NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Lão Thực Học Phật, Hưng Thạnh Chánh Pháp

Giảng tại Chùa Kim Luân ngày 05/9/1989

Tôi Hy vọng các bạn những người học Phật, đều phải lão lão thực thực học Phật, đừng học những thứ kỳ kỳ quái quái. Tâm bình thường là đạo, trực tâm là đạo tràng ; tâm mà cong thì không phải là đạo tràng, tâm không bình thường cũng không phải đạo tràng. Cho nên đừng học thần thông, đừng tham thần thông. Vì một khi tham thì không tương ưng với thần thông. Thần thông tức là trí huệ, phải nghĩ học trí huệ thì trước phải học lão thực, lão lão thực thực niệm Phật, lão lão thực thực học giáo lý, lão lão thực thực trì Chú, lão lão thực thực nhìn rõ hành vi của mình. Ði, đứng, nằm, ngồi không trái với Phật pháp, giới luật, đó là đệ tử chân chánh của Phật. Nếu khẩu thị tâm phi, miệng thì niệm Phật, trong tâm khởi vọng tưởng:”Phải chi trúng vé số thì hay quá, trúng lô độc đắc thì được mấy triệu”. Như thế thì chẳng hiểu Phật pháp.

Người hiểu Phật pháp, thì không khởi vọng tưởng như thế, khởi vọng tưởng như thế thì mắc bệnh tham cầu. Còn muốn tranh, tại sao muốn tranh? Vì có lợi xí đồ cho nên có tranh đoạt, nói rộng ra thì nước này với nước kia tranh lợi, cho đến chính mình tranh chính mình cũng vì lợi, phải xem nhẹ lợi lộc thì vấn đề gì cũng giải quyết được. Danh lợi vốn là giả, nhưng ai ai cũng tham và lợi ai ai cũng xả chẳng đặng, phải nhìn thủng hai chữ danh lợi, buông đặng thì tự tại, không còn vọng tưởng. Người sở dĩ có vọng tưởng là vì bị danh lợi chi phối, giao động. Tại sao giao động? Vì không có định lực, nhận không rõ ràng hai thứ danh lợi là giả. Ai ai cũng đi làm kiếm tiền, mà không có ai đi học Phật, vì học Phật không kiếm ra tiền, cho nên không ai chú trọng đến. Nếu học Phật mà kiếm ra tiền thì mọi người cũng sẽ đến học.

Nhưng phải biết, kiếm tiền là thứ hữu hình, có ngày sẽ hết, còn học Phật pháp là thứ giàu có vô hình vô tướng, là tư lương pháp thân huệ mạng, khiến cho bạn có đại trí huệ, vun bồi đại thiện căn của bạn tương lai sẽ thành Phật.

Lần này, tôi thỉnh các vị trưởng lão các nước thế giới vì những người tân học giới để truyền thọ giới pháp, việc này rất là quan trọng. Vì lúc Phật còn tại thế thì lấy Phật làm thầy. Phật nhập Niết Bàn rồi người xuất gia đều phải lấy giới làm thầy. Cho nên ý nghĩa “tam đàn đại giới” này tương đối thâm viễn.

Ngoài ra tôi còn có mấy câu quan hệ với Phật giáo nên phải nói, đó là chúng ta phải “dĩ thân tắc tắc”, làm mô phạm cho Phật giáo thế giới, làm cho chánh pháp hưng thịnh lại. Các bậc trưởng lão ngoài bảy mươi tuổi đều có thể về hưu, nhưng các vị tu sĩ trẻ phải dũng mãnh tinh tấn hoằng dương Phật pháp. Còn một điểm nữa là Phật giáo đồ phải kính lão tôn hiền. Tu sĩ trẻ đối với những bậc trưởng lão, hoặc những bậc trưởng lão có đức hạnh phải đặc biệt tôn kính, tôi tuy đã già nhưng tôi muốn làm người trẻ để làm những việc quan trọng, ý kiến này không biết mọi người cảm thấy thế nào? Tôi rất quan tâm đối với Phật giáo cho nên nói như thế.