LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM GIEO TRỒNG THIỆN CĂN THỨ 73

(Kinh Đại Bát-nhã, hội 2 ghi: Phẩm Thân Cận thứ 71)

KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bồtát nếu không cúng dường Phật, không đầy đủ căn thiện, không được chơn tri thức, có được Nhất thiết trí chăng?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn, được chơn tri thức mà được Nhất thiết trí còn khó, huống gì không cúng dường Phật, không gieo trồng căn thiện, không được chơn tri thức!

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát cúng dường chư Phật, gieo trồng căn thiện, được chơn tri thức, vì sao khó được trí Nhất thiết chủng?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Vì Bồ-tát xa lìa sức phương tiện, không theo Phật nghe nói sức phương tiện, gieo trồng căn thiện không đầy đủ, không thường theo lời dạy của thiện tri thức.

– Bạch đức Thế Tôn, thế nào là sức phương tiện, mà Bồ-tát hành sức phương tiện ấy được trí Nhất thiết chủng?

Phật dạy: Bồ-tát từ khi mới phát tâm hành Thí ba-la-mật, niệm tương ưng với Nhất thiết trí mà bố thí cho Phật, hoặc Bíchchi Phật, hoặc Thanh văn, hoặc người, hoặc chẳng phải người, khi ấy không sinh ý tưởng bố thí, ý tưởng người nhận thí, vì sao? Vì quán xem tự tướng không hết thảy pháp, không sinh, không có tướng chắc thật, không có chuyển đổi, vào trong thật tướng các pháp; nghĩa là tướng không làm của hết thảy các pháp, không khởi. Bồ-tát do sức phương tiện ấy nên tăng tưởng thiện căn; tăng trưởng thiện căn nên hành Thí ba-la-mật, nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; bố thí mà không lãnh thọ quả báo thế gian, chỉ vì muốn cứu độ chúng sinh nên bố thí.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát từ khi mới phát tâm tu trì giới, niệm tương ưng với Nhất thiết trí; trong khi trì giới không rơi vào dâm, nộ, si, cũng không rơi vào các phiền não trói buộc và các pháp không thiện phá đạo, hoặc xan tham phá giới, sân giận, giải đãi, loạn ý, ngu si, kiêu mạn, đại mạn, mạn mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, bất như mạn, tà mạn; hoặc không rơi vào tâm Thanh văn, Bích-chi Phật, vì sao? Vì Bồ-tát ấy quán thấy tự tướng hết thảy pháp không, không sinh, không có tướng chắc thật, không có chuyển đổi, vào thật tướng các pháp; nghĩa là tướng hết thảy pháp không làm, không khởi. Bồ-tát thành tựu sức phương tiện ấy nên tăng trưởng căn thiện; tăng trưởng căn thiện nên tu Giới ba-la-mật, nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; trì giới mà không thọ quả báo của thế gian, chỉ vì muốn cứu chúng sinh nên tu trì giới.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát từ khi mới phát tâm tu Nhẫn nhục ba-la-mật, niệm tương ưng với Nhất thiết trí, thành tựu sức phương tiện nên tu kiến đế đạo, tư duy đạo và cũng không thủ chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, vì sao? Vì Bồ-tát ấy biết tự tướng các pháp không, không sinh, không có tướng chắc thật, không có chuyển đổi; khi tu pháp trợ đạo mà vượt quá địa vị Thanh văn, Bích-chi Phật. Tu-bồ-đề, ấy gọi là pháp vô sinh nhẫn.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát từ khi mới phát tâm tu Nhẫn nhục Ba-la-mật, vào Sơ thiền cho đến đệ tứ thiền, vào bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, tuy ra vào các thiền mà không thọ quả báo, vì sao? Vì Bồ-tát ấy thành tựu sức phương tiện ấy, nên biết tự tướng các thiền định không, không sinh, không có tướng chắc thật, không có chuyển đổi, nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh. Tinh tấn mà không thọ quả báo thế gian, chỉ vì muốn cứu độ chúng sinh nên tu tinh tấn.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát từ khi mới phát tâm tu Thiền ba-la-mật, niệm tương ưng với Nhất thiết trí, vào tám bội xả, định chín thứ lớp, cũng không thủ chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, vì sao? Vì Bồ-tát ấy biết tự tướng các pháp không, không sinh, không có tướng chắc thật, không có chuyển đổi.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát từ khi mới phát tâm tu Bát-nhã ba-la-mật, học mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi cho đến chưa được trí Nhất thiết chủng, chưa nghiêm tịnh cõi Phật, chưa thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, ở khoảng trung gian ấy nên tu hành như vậy, vì sao? Vì Bồ-tát biết tự tướng các pháp không, không sinh, không có tướng chắc thật, không có chuyển đổi. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy mà không thọ quả báo.

LUẬN. Hỏi: Cớ gì Tu-bồ-đề hỏi câu thô thiển rằng: không cúng dường chư Phật, không đầy đủ căn thiện, không được chơn tri thức, có được Nhất thiết trí chăng?

Đáp: Có người nói: Như tính hết thảy pháp rốt ráo không, không có gì của chính nó, trong rốt ráo không, gieo trồng căn thiện và không gieo trồng căn thiện không khác nhau. Nếu như vậy có thể không cúng dường chư Phật, không gieo trồng thiện căn, không được chơn tri thức, cũng được Nhất thiết trí chăng? Lại có người nghi rằng: Có nhiều cách được Nhất thiết trí, có thể không cần gieo trồng thiện căn; vì vậy thế nên hỏi Phật. Phật đáp: Nếu cúng dường chư Phật, gieo trồng căn lành, được chơn tri thức còn khó được, huống gì không cúng dường!

Tu-bồ-đề hỏi: Vì trong rốt ráo không, không có phước và chẳng phải không có phước, cớ gì nói chỉ do phước đức nên được? Phật đáp: Ở trong thế đế, có phước nên được. Tu-bồ-đề vì thấy chúng sinh đắm trước điều không có gì của chính nó, nên hỏi. Phật lấy việc không đắm trước pháp mà đáp. Nghĩa là tinh tấn tu phước còn không thể được, huống gì không tu phước! Như người hành đạo đi khất thực đến một xóm làng, từ một nhà đến một nhà khất thực không được, thấy một con chó đói nằm liệt, lấy gậy đánh nó nói rằng: Đồ súc sinh vô trí, ta dùng mọi cách đến từng nhà xin ăn còn không được, huống gì mày nằm đó mà mong được? Tu-bồ-đề hỏi: Có nhân duyên cúng dường chư Phật ấy, cớ sao không được quả báo? Phật đáp: Vì xa lìa sức phương tiện. Sức phương tiện là Bát-nhã ba-la-mật. Tuy thấy sắc thân Phật mà không lấy mắt trí thấy pháp thân; tuy gieo trồng chút ít thiện căn mà không đầy đủ; tuy được thiện tri thức mà không gần gũi hỏi han, lãnh thọ. Lại Phật tự nói nhân duyên: Bồ-tát từ khi mới phát tâm, vì hữu tâm và vô tâm nên tu Thí ba-la-mật. Hữu tâm là tâm tương ưng với Nhất thiết trí mà bố thí, niệm đến vô lượng công đức của chư Phật, thương xót chúng sinh nên bố thí. Vô tâm là nếu bố thí cho Phật, cho đến kẻ phàm phu mà không sinh ba tưởng là tưởng người thí, người nhận thí và vật bố thí, vì sao? Vì tất cả pháp tự tướng không từ xưa lại đây thường chẳng sinh, không có tướng định hoặc một, hoặc khác, hoặc thường, hoặc vô thường v.v… Vì pháp ấy tự tướng không, nên không thể chuyển đổi, an trú trong Như. Quán sát như vậy tức vào thật tướng các pháp, nghĩa là tướng không làm, không khởi. Hết thảy pháp không có năng tác, sở tác, không sinh tâm cao ngạo, không có hy vọng gì. Vì sức phương tiện như vậy nên có thể tăng trưởng căn thiện, xa lìa căn bất thiện, giáo hóa chúng sinh nghiêm tịnh cõi Phật. Bố thí hoặc nhiều, hoặc ít, không thọ quả báo thế gian, chỉ muốn cứu độ chúng sinh. Bồ-tát bố thí cho chúng sinh có hạn, có lượng, nghĩ rằng: Ta đời trước không làm phước đức sâu dày nên đời nay không thể bố thí rộng rãi cho chúng sinh, ta nay nên hành bố thí thật nhiều, thật sâu xa; được quả báo ấy rồi có thể làm lợi ích đầy đủ, bố thí rộng rãi cho vô lượng chúng sinh, hoặc được lợi đời nay, hoặc được lợi về sau, lợi về đạo đức. Không có sức phương tiện như vậy, Bồ-tát tuy cúng dường Phật, gieo trồng căn lành, được chơn tri thức còn không được Nhất thiết trí, huống gì không cúng dường! Năm Ba-la-mật kia cũng như vậy.

(HẾT CUỐN 85 THEO BẢN HÁN)