương thơm thuận theo gió lan tỏa hàng trăm do-tuần, nghịch gió thì xông tỏa khoảng năm mươi do-tuần. Dưới tàng cây này, chư thiên cõi trời Ba mươi ba, trong bốn tháng mùa mưa, dùng năm thứ dục thượng diệu của cõi trời để cùng nhau vui chơi.

Lại có cây âm nhạc, ca múa, hát cười: Từ cây này luôn sinh ra đủ loại nhạc khí, phát ra vô số lời ca, điệu hát, giọng cười…

Lại có cây của cải: Từ đó sinh ra vô số thứ của cải, như các thức ăn uống, vật dụng để nằm, ngồi v.v…

Lại, chư thiên kia khi muốn thọ dụng, thì tùy theo ý muốn, tùy theo nghiệp lực ứng hợp nên các thứ cần dùng liền hiện bày nơi tay.

Lại, các hàng phi thiên, nên biết, cũng tùy chỗ ứng hợp mà được thọ dụng vô số cung điện giàu vui.

Lại, nơi châu Bắc Câu-lô có cây hiện tướng như vậy, gọi là Như ý. Dân chúng ở châu ấy, về chỗ mong muốn có của cải, vật dụng đều lấy từ cây này, khỏi phải suy nghĩ, chỉ theo nhu cầu liền tự nhiên hiện ra nơi tay. Lại có lúa nếp, không gieo trồng mà có thu gặt, nên không thuộc riêng về người nào. Lại, hữu tình nơi châu Bắc Câu-lô hoàn toàn không có sự liên hệ để quyết định thắng tấn.

Lại, vua trời Đế Thích có điện Phổ Thắng, là cung điện thù thắng trong các cung điện. Ở đấy, có trăm lầu đền, mỗi mỗi lầu, đền có trăm đài, gác, mỗi mỗi đài, gác có bảy phòng nhà, mỗi mỗi phòng nhà có bảy thiên nữ, mỗi mỗi thiên nữ có bảy thị nữ.

Lại, đất đai hiện có của chư thiên nơi cõi trời ấy đều bằng phẳng như bàn tay, không hề có cao thấp, khi tiếp xúc thì sinh an lạc. Lúc đặt chân xuống thì lún sâu tới đầu gối. Lúc đưa chân lên thì đất theo chân trở lại như cũ. Nơi tất cả thời, tự nhiên có hoa Mạn-đà-la hiện bày khắp trên mặt đất, thỉnh thoảng có gió nhẹ thổi xua hoa héo đi và mang đến những hoa mới.

Lại, nơi thiên cung của chư thiên, bốn mặt đều có ngả tư rộng lớn, cảnh quan tươi đẹp, ngăn nắp, hợp mỹ quan, đều sạch sẽ, đoan nghiêm, thông thoáng. Lại, ở bốn mặt có bốn cửa lớn, quy mô, hoành tráng, sắc tướng kỳ diệu, nhìn xem không chán, thật là kỳ tuyệt. Có nhiều vị Dược-xoa là loài khác, thân sắc đặc biệt, làm nhiệm vụ canh giữ. Lại, nơi bốn mặt có bốn khu vườn hoa: Một tên là Hội Xa. Hai tên là Thô Sáp. Ba tên là Hòa Tạp. Bốn tên là Hỷ Lâm. Bên ngoài bốn khu vườn có bốn vùng đất thù thắng, cảnh quan đẹp đẽ toàn diện, không gì có thể sánh.

Góc Đông Bắc của thiên cung có nơi chốn hội họp của chư thiên, gọi là Thiện pháp, chư thiên vào đấy để tư duy, lường xét, quán sát về diệu nghĩa. Gần bên khu vườn này có tảng đá Như ý, màu đá trắng ngà, thể chất khác lạ, hình tướng tuyệt đẹp. Lại, thân của chư thiên tự nhiên tỏa sáng. Nếu bóng tối xuất hiện thì biết ngày đã hết và đêm vừa đến, đối với việc vui chơi theo năm thứ dục thượng diệu của cõi trời, chư thiên cảm thấy lười biếng, thích ngủ nghỉ, những loài chim khác cũng thôi không hót nữa, do các tướng như vậy mà nhận biết về ngày đêm. Lại, năm thứ dục bậc nhất của chư thiên ở đây là rất đáng yêu thích, chỉ làm phát sinh sự vui vẻ, nên các thiên chúng luôn buông thả trong đó để thọ hưởng. Thường được nghe đủ các loại tiếng chiêng, trống, tiếng ca múa, âm nhạc, tiếng nói cười, đùa giỡn, bàn luận. Thường được thấy vô số hình vừa ý. Thường được ngửi đủ loại hương thơm vi diệu. Luôn được nếm vô số các vị ngon ngọt. Luôn được tiếp xúc với vô số xúc cảm say đắm của các thể nữ cõi trời, nên luôn bị những thú vui ấy dẫn dắt tâm ý, chiếm hầu hết thời gian.

Lại, chư thiên đó thọ dụng nhiều thứ dục lạc vi diệu như vậy, nhưng thường không bị bệnh tật, cũng không có già suy, không có cái khổ “cùng sinh” do thiếu thốn về ăn uống v.v… gây ra. Không như trong nẻo người có các khổ vì thiếu thốn nhiều thứ, như đã nói ở trước.

HẾT – QUYỂN 4