Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Bổn Nguyện Công Đức Kinh Giảng Ký

Đại sư Ấn Thuận giảng
Tại Chùa Thiện Đạo, Đài Bắc, Đài Loan
Mùa thu năm 1954

Thích Pháp Chánh dịch

 

Chánh Thích

A1. Duyên khởi.
B1. Tự sự chứng tín.

Tôi nghe như vầy. Một thuở nọ, đức Bạc Già Phạm đi qua các nước để thuyết pháp giáo hóa, đến thành Quảng Nghiêm, nghỉ dưới gốc cây Nhạc âm.

Toàn văn của bổn kinh chia làm ba phần: tức là duyên khởi, chánh tông và lưu thông. Tự thuật nhân duyên đức Phật giảng nói kinh này, tức là phần duyên khởi. Do đây dẫn đến sự khai thị chủ đề chính yếu của toàn kinh là phần chánh tông. Đức Phật thuyết pháp, không phải chỉ vì thính chúng hiện đang có mặt, mà còn vì chúng sinh những đời lâu xa về sau, cho nên cần phải phó chúc lưu thông để sự giáo hóa không bị gián đoạn, là phần lưu thông.

Phần duyên khởi lại được phân thành hai phần: tự sự chứng tín và lễ thỉnh khởi thuyết, thông thường gọi là thông tự và biệt tự. Tự sự chứng tín, là tự thuật đức Phật ở nơi nào, vào lúc nào, vì những người nào mà khai thị pháp môn này, cùng với bao nhiêu thính chúng đang tham dự pháp hội, để chứng minh rằng người kết tập, quả thật là đã từ đức Phật nghe pháp, chứ không phải do tự mình bịa ra. Điều này mới có thê gây dựng được lòng tin tưởng của người đời sau. Đại Trí Độ Luận nói: “Nêu rõ thời gian thuyết pháp, địa điểm và người nghe, là làm cho người khác sinh khởi tín tâm.” Như thời nay, sự ký lục trong những buổi hội nghị, thì cần phải ghi lại thời gian, địa điểm, thành phần tham dự, và nội dung của buổi hội nghị, để cho biết rằng đây là sự thực có thể kiểm chứng. Kinh điển Phật giáo, không giống như kinh sách ngoại đạo không nói rõ xuất xứ, mà chỉ mượn cớ là thiên thần giáng sinh, hoặc là từ những hang núi lượm được, nhẫn đến cho rằng do từ sự “cầu cơ” mà được!

“Tôi nghe như vầy”, nêu lên pháp môn được nghe, có nghĩa là: pháp môn như vậy – bộ kinh điển này, do tự tai tôi (người kết tập) nghe được. Đây là sau khi đức Phật diệt độ, các đệ tử Phật khi kết tập đã ghi lại như vậy. Lúc đức Phật thuyết pháp, không như hiện nay dùng “tốc ký” hoặc ghi âm, mà mọi người đều là “lắng nghe” từ đức Phật. Vào lúc kết tập, ngài A Nan, hoặc một người trong hội nghị kết tập, bất luận là kết tập đến một bộ kinh nào, khai đề đều nói “tôi nghe như vậy”, dùng để nêu rõ là “từ đức Phật nghe lại.” Điều này vốn là “cạn cợt dễ hiểu”, thế nhưng các bậc cổ đức đôi khi từ “cạn” mà giảng “sâu”, cho nên có rất nhiều lối giải thích. Hiện nay chúng ta sẽ nói đơn giản: “Như”, ước định phương diện nghĩa lý mà nói, những điều đức Phật nói ra, không phải “dị pháp” (pháp khác lạ, dị thường), nghĩa lý tuyệt nhiên không có mâu thuẫn, cho nên gọi là “như.” Văn tự hiển thị ý nghĩa thì xác đáng, khế hợp nghĩa lý, cho nên gọi là “thị” (vầy) . “Nghe” (Hán: văn), vốn là tai nghe, nhưng nếu chỉ y vào “nhĩ căn”, thì thực sự không thể trở thành “nghe”, mà còn cần phải có ý thức cùng với các nhân duyên khác đồng thời phối hợp, thì mới phát sinh công dụng của sự nghe và hiểu. Y vào thế tục đế mà nói, sự hòa hợp toàn thể của sáu căn và sáu thức, giả danh gọi là “ngã.” Giả ngã là tổng thể, căn và thức là biệt thể; hiện nay, phế (bỏ) biệt, lập tổng, cho nên không nói là “tai nghe” mà nói là tôi (ngã) nghe.

Hoặc giả, có người nêu lên nghi vấn, cho rằng Phật pháp giảng nói “vô ngã”, ở đây tại sao lại nói là “ngã văn” (tôi nghe)? Người đời không rõ Phật pháp, khởi lên những sự nghi vấn như vậy, thật ra không phải là ít. Thuở xưa có một sa di thông minh, đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh đến câu “Không mắt tai mũi lưỡi thân ý”, bất giác khởi hoài nghi, bèn đi tìm thầy mình. Sa di đưa tay sờ mắt, tai, mũi của mình rồi hỏi thầy mình đây là những cái gì? Vị thầy trả lời: “Mắt, tai, mũi, con không biết hay sao?” Sa di nói: “Rõ ràng là mắt, tai, mũi của con, nhưng tại sao trong kinh lại nói là không có mắt tai mũi lưỡi?” Kết quả vị thầy cũng không biết phải trả lời thế nào. Lại nữa, khi xưa có ngài pháp sư Đức Sơn, giảng Kinh Kim Cương rất giỏi. Ngài soạn một bộ Kim Cương Kinh Chú Sớ mang theo bên mình, đi khắp nơi để biện luận (về Kinh Kim Cương). Một hôm, ngài ghé vào quán của một bà già bên vệ đường dự định mua ít điểm tâm. Bà già hỏi ngài Đức Sơn là ngài đang mang theo vật gì? Ngài bèn trả lời là “Kim Cương Kinh Chú Sớ.” Bà già lại hỏi: “Kinh Kim Cương nói ‘Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc’, như vậy rốt ráo ngài điểm cái tâm nào?” Ngài Đức Sơn không biết phải trả lời thế nào, bèn đem đốt bộ Kim Cương Kinh Chú Sớ!

