Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Bổn Nguyện Công Đức Kinh Giảng Ký
Đại sư Ấn Thuận giảng
Tại Chùa Thiện Đạo, Đài Bắc, Đài Loan
Mùa thu năm 1954
Thích Pháp Chánh dịch
C3. Kết luận khuyến khích tu tập.
Lại nữa, A nan! Vua Diêm ma giữ việc ghi chép tên họ của người thế gian. Nếu những hữu tình nào phạm tội bất hiếu, năm tội nghịch, phá hoại mạ nhục Tam Bảo, làm hư hoại phép tắc vua tôi, hủy hoại lòng tin, giới cấm, thì vua Diêm ma tùy theo tội nặng nhẹ mà tra khảo hành phạt họ. Vì vậy nên nay tôi khuyên các hữu tình hãy thắp đèn, treo phướn, phóng sanh, tu phước, để được thoát khổ ách, không gặp các tai nạn.
Bồ tát Cứu Thoát thay đức Phật hoằng truyền pháp môn tiêu tai diên thọ, chủ đề đến đây là đã giảng nói xong. Hiện nay tổng kết, khuyến cáo mọi người tu trì để mong được vượt qua khổ ách.
Bồ tát Cứu Thoát lại nói với ngài A Nan: “Vua Diêm ma kia giữ việc ghi chép tên họ của người thế gian.” Phần trên nói vua Diêm ma làm chủ địa ngục, hiện nay lại nói ông ta là người giữ gìn tên họ của người thế gian, hình như không được thỏa đáng. Thật ra, vua Diêm ma chỉ bảo quản những chúng sinh làm ác ở thế gian. Những người làm thiện thì được vãng sinh tịnh độ, hoặc sinh lên cõi trời, trên nguyên tắc, không phải đi ngang qua địa ngục, cho nên không thuộc vào phạm vi bảo quản của vua Diêm ma. Sổ sách tên họ, dùng danh từ hiện nay mà nói, tức là sổ sách ghi chép tên họ của những người phạm pháp. Nếu có những hữu tình tạo tác các loại tội ác, như bất hiếu, tức là không phụng dưỡng cha mẹ, hoặc tùy tiện chửi rủa đánh đập. Cha mẹ, đặc biệt là mẹ, ơn lại càng nặng hơn núi cao, mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, nhường chỗ khô năm chỗ ướt, trải qua muôn ngàn gian khổ mới nuôi lớn chúng ta nên người, hiện nay không biết báo ơn, ngược lại còn có những hành vi bất hiếu, đúng là tội ác không thể trốn chạy được! Năm tội nghịch là: (1) Giết cha; (2) giết mẹ; (3) giết a la hán, tức là các bậc thánh xuất thế gian; (4) làm cho thân Phật ra máu; (4) phá hòa hợp tăng, tức là gây sự xáo trộn trong một tăng đoàn đang hòa hợp, khiến cho xảy ra sự xung đột, chia rẽ, hiềm khích lẫn nhau, không thể an tâm tu đạo. Trong tất cả các tội, năm tội nghịch này là nặng nhất. Lại còn, nhục mạ Tam bảo, hoặc phá hoại chùa tháp, tượng Phật, thiêu đốt kinh sách, v.v… Phá hoại phép tắc vua tôi, vua là nguyên thủ của quốc gia, là đại biểu của quốc gia, cho nên đối với nhà vua phải nên tận trung. Nếu như phản loạn, tức là làm cho hư hoại phép tắc vua tôi. Hủy họa tính giới, bốn tội giết hại, trộm cướp, tà dâm và vọng ngữ là tính giới, dù thọ giới hay không, nếu vi phạm đều là có tội. Vua Diêm ma căn cứ vào sổ sách đã được ghi chép, tùy theo tội nặng nhẹ mà tra khảo, rồi sau đó xử phạt. Như phạm năm tội nghịch nêu trên sẽ bị đọa địa ngục. Sau cùng, Bồ tát Cứu Thoát nói: “Hiện nay tôi khuyên tất cả hữu tình nên y theo phần khai thị ở trên. Một mặt thì rải hoa, thắp hương, thắp đèn, treo phướn, cung kính cúng dường đức Như Lai Dược Sư, đồng thời phóng sinh tu phước. Một mặt khác thì tinh tiến xưng niệm danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, tụng kinh Dược Sư, phát lộ sám hối, nương vào công đức phước lực, thì có thể vượt thoát tất cả khổ ách, được tiêu tai diên thọ, không còn gặp phải các tai nạn quấy nhiễu.
