SỐ 1534
KINH TAM CỤ TÚC ƯU BA ĐỀ XÁ
Tác giả: Bồ tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Đại sư Tỳ Mục Trí Tiên
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Bà-già-bà ngụ tại Tinh xá Đại Lâm thuộc thành Tỳ-xá-ly, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo Tăng và chúng Đại Bồ-tát hội đủ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Lực sĩ Vô Cấu Oai Đức: Này Thiện nam! Bồ-tát có 3 thứ đầy đủ. Đó là:
- Thí đầy đủ.
- Giới đầy đủ.
- Nghe đầy đủ.
Này Thiện nam! Đây là ba thứ đầy đủ của Bồ-tát.
Đức Thế Tôn giảng nói xong, Đại Lực sĩ Vô Cấu Oai Đức lãnh hội, tâm sinh hoan hỷ. Các Tỳ-kheo, các Bồ-tát kia sau khi nghe Đức Thế Tôn giảng nói thảy đều tán thán.
Ba thứ đầy đủ của Bồ-tát như thế, nay tôi xin giải thích.
Do nghĩa gì Vô Cấu Thắng kia có vô lượng đầy đủ, siêng năng tinh tấn, chính thức hiện bày tướng tốt trang nghiêm thân, vượt qua
trăm ngàn hào quang sáng chói như mặt trời, nơi Đức Thế Tôn nói kệ của kinh này:
Vô lượng thứ đầy đủ
Xuất thân chủ ba cõi
Tập tướng tốt thứ nhất
Mâu-ni vượt mặt trời
Đem lại lợi ích gì
Nói Tu-đa-la này?
Do nghĩa gì gọi là Thế Tôn? Vì sao Đức Thế Tôn đi đến Tinh xá Đại Lâm ở thành Tỳ-xá-ly mà không ở nơi khác?
Vì các thiện nam, Đức Thế Tôn giảng nói ba thứ đầy đủ của Bồ-tát này. Do nhân duyên gì Đức Như Lai chỉ nói ba thứ đầy đủ như thế, không nhiều, không ít?
Lại nữa, Bồ-tát chỉ có ba thứ đầy đủ như vậy hay là còn có pháp đầy đủ nào khác? Nếu ở đây nói là Kinh Tam Đại Hải Tuệ thì sao lại trái nhau? Vì kinh kia nói Bồ-tát có bốn mươi thứ đầy đủ. Đó là Bồ-tát bố thí đầy đủ, cho đến Bồ-tát có phương tiện đầy đủ. Trong Kinh Di Lặc Giải Thoát nói: Này Thiện nam! Bồ-tát gồm đủ vô lượng thứ đầy đủ.
Lại, trong Tu-đa-la Đại thừa có nói, ở một nơi kia, Đức Thế Tôn đã vì Bồ-tát nói vô lượng thứ đầy đủ. Kinh kia sao lại trái?
Lại nữa, Thánh giả Long Thọ đã nói kệ:
Đạo tịnh đều đầy đủ
Người khác không thể nói
Phật, vô lượng trí tuệ
Nên giảng nói đầy đủ.
Phật vô biên công đức
Đầy đủ căn thiện này
Nếu Bồ-đề như thế
Có vô lượng đầy đủ.
Hoặc ở xứ khác nói Bồ-tát tức có vô lượng đầy đủ, còn kinh này vì sao cùng trái?
Này Thiện nam! Là nghĩa chủng tánh. Do đâu Bồ-tát gọi là chủng tánh? Nghĩa này cần nên nói.
Do nghĩa gì nên gọi là đầy đủ?
Thí đầy đủ. Thế nào gọi là thí? Có bao nhiêu thứ thí?
Giới đầy đủ. Thế nào gọi là giới? Có bao nhiêu thứ giới?
Nghe đầy đủ. Thế nào gọi là nghe? Có bao nhiêu thứ nghe?
Lại nữa, hai thứ thí, giới đầy đủ. Hữu lậu nghe, lãnh hội đầy đủ, tức là không hữu lậu, là do nhân duyên gì? Do hai thứ lậu cùng với không lậu đều đầy đủ nên được pháp không lậu của Nhất thiết trí. Nghĩa này cần nên nói.
Lại nữa, Thí đầy đủ có bao nhiêu nhân duyên? Giới, Nghe đầy đủ có bao nhiêu nhân duyên?
Lại nữa, Đức Thế Tôn nói ba thứ đầy đủ, vì sao ban đầu là Thí, giữa là Giới, sau là Nghe? Ý này nên nói.
Nói tóm lại: Đức Thế Tôn đã chỉ rõ: Thế nào là Thí đầy đủ? Thế nào là Giới đầy đủ? Thế nào là Nghe đầy đủ? Đây đều tạo nên vấn nạn.
Nay tôi xin giải thích:
* Vì sao Đức Thế Tôn nói Thí, Giới, Nghe v.v… là vô lượng, không cấu, không thể xưng lường về bố thí đầy đủ? Thân Như Lai như hư không, trụ nơi pháp không cấu để giảng nói kinh này. Nghĩa đó, nay sẽ nói. Kệ nêu:
Thí, Giới, Nghe bậc nhất
Hành chánh, lặng thân khổ
Như không, trì thắng pháp
Đầy đủ ánh sáng thiện.
Người trời lễ Mâu-ni
Giác thế gian bậc nhất
Vô cấu trừ ba khổ
Nghĩa gì nói kinh này?
Nghĩa ấy nay sẽ nói. Phát tâm Bồ-đề, học tương ưng với hành nghiệp của Bồ-tát, lợi ích nơi bậc Nhất thiết trí là chỉ rõ nghĩa này.
Bồ-tát đã phát tâm Bồ-đề rồi, sau đó hành đầy đủ ba thứ như Thí v.v… thì Bồ-tát này không phải chỉ phát tâm mà còn có thể chứng đắc quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Kệ nói:
Nếu phát tâm Bồ-đề
Thương chúng sinh khổ não
Nghiệp thiện tương ưng kia
Phật nói kinh thắng này.
Lại nữa, do nghĩa gì Đức Phật giảng nói kinh này? Vì người khiếp nhược trừ bỏ sự khiếp nhược. Vì người mới hành trì hạnh Bồtát, nghe nói phải tu tập vô lượng các thứ pháp mới chứng đắc quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng thì sinh tâm khiếp sợ. Đức Phật biết rõ tâm ý đó, để trừ bỏ sự khiếp nhược, đem lại lợi ích cho họ, nên giảng nói kinh này, nói: Này Thiện nam! Bồ-tát chỉ có ba thứ đầy đủ. Đức Thế Tôn chỉ rõ: Ông chớ nên khiếp nhược. Nếu Ta nói rộng thì không thể kể hết sự đầy đủ của Bồ-tát.
Tóm lại, ba thứ đầy đủ là gồm thâu hết thảy. Kệ nói:
Nếu có các Phật tử
Sợ trải vô lượng kiếp
Khiếp nhược nơi pháp thiện
Lâu xa đắc Bồ-đề.
Trí tự nhiên Như Lai
An ủi tạo lợi ích
Thế nên giác bậc nhất
Nói Tu-đa-la này.
Lại nữa, do nghĩa gì Đức Phật giảng nói kinh này? Bồ-tát muốn có thể hướng đến ngôi nhà thù thắng bậc nhất là Nhất thiết trí, cần có tư lương nơi Thừa và đạo phương tiện là chỉ rõ về nghĩa này. Nên bậc Đại Đạo sư nói: Nếu ông muốn được tiến tới ngôi nhà thù thắng bậc nhất là Nhất thiết trí, cần có tư lương của đạo, hành bố thí đầy đủ. Nếu cần được Thừa, phải hành trì giới đầy đủ. Cần nhận biết đạo phương tiện, phải hành trì nghe đầy đủ, là chỉ rõ về nghĩa ấy. Kệ nói:
Phật tử nếu muốn đến
Nhà tốt Nhất thiết trí
Người đó tương ưng lạc
Tư lương đạo đẳng giác
Thế Tôn tạo lợi ích
Nói Tu-đa-la này.
