ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
 (Theo bản in của Phật Quang Viện, thành phố Bản Kiều, Ðài Loan, tháng 2 năm 1982)
 Cư sĩ Lý Viên Tịnh kết tập, Ấn Quang Ðại Sư giám định.
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

20. Luận về tu hành, xử sự phải phù hợp, thích nghi:

* Đối với pháp niệm Phật phải tùy theo sức lực của mỗi người; tùy tiện niệm ra tiếng, niệm thầm, niệm lớn tiếng, niệm nhỏ tiếng, không cách nào là chẳng được, lẽ nào cứ một mực niệm lớn tiếng đến nỗi tổn hơi thành bệnh vậy? Căn bệnh nặng của ông do khí bị thương tổn mà ra nhưng thật sự là do nghiệp lực từ vô lượng kiếp biến hiện.

Do ông tinh tấn niệm Phật nên chuyển hậu báo thành hiện báo, chuyển báo nặng thành báo nhẹ. Chẳng biết là do căn bệnh này sẽ tiêu được tội tam đồ ác đạo trong bao nhiêu kiếp số. Phật lực khó nghĩ lường, Phật ân khó báo, hãy nên sanh lòng vui mừng, nghĩ mình may mắn lớn lao, sanh lòng tin trong sạch lớn lao, dùng một pháp Tịnh Độ tự hành, dạy người, mong sao quyến thuộc trong nhà cùng hết thảy những ai hữu duyên cùng sanh Tây Phương thì mới chẳng phụ căn bệnh này, mới khỏi phụ ân Phật vì mình hiện thân vậy!

* Học Phật phải chuyên lấy việc tự liễu ngộ làm chánh, nhưng cũng phải tùy phần, tùy sức làm các công đức. Phải là người có sức lớn lao mới hòng triệt để buông xuống, triệt để đề khởi được. Người căn cơ trung hạ nếu không làm gì hết sẽ liền thành biếng nhác, trây lười, đã chẳng hiểu đúng tự lợi mà đối với việc lợi người cũng gác bỏ hết, trở thành cái tệ như Dương Tử “dù nhổ một cái lông làm lợi cho người khác cũng chẳng chịu làm”1. Vì thế phải hành cả hai pháp hỗ trợ cho nhau, nhưng chú trọng vào mặt tự lợi.

Cũng đừng hiểu lầm lời cư sĩ Nhị Lâm (Bành Tế Thanh). Hiểu lầm thì đắc tội với ông Nhị Lâm chẳng nhỏ. Ý của Bành Nhị Lâm là chuyên chú tự lợi, chứ chẳng phải là phế sạch việc tùy phần, tùy sức dạy người tu theo pháp môn Tịnh Độ đâu! Việc lợi người chỉ có hàng Bồ Tát mới gánh vác nổi; ngoài ra, ai dám nói những lời lẽ lớn lao ấy! Người căn cơ trung hạ tùy phần, tùy sức làm việc lợi người mới phù hợp với đạo lý tu hành tự lợi, bởi lẽ pháp môn tu hành có lục độ vạn hạnh. Tự mình chưa độ thoát thì việc lợi người vẫn thuộc về tự lợi, nhưng chẳng thể chuyên chú vào hình thức bề ngoài mà làm.

* Người tu hành thật sự thì dính vào chuyện khác làm chi? Chỉ vì do chưa thể buông cả toàn thân xuống, cắt đứt vạn duyên được thì chẳng ngại gì đeo đẳng trong lòng để vớt vát lấy một nửa mà thôi.

* Niệm Phật tuy trọng chí thành, thanh khiết, nhưng nếu bệnh nhân không đủ sức thì cứ giữ lòng chí thành thầm niệm, hoặc niệm ra tiếng, công đức vẫn giống hệt như vậy. Bởi lẽ, Phật từ rộng lớn, như cha mẹ lúc thấy con cái bệnh khổ, ắt chẳng nệ vào những nghi thức lúc bình thường để trách móc gì, lại còn đến vỗ về, xoa nắn thân thể con, rửa sạch những dơ bẩn. Nếu con bệnh đã lành mà vẫn đối xử với cha mẹ hệt như lúc còn đang bệnh thì sẽ bị sét đánh vậy!