B3. Dược xoa thệ nguyện hộ trì.
Lúc ấy, có mười hai vị đại tướng dược xoa đang ngồi trong Pháp hội. Đó là: Đại tướng Cung tỳ la, Đại tướng Phạt chiết la, Đại tướng Mê xí la, Đại tướng An để la, Đại tướng Át nễ la, Đại tướng San để la, Đại tướng Nhân đạt la, Đại tướng Ba di la, Đại tướng Ma hổ la, Đại tướng Chân đạt la, Đại tướng Chiêu đỗ la, Đại tướng Tỳ yết la. Mười hai đại tướng dược xoa ấy, mỗi vị đều có bảy ngàn dược xoa làm quyến thuộc, đồng thanh lên tiếng bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng con nay nhờ oai lực Phật nên được nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Chúng con chẳng còn sợ đọa vào các nẻo ác. Chúng con một lòng tin theo Phật, Pháp, Tăng cho đến trọn đời. Thề nguyện gánh vác cho hết thảy hữu tình, làm những việc nghĩa lợi, nhiêu ích, an lạc. Dù là thôn quê, thành thị, đồng vắng, rừng sâu, bất cứ nơi đâu mà có người lưu hành, phân phát kinh này, hoặc có người thọ trì danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, chúng con và quyến thuộc sẽ theo hộ vệ những người ấy, khiến cho thoát khỏi tất cả nạn khổ. Như có mong cầu điều chi, đều làm cho được thỏa mãn. Hoặc có người nào bệnh tật, tai ách cầu được độ thoát, cũng nên đọc tụng kinh này, dùng những sợi chỉ năm màu mà kết danh hiệu của chúng con vào. Sau khi được như nguyện rồi sẽ tháo gỡ ra.”
Sau khi Bồ tát Cứu Thoát tường thuật về pháp môn Dược Sư tiêu tai diên thọ, thì có rất nhiều đại tướng dược xoa cùng với quyến thuộc cảm thấy rất xúc động, bèn cùng nhau lên tiếng phát nguyện hộ trì pháp môn này. Dược xoa, còn dịch là dạ xoa, thuộc vào loài quỷ thần, sức lực vô cùng mạnh mẽ. Dân chúng Ấn Độ đối với bọn họ đều có lòng tin sâu dầy. Dược xoa, phần lớn ở trên cõi trời, hoặc ở nơi núi cao rừng thẳm, hoặc ở các hải đảo xa xăm, hoặc du hành trên không trung, không có trụ xứ nhất định. Đạo sĩ ở Trung Quốc, luyện đan tu đạo mà bay được lên không, tình hình cũng giống như loài dược xoa du hành trên không trung.
Tánh tình của dược xoa không giống nhau, có loại vô cùng tàn ác, có loại hiền lành hòa thuận. Những dược xoa hộ trì Tam bảo là thuộc về loại ôn hòa thuần thục. Trong các loại quỷ thần hộ pháp của Phật giao, dược xoa chiếm một địa vị rất quan trọng. Trong bốn vị Thiên vương, có một vị tay cầm bảo kiếm là Tỳ Sa Môn, tức là vị thủ lãnh của hàng dược xoa. Dược xoa cũng có nam và nữ, người Trung Quốc thường cho rằng dược xoa nữ hình dáng xấu xí hung ác, cho nên thường dùng chữ “dược xoa nữ” để hình dung những người nữ “hung hãn thô bạo”, nhưng thật ra, dược xoa nam mới là xấu xí, còn dược xoa nữ phần lớn là xinh đẹp như hoa như ngọc, giống như các thiên nữ cõi trời. Hiện nay nói đến là chỉ cho hàng dược xoa thiện lương, đối với Phật giáo có lòng tin và hộ pháp nồng hậu.