Lại nữa, do nghĩa gì Đức Phật giảng nói kinh này? Bồ-tát mong cầu được ba thứ đầy đủ: Cảnh giới, sinh, trí. Do không hiểu lợi ích của nhân đó, là nhân giác ngộ, nên Đức Thế Tôn đã chỉ rõ: Nếu ông muốn được cảnh giới, sinh, trí, thì không phải chỉ có mong cầu mà phải tu tập viên mãn ba thứ đầy đủ. Nếu hành thí đầy đủ, ông sẽ được cảnh giới. Nếu trì giới đầy đủ, ông sẽ được sinh. Nếu nghe pháp đầy đủ, ông sẽ được trí. Kệ nói:
Nếu Bồ-tát trông mong
Cảnh giới vi diệu, thiện
Muốn sinh hơn, không kém
Trí tăng thượng bậc nhất
Chỉ rõ nhân lợi ích
Thế Tôn nói kinh này.
Lại nữa, do nghĩa gì Đức Phật giảng nói kinh này? Bồ-tát muốn được vượt qua năm thứ sợ hãi, vì không hiểu lợi ích của nhân kia, là nhân giác ngộ. Những gì là năm? (1) Sợ không sống. (2) Sợ tiếng xấu. (3) Sợ chết. (4) Sợ đường ác. (5) Sợ oai đức của đại chúng. Đức Thế Tôn đã chỉ rõ: Nếu ông muốn vượt qua năm thứ sợ hãi, cần phải tu tập viên mãn ba thứ đầy đủ. Nếu hành thí đầy đủ, thì lìa sự sợ không sống nổi, sợ tiếng xấu. Nếu trì giới đầy đủ, thì sẽ lìa sự sợ chết, sợ đường dữ. Nếu nghe pháp đầy đủ, tức lìa sự sợ oai đức của đại chúng. Kệ nói:
Con Thiện Thệ thứ nhất
Muốn lìa các sợ hãi
Người trí tuệ giác chỉ
Nhân tốt, rộng thứ nhất
Thế nên, Mâu Ni Tôn
Nói Tu-đa-la này.
Lại nữa, do nghĩa gì Đức Phật giảng nói kinh này? Là do người nghi kia được đoạn trừ nghi. Trong đại chúng ấy, có trời, người, A-tula, rồng, Dạ-xoa, Cưu-bàn-trà v.v… thấy, nghe, hành thân, miệng, ý thù thắng của Thế Tôn là không thể nghĩ bàn, nên sinh tâm như thế này: Không biết Đức Thế Tôn đã nói bao nhiêu thứ đầy đủ để đạt được ba sự việc không thể nghĩ bàn này? Do vậy, Đức Thế Tôn vì nhằm dứt trừ nghi ấy, nên đã giảng nói kinh này, nói: Này Thiện nam! Bồ-tát tu hành ba thứ đầy đủ.
Đây là đã chỉ rõ, Đức Thế Tôn về xưa kia, đã từng phát tâm Bồ-đề với ba thứ đầy đủ viên mãn, thế nên Ngài đã được ba sự việc không thể nghĩ bàn. Kệ nói:
Nếu người, trời, Tu-la
Rồng và Cưu-bàn-trà
Nghe công đức của Phật
Nhưng không hiểu được nhân
Mâu-ni đoạn trừ nghi
Vì họ nói kinh này.
Lại nữa, do nghĩa gì Đức Phật giảng nói kinh này? Bồ-tát sinh nơi chủng tánh của Như Lai, trong pháp chủng tánh đó chỉ rõ sự tương ưng. Đức Thế Tôn đã chỉ rõ: Nếu người được sinh nơi tộc họ Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, người đó như thế là tương ưng với pháp tánh. Nếu lìa pháp chủng tức là thấp kém. Nếu người đó được sinh trong chủng tánh của Như Lai thì không lìa pháp tánh. Nếu sinh trong chủng tánh của Như Lai theo pháp tánh thì phải có ba thứ đầy đủ như thí v.v… Nếu không đầy đủ, đó là thấp kém. Do vậy, Đức Như Lai đã có lời dạy như thế này: Ông nên hành trì viên mãn ba thứ đầy đủ, chớ nên để sau phải thấp kém. Kệ nói:
Nếu sinh tánh Thiện Thệ
Lìa lỗi, vui, giàu lớn
Trời, người lễ bái khen
Mâu-ni vương khiến họ
Không lìa tự nghĩa pháp
Nói Kinh Vô Cấu này.
Lại nữa, do nghĩa gì Đức Phật giảng nói kinh này? Nếu người tự cho đã hành pháp Đại thừa kiên cố bậc nhất, là chúng sinh lớn, chỉ dạy bằng miệng: Muốn cứu giúp tất cả chúng sinh nơi thế gian, nên học hạnh Bồ-tát, tu tập các công đức, nhưng không chân thật. Người như thế như nói như hành tương ưng với lợi ích. Do vậy, Đức Như Lai vì họ giảng nói kinh này, khiến nhận biết, tu tập tất cả hành Như Lai, Thế Tôn vì người đó nói: Không phải Bồ-đề này chỉ với ngôn ngữ mà đạt được, cần phải tu tập nhiều khổ hạnh mới được thành tựu. Phần Ta thì làm sao đạt được? Về thời quá khứ xa xưa, Ta đã nhận lấy Nhất thiết trí hành của Bồ-đề, mong đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên tại nhiều xứ, nẻo sinh tử, Ta đã hành trì biết bao hạnh khổ với mọi thứ xả thí. Đó là các thức ăn uống thượng diệu, những phương tiện di chuyển, cỡi, chở, nơi chốn nằm, ngồi, vườn hoa, rừng cây, ao nước, chốn vui chơi, nhà ở, ruộng nương, thành ấp, thôn xóm, vật dụng trang nghiêm báu như: Hia, mão nạm ngọc trai và tỳ-lưu-ly, chuỗi anh lạc bằng vàng ròng, các thứ kim cương, các loài voi trắng, bò, ngựa, trâu, kiệu, xe đủ loại cùng nô bộc tùy tùng, Ta đều đem bố thí tất cả.
Trong đời quá khứ lâu xa, bấy giờ Ta làm thân vua Nhất Thiết Trang Nghiêm Kiến, đã đem tất cả thành ấp, thôn xóm, quốc độ, bến bãi, núi sông, đất đai, và cả dân chúng, với hết thảy những thứ lúa mạ, rừng cây, các loại cỏ thuốc, vô lượng các thứ hoa quả tươi sạch, các thứ bắp đậu v.v… vô số vật dụng trang nghiêm cho đến kho tàng của cải quý giá, Ta đều đem bố thí cho tất cả người nghèo khổ.
Lại nữa, xưa kia Ta làm đồng tử Thiện Nha, lúc ấy Ta đã bố thí cả vợ con đáng yêu, không hề luyến tiếc.
Lại nữa, trong đời quá khứ xa xưa, khi Ta làm Thiện Vương, đã đem cả mười ngàn thể nữ nơi hậu cung để xả thí, cũng không hề luyến tiếc.
Lại nữa, thời xưa khi Ta làm vua Bảo Kế, ngay trên thân, ở cõi Diêm-phù-đề, được trang nghiêm vi diệu do bảo kế, nhưng Ta đã cởi bỏ mão báu đó để bố thí, không hề luyến tiếc.