Kinh Phật nói “Không có mắt tai mũi lưỡi thân ý”, nói “Tam tâm bất khả đắc”, nhưng trên thực tế, các loại pháp: thân, tâm, v.v…, này vẫn tồn tại một cách hiển nhiên. Tương tự, tuy Phật pháp thường nói vô ngã, nhưng trong thế tục đế, không thể phủ nhận sự hiện hữu của cái “giả ngã” do nhân duyên hòa hợp. Đây là điều mà những người phàm cảm thấy mâu thuẫn và khó hiểu. Nên biết, hàm nghĩa của cái ngã do năm uẩn giả hợp và cái ngã của “không vô ngã tính”, khác nhau rất xa. Trong ý thức của chúng ta đều cảm nhận rằng có cái ngã tồn tại, đang vận động trong không gian thời gian, hơn nữa, thường trụ, bất biến, độc lập, và tự chủ. Cái ngã như vậy là “thần ngã”, “tự tính ngã.” Phật pháp phủ định một cái ngã như vậy, cho nên nói “vô ngã.” Bởi vì từ đầu đến chân, từ vật chất đến tinh thần, dùng bất cứ phương cách nào để tìm cầu đều không thể tìm được một tự tính chân thực, cho nên nói “không có mắt tai mũi lưỡi thân ý”, “vô ngã vô chúng sinh.” Thế nhưng, năm uẩn hòa hợp, những tác dụng thống nhất sinh khởi bởi thân tâm vẫn rõ ràng là có, tuy có nhưng lại “như huyễn như hóa.” Tướng hòa hợp như huyễn như hóa không thật này được giả danh là ngã. Giả danh ngã, không những phàm phu có, mà ngay cả những bậc thánh Thanh văn cũng không ngoại lệ. Có người hỏi đức Phật: “A la hán có thể có ngã hay không?” Đức Phật nói: “Có thể.” Giả ngã tuy là có, nhưng không giống như cái “thực ngã” mà phàm phu tưởng tượng, hoặc cái “thần ngã”, “thường ngã” mà ngoại đạo vọng chấp. Nếu hiểu rõ điều này thì khi nghe Phật pháp nói ngã hoặc vô ngã, nói “mắt tai mũi lưỡi” và  “không có mắt tai mũi lưỡi”, đều không có sự mâu thuẫn, đối với chân đế và tục đế mới có thể dung thông vô ngại.

“Một thuở nọ” (Hán: Nhất thời), là chỉ cho thời gian thuyết pháp. Đây là chỉ cho một đoạn thời gian từ lúc pháp hội bắt đầu cho đến lúc hoàn mãn, cho nên không nói năm nào, tháng nào, ngày nào, bởi vì Phật pháp cần phải lưu truyền đến các quốc gia, các địa phương có thời gian khác nhau, như Đài Loan là chín giờ tối, thì New York là chín giờ sáng. Lại như, âm lịch dương lịch cũng khác nhau rất xa, trên thực tế, không thể chỉ rõ chính xác, cho nên chỉ nói đại khái là “một thuở nọ.”

“Bạc Già Phạm” (Bhagavā), là một tôn xưng của đức Phật, dịch nghĩa là Thế Tôn, chỉ cho vị Thuyết pháp chủ là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bạc Già Phạm còn có nhiều ý nghĩa khác như: Cát tường, Đoan nghiêm, Xí thạnh (rực rỡ), vì có nhiều nghĩa nên không phiên dịch, mà bảo tồn nguyên âm của nó. Hiện nay, từ bổn nghĩa lược thuật hai điểm: (1) Bạc già phạm là khéo phân biệt. Đức Phật có thể khéo phân biệt các pháp tướng, đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh, không có gì là không thông đạt triệt để, thấu suốt rõ ràng. Tuy ngài giảng nói tất các pháp tướng, nhưng không đi ngược với Đệ nhất nghĩa đế, cho nên gọi là khéo phân biệt. (2) Năng phá: Chúng sinh, từ vô thỉ đến nay, nhận chịu sự che chướng và trói buộc của căn bổn vô minh, cũng như của các loại phiền não, xưa nay chưa hề được sự giải thoát và tự do chân chánh. Các bậc Thanh văn Tiểu thừa và Bồ tát Đại thừa, tuy đều đang đi trên con đường giải thoát, nhưng vẫn chưa đạt đến mục đích cứu cánh. Chỉ riêng có đức Phật Đại Giác mới triệt để đoạn tận tất cả vô minh phiền não, chứng đắc Nhất thiết trí trí, chân chánh đạt được Đại tự tại, Đại giải thoát, cho nên chúng ta tôn xưng đức Phật là Bạc Già Phạm.

“Đi qua các nước để thuyết pháp giáo hóa, đến thành Quảng Nghiêm, nghỉ dưới cây Nhạc âm.” Đây là nơi mà đức Phật thuyết pháp. Đức Phật luôn luôn tưởng nghĩ đến sự khổ ách và tai nạn của chúng sinh, cho nên ngài thường đi giáo hóa dọc theo vùng bình nguyên Hằng hà, khiến cho vô lượng vô số chúng sinh đang khổ não đều có thể thấm nhuần sự giáo hóa của ngài. Không những đức Phật như thế, mà các đệ tử đương thời của đức Phật cũng đều thường đi giáo hóa các nơi. Vào đời sau, các đệ tử xuất gia của Phật ưa thích an trụ để giáo hóa một địa phương, điều này dễ dàng phát sinh vấn đề. Bởi vì trụ lâu ở một địa phương, dần dần xem chùa chiền, sản nghiệp, nhẫn đến các tín đồ (Phật tử) là của riêng mình. Đồng thời, tài sản vật chất càng lúc càng nhiều, tâm tham càng lúc càng tăng trưởng, vô tình bị rơi vào hố sâu tham đắm “danh văn lợi dưỡng” mà không thoát ra được. Bởi vì tưởng nghĩ đến việc lợi ích tế độ chúng sinh, tiết chế ý tưởng “tham lợi riêng tư” của chính mình, cho nên đức Phật đã đặc biệt chú trọng đến việc giáo hóa các nơi.