Bồ tát Cứu Thoát khai thị vừa kết thúc, trong hàng thính chúng, có mười hai đại tướng dược xoa tham dự pháp hội Dược Sư đang ngồi im lặng lắng nghe đức Như Lai thuyết pháp. Trong hàng ngũ dược xoa mà Tỳ Sa Môn Thiên Vương thống lãnh, có mười hai vị này thuộc vào hàng ngũ lãnh đạo, cho nên gọi là đại tướng. Hiện nay theo thứ tự tên gọi giải thích sơ lược: (1) Cung tỳ la đại tướng, dịch nghĩa là giao long, trên đỉnh đầu có tướng rồng vàng. Ông ta trụ ở một ngọn núi ở gần thành Vương Xá, có sự quan hệ mật thiết với Phật giáo, có thể nói ông ta là một vị dược xoa hộ pháp rất có công trạng. Lúc đức Phật còn tại thế, ông ta đem tâm chân thành đến khắp nơi để hộ pháp. Có một hôm, đức Phật đang đi ngang chân núi Linh Thứu, Đề Bà Đạt Đa từ trên đỉnh núi lăn xuống một tảng đá lớn để đè chết đức Phật. Vị dược xoa này thấy được bèn dùng chày kim cang đập nát tảng đá, chỉ có một mảnh đá nhỏ bắn trúng ngón chân đức Phật làm chảy máu. Do đây thấy được lòng kiền thành hộ pháp của ông ta. (2) Phạt chiết la đại tướng (kim cương). (3) Mê xí la đại tướng (vòng đai vàng). (4) An để la đại tướng (phá không sơn). (5) Át nễ la đại tướng (trầm hương). (6) San để la đại tướng (loa phát – tóc xoáy hình trôn ốc). (7) Nhân đạt la đại tướng (chủ). (8) Ba di la đại tướng (kình – cá voi). (9) Ma hổ la đại tướng (mãng xà). (10) Chân đạt la đại tướng (một sừng). (11) Chiêu đổ la đại tướng (nghiêm xí – cờ xí trang nghiêm). (12) Tỳ yết la đại tướng (công nghẹ thiện xảo).
Mười hai đại tướng dược xoa, mỗi vị thống lãnh bảy ngàn dược xoa quyến thuộc, tất cả đều đến tham dự pháp hội. Căn cứ vào nghi quỹ Dược Sư nói: Mỗi năm có mười hai tháng, mỗi ngày có mười hai canh giờ (mỗi canh giờ là hai tiếng đồng hồ), đều do mỗi vị đại tướng dược xoa thủ hộ. Nhưng lại còn một ý nghĩa sâu hơn, tức là đức Như Lai Dược Sư thành tựu mười hai đại nguyện, mỗi vị dược xoa là tượng trưng cho một đại nguyện, cũng có thể nói rằng mười hai vị dược xoa đều là hóa thân của đức Như Lai Dược Sư, thị hiện thân dược xoa để thi hành Phật pháp. Đức Phật hiện tướng Phật là tướng giải thoát, hiện tướng Bồ tát là tướng từ bi, hiện tướng kim cang, dược xoa là biểu thị oai nghiêm dũng mãnh, có thể hàng phục tất cả chúng sinh cang cường khó điều phục, và có thể phá hủy tất cả tà ma ngoại đạo. Cho nên phần lớn các hình tượng của kim cang, dược xoa đều là hung tợn dữ dằn, hiện rõ dáng điệu dũng mãnh đáng sợ.
Mười hai đại tướng dược xoa, mỗi vị thống lãnh bảy ngàn quyến thuộc, đồng thời hướng về đức Phật lên tiếng tuyên thệ rằng: “Bạch đức Thế Tôn, chúng con hôm nay nương vào oai lực của Phật, được nghe danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, hiện nay không còn sợ bị đọa vào nẻo ác.” Nghe được danh hiệu Phật, một mặt là do thiện căn đời quá khứ, một mặt là nhờ oai lực của đức Phật gia bị, nếu không sẽ không nghe được. Đức Như Lai Dược Sư có vô lượng công đức, vô biên hạnh nguyện, chỉ cần nghe được danh hiệu một lần thì có thể không còn sợ bị đọa vào ác thú nữa. Dược xoa thuộc vào hàng quỷ thần, dù là phước đức lớn, sức lực mạnh mẽ, nhưng rốt cuộc cũng không xa lìa nẻo ác (quỷ thần là một trong ba nẻo ác), cho nên vẫn cảm nhận được sự khổ của nẻo ác. Hiện nay nghe thánh hiệu của đức Phật Dược Sư, không những thân tâm an ninh không còn sợ hãi, mà còn được ở trước đức Phật (Thích Ca) phát nguyện hộ trì Phật pháp, vun trồng thiện căn, đời sau được giải thoát khỏi nẻo ác. Giống như một đứa trẻ đang sợ hãi lần mò trong bóng tối, chỉ cần nghe được tiếng nói của người mẹ thì tất cả sợ hãi đều được giải trừ, mà có thể dũng mãnh tiến bước thẳng đến con đường bình thản quang minh.