* Lập thân, xử thế, gìn lòng thì dù là ngu hay hiền đều phải cung kính, chẳng sanh lòng ngạo mạn. Hành sự thì thân hiền, xa ngu, giữ ưu, bỏ kém. Như thế sẽ tránh khỏi cái tệ lây phải tính xấu, cũng như giữ cho mình khỏi bị lầm lạc. Chuyện thiên hạ có cái lý nhất định, nhưng không có pháp nhất định. Nếu chẳng dựa vào sự tình để định đoạt, như chấp chết vào toa thuốc để trị biến chứng thì người sống sẽ ít, kẻ chết lại nhiều. Phải tình hợp với lý, pháp phù hợp sự thì mới nên!

* Thiên hạ vạn sự có cái lý nhất định, nhưng khi gặp chuyện phải vận dụng cái lý nhất định để hành xử sao cho thích nghi, lý phù hợp cùng quyền, pháp tương ứng với đạo thì mới nên!

* Phật pháp phải tùy theo căn tánh mỗi người mà thực hiện, chẳng thể chấp chặt vào quy cách truyền bá thông thường. Nếu trái nghịch căn cơ sẽ khiến người ấy bị mất lợi ích liễu sanh thoát tử thù thắng; cốt sao người ấy phải tự lượng được căn tánh để tu trì [sao cho thích hợp].

* Vào thời Phật pháp hưng thạnh dưới các triều Đường, Tống, người tại gia phần nhiều dùng cách hỏa táng; nhưng [nay] nên thuận theo thói tục chôn cất, vì sợ kẻ câu nệ luận bàn quàng xiên, chứ thật ra thiêu thì gọn gàng hơn. Qua bốn mươi chín ngày hãy thiêu là ổn thỏa. Còn chôn thì qua nhiều năm, rất có thể hài cốt bị phơi bày. Cái lệ ba năm tang chế chẳng dùng đến lễ nhạc cố nhiên phải tuân thủ.

Trước đời Thanh, quan văn có thể xin nghỉ cư tang, quan võ chẳng được phép nghỉ cư tang bởi việc quân chẳng thể xao nhãng được nên chẳng để tang. Bây giờ thạnh hành quan niệm “bỏ thói thường là bất hiếu”, dù giữ đúng thời gian tang chế vẫn còn bị chê trách nữa là. Chúng ta nên theo đúng cổ lễ, nhưng phải châm chước mà làm theo, tuy chẳng thể biến cải ngay, nhưng đừng có quá câu nệ là được!

* Liên xã mới mở phải có quy chế nhất định, nữ nhân tuyệt đối chẳng được tham dự liên xã, đừng bắt chước nơi khác buông tuồng chẳng thúc liễm đến nỗi một pháp chẳng lập, trăm mối tệ chen chúc nảy sanh. Rất quan trọng, rất quan yếu đấy!

* Trộm nghĩ thế đạo nhân tâm hiện thời suy sụp đến cùng cực. Lại còn phung phí quốc khố, so với trước kia thuế má nặng hơn gấp mấy lần, mọi thứ đắt đỏ, dân không lẽ sống. Tai trời vạ người giáng xuống liên tiếp. Gặp phải thời buổi này, muốn hoằng dương đạo pháp chỉ còn cách khuyên những người tìm đến học hãy học lấy yếu nghĩa nhà Phật.

Với cha nói Từ, với con nói Hiếu, anh nhường em kính, chồng xướng vợ theo, ai nấy trọn hết bổn phận để làm nền tảng [cho việc học đạo]. Ngoài ra, còn phải giữ lòng thành, chuyên chú lòng kính, khắc kỷ, giữ lễ, hiểu nhân rõ quả, mong thoát khỏi luân hồi, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Dù thiên tư cao đến cách mấy cũng phải y theo đây mà hành.

Ngoài ra, những khi có thời gian, có sức thì nghiên cứu hết thảy kinh luận cũng chẳng trở ngại gì. Cốt sao tùy phận tu trì trong chính gia đình mình thì chẳng cần gì phải cất dựng phòng ốc cho nhiều, lại phải sắp đặt nhiều nhân viên, đây kia qua lại càng phí thời gian. Đấy chính là cách tương kế tựu kế để hoằng pháp bậc nhất trong hiện tại vậy.

* Muốn cầu vãng sanh hãy nên buông bỏ thế gian này cũng như buông bỏ cái tâm cuồng vọng quá phận mong độ thoát chúng sanh giống như Bồ Tát. Tu cho chính mình chính là điều Bồ Tát phải làm đầu tiên. Nếu chính mình còn là phàm phu, lại toan đảm nhiệm việc ấy thì chẳng những chẳng thể độ người mà còn chẳng thể tự độ nữa! Không ít thiện tri thức thế gian mắc phải bệnh này, nhưng cứ cho là mình có tâm Bồ Tát. Phải biết rằng: [nếu có] tâm ấy, phải cầu vãng sanh trước đã thì mới có lợi ích. Nếu mình là Bồ Tát thì chẳng cầu vãng sanh còn được, chứ nếu không thì tai hại chẳng nhẹ. Tâm cuồng vọng quá phận chính là chướng ngại lớn nhất đối với việc tu hành. Chẳng thể chẳng biết điều này.

* Trong lúc kiếp trược thời loạn này, lẽ tất nhiên phải đề xướng nhân quả báo ứng và pháp môn Tịnh Độ mới hòng có lợi ích thật sự. Những kẻ ham cao chuộng trội kia chỉ sợ những pháp ấy mà được đề xướng thì tiếng tăm, giá trị của họ sẽ bị hủy hoại, nên thà để người khác chẳng hiểu, chứ chẳng chịu xuôi theo môn phong của chúng ta.

Hãy thử hỏi họ: Đối với những vật bên ngoài dùng để điều dưỡng sanh mạng, có thể nào cứ cố chấp vào một pháp chẳng chịu biến đổi cho thông suốt hay chăng? Mùa Hạ dùng sắn dây, mùa Đông khoác áo cừu, đói thì ăn, khát thì uống. Mỗi ngày còn phải chọn lấy những điều thích nghi; thế mà đối với việc hoằng dương đạo pháp thì lại bất trí chẳng hợp lẽ như việc dưỡng sanh, vẫn còn bảo là thật sự muốn làm cho người khác được lợi lạc nữa ư?

* Sáng lập liên xã ắt phải thanh tịnh, thơm sạch, chủ nhân ắt phải cung kính chí thành, chẳng thể là hạng người ngạo mạn, mà cũng chẳng thể là người thiếu khí tượng, đức độ. Đối với mọi người đến tham dự đều phải đối đãi ôn hòa, cung kính, khiêm tốn. Lúc chưa niệm Phật cũng như lúc niệm Phật xong, đều chẳng được bàn chuyện nhà, có những yếu nghĩa nào đáng bàn luận, trình bày thì hãy bàn. Nếu không ai nấy trở về chỗ mình. Những ai quá nhỏ tuổi hãy nên tự niệm ở nhà. Nếu thường đến liên xã, ở gần thì còn tạm được, chứ nếu đường xa, chỉ e nảy ý ham vui bên ngoài, chẳng thể không cẩn thận. Lập liên xã bất quá chỉ là đề xướng trong địa phương mà thôi, phải lấy việc niệm Phật tại gia là chính.

* Người học Phật trước hết phải biết nhân quả, dè dặt, cẩn trọng mà xử sự. Nếu đã có thể dè dặt, cẩn trọng thì tà niệm sẽ tự tiêu, chẳng đến nỗi làm điều chẳng đúng pháp. Nếu trót làm, phải cực lực đoạn diệt thì mới là tu hành chân thật. Nếu không, học một đường làm một nẻo, tri kiến càng cao, hành vi càng tệ. Đây chính là căn bệnh đã lậm vào xương tủy của những kẻ học Phật tự xưng là bậc thông gia ngày nay. Nếu có thể luôn lấy việc tránh lỗi lầm làm điều mong mỏi thì cứ học một phần sẽ được một phần lợi ích thật sự.