LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH PHẨM VÔ TẬN THỨ 67

(Kinh Ma Ha Bát Nhã ghi: Phẩm Bất Khả Tận)

KINH: – Bấy giờ Tu-bồ-đề nghĩ rằng: Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật rất sâu, ta sẽ hỏi Phật. Nghĩ rồi bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật có thể cùng tận chăng?

Phật dạy: Hư không không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-lamật không thể cùng tận.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao có thể phát sinh Bát-nhã bala-mật?

Phật dạy: Sắc không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; thọ, tưởng, hành, thức không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; Thí ba-la-mật không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; Giới ba-lamật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh, cho đến trí Nhất thiết chủng không thể cùng tận nên Bátnhã ba-la-mật có thể phát sinh.

* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vô minh không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; hành không không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; thức không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-lamật có thể phát sinh; danh sắc không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; sáu nhập không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; sáu xúc không không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; thọ không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; ái không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; thủ không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; hữu không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; sinh không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; già, chết, lo, buồn, khổ, não không, không thể cùng tận nên Bồ-tát Bát-nhã bala-mật có thể phát sinh… Như vậy, Tu-bồ-đề! Mười hai nhân duyên đây là pháp riêng của Bồ-tát hay trừ các điên đảo biên kiến. Khi ngồi đạo tràng nên quán như vậy sẽ được trí Nhất thiết chủng.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có Bồ-tát vì hư không không thể cùng tận mà tu Bát-nhã, quán mười hai nhân duyên, thời không rơi vào Nhị thừa mà an trú Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tubồ-đề! Nếu cầu đạo Bồ-tát mà bị thoái chuyển trở lại, là vì niệm lìa Bát-nhã ba-la-mật. Người ấy chẳng biết thế nào là tu Bát-nhã ba-la-mật, do hư không không cùng tận để quán mười hai nhân duyên. Tu-bồ-đề! Nếu người cầu đạo Bồ-tát mà thoái chuyển trở lại là vì không có sức phương tiện nên thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát không thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là đều vì có đủ sức phương tiện.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên do hư không không thể cùng tận mà quán Bát-nhã ba-la-mật, nên do hư không không thể cùng tận mà phát sinh Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy, khi Bồ-tát quán mười hai nhân duyên, không thấy pháp nào không do nhân duyên sinh, không thấy pháp nào thường trú bất diệt, không thấy pháp nào có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, mạng giả, cho đến kẻ biết, kẻ thấy; không thấy pháp vô thường; không thấy pháp khổ; không thấy pháp vô ngã; không thấy pháp tịch diệt chẳng phải tịch diệt. Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát tu Bát-nhã bala-mật nên quán mười hai nhân duyên như vậy. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật được như vậy, khi ấy không thấy sắc hoặc thường hoặc vô thường, hoặc khổ hoặc vui, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịch diệt hoặc chẳng phải tịch diệt; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Khi ấy cũng không thấy Bát-nhã ba-lamật, cũng không thấy do pháp ấy thấy Bát-nhã ba-la-mật, không thấy Thiền ba-la-mật cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy Tu-bồ-đề! Vì hết thảy pháp không thể có được ấy là nên tu Bát-nhã ba-la-mật. Nếu Bồ-tát khi tu Bát-nhã không có gì sở đắc, thời ác ma sầu não như bị mũi tên bắn vào tim, như người có cha mẹ mới chết.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn ! Chỉ có một ma sầu muộn hay các ma trong ba ngàn đại thiên thế giới cũng sầu muộn.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ác ma trong ba ngàn đại thiên thế giới đều sầu muộn như bị mũi tên bắn vào tim, không thể ngồi yên. Tu-bồ-đề! Bồ-tát tu Bát-nhã được như vậy, khi ấy hết thảy thế gian trời, người, A-tu-la không thể tìm được thuận tiện đề làm cho người kia ưu não. Vì vậy, Bồ-tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hãy nên tu Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật là đầy đủ tu Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-lamật, Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn ! Bồ-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật, làm sao đầy đủ tu Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát bố thí gì đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, như vậy, Bồ-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật đầy đủ tu Thí ba-la-mật; Bồ-tát tu Trì giới đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Giới ba-la-mật. Bồ-tát tu Nhẫn nhục đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Nhẫn ba-la-mật. Bồ-tát tu Tinh tấn đều hồi hướng Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Tấn ba-la-mật. Bồ-tát tu Thiền định đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Thiền ba-la-mật. Bồ-tát tu Trí tuệ đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật đầy đủ sáu Ba-la-mật.