Hàng dược xoa nghe được thánh hiệu của đức Phật Dược Sư, nhận được sự gia bị của đức Phật Dược Sư, ánh sáng của đức Phật Dược Sư, liền thoát được sự sợ hãi nẻo ác, ân đức này quả thật là sâu dầy! Các thần tướng dược xoa vì muốn bày tỏ sự báo đáp ơn Phật Dược Sư, bèn bẩm bạch với đức Phật Thích Ca: “Tướng soái chúng con đều cùng một lòng, từ đây về sau, quy y Tam bảo Phật pháp tăng, và xin phát thệ nguyện gánh vác tất cả hữu tình, làm tất cả những việc nghĩa lợi, khiến cho họ được thoát khỏi tất cả nạn khổ.” Nhận thọ được sự từ bi tế độ của đức Phật, biết rõ những ưu điểm của Phật pháp, nên phát nguyện quy y Tam bảo, làm lợi lạc cho hữu tình, đây là điều phải nên làm. Thế nhưng, chúng ta là loài người, lại nhiều khi không bằng với hàng dược xoa. Nghe được thắng pháp của đức Như Lai, biết được ưu điểm của Phật pháp, mà lại không biết phát Bồ đề tâm, lợi lạc chúng sinh. Nhẫn đến việc quy y Tam bảo cũng không thể làm được một cách thiết thực. Loài người mà lại không bằng loài quỷ, nói ra cảm thấy hổ thẹn! Dược xoa phát tâm hộ trì Phật pháp, lợi ích chúng sinh, không phải chỉ là ở trước mặt đức Phật, mà còn biểu hiện bằng hành động, cho nên nói: “Dù là nơi thôn quê, thành thị, đồng bằng, rừng sâu, bất cứ nơi nào có người lưu hành, phân phát kinh này, hoặc có người thọ trì danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang, hoặc chưng bày tất cả phẩm vật cung kính cúng dường đức Như Lai Dược Sư, hàng dược xoa chúng con cùng với quyến thuộc, nhất định sẽ thường xuyên hộ vệ những người ấy, khiến cho họ được thoát khỏi tất cả nạn khổ. Đồng thời, tất cả nguyện cầu của họ đều được thỏa mãn.”
“Nếu có người bị bệnh tật, tai ách, muốn cầu được độ thoát, cũng nên nhất tâm đọc tụng kinh Dược Sư này, đồng thời cần phải dùng những sợi chỉ năm màu kết thành tên của chúng con (mỗi vị đại tướng dược xoa), đợi đến sau khi bệnh tật tai ách được giải trừ thì tháo gỡ những sợi chỉ năm màu ấy ra.” Đây là một phương pháp đặc biệt để cầu nguyện tiêu trừ bệnh tật tai nạn. Liên quan đến việc kết chỉ màu, xưa nay có hai lối giải thích: một là dùng chỉ thêu tên của mười hai đại tướng dược xoa, hai là xưng niệm danh hiệu của mỗi một đại tướng dược xoa, sau đó dùng chỉ thêu một kết, như vậy niệm mười hai danh hiệu, thêu mười hai kết. So sánh hai lối này với nhau, thì lối thứ hai giản dị tiện lợi mà lại hợp tình. Phương pháp thêu kết này có thể nói là một loại công cụ truyền thông tin tức. Thuở xưa, trước khi có văn tự, người thời đó dùng kết để ghi rõ sự việc, phát sinh một việc bèn thắt một kết. Nhìn vào kết thì biết được việc gì xảy ra. Các dược xoa sử dụng lối này, dạy cho chúng sinh lúc gặp tai nạn, niệm danh hiệu của họ rồi thêu một kết, bọn họ sẽ biết mà đến hộ trì. Lại như hiện nay, gặp phải tai nạn cấp bách, đánh điện (thông tấn), hoặc viết một bức thư khẩn báo bạn bè (đây là năm 1954), họ cũng sẽ đến nơi nhanh chóng để trợ giúp. Cho nên, niệm danh hiệu của một vị đại tướng, thêu xuống một kết, tức là biểu thị sự thỉnh cầu họ đến hộ trì. Đợi đến lúc bệnh hoạn bình phục, tai nạn giải trừ, thì sau đó mới tháo gở những kết đó ra.
