NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Cảnh Giới Nhị Quả A La Hán

Giảng tại Kim Sơn Tự ngày 14/10/1987

Sơ quả A La Hán gọi là “Nhập lưu”. Có sơ nhập cũng có chánh nhập. Sơ nhập là mới đắc được một chút tin tức tốt. Hiểu rõ duyên cảnh của sáu trần, hư vọng không thật, cho nên không chấp trước, không nhập sắc thanh hương vị xúc pháp, mà nhập vào dòng Thánh nhân pháp tính. Sơ đắc được trí Thánh nhân tức là sơ đắc, trí huệ chưa thâm hậu. Cho nên phải tiếp tục tu hành dụng công. Người chứng được sơ quả khi đi thì chân không đụng đất, nhưng vì chưa hoàn toàn rời khỏi đất cho nên còn bảy lần sinh tử, nhưng đã đoạn được tám mươi tám sử kiến hoặc của ba cõi gọi là “nhập học vị”.

Nhị quả Tư Ðà Hàm, gọi là “Nhất Lai”, còn một lần sinh lên trời, một lần sinh xuống nhân gian. Ði thì như gió. Những thô hoặc đã đoạn, nhưng tế hoặc còn chưa đoạn hết. Ðã đoạn dục giới trước sáu phẩm tư hoặc, gọi là “hữu học vị”. Cho nên không thể bỏ dở giữa đường, con đường trung đạo tự vẽ, được ít cho là đủ, dừng ở hóa thành, đến không được chỗ “Bảo Sở”. Phải từ từ, đừng quên dụng công tu hành, nhưng đừng miễn cưỡng lâu dài. Ðừng giống như có một người Tống nhổ mầm giúp mau lớn. Mỗi rễ mầm nhổ lên một tấc, trốc gốc bày rễ, lỏng đất mầm khô, muốn giúp cho lớn nhanh nhưng ngược lại mầm chết khô. Nhị Quả La Hán phải từng bước từng bước hướng về trước dụng công, nhưng đừng tham nhanh, phải có tâm nhẫn nại: Sinh nhẫn và pháp nhẫn. Có sức nhẫn nại thì công phu ngày càng tiến bộ, được phần tương ưng mới chứng nhị quả. Sơ quả Thánh nhân đi bộ thì chân hỏng mặt đất, khoảng một cái đầu tóc không dính đất. Nhị quả Thánh nhân công phu lại cao hơn một chút. Ðến đi không có âm thanh. Ði thì như gió, thong thả mà đi nhưng rất nhanh, cho nên chứng quả đều có chứng cứ, không thể mạo xưng.

Việc “khai ngộ”. Ai ai cũng đều có thể khai ngộ. Có tiểu ngộ và đại ngộ. Tiểu ngộ thì cánh nhiên hiểu biết một chút. Chưa hoàn toàn hiểu biết. Khai đại ngộ thì biết từ đâu đến? Chết đi về đâu? Sinh như thế nào? Chết như thế nào? Sinh tử tự do, muốn sinh thì sinh, muốn chết thì chết, không câu thúc quái ngại, thấy rõ như chỉ tay, không còn kéo bùn mang nước, buông không đặng, nhìn không thủng, suốt ngày đến tối đả chuyển trong mê hồn trận. Không mê tức là khai ngộ. Theo lý tức là đốn ngộ nhưng trên sự tướng phải tu hành. Cho nên:” Lý thì đốn ngộ, sự phải tiệm tu”. Luôn luôn hồi quang phản chiếu. Thế nào là chiếu? Cũng giống như ánh sáng mặt trời mặt trăng, chiếu xuống thì màn đen hắc ám liền tiêu trừ. Tự tính quang minh bị dục niệm vô minh che đậy như núi Tu Di đè lên trí quang, không thể hiển lộ. Cho nên mắt nhìn sự vật không rõ ràng. Gọi là “tán quang” (quang minh trí huệ bị phân tán).

Tu hành thì phải hồi quang phản chiếu. Thu thập “tán quang” lại. Chiếu trong tâm có bao nhiêu rác rến phải khử trừ? Có bao nhiêu bảo bối phải giữ gìn. Nếu hồi quang phản chiếu thì phiền não ngày càng giảm, vô minh ngày càng rõ thì trí huệ vốn có sớm sẽ hiện tiền.