Thành Quảng Nghiêm, là dịch nghĩa của tiếng Phạn “Vaishali” (Tỳ xá ly). Thành này đất rộng, văn hóa cao, sản vật phong phú, nhân dân an lạc, sinh hoạt thoải mái, cho nên gọi là thành Quảng (rộng lớn) Nghiêm (trang nghiêm). Căn cứ vào sự khảo cứu của các học giả hiện đại, thành này ở vùng Patna, phía bắc sông Hằng. Thành Quảng Nghiêm là tên gọi chung, còn chỗ mà đức Phật đang nghỉ chân là cây Nhạc âm ở ngoại ô của thành này. Đức Phật thuyết pháp không có địa điểm nhất định, có lúc thì ở nơi lầu các hoa lệ, có lúc thì ở trong khu rừng tịch tĩnh. Ở đây nói cây Nhạc âm, có lẽ không phải là chỉ có một hai cây, mà có thể là cả một khu rừng. Nhân vì có nhiều cây cối, cho nên mọi người đều ngồi ở dước các gốc cây nghe giảng pháp. Gió nhẹ thổi qua làm rung động cành lá, phát ra các loại âm thanh, giống như tấu nhạc, cho nên gọi là cây Nhạc âm.

Cùng với chúng Đại bí sô gồm tám ngàn vị, chúng Đại bồ tát gồm ba mươi sáu ngàn vị, và vô lượng đại chúng: quốc vương, đại thần, bà la môn, cư sĩ, tám bộ trời rồng, người và không phải người (phi nhân), v.v…, cung kính vây quanh đức Phật để nghe ngài thuyết pháp.

Đây là liệt kê đại chúng nghe pháp. Bổn kinh là kinh điển Đại thừa, khắp vì tất cả chúng sinh, tùy căn cơ mà giảng giải Phật pháp, cho nên đối tượng được liệt kê có chúng Thanh văn, chúng Bồ tát, chúng trời người, v.v… Phật vì đại chúng khai thị pháp môn, tuy viên mãn cứu cánh, nhưng lại rộng lớn phổ cập. Những chúng sinh căn cơ cao nghe pháp được lợi ích lớn, những chúng sinh căn cơ thấp nghe pháp được lợi ích nhỏ. Cho nên, Phật pháp được phân biệt thành Đại thừa, Tiểu thừa, thật ra, chủ yếu là do sự phát tâm và hạnh nguyện của các hành giả tu học. Nếu như hạnh nguyện rộng lớn, tâm đại bi tha thiết, nơi nơi đều lấy sự lợi ích của chúng sinh làm hàng đầu, đây tức là Đại thừa. Còn nếu như hạnh nguyện nhỏ hẹp, lúc nào cũng xem sự giải thoát của chính mình là quan trọng, thì đây là Tiểu thừa. Như đối với bổn kinh, nếu chỉ cầu tiêu tai giải nạn, phước báo nhân thiên, không nhàm chán sinh tử, mà lấy dục lạc làm mục đích chính, thì đây là Nhân thiên thừa.

Lúc đức Thế Tôn tuyên thuyết bổn kinh, loại thính chúng thứ nhất là “bí sô” (tỳ kheo), tức là những hành giả Tiểu thừa, tu hành pháp Thanh văn, cầu chứng quả A la hán. Ở đây phải có bốn chúng (tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni), hoặc nếu thêm thức xoa ma na thì có năm chúng. Chẳng qua, chúng xuất gia lấy tỳ kheo làm chủ chốt, cho nên dùng tỳ kheo làm đại biểu cho Thanh văn thừa. Bí sô, tức là lối dịch khác của tỳ kheo, ý nghĩa chính là “khất sĩ.” Các tỳ kheo xuất gia sinh hoạt bằng cách khất cầu, bất luận là y phục, thức ăn, chỗ ở, v.v…, đều nương vào bố thí của tín đồ, đồng thời, lại từ đức Phật khất cầu chánh pháp. Như vậy, một mặt hướng về thí chủ khất thực để duy trì sắc thân, một mặt hướng về đức Phật khất cầu chánh pháp để nuôi dưỡng tuệ mệnh, cho nên gọi là tỳ kheo khất sĩ. Chúng tỳ kheo tham dự có tám ngàn người. Thật ra không phải chỉ có số đó, chẳng qua là ước định số lượng “đại tỳ kheo” mà nói. “Đại”, không phải là già cả, lớn tuổi, mà chỉ cho các vị thánh siêng năng tu học, đã đoạn trừ tất cả phiền não, chứng quả A la hán. “Chúng”, tức là nhiều người. Các tỳ kheo sinh hoạt trong đoàn thể, không phải chỉ có một hai người, cho nên thường gọi tỳ kheo là “chúng” (tăng). Hiện nay, những vị đại tỳ kheo đó cùng nhau tập hợp ở một nơi, cùng nhau nghe đức Phật thuyết pháp. Đây không phải là một nhóm người ô hợp[1], mà là những người có cùng một tri kiến, cùng nhau giữ giới, cùng một ý chí, mọi người cùng chuyên tâm nghe pháp, cùng ở với nhau, vì pháp tu hành, cùng nhau sinh hoạt trong một tăng đoàn hòa lạc và thanh tịnh[2].

Loại thính chúng thứ hai là “Ba mươi sáu ngàn vị Đại bồ tát.” Đây là chúng Bồ tát tu học Đại thừa. Nói về sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa rất đơn giản là: Nếu như chỉ lo giải thoát sinh tử riêng cho mình thì đây là Tiểu thừa, còn nếu không phải chỉ lo riêng cho mình, mà còn mong cầu độ thoát tất cả chúng sinh, thì đây là Đại thừa. Bồ tát là tên gọi tắt của tiếng Phạn “Bodhisattva” (Bồ đề tát đỏa), tiếng Hán dịch là Giác (Bodhi) Hữu Tình (Sattva). Phàm là có sự hoạt động của sinh mệnh, có tác dụng tình cảm, tri thức, đều được gọi là hữu tình. Bồ tát có trí tuệ cao độ, là hữu tình có được sự giác ngộ từng phần, và cũng tức là những bậc giác ngộ từng phần trong loài hữu tình. Lại nữa, Bồ tát trong quá trình tu học, một mặt tìm cầu Phật đạo, một mặt giáo hóa chúng sinh. Đại bồ đề (Chánh đẳng giác) của đức Phật, không những chúng sinh (phàm phu), mà ngay những hành giả Tiểu thừa cũng không biết tìm cầu, đồng thời, đối với vô biên sự thống khổ của chúng sinh, cũng chỉ có Bồ tát sẵn sàng phát tâm đưa tay cứu vớt, tìm cách giúp đỡ, khiến cho chúng sinh nếm được mùi vị mát mẽ của Phật pháp. Đây là ước định: trên tìm cầu Phật đạo, dưới giáo hóa chúng sinh, trí tuệ và từ bi mà gọi là Bồ tát.