Lại nữa, khi Ta làm vua Ca Thí, đã cắt chặt từng bộ phận đáng yêu trên thân thể để xả thí, không hề luyến tiếc.
Lại nữa, trong quá khứ, lúc Ta làm vua Vô Oán Thắng, đã cắt bỏ tai, mũi nơi thân mình để bố thí, không chút luyến tiếc.
Lại nữa, thời xa xưa, khi Ta làm vua Nguyệt Quang, có đôi mắt thật đẹp, dài rộng, bằng phẳng, không nhơ, như hoa sen xanh. Trên gương mặt hoa sen, Ta đã tự tay móc lấy đôi mắt của mình để bố thí.
Lại nữa, xưa kia khi Ta làm vua Hoa Đức, trắng sạch không nhơ như khối tuyết, có hàm răng đẹp màu sữa, như hoa Quân-đà, Ta đã nhổ đem cho không chút luyến tiếc.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi Ta làm vua Thiện Diện, lưỡi Ta dài rộng, mềm mỏng, rất trong sạch, không cấu uế, trông như cánh hoa sen, Ta đã tự tay rút lấy cuống lưỡi để bố thí.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm vua Cấp Cầu Giả, tất cả những người nghèo khổ, ăn xin trong thế gian luôn nhớ nghĩ đến Ta, Ta đều khiến tâm họ được vui mừng. Hết thảy các thứ vàng ngọc châu báu tạo tác tinh xảo đều đem bố thí hết.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm vua Tri Túc, Ta đã dùng tay chân để bố thí.
Lại nữa, xưa kia Ta từng làm vua Quang Kim Diêm Phù Đề, đã cắt bỏ các ngón tay chân để bố thí.
Lại nữa, xưa kia khi Ta làm vua Cầu Thiện Ngữ Đại Phú, vì ái mộ chánh pháp, nên đã dùng móng tay xé rách thịt mình để bố thí.
Lại nữa, khi xưa Ta làm con của vua Thị Nhất Thiết Nhiêu Ích, tự rút lấy máu của mình để cho bệnh nhân.
Lại nữa, xưa kia khi làm vua Lợi Ích Tiên, Ta đã lóc thịt, cắt chân để bố thí.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi Ta làm vua Cư-tố-ma, lúc còn thơ ấu, đã tự xẻ thân mình, lấy xương, mỡ, tủy để bố thí.
Lại nữa, xưa kia lúc làm Đồng tử Ni-la-noa, Ta đã cắt bỏ trái tim để bố thí.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm vua Hàng Ác, Ta đã cắt bỏ ruột non, ruột già, vú, mật, gan, phổi, tim, thận, bao tử, lá lách, đầu não v.v… để bố thí.
Lại nữa, trong đời quá khứ, lúc làm vua Tịnh Tạng, Ta đã tự lột da mình để bố thí.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm vua Kim Hiếp Lộc, Ta đã dùng da nơi thân mình để bố thí.
Lại nữa, trong đời quá khứ, lúc làm vua Quang Minh, Ta đã cắt bỏ từng bộ phận nơi phần thân mình để bố thí.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi Ta làm đạo chủ Thành Tựu Nhất Thiết Nhiêu Ích, tất cả vật dụng yêu quý thảy đều xả thí. Đối với kẻ sắp bị giết hại, Ta lại xả thân hy sinh để cứu họ.
Lại nữa, trong thời xa xưa, lúc làm kẻ nô bộc, Ta đã xả thân cung cấp cho tất cả chúng sinh.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi Ta làm vua Cầu Thiện Ngữ Đại Phú, đã từ trên núi cao hàng ngàn thước, gieo mình xuống đống lửa lớn, tạo nhân duyên cho người khéo giảng nói pháp cú sử dụng.
Lại nữa, trong đời quá khứ, lúc làm vua Nhất Thiết Thí, Ta đã cắt hết thịt trên thân độ một cân đem thí cho, để cứu lấy kẻ quá sợ hãi chạy đến nơi Ta.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm vua Bất Lẫn, đối với kẻ bị sát hại, Ta đã tự xả bỏ thân mạng để cứu hộ, đem lại lợi ích cho nhiều người.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm Trưởng giả Đại Bi, nếu Ta đi vào trong thành, những kẻ bị giam giữ nơi lao tù, đều khiến họ được phóng thích.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm Tượng vương, chính thân Ta đã làm cầu, đò, để giúp các chúng sinh qua lại.
Lại nữa, trong đời quá khứ, Ta đã làm thân cá trạnh Cù-đà, thọ nhận tất cả nỗi khổ tự thân luôn nhẫn chịu.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm vua sư tử, vua nai, Ta đã không tiếc gân, mạch để cứu vớt cả đàn, không giữ thân mình, chỉ lo cứu mạng kẻ oán.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm Tiên Bi Tâm, Ta đã tự đốt cháy cánh tay mình làm ánh sáng chỉ đường cho chúng sinh bị lạc lối.
Lại nữa, trong đời quá khứ, lúc làm Tiên Thuyết Nhẫn, Ta đã tự lóc thịt nơi thân để cứu kẻ oán kia.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi Ta làm Bồ-tát Bất Hưu Tức Kiên Đẳng Trụ, một người khác đã đột nhập vào nhà, xâm phạm vợ, nhưng vì đã có lực tự tại nên Ta có thể nhẫn nhục, không giận.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm thân gấu, người nọ sợ mất mạng, chạy đến chỗ Ta, Ta đều an ủi, tự bỏ thân yêu quý để cứu giúp.
Lại nữa, xưa kia lúc Ta làm Thượng Tiên, tâm ái mộ chánh pháp. Do chánh pháp thiếu, không có pháp, nên rất khao khát, vì mến mộ nên Ta tự cắt xẻ thân lấy da, lấy máu, lấy xương để biên chép pháp.
Lại nữa, thời xa xưa, khi Ta làm Đồng tử Vương, vì người bệnh, nên đã tự bỏ mạng mình làm thứ thuốc khó có bậc nhất để bố thí.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi Ta làm vua Thắng Phước Đức, gặp đời loạn lạc, tài sản, vật dụng đều hết sạch, lại sống gần với kẻ oán, Ta đã tự trói lấy mình nộp mạng để đem lợi ích an lạc cho mọi người.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi Ta làm Ma Na Bà, nơi một hang núi sâu, trông thấy một con cọp đói vừa thức giấc bị cơn đói khát giày vò, Ta đã tự xả bỏ thân mạng mình để bố thí cho cọp, khiến nó được no bụng.
Lại nữa, trong đời quá khứ, Ta làm Tỳ-kheo Tinh Tấn, luôn phát tâm siêng năng tinh tấn cầu đạt trí Nhất thiết trí tương ưng với hành, khiến chúng sinh đều thuần thục để hộ trì chánh pháp, tất cả khổ não cùng những thứ khinh khi, nhục mạ, Ta đều có thể chịu đựng, không hề giận dữ.
