GIAI NHÂN ÁO PHƯỢNG
(Báo Ứng Tập 6)
HẠNH ĐOAN
Sưu tầm & biên dịch
Nhà Xuất Bản Phương Đông

 

VƯƠNG QUẢ PHỤ

Trước giải phóng, nơi thị trấn bà ngoại tôi cư ngụ, có một hộ họ Vương. Chồng đã mất sớm, chỉ còn cô nhi quả phụ nương nhau mà sống, nếm trải nhiều cơ cực gian nan, cư dân quanh đó thường giúp đỡ cho họ.

Sau khi giải phóng rồi, nhà Vương quả phụ được xếp vào loại bần hàn, lý lịch tốt, con trai được nhận vào làm cho nhà nước, địa vị thăng cao… rồi chàng cưới vợ, bà có dâu, cuộc sống họ thay đổi cực tốt.

Vương bần phụ bây giờ thành thân phận quyền quý, là mẹ của con trai có chức cao, nhưng bà lại thuộc hạng tiểu nhân (hễ đắc thế nhất thời, thì đâm ra hống hách, coi người chẳng ra chi), bà sống theo kiểu “mục hạ vô nhân” thẳng thừng ngoảnh mặt quay lưng với láng giềng xưa kia đã hết lòng giúp đỡ mẹ con bà, trong mắt bà hiện thời chỉ có cán bộ và công xã, đối với láng giềng chung quanh bà rẻ rúng coi khinh, thấy ai cũng chướng mắt…

Do bà không biết tạo phúc tích đức nên chẳng bao lâu thi con trai lăn ra chết, nàng dâu cũng vội vàng cải giá, vì vợ chồng họ trước đây không có con… bỏ bà ở lại một mình, sống tiếp tháng ngày cô khổ linh đinh.

Lúc hơn 70 thì bà mắc bệnh, nằm liệt trên giường. Có ông A là láng giềng đến thăm, cho bà thức ăn. Bà không còn thái độ kiêu ngạo như ngày trước, biến thành lễ phép nhũn nhặn…

Bà chết rồi, ngay cả quan tài cũng không có, láng giềng dùng chiếu đắp cho, vùi thây bà xuống đất… Xem như chuỗi ngày cuối đời của bà kết thúc trong thê thảm, lạnh lẽo.

Nhưng đúng ra chẳng phải bà nghèo tới không quan tài chôn, người tạo ra thảm cảnh này chính là ông láng giềng thân tín. Chính ông A đã tạo ra bi kịch “chết không quách chôn” cho bà.

Nguyên là hồi sinh tiền bà Vương rất tín nhiệm ông A, nên trước lúc lâm chung đã ký thác số tiền 300 đồng (là của cải mình từng tích lũy) giao cho ông A nhờ mua quan tài, lo hậu sự… giúp bà.

Nhưng vào thời buổi đỏ, 300 đồng là số tiền cực lớn, khiến ông A bị tối mắt vì tâm tham nổi lên, ông đã âm thầm nuốt gọn số tiền to đó. ông A làm vậy là quá táng tận lương tâm.

Kết quả ông A cũng chẳng được hưởng phúc dài lâu, gia đình bỗng suy sụp lụn bại. ông cỏ hai con trai, nhưng một đứa thì bị hỏa xa tông gãy chân, cả đời tàn phế, còn một đứa thì bị chết yểu… Láng giềng chung quanh đều nói: ông A bị báo ứng!

Bình: Tuy Vương phụ hống hách kiêu ngạo, cũng chẳng phải là nguyên nhân khiến con trai yểu mệnh. Nhưng người được phú quý mà không huân bồi lòng nhân, không lưu tâm tích thiện tạo phúc, lại sống vô ơn bạc nghĩa… thì khó hưởng phúc dài lâu, cũng không thể tìm ra người sống thực lòng với mình được nữa.

Còn Ông A, ngay cả tiền mua quan tài cho người chết cũng dám tham chiếm, nuốt trọn, dù hồn bà Vương không theo ám, thì thiên lý cũng khó dung. Do ông A dám làm việc xấu này, nên đã chiêu cảm quả xấu khiến gia đình lụn bại.