Chúng ta, mỗi khi nghe đến Bồ tát, liền liên tưởng đến các vị Đại bồ tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Địa Tạng, v.v…, thật ra, Bồ tát cũng có đại, tiểu, sâu, cạn. Nếu chúng ta sẵn sàng học tập tinh thần “trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh” của Bồ tát, thì ngay tức khắc, chúng ta đã là Bồ tát, chẳng qua, mới chỉ là Bồ tát sơ phát tâm. Từ cạn đến sâu, từ thấp lên cao, giống như năm lớp Một Tiểu học cho đến Đại học đều gọi là học sinh, chỉ có học lực là khác nhau mà thôi. Cho nên, nếu như mọi người đều “trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh”, mọi người đều phát Bồ đề tâm, tu hành Bồ tát hạnh, thì mọi người đều là Bồ tát. Danh xưng Bồ tát rất tổng quát, thế nhưng, ba mươi sáu ngàn vị Bồ tát ở đây là chỉ cho các vị Bồ tát Ma ha tát (Bodhisattva Maha  sattva). “Maha” là đại[3], “sattva” là hữu tình, hợp chung gọi là Đại hữu tình. Trong kinh nói, trong tất cả chúng sinh, Đại bồ tát là bậc thượng thủ tối cao, là bậc lãnh đạo trong loài người, có trí tuệ cao siêu, có tâm bi tha thiết, có hạnh nguyện rộng lớn, thành tựu vô biên các pháp công đức thanh tịnh, cho nên gọi là Đại hữu tình, như các Bồ tát từ Sơ địa trở lên, hoặc các ngài Văn Thù, Quán Âm, v.v… Ngoại trừ ba mươi sáu ngàn các vị Đại bồ tát ra, chắc chắn vẫn còn có các vị Bồ tát bậc thấp: Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng (Tam hiền) khác cũng tham dự pháp hội. Số lượng Đại bồ tát tham dự pháp hội Dược Sư là ba mươi sáu ngàn, lớn hơn nhiều so với tám ngàn vị tỳ kheo, chứng tỏ số người học pháp môn Đại thừa nhiều hơn số người học Tiểu thừa.

“Vô lượng đại chúng: quốc vương, đại thần, bà la môn, cư sĩ, tám bộ trời rồng, người và chẳng phải người, v.v…” Đây là loại thính chúng thứ ba: chúng trời, người. Cũng có thể nói rằng đây là loại căn tính bất định (chưa quyết định là Đại thừa, hoặc Tiểu thừa). Trong hàng ngũ loài người, ở đây liệt kê bốn loại: (1) Quốc vương: Vương, có nghĩa là tự tại, quyền hành đối với chính sách quốc gia, có thể quyết định một cách tự do tự tại, cho nên gọi là vương. Ở đây chỉ cho: lãnh tụ, nguyên thủ, chủ tịch, tổng thống, v.v… (2) Đại thần: là những người trợ giúp cho quốc vương, giúp đỡ quốc vương trong việc xử lý những công vụ cho quốc gia, cùng những người có trách nhiệm bảo vệ quốc gia, giữ an ninh cho nhân dân, như các vị bộ trưởng, tổng trưởng, v.v…, trong chính phủ hiện nay. (3) Bà la môn: dịch là tịnh hạnh, tức là một trong bốn giai cấp ở Ấn Độ. Bọn họ không trồng trọt, không buôn bán, không làm công, mà chuyên chấp hành việc tế tự. Ấn Độ rất xem trọng việc tế tự có những phép tắc nhất định, cần phải mời thỉnh những thầy tế lễ chuyên nghiệp (tế sư) mới có thể cử hành việc tế tự đúng như pháp. Nhân đây, xã hội Ấn độ sản sinh một giai cấp tông giáo sư, địa vị cực cao, là giai cấp Bà la môn. (4) Cư sĩ: giai cấp thứ ba của xã hội Ấn Độ, gọi là phệ xá, tức là một loại dân được tự do, trong đó có một hạng người giàu có, có địa vị trong xã hội, được gọi là “cư sĩ.” Trong xã hội hiện đại, những người này thuộc về giai cấp tư sản, là địa chủ, hoặc là những cự phú trong giới công nghiệp, thương mại. Ở Trung Quốc thường gọi những người học Phật tại gia là cư sĩ, điều này không phù hợp với bổn nghĩa của danh từ “cư sĩ” của Ấn Độ. Chẳng qua, hiện nay đã trở thành thói quen, và thường được giải thích là “những người tu học tại gia.” Phần trên đề cập đến quốc vương, đại thần, bà la môn và cư sĩ trong bốn giai cấp là nêu ra những nhân vật có quyền lực, có địa vị làm đại biểu, thật ra vẫn còn có nhiều thành phần xã hội khác cũng tham dự pháp hội.

Tám bộ trời rồng là thuộc về loài trời. Thế nhưng, nếu nói đến “trời”, tại sao lại chỉ có tám bộ: rồng, v.v…? Bởi vì, trời có (nhiều loại) cao cấp và đê cấp khác nhau, có một số quỷ súc sinh, nhân vì phước báo lớn, được sinh lên trời, nhận chịu sự cai quản của loài trời, cho nên cũng được bao hàm trong loài trời. Tám bộ đều có tên gọi riêng, hiện nay nêu ra trời và rồng làm đại biểu. Trời (Deva) có nghĩa là quang minh, chỉ cho thần minh (ánh sáng thần bí) trên bầu trời. Y vào Phật pháp mà nói, có hai mươi tám tầng trời.