Lại nữa, trong đời quá khứ, khi làm “Kiên giáp” nơi bậc Chánh Biến Tri trong thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp, Ta đã siêng năng, khó nhọc giữ giới như thế, với tám vạn bốn ngàn thân như vậy, đã nhận chịu trăm ngàn khổ não qua A-tăng-kỳ Na-do-tha kiếp Ta luôn hành trì, từ đó đến nay, là nhằm cầu đạt trí Nhất thiết trí, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên không từng thoái chuyển tâm Bồ-đề, không chìm ngập trong Đại thừa, không bỏ bản nguyện, không lơ là với áo giáp lớn. Đối với hành nghiệp của Bồ-tát, không hề sinh tưởng khiếp nhược, không từng lìa Bố thí Ba-la-mật. Không từng bỏ Trì giới Ba-la-mật. Không từng thoái lùi Nhẫn nhục Ba-la-mật. Không từng hủy hoại Tinh tấn Ba-la-mật. Không từng buông rời Thiền định Bala-mật. Không hề biết mệt mỏi khi tu tập Bát-nhã Ba-la-mật. Không hề xả pháp dẫn dắt thâu phục, tu tập tất cả đạo Bồ-tát, đầy đủ thanh tịnh, không nhầm lẫn, trụ vững trong hết thảy Địa Bồ-tát, an trụ nơi môn Tam-muội, Tam-ma-bạt-đề của Bồ-tát, chỉ dạy các chúng sinh phát tâm Bồ-đề, tập hợp hết thảy các pháp phần Bồ-đề, không phải là không được ân, phát nguyện hành tác tất cả hạnh Bồ-tát an trụ kiên cố, tâm không thoái thất. Ta luôn muốn hành trì viên mãn các pháp môn, các nguyện của tất cả Bồ-tát, không sinh lo sợ. Tích tập, hành hóa hết thảy công đức, không khởi tưởng hèn yếu. Vì sao? Vì đó là nơi chốn tối thắng của tất cả thế gian, hết thảy trí của hàng hữu học, vô học, Phật-bích-chi, đều không thể chứng đắc, không thể hội nhập, không có khả năng quan sát. Danh hiệu của pháp Phật này, các hàng ấy đều không dễ đạt đến. Nếu chỉ là công đức nhỏ, kết hợp tu trì tức không thể được. Người căn thiện nhỏ thì không thể hành tác. Như thế, nếu người có tâm nguyện: Nguyện tôi sẽ thành Phật, do đó dốc sức tu hành tinh tấn, như khối pháp công đức được tích tập, kết hợp hành trì, đối với lãnh vực ấy, ta hy vọng đạt được.
Do ý nghĩa như thế, nên Đức Phật giảng nói kinh này.
– Do nghĩa gì gọi là Thế Tôn? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích:
Thế Tôn: Nghĩa là cúng dường.
Lại có nghĩa khác: Như phần giải thích tâm Bồ-đề đã nói về nghĩa đó, nên biết.
– Vì sao Đức Thế Tôn đi đến Tinh xá Đại Lâm ở thành Tỳ-xá-ly mà không ở nơi khác? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích: Vấn nạn như thế là không tương ưng, tùy ở xứ nào? Nơi tất cả xứ kia đều có vấn nạn ấy. Nếu ở vào xứ khác, cũng không lìa vấn nạn đó.
Lại có nghĩa khác: Như phần giải thích tâm Bồ-đề đã nêu rõ, nên biết.
– Do nhân duyên gì Đức Như Lai chỉ nói ba thứ đầy đủ như thế, không nhiều, không ít? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích: Do có nghĩa cùng đối của ba phần. Vì dùng ba thứ này đối trị tham ganh, phá giới và ngu si. Do thí đầy đủ đối trị tham ganh. Do giới đầy đủ đối trị phá giới. Do nghe đầy đủ đối trị ngu si. Lại nữa, là chỉ rõ ba thứ phước đức: Thí đầy đủ là chỉ rõ phước đức của bố thí. Giới đầy đủ là chỉ rõ phước đức của hành chân chánh. Nghe đầy đủ là chỉ rõ phước đức của sự tu tập.
Lại còn có nghĩa: Tất cả chúng sinh tùy thuận thuần thục nơi thí, giới đầy đủ. Hết thảy chúng sinh đã thuần thục rồi, sau đó mới có thể nghe, nghe rồi, quan sát tương ưng với sự thuần thục. Như thế, tùy thuận tương ưng với tất cả chúng sinh đã thuần thục, thế nên nói có ba thứ.
Lại còn có nghĩa: Hai thứ đầy đủ: Tất cả pháp Phật đều tích tập ở một trụ xứ, tất được pháp không tán loạn, dựa nơi chỗ không tán loạn tức nghe sẽ đầy đủ như pháp, nên chánh giác về tất cả pháp Phật đều đầy đủ, được như thế thì tất cả pháp Phật đều tích tập nơi trụ xứ.
Do nhân duyên như vậy, nên Đức Như Lai chỉ nói có ba thứ đầy đủ như thế.
– Là chỉ có ba thứ đầy đủ như vậy hay là còn có pháp đầy đủ nào khác? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích: Ba thứ như thế là gồm thâu chung các thứ đầy đủ. Nếu Đức Phật nói rộng về vô lượng thứ đầy đủ, thì cũng đều được thâu tóm trong ba thứ ấy. Nếu theo như lời Đức Thế Tôn đã nói trong Kinh Đại Hải Tuệ, thì tất cả các thứ đầy đủ hiện có của Bồ-tát đều được thâu tóm trong phước đức đầy đủ và trí đầy đủ, nên nhận biết như thế. Vì sao? Thưa Đức Thế Tôn! Nếu Bồ-tát tu tập phước đức đầy đủ, do nhân duyên này nên được tôn quý, tốt đẹp, giàu sang, lại có khả năng làm cho người khác cũng được tôn quý, tốt đẹp, giàu sang. Còn khi trí đầy đủ thì miệng nói lời thiện, khiến tất cả chúng sinh nghe đều hoan hỷ. Như vậy, phước đức của thí, giới kia đầy đủ, trí của nghe đầy đủ, như thế là không mâu thuẫn.
– Do đâu Bồ-tát gọi là chủng tánh? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích: Có Sư nói: Có bốn thứ nhà là xứ sinh của Như Lai. Như kệ nói:
Đế, xả, tuệ, tịch tĩnh
Bốn nhà chân thắng này
Sinh nhà Chánh biến tri
Sư nói là chủng tánh.
Lại, phương tiện thiện xảo là cha của Bồ-tát. Bát-nhã Ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát.
Như Kinh Vô Cấu Danh Xưng (Kinh Duy Ma) kia đã nói: Bátnhã là mẹ Bồ-tát, phương tiện dùng làm cha, tất cả các Đạo sư đều sinh ra từ đấy. Bát-nhã Ba-la-mật của Bồ-tát là giữ vững nên như mẹ. Phương tiện sinh như cha sinh ra con. Do như cha mẹ nên nói là chủng tánh.
Như vậy, chủng tánh, cha mẹ, hai thứ có nghĩa giống nhau.
Lại, Xa-ma-tha (Chỉ), Tỳ-bà-xá-na (Quán), chủng tánh như thế sinh ra Chánh biến tri. Trong tất cả tánh môn này là thứ nhất. Tất cả pháp thiện là tánh, là môn, như trong kinh nói: Trong chánh pháp của Phật hai pháp song hành. Xa-ma-tha kia là cha, Tỳ-bà-xá-na là mẹ. Hai pháp chủng tánh đó, kệ nêu:
Tỳ-bà-xá-na: mẹ
Xa-ma-tha là cha
Sinh tất cả Bồ-tát
Nhân Tỳ-bà-xá-na
Nên nơi Xa-ma-tha
Có tất cả chánh giác.
Lại còn có nghĩa: Chư Phật, Bồ-tát hiện tiền chánh trụ nơi Tammuội, Đại bi. Hai pháp này là chủng tánh của Như Lai, do nhân nơi hai pháp ấy, sinh ra Như Lai. Chư Phật, Bồ-tát hiện tiền chánh trụ, Tam-muội là cha, Đại bi là mẹ.
Lại nữa, như thế Phật, Bồ-tát này hiện tiền chánh trụ, Tammuội là cha, nhẫn là mẹ của Bồ-tát. Đây là chủng tánh. Kệ nói:
Phật, Bồ-tát hiện tiền
Chánh trụ, Tam-muội cha
Hoặc Đại bi, giới, nhẫn
Là mẹ của Bồ-tát.
Kệ này nêu rõ về nghĩa gì? Đây là nói về nghĩa chủng tánh của Bồ-tát.