LUẬN: Tu-bồ-đề theo Phật nghe nói mỗi mỗi tướng của Bátnhã ba-la-mật, ban đầu nghe nói tướng rốt ráo không; giữa nghe lời phú chúc thì như tuồng có; sau lại nghe nói không, đó là vì nghĩa của Bát-nhã ba-la-mật vô lượng mà danh tự, chương cú của Bátnhã ba-la-mật thì có lượng. Khi ấy, Tu-bồ-đề nghĩ rằng: Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật rất sâu, ta sẽ hỏi Phật vì sao rất sâu. Phật nói cho Tu-bồ-đề một ít phần, chỉ để phá tâm điên đảo của chúng sinh nên không nói đầy đủ, vì cớ sao? Vì không có người lãnh thọ được. Nếu người chấp thủ tướng Như, Phật nói Như cũng không, vì không có sinh, trụ, diệt; nếu pháp không có sinh, trụ, diệt, pháp ấy tức là không có; pháp tính, thật tế cũng như vậy.

Nếu có người chấp thủ rốt ráo không, Phật cũng nói không phải. Vì sao? Vì nếu rốt ráo không là định tướng có thể thủ, thế là chẳng phải rốt ráo không. Thế nên nói rất sâu. Ta sẽ lại hỏi Phật, Tu-bồ-đề nghĩ như vậy rồi, như lời Phật tự nói: Chư Phật ba đời đều dùng Bát-nhã ba-la-mật mà đắc đạo, vì Bát-nhã ba-la-mật không cùng tận; đã không tận, nay không tận và sẽ không tận. Thế nên ta nay chỉ hỏi nghĩa không tận. Phật đáp: Như hư không không tận, nên Bát-nhã cũng không tận; như hư không không có thật pháp, chỉ có danh tự; Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Bát-nhã ba-la-mật như hư không, không có gì của chính nó, nên không thể tận, làm sao Bồ-tát có thể phát sinh Bát-nhã ba-la-mật ấy? Nếu có thể phát sinh, làm sao trong tâm Bồ-tát lại phát sinh việc tu được, chứng được? Phật đáp: Vì sắc vô tận nên Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh; như sắc lúc đầu, lúc sau, lúc giữa sinh không thể có được, vì sắc sinh sắc, không thể có được; lìa sắc sinh sắc, không thể có được; sinh không thể có được, sinh sinh không thể có được, như đã phá tướng sinh ở trước. Vì sinh không thể có được, nên sắc cũng không thể có được; vì sắc không thể có được nên sắc sinh không thể có được; vì hai pháp không thể có được nên sắc như huyễn, như mộng, chỉ dối gạt mắt người. Nếu sắc có sinh ắt có tận, vì sắc không sinh nên cũng không tận; sắc chơn tướng tức là Bát-nhã ba-la-mật. Thế nên nói sắc không thể tận, Bátnhã ba-la-mật cũng không thể tận. Thọ, tưởng, hành, thức, Thí ba-lamật cho đến trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