Lúc ấy, đức Thế Tôn khen các đại tướng dược xoa rằng: “Lành thay, lành thay! Các vị Đại tướng dược xoa! Các ông nghĩ tưởng việc báo đáp ân đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thường nên làm lợi ích an lạc như vậy cho tất cả hữu tình.”
Đức Thế Tôn thấy các dược xoa có thể phát tâm hộ pháp lợi lạc hữu tình như vậy, rất là hiếm có, bèn khen ngợi bọn họ nói: “Lành thay, lành thay, các đại tướng dược xoa, các ông có thể nghĩ tưởng đến việc báo đáp ân đức từ bi tế độ của đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì phải nên đúng như vậy mà thường xuyên lợi ích an lạc tất cả hữu tình.”
Trong hàng đệ tử Phật có hai loại người, một là báo ơn Phật, hai là thiếu nợ Phật. Sự giáo huấn của đức Phật vốn có hai phần: một mặt là tu hành thoát ly sinh tử để tự lợi, một mặt là tế độ chúng sinh để lợi tha. Thế nhưng có một số học giả chỉ quan tâm đến một phương diện tự mình thoát ly sinh tử, mà không màng đến sự khổ nạn của chúng sinh, đây gọi là kẻ không báo ơn Phật mà còn thiếu nợ Phật. Lại còn một số đệ tử, có thể thấu rõ bổn hoài của đức Phật, không những mong muốn tự mình thoát ly sinh tử, mà còn ở khắp mọi nơi lấy sự cứu độ chúng sinh làm tiền đề, thiết thực biểu hiện tinh thần “tự mình chưa được độ, trước tiên lo độ người khác”, đây tức là biết báo ơn Phật. Chúng ta học Phật, phải nên học báo ơn Phật, chớ nên làm một kẻ thiếu nợ Phật!
A3. Lưu thông.
B1. A Nan hỏi tên kinh.
Bấy giờ, ngài A nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nên gọi tên pháp môn này là gì? Chúng con nên phụng trì như thế nào?” Phật bảo A nan: “Pháp môn này tên là: Thuyết giảng về công đức bổn nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Cũng tên là: Thuyết giảng về Thần chú kết nguyện của mười hai vị thần tướng làm lợi ích hữu tình. Lại cũng tên là: Trừ diệt hết thảy nghiệp chướng. Nên theo như vậy mà phụng trì.”
Phần chánh tông đã hoàn mãn, hiện nay nói phần lưu thông là vì muốn cho chánh pháp được tồn tại lâu dài, phổ biến khắp mọi nơi, vĩnh viễn không gián đoạn. Trước tiên, ngài A Nan hỏi đề kinh, tức là thỉnh đức Phật nói tên của bộ kinh này. “Đề”, có thể hàm nhiếp ý nghĩa, có đề kinh thì mới có thể thống nhiếp tất cả ý nghĩa chính yếu của bộ kinh, khiến cho mọi người khi nhìn tên kinh thì có thể hiểu được yếu nghĩa của bộ kinh đó. Lại nữa, đề (kinh) là cương lĩnh thiết yếu của toàn kinh, có đề kinh thì mới dễ dàng ghi nhớ thọ trì.
Đang lúc đức Thế Tôn khen ngợi nghĩa cử hộ pháp cao cả của các đại tướng dược xoa, thì ngài A Nan hướng về đức Phật thưa hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, nên gọi tên pháp môn này là gì? Đệ tử chúng con nên phụng trì thế nào?” Do đây, đức Phật bèn bảo ngài A Nan rằng pháp môn này có ba tên: (1) Thuyết giảng về Công Đức Bổn Nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tức là tên kinh thông dụng hiện nay. (2) Cũng tên là Thuyết giảng về Mười hai vị thần tướng làm lợi ích hữu tình kết nguyện thần chú, tức là một tiết mục về dược xoa thệ nguyện hộ trì. Nhân vì sự linh cảm thần tốc, cho nên gọi là thần chú. (3) Lại cũng tên là Diệt trừ tất cả nghiệp chướng, tất cả tai nạn của chúng sinh là do nghiệp chướng đời quá khứ và hiện tại chiêu cảm, hiện nay thọ trì pháp môn Dược Sư này thì có thể diệt trừ tất cả nghiệp chướng, được tiêu tai miễn nạn, tăng phước tăng thọ, cho nên có tên này. “Nên theo như vậy mà phụng trì”, nghĩa là ghi nhớ kỹ ba đề kinh này, y theo ý nghĩa đã được khai thị mà cung kính thọ trì.
B2. Đại chúng phụng hành.
Khi đức Thế Tôn thuyết dạy những lời ấy rồi, các vị Đại bồ tát, đại Thanh văn, quốc vương, đại thần, bà la môn, cư sĩ, trời, rồng, dược xoa, kiện đạt phược, a tố lạc, yết lộ trà, khẩn nại lạc, mạc hô lạc già, cả loài người và chẳng phải người, tất cả đại chúng nghe Phật thuyết kinh này rồi, thảy đều hết sức vui vẻ, tin nhận, vâng làm.
Đây là phần phụng hành. Đức Phật giảng xong mỗi bộ kinh đều có một đoạn này.
Đang lúc đức Bạc Già Phạm (Thế Tôn) giảng bộ kinh này xong, các vị Đại bồ tát và chúng Thanh văn, cùng với các hàng quốc vương, đại thần, bà là môn, cư sĩ, trời, rồng, dược xoa, kiện đạt phược, a tố lạc, yết lộ trà, khẩn nại lạc, mạt hô lạc già, v.v… Ba tên trời, rồng, dược xoa, phần trên đã giải thích qua. Kiện đạt phược (càn thát bà) là một vị thần về thiên nhạc, chư thiên có tập hội đều do vị thần này tấu nhạc, có thể nói đây là nhà âm nhạc cõi trời. A tố lạc (a tu la), đã giải thích ở trên. Yết lộ trà (ca lâu la), tức là một loài chim lớn. Trang Tử ở Trung Quốc có nói về loài chim lớn có thể bay cao chín vạn dặm, hình như nói về loại chim này. Khẩn nại lạc, tức là khẩn na la, loài này cũng giỏi về ca hát, nhảy múa, nhưng trên đầu có một cái sừng, rốt ráo là người hay là thần, khiến cho mọi người hoài nghi, cho nên gọi là nghi thần. Mạc hô lạc già, tức là ma hầu la già, tức là loài đại mãng xà. Như vậy, người (quốc vương, đại thần, v.v…) và chẳng phải người (trời, rồng, v.v…), tất cả đại chúng nghe đức Phật thuyết giảng pháp môn vi diệu, cả thảy đều hết sức vui mừng, tin nhận, vâng làm.
Tất cả Phật pháp, không phải nghe qua, hoặc hiểu biết là xong chuyện, mà cần phải dùng lòng tin tiếp thọ, lãnh hội. Đức Phật nói: “Nếu có lòng tin sẽ được hoan hỷ”, có lòng tin thanh tịnh thì mới có thể hiểu rõ thâm sâu Phật pháp, biết được sự lợi ích rộng lớn của Phật pháp, mà đem toàn thể thân tâm của chính mình đào luyện thấm nhuần trong vô biên pháp hỷ! Giống như các thính chúng trong pháp hội Dược Sư, bất luận là Thanh văn, Bồ tát, hoặc trời người, đều tràn đầy pháp hỷ. Đây là vì các vị ấy có được lòng tin tuyệt đối, thuần chánh và kiên cường, dùng lòng tin này lãnh thọ được pháp lạc cao độ, sau đó mới có thể phụng hành một cách thiết thực. Chúng ta học Phật pháp cũng cần phải như vậy, đối với tự thân mới có được sự thọ dụng chân thực. Đối với Phật pháp mới có thể vĩnh cửu lưu truyền đến đời sau, không ngừng lợi ích chúng sinh.
Hiện nay kinh Dược Sư đã giảng xong, hy vọng mọi người đều sinh tâm thanh tịnh, tâm hoan hỷ, y theo sự chỉ thị của kinh, tín thọ phụng hành! Như vậy mới không luống uổng hạnh nguyện đại bi của đức Như Lai (Thích Ca Mâu Ni), và cũng không luống uổng cơ hội may mắn của chúng ta nghe được Phật pháp trong đời này./.
Dịch từ ngày 18 tháng 4 đến ngày 21 tháng 7 năm 2020, tại Hoằng Đạo Viện. Hiệu đính lần cuối kết thúc ngày 28 tháng 8 năm 2020.