* Do nghĩa gì nên gọi là đầy đủ? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích: Suy xét, tìm kiếm các sự vật khắp mọi xứ, tương lai nêu giữ, tích tụ, so sánh, hoàn bị, thành tựu, tăng ích, hòa hợp, nên gọi là đầy đủ.
Lại nữa, nghĩa nhiều pháp hòa hợp, tập trung, nên gọi là đầy đủ.
Lại còn có nghĩa: Do gánh vác Bồ-đề, nên gọi là đầy đủ. Như đại hội trai đàn đầy đủ của ngoại đạo. Đầu tiên là dùng dê v.v… về sau là bày biện, hoàn thành. Bồ-đề như thế, như trước phải đầy đủ, sau là nhận biết về Bồ-đề.
Lại nữa, có nhiều pháp gọi là đầy đủ. Như thuốc phải pha trộn mới thành thuốc tán, như thế là đầy đủ.
Lại còn có nghĩa: Pháp chủng tánh trước là giữ vững không mất, lại hướng về bờ kia, như tàu thuyền to, trước là tập hợp xong, sau đó mới hướng về bãi châu báu.
Lại còn có nghĩa: Tròn, thẳng, không cong vạy, như quán xét. Nghĩa như thế nên gọi là đầy đủ.
Lại nữa, thường tu tập tất cả hành thù thắng, nên gọi là đầy đủ.
Lại nữa, đầy đủ là nhằm vượt qua, ra khỏi nơi gánh nặng đội vác. Ra khỏi, đạt đến, là nghĩa của vượt qua. Gánh nặng đội vác là nghĩa không lười biếng, là nghĩa vượt quá ba cõi, nên gọi là đầy đủ.
Lại nữa, đầy đủ là tu tập bình đẳng, tu đảm bình đẳng, tu hành bình đẳng, tu khởi bình đẳng, tu tác bình đẳng, tu trì bình đẳng, tu trụ bình đẳng, tu dưỡng bình đẳng, nên gọi là đầy đủ.
Tu dưỡng: Là đối với các chúng sinh, cũng như thầy thuốc theo dõi người bệnh, chữa khỏi các chứng bệnh. Tu đảm: Là sáu Ba-lamật, như chèo lái tàu thuyền v.v…
Tu hành: Là như Đại thừa đã giảng nói v.v… Tu khởi: Là Bồ-tát tu học, như học bắn v.v…, trước hết là chân đứng thẳng, vững v.v…
Tu tác: Là khéo tạo các hành nghiệp của tất cả Bồ-tát, như làm thầy thiện xảo v.v… Tu trì: Là thường, vô thường như cái cân đều ngang nhau, đều bình đẳng.
Tu trụ: Là tất cả Bồ-tát đều có khả năng chống đỡ ngôi nhà pháp, như chống đỡ giảng đường Lộc Mẫu. Tu tập: Là tất cả pháp trắng, như ong hút mật tích tập.
Do các nghĩa như thế, nên gọi là đầy đủ.
Lại nữa, nghĩa tự tại, nghĩa hòa hợp, hoặc nghĩa nhiều, hoặc nghĩa dị biệt, hoặc nghĩa rộng, hoặc nghĩa uyên bác, hoặc nghĩa thù thắng, hoặc nghĩa kiên cố, hoặc nghĩa bền vững, hoặc nghĩa cùng tụ tập, hoặc nghĩa hòa hợp, hoặc nghĩa vật dụng, hoặc nghĩa tài sản, hoặc nghĩa nhận lấy, hoặc nghĩa tích tụ, hoặc nghĩa hổ thẹn, nên gọi là đầy đủ.
* Thế nào gọi là Thí? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích:
Trừ bỏ tham lam, nghèo khổ, được giàu có, an vui lớn, phước đức đầy đủ, nên gọi là thí.
Thí có bao nhiêu thứ? Nghĩa đó nay sẽ nói. Lược nói có 3 thứ:
- Tư sinh thí (Tài thí).
- Vô úy thí.
- Pháp thí.
Tư sinh thí: Là thí cho các thứ như thức ăn uống v.v… Tư sinh thí ấy là cho các thứ sắc, hương, vị trong sạch, tinh khiết như pháp, xa lìa cấu uế của tham, không có cấu uế của keo kiệt, thiếu thốn. Xa lìa cấu uế của tham: Là tâm không nhỏ hẹp, xả thí như thế là tự tay cho nhiều. Không có cấu uế của keo kiệt: Là không giữ riêng sự giàu vui, như thế là xả thí.
Vô úy thí: Là có thể cứu giúp những tai nạn đáng sợ như sư tử, cọp, beo, giặc, vua quan, nước cuốn trôi v.v…
Thế nào là pháp thí? Nói pháp không điên đảo đó là thuyết giảng đúng đắn. Chỉ dẫn người kia học từng câu theo thứ lớp, khuyên dạy thọ nhận chân chánh. Nói rộng thì có vô lượng thứ loại, vì ý của bậc Thánh là vô tận, nên giảng nói không thể lường xét.
Hành thí của Bồ-tát là người cần ăn, Bồ-tát cho ăn, tức là bố thí sắc, lực, thọ mạng, sự an lạc, biện tài cho tất cả chúng sinh.
Lại, tâm thí của Bồ-tát thảy đều xa lìa các lỗi như cấu đục. Tâm bố thí còn cấu đục đó có 14 thứ:
- Tâm vẩn đục.
- Trước hết là đố kỵ.
- Tâm ganh ghét.
- Tâm kiêu mạn.
- Kiêu mạn không giảm.
- Tâm giận dữ.
- Lựa chọn.
- Tâm nghi ngờ.
- Não hại.
- Tâm tán loạn.
- Cầu danh.
- Dựa theo pháp trên, chọn ngày giờ v.v… theo thứ lớp hành bố thí.
- Biếng trễ.
- Trước vì mong cầu quả báo.
Hành thí trước hết là do vẩn đục: Các pháp như thế có thể làm nhiễm ô tâm, nên gọi là tâm vẩn đục. Vì thể của tâm có vẩn đục, nên gọi là đục.
Hành thí trước hết là do đố kỵ: Là được giàu vui, nhưng có ít hàng quyến thuộc, không ai yêu thích.
Hành thí trước hết là do ganh ghét: Tuy được giàu vui, nhưng không ưa thích quả báo thù thắng, chỉ vui mừng với các thứ thấp kém về chỗ ngồi, giường nằm, nghỉ ngơi v.v… Đối với sự giàu có, vui thú về ăn uống luôn tham đắm không lìa.
Hành thí trước hết là do kiêu mạn: Là tuy được giàu có, an vui, nhưng sinh vào dòng họ thấp kém, tâm không ngay thẳng.
Trước hết kiêu mạn không giảm mà bố thí: Về sau, khi nhận quả báo phải sống nhờ vào người khác, như các kỹ nhi, đi sứ, lính phụng sự vua, kẻ dối gạt, lính tuần canh, người gác cổng, giữ nhà, chăn các gia súc, làm kẻ hầu hạ tiện v.v… Những sự việc như thế, tạo lập phương tiện rộng, dùng sức mạnh để chiếm lấy vật dụng, người có sức mạnh có thể trở thành kẻ trộm cướp.
Những hành nghiệp như vậy đều vì lợi ích cho mình.
Hành thí trước hết là do giận dữ: Về sau phải sinh làm thân trong các loài súc sinh có sức mạnh, như sư tử, cọp, báo, mãng xà, gấu, beo, vượn v.v…
Hành thí do chọn lựa: Về sau, khi nhận quả báo là làm con nhà nông, làm con thợ rừng, làm người trồng rừng, khai thác rừng v.v… có được quả báo ít để tự sinh sống.
Hành thí do nghi ngờ: Về sau mắc phải quả báo tuy giàu, vui nhưng bất thường.
Hành thí do não hại: Tuy có được giàu vui, nhưng sinh trong hạng người man di, hèn hạ. Hoặc sinh vào chốn biên ải, chật hẹp. Hoặc sinh ở các biên Địa có nhiều tai ương.
Hành thí với tâm tán loạn: Về sau sẽ ít được giàu, vui, hoặc không được quả báo.
Hành thí trước là cầu danh: Tuy được giàu, vui, nhưng được của cải rồi, thì sự vui mừng bị mất.
Dựa theo pháp trên, chọn ngày giờ theo thứ lớp để bố thí: Tuy thọ nhận giàu vui, nhưng phải lao nhọc, khổ sở, khó được.
Hành thí do biếng trễ: Về sau thọ nhận giàu, vui, tuy được nhưng không thường có.
Hành thí trước vì mong được quả báo: Về sau tuy có quả báo nhưng rất khó được, lại ít.
Như thế, về lỗi đầu tiên, Bồ-tát đều phải quan sát như vậy. Đã quan sát rồi, tự tâm được thanh tịnh. Tâm tịnh đã sinh tức xa lìa tâm vẩn đục. Lìa tâm vẩn đục, thì tương ưng với chánh tín, khế hợp với công đức của tâm bi v.v…
Hòa hợp, tự tay thí cho, trước hết là tin ở sự bố thí sẽ được thân sắc, năng lực, tộc họ, trụ xứ tốt đẹp, thọ nhận sự giàu vui, quyến thuộc tự tại, tiếng tốt lan xa, biện tài, thân mạng được an lạc, người khác không khi dể, lấn át. Được người khen ngợi, là hàng tự tại bậc nhất. Nơi chốn nằm, ngồi, cư trú đều hơn hẳn, nhà cửa nghiêm trang, thức ăn uống, y phục, hương xoa, các thứ hương, sắc, âm thanh, mùi vị, tiếp xúc đều có đủ nơi trụ xứ giàu có, an ổn như thế.
* Thế nào gọi là Giới? Nghĩa này nay sẽ giải thích: Như có thể tạo sự tịch tĩnh, tránh điều trái với luật nghi, ghét bỏ pháp ác, bất thiện, tức có khả năng sinh khởi đạo thiện, có thể đạt được Tammuội, như thế gọi là giới.
Giới có bao nhiêu thứ? Nghĩa ấy nay sẽ nói: Lược nêu có 3 thứ:
- Giới luật nghi.
- Giới thâu giữ pháp thiện.
- Giới dẫn dắt chúng sinh.
Giới luật nghi: Là Bồ-tát tiếp nhận đúng đắn bảy thứ luật nghi, là giới của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Xuất gia, tại gia theo thứ lớp như thế đều thuộc về luật nghi.
Thế nào là giới thâu giữ pháp thiện của Bồ-tát? Bồ-tát hiện có pháp thiện và giới, đều được nhận lấy đúng đắn, sau đó mới tu tập phần thiện của Đại Bồ-đề, hoặc thân, hoặc miệng, hoặc ý đều thiện như thế, lược nói là giới thâu giữ pháp thiện.
Lại nữa, Bồ-tát nương dựa vào đâu? Là nương vào giới, an trụ trong giới, sau đó mới tu tập văn (nghe), kế đến tu tập tư duy, sau thì chuyên một hành vui là Xa-ma-tha (Chỉ) và Tỳ-bà-xá-na (Quán).
Như đối diện trước vị Tôn trưởng thưa nói, trước hết là lễ bái, sau đó đứng dậy chắp tay, lúc nào cũng luôn như thế. Thường thường như thế, kính trọng, cung cấp đối với các bậc Tôn trưởng.
Luôn thể hiện tâm bi đối với người bệnh. Hoặc nghe lời nói thiện thì khen: Lành thay! Đối với người có công đức thì nêu bày công đức thật, sinh tâm niệm: “Khắp vì mười phương”. Như tất cả phước đức của hết thảy chúng sinh trong mười phương, Bồ-tát luôn khởi tâm tùy hỷ. Tâm hỷ sinh rồi, sau đấy mới nói. Đối với mọi sự xúc phạm đến mình, Bồ-tát đều có thể nhẫn chịu. Tất cả chỗ tu tập nơi thân, miệng, ý thiện, thảy đều nguyện chứng được quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Luôn luôn dùng nhiều thứ phẩm vật cúng dường Tam bảo. Bày biện các thứ vật dụng cúng dường xong, miệng phát nguyện chân chánh, tương ưng với tinh tấn, thường giữ gìn phần thiện. Thân không phóng dật, miêng tụng đọc điều đã học, ý nhớ nghĩ phát sinh hành, luôn giữ gìn các căn, ăn uống nên biết đủ. Đầu đêm, cuối đêm, luôn tương ưng với sự tỉnh giác. Gần gũi người tốt, nương dựa tri thức thiện. Tự nhận biết đã sai lầm, phạm lỗi, thấy rõ tức tự biết sửa đổi. Tận tâm sám hối trước những người phước đức, Phật và Bồ-tát.
Những phần như thế đều thâu nhận pháp thiện. Được pháp thiện rồi, Bồ-tát luôn gìn giữ khiến tăng trưởng.
Nếu giới như thế, đó gọi là giới thâu giữ pháp thiện của Bồ-tát.
Thế nào là giới dẫn dắt chúng sinh của Bồ-tát? Giới đó lược nói có 11 thứ. Nghĩa này nên biết. Những gì là mười một?
1. Hành những sự việc tạo lợi ích cho chúng sinh, vô số nhân duyên tương ưng với đồng sự.
2. Chúng sinh có bệnh hay không bệnh v.v… luôn cung cấp hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh khó, khổ.
3. Về nghĩa thế gian, xuất thế gian, theo như pháp đó để giảng nói. Trước hết, chỉ rõ về phương tiện, chỉ rõ về đạo lý.
4. Báo ân của chúng sinh, là không quên báo đáp công ơn, tùy chỗ thích hợp để giúp đỡ, theo đấy để báo ân.
5. Bồ-tát luôn cứu giúp chúng sinh thoát khỏi những nơi chốn sợ hãi, như sư tử, cọp beo, nạn vua quan, nước cuốn, lửa cháy, giặc cướp v.v…
6. Đối với các bạn bè thân thiện bị mất hết sự giàu có, an vui, lo buồn vì tai ương, Bồ-tát có thể vì họ mà dứt trừ.
7. Nơi các chúng sinh nghèo cùng, khổ não, ăn xin, Bồ-tát luôn hết lòng cung cấp tất cả vật cần dùng. Người hành tác thiện nương vào pháp xả chân chánh để thâu nhận công đức.
8. Trước, Bồ-tát dùng lời thăm hỏi vấn an, sau cũng dùng lời thăm hỏi vấn an, lui tới đúng lúc.
9. Hoặc người khác gọi Bồ-tát nhận lấy các thứ thức ăn uống v.v… vì lợi ích cho thế gian, Bồ-tát nên qua lại với họ. Nói tóm lại, tất cả sự việc hiện có không đem lại lợi ích cho chúng sinh, đều là các hành Bồ-tát không thể yêu thích, thảy đều nên lìa bỏ, tâm tùy thuận chuyển.
10. Đối với công đức thật sự của mình, tâm sinh hoan hỷ. Tác bạch công khai để giữ lấy sự đúng đắn, hoàn toàn nêu bày để tâm được thêm thấm nhuần. Bồ-tát dùng pháp đối trị, hoặc đuổi đi, hoặc xử phạt, hoặc phế bỏ, hoặc đôi khi vừa khiển trách vừa xua đuổi. Trừ bỏ những xứ bất thiện như thế, khiến trụ nơi xứ thiện tương ưng với lợi ích.
11. Bồ-tát dùng sức thần thông thị hiện cảnh giới như Địa ngục v.v… nhằm chê trách những sự việc bất thiện, khiến hội nhập pháp Phật, giáo hóa chúng sinh khiến họ hoan hỷ đạt được điều chưa từng có.
Lại nữa, như Thánh giả Vô Tận Ý nói: Có sáu mươi bảy thứ. Nghĩa là đối với tất cả các chúng sinh, không dấy khởi những sự việc não hại như thế v.v…
Lại nữa, trong kinh thuộc Bồ-tát Tạng đã nói rộng về vô lượng giới của Như Lai.
Lại nữa, giới này là do vô lượng, vô biên công đức được tích tập hòa hợp. Công đức như thế, nay chỉ nói phần ít: Gọi là giới, là giới của người xuất gia. Như người giàu có, thân ít mừng vui. Ở trong pháp thiện, tăng trưởng như mẹ, đối với pháp ác, có khả năng ngăn giữ như cha. Như người ở thế tục có tài sản, vật dụng, tất cả lợi ích thảy đều thành tựu. Giới của người xuất gia cũng lại như thế. Dẫn dắt đúng đắn như thế, như người hành đúng tức không có suy tổn. Như người thiện đã báo ân đầy đủ. Như người thế gian yêu tiếc thân mạng.
Lại nữa, như người có trí tuệ thù thắng được thế gian khen ngợi. Như lời nói của vua luôn thận trọng. Người giữ giới cầu giải thoát cũng như thế. Muốn cầu giải thoát phải quy y Phật. Muốn sinh vào đường thiện phải quy y giới. Gốc của sự an thân, giới là tri thức bậc nhất. Gặp bạn lành, hoặc dữ, không bỏ giới, cũng lại như thế. Muốn được lợi ích cho mình, đến chết cũng không bỏ giới. Như người nữ biết hổ thẹn đối với người đời luôn đoan nghiêm. Như người hành tác tốt đẹp, không dua nịnh là hơn hết. Như trong phạm hạnh, kiến giải nhu hòa là hơn hết. Như muốn được quý trọng bậc nhất, không hư huyễn là gốc. Như không phóng dật, tức được nhiều công đức. Muốn chứng nhập pháp thù thắng, phải nương vào quan sát mới có được. Như gần gũi bạn lành trong thời gian đầu, giữa, sau, mới hy vọng thành người tu học. Hoàn cảnh như biển khó có thể vượt qua. Như các chúng sinh đều nương vào đất mà trụ, nương vào giới để giữ vững các pháp thù thắng.
Như nước có khả năng làm thấm nhuần tất cả hạt giống, giới có năng lực làm tươi thắm chủng tử của các pháp thiện. Như sức của lửa trở thành căn. Như gió có khả năng khiến mở bày từng phần. Như vật đi đứng trong hư không, không bị trở ngại. Người muốn chứng quả, giới như chiếc bình vững chắc, giới kho báu. Như loài bò ham muốn đuôi dài của mình. Như lương thực dùng để ăn. Như người dựa vào gậy nên đi, đứng được. Như hơi thở nương vào thân mạng. Như thọ mạng, trí tuệ là hơn hết. Như nước có vua là nơi nương dựa của người dân. Như quân sĩ có đại tướng. Như công năng nơi đoàn quân, giới là thống tướng.
Như người phụ nữ, tất cả các hành vui thích đều nhờ nơi người chồng. Như người đi đường đã có sẵn lương thực, tiền của. Như đi theo đạo trời, giới là hành trang. Như lữ hành đi qua vùng đồng rộng hoang vắng, thì chủ tướng là kẻ khéo dẫn đường. Người hành pháp thiện, giới là sự dẫn dắt đi trước. Như thuyền trên biển cả, nếu người dùng phương tiện để vượt qua biển sinh tử, phải lấy giới làm thuyền. Như người bệnh cần uống thuốc, người bị bệnh phiền não, giới là phương thuốc hay. Như nơi chốn chiến đấu đã có sẵn đao gậy, binh khí, chiến đấu với Ma vương, dùng giới để ngăn cản, phòng vệ.
Như người bạn thân tình, không thể lìa bỏ, giới là bậc Hiền Thánh. Như trong chốn tăm tối âm u, ngọn đèn là ánh sáng. Bóng tối lớn của đời vị lai, lấy giới làm đèn. Như muốn sang sông v.v… nhân nơi cầu mà qua. Trong các phương tiện để ra khỏi ba đường ác, giới là lớn lao hơn hết. Như ngôi nhà mát mẻ, có khả năng lìa mọi sự nóng bức. Sự nóng bức của phiền não, giới có khả năng khiến được mát mẻ. Như người sợ hãi, quay về nương dựa nơi dũng sĩ tay đang cầm đao gậy, người sợ nẻo ác, thì giới là nơi chốn quay về, nương dựa.
Người tu hạnh Bồ-tát như trụ nơi ngôi nhà thật, kẻ phàm phu thiện như vật của chính mình. Người tu hạnh Bồ-tát, như ở ngôi nhà thí xả. Người hành đạo như con đường đã đi qua. Người tu hạnh Bồtát như trụ ở gia gia, là người chứng đắc quả có thể vì người khác giảng nói. Người tu hạnh Bồ-tát, như trụ nơi ngôi nhà trí tuệ, là người không động, vẫn bình thản, thanh tịnh. Như tánh dua nịnh bỏ sự ngay thẳng. Như tham lam bỏ bố thí. Như người có tâm ganh ghét bỏ tâm không ganh ghét. Như người huyễn hư dối, tâm không quan sát. Như người trầm tĩnh, suy xét, lìa bỏ tâm kiêu mạn. Như người cẩn thận từ bỏ lỗi lầm của phóng dật. Như vua có mắt sáng, người tối tăm không mắt không phải là cảnh giới của vua.
Tám Thánh đạo phần tương ưng với giải thoát, người không biết quán đã bỏ đạo ấy rất xa. Như A-la-hán yêu mến pháp Niết-bàn, như người tự yêu mình. Như Phật xuất hiện nơi thế gian, theo thứ lớp chuyển biến tốt đẹp. Như trụ nơi chánh pháp tức an trụ nơi quả tu chứng. Như Phật – Thế Tôn đem lại lợi ích cho mình và mọi người. Như tôi tớ phụng sự chủ, tất cả vật dụng, thời gian, phương xứ đều phải tương ưng.
Như người chứng được quả Tu-đà-hoàn thì tâm yên ổn. Như gặp lúc thuận hợp thì tạo tác, không hối tiếc. Như nguyện của Bồ-tát chung quy là cầu đạt giải thoát. Như thửa ruộng tốt được gieo giống tốt, sự sinh trưởng sẽ được thu hoạch rộng lớn. Như nhân duyên của thời gian, phương hướng, tài sản đã đầy đủ, thì trí, sắc, sự yêu thích, tự có nhiều thọ dụng. Như căn thiện đã thuần thục tức có uy lực. Như tự hành thiện thì tự tâm hoan hỷ. Như người không tạo tội thì đời này, đời sau, tức không có lo sợ. Những người dũng mãnh đã nương vào hành đúng đắn. Giới như hành chân chánh khéo tạo hoan hỷ cho việc tự tu tập. Như người tu tâm từ, tâm thiện an lạc. Như người tu tâm hỷ, tâm thường vui vẻ. Như người tu tâm bi, tức tâm chánh tín. Như người tu tâm xả thì luôn tùy thuận.
Bốn thứ pháp chân chánh, tin tưởng như thật, chắc chắn. Như pháp thế gian gây chướng ngại cho sự tịch tĩnh, nên thuận theo hành ưa thích. Như nhân nơi nghe pháp nên được biện tài. Như người nói năng khéo léo thì không sợ hãi. Như người có trí sáng tức có tiếng tăm. Như người nói lời thiện thì không thể bị hủy hoại. Như pháp, tùy thuận pháp, có thể thành tựu sự chứng đắc, được giải thoát sáng rõ. Người chánh giác, chánh đạo như ngọn cờ.
Như người có trí, tất có khả năng tu thiền. Như bạn tu đạo, như nhân duyên mạnh mẽ tức không sợ hãi. Như núi có nhiều vật báu, tức có nhiều công đức quý báu. Như biển là trụ xứ có nhiều thứ hy hữu. Đệ tử của Như Lai, giới như biển cả, là đi vào đạo, như tin được quả. Như người hiểu biết, nương nơi đạo lý để tu hành, tuy gọi là không có nước, nhưng vẫn có thể tắm gội. Không có rễ, cộng, cành, lá, nhưng vẫn sinh ra vật có mùi hương. Không xuyên suốt, không lấp lánh, không phải vàng, không phải là chân châu nhưng là vật trang nghiêm. Tuy không phải là cảnh giới nhưng có khả năng sinh quả báo vui cho đời sau, được các chúng người, trời, A-tu-la, Ma, Phạm, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn v.v… trong thế gian tán thán. Không phải nhân nơi niềm vui của người khác mà là đạt được phương tiện Niết-bàn của đạo trời.
Như sự cứu giúp đúng đắn, tức không có sự chìm đắm. Lìa đá được đá như thế, chúng sinh đáng độ có thể hóa độ, chúng sinh tin tưởng có thể cứu giúp, như lìa bỏ các thứ lỗi lầm của tài sản, vật dụng.
Như vượt qua quãng đường dài cần phải có đủ lương thực, củi, nước uống cùng khe suối. Đi thẳng, không xoay lại, không cao, không thấp. Lìa bỏ đoạn đường đầy những loài vật dữ như rắn, rít, sâu độc, ruồi nhặng, muỗi mòng, lạnh nóng, trộm giặc v.v…
Như những thửa ruộng phì nhiêu, nếu không cần cày xới, không gieo trồng thì không có lúa thóc thành thục. Tuy không trồng cây, không có thuốc, không có rừng, nhưng vẫn được trái ngon, vị như cam lồ. Không ở nơi vùng đất cao, không ở nơi ẩm thấp, sinh ra cũng không phải do người khác làm.
Lại nữa, không có người xâu nối nhưng vẫn thường mang tràng hoa mới, không khô héo, úa tàn. Như được tắm gội nước mát lạnh, trong, thiện, xua trừ mọi sự nóng bức.
Tuy không phòng hộ, nhưng không có đao gậy, binh khí chiến đấu. Không ban cho của cải vật dụng, không khiến sợ hãi mà vẫn được mọi sự an lạc, thường được giàu, vui, lìa chốn tranh chấp.
Như núi báu lớn, giá trị là vô lượng, vẫn không vượt hơn biển. Lỗi sợ nơi đại chúng, sợ thọ mạng, sợ bị trừng phạt, sợ không sống nổi, sợ nơi đường ác, như bóng theo hình, đời này đời sau, luôn gắn liền với thân.
Vô số những công đức như thế đều tương ưng với giới.
– Thế nào gọi là Nghe? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích: Nghĩa là pháp thiện tương ưng với sự tịch tĩnh. Nếu không như thế tức không phải là lời nói có ý nghĩa.
Mười hai bộ kinh như Tu-đa-la v.v… gọi là ngôn ngữ giảng nói pháp, thế nên gọi là nghe.
Thánh giả Vô Tận Ý nói có tám mươi thứ. Nghĩa là nhằm tu tập thuận hợp nơi tâm hành v.v…
– Do nghĩa gì hai thứ lậu cùng với không lậu đều đầy đủ để đạt được Nhất thiết trí? Pháp không lậu, nghĩa ấy nay sẽ nêu bày. Do trí tuệ quan sát chỉ có một vị. Như ong chúa tạo mật, hút vô số thứ hoa, nhưng đều làm thành một vị mật. Bồ-tát cũng như thế, hai thứ lậu, không lậu đều đầy đủ, do lực của trí tuệ đều làm thành một vị.
Lại, phương tiện của nguyện khiến hai thứ lậu, không lậu đều đầy đủ, đạt được Nhất thiết trí.
Pháp không lậu, như trong Kinh Bảo Tích, Phật nói với Cadiếp: Ví như sông lớn và các phụ lưu nơi tất cả phương, nhưng mọi dòng nước đều cùng đổ ra biển cả, và hết thảy các thứ nước đó đều bình đẳng một vị, đó là vị mặn. Như thế, này Ca-diếp! Bồ-tát dùng các thứ pháp môn, tập hợp các căn thiện, nguyện đạt Bồ-đề, tất cả chỉ một vị, đều là vị Nhất thiết trí.
– Thí, Giới, Nghe đầy đủ có bao nhiêu nhân duyên? Nghĩa ấy nay sẽ giải thích:
Thí đầy đủ có 2 nhân duyên:
- Lìa bần cùng.
- Được giàu có lớn.
Giới đầy đủ có 2 nhân duyên:
- Lìa đường ác.
- Sinh đường thiện.
Nghe đầy đủ có 2 nhân duyên:
- Lìa ngu si.
- Được trí tuệ lớn.
Lại nữa, Bồ-tát có 3 thứ đầy đủ:
- Hành thí, tạo lợi ích cho mình, người.
- Dẫn dắt chúng sinh. Dẫn dắt chúng sinh rồi:
- Khiến an trụ nơi giới, nghe.
Hành tạo lợi ích cho người đầy đủ như thế, tự lợi là thành tựu quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Như thế là đầy đủ hành lợi ích cho mình.
– Nói ba thứ đầy đủ, vì sao ban đầu là Thí, giữa là Giới, sau là Nghe? Nghĩa này nay sẽ giải thích: Nương nơi nghĩa lần lượt để chỉ rõ pháp Phật như biển cả. Ví như biển cả là theo thứ lớp sâu dần. Pháp Phật cũng thế, đầu tiên nói Thí, giữa là Giới và sau là Nghe.
Lại còn có nghĩa: Bồ-tát tại gia bố thí các thứ thức ăn v.v… xong, thời gian tiếp theo, nghe nói công đức của việc xuất gia, nghe xong, tin sâu xa nên bỏ nhà xuất gia. Đã xuất gia mới được giới tịnh. Do trụ nơi giới, nên xa lìa nghiệp thế gian, được nghe pháp vô thượng. Thế nên, sau cùng là nói về nghe đầy đủ.
Lại còn có nghĩa: Theo thứ lớp sinh bậc trên, Bồ-tát trước hết vì đem lại lợi ích cho mình và người nên hành thí.
Bố thí rồi tiếp đến nên hành pháp gì? Tư duy như thế này: Đức Thế Tôn nói giới và người giữ giới.
Lại có thứ lớp tương ưng với pháp gì? Đó là nói về nghe.
– Nói tóm lại: Thí đầy đủ: Là Đức Thế Tôn chỉ rõ về Bố thí Ba-la-mật. Giới đầy đủ: Là chỉ rõ về Trì giới Ba-la-mật. Nghe đầy đủ: Là chỉ rõ về Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ Ba-la-mật.
Lại còn có nghĩa: Thí, Giới: Là chỉ rõ về phước đức đầy đủ. Nghe: Là chỉ rõ về trí đầy đủ.
Lại còn có nghĩa: Thí, Giới đầy đủ: Là chỉ rõ về đạo còn chướng ngại. Nghe đầy đủ: Là chỉ rõ về đạo không chướng ngại.
HẾT