Liên quan đến truyền thuyết về loài rồng, Ấn Độ và Trung Quốc đại khái giống nhau. Trong truyền thuyết cho rằng hình thái của rồng gần giống với loài rắn, và lại cho rằng các loài cá và tôm có thể biến thành rồng. Hơn nữa, còn cho rằng những hiện tượng (thiên nhiên) như mưa, tuyết, bão, v.v…, là có liên quan đến loài rồng. Tám bộ: rồng, v.v…, đều là những thần tướng thủ hộ đức Phật. Trong các chùa chiền ở Trung Quốc, một khi bước vào cổng chùa là thấy có tượng của bốn vị thiên vương uy phong lẫm liệt, hoặc là tượng của hai vị thần kim cương đứng trấn giữ hai bên tả hữu. Đây là những vị thiện thần hộ pháp. Trong tám bộ cũng có những phần tử bất lương, tính tình bạo ác, ưa thích “phá phách”, còn những phần tử đã thọ nhận sự đào luyện của Phật pháp, thì không những bảo hộ Phật pháp, mà còn nguyện ý hộ trì những người thiện lương tu học Phật pháp. Quốc vương, đại thần, v.v…, là người, còn tám bộ trời rồng, v.v…, là “không phải người” (phi nhân).

Đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sinh, đối tượng chính là loài người, như Bồ tát, tỳ kheo, quốc vương, đại thần, v.v…, đều là xuất phát từ nhân gian, hoặc thị hiện thân người. Còn tám bộ trời rồng chỉ là những kẻ hộ pháp. Bọn họ hiểu rõ những ưu điểm của Phật pháp, cho nên phát nguyện hộ trì Phật pháp. Phàm là các pháp hội, đạo tràng, cho đến các hành giả tu trì Phật pháp, bọn họ đều phát tâm bảo hộ. Cho nên, mặc dù bọn họ là phi nhân (không phải người), nhưng Phật giáo cũng rất tôn trọng. Chẳng qua, chúng ta nên nhận thức rõ ràng là Phật giáo lấy loài người làm trọng tâm (chủ yếu), còn trời rồng quỷ thần chỉ là ở địa vị phụ (thứ yếu) là nghe pháp và hộ pháp. Bọn họ không thể từ địa vị “khách” mà chuyển thành “chủ” được. Nếu chuyên môn chú trọng tôn kính thờ phượng trời rồng quỷ thần, thì là ngược lại đã xem thường Phật pháp lấy loài người làm căn bổn. Chúng ta đối với tám bộ trời rồng cũng có thể cung kính cúng dường để tưởng thưởng họ đã chuyên tâm hộ pháp, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ quy y với bọn họ. Đối tượng chân chánh cho chúng ta quy y là Tam bảo. Tam bảo vĩ đại cao quý mới là đối tượng quy y của chúng ta.

Phần trên nói về tỳ kheo, Bồ tát, quốc vương, đại thần, bà la môn, cư sĩ, tám bộ trời rồng, người, không phải người, v.v…, đây là vô lượng vô số đại chúng tham dự pháp hội. Tuy thân phận khác nhau, giai cấp khác nhau, chức nghiệp khác nhau, nhưng tất cả đều cung kính vi nhiễu đức Phật một cách trật tự, như các vì sao vây quanh mặt trăng, cùng ngồi yên lặng, tập trung tinh thần, lắng nghe đức Phật từ bi vì đại chúng tuyên thuyết pháp môn vi diệu.

B2. Lễ thỉnh khởi thuyết.

Lúc ấy, ngài Pháp vương tử Văn Thù Sư Lợi nương oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, vén y để trống bên vai phải, quỳ gối phải xuống đất, hướng về đức Thế Tôn, cúi đầu chắp tay.

Kế đến là phần “lễ thỉnh khởi thuyết” (lễ Phật cung thỉnh ngài thuyết pháp). “Lúc ấy”, tức là lúc đại chúng vây quanh đức Phật để nghe pháp. Văn Thù (Manju), dịch nghĩa là Diệu, Sư Lợi (Sri), dịch nghĩa là Cát Tường. Trong Phật giáo Đại thừa, ngài là vị Bồ tát đặc biệt dùng trí tuệ làm đức tính, đã từng là thầy của nhiều vị Phật. “Pháp vương tử”, là tôn xưng của Bồ tát. Pháp vương là chỉ cho đức Phật. Phật nói: “Ta là pháp vương, được tự tại đối với các pháp.” Pháp vương tử là Bồ tát, giống như thái tử là con của quốc vương, là người chuẩn bị nối ngôi của quốc vương, tương lai kế thừa sự nghiệp của quốc vương. Văn Thù Sư Lợi là bậc kế thừa ngôi vị của Phật, cho nên được gọi là Pháp vương tử. Nếu ước định ý nghĩa này, thì các vị Đại bồ tát như Quán Âm, Địa Tạng, v.v…, thực sự cũng đầy đủ tư cách kế thừa đức Phật, cũng phải được gọi là Pháp vương tử, nhưng trong kinh vì sao chỉ dùng tôn xưng này để gọi riêng ngài Văn Thù? Chúng ta nên biết, Phật quả là từ nhân hạnh của Bồ tát mà đến. Nhân địa của Bồ tát có đủ các loại công đức, nhưng chủ yếu nhất là trí tuệ. Phật được gọi là bậc Đại giác, cũng tức là Đại bồ đề. Ngài Văn Thù Sư Lợi có trí tuệ cao siêu bậc nhất trong hàng các Bồ tát, gần bằng với Đại bồ đề của đức Phật, chỉ cần tiến thêm một bước là trở thành đức Phật Đại giác, cho nên trong các kinh điển đều xưng tán ngài là Pháp vương tử. Ngài Văn Thù Sư Lợi có Đại trí tuệ, hiểu rõ những yêu cầu trong tâm của mọi người, và lại càng hiểu rõ sự cần thiết của pháp môn này đối với chúng sinh đời Mạt pháp. Do sự thúc đẩy của lòng thương xót chúng sinh, cảm nhận rằng chính mình phải khải thỉnh đức Phật giảng nói pháp môn cứu khổ này. Do đây, ngài nương vào sự gia bị của thần lực của đức Phật, bèn ở trong đại chúng, thung dung đứng dậy. “Vén y để trống bên vai phải, quỳ gối phải xuống đất, hướng về đức Thế Tôn, cúi đầu chắp tay”, oai đức của đức Phật cao vời hiển hách, không thể nghĩ bàn, nếu không có uy thần của đức Phật từ bi gia bị thì hàng đệ tử sẽ không dám mạo muội thỉnh vấn, vì họ e rằng không đủ trí lực, hỏi không đúng vấn đề. Nếu được uy thần của đức Phật gia bị thì họ mới có can đảm đặt câu hỏi, mà câu hỏi được nêu ra cũng sẽ xác đáng, đúng với vấn đề. “Vén y để trống bên vai phải”, tức là để lộ cánh tay phải ra ngoài; “quỳ gối phải xuống đất”, tức là đặt gối phải sát đất; “cúi đầu chắp tay”, tức là cung kính xá đức Phật. Đây đều là một loại lễ nghi sùng kính để thỉnh cầu thuyết pháp của xứ Ấn Độ thời bấy giờ. Ngài Văn Thù Sư Lợi vì chúng sinh mà hướng về đức Phật cầu thỉnh thuyết pháp cũng không ngoại lệ. Những lễ nghi này tuy không cần phải giải thích, nhưng trong Phật pháp, từ sự việc có thể biểu hiện ý nghĩa, cho nên có những ý nghĩa thâm sâu cần phải giải thích. “Vén y để trống bên vai phải”, có nghĩa là gánh vác Phật pháp. “Gối phải quỳ xuống đất”, nghĩa là dưới độ chúng sinh. “Cúi đầu”, có nghĩa là trong tâm khiêm cung, chí thành. “Chắp tay trước ngực”, có nghĩa là hướng về Trung đạo. Mười ngón tay biểu thị Mười ba la mật hòa hợp mà quy hướng về Trung đạo. Chúng ta lạy Phật, cần phải quán tưởng đúng như vậy.

Bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn, xin ngài diễn thuyết danh hiệu, cùng những công đức thù thắng của những đại nguyện cùng loại của chư Phật, để giúp cho người nghe tiêu trừ nghiệp chướng, lại cũng giúp cho chúng sinh hữu tình đời Tượng pháp về sau được an vui lợi ích.

Phần trên là ngài Văn Thù từ ý nghiệp mà hiện khởi cung kính (thân nghiệp). Ở đây “thỉnh pháp”, tức là biểu hiện sự thanh tịnh của khẩu nghiệp. Ngài Văn Thù là bậc đại biểu cho đại trí, thế nhưng, pháp môn được khải thỉnh lại là những công hạnh từ bi cứu tế. Chúng ta có thể thấy rằng từ bi phát xuất từ trí tuệ. Từ bi do trí tuệ dẫn đạo thì mới là từ bi chân thực của Phật giáo.

Trước khi thỉnh pháp, ngài Văn Thù cung kính cất tiếng “Bạch đức Thế Tôn”, để bày tỏ tâm cung kính khẩn thiết. Ngài tiếp tục nói: “Xin ngài diễn thuyết danh hiệu, cùng những công đức thù thắng của những đại nguyện cùng loại của chư Phật.” Đây là vì đức Phật, ở trong Kinh A Di Đà, hoặc các kinh điển khác, đã từng nói qua cõi Tịnh độ Tây phương, hoặc các cõi Tịnh độ ở phương khác, v.v…, là trang nghiêm như thế nào, những cõi Tịnh độ đó có Phật danh hiệu là gì, bổn nguyện công đức của các ngài vĩ đại như thế nào, chúng sinh nghe được danh hiệu (của các vị Phật đó), hoặc xưng niệm, hoặc ghi nhớ, thì sẽ được vô lượng công đức như thế nào. Nhân đây, ngài Văn Thù thay mặt đại chúng, yêu cầu đức Thế Tôn tuyên giảng thêm những giáo pháp tương tự như vậy.

Sự khuyến thỉnh của ngài Văn Thù, hoàn toàn là sự biểu hiện của đại trí tuệ, sự tuôn trào của đại từ bi, chứ không phải là cầu sự an lạc cho chính mình, cho nên ngài lại hướng về đức Phật bày tỏ: Đây là vì để giúp cho người nghe đời tượng pháp về sau có thể nhân đây tiêu trừ nghiệp chướng. “Chướng”, là chướng ngại, “nghiệp”, là tiềm lực của những hành động mà chúng ta đã tạo tác trong hiện tại hoặc trong quá khứ. Thiện nghiệp không phát sinh chướng ngại, nhưng nếu tạo nhiều ác nghiệp thì sẽ phát sinh những chướng ngại cho tiền đồ của chúng ta. Đặc biệt là khi chúng ta đang tiến hướng trên con đường tu tập Bồ đề, chúng sẽ dễ dàng phát sinh ma chướng. Ví như trong một gia đình, người chồng muốn học Phật, nhưng người vợ không đồng ý, hoặc người vợ muốn học Phật, người chồng không đồng ý. Hoặc nhân vì thân thể bị nhiều bệnh hoạn, hoặc nhân vì công việc đa đoan, hoặc bị bạn ác quấy rầy, khiến cho chúng ta bỏ lỡ những cơ hội học Phật. Hoặc nhân vì ngu si (tà kiến) không tin Phật pháp, hoặc tuy tin Phật pháp, nhưng gia đình quá nghèo khó, sinh hoạt túng quẫn, do đây vĩnh viễn bị vây hãm trong sự thống khổ, không thể thoát ly. Nếu muốn tu bổ những khuyết điểm của đời người này, thì chỉ có sự tu học pháp môn Tịnh độ, thường xuyên niệm Phật, tiếp cận với đức Phật, thì mới có thể tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng thiện căn, dần dần xa lìa nghịch cảnh, xa lìa những kẻ ác, gặp được hoàn cảnh thuận lợi, gặp được người thiện, được sự dẫn dắt của bạn lành, đi trên con đường chân chánh, sinh hoạt trong ánh quang minh của Phật pháp.

Lúc đức Phật còn tại thế, là thời đại Chánh pháp, chúng sinh có trí tuệ cao, nghiệp chướng nhẹ, tu học Phật pháp dễ đạt được lợi ích. Phần lớn đều có thể chứng quả. Thế nhưng, sau khi đức Phật diệt độ một ngàn năm, đến thời Tượng pháp, Phật pháp đều bị sai lệch, bị biến chất, nơi nào cũng chỉ còn Phật pháp tương tự, cho nên gọi là thời Tượng (tương tự) pháp. Lúc ấy, thiện căn của chúng sinh trở nên mỏng manh, trí tuệ ám độn, nghiệp chướng sâu dầy, nhiều khổ nạn, không còn dễ dàng tu học Phật pháp. Cho nên lúc Phật còn tại thế, không cần phải giảng nói pháp môn Tịnh độ niệm Phật (Đây cũng là lý do tại sao trong năm trăm năm đầu của thời Chánh pháp, pháp môn Tịnh độ niệm Phật không được lưu hành rộng rãi). Thế nhưng, vì muốn lợi ích tất cả chúng sinh thời Tượng pháp phước tuệ mỏng ít, phiền não sâu nặng, cho nên không thể không thỉnh đức Phật từ bi thương xót mà diễn giảng pháp môn Tịnh độ cho họ.

Sau khi đức Phật diệt độ một ngàn năm là đến thời Tượng pháp, sau hai ngàn năm là thời Tượng pháp chuyển sang thời Mạt pháp, tức cũng là thời đại của chúng ta hiện nay. Thiện căn của chúng sinh càng lúc càng cạn cợt, phiền não càng lúc càng sâu nặng, người tu hành thoát ly được sinh tử rất ít, mà sự khổ nạn càng lúc càng nhiều. Đức Phật vì từ bi cứu độ những chúng sinh này nên đã đáp ứng lời thỉnh cầu của ngài Văn Thù, khai thị pháp môn Tịnh độ Dược Sư dễ dàng tu tập này.

Lúc ấy, đức Thế Tôn ngợi khen ngài Đồng tử Văn Thù Sư Lợi rằng: “Lành thay, lành thay! Văn Thù Sư Lợi! Ông đem lòng đại bi khuyến thỉnh ta diễn thuyết danh hiệu, cùng bổn nguyện công đức của chư Phật để diệt trừ nghiệp chướng, cứu độ những hữu tình đang bị nghiệp chướng ràng buộc, và làm lợi ích an vui cho những chúng sinh ở đời Tượng pháp về sau. Nay ông hãy chú tâm lắng nghe, suy xét tỉ mỉ, ta sẽ vì ông mà giảng nói.”

Vừa rồi là ngài Văn Thù thay mặt đại chúng khải thỉnh danh hiệu và bổn nguyện công đức của chư Phật, cho nên hiện nay đức Phật hứa khả sẽ khai thị.

Sau khi ngài Văn Thù thay mặt đại chúng thỉnh pháp, đức Thế Tôn bèn lên tiếng ngợi khen: “Lành thay, lành thay”, cũng có nghĩa là “Tốt lắm, tốt lắm.” Bởi vì sự khuyến thỉnh của Bồ tát Văn Thù, không những thích ứng với sự cần thiết của chúng sinh, mà còn khế hợp với lòng từ bi của chư Phật, cho nên đức Phật bèn lên tiếng ngợi khen và đáp ứng.

Phần trên gọi ngài Bồ tát Văn Thù là Pháp vương tử, hiện nay lại gọi ngài là Đồng tử. Hàm nghĩa của đồng tử, nói sơ lược có hai điểm:

– Ước định thế tục mà nói: Bồ tát tùy theo sự mong cầu của chúng sinh mà ứng hiện thân tướng khác nhau, không có hình tướng nhất định, vì muốn cứu độ một loại chúng sinh nào thì hiện thân tướng ấy, tất cả là vì để thích ứng chúng sinh. Chẳng qua, trong các vị Đại bồ tát, ngài Văn Thù phần lớn hiện tướng đồng tử, cũng giống như ngài Bồ tát Quán Âm, mặc dù có thể thị hiện ba mươi hai loại ứng thân, nhưng phần lớn đều hiện thân người nữ. Đạo tràng của ngài Bồ tát Văn Thù, căn cứ Kinh Hoa Nghiêm nói là ở núi Thanh Lương ở phía Đông bắc Ấn Độ, những học giả Trung Quốc xưa nay đều khẳng định đó chính là núi Ngũ Đài ở tỉnh Sơn Tây.

Thuở xưa, có thiền sư Vô Trước Văn Hỷ, nhân vì ngưỡng mộ Bồ tát Văn Thù, đã không quản đường xá xa xôi, từ phương Nam lặn lội đến núi Ngũ Đài ở phương Bắc để bái kiến. Kết quả, đi khắp cả dãy núi mà vẫn không thấy được bóng dáng của ngài Văn Thù, trong tâm cảm thấy vô cùng thất vọng, hổ thẹn là thiện căn của mình quá ít ỏi. Sau đó, thiền sư gặp được một mục đồng dẫn một con trâu, có ý muốn đưa thiền sư đến gặp một cụ già. Thiền sư vì không gặp được ngài Văn Thù, trong lòng cảm thấy không vui, nhưng khi nói chuyện vừa xong, thì mục đồng bổng nhiên hóa thành ngài Bồ tát Văn Thù đang cưỡi trên lưng sư tử. Công án này đã được ghi lại trong Truyền ký của Phật giáo Trung Quốc.

– Ước định thắng nghĩa mà nói: Bồ tát tu hành, đang lúc tiến nhập vào địa vị cao cấp, có một giai bậc gọi là Đồng tử địa (tức là Địa thứ chín – Thiện tuệ địa). Đồng tử có đức tính thiện lương, tất cả đều thiên chân, thuần khiết, nhiệt thành, hòa lạc, dễ làm bạn với người khác, không có tâm hiềm hận, không giống như người lớn tuổi ngoài đời, giả dối, tàn nhẫn, lãnh đạm. Bồ tát tu đến giai đoạn này, tràn đầy từ bi và trí tuệ, nhiệt tình và hòa lạc, trong tâm thuần tịnh, cho nên dùng hình ảnh của đồng tử để hình dung Bồ tát, nêu rõ những mỹ đức, thiên chân, cao thượng, nhiệt tình và hòa lạc của Bồ tát.

Nhân vì Đồng tử Văn Thù hỏi pháp vô cùng quan trọng, xác đáng, cho nên Đức Phật đã lên tiếng  ngợi khen. Sau đó đức Phật nói tiếp: “Văn Thù Sư Lợi, ông đem lòng đại bi khuyến thỉnh ta diễn thuyết rộng rãi danh hiệu cùng bổn nguyện công đức của chư Phật. Đây vốn là vì muốn cứu độ những hữu tình đang bị  nghiệp chướng ràng buộc, và làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh đời Tượng pháp về sau.” Câu này vốn là lời thỉnh cầu của ngài Văn Thù, hiện nay đức Phật lặp lại với mục đích khen ngợi và hứa khả lời thỉnh cầu này.

“Ràng buộc” (Hán: triền), nghĩa là bị dây nhợ ràng buộc. Người nào tạo tác nghiệp chướng sẽ bị nghiệp chướng làm chướng ngại, cũng giống như bị xiềng xích trói buộc, không được tự do. Chúng sinh bị nghiệp chướng trói buộc, bị chìm ngụp khổ đau trong bùn lầy sinh tử không thể tự mình thoát khỏi, hiện nay ngài Văn Thù thương xót, thỉnh cầu đức Thế Tôn khai thị danh hiệu và bổn nguyện công đức của chư Phật để khiến cho chúng sinh sau khi được nghe, bèn có thể y vào pháp mà thọ trì, để có thể thoát khỏi gông kềm của nghiệp chướng, thoát khỏi hố sâu của sự khổ nạn.

Nói đến “nghiệp chướng trói buộc”, tôi (Ấn Thuận) bổng nhiên nhớ lại câu chuyện vài ngày trước. Có một cư sĩ cho tôi biết, gần đây ở một công ty, có một người nhảy lầu tự vận, không ai biết được nguyên nhân nào mà người ấy tự sát. Nghe nói mấy ngày hôm đó, người ấy có cảm tưởng là có hai người đi theo mình. Thật sự có rất nhiều những câu chuyện tương tự như vậy. Đây không nhất định là bị quỷ thần bức bách, mà phần lớn là do nghiệp chướng của chính họ hiện tiền. Do vì ác nghiệp đời này, hoặc ác nghiệp đời quá khứ, thì mới gặp phải các loại tai nạn, hoặc các sự việc bất như ý. Ngài Văn Thù thỉnh đức Phật giảng nói pháp môn Tịnh độ, tức là muốn diệt trừ những nghiệp chướng này, khiến cho loài người được sinh sống trong sự tự do an lạc.

Đức Phật đối với lời khải thỉnh của ngài Văn Thù, trước tiên khen ngợi sự hợp lý, sau đó hứa khả: “Hiện nay, ông hãy lắng nghe, và hết sức chú tâm suy xét, ta sẽ vì ông mà giảng nói.”

“Lắng nghe” (Hán: đế thính), tức là lắng tâm chú ý, tập trung tinh thần để nghe. “Hết sức chú tâm suy xét”, tức là phải khéo suy ngẫm, đem những điều đã nghe, dùng trí tuệ để quyết đoán, tư duy, thẩm định. Chúng ta nghe giảng kinh pháp, ít nhất cũng phải có hai điều kiện: (1) Tập trung tinh thần, chuyên tâm nhất ý để nghe. (2) Sau khi nghe xong, phải suy ngẫm một cách cẩn thận thì mới có thể hiểu rõ một cách sâu xa hơn. Nhà Nho dạy cho mọi người đường lối học tập cũng cần phải “suy tư cẩn thận, biện biệt rõ ràng”, huống chi là Phật pháp? Kinh Bát Nhã đã từng nói: “Có người nghe Phật pháp cảm thấy vô vị; có người tuy có ý muốn nghe pháp, nhưng lại không lưu tâm, nghe qua liền quên; có người tuy có thể ghi nhớ, nhưng lại không chịu suy ngẫm ý nghĩa.” Đây đều là tập quán đời quá khứ của chúng ta. Nếu như chúng ta nghe kinh không thấy hứng thú, không chịu lưu tâm, nghe xong Phật pháp không chịu suy ngẫm sâu xa, thì trong những đời sau, chúng ta cũng sẽ vẫn y như vậy! Đức Phật lúc bắt đầu giảng nói một bộ kinh đều lặp đi lặp lại: “Lắng nghe, lắng nghe, hãy khéo suy ngẫm.” Ngài nhiều phen dặn dò, quả thật là lòng từ bi vô cùng lo lắng cho hàng đệ tử! Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này, học tập một cách thiết thực, không thể nhân vì thường được nghe kinh mà xem nhẹ lời dặn của đức Phật.

Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: “Xin đức Thế Tôn hãy giảng nói, chúng con rất muốn được nghe.”

Ngài Văn Thù Sư Lợi, sau khi nghe đức Phật dặn dò, bèn vui mừng trả lời: “Dạ, dạ, đức Thế Tôn đã dạy như vậy, chúng con xin cung kính phụng mệnh. Hiện nay, xin nguyện đức Thế Tôn giảng nói, đệ tử chúng con đều rất vui mừng mong muốn được nghe.” Đức Phật nói mức độ ham muốn được nghe pháp phải giống như người đang đói gặp được thức ăn ngon, người đang khát gặp được nước mát. Chúng ta hiện nay đang chìm ngụp trong sinh tử luân hồi, đau khổ vô chừng, một phen nghe được đức Phật thuyết pháp từ bi cứu độ, chúng ta phải nên tỏ ra vô cùng hoan hỷ!

***

[1] Ô,  có nghĩa là quạ. Ô hợp, nghĩa là giống như một đàn quạ tụ họp, không thể phân biệt ai xấu ai tốt.

[2] Lục hòa: kiến hòa đồng giải, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, lợi hòa đồng quân, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu.

[3] Đại, có ba nghĩa: (1) Nguyện đại: cầu Đại bồ đề – thành Phật. (2) Hành đại: thành tựu tự lợi, lợi tha. (3) Thời đại: trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp.