LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM TÍN HỦY THỨ 41

(Kinh Đại Bát Nhã ghi: Phần 2, Phẩm Địa ngục thứ 39)

KINH: Bấy giờ Tuệ-mạng Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, có Bồ-tát ma-ha-tát tin hiểu Bát-nhã ba-lamật, vị ấy ở chỗ nào mạng chung sanh đến trong đây? Thời gian phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đến nay bao lâu? Cúng dường bao nhiêu Phật? Tu Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật đến nay thời gian bao nhiêu? Mà nay có thể tùy thuận hiểu nghĩa Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu?

Phật bảo Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát ấy đã cúng dường mười phương chư Phật, nay sanh đến đây; Bồ-tát ấy phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đến nay đã vô lượng vô biên vô số kiếp; Bồ-tát ma-ha-tát ấy từ khi mới phát tâm, thường tu Thí bala-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật; cúng dường vô lượng vô biên, bất khả tư nghì vô số chư Phật nay sanh đến đây.

Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát hoặc thấy hoặc nghe Bátnhã ba-la-mật nghĩ rằng ta thấy Phật theo Phật nghe:

Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát ấy thường tùy thuận hiểu nghĩa Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, vì vô tướng, vô nhị, không sở đắc.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã bala-mật ấy, có thể nghe có thể thấy ư?

Phật bảo Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật không có ai nghe, không có ai thấy. Bát-nhã ba-la-mật không nghe không thấy, vì các pháp ám độn. Thiền ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Nhẫn ba-lamật, Giới ba-la-mật, không nghe không thấy, vì các pháp ám độn! Nội không, không nghe không thấy, vì các pháp ám độn! cho đến vô pháp hữu pháp không, không nghe không thấy, vì các pháp ám độn. Bốn niệm xứ không nghe không thấy, vì các pháp ám độn! cho đến tám thánh đạo phần không nghe không thấy, vì các pháp ám độn! Phật mười lực cho đến mười tám pháp không chung, không nghe không thấy, vì các pháp ám độn.

Tu-bồ-đề, Phật và Phật đạo không nghe không thấy, vì các pháp ám độn.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát ấy tu Phật đạo bao lâu là có thể tập hành Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm như vậy?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong đây nên phân biệt. Nầy, Tu-bồđề có Bồ-tát ma-ha-tát mới phát tâm là tập hành được Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, tập hành Thiền ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Thí ba-la-mật, do sức phương tiện, đối với các pháp không phá hoại gì, chẳng thấy các pháp không có lợi ích, cũng trọn không xa lìa sự tập hành sáu Ba-lamật, cũng không xa lìa chư Phật, từ một cõi Phật đến một cõi Phật, nếu muốn dùng lực thiện căn cúng dường chư Phật, liền được theo ý, trọn không sanh vào trong bụng người mẹ, trọn không lìa các thần thông, trọn không sanh các phiền não và tâm Thanh văn, Bích-chi Phật. Từ một cõi Phật đến một cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh, nghiêm tịnh cõi Phật.

Tu-bồ-đề, các Bồ-tát ma-ha-tát như vậy, có thể tập hành Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu.

Tu-bồ-đề, có Bồ-tát ma-ha-tát, thường thấy chư Phật, hoặc vô lượng trăm ngàn vạn ức, ở tại chỗ chư Phật tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, vì đều do có sở đắc, nên khi Bồ-tát ấy nghe nói Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm liền từ giữa chúng đứng dậy, bỏ đi, không cung kính Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm và chư Phật. Bồ-tát ấy nay ngồi ở giữa chúng này, nghe Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm ấy, không vui, bèn bỏ đi, vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, đời trước. Khi nghe Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm đã bỏ đi, nên đời nay nghe Bát-nhã ba-lamật thậm thâm cũng bỏ đi, thân tâm không hòa. Người ấy gieo nghiệp nhân duyên ngu si ; gieo nghiệp nhân duyên ngu si ấy, nên nghe nói Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm thì chê bai; vì chê bai Bát-nhã ba-la-mật nên chê bai chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, chê bai nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí. Người ấy chê bai nhất thiết trí của ba đời chư Phật, nên tạo nghiệp phá pháp; vì nhân duyên của nghiệp phá pháp tập hợp, nên phải đọa vào trong đại địa ngục trải vô lượng trăm ngàn vạn ức năm. Nghiệp của người phá pháp ấy, từ một đại địa ngục đến một đại địa ngục, nếu khi kiếp lửa nổi lên thời lại sanh đến trong đại địa ngục ở phương khác. Tại đây từ một đại địa ngục đến một đại địa ngục, nếu khi kiếp lửa nổi lên, lại sanh đến trong đại địa ngục ở phương khác nữa. Tại đây từ một đại địa ngục đến một đại địa ngục, như vậy trải khắp mười phương, tại đây nếu khi kiếp lửa nổi lên chết ở đó, nếu nhân duyên của tội nghiệp phá pháp chưa hết thời trở lại trong đại địa ngục ở đây. Tại đây cũng từ một đại địa ngục đến một đại địa ngục, chịu vô lượng khổ. Tại đây, kiếp lửa nổi lên, lại phải sanh đến trong mười phương thế giới khác. Chịu khổ vì tội nghiệp phá pháp ở trong súc sanh cũng như ở trong địa ngục.

Khi trọng tội mỏng dần, hoặc được sanh làm người, phải sanh vào nhà người mù bẩm sanh, sanh vào nhà hạng chiên-đà-la, sanh vào nhà hạ tiện làm nghề dọn cầu tiêu, khiêng thây chết, hoặc không có mắt, hoặc một mắt, hoặc mắt mờ, không lưỡi, không tai, không tay, nơi xứ sở sanh ra không có Phật, không có pháp, không có đệ tử Phật, vì sao? Vì gieo nghiệp phá pháp, tích tập đầy đủ nặng dày, nên chịu quả báo ấy.

Bấy giờ Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, năm tội nghịch cùng với tội phá pháp giống nhau chăng?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Không nên nói giống nhau, vì sao? Vì nếu có người nghe nói Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm ấy, mà chê bai không tin, nói rằng: “Không nên học pháp ấy, đó là phi pháp, chẳng phải lành, chẳng phải Phật giáo, chư Phật không nói lời ấy”. Người ấy tự mình chê bai Bát-nhã ba-la-mật, cũng dạy người khác chê bai Bát-nhã ba-la-mật, tự hoại thân mình, cũng hoại thân người khác; tự uống thuốc độc giết mình, cũng cho người khác uống thuốc độc; tự làm mất thân mình, cũng làm mất thân người khác; tự không biết không tin, chê bai Bát-nhã ba-la-mật, cũng dạy người khiến không biết không tin.

Xá-lợi-phất, người như vậy, Ta không cho nghe danh tự Bát-nhã, huống gì mắt thấy, vì sao? Vì nên biết người ấy là người làm nhơ pháp, bị rơi vào suy vi, ô trược, tánh hắc ám. Người như vậy, nếu có ai nghe lời người ấy nói, tin dùng lời người ấy, cũng chịu khổ như vậy.

Xá-lợi-phất, nếu người phá Bát-nhã ba-la-mật, nên biết người ấy là người phá pháp.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế Tôn nói người phá pháp chịu trọng tội, mà không nói người ấy thân thể lớn nhỏ?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Không cần nói người ấy thọ thân lớn nhỏ, vì sao? Vì người phá pháp, nếu nghe nói thọ thân lớn nhỏ, thì liền thổ huyết nóng, khổ hoặc chết, hoặc gần chết, người phá pháp ấy, nghe nói thân như vậy, có trọng tội như vậy, người ấy bèn rất sầu ưu, như mũi tên găm vào tim, dần dần khô héo, nghĩ rằng: Vì tội phá pháp mà phải mang thân rất xấu, chịu khổ vô lượng như vậy. Vì vậy, nên Phật không cho Xá-lợi-phất hỏi người ấy thọ thân thể lớn nhỏ.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Mong Phật nói cho, để làm giới răn sáng suốt cho đời vị lai, khiến biết được vì chất chứa nghiệp phá pháp, nên phải bị mang thân rất xấu và chịu khổ như vậy.

Phật bảo Xá-lợi-phất: Người đời sau nếu nghe người chất chứa nghiệp phá pháp đầy đủ nặng dày ấy phải chịu vô lượng khổ rất lâu trong đại địa ngục, nghe thời gian chịu khổ vô lượng rất lâu ấy, là đủ làm giới răn sáng suốt cho đời vị lai.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thiện tánh, nghe pháp ấy đủ lấy làm nương dựa, thời thà mất mạng, chớ trọn không phá pháp. Tự nghĩ, nếu ta phá pháp thời sẽ chịu khổ như vậy.

LUẬN: Xá-lợi-phất nghe nói Bát-nhã ba-la-mật vi diệu sâu xa, nghe được còn khó, huống chi thực hành! Vì thế nói: Người tin hiểu Bát-nhã thật là hy hữu. Cho nên thưa đức Thế Tôn, người tin hiểu được Bát-nhã ấy ở chỗ nào mạng chung mà sanh đến đây? Xá-lợiphất nghĩ rằng: Người ấy phải là người từ thế giới tốt đẹp mạng chung, mà sanh đến đây. Người ấy không phải là người mới phát tâm, không phải là người ít cúng dường Phật, không phải ít tu sáu ba-la-mật, người ấy chắc chắn là người đại đức, chưa phải thánh mà có thể biết được thánh pháp. Vì thế nên hỏi, đã phát tâm bao lâu, cúng dường bao nhiêu Phật, tu sáu Ba-la-mật bao lâu, mà có thể tùy thuận tin hiểu nghĩa Bát-nhã sâu thẳm. Vị Bồ-tát ấy đối với các pháp không thủ tướng, không chấp trước không, tu không hạnh, hòa hợp năm Ba-la-mật, tu Bát-nhã ba-la-mật, dùng tâm đại từ bi, vì hết thảy chúng sanh nên tu Bát-nhã ba-la-mật. Từ trong thế giới thanh tịnh của mười phương chư Phật mạng chung, mà sanh đến đây, là vì độ chúng sanh hữu duyên, làm nhân duyên cho đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Tuy có người chết ở đây sanh ở đây, song chỉ người từ chỗ Phật ở tha phương đến đây là quý. Vì từ khi phát tâm lại đây trải vô lượng vô số kiếp chứa nhóm phước đức sâu dày, nên có thể tin hiểu tùy thuận nghĩa lý thâm sâu.

Có người tuy phát tâm đã lâu từ vô lượng vô số kiếp, song không tu công đức, cho nên đây nói, từ khi phát tâm lại đây, thường tu sáu Ba-la-mật. Vì phước đức thường tu sáu ba-la-mật nên có thể được thấy, được cúng dường vô lượng vô số Phật.

Vị Bồ-tát ấy thành tựu bốn nhân duyên trên nên được vô lượng vô biên phước đức và trí tuệ. Do nhân duyên phước đức ấy, nên các phiền não mỏng, tâm được nhu nhuyến, các căn tín và tuệ được lanh lợi của Bồ-tát, thêm đắc lực dần, nên thâm nhập Bát-nhã ba-la-mật, chán ghét việc thế gian. Nếu thấy kinh quyển Bát-nhã, thời liền sanh tâm như thấy Phật; hoặc mở kinh tìm nghĩa thời liền sanh tâm như từ Phật nghe. Do thành tựu tín lực tuệ lực, nên tùy thuận hiểu nghĩa Bát-nhã thâm sâu; nghĩa là hết thảy pháp vô tướng, ra khỏi mười hai nhập, hai pháp, không hai pháp, tâm không chấp trước, gọi là không sở đắc.

Lược nói ba tướng là tùy thuận hiểu nghĩa Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề nghe nói: Thấy kinh quyển như thấy Phật, đọc kinh văn như nghe lời Phật, như tuồng có chấp trước, cho nên hỏi: Bát-nhã có thể thấy, có thể nghe ư? Ý Tu-bồ-đề cho Bát-nhã ba-la-mật rốt ráo không, thời mắt trời, tai trời còn không thấy nghe được, huống gì mắt thịt, tai thịt; mắt tuệ xuất thế gian cũng không thấy được, huống gì mắt thế gian!

Phật thuận theo ý ấy mà đáp: Bát-nhã ba-la-mật không thể thấy nghe được. Trong đây nói nhân duyên: Các pháp vào Bát-nhã ba-lamật đều một tướng, là vô tướng, trong đó không phân biệt người nghe người thấy, và có thể nghe, có thể thấy.

Người phàm phu trong ba cõi phân biệt ấy là mắt, là sắc, là tai, là tiếng, sáu căn là lợi, sáu trần là độn. Các pháp sắc v.v… là độn ; tuệ v.v… là lợi. Các pháp vào trong Bát-nhã ba-la-mật, như trăm sông về biển, đều là một vị, thế nên nói Bát-nhã ba-la-mật không thể thấy, không thể nghe; vì các pháp độn, nên từ Thí ba-la-mật cho đến Phật đạo, Tu-đà-hoàn cho đến Phật cũng như vậy.

* Lại nữa, chúng sanh lìa pháp thời không nghe được, không thấy được; pháp lìa chúng sanh cũng không nghe được, không thấy được.

Hỏi: Trên kia đã hỏi Bồ-tát phát tâm bao lâu, cúng dường bao nhiêu Phật, mà có thể tùy thuận hiểu nghĩa thâm sâu; cớ chi nay còn hỏi lại?

Đáp: Trên kia Phật nói Bát-nhã không nghe không thấy, cũng nói thấy kinh quyển Bát-nhã như thấy Phật, đọc Bát-nhã như nghe Phật nói. Với hai tướng nói Bát-nhã, nên cũng nói có thể nghe, có thể thấy, cũng nói không thể nghe không thể thấy. Thế nên trở lại hỏi Phật: Bồ-tát tu hành bao lâu mà có được phương tiện có thể hành theo có, có thể hành theo không; hành theo có mà không đọa vào ba cõi, hành theo không mà không đọa vào đoạn diệt, có thể hành theo tướng Bát-nhã ba-la-mật?

Phật đáp: Có, việc ấy không nhất định, nên phải phân biệt nói: Hoặc có Bồ-tát mới phát tâm, liền tập hành được sáu Ba-la-mật thậm thâm.

Tập hành là nhất tâm tín thọ thường hành, nhờ sức phương tiện là (trí tuệ) tuy tập hành sáu Ba-la-mật, làm nhân duyên sanh khởi phước đức, mà tâm không chấp trước.

Các pháp không thể phá hoại là tín lực, trí tuệ lực của Bồ-tát rất lớn, nên nghe pháp Đại thừa thâm sâu, liền tin, nghe pháp Thanh văn cũng tin, nghe pháp tại gia xuất gia của ngoại đạo, cũng không phá hoại, mà từ trong đó phát xuất hai thứ lợi: 1. Là phân biệt thị đạo phi đạo, bỏ phi đạo, hành theo thị đạo. 2. Là hết thảy pháp vào trong Bát-nhã ba-la-mật thì không thị, không phi, không phá bỏ, không lãnh thọ.

Không thấy các pháp không có lợi ích là tức trên kia nói từ trong đó phát xuất hai thứ lợi. Phước đức ấy đầy đủ nên trọn không xa lìa sáu Ba-la-mật, cho đến nghiêm tịnh cõi Phật.

Có Bồ-tát tuy mới phát tâm mà tín thọ sâu xa Bát-nhã ba-lamật. Có Bồ-tát phát tâm đã lâu, cúng dường ngàn vạn ức chư Phật, mà vì dùng tâm có sở đắc tu sáu Ba-la-mật, nên không tín thọ Bátnhã ba-la-mật. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Người ấy ở đời quá khứ nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu thẳm, không tin không thọ, từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, nên nay Phật nói cho, cũng không tin không thọ; vì quả báo của tội phá Bát-nhã ba-la-mật, nên nói người ấy vì nghiệp không tin không thọ, nên làm nhân duyên khởi lên nghiệp ngu si, vì nghiệp ngu si nên nghi hối tà kiến, tâm chấp trước càng tăng thêm, tâm chấp trước càng tăng nên ở giữa đại chúng chê bai phá hoại Bát-nhã ba-la-mật. Vì phá hoại Bát-nhã ba-la-mật nên phá nhất thiết trí của mười phương chư Phật; vì tội phá nhất thiết trí của mười phương chư Phật, nên khi chuyển đổi thân bị đọa đại địa ngục.

Đại địa ngục là địa ngục A-tỳ (Vô gián) chịu ưu sầu khổ não trong vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số kiếp, ưu sầu là tâm khổ, khổ não là thân khổ.

Từ một đại địa ngục đến một đại địa ngục là như do phước đức nên ở trên có trời Lục-dục; do tội nghiệp nhân duyên cũng như vậy, dưới có tám đại địa ngục. Tám đại địa ngục, mỗi mỗi có mười sáu địa ngục nhỏ, trong đó ngục A-tỳ lớn nhất. Ngoài ra, dưới trời Tứ Thiên vương, cũng như vậy. Trong ba ngàn đại thiên thế giới có trăm ức núi Tu-di, có trăm ức địa ngục A-tỳ. Thế nên nói từ một đại địa ngục A-tỳ đến một đại địa ngục A-tỳ. Như người từ hội này đến hội khác.

Lại như người vào chánh vị, từ trời đến nhân gian thọ vui, từ cõi người trở lại cõi trời thọ vui. Nếu ở đây kiếp lửa nổi lên, tội kia chưa hết, thời phải chuyển đến chịu tội trong đại địa ngục ở mười phương thế giới khác. Nếu ở nơi đó, kiếp lửa nổi lên lại phải chuyển đến phương khác. Ở phương khác kiếp lửa nổi lên, lại trở lại sanh vào địa ngục A-tỳ ở đây, triển chuyển như trước.

Tội phá Bát-nhã ba-la-mật ấy giảm bớt, thời triển chuyển sanh vào loài súc sanh khổ nhọc. Ở đó kiếp lửa nổi lên, lại phải sanh vào loài súc sanh tại thế giới khác, triển chuyển chịu khổ. Nơi kia kiếp lửa nổi lên, lại sanh lại nơi đây, lại triển chuyển như trước.

Tội bớt nhẹ dần, được làm thân người, thì sanh vào nhà hạ tiện, tức là sanh vào nhà người đui bẩm sanh, không muốn thấy Bátnhã ba-la-mật. Khinh chê người thuyết pháp nên phải sanh vào hạ tiện Chiên-đà-la, làm người dọn phân, khiêng thây chết v.v… chê bai người thuyết pháp nên chịu họa không có lưỡi, không muốn nghe pháp nên chịu họa không có tai; phi bác nên chịu họa không có tay. Người ấy tuy tâm mến Phật, nhưng vì ngu si vô trí nên hay diệt mẹ Phật (tức Bát-nhã) phá hoại pháp tạng. Vì phá hoại pháp tạng nên sanh vào chỗ không có Phật pháp tăng.

Hỏi: Sao không nói sanh trong loài ngạ quỷ?

Đáp: Người phá hoại ấy, phần nhiều do hai phiền não là sân nhuế và ngu si. Vì xan tham nên đọa ngạ quỷ, ở đây không có xan tham, nên không nói.

Hỏi: Cớ sao Xá-lợi-phất nói năm tội nghịch với tội phá pháp giống nhau?

Đáp: Xá-lợi-phất là người Thanh văn thường nghe nói năm tội nghịch rất nặng đọa địa ngục A-tỳ, chịu khổ một kiếp. Người Thanh văn không hiểu rõ cúng dường Bát-nhã được quả báo lớn, lại không biết hủy báng Bát-nhã bị tội lớn, cho nên nêu năm tội nghịch, so sánh hỏi giống nhau chăng? Đáp rằng: Không giống nhau, vì cách nhau xa lắm, vì sao? Vì người hủy báng Bát-nhã, tự mất lợi lớn, cũng làm người khác mất; tự xa lìa Bát-nhã, cũng khiến người khác xa lìa; tự phá hoại thiện căn cũng phá hoại thiện căn của người khác; tự xoa độc tà kiến, cũng xoa độc tà kiến vào người khác; tự mất thân mình cũng làm mất thân người; vì tự không biết, vì đắm trước pháp ái, nên tự phá cũng khiến người khác phá Bát-nhã ba-la-mật. Như cha mẹ thương con, ân đức cùng cực trong một đời, lại vì có nhân duyên nên thương yêu, còn Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật thâm tâm ái niệm chúng sanh trong vô lượng đời. Cha mẹ nghĩ đến con, không thể đem một con mắt cho, còn người tu Bát-nhã ba-la-mật đem đầu mắt tủy não chất quá núi Tu-di thí cho chúng sanh trong vô lượng kiếp. Làm thân Phật chảy máu, giết A-la-hán là chỉ hoại thân xác thịt, chứ không hoại pháp thân, phá hoại Tăng chỉ làm xa lìa quyến thuộc, đó là tán thán năm pháp không phá hoại Bát-nhã; thế nên không được cho năm tội nghịch giống với tội phá hoại Bát-nhã ba-la-mật.

Bát-nhã ba-la-mật hay khiến người làm Phật, nên tội hủy hoại Bát-nhã không thể lấy gì mà ví dụ được. Thế nên đối với người phá Bát-nhã, Ta không muốn cho nghe danh tự Bát-nhã, huống gì cho mắt thấy, người phá Bát-nhã ấy, hoặc do phước đức đời trước, học rộng nghe nhiều, giàu sang oai đức, khéo nói năng, các quyến thuộc Ma, thường đi theo hổ trợ. Bồ-tát chưa được địa vị bất thối, thấy kia được nhiều người cúng dường, có nhiều đệ tử xuất gia tại gia, thế nên nếu có ai khen ngợi danh tiếng người ấy, còn không muốn nghe, huống gì thân cận lễ bái, lãnh thọ lời giáo huấn, vì sao? Vì Bồ-tát muốn tăng trưởng thiện pháp, lợi ích chúng sanh, còn người ấy chỉ muốn phá pháp, khiến chúng sanh đọa vào chỗ suy vi ô trược, hai việc trái ngược nhau.

Suy vi ô trược, là như người mắc chứng suy vi, tuy mặt áo đẹp, đồ ăn ngon, thường không có sắc lực, tuy siêng năng làm việc, mà tài sản mỗi ngày hao mòn. Vì người ấy phá hoại pháp bảo tối thượng của chư Phật, nên tuy thân nghiệp, khẩu nghiệp lành, trì giới, bố thí, đọc kinh, mà pháp lành không hề tăng trưởng, như nước bùn đục, soi không thấy mặt cũng không thể uống. Với người ấy không nên thân cận, nếu thân cận thời dễ nhiễm trước. Người ấy vì phá pháp nên tà kiến nghi hối thường nhiễu loạn tâm. Pháp được nghe trước, ái trước sâu nặng, không hiểu tướng Bát-nhã ba-la-mật, nên nói Bátnhã ba-la-mật không có gì, trống không, không bền chắc, không có tội phước. Vì tâm kia bị ô trược tán loạn ngăn che như vậy, nên không thấy được tướng thật pháp thanh tịnh.

Tánh hắc ám là trong Phật pháp, pháp thiện gọi là bạch, pháp bất thiện gọi là hắc. Người ấy thường chứa nhóm pháp bất thiện, nên thành tánh bất thiện. Nếu có tín thọ lời người ấy, thì tội người kia cũng đồng.

Hỏi: Cớ sao Xá-lợi-phất hỏi người kia thọ thân lớn nhỏ, mà Phật không đáp?

Đáp: Xá-lợi-phất đã nghe thời tiết và nơi chốn thọ tội, song không nghe nói thân kia lớn nhỏ, ý muốn nghe Phật nói thân kia lớn. Lại như thân Đế-thích cao mười dặm, thọ vui đầy khắp, nên muốn biết thân thọ tội lớn thời thọ khổ cũng nhiều. Có hai nhân duyên nên Phật không nói: 1. Là trên đã nói kia ở trong hai đường ác chịu khổ lâu đời, nay lại nói thân kia to lớn xấu xí, người ta hoặc không tin; người không tin sẽ chịu khổ kịch liệt lâu dài. 2. Là nếu tin lời Phật thời lo sợ lớn, lo sợ nên gió nổi lên, thổ huyết nóng mà chết. Hoặc như chết là, giả sử không chết nhưng thân thường khô héo. Nếu không tin đời sau chịu trọng tội, nên Phật không nói.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Nay tuy vì hai nhân duyên nên không nói, mong thương xót người vị lai mà nói.

Phật dạy: Nếu người có tánh bạch tịnh thiện căn, là đủ làm chỗ nương tựa. Tánh bạch tịnh là trái với tánh hắc ám. Nương tựa là nghe nói chịu khổ liền không dám làm. Nếu không tin, thời tuy nói thân lớn cũng không tin; nếu tin nghe trên nói chịu khổ lâu dài là đủ để tin, trong ba nghiệp nên nhiếp hộ thân khẩu ý.

(HẾT CUỐN 62 THEO BẢN HÁN).

KINH: Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Thiện nam tử, thiện nữ nhân, nên khéo nhiếp nghiệp thân miệng ý, không chịu các khổ như vầy: Hoặc không thấy Phật, hoặc không nghe pháp, hoặc không gần gũi Tăng, hoặc sanh trong thế giới không có Phật, hoặc sanh vào nhà bần cùng trong cõi người, hoặc bị người ta không tin thọ lời người kia nói.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Vì chất chứa nghiệp miệng, nên có trọng tội phá pháp ấy.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Vì chất chứa nghiệp miệng nên có trọng tội phá pháp ấy.

Tu-bồ-đề, người ngu si ấy xuất gia thọ giới trong Phật pháp, mà phá Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, chê bai không lãnh thọ.

Tu-bồ-đề, nếu phá Bát-nhã ba-la-mật, chê bai Bát-nhã bala-mật, thời là phá nhất thiết trí của mười phương chư Phật; phá nhất thiết trí thời là phá Phật bảo; phá Phật bảo nên phá pháp bảo; phá pháp bảo nên phá Tăng bảo. Phá Tam Bảo thời là phá chánh kiến thế gian; phá chánh kiến thế gian thời là phá bốn niệm xứ, cho đến phá trí nhất thiết chủng; phá trí nhất thiết chủng, thời mắc vô lượng vô biên vô số tội; mắc vô lượng vô biên vô số tội thì chịu vô lượng vô biên vô số ưu khổ.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Người ngu si chê bai phá hoại Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu; có mấy nhân duyên?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Có bốn nhân duyên, người ngu si ấy chê bai phá hoại Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu.

Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn! Những gì là bốn? Người ngu si ấy bị Ma sai khiến muốn chê bai phá hoại Bát-nhã ba-lamật thâm sâu; ấy là nhân duyên đầu. Người ngu si ấy không tin pháp sâu, không tin không hiểu, tâm không được thanh tịnh; ấy là nhân duyên hai, người ngu si ấy muốn chê bai phá hoại Bátnhã ba-la-mật thâm sâu. Người ngu si ấy đi theo ác tri thức; tâm chìm đắm lười biếng, chấp chặc năm thọ uẩn; ấy là nhân duyên ba, người ngu si ấy muốn chê bai phá hoại Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu. Người ngu si ấy nhiều sân giận, tự cao khinh người; ấy là nhân duyên bốn, người ngu si ấy chê bai phá hoại Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu. Tu-bồ-đề, vì bốn nhân duyên ấy người ngu si muốn chê bai phá hoại Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu.

LUẬN: Hỏi: Nghiệp miệng là phá pháp; cớ sao nói nhiếp giữ ba nghiệp thân, miệng, ý?

Đáp: Nghiệp ý là gốc của nghiệp miệng, nếu muốn nhiếp nghiệp miệng, trước phải nhiếp nghiệp ý, nghiệp ý nhiếp, nên nghiệp thân, nghiệp miệng cũng lành, nghiệp thân miệng lành, thời nghiệp ý cũng lành.

Trong đây Tu-bồ-đề nói nhân duyên: Chẳng chịu các khổ ấy, hoặc không được thấy Phật v.v… Người đời cho nghiệp thân là nặng, nghiệp miệng là nhẹ, nên Tu-bồ-đề hỏi: Chỉ do nghiệp miệng mà bị tội như thế ư? Phật nhận ý đó, nên khai thị rằng: Người ngu si tự không có việc chi cấp bách, cũng không ai khiến làm, cũng không được gì, mà tự đem lưỡi mình gây tội như vậy, thật là người đại cuồng! Người cuồng ấy đời vị lai, ở trong pháp của Ta xuất gia, người xuất gia có năm chúng, người thọ giới của Ta có bảy chúng; người Thanh văn ấy chấp trước pháp Thanh văn. Phật pháp quá 500 năm sau, phân biệt ra có 500 bộ phái, từ đó trở đi, vì tìm tướng quyết định của các pháp, chấp lấy pháp mình, không biết Phật vì sự giải thoát nên thuyết pháp, mà cứ chấp chặc ngôn ngữ, nên khi nghe nói Bát-nhã các pháp rốt ráo không, thì như dao cắt tâm, đều cho rằng pháp quyết định như vậy, sao nay lại nói không có! Ở nơi Bát-nhã ba-la-mật không có đắc không có trước tướng, lại đắc lại trước tướng, rồi chê bai phá hoại cho là chẳng phải Phật giáo. Phật vì thương xót chúng sanh nên nói là đạo là phi đạo, nay trong Bát-nhã là đạo là phi đạo, đều là một tướng, tức là vô tướng. Thế nên trước tiên sanh ý nghi ngờ, sau tâm quyết định sanh tà kiến đối với pháp không. Tà kiến đắc lực nên ở giữa đại chúng nơi nơi đều chê bai hủy hoại Bát-nhã ba-la-mật, vì hủy hoại Bát-nhã ba-la-mật thời phá các công đức nhất thiết trí v.v… của mười phương ba đời chư Phật. Phá công đức Phật tức là phá Tam bảo, phá Tam bảo thời phá nhân duyên an lạc của thế gian đó là chánh kiến của thế gian; nếu phá chánh kiến của thế gian thời phá nhân duyên an lạc của xuất thế gian. Chánh kiến của xuất thế gian là bốn niệm xứ, cho đến trí nhất thiết chủng. Pháp ấy là nhân duyên của vô lượng vô biên phước đức, phá pháp ấy thời mắc vô lượng vô biên tội. Mắc vô lượng vô biên tội, nên chịu vô lượng vô biên ưu sầu khổ não.

Hỏi: Trước đã nói nhân duyên phá pháp, đó là ái trước pháp, sao Tu-bồ-đề lại còn hỏi?

Đáp: Trước trong luận nói, nay trong kinh nói, trước nói không khắp, nay nói rộng khắp, đó là bốn nhân duyên: Người ấy bị Ma sai khiến, hoặc Ma hoặc Ma dân đến vào trong tâm kia, chuyển đổi thân miệng khiến hủy phá Bát-nhã ba-la-mật, như Phật ba lần hỏi A-nan cõi Diêm-phù-đề vui, sống lâu cũng vui? mà vì bị Ma vào thân nên ba lần A-nan không đáp lời Phật. A-nan được Sơ quả, còn bị Ma quấy huống gì người phàm?

* Lại nữa, Ma có bốn thứ: Ma ngũ uẩn, Ma phiền não, Ma chết, Ma thiên tử tự tại. Trong bốn loại Ma này, phần nhiều là Ma phiền não, Ma thiên tử tự tại, xúi đừng tin Bát-nhã, tham đắm pháp mình, ganh tị pháp khác; ngu si điên đảo nên hay hủy phá Bát-nhã ba-la-mật.

Có người nói: Nhân duyên đầu là Ma phiền não, nhân duyên thứ tư là Ma thiên tử. Bị hai loại Ma ấy xúi sử nên gọi là bị Ma sai khiến. Chấp chặc tà kiến tham ái pháp mình, tuệ căn ám độn, không hiểu Phật ý, không tin không thọ Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, cho nên phá. Người có lợi căn kham tín thọ được, Ma không đến được, chỉ có theo lời ác sư nên cũng phá Bát-nhã. Có người tuy thuộc ác tri thức mà kiết sử mỏng, nên siêng tinh tấn, có thể tin Bát-nhã ba-lamật. Cho nên hai việc hợp lại làm một, cũng thuộc ác tri thức, cũng đắm sâu năm uẩn, kiết sử dày, tâm sanh lười biếng, cho nên không tin Bát-nhã; người ấy đời đời chứa nhiều sân hận, thành tánh. Tướng trạng của sân là tướng bất tín, người ấy cương cường tự cao, khinh hèn người thuyết pháp, nghĩ rằng: Trí và đức của ta như vầy mà còn không hiểu được, huống chi người ngu si làm sao biết được. Vì tâm sân hận kiêu mạn nhiều ấy nên phá hoại Bát-nhã ba-la-mật.

KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bátnhã ba-la-mật thâm sâu ấy, người không siêng tinh tấn, gieo căn bất thiện, tương đắc với bạn ác, thời khó tin khó hiểu.

Phật dạy: Như vậy, như vậy! Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, người không siêng tinh tấn, gieo trồng căn bất thiện, tương đắc với bạn ác, thì khó tin khó hiểu.

Tu-bồ-đề bạch Phât rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã bala-mật ấy vì sao thâm sâu, khó tin khó hiểu?

Tu-bồ-đề! Sắc chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì ấy là thọ, tưởng, hành, thức. Thí ba-la-mật chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì là Thí ba-la-mật; Giới ba-la-mật chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là Giới ba-la-mật; Nhẫn bala-mật ấy chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là Nhẫn ba-la-mật; Tấn ba-la-mật chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là Tấn ba-la-mật; Thiền bala-mật chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là Thiền ba-la-mật; Bát-nhã ba-la-mật chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề, nội không chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là nội không; cho đến vô pháp hữu pháp không chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là vô pháp hữu pháp không. Bốn niệm xứ chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là bốn niệm xứ; cho đến nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì tánh không có sở hữu gì, ấy là nhất thiết chủng trí.

Tu-bồ-đề, sắc bản tế chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì bản tế, tánh không có sở hữu gì, ấy là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí nhất thiết chủng bản tế chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì bản tế, tánh không có sở hữu gì, ấy là trí nhất thiết chủng.

Tu-bồ-đề, sắc hậu tế (đời sau) chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì sắc hậu tế tánh không có sở hữu gì, ấy là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí nhất thiết chủng hậu tế, chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì hậu tế, tánh không có sở hữu gì, ấy là trí nhất thiết chủng.

Tu-bồ-đề, sắc hiện tại chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì hiện tại, tánh không có sở hữu gì, ấy là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí nhất thiết chủng, hiện tại chẳng trói chẳng mở, vì sao? Vì hiện tại, tánh không có sở hữu gì, ấy là trí nhất thiết chủng.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã bala-mật, người không siêng tinh tấn, không trồng căn lành, tương đắc với bạn ác, giải đãi ít tiến, ưa quên, không có tuệ thiện xão phương tiện. Người như vậy, thật khó tin khó hiểu.

Tu-bồ-đề, như vậy, như vậy! Bát-nhã ba-la-mật ấy, người không siêng tinh tấn, không trồng căn lành, tương đắc với bạn ác, hệ thuộc với Ma, giải đãi ít tiến, ưa quên, không có tuệ thiện xảo phương tiện, người như thế, thật khó tin khó hiểu, vì sao? Vì sắc tịnh, quả cũng tịnh; thọ, tưởng, hành, thức tịnh, quả cũng tịnh; cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tịnh, quả cũng tịnh.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, vì sắc tịnh tức Bát-nhã ba-la-mật tịnh, Bát-nhã ba-la-mật tịnh tức sắc tịnh; thọ, tưởng, hành, thức tịnh, tức Bát-nhã ba-la-mật tịnh, Bát-nhã ba-la-mật tịnh tức thọ, tưởng, hành, thức tịnh; cho đến trí nhất thiết chủng tịnh tức Bát-nhã ba-la-mật tịnh; Bát-nhã ba-la-mật tịnh tức trí nhất thiết chủng tịnh. Sắc tịnh với Bát-nhã ba-la-mật tịnh, không hai không khác, không dứt không hoại; cho đến trí nhất thiết chủng tịnh với Bát-nhã ba-la-mật tịnh, không hai không khác, không dứt không hoại.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Không hai tịnh nên sắc tịnh, không hai tịnh nên cho đến trí nhất thiết chủng tịnh, vì sao? Vì không hai tịnh ấy với sắc tịnh, cho đến trí nhất thiết chủng tịnh, không hai không khác. Vì ngã tịnh, chúng sanh tịnh, cho đến kẻ biết, kẻ thấy tịnh, nên sắc tịnh; thọ, tưởng, hành, thức tịnh cho đến trí nhất thiết chủng tịnh. Vì sắc tịnh cho đến trí nhất thiết chủng tịnh, nên ngã, chúng sanh, cho đến kẻ biết, kẻ thấy tịnh, vì sao? Vì ngã, chúng sanh cho đến kẻ biết, kẻ thấy tịnh với sắc tịnh cho đến trí nhất thiết chủng tịnh, không hai không khác, không dứt không hoại.

LUẬN: Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: “Bát-nhã ba-la-mật ấy rất sâu thẳm, nên người giải đãi, theo ác tri thức, trồng giống căn bất thiện, khó tin, còn trái với đây, gọi là tin Bát-nhã ba-la-mật” Phật chấp nhận lời đó.

Tu-bồ-đề lại hỏi: Bát-nhã ba-la-mật ấy rất sâu thẳm thế nào nên khó tin?

Phật đáp: Các pháp sắc v.v… không trói không mở. Ba độc là trói, ba cửa giải thoát là mở. Ba độc phiền não ấy hư vọng không thật, do nhân duyên hòa hợp sanh, không có tự tánh cho nên không trói, vì không trói nên không mở. Phá ba độc ấy nên ba cửa giải thoát cũng không.

– Lại nữa, thủ trước các pháp, khởi lên hết thảy điên đảo phiền não là trói. Nếu sự trói có tự tánh nhất định thời không thể mở. Nếu nó thật có nhất định, ai phá được nó. Nếu phá thời bị rơi vào đoạn diệt, còn nếu các phiền não điên đảo thủ tướng, là hư dối không thật, thì cũng không có gì để dứt.

– Lại nữa, tất cả tâm tâm số pháp (tức tâm sở) ức tưởng phân biệt, thủ tướng, đều bị trói trong các duyên, nếu ở vào trong thật tướng các pháp, biết chúng đều hư dối, như Phẩm trên nói: Tướng trạng của tâm thanh tịnh là chẳng phải tâm tướng. Sự trói ấy “không” nên sự mở cũng không. Có các nhân duyên như vậy, nên các pháp sắc v.v… không trói không mở.

Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Các pháp sắc v.v…, là pháp hữu vi tạo tác, do nhân duyên hòa hợp sanh, không có định tánh; nên kinh nói các pháp sắc v.v… tánh không có sở hữu gì ấy là sắc v.v….

– Lại nữa, các pháp sắc v.v… trong ba đời không trói không mở, như đã phá ở đoạn phá ba đời trong Trung luận.

Khi ấy, Tu-bồ-đề, biết Bát-nhã ba-la-mật chẳng phải sâu thẳm, chẳng phải không sâu thẳm, như trong Phẩm sau nói: Nếu bảo Bátnhã ba-la-mật rất sâu thẳm, ấy thời xa lìa Bát-nhã ba-la-mật. Vì thế nên bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Người ác cho Bát-nhã ba-lamật rất sâu thẳm khó hiểu, người ấy chẳng phải người lành. Người ác không tương ưng với Bát-nhã, không nhất tâm siêng tinh tấn, không gieo trồng thiện căn hiểu Bát-nhã ba-la-mật, đi theo ác sư phá hoại Bát-nhã. Giải đãi là tham đắm cái vui thế gian, không ưa xuất thế gian, người như thế, nếu có tinh tấn, thì quá ít không đủ nói: Bị các phiền não loạn tâm cho nên ưa quên. Tướng thiện không thiện không phá, kiêu mạn không trừ, tà kiến hý luận, nên tìm thật tướng các pháp, không biết phân biệt tướng các pháp tốt xấu, ấy gọi là không có tuệ thiện xão phương tiện.

Có các ác pháp như vậy, nên người ấy khó hiểu Bát-nhã sâu thẳm v.v… Phật chấp nhận ý ấy, nên nói: Như vậy, như vậy.

Hỏi: Trong lời Tu-bồ-đề không có Ma sự, sao trong lời Phật nói lại có thêm chuyện Ma?

Đáp: Tu-bồ-đề nói thẳng nhân duyên trong ngoài không đầy đủ, nay Phật nói đầy đủ rằng: Người ấy bị Ma sai sử. Phật lại muốn nói tuớng sâu thẳm khó hiểu, bảo với Tu-bồ-đề: Các pháp sắc v.v… tịnh, nên quả cũng tịnh. Bốn niệm xứ là quả của các pháp sắc v.v…, vì sao? Vì quán các pháp sắc v.v… bất tịnh, vô thường v.v… đầu tiên được thân niệm xứ. Các niệm xứ khác nói như trên. Trong đó tánh của bốn niệm xứ là vô lậu, dứt hết các phiền não là Niết-bàn, cho nên thanh tịnh. Thấy quả tịnh nên biết nhân cũng tịnh.

Hỏi: Trước nói nhờ quán sắc v.v… bất tịnh, vô thường v.v… được thân niệm xứ, cớ sao nay nói quả tịnh nên nhân cũng tịnh?

Đáp: Quán bất tịnh là cửa vào ban đầu, chẳng phải thật quán. Thế nên quán bất tịnh không ở trong mười sáu thánh hạnh. Trong mười sáu thánh hạnh quán vô thường, khổ, không, vô ngã, chẳng quán bất tịnh. Điên đảo chấp tịnh nên sanh dâm dục, phá tịnh nên nói bất tịnh, chứ chẳng phải thật, cho nên quán bất tịnh không đưa vào mười sáu thánh hạnh, nó chỉ đuợc giải quán (Chứ không phải thật quán -N.D)

Trong Bát-nhã không quán thường, không quán vô thường, không quán tịnh, không quán bất tịnh v.v… Thường, vô thường, tịnh, bất tịnh, không thật v.v… các quán hý luận ấy diệt, ấy là thật tướng sắc. Thật tướng sắc vốn tịnh, nên quả cũng tịnh.

– Lại nữa, trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bát-nhã ba-la-mật như hư không, rốt ráo thanh tịnh, không có nhiễm ô, ấy là Bát-nhã ba-la-mật. Quán thật tướng các pháp sắc v.v.. chẳng sanh chẳng diệt, tu sáu Ba-la-mật, bốn niệm xứ như vậy có thể được Bát-nhã ba-lamật. Bát-nhã ba-la-mật ấy có ba nhân duyên là chánh quán, chánh hạnh, chánh tu. Thế nên nói Bát-nhã ba-la-mật tịnh nên các pháp sắc v.v… tịnh; vì các pháp sắc v.v… tịnh, nên Bát-nhã ba-la-mật tịnh, vì sao? Vì các pháp sắc v.v… với Bát-nhã ba-la-mật ở trong thật tướng thì không hai không khác. Vì không dị không biệt, không lìa không tán, nên chẳng dứt chẳng hoại.

– Lại nữa, như “Ngã” tìm khắp trong mười phương ba đời, không thể có được, chỉ trong năm uẩn chỉ có giả danh. Chúng sanh cho đến kẻ biết kẻ thấy cũng như vậy. Giống như “Ngã” là không, không có gì của chính nó, thanh tịnh, nên các pháp cũng như vậy.

KINH: Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì tham tịnh nên sắc tịnh, cho đến trí nhất thiết chủng tịnh, vì sao? Vì tham tịnh và sắc tịnh cho đến trí nhất thiết chủng tịnh, không hai không khác. Vì sân, si tịnh nên sắc tịnh, cho đến trí nhất thiết chủng tịnh; vì sao? Vì sân, si và sắc tịnh cho đến trí nhất thiết chủng tịnh, không hai không khác, không dưt không hoại.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì vô minh tịnh nên các hành tịnh, các hành tịnh nên thức tịnh; thức tịnh nên danh sắc tịnh, danh sắc tịnh nên lục nhập tịnh; lục nhập tịnh nên xúc tịnh; xúc tịnh nên thọ tịnh; thọ tịnh nên ái tịnh, ái tịnh nên thủ tịnh; thủ tịnh nên hữu tịnh; hữu tịnh nên sanh tịnh; sanh tịnh nên lão tử tịnh, lão tử tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật tịnh, Bát-nhã ba-la-mật tịnh nên cho đến Thí ba-la-mật tịnh; Thí ba-la-mật tịnh nên nội không tịnh, nội không tịnh nên cho đến vô pháp hữu pháp không tịnh; vô pháp hữu pháp không tịnh nên bốn niệm xứ tịnh; bốn niệm xứ tịnh, nên cho đến nhất thiết trí tịnh, nhất thiết trí tịnh, nên nhất thiết chủng trí tịnh, vì sao? Vì nhất thiết trí tịnh và nhất thiết chủng trí tịnh, không hai không khác, không dứt không hoại.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật tịnh nên sắc tịnh, cho đến Bát-nhã ba-la-mật tịnh nên nhất thiết trí tịnh, vì Bát-nhã ba-la-mật tịnh ấy và nhất thiết trí tịnh, không hai không khác.

Tu-bồ-đề, vì Thiền ba-la-mật tịnh cho đến nhất thiết trí tịnh; Tấn ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Thí ba-lamật tịnh nên cho đến nhất thiết trí tịnh; vì nội không tịnh nên cho đến nhất thiết trí tịnh; vì bốn niệm xứ tịnh nên cho đến nhất thiết trí tịnh.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì nhất thiết trí tịnh nên cho đến Bát-nhã ba-la-mật tịnh. Như vậy mỗi mỗi như trước nói.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì hữu vi tịnh nên vô vi tịnh; vì sao? Vì hữu vi tịnh và vô vi tịnh, không hai không khác, không dứt không hoại.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì quá khứ tịnh nên vị lai, hiện tại tịnh; vì vị lai tịnh nên quá khứ, hiện tại tịnh; vì hiện tại tịnh nên quá khứ vị lai tịnh, vì sao? Vì hiện tại tịnh và quá khứ vị lai tịnh, không hai không khác, không dứt không hoại.

LUẬN: Hỏi: Phật dạy ba độc là cấu uế bất tịnh; cớ sao trong đây nói vì tham dục v.v… tịnh, nên sắc v.v… cũng tịnh?

Đáp: Phật dạy thật tánh của ba độc thanh tịnh, nên các pháp sắc v.v… cũng thanh tịnh. Vì ba độc tịnh và sắc v.v… tịnh, không hai không khác. Muốn nói rộng ba độc thanh tịnh và nhân duyên quả bảo của ba độc thanh tịnh, nên nói vì vô minh tịnh nên các hành cũng tịnh.

Vô minh tịnh là vì vô minh rốt ráo không, như trong đoạn mười dụ phá vô minh nói. Từ mười hai nhân duyên cho đến trí nhất thiết chủng cũng như vậy. Nên vì sắc v.v..vô minh v.v… các pháp thanh tịnh, nên Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh. Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh, nên pháp sở hành của các Bồ-tát như Thiền ba-la-mật cho đến trí nhất thiết chủng đều thanh tịnh. Thiền ba-la-mật v.v… cũng như vậy.

– Lại nữa, Vì mười tám không không nên sắc v.v… cho đến trí nhất thiết chủng không, cho đến vì trí nhất thiết chủng không, nên mười tám không cũng không. Trí nhất thiết chủng không lìa mười tám không, mười tám không, không lìa trí nhất thiết chủng. Thế nên nói không hai không khác.

Không tức là thanh tịnh. Nay sắc cho đến trí nhất thiết chủng, một pháp làm đầu, các pháp khác mỗi mỗi đều làm đầu, triển chuyển đều thanh tịnh.

– Lại nữa, vì các pháp nhiều vô lượng, nên lược nói pháp hữu vi, vô vi. Thật tướng của pháp hữu vi tức là pháp vô vi. Như hành giả thanh tịnh tìm tướng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh trong các pháp không thể có được. Nếu không thể có được, ấy là thật biết pháp hữu vi; thật biết không thể có được, tức là pháp vô vi. Thế nên nói pháp hữu vi thanh tịnh nên pháp vô vi thanh tịnh.

– Lại nữa, nhân pháp hữu vi nên biết pháp vô vi; thánh nhân được pháp vô vi ấy, nói tướng pháp hữu vi. Thế nên nói vì pháp hữu vi thanh tịnh nên pháp vô vi thanh tịnh, pháp vô vi thanh tịnh nên pháp hữu vi thanh tịnh. Pháp hữu vi ở trong ba đời, nên nói đời quá khứ thanh tịnh nên đời vị lai cũng thanh tịnh; đời vị lai thanh tịnh nên đời quá khứ cũng thanh tịnh, vì sao? Vì như đời quá khứ phá hoại tán diệt, không có gì nên không, đời vị lai chưa sanh chưa có nên không, ba đời không có nên hiện tại cũng không có, vì sao? Vì có trước có sau, mới biết có hiện tại.

– Lại nữa, pháp hữu vi niệm niệm sanh diệt, nên không có lúc nào ngưng trụ, lúc ngưng trụ không có, nên không có đời hiện tại. Vì ba đời không, nên pháp hữu vi không, vì pháp hữu vi không nên pháp vô vi không. Không tức là rốt ráo thanh tịnh, không phá không hoại, không hý luận như hư không.

Như vậy Bát-nhã ba-la-mật rốt ráo thanh tịnh, là pháp tạng của chư Phật ba đời. Vì tội phá hoại ngôn thuyết văn tự có khả năng tuyên thật tướng Bát-nhã ấy, nên đọa địa ngục.

Hỏi: Nếu không tin Bát-nhã bị đọa địa ngục, tin thời được làm Phật. Nếu người phạm năm tội nghịch, phá giới, tà kiến, lười biếng, mà tin Bát-nhã, người ấy có được thành Phật không? Lại có người trì giới, tinh tấn, mà không tin Bát-nhã, tại sao đọa địa ngục?

Đáp: Phá Bát-nhã có hai cách: Bát-nhã chính miệng Phật nói ra, đệ tử tụng tập, chép thành kinh quyển, người ngu báng bổ rằng: Đó chẳng phải Phật nói, mà là Ma hoặc Ma dân nói, và là thủ bút của người tà kiến chấp đoạn diệt, trang nghiêm miệng lưỡi nói ra; hoặc cho rằng tuy là Phật nói song trong đó nơi nơi người khác thêm thắt vào, hoặc có người tâm chấp trước phân biệt, chấp thủ tướng mà nói Bát-nhã ba-la-mật, miệng tuy nói không, mà tâm đắm hữu. Trong các người phỉ báng ấy, người hủy phá đầu bị đọa vào đại địa ngục, vì không hiểu được ý Bát-nhã của thánh nhân nói; người hủy phá thứ hai là người tâm chấp trước nghị luận nên không gọi là hủy phá Bát-nhã; như ông Điều Đạt làm thân Phật chảy máu, mà thầy thuốc Kỳ Vực cũng làm thân Phật chảy máu, tuy đồng làm chảy máu, mà tâm khác nhau, nên một người mắc tội, một người được phước. Như vẽ tượng Phật, một người vì thấy tượng không đẹp nên phá để vẽ lại, một người vì ác tâm nên phá, do tâm khác nhau nên một người được phước, một người mắc tội. Người phá Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy.

– Lại nữa, hoặc có người phá Bát-nhã, tuy tâm không sân hận, không khinh Phật, mà chỉ vì tâm ức tưởng phân biệt cho rằng pháp ấy sâu xa do bậc nhất thiết trí nói, thời lẽ phải có ý nghĩa thâm diệu, chứ sao lại nói tất cả đều không? Phật lấy tâm vô trước, vì độ chúng sanh nên nói pháp, còn người ấy vì tâm chấp trước thủ tướng, nên khởi nghiệp miệng chê bai, phá hoại Bát-nhã, khởi nghiệp thân, lấy tay chỉ chỏ bài bác, chỉ chỏ hủy báng đuổi đi. Trái với hai thứ bất tín này nên gọi là hai thứ tin: 1. Biết thật nghĩa Bát-nhã mà tin, được quả báo như Kinh nói. 2. Tin ngôn ngữ văn tự của Kinh quyển; được công đức ít. Vì tà kiến tội nặng nên tuy thân, khẩu nghiệp trì giới tốt cũng đi theo ác tâm tà kiến; như Phật tự nói thí dụ: Như trồng giống đắng, tuy vẫn do bốn đại tạo thành, vẫn là vị đắng, người tà kiến cũng như vậy, tuy trì giới, tinh tấn, vẫn thành pháp ác. Trái với đây, gọi là chánh kiến, người tạo năm tội nghịch, tội ác thường che, tâm còn nghi ngờ nghiệp báo đời này đời sau, huống gì tin được Bát-nhã thậm thâm. Tuy chép Kinh quyển cúng dường, mong khỏi tội ác, vẫn cách Bát-nhã rất xa. Hoặc nhờ có nhân duyên thanh tịnh, gặp thiện tri thức, đời trước chứa nhóm phước đức, lợi trí đệ nhất, tin Bát-nhã ba-la-mật, nên có thể được quả báo như Kinh nói. Như vua A-xà-thế có tội giết cha, mà nhờ Phật và Văn-thù Sư-lợi thiện tri thức, nên trừ được trọng tội, được như Kinh nói quả báo Bát-nhã, là được thọ ký đạo vô thượng.