– Lại nữa, Kinh nói: “có thể sinh Bát-nhã” là vì vô minh hư không không thể cùng tận. Nếu người chỉ quán rốt ráo không, thời phần nhiều đọa vào bên đoạn diệt; nếu quán có thời phần nhiều đọa vào bên thường. Lìa hai bên ấy nên nói mười hai nhân duyên không. Vì sao? Vì nếu pháp từ nhân duyên hòa hợp sinh, pháp ấy không có định tính; nếu pháp không có định tính tức là pháp tịch diệt rốt ráo không; lìa hai bên ấy nên giả gọi là trung đạo. Thế nên nói mười hai nhân duyên như hư không, không có pháp, nên không tận. Vô minh cũng do nhân duyên hòa hợp sinh nên không có tự tướng; không có tự tướng nên rốt ráo “không”, như hư không.

– Lại nữa, vì nhân duyên sinh nên không thật, như kinh nói: Nhân mắt duyên sắc sinh giác xúc, giác xúc từ vô minh sinh. Giác xúc không ở trong mắt, không ở trong sắc, không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chặng giữa; cũng không từ mười phương ba đời đến, định tướng của pháp ấy không thể có được. Vì sao? Vì hết thảy pháp vào Như. Nếu nắm bắt được định tướng vô minh, tức là trí tuệ, không gọi là vô minh; thế nên tướng vô minh, tướng trí tuệ không khác nhau, thật tướng của vô minh tức trí tuệ, chấp trước tướng trí tuệ tức vô minh. Thế nên, thật tướng vô minh rốt ráo thanh tịnh như hư không, không sinh, không diệt. Vì thế nói rằng: Có được quán ấy mà hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức gọi là Bát-nhã ba-la-mật.

Hỏi: Nếu không có vô minh, cũng không có các hành v.v… làm sao nói mười hai nhân duyên?

Đáp: Nói mười hai nhân duyên có 3 loại: Một là đối với phàm phu, dùng mắt thịt trông thấy, tâm điên đảo chấp ngã khởi các phiền não nghiệp, qua lại trong đường sinh tử.

Hai là đối với hiền thánh, dùng mắt pháp phân biệt các pháp; thấy già, bệnh, chết sinh tâm nhàm chán, muốn ra khỏi thế gian. Tìm nguyên nhân của già, chết do sinh; sinh ấy do các phiền não nghiệp, vì sao? Vì người không có phiền não thời không sinh, nên biết phiền não làm nhân duyên cho sinh. Làm nhân duyên cho phiền não là vô minh, vì vô minh, nên điều đáng bỏ lại lấy, đáng lấy lại bỏ. Đáng bỏ gì? Đáng bỏ già, bệnh, khổ và phiền não; nhưng vì điên đảo cho khổ làm vui nên lấy. Trì giới, thiền định, trí tuệ là gốc của sự lành, là nhân duyên của cái vui Niết-bàn, việc ấy đáng lấy lại bỏ. Trong ấy không có kẻ biết, kẻ thấy, kẻ làm, vì sao? Vì pháp ấy không có định tướng, chỉ do nhân duyên hư dối tương tục sinh ra. Hành giả biết là hư dối không thật thời không sinh hý luận, chỉ vì muốn diệt khổ vào Niếtbàn, không cứu xét cùng tận tướng các khổ.

Ba là đối với các đại Bồ-tát, là người đại trí, lợi căn nên chỉ cứu xét cùng tận tướng cội gốc của mười hai nhân duyên, không vì lo sợ mà tự thoái thất. Bấy giờ không thấy có định tướng, già và chết rốt ráo không, chỉ do hư dối, giả gọi là có, vì cớ sao? Vì người phân biệt tướng các pháp thì nói già, chết là pháp tâm bất tương ưng hành, tướng ấy không thể có được. Đầu bạc v.v… là tướng màu sắc, không phải tướng già; hai việc không thể có được nên không có tướng già.

– Lại nữa, người đời gọi tướng già là tóc bạc; răng long, mặt nhăn, thân cong, gầy gò, sức yếu, các căn mờ ám, nhưng việc ấy không đúng, vì sao? Vì tóc bạc chẳng phải chỉ người già; có người tuổi trẻ tóc lại bạc, người già tóc lại đen; gầy gò, thân cong, mặt nhăn… cũng như vậy. Có người già mà các căn sáng suốt, lanh lợi; người trẻ mà mờ ám; lại uống thuốc hoàn đồng tuy già mà trẻ. Như vậy, tướng già không có định tướng, chỉ do các pháp hòa hợp giả gọi là già; lại như mượn bánh, trục, thùng, căm… gọi là xe; đó chỉ là giả danh, chẳng phải thật.

– Lại nữa, có người nói: tướng của quả báo năm uẩn cũ đi gọi là già, điều ấy cũng không đúng, vì sao? Vì hết thảy pháp hữu vi niệm niệm sinh diệt không ngừng; nếu không ngừng thời không có, không có thời không có già. Hết thảy pháp hữu vi nếu có ngừng thời không có vô thường; nếu không có vô thường tức là thường; nếu thường thời không có già, huống gì chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, trong rốt ráo không mà lại có già.

– Lại nữa, trong các pháp rốt ráo không, tướng sinh không thể có được, huống gì có già! Do các nhân duyên như vậy, tìm pháp già không thể có được. Vì không thể có được nên không có tướng, như hư không không thể tận; cũng như già cho đến vô minh cũng như vậy. Phá tướng vô minh như trên nói. Bồ-tát quán thực tướng các pháp rốt ráo không, không có gì của chính nó, không có sở đắc; cũng vì không chấp trước việc ấy nên đối với chúng sinh sinh tâm đại bi: chúng sinh vì vô minh nên đối với pháp hư dối điên đảo không thật, chịu các khổ não. Mười hai nhân duyên nói đầu chỉ là vì người phàm phu không tìm phải trái trong đó; mười hai nhân duyên nói thứ hai là chỗ quán sát của hàng Nhị thừa và Bồ-tát chưa được vô sinh pháp nhẫn; mười hai nhân duyên nói thứ ba là chỗ quán sát của các Bồ-tát từ được vô sinh pháp nhẫn cho đến khi ngồi đạo tràng. Thế nên nói, vô minh hư không không thể tận cho đến lo, buồn, khổ, não hư không không thể tận, nên Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật.

Quán sâu về pháp nhân duyên như vậy, xa lìa các bên và điên đảo. Bên là bên thường, bên đoạn, bên có bên không, bên thật, bên hư, bên thế gian hữu biên, bên thế gian vô biên; điên đảo là nơi vô thường khởi lên phiền não chấp thường v.v… Quán mười hai nhân duyên ấy thời các bên và điên đảo dứt. Các phiền não có hai phần: Một là theo người ngoại đạo tà kiến gọi là bên; hai là theo các chúng sinh khác, phiền não gọi là điên đảo. Quán mười hai nhân duyên thời hai thứ phiền não ấy đều dứt. Đó là quán mười hai nhân duyên thứ ba rất sâu, chỉ các Bồ-tát ngồi đạo tràng mới có thể quán; trước tuy nói có thể quán nhưng chưa đầy đủ. Như trong kinh Thành Dụ, Phật nói: Khi Ta chưa đắc đạo, suy nghĩ như vầy: Chúng sinh đáng thương, đi sâu vào đường hiểm, thường thường sinh, thường thường già, thường thường chết, qua lại ba cõi không biết đường ra. Ta liền nghĩ rằng: Vì nhân duyên gì có già chết? Trong khi tìm cầu như vậy được trí tuệ chơn thật, biết rằng sinh làm nhân duyên cho già, chết v.v… Thế nên, biết lối quán mười hai nhân duyên nói lần thứ ba, khi ngồi đạo tràng mới có được, như Kinh nói rộng.

– Lại nữa, quán mười hai nhân duyên như vậy, vượt quá hàng Nhị thừa, được trí Nhất thiết chủng. Nếu có người thoái lui đối với Phật đạo, là vì không được lối quán sâu xa ấy, nếu được lối quán ấy thời không thoái lui, vì sao? Vì đã sâu vào rốt ráo không thời không thấy Thanh văn, Bích-chi Phật địa; vì không thấy nên không trú ở trong đó.

– Lại nữa, người quán nhân duyên được như vậy thời không thấy có một pháp nào chắc chắn, tự tại, không do nhân duyên sinh, hết thảy pháp không tự tại đều thuộc nhân duyên sinh. Có người tuy thấy hết thảy pháp từ nhân duyên sinh, nhưng lại cho là từ tà nhân duyên sinh. Tà nhân duyên là cho rằng vi trần, thế tánh v.v… làm nhân duyên sinh các pháp. Thế nên nói, không thấy pháp nào không do nhân duyên sinh, cũng không thấy pháp nào từ thường nhân duyên như vi trần, thế tánh sinh. Như hư không thường, thường thời không có sinh; hư không cũng không làm nhân cho vật khác sinh, vì thế nên không có pháp nào từ thường nhân duyên sinh.

– Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp thuộc nhân duyên sinh như vậy không tự tại, vì không tự tại nên không có ta, cho đến không có kẻ biết, kẻ thấy. Bấy giờ Bồ-tát an trú trong mười hai nhân duyên rốt ráo không, không thấy một pháp nào hoặc có hoặc không v.v…; không thấy Bát-nhã, cũng không thấy dùng pháp ấy tu Bát-nhã, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng như vậy; ấy gọi là Bát-nhã bala-mật không có sở đắc của Bồ-tát. Được Bát-nhã ba-la-mật không có sở đắc ấy, đối với hết thảy pháp bèn được Bát-nhã không có chướng ngại gì. Bấy giờ ác ma rất sầu khổ. Vì sao? Vì Bồ-tát ấy sâu vào mười hai nhân duyên rốt ráo không, không vướng vào trong lưới ma về 62 tà kiến chấp có, chấp không, chấp chẳng phải có chẳng phải không v.v… Ta nay không có cách thuận tiện để phá Bồ-tát. Thí như người bắt cá, thấy một con cá lặn sâu trong dòng nước lớn, lưỡi câu không tới kịp thời tuyệt vọng ưu sầu và cũng như người mới mất cha mẹ.

– Lại nữa, Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật không có sở đắc, được như vậy thời đầy đủ Thí ba-la-mật v.v… vì sao? Vì tu pháp ấy thời các phiền não làm chướng ngại Bát-nhã đều bị bẻ gãy; ma chúa, ma dân không tìm được thuận tiện để phá, nên các Ba-la-mật được đầy đủ; từ trước lại đây tuy tu sáu Ba-la-mật nhưng chưa thể được đầy đủ như vậy.

Tu-bồ-đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm sao tu Bát-nhã ba-lamật được như vậy, có thể đầy đủ Thí ba-la-mật v.v…?

Phật đáp: Nếu Bồ-tát có bố thí gì đều hồi hướng đến Nhất thiết trí. Có hai hạng người: độn căn và lợi căn. Người độn căn có bố thí nhiều ít đều chấp thủ tướng hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; người lợi căn phá chấp thủ tướng những hý luận sai lầm về pháp “không”, tín lực cạn mỏng, không dùng Nhất thiết trí, chỉ tìm thật tướng các pháp. Hai hạng người ấy đều không thể đầy đủ Thí ba-la-mật. Một là hạng người vì tín lực nhiều, tuệ lực ít; hai là người vì tuệ lực nhiều, tín lực ít. Nay Phật nói tín lực, tuệ lực bằng nhau nên có thể hồi hướng đến Nhất thiết trí. Tưởng niệm Nhất thiết trí là tín lực; đúng như Nhất thiết trí mà hồi hướng là trí lực, cho đến Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy.