NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Pháp Thân Y Thực Thuỳ

Giảng ngày 31/10/1987 tại Kim Sơn Tự.

Tọa thiền tu định là cho pháp thân chúng ta lương thực. Nhục thân của chúng ta hằng ngày phải ăn cơm, mặc quần áo, ngủ nghỉ, bận rộn bôn ba cũng vì y, thực, thùy (quần áo, ăn uống, ngủ nghỉ). Một ngày không ăn cũng không đặng, một ngày không mặc đồ cũng không đặng, một ngày mà không ngủ nghỉ cũng không đặng. Ba điều này đều không thể thiếu được. Ai ai cũng đều như thế, thiếu một không thể được. Nhưng pháp thân cũng phải ăn, mặc và ngủ. Ngồi thiền là cho pháp thân ăn uống thiên nhiên, hấp thụ chất dinh dưỡng trong hư không, khiến cho pháp thân tăng trưởng khoẻ mạnh. Ngồi thiền nếu nhập định rồi tức là pháp thân đang ngủ nghỉ. Nếu không nhập định thì pháp thân không ngủ nghỉ. Y phục của pháp thân là nhẫn nại. Hay nhập định thì pháp thân sống lại, tĩnh tọa lâu thì pháp thân sẽ đắc được pháp vị, hấp thụ chân chánh dinh dưỡng trong hư không. Chúng ta tu hành, hằng ngày cần mặc y nhẫn nhục, vào nhà Như Lai (nhập định), ngồi tòa Như Lai. Ðây là những thứ mà hằng ngày pháp thân không thể không từ dưỡng.

“Bớt một lời thị phi,
Thêm một câu niệm Phật,
Ðánh niệm đầu chết rồi,
Pháp thân mới sống lại”.

Hiện tại pháp thân bị vô minh phiền não che đậy, cho nên không thể hiện tiền. Nhưng nhục thân chẳng phải chân thật. Pháp thân mới là chân thật với pháp thân chư Phật không phân biệt. Như vậy đi tìm pháp thân ở đâu? Pháp thân không rời khỏi nhục thân, nhục thân chúng ta đã có đủ pháp thân. Nhưng người chỉ biết nhục thân mà không biết có pháp thân, cho nên lãng quên. Ví như bầu trời vốn trong xanh tốt đẹp, hốt nhiên có một đám mây che lấp mặt trời. Người chưa thấy qua mặt trời, thì cho rằng trời vốn là âm khí trầm trầm. Ðồng với lý ấy, người không biết có pháp thân thì cho rằng chỉ có nhục thân tồn tại.

Ngày và đêm vốn vận hành với nhau, cùng nhau tan trường, ban ngày có lúc dài thêm một chút, ban đêm có lúc cũng dài thêm một chút. Khi tâm tính con người bừng sáng thì tự tính thái dương hiển lộ. Nếu như suốt ngày phiền phiền não não, thì pháp thân trong nhục thân bị vùi lấp, không thể hiển lộ thì không có ánh sáng mặt trời. Nếu người ít phiền não thì trí huệ tự nhiên hiện tiền, như mặt trời trên không, không thêm tư tác, nghênh nhận mà giải. Trí huệ thì không cần suy nghĩ tưởng tượng, nhưng rất sáng suốt, việc đến thì ứng, việc đi thì tĩnh. Giống như gương soi khi cảnh giới đến thì hiện ở trong gương ; khi cảnh giới đi thì trong gương không lưu lại dấu vết. Cho nên Phật có “Ðại viên cảnh trí”, không chỗ nào mà không chiếu, không chỗ nào mà không rõ.

Chúng ta thường đả tọa tập định, thì pháp thân huệ mạng hiện tiền. Nếu chúng ta không thường đả tọa nhập định, thì như mây mù ngày càng dày, che lấp trí huệ vốn có. Trí huệ vốn có tức là không điên đảo, không vì năm dục vật bên ngoài làm mê hoặc. Sáng suốt thanh tịnh như trời xanh, vạn dặm không một bợn mây. Nếu như muốn đạt đến trình độ như vậy, thì phải từ từ ngày ngày chuyên nhất, tu thiền định công phu, không phải mới ngồi một chút, liền đi ra ăn uống, dạo cảnh. Cho nên:

“Nhãn quán hình sắc nội vô hữu,
Nhĩ thính trần sự tâm bất tri”

Nghĩa là:

Mắt thấy hình sắc chẳng dính mắc,
Tai nghe chuyện đời tâm chẳng hay.